Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

Hoàng hạc lâu/ Đỗ Chiêu Đức/ Viễn Phương chuyển


    HOÀNG HẠC LÂU và NHỮNG LÂU ĐÀI LIÊN QUAN
                    
Tranh Hoàng hạc lâu và bài thơ bất hủ cùng tên
              

              Hoàng Hạc Lâu ( HHL ) nằm ở trên Hoàng Hạc Cơ của Xà Sơn thuộc đất Vũ Xương tỉnh Hồ Bắc. Được xây dựng từ năm Hoàng Võ thứ 2 của nước Đông Ngô thời Tam Quốc (223 sau CN). Theo sách " Nguyên Hòa Quận Huyện Đồ Chí " ghi lại : " Tôn Quyền khi xây Cố thành ở Hạ Khẩu, vì thành tây giáp Trường Giang, góc Giang Nam lại có bờ đá lớn, nên xây lên một lầu cao để quan sát, gọi tên là HHL . Lầu được xây dựng cho mục đích quân sự. ". Nhưng theo sách " Cực Ân Lục " ghi lại, thì HHL là do dòng họ Tân Thị xây lên để làm tửu lâu.
                 Qua các triều đại Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, trước sau được tu sửa đến 10 lần, nhưng cuối cùng vẫn bị hũy ở đời vua Quang Tự thứ 10 ( 1884 ). Từ đời Bắc Tống cho đến khi bị hũy, HHL từng là Đạo Tràng lớn của Đạo giáo ( Lão giáo ). Là nơi truyền đạo của tiên ông Lữ ( Lã ) Động Tân ( một trong Bát Tiên ), tương truyền, Tổ Sư Lã Động Tân đã cởi hạc thăng thiên trong ngày 20 tháng 5 ở HHL, nên nơi đây trở thành thánh tích của Đạo Giáo từ đó.
               Năm 1957, khi xây cầu bắt ngang sông Trường Giang ở Vũ Xương, chân cầu dẫn  đã chiếm dụng mất địa chỉ cũ của HHL. Mãi đến năm 1981, chính quyền TP Vũ Hán mới căn cứ các tư liệu lịch sử cho xây dựng lại HHL, cũng trên Xà Sơn nhưng cách địa chỉ cũ khoảng 1 ngàn mét. Đến tháng 6 năm 1985 mới khánh thành và cũng trở thành biểu tượng của TP Vũ Hán.
               HHL mới gồm 5 tầng, cộng thêm 5 mét đỉnh tháp là hình một Hồ Lô khổng lồ. Tổng chiều cao là 51,4 mét, cao hơn lầu cũ khoảng 20 mét, chiều rộng là 30 mét , gấp đôi chiều rộng của lầu cũ. Toàn bộ được xây dựng bằng bê tông cốt sắt kiên cố. Trong ngoài, cỏ cây hoa kiểng, tranh họa, điêu khắc... đều theo một chủ thể là " Bạch vân Hoàng Hạc ". Cột lớn 2 bên là một đôi câu đối dài 7 mét như sau :

                     Sảng khí tây lai, vân vụ     tảo khai thiên địa hám
                    爽 氣 西 來,   雲 霧  掃 開 天 地 撼 ,
                    Đại giang đông khứ,  ba đào tẩy tịnh cổ kim sầu.
                    大  江 東  去,波 涛   洗 净 古 今 愁。
Dịch nghĩa :
                 Hơi mát từ hướng tây đến, mây mù quét sạch mở ra làm lay động đất trời.
                 Sông lớn chảy về đông, sóng gió theo dòng rủa sạch cả nỗi sầu kim cổ.
Hoàng Hạc Lâu ngày nay
Bên trong lầu Hoàng hạc ngày nay với hình chim hạc vàng
                    
  Hoàng Hạc Lâu Hiện nay . Với chủ đề "Bạch Vân Hoàng Hạc"
                       Hoàng Hạc Lâu là một "Đệ nhất lâu danh thắng" bao đời nay của Trung Hoa, thu hút biết bao văn nhân, thi sĩ đến đây để ngâm vịnh. Trong số đó , phải kể đến bài thơ Thất ngôn Bát cú của Thôi Hiệu là tuyệt tác nhất, thơ và lầu cùng bổ túc cho nhau để cùng lưu danh thiên cổ. Chúng ta hãy cùng đọc lại bài thơ tuyệt tác này nhé :

            黄鹤樓                            HOÀNG HẠC LÂU
        昔人已乘黃鶴去,        Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
        此地空餘黃鶴樓。        Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu
        黃鶴一去不復返,        Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
        白雲千載空悠悠。        Bạch vân thiên tải không du du
        晴川歷歷漢陽樹,        Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thọ
        芳草萋萋鸚鵡洲。        Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
        日暮鄉關何處是,        Nhật mộ hương quan hà xứ thị
        煙波江上使人愁。        Yên ba giang thượng sử nhân sầu
                     崔 颢                                               Thôi Hiệu
Dịch nghĩa :
              Người ngày xưa đã cởi hạc bay đi mất rồi. 
              Nơi nầy chỉ còn lại một Hoàng Hạc Lâu trống không mà thôi. 
              Hoàng hạc đã một đi không trở lại. 
              (Chỉ có) mây trắng là vẫn dằng dặc bay mãi ngàn năm.                     Trời quang mây tạnh trên sông (nên) nhìn rõ cả những hàng cây bên bờ Hán Dương đối diện.
              (Và) màu cỏ non xanh biếc trên bãi Anh Vũ ở giữa ngả ba sông. 
              Khi chiều xuống, lúc mặt trời chen lặn, không biết làng quê giờ ở nơi đâu.
Nhìn khói sóng mờ mịt trên sông, khiến lòng rượi buồn khôn xiết.
[Cảnh-tình hòa quyện thành một bức tranh thiên nhiên-nội tâm sống động, gợi cảm tuyệt vời !]

Chú thích :
         *. Tích 昔 :  Cũ, xưa. Chiết tự chữ nầy gồm có 3 chữ : Niệm 廿, Nhất 一 và Nhật 日. Niệm ( còn đọc là TRẤP ) nghĩa là 20. Nhất là một. Nhật là ngày. Chuyện nào đó mà qua 21 ngày là CŨ rồi. Sở Khanh đã dùng chữ Tích nầy rồi thêm vào chữ Việt 越 là Tẩu 走 và Tuất 戌 vào nữa để dụ dỗ cô Kiều bỏ trốn. Cô Kiều cũng thông minh đáo để, cô đã....
    Lấy trong ý tứ mà suy,
                             Ngày hai nươi mốt, tuất thì   phải chăng ?
        *. Thừa 乘 : Cởi, Đi. Ví dụ : Thừa mã là cởi ngựa. Thừa xa là đi xe. Trong bài thơ là Thừa Hoàng hạc là Cởi hạc vàng.
            Thừa còn có nghĩa là Nhân cơ hội. Nhân dịp Vd : Thừa Hứng là nhân lúc còn đang hứng thú. Thừa còn một nghĩa nữa là Toán Nhân. Vd : Thừa số.
        *. Phản 返 : Đi ngược trở lại. Vd : Phản hồi : đi trở về. Có bộ Xước là bước đi.
                      反 : Ngược lại. Vd : Phản bội, phản nghịch. Phản Trụ đầu Châu....
        *  Du 悠 : Xa, Dài. Lâu. Du du : có nghĩa là diệu vợi, dằng dặc..
                  攸 : Tên của cụ Nguyễn Du. DU nầy có nghĩa là nơi đây, chốn nầy.
       *. Lịch 歷 : Từng trải, kinh qua. Có bộ Chỉ là dấu chân ở bên dưới. Vd: Lịch lãm, Lịch duyệt. Trong bài Lịch Lịch có nghĩa là rành rành, rõ ràng từng chút một.
                  曆 : Lịch nầy có bộ Nhật bên dưới là Cuốn Lịch mà ta xé hằng ngày.
       *. Thê 萋 : Vẻ xanh của cỏ. Thê Thê là xanh non, mơn mởn. Có bộ Thảo trên đầu. Còn  妻 không có bộ Thảo. THÊ là Bà xã, là Hiền Thê Lương Mẫu.
       * Mộ 暮 : Chiều, hoàng hôn. Bộ Nhật nằm bên dưới, chỉ mặt trời lặn.
                墓 : Mộ Mả. Bộ Thổ ở bên dưới, chỉ đã dùi sâu dưới 3 tất đất đất.
                慕 : Ái mộ. Ngưởng mộ. Có bộ Tâm ở bên dưới ( chữ Tiểu thêm 1chấm ).
                募 : Quyên góp, Bắt. Ví du.: Mộ quyên là đi lạc quyên. Mộ Binh là bắt lính. Chữ Mộ nầy có bộ Lực ở dưới. có nghĩa là phải bỏ công sức ra mà làm.
        * Sử 使 : Phó từ : Có nghĩa Làm cho, Khiến cho Sử Nhân Sầu : Khiến cho
                        người ta buồn.
                       Động từ : Dùng, Xài. Vd : Sử dụng.
                       Danh từ : Đọc là SỨ. Sứ giả, Sứ thần, Đại Sứ.

Dịch thơ:
                     Người xưa đã cởi hạc bay cao
                     Bỏ lại ven sông Hoàng Hạc Lâu
                     Hoàng hạc một đi không trở lại
                     Bạch vân muôn thuở vẫn bay mau
                     Hán Dương sông tạnh rừng cây tỏ
                     Anh Vũ bãi xa cỏ biếc màu
                     Chiều xuống quê nhà xa chẳng thấy
                     Đầy sông khói sóng ngẩn ngơ sầu !

Bài diễn nôm Lục Bát của Thi sĩ Tản Đà :

                     Hạc vàng ai cởi đi đâu
                     Mà đây Hoàng Hạc riêng Lầu còn trơ
                     Hạc vàng đi mất từ xưa
                     Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
                     Hán Dương sông tạnh cây bày
                     Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non
                     Quê hương khuất bóng hoàng hôn
                     Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai !...

           Quả là cảnh tình hợp nhất, tình cảnh tương liên, hòa hợp thành một bức tranh tuyệt tác... Thảo nào mà khi đến đây, nhìn lên vách thấy bài thơ nầy, Thi Tiên Lý Bạch đã phải quẳng bút mà than rằng :

             Nhỡn tiền hữu cảnh đạo bất đắc          眼前有景道不得
             Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu           崔颢题詩在上頭
Có Nghĩa :
            "Trước mắt có cảnh mà nói chẳng nên lời, vì Thôi Hiệu đã đề thơ ở phía trên đầu ta rồi !"
             Vì Lý biết chắc rằng, nếu mình có miễn cưỡng làm thơ, thì chắc chắn chẳng bao giờ bằng được bài thơ mà Thôi Hiệu đã làm, nên thôi. Nhưng nỗi lòng ấm ức vẫn cứ mãi âm ỉ trong tâm, cho nên khi đến đất Kim Lăng, lên ngắm cảnh trên Phụng Hoàng Đài, ông mới xúc cảnh sinh tình, mà làm nên bài thơ " Đăng Kim Lăng Phụng Hoàng Đài " rất xuất sắc, gieo vần và âm hưởng đều tương tự như bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu. Phải chăng để giải tỏa đi cái ấm ức bấy lâu nay ở trong lòng ?. Ta hãy cùng đọc bài thơ này nhé :
      
Inline image
Phụng Hoàng đài
                                  

         登金陵鳳凰台         ĐĂNG KIM LĂNG PHỤNG HOÀNG ĐÀI
        鳳凰台上鳳凰游,    Phụng Hoàng Đài thượng Phụng hoàng du
        鳳去台空江自流。    Phụng khứ đài không, giang tự lưu
        吳宮花草埋幽徑,    Ngô cung hoa thảo mai u kính
        晉代衣冠成古邱。    Tấn đại y quan thành cổ khâu
        三山半落青天外,    Tam sơn bán lạc thanh thiên ngoại
        二水中分白鷺洲。    Nhị thủy trung phân Bạch lộ châu
        總為浮雲能蔽日,    Tổng vị phù vân năng tế nhật
        長安不見使人愁。    Trường An bất kiến sử nhân sầu !

Dịch nghĩa :
              Trên đài Phụng Hoàng nầy,  Ngày xưa, chim phụng hoàng đã từng dạo chơi.
Nay chim phụng đã bay đi rồi, chỉ còn trơ đền đài (và) dòng sông lặng lẽ trôi.
Hoa cỏ trong cung Ngô ngày xưa, nay đã tiêu điều u tịch.
Những bậc vương hầu khanh tướng nhà Tấn, nay cũng chỉ còn là những gò hoang.
(Xa trông), trong cảnh mây mù, ba ngọn núi liền nhau như bị rớt một nửa trên vòm trời xanh.
Bên dưới dòng sông Tần Hoài tách làm đôi chảy thành 2 nhánh bởi cù lao Bạch lộ ( cù lao có rất nhiều cò trắng trên đó mà thành tên ). Trong cảnh trí nầy, mây mù lại che khuất cả vầng thái dương, nên không thấy được đất Trường An,
Khiến cho người ta càng thấm thía thêm nỗi sầu nhân thế...( Ông ví mây mù như là bè lũ nịnh thần, che lấp mặt trời là lấn áp Thiên tử).
 Theo Đường Thi Tam Bách Thủ.
Chú thích :
          .*. Phụng Hoàng Đài :Nằm ở Phụng Đài Sơn thuộc TP Nam Kinh ( là Kinh đô Kim Lăng ngày xưa ) , phía nam Quận Giang Ninh thuộc tỉnh Giang Tô ngày nay.Tương truyền vào năm Tống Nguyên Gia của thời Nam Triều có rất nhiều chim Phụng hoàng tụ tập ở nơi nầy, vì thế mà xây đài tưởng niệm, Đài và Núi đều lấy tên Phụng Hoàng từ đó.
          * Mai 埋 : chôn, vùi. Ví dụ : Mai một ; vùi lấp, chôn vùi.
          * Y  Quan 衣冠 : Áo mão : chỉ những người quyền quý, quan chức.
         *  Cổ Khâu 古邱 : Gò đất xưa, ở đây ý chỉ các mồ mả bỏ hoang.

Dịch thơ :
                  Phụng Hoàng Đài trước phụng hoàng chơi
                  Phụng đã biệt tăm, sông vẫn trôi
                  Hoa cỏ cung Ngô đà vắng vẻ
                  Y  trang nhà Tấn cũng xa rồi
                  Ba núi lưng trời như ẩn hiện
                  Hai dòng sông nước rẻ đôi nơi
                  Cũng bởi mây mù che mặt nhật
                  Trường An chẳng thấy dạ bồi hồi !
             So với " Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu " thi bài nầy ngụ ý sâu xa hơn, thâm trầm hơn và có chiều sâu  kỹ thuật cũng nghiêm cẩn hơn, nhưng thơ của Thôi Hiệu lại khoáng đạt hơn, trực tả cảnh trí trước mắt, hơi thơ liền lạc đi một mạch từ đầu đến cuối, và " đi " thẳng vào lòng người đọc !.... Hai bài đều có cái hay riêng, nhưng sao ta vẫn thấy Hoàng Hạc Lâu như vẫn thanh thoát và gợi cảm hơn... Có phải chăng... tại Hoàng Hạc Lâu gần gũi, thân thiết với người đọc hơn là với Phụng Hoàng Đài ?!!!....
           Không riêng gì Lý Bạch, còn có rất nhiều thi sĩ đương thời ngấm ngầm ganh tỵ với bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu. Họ không ganh ghét, mà chỉ muốn chứng tỏ tài năng của bản thân mình, vì địa vị và tài hoa của họ cũng không thua Thôi Hiệu chút nào cả.!. Trong số những thi sĩ " ngấm ngầm " nầy, ta thấy có Vương Xương Linh, tác giả của bài " Khuê Oán " nổi tiếng với
 " Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu !....". Ông đã làm bài " Vạn Tuế Lâu " với đủ cả âm hưởng và vần điệu của " Hoàng Hạc Lâu ". Nào, ta hãy cùng đọc và tìm hiểu bài thơ nầy nhé !....
                      
Tranh Vạn Tuế lâu
                         
      
             萬歳楼                         VẠN TUẾ LÂU
       江上巍巍萬歳楼。    Giang thượng nguy nguy Vạn Tuế Lâu  
       不知経歴幾千秋。    Bất tri kinh lịch kỷ thiên thu  
       年年喜見山長在。  Niên niên hỉ kiến sơn trường tại 
       日日悲看水独流。  Nhật nhật bi khan thủy độc lưu 
       猿狖何曾離暮嶺。  Viên dứu hà tằng ly mộ lĩnh 
       鹭鷀空自泛寒洲。      Lộ tư không tự phiếm hàn châu  
       誰堪登望雲煙裏。  Thùy kham đăng vọng vân yên lý 
       向晩茫茫發旅愁。  Hướng vãn man man phát lữ sầu
                  王昌齡                                Vương Xương Linh.

 Dịch nghĩa:
                Vạn Tuế Lâu cao cao ngất nghểu trên bờ sông Trường Giang.
                Không biết là trải qua mấy ngàn thu rồi.
                (Nhưng), vẫn còn mừng vì mỗi năm đều trông thấy núi xanh vẫn còn đó.
                Chỉ buồn là mỗi ngày đều thấy dòng nước âm thầm lặng lẽ trôi.
                Bầy khỉ vượn vẫn luyến lưu chưa từng rời khỏi đĩnh núi mỗi khi chiều xuống.
              (Cũng như) đàn cò kia vẫn luôn luôn thấp thoáng vô tư lự trên bãi sông lạnh lẽo.
              Ai là người có thể leo lên đứng trên lầu cao nầy, nhìn vào trong khói mây mờ mịt mỗi buổi chiều.
            (Mà) không thấy lòng mình dậy lên một nỗi buồn miên man, nỗi niềm tha hương lữ thứ?!
Chú thích :
         *. Nguy nguy : Cao ngất nghểu, cao vòi vọi chênh vênh, nguy hiểm.
         *. Kinh lịch : Từng trải, trải qua.
         *. Viên dứu : Từ kép chỉ Khỉ Vượn nói chung.
         *. Lộ tư : Cò trắng, một loại chim đồng.
         *. Phiếm 泛 : Động từ, có nghĩa là trôi nổi, chợt hiện. bơi chèo. Vd : Phiếm chu là chèo thuyền đi vòng vòng chơi.
                             Tính từ , có nghĩa Rộng rãi, Nói chung. Vd : Phiếm luận. Một nghĩa nữa là Hời hợt. Vd : Phiếm phiếm chi giao 泛泛之交 : là bạn bè bình thường, không thân thiết.

Dịch thơ :
                  Ngất nghểu trên sông, Vạn Tuế Lầu
                  Mấy ngàn năm cũ, mãi vươn cao
                  Vui trông núi biếc còn  trơ mãi
                  Buồn ngắm sông dài vẫn chảy mau
                  Chiều tối, vượn kia đùa đỉnh thẳm
                  Sương rơi, cò nọ thoáng bờ sau. 
                  Lên cao trông cảnh lầu mây khói,
                  Chiều xuống nôn nao dạ khách sầu !

             Mặc dù không so được với Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, và Đăng Kim Lăng Phụng Hoàng Đài cũa Lý Bạch, nhưng đây cũng là một bài thơ hay tả lại cảnh trí của  một Danh Lâu thuở xưa ở trên Tây Nam thành của Phủ Trấn Giang thuộc Tỉnh Giang Tô.

             Còn rất nhiều thơ tả lại " Tứ Đại Danh Lâu "  四大名楼 (Đằng Vương Các , Hoàng Hạc Lâu, Nhạc Dương Lâu và Phù Dung lâu) . Nhưng vì bài viết đã quá dài và ý của bài nầy là chỉ muốn đề cập đến những bài thơ có liên quan đến Hoàng Hạc Lâu mà thôi....
              Tứ thơ chan hòa cảnh-tình, hàm súc, gợi tả một nỗi niềm riêng là nỗi buồn miên man thương nhớ làng quê, xa xôi diệu vợi mà vì hoàn cảnh riêng phải gởi tấm thân hèn nơi chân trời góc biển. Thật là những áng thơ bất hủ, tuyệt vời.
Xin hân hạnh giới thiệu cùng quý bạn. 
Theo Đỗ Chiêu Đức. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét