Xuân Diệu là một nhà thơ lớn. Nhiều người đã viết về ông
và nhiều nhất là về thơ tình của ông. Nhưng trong thơ tình của Xuân
Diệu, những đối tượng nào được ông yêu thì hình như chưa có ai bàn đến.
Trong khi, đó lại chính là điểm hứa hẹn nhiều chuyện thú vị.
Chúng ta nên biết là suốt đời Xuân Diệu không có vợ,
không có con. Ông sống độc thân cho đến lúc mất, vào năm 1985, lúc 69
tuổi. Trong bài 'Khung cửa sổ', Xuân Diệu tả cuộc sống của mình như sau:
Anh có nhà, có cửa
Nhưng không vợ, không con
Sợ cái bếp không lửa
Sợ cái cửa không đèn.
Những đêm đi xa về
Tận xa nhìn cửa đóng
Không ánh sáng đón mình
Chẳng có ai trông ngóng.
Cảm giác ngậm ngùi mỗi lần nói đến chuyện tình yêu đã
xuất hiện trong thơ Xuân Diệu ngay trước năm 1945, lúc Xuân Diệu còn là
một thanh niên. Lúc đó, khi nhìn những người đẹp, ông đã chua chát tự
nhủ thầm:
Ta thấy em xinh khẽ lắc đầu
Bởi vì ta có được em đâu.
Cũng có khi ông trách móc:
Lòng ta là một cơn mưa lũ
Đã gặp lòng em là lá khoai.
Mưa biếc tha hồ tuôn giọt ngọc
Lá khoai không ướt đến da ngoài.
Những cảm giác như vậy xuất hiện nhiều lần trong thơ Xuân
Diệu. Có thể nói là mặc dù rất đa tình, Xuân Diệu ít khi được thoả mãn.
Lý do chính của tình trạng này có thể làm nhiều người kinh ngạc: Xuân
Diệu là một người đồng tính luyến ái.
Ở Hà Nội, trong giới quen biết với Xuân Diệu, hình như đã
có nhiều người biết chuyện này. Tuy nhiên, ít ai dám công khai nói ra,
có lẽ vì sợ cái uy thế của Xuân Diệu và của Huy Cận. Người đầu tiên dám
đề cập đến chuyện này một cách công khai chính là Tô Hoài trong cuốn Cát bụi chân ai xuất bản năm 1993 tại Hà Nội. Tô Hoài kể, trước năm 1945, ông được gặp Xuân Diệu vài lần, lần nào cũng diễn ra cái cảnh:
Xuân Diệu và Huy Cận lên Nghĩa Đô, ở chơi cả
buổi và ăn cơm. Dịu dàng, âu yếm, Xuân Diệu cầm cổ tay tôi, nắm chặt
rồi vuốt lên vuốt xuống. Bốn mắt nhìn nhau đắm đuối. Xuân Diệu gắp thức
ăn cho tôi. Cử chỉ thân thiết quá, hơi lạ với tôi, nhưng mà tôi cảm
động. Tôi sướng mắt nhìn tập thơ Thơ thơ khổ rộng nhà in Trung Bắc phố Hàng Buồm. Hai chữ Xuân Diệu nét chì sắc gọn, không phải chữ gỗ dẹp đét.
Thỉnh thoảng, Xuân Diệu lại lên nhà tôi. Vẫn nắm tay cả buổi, nhìn tha thiết. Xuân Diệu yêu tôi. (tr. 168-69)
Cũng trong cuốn hồi ký này, Tô Hoài kể là trong thời kỳ
kháng chiến chống Pháp, lúc ở căn cứ Việt Bắc, hằng đêm Xuân Diệu hay
sang giường các bạn trai của ông để tỏ tình, âu yếm. Các bạn trai của
ông rất sợ, vì vậy cứ đêm đến là họ...đi tị nạn sang các nhà khác, không
ai dám ở chung với Xuân Diệu:
Mọi công việc cơ quan lặng lẽ, nhưng cứ tối
đến thì nháo lên, nháo lên một cách âm thầm. Các chàng trai trẻ vào ngủ
lang trong xóm. Thằng Đại trắng trẻo, mũm mĩm thì biến là phải. Nhưng cả
thằng Nghiêm Bình cao to hiên ngang thế, tối cũng lẳng lặng vác cái ghi
ta đi. Bốn bên lặng lẽ như tờ. (tr. 171)
Mặc dù Tô Hoài đã được Xuân Diệu vuốt tay và nhìn đắm
đuối trước năm 1945 như ông đã kể, nhưng hình như ông cũng chưa hiểu hết
mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Cho nên đêm đầu tiên ghé lại khu văn
nghệ sĩ ở căn cứ địa Việt Bắc, ông đã an nhiên ngủ lại trong căn nhà này
chung với Xuân Diệu. Nửa đêm, lúc ông đang ngủ mê, thì:
Bàn tay ma ở đâu sờ vào. Không phải. Tay
người, bàn tay người đầy đặn, ấm ấm. Hai bàn tay mềm mại xoa lên mặt lên
cổ rồi xuống dần xuống dần [...].
Trời rạng sáng. Xuân Diệu trở về màn mình
lúc nào không biết. Tôi he hé mắt nhớ lại những hứng thú khủng khiếp.
Những cảm giác nồng nàn kích thích trong bóng tối đã trơ ra khi sáng
bạch. Tôi chạy xuống cánh đồng giữa mưa. (tr. 170)
Cuối cùng, khi chuyện vỡ lỡ, tổ chức đem Xuân Diệu ra kiểm thảo. Tô Hoài viết tiếp:
Cuộc kiểm điểm Xuân Diệu kéo dài hai tối.
Hồi ấy chưa biết phương pháp chỉnh huấn, nhưng hàng ngày chúng tôi làm
việc giờ giấc nghiêm ngặt, mỗi tổ buổi chiều trước giờ tăng gia lại hội ý
rút kinh nghiệm, hướng sửa chữa và công việc ngày mai của từng người.
Cả cơ quan họp đến khuya. Chỉ có ông Phan Khôi lên buồng vẫn mắc màn sẵn
đi ngủ từ chặp tối, bỏ ngoài tai mọi việc.
Xuân Diệu chỉ ngồi khóc, chẳng biết Nam Cao,
Nguyễn Huy Tưởng, Trọng Hứa, Nguyễn Văn Mãi, cả lão Hiến, thằng Nghiêm
Bình, thằng Đại và mấy thằng nữa, có ai ngủ với Xuân Diệu không, nhưng
cũng không ai nói ra. Tôi cũng câm như hến. Lúc rồ lên, trong đêm tối
quyến rũ, mình cũng điên kia mà. Không nói cụ thể việc ấy, nhưng ai cũng
to tiếng gay gắt “tư tưởng tư sản, phải chừa đi.” Xuân Diệu nức nở
“tình trai của tôi... tình trai” rồi nghẹn lời, nước mắt lại ứa ra.
Ít lâu sau, trong một cuộc họp ban chấp
hành, Xuân Diệu bị đưa ra khỏi ban thường vụ. Và cũng thành một cái nếp
kéo dài, từ đấy không ai nhắc nhở đến những việc chủ chốt trước kia Xuân
Diệu đã phụ trách. Bỗng dưng, Xuân Diệu thành một người hiếm thì giờ
chỉ chuyên đi viết. Mà Xuân Diệu cũng tự xa lánh mọi công tác. (tr.
171-2)
Đó là chuyện ngoài đời. Chuyện này tuy có thể thoả mãn óc
tò mò của chúng ta, tuy nhiên nó lại không đáng bàn và cũng không nên
bàn nhiều. Dù sao nó cũng là chuyện riêng tư và chúng ta có bổn phận
phải tôn trọng chuyện riêng tư đó. Điều đáng nói hơn là chúng ta thử tìm
những biểu hiện đồng tính luyến ái trong thơ của Xuân Diệu.
Trong đoạn hồi ký trên, Tô Hoài có nhắc đến chi tiết:
Xuân Diệu nức nở nói về 'tình trai' của mình. Tình trai là tình giữa hai
người con trai với nhau. Chữ 'tình trai' gợi cho chúng ta nhớ, trong
tập Thơ thơ, tác phẩm đầu tay xuất bản năm 1938 của Xuân Diệu, có một bài thơ nhan đề là ‘Tình trai’ như sau:
Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine
Hai chàng thi sĩ choáng hơi men
Say thơ xa lạ, mê tình bạn
Khinh rẻ khuôn mòn, bỏ lối quen.
...
Kể chi chuyện trước với ngày sau
Quên ngó môi son với áo màu
Thây kệ thiên đường và địa ngục
Không hề mặc cả, họ yêu nhau.
Bài thơ viết về chuyện hai nhà thơ Rimbaud và Verlaine
của Pháp nhưng qua đó ngụ ý của Xuân Diệu là nói đến chuyện của mình.
Yêu bạn trai, ông quên cả chuyện “ngó môi son với áo màu”, tức là phụ
nữ. Mối tình trai này tha thiết đến độ “Thây kệ thiên đường và địa ngục /
Không hề mặc cả, họ yêu nhau.”
Cũng trước năm 45, Xuân Diệu có bài thơ nhan đề là ‘Tặng bạn bây giờ’:
Ta biết ngày mai em có vợ
Đi làm hai bữa, tối về thăm
Cơm xong, chén nước chờ bên cạnh;
Em bế thằng con được mấy năm.
Chỉ mấy năm thôi, đủ phận chồng
Chàng trai tơ mởn đã thành ông
Không còn mộng dễ ngày tươi trẻ
Mắt sáng phai rồi, má hóp không.
Em ngồi trông vợ thấy nàng tiên
Là một người thôi, mộng hão huyền
Ta bước bên đường kêu gọi mãi
Nhớ người bạn cũ thuở anh niên.
Em nghe tê tái dưới hàng mi
Tiếc thuở say nồng, nhớ bạn si
Khép mắt buồn xa, em sẽ bảo:
- Có chàng Xuân Diệu thuở xưa kia...
Từ trước đến nay, đọc bài thơ trên, ít ai chú ý đó là bài
thơ tả mối tình của một người đồng tính luyến ái. Người được tác giả
gọi bằng em một cách tha thiết lại là một người con trai. Nhà thơ yêu
người con trai đó và ghen tức trước viễn tượng là một ngày kia người con
trai sẽ lấy vợ “Ta biết ngày mai em có vợ.”
Sau này, có thời gian Xuân Diệu sống hẳn với một thanh
niên tên là Hoàng Cát. Ông làm bài ‘Đời anh em đã đi qua’ tả lại quãng
đời hạnh phúc này:
Đời anh em đã đi qua
Sáng thơm như một luồng hoa giữa đời
Hiểu làm sao hết, em ơi
Bốn năm kỳ diệu đất trời nhờ em
Ngôi nhà, cánh cổng, trái tim
Khóm cây, con mắt ngày đêm đón mừng.
Em đi, anh ngóng trông chừng
Anh về, miệng đã gọi lừng: em ơi !
Bữa ăn thành một hội vui
Có em gắp với, rau thôi cũng tình
Cảnh thường cũng hoá ra xinh
Có em, anh hết nghĩ mình bơ vơ ...
Khi Hoàng Cát đi bộ đội rồi phải rời Hà Nội vào chiến
trường miền Nam, Xuân Diệu làm bài thơ đưa tiễn đầy nước mắt nhan đề là
‘Em đi’ với lời đề “Tặng Hoàng Cát” như sau:
Em đi, để tấm lòng son mãi
Như ánh đèn chong, như ngôi sao.
Em đi, một tấm lòng lưu lại
Anh nhớ thương em, lệ muốn trào.
Ôi Cát! Hôm vừa tiễn ở ga
Chưa chi ta đã phải chia xa !
Nụ cười em nở, tay em vẫy
Ôi mặt em thương như đoá hoa.
Em hỡi! Đường kia vướng những gì
Mà anh mang nặng bước em đi
Em ơi, anh thấy như anh đứng
Ôm mãi chân em chẳng chịu lìa.
Nhưng bóng em đi khuất rồi,
Đứa lìa khúc ruột của anh thôi!
Tình ta như mối dây muôn dặm
Buộc mãi đôi chân, dẫu cách vời.
Em hẹn sau đây sẽ trở về
Sống cùng anh lại những say mê
Aùo chăn em gửi cho anh giữ
Xin gửi cùng em cả hẹn thề!
Một tấm lòng em sâu biết bao
Để anh thương mãi, biết làm sao!
Em đi xa cách, em ơi Cát
Em chớ buồn, nghe! Anh nhớ, yêu...
(Đêm 11/7/1965, 23 giờ 30)
Hoàng Cát đi rồi, Xuân Diệu buồn vô cùng. Trong bài ‘Đời
anh em đã đi qua’, còn có một đoạn cuối nói đến nỗi buồn trống vắng
người yêu của Xuân Diệu:
Từ đây anh lại trong đời
Bữa ăn ngồi với một đôi đũa cầm
Giường kia một bóng anh nằm
Phòng văn một sách đăm đăm sớm chiều.
Xin nhắc lại là Hoàng Cát, người được Xuân Diệu gọi là
'em', em Cát,người em có khuôn mặt như đoá hoa, là một người con trai.
Và chúng ta thấy, dù người yêu là con trai thì tình cảm của Xuân Diệu
vẫn dạt dào và nồng cháy. Nếu chúng ta đừng để ý đến chuyện đồng tính
luyến ái của nhà thơ thì đây là một bài thơ tình rất mực đằm thắm. Nó
góp một tiếng nói tương đối đẹp vào kho tàng thơ tình vô cùng giàu có
của Xuân Diệu.
⊆
Một vấn đề khác cũng rất quan trọng là: ai cũng biết
người bạn thân nhất của Xuân Diệu là Huy Cận. Chúng ta không thể không
thắc mắc: nếu Xuân Diệu là người đồng tính luyến ái, vậy thì Huy Cận là
người như thế nào?
Chúng ta nên biết là Huy Cận có hai đời vợ, mà người vợ
trước không ai khác hơn là chính em gái ruột của Xuân Diệu. Tuy nhiên,
cái chuyện Huy Cận có vợ, một hay hai đời vợ cũng vậy, không có ảnh
hưởng gì đến cái kết luận có thể có: ông cũng là một người đồng tính
luyến ái, hoặc ít nhất là lưỡng tính luyến ái (bisexual).
Một điều nữa chúng ta cũng cần biết là suốt đời, lúc nào
Xuân Diệu và Huy Cận cũng ở bên nhau, như hình với bóng. Từ giữa thập
niên 30, họ đã chơi thân với nhau, khi cả hai còn là học sinh trung học.
Lúc nào họ cũng cặp kè bên nhau. Trừ khoảng thời gian Xuân Diệu phải đi
làm việc ở Mỹ Thọ, họ sống chung với nhau một nhà. Có thời gian, từ năm
1939 đến 1940, Xuân Diệu và Huy Cận sống tại số 40 phố Hàng Than, Hà
Nội. Hai người sống trên gác, phía dưới là vợ chồng nhà thơ Lưu Trọng
Lư. Rồi đến thời kháng chiến chống Pháp, họ cũng quanh quẩn với nhau ở
chiến khu Việt Bắc. Sau năm 1954, họ sống với nhau trong căn nhà ở số 24
Cột Cờ, sau đó đổi thành đường Điện Biên Phủ ở Hà Nội. Huy Cận và vợ
con ở trên gác, Xuân Diệu sống phía dưới. Trong một bài thơ, Huy Cận
tả:
Đêm đêm trên gác chong đèn
Cận ngồi cặm cụi viết dòng thơ bay
Dưới nhà bút chẳng ngừng tay
Bên bàn Diệu cũng miệt mài trang thơ
Bạn từ lúc tuổi còn thơ
Hai ta hạt chín chung mùa nắng trong
Ánh đèn trên gác, dưới phòng
Cũng là đôi kén nằm trong kén trời
Sáng ra gõ cửa: “Diệu ơi,
Nghe dùm thơ viết đêm rồi xem sao”.
Diệu còn ngái ngủ: “Đọc mau!
Nghe rồi, xem lại từng câu mới tường”.
Dưới nhà trên gác thông thương
Dòng thơ không dứt giữa luồng tháng năm...
Trong bài thơ, Huy Cận dùng chữ ‘hai ta’, ‘Hai ta hạt
chín chung mùa nắng trong’. Người Việt Nam không ai dùng chữ ‘hai ta’
hay ‘đôi ta’ để chỉ hai người bạn cùng phái. Cách xưng hô như vậy rất
lạ. Trong bài ‘Nửa thế kỷ tình bạn’ in trong tập Xuân Diệu, con người và tác phẩm xuất bản tại Hà Nội năm 1987, Huy Cận kể tỉ mỉ hơn về mối quan hệ giữa ‘hai ta’ đó như sau:
Tựu trường năm 1936, chúng tôi gặp nhau lần
đầu tiên ở trường tú tài Khải Định, Huế. Anh Diệu học năm thứ ba, tôi
vào học năm thứ nhất. Hai đứa đọc thơ cho nhau nghe, và ‘đồng thanh
tương ứng’, kết bạn với nhau gần như tức khắc... Tựu trường 1937, anh
Diệu ra Hà Nội học trường Luật và viết báo Ngày nay, tôi học năm thứ hai
ban tú tài... Anh Diệu và tôi viết thư cho nhau hàng tuần... Năm 1938,
tôi ra sống với Diệu ở chân đê Yên Phụ. Ở đó Diệu viết ‘Truyện cái
giường’, một số bài thơ, còn tôi thì viết ‘Buồn đêm mưa’, ‘Trông lên’,
‘Đi giữa đường thơm’ và mấy bài khác... Tựu trường năm 1939,... hai
chúng tôi cùng sống ở gác 40 phố Hàng Than, Hà Nội... Cuối năm 1940,
Diệu đi làm tham tá thương chánh ở Mỹ Tho... Chúng tôi tạm sống xa nhau,
buồn đứt ruột, hàng tuần viết thư cho nhau, có tuần hai, ba lá thư...
Hè 1942, tôi đậu kỹ sư canh nông và cuối năm bắt đầu đi làm ở Sở nghiên
cứu tầm tang. Diệu điện hỏi tôi: ‘Diệu từ chức được chưa?’, tôi điện trả
lời: ‘Từ chức ngay! Về ngay Hà Nội!’. Chúng tôi sống trên gác Hàng Bông
(số nhà 61), tiếp tục làm thơ.
Xuân Diệu và Huy Cận sống với nhau, gắn bó với nhau đến
nỗi nhà xuất bản họ lập ra hồi đó cũng mang tên là Huy-Xuân, tức là ghép
hai chữ đầu của tên hai người lại với nhau, như tên của một tình nhân
hay một cặp vợ chồng trẻ. Rồi trong bài ‘Mai sau’, Huy Cận lại giới
thiệu Xuân Diệu như người bạn thân thiết, hay đúng hơn, như một tình
nhân thân thiết của mình:
Người ta bảo bà mẹ chàng hay khóc
Chia gia tài cho con quí: lệ đau
Chàng là con một bà mẹ hay sầu
Nên trọn kiếp mắt chàng thường đẫm lệ
[...]
Chiều nay đây nửa thế kỷ hai mươi
Viết dăm câu tôi gửi lại vài người
Những thế hệ mai sau, làm bè bạn
Hỡi ai đó, có nhớ lòng Huy Cận
Gọi gió trăng mà thỏ thẻ lời trên
Rất thương yêu, xin nhớ gọi giùm tên
Rất an ủi của bạn chàng: Xuân Diệu.
Bài thơ trên đã công khai bày tỏ tình cảm của Huy Cận đối
với Xuân Diệu. Ngoài ra, bài ‘Vạn lý tình’ rất nổi tiếng của Huy Cận
cũng hé lộ một số chi tiết rất đáng chú ý:
Người ở bên này, ta ở đây
Chờ mong phương nọ, ngóng phương này
Tương tư đôi chốn, tình ngàn dặm
Vạn lý sầu lên núi tiếp mây
Nắng đã xế về bên xứ bạn
Chiều mưa trên bãi, nước sông đầy
Trông vời bốn phía không nguôi nhớ
Dơi động hoàng hôn thấp thoáng bay
Cơn gió hiu hiu buồn tiễn biệt
Xa nhau chỉ biết nhớ vơi ngày
Chiếu chăn không ấm người nằm một
Thương bạn chiều ôm, sầu gối tay.
Chi tiết đáng chú ý nhất chính là chữ ‘bạn’ được lặp lại
hai lần trong bài thơ, trong câu ‘Nắng đã xế về bên xứ bạn’ và câu
‘Thương bạn chiều hôm, sầu gối tay’. ‘Bạn’ chứ không phải là người yêu.
Chúng ta nhớ lại sự kiện khi Xuân Diệu phải đi làm việc ở Mỹ Tho, Huy
Cận sống ở Hà Nội, và lời kể của Huy Cận: "Hai đứa phải sống xa nhau,
buồn đứt ruột." Một chi tiết khác quan trọng không kém, đó là câu 'Chiếu
chăn không ấm người nằm một'. Lúc này Huy Cận còn là học trò, chưa lập
gia đình, chưa có vợ con. Người nằm chung chăn, chung chiếu với ông
không phải là vợ ông, mà chính là người bạn trai của ông. Điều này sẽ rõ
hơn, thuyết phục hơn, khi chúng ta đọc thêm bài ‘Ngủ chung’ cũng của
Huy Cận, in trong tập Lửa Thiêng, xuất bản năm 1940:
Ôi rét đêm nay mấy học trò
Ngủ chung giường hẹp, trốn bơ vơ
Cô hồn vạn thuở buồn đơn chiếc
Có lẽ đêm nay cũng ngủ nhờ.
Lạnh lùng biết mấy tấm thân xương!
Ân ái xưa kia kiếp ngủ giường.
Đâu nữa tay choàng làm gối ấm,
Còn đâu đôi lứa chuyện canh sương
Trốn tránh bơ vơ, chạy ngủ lang,
Hồn ơi! có nhớ giấc trần gian
Nệm là hơi thở, da: chăn ấm,
Xương cọ vào xương bớt nỗi hàn?
Bài thơ tả cảnh ngủ chung của học trò cùng phái tính,
giữa những người bạn trai với nhau. Ở Việt Nam, đó là chuyện bình
thường. Nhưng chúng ta hãy để ý kỹ: cả ngôn ngữ lẫn cảm xúc trong bài
thơ này lại thấp thoáng những dấu hiệu không bình thường, chẳng hạn như
chuyện ‘ân ái’: 'Ân ái xưa kia kiếp ngủ giường'; rồi ‘đôi lứa’: 'Còn đâu
đôi lứa chuyệän canh sương', Rồi chuyện ‘nệm là hơi thở’, ‘da là chăn
ấm’, rồi chuyện ‘xương cọ vào xương’, v.v... Đọc kỹ bài thơ, chúng ta
thấy ngay tính chất không bình thường của nó. Có lẽ, cùng với bài ‘Tình
trai’ và bài ‘Em đi’ của Xuân Diệu, bài ‘Ngủ chung’ này của Huy Cận là
những bài thơ tiêu biểu nhất cho chuyện đồng tính luyến ái trong thơ
Việt Nam.
|