Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Biển Đông, biết giặc để ta tìm cách đối phó/ GsTS Nguyễn Minh Thuyết

GS Thuyết: Lật tẩy mặt nạ và 6 điểm yếu chết người của Trung Quốc

- Chuyên mục

Có thể bạn quan tâm
 Đó là ý kiến mở đầu của GS. Nguyễn Minh Thuyết cho những phân tích toàn diện về các điểm yếu của Trung Quốc.
Được biết đến không chỉ với những phát biểu mạnh mẽ trên nghị trường về các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước mà còn là một học giả có uy tín, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có những nhận định rất sắc sảo về tình hình Biển Đông cũng như về Trung Quốc trong thời điểm hiện nay.
Hình ảnh GS Thuyết: Lật tẩy mặt nạ và 6 điểm yếu chết người của Trung Quốc số 1
GS, TS. Nguyễn Minh Thuyết - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Ảnh: Nguyễn Hưng/VNE)
ADVERTISEMENT
<>Nguy cơ và những bài học lịch sử đối với Việt Nam
Nhận định về tình hình hiện nay, GS Nguyễn Minh Thuyết nói: “Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước ta đang đứng trước thử thách rất lớn bởi tham vọng bành trướng của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Từ lâu, họ đã thực hiện đường lối nhất quán xưng hùng xưng bá ở Biển Đông. Có thể nói là họ đã làm được nhiều việc: Một mặt tích cực tuyên truyền nhằm kích động tinh thần dân tộc của người trong nước, đồng thời công khai hoặc ngấm ngầm đưa ra những thông tin xuyên tạc nhằm tác động vào dư luận quốc tế theo hướng có lợi cho họ và trên thực tế cũng đã có những tổ chức khoa học và cơ quan truyền thông nước ngoài nhầm tưởng về chuyện này.

Mặt khác, họ cũng đang khẩn trương hiện đại hóa quân đội và hải quân với việc đóng tàu sân bay, tàu ngầm, lập căn cứ hải quân trên Biển Đông... Họ cũng làm nhiều động tác để chứng tỏ chủ quyền tại nơi họ gọi là “đường lưỡi bò”, biến vùng biển không có tranh chấp thành vùng biển có tranh chấp, gây ra những vụ khiêu khích, xung đột bộ phận để lôi kéo sự chú ý của dư luận và thăm dò phản ứng của các nước có liên quan…
Hình ảnh GS Thuyết: Lật tẩy mặt nạ và 6 điểm yếu chết người của Trung Quốc số 2
Đảo Trường Sa Lớn (quần đảo Trường Sa) nhìn từ trên cao
Về mặt kinh tế, hiện nay, trên 90% các gói thầu lớn của Việt Nam đều rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. Họ đưa hàng chục ngàn lao động sang Việt Nam và những khu vực sát sườn Việt Nam. Thương lái Trung Quốc xuôi ngược khắp nơi, từ Bắc chí Nam, cài cắm cả ở những vùng biển nhạy cảm.

Đây là tình thế rất nguy hiểm. Nếu chúng ta không đánh giá đúng mức tình thế này thì nguy cơ là rất cao. Trung Quốc mà áp đặt  được “đường lưỡi bò” trên Biển Đông thì Biển Đông chỉ còn là “cái ao”, và biển của chúng ta sẽ trở thành cổ tích với các thế hệ mai sau”.
GS Thuyết phân tích: “Chúng ta cần nhớ những bài học thất bại trong lịch sử nước nhà. Điểm lại từ buổi đầu dựng nước đến giờ, Việt Nam ta đã ba lần mất nước, rơi vào vòng nô lệ của ngoại bang.
Lần thứ nhất vào thời An Dương Vương, mà nguyên nhân là mất cảnh giác, đem giặc vào nhà. Từ đó, nước ta rơi vào vòng nô lệ phương Bắc suốt 1000 năm (từ năm 179 tr. CN đến năm 938). Lần thứ hai mất nước là vào thời nhà Hồ. Hồ Quý Ly có tài nhưng không được lòng dân nên mới lập ra triều Hồ được 7 năm thì nước mất vào tay giặc Minh. Lần đô hộ này kéo dài chẵn 20 năm (1407 – 1427).
Lần thứ ba mất nước là vào thời Nguyễn. Khiếp nhược trước sức mạnh của giặc ngoại xâm, nhà Nguyễn không những không cho quân dân ta đánh Pháp mà còn đem quân triều đình đi “dẹp loạn”. Đó là lần mất nước do triều đình hèn nhát, sợ dân hơn sợ giặc, khiến nước ta trở thành thuộc địa của thực dân (1884 – 1945).
Đó là những bài học đắt giá cho chúng ta hôm nay. Chúng ta phải luôn mài sắc tinh thần cảnh giác, không vì bất kỳ lý do nào để người ngoài “ru ngủ” dẫn đến tình thế khó gỡ của An Dương Vương. Về đối nội thì phải khoan sức dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Phải làm cho mỗi người Việt Nam thấm nhuần chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và tin tưởng vào sức mạnh Việt Nam trong cuộc đấu tranh thiêng liêng bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ".
<>Những điểm yếu chết người của Trung Quốc
Nói về mặt mạnh, mặt yếu của Trung Quốc, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Trung Quốc có dân số đông, vũ khí nhiều, GDP đứng thứ 2 trên thế giới, là uỷ viên thường trực HĐBA Liên hợp quốc, được nhiều nước nể nang vì có một thị trường tiêu thụ rộng lớn. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có những điểm yếu chết người”.
Thứ nhất, theo GS Thuyết, dân số Trung Quốc đông nhưng do thực hiện chính sách mỗi gia đình một con nên đông mà không mạnh. Chỉ cần chịu một tổn thất lớn về người trong một trận chiến thôi, cả nước sẽ rung chuyển và sức chiến đấu sẽ bị suy yếu một cách nhanh chóng.
Thứ hai, “về kinh tế, GDP của Trung Quốc đứng thứ 2 sau Mỹ và trên cả Nhật. Nhưng chất lượng GDP rất thấp, GDP bình quân đầu người lại càng thấp. Sẽ chẳng ai dám nói rằng chất lượng nền kinh tế của Trung Quốc cao hơn Nhật Bản. Thậm chí, còn thua cả Hàn Quốc. Thêm nữa, nền kinh tế phát triển nhanh và nóng dẫn đến nguy cơ phát triển thiếu bền vững.
Hình ảnh GS Thuyết: Lật tẩy mặt nạ và 6 điểm yếu chết người của Trung Quốc số 3
Dù GDP của Trung Quốc đứng thứ 2 thế giới nhưng chất lượng kinh tế của Trung Quốc lại thấp
Thứ ba, về mặt xã hội, sự phân hóa giàu nghèo giữa các đối tượng và các vùng khác nhau ngày càng gia tăng khiến nội bộ Trung Quốc ngày càng trở nên bất ổn.
Thứ tư, vấn đề dân tộc tại Trung Quốc cũng đang chứa đựng sự bất ổn thường xuyên. Nóng nhất, tiềm ẩn nguy cơ lớn nhất là ở các vùng Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông. Đây là vấn đề khiến chính quyền Trung Quốc phải dành sự quan tâm đặc biệt và xếp vào hàng “lợi ích cốt lõi”. Nếu tranh chấp Biển Đông biến thành chiến tranh kéo dài thì bất ổn nội bộ càng có điều kiện bùng phát, dẫn đến hệ quả khó lường.
Thứ năm, về mặt quân sự, Trung Quốc là nước sở hữu vũ khí hạt nhân. Nhưng trong bối cảnh quốc tế hiện nay, việc sử dụng vũ khí hạt nhân là điều gần như không thực hiện được, nhất là trong điều kiện Trung Quốc đã ký hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Trung Quốc đã trải qua gần 60 năm không có chiến tranh ngoài những cuộc chiến nhỏ ở biên giới nên kinh nghiệm chiến đấu cũng là một vấn đề lớn của quân đội.

Vũ khí nhiều nhưng xét về độ chính xác, hiện đại thì không thể so với Nga và các nước phương Tây. Mà vũ khí thì nước nào cũng có thể bỏ tiền ra mua những vũ khí hiện đại nhất, chỉ trừ bom hạt nhân.

Thứ sáu, về mặt pháp lý, căn cứ xác nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa rất yếu. Đường lưỡi bò lại càng phi lý. Nếu có căn cứ pháp lý vững thì chắc chắn Trung Quốc đã chấp nhận thách thức của một số nước liên quan đưa ra Toà án công lý quốc tế rồi.

Trên trường quốc tế, họ vướng phải thái độ e dè của các nước trên thế giới nhất là đối với châu Phi sau khi các nước tại lục địa này nhận được những khoản hỗ trợ rất hào phóng từ Trung Quốc. Chính sự tham lam cùng với một ý đồ bá quyền đã lật tẩy mặt nạ của họ trước cộng đồng quốc tế.”.

<>Trung Quốc đang lo ngại nhất điều gì?
Theo ông Thuyết, Trung Quốc còn đang phải tính toán thêm để không bộc lộ mưu đồ bá quyền một cách “quá đáng”, trái với lời dặn của Đặng Tiểu Bình: “nép mình chờ thời”, “nhất quyết không đi đầu” khi chưa thực sự đủ mạnh. Thể hiện tham vọng quá sớm không khác gì Cao Biền dậy non, sẽ bị các nước đề phòng, ghẻ lạnh, tẩy chay và bị các cường quốc chèn ép.

Thực tế cho thấy cùng với sự thể hiện tham vọng quá rõ của Trung Quốc ở Biển Đông, nước Mỹ đang xuất hiện trở lại khu vực này và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Trước tình hình đó, Trung Quốc không thể gây căng thẳng với các nước trong khu vực mà không làm cho họ xích về phía Mỹ. Đó là điều cho đến nay vẫn ngăn trở Trung Quốc có những hành động mạnh hơn.
Hình ảnh GS Thuyết: Lật tẩy mặt nạ và 6 điểm yếu chết người của Trung Quốc số 4
Ông Nguyễn Minh Thuyết: "Trung Quốc còn đang phải tính toán thêm để không bộc lộ mưu đồ bá quyền một cách “quá đáng”, trái với  lời dặn của Đặng Tiểu Bình: “nép mình chờ thời”, “nhất quyết không đi đầu” khi chưa thực sự đủ mạnh". 
Theo ông Thuyết, một lý do nữa khiến Trung Quốc khó có thể có những hành động mạnh hơn là vì nếu chiến tranh nổ ra trên biển Đông thì con đường vận chuyển 60% lượng dầu mỏ phục vụ cho nền kinh tế khồng lồ của nước này sẽ trở nên thiếu an toàn. Thiếu dầu mỏ, nền kinh tế của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Còn nếu Trung Quốc định chiếm các đảo của nước khác thì dù có chiếm được cũng không giữ nổi vì các đảo ở quá xa nước này, trong khi lại rất gần Việt Nam và các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền.

“Thời gian tới đây, chúng ta phải tăng cường công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo. Tôi biết hiện nay trong sách giáo khoa lịch sử của chúng ta, phần thông tin về các quần đảo và chứng cứ pháp lý về chủ quyền của ta tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn quá ít. Đó là thiếu sót của chúng ta. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần khắc phục ngay hạn chế này.

Thêm nữa, những diễn biến trên Biển Đông phải được thông tin đầy đủ, thường xuyên tới người dân để tăng cường nhận thức chung cho công dân về chủ quyền lãnh thổ trên biển.

Ngoài ra, chúng ta nên tin vào thái độ của nhân dân. Đó là một sự hỗ trợ đắc lực cho Nhà nước trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Sự phản đối mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân sẽ làm Trung Quốc phải chùn tay", ông Nguyễn Minh Thuyết gửi gắm những điều tâm huyết của mình và hẹn chúng tôi quay trở lại đề tài này khi có dịp. 
Nguồn : Giáo dục Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét