CẶP XƯỚNG HỌA III
Hồ Xuân Hương
Đối đáp xướng họa với Chiêu Hổ
HỒ XUÂN HƯƠNG XƯỚNG
Đấy có xa đâu phải nhắn nhe (1)
Nhắn nhe ý lại muốn gùn ghè.(2)
Gùn ghè nhưng lại tình không dám (3)
Không dám cho nên phải rụt rè. (4)
(Bản Tạp thảo tập, hiệu đính bản khắc năm 1921)
CHIÊU HỔ HỌA
Hỡi hỡi cô bay tố hảo nhe (1’)
Hảo nhe không được, ắt ta ghè. (2’)
Ta ghè không được, ta ghè mãi (3’)
Ghè mãi thời lâu cũng phải rè. (4’)
Bản Tạp Thảo tập, hiệu đính bản khắc năm 1922
(Tổng hợp nguồn: cả 2 bài xướng-họa trên: Kiều Thu Hoạch, Thơ nôm Hồ Xuân Hương, Nxb Văn học, 2008 và bản Hồ Xuân Hương, Giai thoại thơ, của Sở Văn hoá Vĩnh Phú-1989. NT)
*Văn bản chữ Nôm:
HỒ XUÂN HƯƠNG XƯỚNG
蒂 固 佘 丢 沛 𠴍 㖇
𠴍 㖇 意 吏 㦖 蠄 掑
蠄 掑 仍 吏 情 空 噉
空 噉 朱 𢧚 沛 揬 提
CHIÊU HỔ HỌA
咳 咳 姑 悲 訴 好 㖇
好 㖇 空 特 乙 些 掑
些 掑 空 特 些 掑 買
掑 買 時 拱 沛 提
* Chú giải:
Cô bay: 姑 悲 , bay: Tiếng xưng hô đối với người dưới; cô em.
Gùn ghè: Gạ gẫm, nầy nọ, quyến rủ người đẹp.
Tố hão: Cáo tố吿 訴 hão huyền 好 玄: Trách chuyện đâu đâu, không đúng sự thực.
(Ghi theo Hồ Xuân Hương, Giai thoại thơ, của Sở Văn hoá Vĩnh Phú-1989. Hai chữ này gắn với cách đối đáp của hai bài hoạ, khác với nhiều bản vẫn chép là tớ bảo)
Ghè: 掑: đập hai vật rắn vào nhau để nó mẻ hoặc vỡ, hoặc đánh liên tiếp làm cho đau.
*gùn ghè: ( có bản viết gầm ghè):蠄 掑
* Gầm ghè, 蠄 掑 chỉ thái độ gây sự, có phần hung hăng.
* Gùn ghè, 𠼹 掑chỉ sự gạ gẫm, nầy nọ.
*rụt rè: 揬 提: tỏ ra e dè, không mạnh dạn làm điều muốn làm.
rè: 提: âm thanh không còn trong trẻo nữa mà lâu ngày có nhiều tạp âm.
Bổ sung:
Về Chiêu Hổ tác giả các bài thơ xướng họa với Hồ Xuân Hương nêu trên là Phạm Đình Hổ (1768-1839), tác giả của Vũ trung tùy bút 雨中随 筆. Nhưng theo Ông Trần Nhuận Minh thì: Theo tôi, điều này hoàn toàn ngã ngũ được.Chiêu Hổ HÒAN TÒAN KHÔNG PHẢI là Phạm Đình Hổ ( 1768 – 1839)…
Phạm Đình Hổ, có tên chữ là Tùng Niên và Bình Trực, tên hiệu là Đông Dã Tiều, người làng Đan Loan huyện Đường An, nay là huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương. Ông sinh trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, nhưng bản thân ông chỉ đỗ tú tài. Biết ông là người tài xứ Bắc, trong dịp ra Hà Nội, vua Minh Mạng nhà Nguyễn cho mời ông lên gặp và chỉ sau ít phút tiếp kiến, đã đặc cách phong ông làm Tế Tửu Quốc Tử giám Thăng Long – Hà Nội, tức Hiệu trưởng trường, chức này chỉ dành cho các tiến sĩ mà bài thi ( hoặc sự tiếp xúc sau đó của nhà vua với vị tiến sĩ,) thấy được tính uyên bác hơn người. Xin nhớ rằng, tài giỏi như Chu An, thời Trần, cũng chỉ là Tư nghiệp, tức Hiệu phó, để thấy sự liên tài của vua Minh Mạng và cái thoáng, rất trọng thực tài, trong quan chế của nhà Nguyễn.
Phạm Đình Hổ có nhiều trước tác, nhưng nổi tiếng nhất làVũ trung tùy bút.
Vũ trung tuy bút, tác phẩm duy nhất Phạm Đình Hổ nói về mình, về chuyện đời mình, cho thấy ông là một ngưởi “trầm lặng, mực thước, khắc khổ, nhạt nhẽo”, đặc biệt, ông “rất ghét thanh sắc, nghề cờ bạc, và những chuyện rủ rê chơi đùa”–lời Phạm Đình Hổ - thì không thể có chuyện ông ( quan Tế Tửu – hiệu trưởng - Quốc Tử giám Thăng Long, Hà Nội ) là tác giả của các bài thơ trên, lại “ghẹo nguyệt giữa ban ngày”, cho Hồ Xuân Hương, “cho cả cành đa lẫn củ đa”, và chửi đời rất sảng khoái theo kiểu lưu manh: Rày thì đù mẹ cái hồng nhan…( và Hồ Xuân Hương, một nhà thơ “đúng phép mà văn hoa “, bao giờ cũng biết “dừng lại ở phạm vi lễ nghĩa” ( cũng như thơ Hồ Xuân Hương trong Lưu Hương kí – khắc in năm 1814 ), cũng không thể là tác giả của những bài thơ trên) .
Phạm Đình Hổ nói, suốt đời ông, ông chỉ có “mỗi một cái tội là nghiện… nước chè”, chủ yếu là do ông tự pha lấy cho mình. Xin nhớ cho, Bộ Luật Gia Long thời Nguyễn ghi rõ:“Phàm quan văn võ ở đêm với con hát, hay đem con hát vào tiệc rượu, phạt 60 trượng”, nghĩa là giải ra công đường, lột mũ áo, đánh cho 60 gậy rồi đuổi về vườn.
Xin nói thêm: tên tập thơ duy nhất của Hồ Xuân Hương là Lưu Hương kí. 琉 香 記
Theo giáo sư Trần Thanh Mại, thì chữ Lưu 琉 , có bộ ngọc 玉 ở bên, chỉ quê hương Quỳnh Lưu , không phải là lưu biệt hay lưu truyền, còn Hương 香 là tên bà. Vậy đây là thơ của người Quỳnh Lưu tên là Xuân Hương 春 香 được ghi lại. Giáo sư Trần Thanh Mại khẳng định: “ Lưu Hương kí là một tài liệu chân chính, đáng tin cậy, và trong trường hợp này, không thể có vấn đề, có kẻ nào đó muốn chơi khăm, làm ra tài liệu giả mạo để đánh lạc hướng nghiên cứu của chúng ta”. (Lưu Hương kí và lai lịch phát hiện nó - Trần Thanh Mại, toàn tập, tập III. Nxb Văn học, 2004).
Mặt khác, căn cứ vào lời Tựa (Lưu Hương ký)của Tốn Phong có viết: “ Khi hỏi đến tên họ, mới biết cô ta là em gái ông lớn họ Hồ, đậu Hoàng Giáp, người làng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu”, từ đó, các nhà nghiên cứu mới bạch hóa được tiểu sử của Hồ Xuân Hương. (Làng Hoàn Hậu nay là làng Quỳnh Đôi) như sau:
-Bà là con của Ông Hồ Sĩ Danh, không phải con của Ông Hồ Phi Diễn, như các sách giáo khoa đã ghi.
- Hồ Phi Diễn (1704-1787) đỗ Sinh Đồ năm 20 tuổi (1724), không được bổ nhiệm quan chức, không có con đỗ Hoàng Giáp và làm ông lớn. Hồ Phi Diễn và Hồ Sĩ Danh là anh em con chú con bác, lại rất xa nhau, kể ngược lên đến đời thứ 10 mới cùng một ông tổ.(Hơn nữa, cũng theo thơ văn của Tốn Phong, Bà còn có tên Hồ Phi Mai qua cách gọi ẩn dụ, bóng bẩy của ông. Có thể vì phương danh nầy mà nhiều người ngộ nhận chăng?)
Bà là em ruột Hồ Sĩ Đống ( 1738 – 1785 ) , đậu Đình nguyên, đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, ( tức Hoàng Giáp), làm quan đến Hành Tham tụng, (Quyền Tể tướng) tước Quân Công, cùng với Bồi tụng Bùi Huy Bích, đứng đầu lục bộ thời Trịnh Sâm và Trịnh Khải.
Hồ Sĩ Danh (1706 – 1783), chỉ đậu Hương cống ( tức Cử nhân), không ra làm quan, nhưng có con làm to, được phong tặng chức Hàn lâm thừa chỉ, hàm Thái bảo. Như vậy là đã rõ.
Khi giao tập Lưu Hương kí cho Tốn Phong đề tựa, Hồ Xuân Hương nói Đây là toàn bộ thơ của cuộc đời tôi từ xưa đến nay . Do đó, xếp Thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương là thơ dân gian khuyết danh là tôn trọng ý kiến của chính Hồ Xuân Hương vậy. Và “Hồ Xuân Hương” cũng như “Chiêu Hổ” trong thơ Nôm truyền tụng, chỉ là nhân vật hư cấu của văn học dân gian…
Nhân đây, xin nói thêm một chút về Nguyễn Du ( 1766 – 1820), người cũ của Hồ Xuân Hương, trong Lưu Hương kí.Nguyễn Du được vua Gia Long phong tước Du Đức hầu, sinh năm 1766, hơn Hồ Xuân Hương 6 tuổi. Khi đối chiếu âm lịch với dương lịch, Nguyến Du sinh đầu tháng Giêng năm 1766 ( Lịch quốc gia ghi Nguyễn Du sinh 3 / 1 / 1766) chứ không phải tháng 12 năm 1765 như tiểu sử Nguyễn Du, đã từng ghi trong các tập Từ điển văn học, các sách giáo khoa các cấp học và tất cả các loại sách danh nhân và tương tự về Nguyến Du từ hàng mấy chục năm nay. Cũng nên đính chính lại để đảm bảo tính chính xác của tư liệu khoa học, tránh nhầm lẫn đáng tiếc cho những người nghiên cứu và biên khảo về sau.
(Theo Trần Nhuận Minh)
Thật ra khi tham khảo, có nhiều tài liệu rất khác biệt nhau về thân thế và sự ngiệp của Hồ Xuân Hương. Trong khi chờ đợi kết luận của những bậc thầy trác việt và cơ quan chức năng, tôi xin được ghi theo tài liệu giáo khoa. NT).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét