Mời quý bạn đọc thơ HXH viết về thân phận người phụ nữ xưa:
Bài số 46/ sách Nhớ Bóng Trăng Xưa/ Ngân Triều biên khảo
*
Bài số 46/ sách Nhớ Bóng Trăng Xưa/ Ngân Triều biên khảo
*
ảnh mh, Google Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom, Oán hận trông ra khắp mọi chòm |
Tự tình (2)
Hồ Xuân Hương
*
Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom, (1)
Oán hận trông ra khắp mọi chòm. (2)
Mõ thảm không khua mà cũng cốc, (3)
Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om? (4)
Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ, (5)
Sau giận vì duyên để mõm mòm. (6)
Tài tử, văn nhân ai đó tá? (7)
Thân này đâu đã chịu già tom. (8)
(Bản khắc 1921)
*
Khảo dị:
- Bản Quốc văn tùng ký
Tựa đề: Tự than mình
Câu 1: Tiếng gà văng vẳng gáy trên hom
Câu 2: Oán hận trông ra khắp một chòm
Câu 6: Sau giận vì duyên để mõm mòm
Câu 8: Thân này đâu dễ chịu già tom
*
- Bản Xuân Hương thi sao
Tựa đề: Tự thuật
Câu 1: Tiếng điêu văng vẳng gáy trên vòm
Câu 4: Trống sầu chẳng đánh cũng nên tòm
Câu 5: Trước kia vẫn tưởng rằng tình thực
Câu 6: Sau ngẫm thì ra mắc tiếng bom
Câu 7: Quân tử ví dầu không ngó đến
Câu 8: Thân này chắc hẳn đến già nhom
Nguồn: Kiều Thu Hoạch, Thơ nôm Hồ Xuân Hương, Nxb Văn học, 2008
Bàn Dương Quảng Hàm ghi là (bom)
*
Văn bản chữ Nôm, Ngân Triều soạn:
似 情 [2]
㗂 鷄 永 永 嘅 𨕭 砭
怨 恨 矓 𦋦 泣 每 𥬧
楳 慘 空 摳 麻 拱 谷
鐘 愁 拯 打 據 𡫡 喑
𠓀 𦖑 仍 㗂 潘 𠿈 𠯇
𢖕 恨 為 緣 底 𠻦 𥊙
才 子 文 人 埃 妬 佐
身 尼 兠 㐌 𠺥 𦓅 𥿂
*
Xin cáo lỗi vì FB ko có font và ko nhận 1 số chữ Nôm. Sách Nhớ Bóng Trăng Xưa thì có đầy đủ chữ Hán-Nôm.
*
Chú giải:
Văng vẳng: 永 永: nói về tiếng nghe xa xa, lúc nghe rõ, lúc không rõ.
Hom: 𥵗 cái khung đan ở trong: đan hom ngựa giấy, ghép hom quạt. (Việt Nam tự điển- Hội Khai Trí Tiến Đức- 1931, trang 243).
Bản của Ô, Dương Quảng Hàm ghi là là bom: 砭, mỏm đất.
Chòm: 𥬧: một đám tụ đông, một cụm. Ở đây có thể hiểu là một chòm nhà của một ấp nhỏ.
Mòm: 𥊙 quả chín rục, chín quá mức. Mõm mòm 𠻦 𥊙 từ láy; mõm tiếng đệm, mòm từ có nghĩa chính. Duyên để mõm mòm: 緣底𠻦 𥊙 Duyên phận đã ở trong thời điểm quá lứa cập kê, lỡ thời.
già tom: 𦓅 𥿂:già lụ khụ, quá già, lưng còng như lưng tôm hay Như già đanh:Tục ngữ: "Trẻ dôi ra, già co lại".
*
(1-2) Âm thanh gà gáy:
Có tiếng gà gáy xa xa, lúc rõ lúc không, trên mỏm đất nào đó. (Đêm đã khuya lắm rồi, trằn trọc nặng sầu tư làm sao an giấc?)
Như những nỗi oán than kêu oan cùng làng xóm xung quanh.
(3-4) Âm thanh của mõ, của chuông (thực ra không có):
Như tiếng mõ buồn không ai khua nhưng sao ta vẫn nghe tiếng “cốc cốc”.
Như tiếng chuông sầu chẳng ai đánh cớ sao vang vọng mãi trong lòng ta? Đây là tiếng lòng, ẩn ý tâm trạng phiền muộn: Mõ và chuông dùng trong nhà chùa có tác dụng làm nguôi dịu lòng người. Ở đây nhà thơ vận dụng khác. Mõ thảm, chuông sầu là Tiếng lòng sầu thảm trong đêm khuya vắng lặng, không khua không đánh mà vẫn vang lên dữ dội những âm thanh khô khốc, ầm ĩ, cốc như mõ và om như chuông.
(5-6) So sánh hai âm thanh:
Trước nghe những tiếng gà, thời gian trôi qua vô vọng, thêm rầu rĩ, (tiếng gà)
Sau bực vì duyên phận lỡ làng, như quả cây chín rục, quá lứa, lỡ thì, đời người con gái như bỏ đi, mõm mòm.(tiếng lòng).
(7-8) Hoài mong:
Tài tử, văn nhân, xứng đôi vừa lứa, sao không thấy ai đến với ta?
Ta quyết không bao giờ cô đơn trong cảnh già tẻ lạnh như thế nầy.
Tin tưởng lạc quan về tình yêu lứa đôi. Ngày mai trời sẽ rực sáng, tưng bừng.
Nguyễn Công Trứ cũng đã từng nghèo khổ mà vẫn tin tưởng vào ngày mai tươi sáng:
Còn trời, còn đất, còn non nước,
Có lẽ ta đâu mãi thế nầy!
Nguyễn Công Trứ
*
Ngân Triều cảm đề:
Canh gà văng vẳng gáy trên bom,
Như tiếng ai than rộn khắp chòm?
Như mõ không khua mà cũng thảm,
Như chuông chẳng đánh vẫn nghe om.
Như cau trổ muộn, thêm rầu rĩ,(a)
Như bực cho duyên hẩm lỡ làng.
Tài tử văn nhân đâu vắng tá?
Còn trời, còn đất, há già tom!
*
(a):
Môt mình lo bảy lo ba,
Lo cau trổ muộn, lo già hết duyên.
Ca dao
(Cau trổ đúng mùa cưới thì được giá, đắt hàng. Cau trổ muộn, ế ẩm, không ai thèm mua vì đã hết mùa cưới. Ý nói người con gái quá lứa, lỡ thì, cao tuổi quá muộn, sẽ thiệt thòi đời hoa vì già hết duyên, không có cơ hội được kết hôn).
*
Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom,
Oán hận trông ra khắp mọi chòm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét