Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Lịch sử 36 phố phường- Hà Nội/ Viễn Phương vhp chia sẻ


AI LÀ NGƯỜI LẬP RA
36 PHỐ PHƯỜNG HÀNỘI?

(Được bổ túc thêm)
 Hà Nội 36 phố phường - Tập 1

 

Hà Nội 36 phố phường - Tập 2

 

 Trong nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc, truyền hình hiện nay, chúng ta thường nghe đến cụm từ “Hà Nội 36 phố phường” nhưng xuất xứ và những thông tin liên quan đến nó không phải ai cũng biết.
 Về băn khoan này, giáo sư sử học Lê Văn Lan đã từng đưa ra ý kiến như sau: 
 Chúng ta đang có 2 văn bản đều có tên: Hà Nội 36 phố phường, thực ra là 2 bài thơ - đúng hơn là hai bài vè - đều có tên là Hà Nội 36 phố phường. Một bản kể: Phồn hoa thứ nhất Long thành/36 phố rành rành chẳng sai… Bản kia cũng là Hà Nội 36 phố phường nhưng lại kể: Phồn hoa thứ nhất Long Thành/Phố giăng mắc cửi chạy quanh bàn cờ…
Nếu cộng các tên phố có trong các bài Hà Nội 36 phố phường thì thấy có tất cả có hơn 50 phố. Văn bản có tên 36 phố phường ấy ra đời vào cuối thế kỷ 19, gây ấn tượng lớn nhưng không nên hiểu đó là sự đánh dấu của việc ra đời Hà Nội 36 phố phường, bởi Hà Nội 36 phố phường là điều không có trong lịch sử. Hà Nội chỉ có 36 phường vào thời Lê và có hơn 50 phố bắt đầu bằng chữ “Hàng” ở cuối thế kỷ 19.
Vì sao mọi người hay nhắc tới câu Hà Nội 36 phố phường? Có lẽ “công tích” thuộc về nhà văn Thạch Lam. Tác phẩm Hà Nội 36 phố phường của Thạch Lam quá nổi tiếng, nên dù không là sự thật lịch sử thì vẫn được mọi người đón nhận.
Và người ta vẫn dùng Hà Nội 36 phố phường như 5 cửa ô của Văn Cao hay Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội của Nguyễn Đình Thi. Tác dụng của Văn học nghệ thuật là cực kỳ lớn. Rất tiếc là khoa học chưa can dự để trả lại tính chính xác của các thông tin này bên cạnh tính hấp dẫn của nó.
 Một trong các số các bài ca về 36 phố phường được ghi trong sách Việt Nam thi văn hợp tuyển của Dương Quảng Hàm có nôi dung như sau:
“Rủ nhau chơi khắp Long thành
/Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai:
Hàng Bồ, hàng Bạc, hàng Gai,
Hàng Buồm, hàng Thiếc, hàng Hài, hàng Khay,
Mã Vĩ, hàng Điếu, hàng Giầy
Hàng Lờ, hàng Cót, hàng Mây, hàng Đàn,
/Phố Mới, Phúc Kiến, hàng Ngang,
Hàng Mã, hàng Mắm, hàng Than, hàng Đồng,
Hàng Muối, hàng Nón, cầu Đông,
Hàng Hòm, hàng Đậu, hàng Bông, hàng Bè,
Hàng Thùng, hàng Bát, hàng Tre,
Hàng Vôi, hàng Giấy, hàng The, hàng Gà,
Quanh đi đến phố hàng Da,
Trải xem hàng phố, thật là cũng xinh.
Phồn hoa thứ nhất Long thành,
Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ
Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ
Bút hoa xin chép vần thơ lưu truyền”.
 Xét theo ghi chép của sách sử thì 36 phố phường được đặt ra từ thời vua Lê Hiển Tông với mục đích duy nhất là thuận tiện hơn trong việc giữ gìn an ninh, trật tự. Theo sách Đại Việt sử ký tục biên, vào tháng 12 năm Mậu Thìn niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 (1748) triều đình “hạ lệnh chia bên trong kinh thành làm 36 khu, mỗi khu đặt một quan coi giữ việc tuần phòng, khám xét. Lại định phép ty tộc đoàn (liên kết các gia tộc ở gần nhau cùng giữ an ninh). Tiếp đó lại chia làm 9 điện, mỗi điện có 4 khu, mỗi khu đặt một viên chánh khu.
Trong tác phẩm Vũ Trung tùy bút của danh sĩ sống vào giai đoạn cuối thời Lê đầu thời Nguyễn là Phạm Đình Hổ cho biết cụ thể hơn về điều này: “Kinh thành Thăng Long chia ra 36 phường, mỗi phường đặt một người phường trưởng. Lại đặt ra phủ Phụng Thiên có quan Phủ doãn, quan Thiếu doãn kiêm coi cả việc tuần phủ và việc liêm sát, đốc suất hai huyện Thọ Xương và Quảng Đức, mỗi huyện có quan Huyện úy cai trị. Toàn thành thì cử một quan trọng thần sung chức Đề lĩnh tứ thành quân vụ, phân ra chánh phó hai dinh, chuyên coi việc cấm phòng, xét hỏi.
Song đất kinh thành đông đúc, nhà ở liễn nhau, thường có hỏa hoạn, lại nhiều những kẻ đầy tớ nhà quan, du đãng cờ bạc, gây chuyện đánh nhau, cãi nhau, cùng là những kẻ vô lại trộm cắp, nhiều lắm không thể kể xiết được, chẳng khác gì lục hải khi xưa là nơi bể cạn, vật sản rất nhiều, mà lại không thiếu một hạng người nào cả.
 Đời Trịnh An Đô Vương (tức Trịnh Cương- TG), Nguyễn Công Hãng làm Thượng thư cầm quyền chính, mới chia hai huyện ra làm tám khu, mỗi khu đặt một người trưởng khu và một người phó khu; lại chia ra năm nhà là một tị, hai tị là một lư, mỗi lư cũng có một lư trưởng; bốn lư là một đoàn, mỗi đoàn đặt một quản giám, hai quản điểm, dưới quyền người khu trưởng và trực thuộc quan Đề lĩnh. Đó là phỏng cái ý cổ nhân bảo trợ phù trì lẫn nhau.
Phàm những việc phòng hỏa, phòng trộm và nhất thiết những việc giao dịch thuế má đều ủy trách cho khu trưởng, đoàn trưởng cả. Bởi vậy, những con nhà khá giả coi thường, không thèm ra làm, chỉ để cho những côn đồ trong các xóm chợ ra làm. Bọn chúng cùng những kẻ ti thuộc quan Đề lĩnh thông nhau làm càn, rất phiền nhiễu cho dân phố. Ôi! “Sinh nhất sự bất như trừ nhất hại” (thêm ra một việc không bằng bớt đi một tai hại) lời nói ấy rất đúng.
Theo lệ cũ, chốn kinh thành không phải chịu thuế dungthuế điệu, chỉ tính từng dãy nhà, không cứ nhà quan hay nhà dân, hàng năm mỗi nhà phải chịu một suất đi sửa sang đắp lại nền cắm cờ tướng, dọn cỏ chung quanh cung đình, cung ứng các việc kiến trúc. Họ phải thay phiên nhau sắm đủ dây đòn, câu liêm, thang tre, bó đuốc, thùng gánh nước để theo quân quan Đề lĩnh đi túc trực các nơi điếm canh, phòng khi sai khiến; công việc rất là phiền nhiễu. Song tóm lại không tiền là không xong, chỉ làm nặng túi kẻ gian hoạt.
 Tuy bảo rằng “phù bản ức mạt” (bồi đắp gốc rễ, ngăn chặn ngọn cành),nhưng cũng không phải là biện pháp tốt của đời thái bình. Đến thời vua Gia Long nhà Nguyễn, trong một số sách dư địa chí như cuốn “Các tổng, trấn, xã danh bị lãm”, “Hoàng Việt dư địa chí”… cho biết tên của 36 phường.
 Cụ thể, ở huyện Thọ Xương có 18 phường gồm: Yên Thọ, Hà Khẩu, Báo Thiên, Đông Hà, Đồng Xuân, Đông Tác, Đông Các, Cổ Vũ, Xã Đàn, Đồng Lạc, Thái Cực, Diên Hưng, Khúc Phố, Phục Cổ, Phúc Lâm, Kim Hoa, Hồng Mai, An Xá. Mười tám phường còn lại thuộc huyện Vĩnh Thuận là: Bích Câu, Quảng Bá, Thuỵ Chương, Yên Thái, Hoè Nhai, Tây Hồ, Nghi Tàm, Nhật Chiêu, Trích Sài, Võng Thị, Bái Ấn, Yên Lãng, Công Bộ, Thạch Khối, Hồ Khẩu, Thịnh Quang, Yên Hoa và Quan Trạm.
Vào năm Tân Mão (1831) vua Minh Mạng tiến hành cuộc cải cách lớn, trong đó có việc phân chia và đặt tên mới theo địa giới hành chính cấp tỉnh; lúc này Thăng Long xưa được sáp nhập với một số khu vực khác thành tỉnh Hà Nội với diện tích rộng hơn, gồm 4 phủ, 15 huyện so với Thăng Long xưa.
 Trong số 15 huyện của Hà Nội vẫn có 2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận thuộc phủ Hoài Đức, 36 phố phường đều nằm trong địa phận hai huyện này. Sách “Hoàng Việt dư địa chí” in vào năm Qúy Tị (1833) cho biết như sau: “Phủ Hoài Đức, xưa là phủ Phụng Thiên có hai huyện, 13 tổng, 249 thôn phường. Huyện Thọ Xương: 18 phường. Huyện Vĩnh Thuận (xưa là huyện Quảng Đức): 18 phường”.
 Trải qua thời gian và biến thiên của lịch sử, phố phường Hà Nội xưa đã thay đổi nhiều về tên gọi, số lượng cũng như diện tích nhưng một số vẫn giữ nguyên tên cũ như gợi nhắc cho những tâm hồn hoài niệm về một Hà Nội trong quá khứ.
***





















    Lý do lá cây mùa thu màu vàng/ Viễn Phuongvhp chia sẻ


    Hôm nay vào lúc 11:53 AM
     

    Giải mã bí ẩn "mùa thu lá rơi vàng"

    Bạn có bao giờ tự hỏi màu vàng, màu đỏ rực rỡ của cây lá mùa thu từ đâu mà có? Câu trả lời đang dần được các nhà nghiên cứu khám phá ra...
    Những sắc màu quyến rũ đó chính là kết quả của quá trình nỗ lực gian nan nhằm sinh tồn của các loài cây.
    Nhớ lại từ những kiến thức sinh học ở trường phổ thông, chúng ta đều biết rằng màu xanh của lá cây có được là do chất diệp lục tạo nên. Khi tiết trời chuyển sang thu, lá bắt đầu chuyển sang màu vàng hoặc đỏ. Điều đó hoàn toàn không chứng tỏ chúng đang chết đi mà thay vào đó là biểu hiện bên ngoài của một chuỗi những quá trình rất thông minh đang diễn ra bên trong chiếc lá.
    Giải mã bí ẩn "mùa thu lá rơi vàng"
    Hẳn bạn sẽ không lấy làm lạ nếu biết rằng lá vàng và lá đỏ trải qua hai quá trình chuyển hóa khác nhau. Khi chất diệp lục không còn hoạt động, hầu hết các loại lá chuyển sang màu vàng. Đây là một loại màu sắc vốn đã tồn tại sẵn trong lá nhưng bị lấn át bởi sắc xanh vào các mùa sinh trưởng của cây.
    Nhưng trong khoảng một thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một cơ chế rất khác ở lá đỏ. Khi diệp lục ngừng thực hiện chức năng của mình, lá cũng sẽ chuyển thành màu vàng nếu như không có sự sản sinh rất nhanh chóng của một loại chất tạo màu tên là Anthocyanin. Nó là một loại chất không có sẵn ở trong lá.
    Có một giả thiết được đưa ra, cho rằng màu đỏ của lá mùa thu chính là kết quả của 35 triệu năm trong cuộc đấu tranh giữa cây cối và sâu bọ khi chúng tìm kiếm thức ăn và nơi đẻ trứng vào mùa thu. Màu lá đỏ sẽ gây khó khăn cho sâu bọ trong việc nhận biết, nên chúng có xu hướng đi tìm những cây có lá màu vàng.
    Giải mã bí ẩn "mùa thu lá rơi vàng"
    Sự khác biệt giữa màu lá cây vào mùa thu ở Bắc Mỹ và Châu Âu có thể được xem là bằng chứng cho giả thiết này. Ở châu Âu, lá các loại cây bản địa hầu hết đều chuyển sang màu vàng. Tuy nhiên, ở Bắc Mỹ, số lượng cây lá chuyển đỏ lại nhiều tương đương với số lượng cây lá chuyển vàng.
    Lý do để giải thích cho việc này có thể là ở Bắc Mỹ, cũng như ở Đông Á, những dãy núi chạy theo hướng Bắc – Nam, trải dài theo đó là những vùng phân bố thời tiết khác nhau. Từ đó kéo theo hệ quả là cây cối trong các khu rừng cũng thay đổi theo thời tiết nơi chúng sinh trưởng, cùng với sâu bọ và cuộc chiến hông đội trời chung với loài này.
    Trong khi đó, ở châu Âu, các dãy núi lại chạy theo hướng Đông – Tây. Vậy nên khi thời tiết trở nên ấm áp hoặc mát mẻ, cây cối không còn sự lựa chọn nào khác là chết đi, cùng với các loài sâu bọ đang sống ký sinh trên chúng. Do đó ở châu Âu, cuộc chiến giữa cây cối và sâu bọ có lịch sử ngắn hơn rất nhiều.
    Giải mã bí ẩn "mùa thu lá rơi vàng"
    Giả thiết này được đưa ra bởi giáo sư Simcha Lev-Yadun, hiện đang công tác tại khoa Khoa học Giáo dục - Sinh học, trường Đại học Haifa - Oranim và Jarmo Holopainen, thuộc hệ thống trường Đại học Kuopio ở Phần Lan. Giả thiết này đã được đăng trên báo New Phytologist .
    Một giả thiết khác cho rằng, sự khác biệt giữa lượng sắc tố Anthocyanin ở lá cây sống trong cùng một khu vực có thể liên quan đến độ màu mỡ của đất nơi cây sinh trưởng. Chúng phản ánh nỗ lực giữ lại lượng chất dinh dưỡng lá cây đã tổng hợp được trong vòng đời của mình.
    Một khảo sát sơ bộ với cây phong lá đỏ và cây sweeg gum (loại cây có hình dạng lá giống lá phong đỏ nhưng màu xanh) của một sinh viên tại Charlotte, N.C đã cho thấy sự liên quan giữa màu lá cây vào mùa thu và chất lượng đất. Nơi đất thấp giàu dinh dưỡng hơn, lá cây hầu hết chuyển sang màu vàng vào mùa thu. Còn ở những vùng đất cao khô cằn, lá cây lại chuyển sang màu đỏ.
    Giải mã bí ẩn "mùa thu lá rơi vàng"
    “Sự liên hệ được thể hiện rất rõ ràng”, nhà sinh lý học cây trồng Bill Hoch thuộc đại học Montana ở Bozeman cho biết. Hơn thế nữa, những khám phá này tương đồng với kết quả ông tìm được về chức năng của chất Anthocyanin kỳ diệu.
    “Các kết quả thí nghiệm là một minh chứng rất rõ ràng cho việc Anthocyanin giúp cây lấy được lượng dinh dưỡng tối đa tổng hợp từ lá trước khi chúng lìa cành”, Hoch phát biểu với Discovery News trong một bài báo vào tháng 10/2007.
    Giải mã bí ẩn "mùa thu lá rơi vàng"
    Hoch giải thích rằng quá trình quang hợp ánh sáng trong lá vào mùa thu càng diễn ra lâu bao nhiêu thì lượng chất dinh dưỡng được dự trữ để sử dụng trong mùa xuân càng nhiều bấy nhiêu. Vậy nên, ở nhiều nơi đất đai cằn cỗi như những quả đồi ở Bắc Carolina (Mỹ), người ta nhận ra mùa thu khi thấy lá cây dần chuyển sang sắc đỏ rực rỡ.
    Khi mùa thu đến, chất Anthocyanin bảo vệ những lục lạp xanh còn sót lại trong lá. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với những cây sinh trưởng ở nơi điều kiện khắc nghiệt, nơi đất nghèo dinh dưỡng, vì nó cho phép chúng có thể sản xuất nhiều hơn các hợp chất hữu cơ cần thiết.

    Anh xin đưa em đi đến cuối cuộc đời...mà anh có tiền không?/ Hồ Phất chia sẻ





    Một chuyện tình đẹp

    Anh xin đưa em đi đến cuối cuộc đời (chuyện rất cảm động ).

    Trong những cuộc hôn nhân như câu chuyện, người ta chung sống với nhau , nặng vì nghĩa , nhẹ vì tình ! Người phụ nữ trong câu chuyện là ngưới có phước phận , có cho đi và có nhận lại , là người có hạnh phúc . Ngưới đàn ông trong câu chuyện là người đạo đức, có trước , có sau ! biết hy sinh đền đáp, đời ông ta chỉ lo trả nghĩa cho người, chưa chắc ông đã có cảm nhận được hạnh phúc !  Những người này thời nay chẳng thể còn !

    Anh xin đưa em đi đến cuối cuộc đời
    Khi gả về nhà anh, chị mười sáu, anh lên năm tuổi.
    Anh là con độc đinh, cha mẹ quý hơn vàng, chỉ tiếc anh quá nhiều bệnh tật.

    1. Cảnh nghèo
    Ông nội ở ngoài buôn bán nhỏ, gom được tí tiền. Bà nội tin Phật, một lòng thành kính, một lần bà nội xin được một quẻ xăm giữa miếu ngụt khói hương, nói phải cưới một cô vợ hơn tuổi cho thằng cháu đích tôn thì nó mới qua được vận hạn.
    Bà nội đương nhiên tin vào lời Phật dạy chúng sinh nơi khói hương vòng quanh chuông chùa ngân nga, bởi thế ông bà nội bàn tính, đưa lễ hậu, kháo tin quanh vùng tìm mối nhân duyên cho anh.
    Nhà chị năm miệng ăn, trông vào mấy sào ruộng bạc màu, chỉ đủ miếng cháo, mùa đông, cha chị vì muốn kiếm thêm ít đồng ra đồng vào, theo người ta lên núi đập đá, tiền chưa kiếm được, nhưng bị đá vỡ dập lưng, tiêu hết cả gia sản, bán sạch cả lương thực, bệnh không khỏi.
    Hằng ngày cha chị chỉ có thể nằm trên giường, muốn chết mà chẳng chết cho. Hai đứa em trai còn chưa đủ tuổi lớn. Nỗi khổ sở của gia đình, nỗi ai oán của mẹ, làm những năm thời con gái của chị mang một gánh nặng tâm tư.
    Vì thế bà mối đến, réo rắt: "Gả cô nhà đi, tiền thì để dưỡng bệnh cho cha, còn đỡ đần được tiền tiêu trong nhà".
    Mẹ chị lắc đầu, nào có ai muốn đẩy đứa con gái thơ dại của mình vào lò lửa? Nhưng chị xin: "Mẹ, cho con đi nhé, chỗ tiền ấy có lẽ chữa khỏi cho cha!".
    Tiếng kèn đón dâu thổi váng đầu ngõ trước ngôi nhà nhỏ của chị.
    Bố chị nằm trên giường tự đấm ngực mình; Con gái phải đem đổi tuổi thanh xuân, chấp nhận lấy một người chả xứng với mình chỉ vì cứu tôi và cứu gia đình này thôi ư!
    Mẹ chị chảy nước mắt, tự tay mình cài lên tóc con gái cây trâm gài.
    Chị mặc áo đỏ đi giày thêu cúi lạy cha mẹ, tự buông tấm khăn đỏ che đầu mình, nước mắt lúc đó mới chảy ra, trộn phấn má hồng.
    Từ đó, số phận cuộc đời chị và hôn nhân giao cả về tay một đứa con nít vô tri.

    2. Cười xót xa
    Bà mẹ chồng trẻ tuổi không phải là người khắt khe khó tính, bố chồng ở xa cũng chẳng cần chị tam khấu cửu bái, lạy chào dạ vâng. Anh vâng lời mẹ gọi chị là chị gái.
    Hằng ngày, chị ngoài việc giúp mẹ chồng chăm ruộng rau và làm xong việc nhà, thì cắt thuốc cho chồng, sắc thuốc, may áo cho chồng, giặt 
    giũ, cho chồng chơi, cho chồng ngủ, có lúc, anh ho suốt đêm, sốt cao, chị thức cả đêm chườm khăn hạ sốt, cho anh uống nước, uống thuốc.
    Trong tim chị, chị coi anh như một đứa em trai.
    Hàng xóm láng giềng gặp chị, chị thường cúi đầu lặng lẽ, không nói, vội vã đi qua. Không biết là ứng với quẻ xăm của Phật, hay nhờ chính
    sức mình mà anh vượt qua được bệnh tật, dưới sự chăm chút của chị, anh lần lượt chiến thắng mọi cơn bệnh tật lớn nhỏ: Ho gà, viêm màng não, lở loét v.v...
    Dần dà, những tình cảm anh dành cho chị vượt quá tình cảm dành cho mẹ mình. Giữa những kẽ hở lúc bận rộn, hoặc khi anh đã ngủ say, chị
    thường khóc nước mắt nóng rồi thờ thẫn tự hỏi mình:
    "Đây là hôn nhân của mình ư, đây là chồng của mình ư?".
    Đến tuổi đi học, chị may cho anh một chiếc túi xách, dắt tay anh đến lớp. Những đứa trẻ trong và ngoài thôn thường vây lấy chị hát to:
    "Cô con dâu, cô con dâu, làm cái gì? Tắt đèn, thổi nến, lên giường..."
    Chị không biết trong lòng mình là nỗi đau hay nỗi buồn, cúi gằm xuống, mặt đỏ lên rồi trắng bệch, trắng rồi đỏ. Một buổi tối, anh nằm trong
    chăn nói:
    "Chị ơi, em yêu chị!".
    Chị lại là vợ. Vợ lại là chị. Chị nhìn gương mặt ngây thơ non nớt của anh, im lặng. Lần đầu tiên chị cười đau khổ.
    3. An ủi nhỏ nhoi
    Cha anh ở ngoài buôn bán nhiễm phải thói cờ bạc, chỉ vài ngày mà thua sạch bách bao gia sản tích cóp khổ sở lâu nay.
    Sau khi bố mẹ chồng chửi bới cãi vã ầm trời, bố chồng chị dứt áo bỏ nhà ra đi, từ đó không ai gặp lại ông nữa, nghe người ta nói khi đó
    ông bị lính bắt đi làm phu. Lúc đó trên người mẹ chồng chị còn vài thứ trang sức, cầm đi đổi lấy vài đồng tiền.
    Mẹ chồng và chị bàn nhau mua lấy ba mẫu đất. Không thể mượn người làm nữa rồi, mẹ chồng con dâu xoay ra xắn ống quần lên lội ruộng, ngày còn ở nhà chị từ nhỏ đã giúp cha mẹ làm ruộng, khổ sở gì chị cũng đã nếm trải qua.
    Chỉ khổ cho bà mẹ chồng chị xưa nay chưa từng phải trồng lúa bao giờ.
    Một nhà vốn giàu có bỗng chốc hóa bần cùng, đàn ông bỏ đi không tăm tích, bà mẹ chồng vừa đau vừa hận, lại thêm việc làm ruộng nặng nhọc,
    làm bà kiệt quệ, ốm rồi không dậy nổi.
    Trước lúc lâm chung, bà kéo tay chị, gần như van vỉ nói:
    "Nó hãy còn nhỏ dại, xin cô chăm sóc nó, nếu cô muốn ra đi, xin hãy đợi lúc nó trưởng thành".
    Chị nắm chặt tay anh. Từ đó, số mệnh của anh lại bị chị dắt đi.
    Chị là người phụ nữ trọng tình nghĩa, chưa từng hứa gì, nhưng chị vẫn cùng anh như cũ. Từ đó về sau, ngay cả chính chị cũng không nhận ra
    mình rốt cuộc là vợ, là chị hay là mẹ của anh?
    Chị quần quật không ngày không đêm, làm việc để anh tiếp tục đi học.
    Cuộc sống của họ trôi qua khổ nhọc nhưng bình lặng giữa tình chị em sâu nặng, tình yêu bao la như tình mẫu tử bền chặt.
    Khi anh tốt nghiệp trung học thi đỗ vào một trường Đại học Sư phạm, chị thay anh thu xếp hành lý, lại một lần nữa đưa anh tới trường.
    Chị nhìn cậu con trai trẻ măng vừa qua tuổi dậy thì, do chính tay mình nuôi lớn từ nhỏ đến giờ, chị chỉ dặn anh hãy cố mà học hành, ngoài ra
    chị không nói thêm điều gì nữa.
    Nhưng anh vẫn nói: "Chị, chờ tôi quay về nhé!".
    Tim chị đập nhẹ một nhịp, nhưng mặt vẫn bình thường, có điều khóe miệng ẩn một nụ cười hân hoan rất nhẹ mà người khác khó nhìn thấy.
    Khóe cười ấy không phải vì câu nói của anh, mà vì những gì chị bỏ ra, đã được đáp đền lần đầu.
    4. Kiếp này
    Chị vẫn làm ruộng như trước, nhịn ăn nhịn mặc dành tiền gửi đi.
    Hai năm đầu, nghỉ hè và nghỉ Tết anh đều về quê giúp chị làm việc.
    Nhưng năm thứ ba đại học, anh viết thư về nói: Chị đừng gửi tiền nữa.
    Và kỳ nghỉ tôi cũng không về nữa đâu. Tôi muốn ra ngoài kiếm việc làm thêm, đỡ gánh nặng cho chị.
    Lúc đó chị đã 29 tuổi.
    Ở quê, người như chị đã là mẹ của mấy đứa con. Người trong làng đều bảo, chị nuôi anh lớn khôn, lại còn cho anh thoát ly đi học, thế coi
    như là đã quá tốt với anh rồi, chị già hơn anh mười một tuổi, thôi đừng chờ chồng nữa.
    Bây giờ anh đã đi xa, ở ngoài thế giới bao nhiêu xanh đỏ tím vàng, biết chồng mình có về nữa hay là không về nữa!
    Chị cũng không biết trong lòng mình là đang thủ tiết, giữ đạo phu thê:
    Dù sao thì mười mấy năm trước chị cũng là một cô dâu gả cưới đàng hoàng về nhà anh; hay là mình đang vì câu nói trước ngày anh lên đường
    đi xa: "Chị, chờ tôi quay về nhé!"; hay là chị đang lo âu như người mẹ không yên tâm về đứa con nhỏ của mình đang ở xa; chị cứ chờ.
    Chị cứ giữ sự yên tĩnh và ít lời như mấy chục năm nay đã từng.
    Cuối cùng cũng đã đến lúc anh tốt nghiệp. Anh quay về.
    Anh đã là một người đàn ông trưởng thành có phong cách và khí chất, dáng dấp một người đàn ông nho nhã hiểu biết.
    Còn chị, dãi nắng dầm sương, gương mặt nhọc nhằn lao khổ đã sớm bay hết những nét đẹp thời trẻ, là một người đàn bà nhà quê đích thực.
    Trong lòng chị chỉ còn coi anh là một đứa em trai thân yêu.
    Chị không dám ngờ anh đã nói với chị:
    "Chị, tôi đã trưởng thành, giờ chúng ta có thể thành thân!".
    Chị nhìn anh, như đang nằm mơ, chị sợ mình đang nghe nhầm. Anh cũng là một người đàn ông trọng tình trọng nghĩa như chị?
    Chị cười, tự đáy lòng dâng lên miệng cười rạng rỡ, cũng để rơi xuống những giọt nước mắt đẹp đẽ nhất đời người.

    5. Xin lỗi
    Anh ở lại thị trấn dạy học, chị ở nhà làm ruộng.
    Họ có với nhau một con trai một con gái.
    Sau này, anh đến khu mỏ dầu dạy học, lên chức hiệu trưởng một trường
    Trung học nhờ vào bằng cấp và kinh nghiệm dạy học của mình.
    Vì hộ khẩu, con cái vẫn để ở nhà cho chị nuôi nấng.
    Sau khi nhập được hộ khẩu, anh về quê đưa vợ con lên trường.
    Các giáo viên trong trường đến giúp hiệu trưởng dọn nhà.
    Có một giáo viên bộc tuệch chạy ra nói:
    "Hiệu trưởng, sao anh đón mẹ và em trai lên ở mà không đón cả chị nhà và các cháu luôn?".
    Một sự im lặng bao trùm, mọi người đều ngoái đầu nhìn chị.
    Lúc ấy, mặt chị sượng trân trân, không biết nên nói gì, chị cười méo mó, nhìn anh biết lỗi.
    Anh ngoái đầu nhìn chị, nói với tất cả mọi người với giọng chắc nịch:
    "Chị các chú đây. Có cô ấy mới có tôi ngày hôm nay, thậm chí cả tính mạng tôi".
    Chị nghe anh nói, mắt chị dâng lên toàn là nước mắt.

    6. Năm tháng như bài ca, tình yêu như ngọn lửa
    Bây giờ chị đã bảy mươi hai, vì làm việc nặng nhọc quá
    nhiều, sức khoẻ kém, bệnh phong thấp làm chị đi tập tễnh. Anh sáu mươi mốt, đã về hưu từ lâu.
    Hai năm nay họ dọn về khu nhà này ở, nếu hôm nào trời không mưa gió, hoặc ngày quá lạnh, đều có thể gặp bóng dáng họ ở khu sân chơi, bồn
    hoa; chị nắm gậy chống, anh đỡ một bên, đi chậm chạp từng bước một về phía trước, như đang dìu một đứa trẻ tập đi, chăm sóc như thế, ân cần như thế.
    Những người biết chuyện của họ đều nhìn theo, cảm động bởi mối tình sâu nặng và bền chặt của anh và chị, mang nghĩa đủ tình đầy đi dọc một
    kiếp người. Anh nói:
    "Cô ấy mang cho tôi sinh mệnh, cho mẹ tôi sự ấm áp, cho tôi một mái nhà, bây giờ, tôi dành nửa cuối đời tôi chăm sóc cô ấy".

      Anh dắt tay chị, như ngày đó chị dắt tay đứa bé năm tuổi, họ cùng mỉm cười, đẹp như nét mây chiều êm ái nơi chân trời mùa hạ.