Thứ Hai, 31 tháng 10, 2022

Tám Hổ/ Ly kỳ chuyện hổ trả ơn người/ người viết Hồ văn Ẩn/ Cảnh Tú chia sẻ

 Thấy chuyện hay, xin quảng bá, cảm ơn chị Cảnh Tú đã chia sẻ.

*


Tám Hổ.
Hồ văn Ẩn
Gia đình tôi đông anh em. Tôi yêu thương nhất là người em thứ tám. Tôi thương chú Tám hơn vì chú có tấm lòng ngay thẳng, hiền lành, chịu khó nhưng số phận lại hẩm hiu.
Chú lấy vợ, được đứa con trai thì gia đình gãy đổ. Lỗi một phần ở chú. Ở thời buổi này có người đàn bà nào chịu chung sống trọn đời với một người đàn ông chỉ có tấm lòng! Vật chất nữa chứ! Chú ngồi yên lặng – sự yên lặng chiếm gần hết tuổi thanh xuân của chú – nhìn Phụng, người vợ mà chú yêu thương rất mực, ra đi.
Tôi trở về, sau bảy năm cải tạo. Với số vốn nhỏ nhoi ban đầu, tôi mua bán tre, lá, tầm vông. Rồi từ từ bán thêm vật liệu nặng như sắt, xi măng, đá, gạch, ngói, cát...Sau một cuộc chiến tranh dai dẳng, hòa bình trở lại, gia đình nào cũng cần xây dựng lại nhà cửa. Chỉ sau hai năm làm ăn buôn bán, gia đình tôi đã khá giả. Tôi mua thêm một miếng đất, dự trù cất cho chú Tám một căn nhà nhỏ, vách ván, lát gạch, cách nhà tôi không xa và đồng thời cưới vợ cho chú. Tôi thật ái ngại khi nhìn thấy chú trong cảnh gà trống nuôi con. Chú tươi cười từ chối đề nghị của tôi. Chú quyết tâm bám trụ ở Sài Gòn. Chú bước thêm bước nữa với một người đàn bà Tàu lỡ thời, dung nhan rất khiêm tốn.
Vợ chồng chú có một căn bán vật dụng lao động như cuốc, xẻng, dao, liềm, gầu...tọa lạc gần cầu Ba Cẳng, chợ Kim Biên. Nói là một căn cho nó oai, chứ thực ra rất nhỏ hẹp, nếu đứng giữa nhà dang tay mặc áo cũng đụng hai vách bên.
Có dịp lên thành phố, lần nào tôi cũng mang theo quà, ghé thăm vợ chồng chú. Tôi mừng thầm vì chú đã có đôi và cuộc sống không đến nỗi quá chật vật. Bản chất tôi rất hiếu khách, nhưng vào dịp tất niên hoặc ngày giỗ kỵ, tôi không mời ai cả dù là bạn hữu quí mến hoặc hàng xóm thân quen, chỉ có anh em chúng tôi quây quần bên nhau. Anh em cả năm xuôi ngược, mưu sinh, chỉ có dịp lễ này để gặp mặt, nói với nhau những lời thân thiết, phụ lực nhau giải quyết những điều khó khăn với tấm lòng thương yêu đùm bọc. Có sự hiện diện của người ngoài, làm sao anh em dám thổ lộ hết những vui buồn tốt xấu. Trong lúc cúng, ngồi chờ nhang tàn, hoặc khi ngồi vào bàn ăn, tôi thường kể lại cho các em nghe về những kỷ niệm gia đình mà lúc đó các chú còn nhỏ không nhớ gì. Những chuyện tôi kể thường liên quan đến công lao khó nhọc của cha mẹ tôi lo nuôi dạy đàn con. Mẹ tôi, người đàn bà tuyệt diệu, suốt đời hy sinh cho chồng con. Mẹ tôi mất năm bà mới 54 tuổi, trong lúc mấy người con trai lớn của bà đang tại ngũ, xông pha ngoài trận mạc, có lần tôi về phép thăm mẹ tôi đang nằm trên giường bệnh. Nắm tay tôi nước mắt rưng rưng, bà nói:
- Nghe súng nổ ở đâu, má tưởng tượng mấy con đang ở đó, má lo lắng quá.
Ôi! Biển dầu rộng, nhưng làm sao sánh được bằng tấm lòng thương con mênh mông của người Mẹ hiền.
Cha tôi làm thợ, siêng năng cần cù, đội mưa phơi nắng, đau không dám nghỉ. Với số lương kiếm được hầu như cố định hằng tháng, ông trao hết cho Mẹ tôi để nuôi đàn con đang sức lớn như thổi.
Một lần cuối năm, tình cờ nghe ba tôi than:
- Tết đến rầu quá!
Trong dịp gần Tết, ba tôi phải đi làm thêm cả ngày thứ bảy và chủ nhật để kiếm thêm tiền sắm sửa Tết và may cho anh em chúng tôi mỗi đứa một bộ đồ mới mặc Tết.
Tôi hỏi han về đời sống của các em. Người nào khá phải giúp đỡ người kém may mắn. Tôi làm lực lượng tổng trừ bị. Anh em tôi cho đến giờ vẫn duy trì nếp sống tương trợ đó. Sống bám ở thành phố được hai năm, gia đình chú Tám bị chính quyền ép phải đi vùng kinh tế mới ở Ðịnh Quán, giáp ranh tỉnh Lâm Ðồng. Số chú quả là số con rệp. Tôi nhận được tin báo vào buổi trưa, trong thư chú không nói rõ địa chỉ, thành thử dù rất nóng lòng, tôi cũng không biết cách nào đi thăm để yểm trợ.
Ðến ngày giỗ thân phụ, anh em chúng tôi ngồi ngóng đến chuyến xe đò cuối cùng chú Tám mới về tới. Ngoài bánh, mứt, trà sắp lên bàn thờ cúng cha mẹ, chú Tám còn mang về biếu tôi một bình rượu to ngâm sáu con bìm bịp, với một lít mật ong nguyên chất.
Anh em ngồi quây quần nghe chú kể về cuộc sống gian nan, khó khăn trong những ngày đầu đến sinh sống ở vùng kinh tế mới. Một vài gia đình có người chết vì bệnh kiết lỵ hoặc sốt rét. Nhiều gia đình không chịu đựng nổi cuộc sống kham khổ, lén trốn về Sài Gòn. Riêng gia đình chú, với số đồ sắt bán ế trước đây còn tồn tại, chú chở theo lên bán rất được giá. Chú lại mua thêm đồ để bán như xoong, nồi, quần áo lao động, giầy bố, một số thuốc Tây thông dụng như thuốc sốt rét, đau bụng, kiết lỵ và cảm cúm. Vốn buôn bán làm ăn của chú bây giờ khá hơn hồi còn nấn ná ở Sài Gòn. Anh em đều mừng rỡ, gọi đùa chú là “người hùng vùng kinh tế mới”.
Sáu tháng sau, tôi lên thăm chú. Trời ngả về chiều, tôi tới Ðịnh Quán. Ðến vùng kinh tế mới Kim Biên, cách huyện trên 10 cây số về hướng Tây, phương tiện duy nhất ở đây là xe đạp ôm. Dọc đường tôi hỏi thăm người chạy xe về tin tức của chú Tám:
- Tám Nghĩa, trước bán đồ sắt ở chợ Kim Biên lên đây hiện đang ở đâu, chú có biết không?
- Biết, biết! Anh Tám Hổ đó mà, có quán cà phê và tạp hóa ở gần bìa rừng.
Tôi ngạc nhiên về cái tục danh Tám Hổ, nó có vẻ ngang tàng anh chị quá, nhất định không phải chú ấy rồi. Chú Tám hiền đến độï trước đám đông chú thường yên lặng, cười xã giao. Lúc còn đi học tiểu học, chú thường đi sớm đến chùa Viên Minh để được chia phần khất thực vào giờ độ ngọ. Các vị sư nói chú có nhiều Phật tính, nhất định chú Tám, em tôi không phải là Tám Hổ.
Sau gần hai tiếng đồng hồ ngồi trên xe đạp dồn xóc ê ẩm, trời sụp tối. Người lái xe quẹo vào cái quán có đèn “măng sông” sáng choang, dừng lại gọi lớn:
- Tám Hổ ơi! Có anh ở Trà Vinh lên thăm nè.
Chú Tám Hổ bước ra, em trai tôi đây mà! Hai anh em mừng rỡ nắm tay nhau:
- Anh lên, em mừng và ngạc nhiên quá!
Tôi thắc mắc:
- Có vụ gì mà có tục danh Tám Hổ nữa đây?
Chú cười:
- Bí mật! Anh vào tắm cho khoẻ, em sẽ tường thuật cho anh nghe sau.
Căn nhà chú đúng là quán hàng xén, đầy đủ đồ gia dụng cần thiết và thực phẩm khô. Tôi chú ý trên vách, cạnh bàn thờ có treo một khẩu súng săn bóng loáng.
Bữa cơm, canh rau nấu với tôm khô, lạp xưởng chiên. Ðặc biệt có bia lai rai với khô cá lóc tôi mang lên. Rót tiếp bia cho tôi, đoạn chú chỉ xuống gầm bàn, nói:
- Em có tên Tám Hổ vì nuôi nó trong nhà đó.
Tôi ngó xuống giựt mình, co chân lên ghế. Một con cọp vằn đen lông vàng to bằng con chó ta, đang nằm cuộn mình dưới gầm bàn. Chú cười, cụng ly với tôi rồi bắt đầu kể:
- Lần trước về ăn đám giỗ ba, trở lên Sài Gòn bổ đồ hàng xén cho tiệm, em mua được cây súng săn giá rất rẻ của một người thua bạc cần tiền. Em rất thích đi săn. Hơn nữa ở đây nhiều chim, gà rừng, mễn, nai, cheo...Một ngày đi săn xông xáo, lớp ăn, lớp xẻ khô, gia đình em dùng cả tháng chưa hết. Một hôm đang mải mê theo dấu một con công, rất sâu trong rừng, bỗng em thấy đám cỏ tranh lay động và từ xa em nghe tiếng kêu ăng ẳng như tiếng chó con. Em liền chạy đến thì gặp... nó đây! (Chú vừa nói vừa chỉ vào con cọp đang nằm dưới gầm bàn, lâu lâu lại đưa chân trước lên vuốt mép). Hẫng một phút vì bất ngờ, em vội nhào tới ôm nó lên, bỏ cả xâu chim chiến lợi phẩm, chạy bất kể thân, vì em biết thế nào mẹ nó cũng lẩn quất không xa. Cọp mẹ mà biết em bắt con của nó thì giờ này em không còn được ngồi đây uống bia với anh. Về đến nhà, em để nó vào cái cần xé, nằm bật ngay trên ván vì mệt, muốn kiệt sức.
- Hớp một ngụm bia, chú kể tiếp:
- Anh không thể tưởng tượng được, trong tuần lễ đầu tiên lúc mới bắt nó về, tụi em không làm ăn buôn bán gì được cả. Người hiếu kì kéo tới coi không ngớt suốt ngày, mỗi người hỏi một vài câu, trả lời thôi cũng muốn khùng. Tuần rồi Công an huyện cho người xuống nói thừa lệnh trên bắt nó về cho Sở thú Sài Gòn nuôi để nhân dân tham quan. Em biết họ đặt điều, bắt đem đi bán cho khách ngoại quốc. Không có lệnh trên lệnh dưới nào cả. Em nói nó là vật sở hữu của em, không ai có quyền bắt cả. Sở thú Sài Gòn có mần thịt sư tử, cọp bán xương cho mấy ông ba tàu Chợ Lớn nấu cao hổ cốt thì bắt cọp nữa làm gì? Thấy em có phản ứng quyết liệt, họ thụt, nhưng bắt em ký giấy cam kết nếu nó làm gì nguy hiểm cho nhân dân, em hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Chú cúi xuống đưa tay xoa xoa đầu cọp và nói tiếp:
- Em cho nó uống nước cơm pha đường thẻ, ăn cơm với thịt hoặc cá đã nấu chín. Tuyệt đối không cho ăn thịt sống. Nó mau lớn và hiền lắm. Ở đây, đa số đất khai hoang đều trồng bắp và đậu phộng, thu hoạch cũng khá. Khổ nỗi khỉ và heo rừng thường tới phá hoa màu. Mỗi buổi sáng, em phụ vợ em dọn quán và pha cà phê, cơm nước xong, em vác cuốc xẻng, đồng thời đem theo đồ ăn trưa. Em ra rẫy, nó lững thững đi theo sau. Một điều lạ, không biết vì trông thấy hay ngửi thấy mùi phân và nước tiểu của cọp nên khỉ và heo rừng không dám bén mảng tới phá nữa. Mấy công đất em trồng bắp và đậu phộng lên tốt, nguyên vẹn. Tiếng đồn lan ra khắp vùng, nhiều người tới năn nỉ nhờ em cho mướn nó đi biểu diễn để khỉ và heo rừng sợ không dám tới phá hoa màu của họ nữa. Em sẵn lòng giúp họ nhưng khổ nỗi là không có em, ai dẫn nó cũng không chịu đi. Sau vụ thu hoạch hoa màu, chủ rẫy mua đường, sữa, bột đậu nành đến cho nó bồi dưỡng. Nó là cọp cái, em đặt cho nó cái tên Gina vì trước em rất thích nữ tài tử Gina Lolobrigida.
Trong thời gian một tuần lễ ở lại chơi với chú, tôi đi săn với Tám Hổ hai lần và dĩ nhiên có cả Gina đi theo. Tôi vừa bắn rớt con gà rừng, Gina nhanh như chớp phóng tới ngoạm con gà mang đến cho tôi.
Ngày về, chú cho tôi một con chim trĩ, hai con két, hai lít mật ong làm quà. Chú và Gina tiễn tôi tới bến xe đạp ôm. Ði được một quãng, ngoái lại tôi thấy chú Tám cười vẫy tay và hình như Gina vẫy đuôi.
Ít lâu sau, có người dẫn một du khách Ðài Loan đến ngỏ ý thương luợng trả mười cây vàng để mua Gina. Tám Hổ từ chối, nhất định không bán. Chú bảo Gina là người bạn quý của gia đình và không ai lại đi bán bạn bao giờ.
Tám Hổ mua một máy chụp hình lấy liền hiệu Polaroid để chụp hình lưu niệm cho khách. Người dân thành phố về vùng kinh tế mới thích chụp hình đứng bên Gina để gửi tặng thân nhân như một bằng chứng đời sống nơi hoang dã. Trẻ nít thì khoái chụp hình ngồi trên lưng cọp, vuốt râu hùm...Sáng kiến chụp hình lưu niệm này đã đem lại số lợi tức đáng kể về cho gia đình Tám Hổ.
Một năm sau, nhân ngày giỗ Mẹ, Tám Hổ mang về nhiều quà cáp, nhưng nét mặt dường như không được vui. Tối đến, anh em quây quần trò chuyện và uống trà, Tám Hổ buồn bã kể chuyện về Gina:
- Cách nay một tuần, con Gina đã bỏ vào rừng biệt tăm. Trước đó, Gina lộ vẻ quạu cọ, cắn xé thùng giấy, bao bố...Ban đêm nó không ngủ, đi vòng vòng, sục xạo...dường như đến thời kỳ rượng đực.
Một hôm tôi đang ngồi loay hoay sửa lại giàn hoa trước nhà thì nhận được bức điện tín của chú Tám gửi về với nội dung cho biết: “Gina trở về. Có bầu!”.
Tôi nhắn cho thân nhân biết tin vui, mọi người đều mừng cho Tám Hổ đồng thời thư từ liên lạc, theo dõi câu chuyện chửa đẻ của Gina, say sưa như theo dõi truyện thần thoại xứ Ba Tư ngày xưa.
Tết năm đó, tất cả anh em chúng tôi bao một chuyến xe lên vùng kinh tế mới Kim Biên, Ðịnh Quán thăm gia đình Tám Hổ. Cơ ngơi của chú bề thế khang trang. Căn nhà ba gian, cột tròn, đánh vẹc-ni màu hổ phách bóng loáng. Nền nhà lát gạch, có sắm máy phát điện nhỏ. Chúng tôi vô cùng kinh ngạc khi thấy Gina cao lớn, oai phong như một bà chúa sơn lâm chạy ra vẫy đuôi mừng, theo sau là hai chú cọp con. Tám Hổ cho biết cái cơ ngơi này được tạo dựng khang trang, phần lớn là do công lao đóng góp của ba mẹ con Gina. Hai chú cọp con, Tám Hổ đặt tên là Pelé và Maradona.
Tám Hổ chụp hình cho khách mệt nghỉ. Nhiều người trước đây đã chụp hình đứng chung với Gina, nay lại muốn chụp nữa để có tấm hình bồng bế Pelé và Maradona trên tay, đứng bên con Gina cao lớn, bệ vệ, oai phong.
Thế rồi một đêm mưa, hòa trong tiếng sấm chớp xé trời, người ta nghe như có tiếng rống của cọp đực gần phía bìa rừng. Trước đó một tuần, Tám Hổ thấy có dấu chân cọp lớn hơn dấu chân con Gina ở phía ngoài rào. Sáng hôm sau, mải lui cui pha cà phê, có khách tới xin chụp hình với mẹ con Gina. Tám Hổ ngó quanh không thấy Gina đâu, chạy sục sạo tìm kiếm, ra cửa rào thì thấy dấu chân mới của Gina, Pelé, Maradona và thêm dấu chân cọp to hơn hướng về phía rẫy và lẩn khuất phía bìa rừng. Gina dẫn hai con đi rồi! Tám Hổ nằm liệt giường, đóng cửa tiệm một tuần. Ðược tin, tôi viết thư an ủi chú. Ô! Sông có khúc, thì người cũng có lúc. Gina giúp đỡ chú như thế quá đủ rồi. Tuy là loài vật, Gina cũng phải lo cho hạnh phúc và đời sống riêng tư của nó nữa chứ. Môi trường thích hợp nhất với Gina là rừng xanh và bóng cây già, với đồi với suối thiên nhiên hùng vĩ, chứ đâu phải nép mình trong căn nhà ba gian của chú! Tám Hổ mở cửa tiệm buôn trở lại. Có những buổi chiều, chú ngồi yên lặng cả giờ, đôi mắt xa xăm nhìn về phía rừng, nơi Gina đã ra đi cũng như trước đây Phụng, người vợ đầu tiên mà chú rất mực yêu thương đã ra đi. Ðối với người và thú vật, tuy tình cảm lưu luyến có khác, nhưng sự ra đi nào mà chẳng để trong lòng kẻ ở lại cái cảm giác bơ vơ hụt hẫng tiếc nuối.
Chiều hai mươi tám tết, tôi đang đứng trên ghế, đơm mấy trái quýt ta quanh nải chuối cau và trái dưa hấu thật to trong đĩa trái cây đặt trên bàn thờ ông bà, bỏ mấy viên Aspirine vào chiếc độc bình giữ cho cành mai lâu tàn, bỗng nghe tiếng mấy đứa em cùng reo lên một lượt khi có chiếc xe đò dừng lại:
- Tám Hổ về tới!
Mọi người chạy ra đón Tám Hổ và phụ đem đồ vào nhà. Phương, đứa con trai lớn của tôi hỏi:
- Túi này đựng gì mà nặng quá vậy chú Tám.
Tám Hổ cười đáp:
- Hai chục ký lô khô nai, nhậu mệt nghỉ!
Chú cho biết, mấy lúc gần đây, một tháng đôi lần, vào những tuần trăng, sáng ra mở cửa thấy một con mễn, có khi heo rừng nặng cả tạ, và mới đây là một con nai to bằng con bê còn nóng hổi nằm chết trước nhà. Có dấu chân cọp in hằn rõ nét mà Tám Hổ không bao giờ lầm lẫn, đó là dấu chân của Gina.
Gina đã trở về sống với rừng xanh, nhưng cứ đến tuần trăng nó lại tha mễn, nai hoặc heo rừng đến trước sân nhà làm quà cho Tám Hổ. Gina tuy là thú vật nhưng vẫn còn lưu luyến chút tình người, chứng tỏ nó không quên Tám Hổ. Còn Phụng, người vợ cũ đầu ấp tay gối ra đi biệt tăm, mặc dù hai người đã có chung với nhau một đứa con trai. Phụng và Gina, ai “người” hơn ai? Câu hỏi lẩn quẩn trong đầu đã bao lần Tám Hổ không sao tìm được câu trả lời thích đáng, mỗi chiều bên ly bia sủi bọt, mơ màng ngó về hướng bìa rừng rồi lại nhìn đứa con trai trông giống Phụng như đúc, Tám Hổ ngồi yên lặng thở dài.
Sau đó gia đình tôi bồng bế nhau sang Hoa Kỳ theo diện H.O, một chương trình được mệnh danh là nhân đạo.
Thân nhân, bè bạn, anh em tiễn đưa gia đình tôi ở phi trường Tân Sơn Nhất thật đông. Qua khung cửa kính, lúc máy bay vừa cất cánh, tôi chợt thấy Tám Hổ một tay vịn vai thằng Ân, tay kia đưa ngang mặt quẹt nước mắt. Hình ảnh Tám Hổ khóc, khiến tôi bồi hồi xúc động, theo tôi suốt cuộc hành trình bỏ xứ ra đi này.
Trăm cay nghìn đắng gặp phải khi mới đến định cư xứ người, còn gì khổ bằng khi tóc đã muối tiêu, tôi phải sắp xếp mọi thứ cho gia đình lại từ đầu. Qua thư từ liên lạc với thân nhân ở quê nhà, tôi biết Phụng đã tìm lên vùng kinh tế mới, gặp Tám Hổ để bàn về thằng Ân, đứa con trai chung của hai người. Phụng tỏ ra rất biết điều, nói năng từ tốn, không dám đòi hỏi gì. Phụng chỉ mong Tám Hổ thương thằng Ân, nghĩ đến tương lai của nó, cho thằng Ân theo Phụng sang Úc do sự bảo lãnh của gia đình Phụng. Phụng cũng xin lỗi Tám Hổ, đã từ lâu giấu Tám Hổ âm thầm lo hồ sơ xuất ngoại cho thằng Ân.
Sau gần một tuần suy nghĩ, tốn thật nhiều bia để trợ lực, vì tình thương thằng Ân vô bờ, Tám Hổ đồng ý cho thằng Ân sang Úc với Phụng. Tương lai nó dù sao cũng sáng sủa hơn ở vùng kinh tế mới Ðịnh Quán này, địa danh mà người đi qua chợt xác nhận vị trí bởi những hòn đá cheo leo xếp chồng lên nhau một cách hờ hững bên đường.
Ngày thằng Ân lên máy bay, Tám Hổ không đi tiễn, nằm nhà ngủ vùi với cơn say và nước mắt. Phụng phải nắm tay lôi thằng Ân ra phi đạo vì nó nằng nặc đòi ở lại. Ân vừa bước đi vừa mếu máo:
- Mấy bác thấy ba con đâu không? Con thương ba con lắm! Con muốn ở lại với ba con.
Tôi biết Tám Hổ đứt ruột phải xa thằng Ân. Sự ra đi của nó là một tổn thất lớn nhất trong đời của Tám Hổ, còn hơn sự ra đi của Phụng mười năm trước. Cách quê hương nửa vòng trái đất, cuộc sống Mỹ đã đưa gia đình tôi vào quỹ đạo chóng mặt, riêng tôi không còn thời gian nhàn hạ nữa. Hằng tháng tôi gọi điện thoại về Việt Nam thăm hỏi gia đình, người thân. Quê hương ai xa mà không nhớ, chính điều đó mà người Việt đã đóng góp một số tiền rất lớn, lên hàng nhiều triệu trong trương mục của các hãng điện thoại viễn liên.
Sang Mỹ được hai năm, buổi chiều đi làm về tôi nhận được thư của Nhường – rất dầy, dán đến bốn mươi lăm ngàn đồng tem Việt Nam – đứa em trai thứ bảy được tôi ủy quyền trông nom nhà cửa. Trong thư chú chỉ nói có nửa trang về thân nhân gia đình bình yên, còn hơn mười trang nói về Tám Hổ và Gina. Ðọc thư tôi cười và nói thầm: “Chuyện Gina sang đến Mỹ rồi”.
Với số thịt rừng hàng tháng do Gina mang đến tặng trước sân nhà mỗi độ trăng sáng. Tám Hổ ướp nước đá và mang về bán cho các quán nhậu tận Sài Gòn, giá được tăng gấp đôi. Lấy tiền bán thịt rừng làm vốn bổ đồ về quán tạp hóa, không vốn mà Tám Hổ được bốn lời! Ðể đền ơn, nhìn trăng biết ngày Gina đến, Tám Hổ pha một thau sữa bột đậu nành đường cát trắng, đặt giữa sân chỗ Gina thường bỏ con mồi. Tám Hổ thức chờ.
Trăng sáng trên đỉnh đầu, Gina xuất hiện kéo lết một con nai, bước những bước nặng nề, mệt nhọc đi vào sân. Bỏ con mồi xuống, Gina gục đầu sang thau sữa uống một cách ngon lành, tiếng Gina uống sữa như nước chảy vào ống cống hẹp. Tám Hổ run run, xúc động bước ra sân và khẽ gọi:
- Gina!
Gina quay lại ngoắc đuôi, bước đến cọ đầu và tai vào chân Tám Hổ một cách trìu mến, quyến luyến. Tám Hổ ngồi xuống ôm và xoa đầu, Gina liếm nhè nhẹ vào má Tám Hổ. Vài phút sau Gina bỏ đi, Tám Hổ gọi tên mấy lần, Gina bước nhanh và không ngoái đầu lại.
Mỗi tháng trăng sáng, Tám Hổ nôn nóng gặp Gina – không phải vì con mồi – với trạng thái tình cảm nồng nàn như trông ngóng người tình. Thế rồi một buổi chiều, trời vừa sụp tối, Tám Hổ đang cho thêm đường vào thau sữa thì thấy một xe Jeep chạy chầm chậm ngang qua quán.
Nửa đêm trăng sáng vằng vặc, Tám Hổ nằm ngủ trên võng, mơ màng ngoài mái hiên nhà bỗng nghe tiếng súng nổ đoàng!! đoàng!! đoàng!!...nhiều loạt đạn nổ chát chúa, cộng với tiếng rống xé trời vang lên từ phía bìa rừng. Tám Hổ choàng tỉnh chạy ra mé rào, trống ngực đập liên hồi, lo lắng, không biết có điều gì bất trắc xảy ra cho Gina.
Trời vừa rạng sáng, người xe đạp ôm đầu tiên chở khách từ Ðịnh Quán vào, uống cà phê và cho Tám Hổ biết có người vào đây săn cọp, bị cọp vồ, vết thương ở cổ họng và bọng đái rất nặng đang chở vào thành phố cấp cứu. Họ săn được một con heo rừng và một con cọp. Nghe đến đây Tám Hổ rụng rời! Gina đã chết rồi, Gina vì mang heo rừng về biếu Tám Hổ, do theo thói quen mà Gina phải chết.
Tám Hổ đi ra nhìn kỹ, quả thật xác Gina đang nằm như ngủ, ngoài mái hiên. Nhờ người thương lượng, Tám Hổ mua xác Gina với giá năm triệu đồng.
Ðường dạo này đã ban bằng và mở rộng, Tám Hổ mua một cái quan tài hàng chân nhang hạng nhất, bao nguyên chiếc xe Lam chở quan tài và xác Gina về nhà. Riêng phần Tám Hổ lo cho đám tang Gina thật chu đáo. Chờ xác Gina về tới, anh em xe đạp ôm, già trẻ, lớn bé hiếu kỳ đến chật nhà. Tám Hổ cho che tấm bạt lớn kín gần nửa sân, quan tài đặt chính giữa, lót một tấm mền bông mới nguyên xé từ trong bọc, hai mép phủ bên ngoài. Gina được lau khô máu, đặt quan tài trong tư thế nằm nghiêng, êm đềm như ngủ. Vợ chồng Tám Hổ tận dụng tất cả bàn ghế trong nhà, một số hàng xóm tự động mang tới. Cà phê, nước trà, bánh ngọt, thuốc lá khách dùng tự nhiên.
Mỗi người nói một câu, quang cảnh như buổi chợ đêm. Tình cờ Tám Hổ nghe mấy anh xe đạp ôm đã vô mấy xị tiết lộ cho biết vợ Tám Hổ là một trong những tay đánh số đề có hạng ở Ðịnh Quán. Tám Hổ nghe đắng ở cổ họng và tức muốn ói máu, bán buôn rất được, mỗi lần đi bổ hàng đều bị thiếu tiền, một số thất thoát không kiểm chứng được.
Tám Hổ chôn Gina ngay ngoài sân nơi đêm đêm trăng sáng, Gina mang thú rừng về tặng Tám Hổ. Chôn cất Gina xong, chờ cho mọi người về hết, Tám Hổ hỏi tội vợ về việc chơi số đề. Một cuộc đập lộn quyết liệt xảy ra, có người đến can mãi mới lôi hai vợ chồng ra được. Tám Hổ bị chảy máu mũi và bầm tím một bên mắt, nghe đâu vợ Tám Hổ có võ tiều. Rõ ràng số Tám Hổ là số con rệp. Một tuần sau, Tám Hổ rước thợ, mua cát đá, xi măng làm mộ cho Gina. Xây mộ xong, vật liệu còn thừa, Tám Hổ cho tráng rộng chân nền ra gần hai thước, tất cả vuông mộ và nền được tô đá mài màu xanh xám, mát lạnh. Tám Hổ đem hình Gina ở tư thế hai chân trước chống thẳng, hai chân sau quỳ bằng, đôi mắt sáng quắc nhìn thẳng về thành phố bọc kính, tấm mộ bia to bằng tấm lịch treo tường, phía dưới đục hàng chữ đen bóng.
Phần mộ: Gina, sanh năm 1989, tử nạn ngày 6/5/1998. Hưởng thọ 9 tuổi.
Tấm mộ bia được gắn vào mộ Gina đẹp, uy nghi và có thần lạ thường. Nền mộ của Gina bây giờ là tụ điểm của xe đạp ôm, cờ tướng, bài cào con, trẻ nít quây quần đánh đáo, bắn bi. Mấy tay mê số đề thắp nhang van vái Gina phù hộ. Vợ Tám Hổ nhìn một cách thèm thuồng nhưng không dám thắp nhang. Không biết nhờ Gina phù hộ hay mấy tay mê số đề tới số, đa số những người van vái đều trúng số đề, không nhiều thì ít. Tiếng đồn vang xa, mộ Gina suốt ngày khói hương nghi ngút.
Thế rồi, một buổi sáng trên chiếc xe lam bốn người phụ nữ Tàu ăn mặc sang trọng, mang theo mấy mâm bánh, trà, trái cây và một con heo quay to. Theo lời tiết lộ của bác tài xe lam, đây là gia đình A Phóng, dân kinh tế mới vượt biên đến đảo Paulo Bidong an toàn, đem phẩm vật lên trả lễ vì trước khi vượt biên, A Phóng có đến khấn trước mộ Gina. Suốt đêm đó và cả ngày hôm sau, Tám Hổ và đám xe ôm say mệt rồi ngủ, thức dậy nhậu tiếp mới hết nửa con heo quay, phần còn lại chia cho hàng xóm.
Thằng Ân từ bên Úc gửi thư về thăm Tám Hổ. Nó nói thương ba lắm, trong thư nó bảo Tám Hổ ráng giữ gìn sức khỏe, bốn năm nữa đúng mười tám tuổi, thằng Ân sẽ bảo lãnh Tám Hổ qua Úc sống với nó. Vợ Tám Hổ vẫn lén lút, bòn nhét đánh số đề. Tám Hổ buồn đời, hận vợ, nhớ thằng Ân nên say xỉn hoài, gia đình bắt đầu xuống dốc.
Có những đêm gây lộn với vợ, uống say Tám Hổ mang mền gối ra mộ Gina nằm ngủ, rượu vào cơ thể nóng bừng, nằm trên đá mài mát lạnh, Tám Hổ phê một giấc tới sáng. Khách lục tục vào uống cà phê, mặt trời lên cao gần một sào, Tám Hổ mới thức dậy mang mền gối lề mề vào nhà. Khách quen hỏi:
- Hồi hôm đã dữ hả Tám Hổ?
Tám Hổ trả lời giọng còn ngái ngủ:
- Cũng đủ lãng quên đời thôi.
Cuối năm, mấy đứa em tôi và cả vợ Tám Hổ gửi thiệp chúc Tết kèm theo thư dài sang Mỹ, báo rõ cho tôi biết tình trạng bê bối của Tám Hổ, nhờ tôi biên thư về “giũa” Tám Hổ vì chú chỉ sợ và nghe lời mỗi một mình tôi mà thôi. Ừ! Tôi phải biên thư về rầy Tám Hổ bỏ rượu vì nó là độc dược tàn phá, hủy hoại tuổi thọ con người. Nói thì nói vậy, tôi thương số phận “con rệp” hẩm hiu của Tám Hổ lắm. Chiều ba mươi, bữa cơm rước ông bà được nấu nướng vội vã, hớp một ngụm bia, phần còn lại sau khi rót cúng, tự dưng tôi muốn nói một lời đủ chỉ mỗi một mình Tám Hổ nghe thôi:
- Anh thương và thông cảm hoàn cảnh của chú lắm! Xin chú đừng mượn rượu để hủy hoại đời mình. Nhưng nếu thật tình như lời chú nói: “Uống rượu để lãng quên được chuyện đời!”, thì Tám Hổ ơi! Anh đây cũng xin được làm người nát rượu.

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2022

Blog Ngân Triều: Chuyện về kiến trúc sư tài ba Ngô Viết Thụ / Trần ...

Blog Ngân Triều: Chuyện về kiến trúc sư tài ba Ngô Viết Thụ / Trần ...:   Chuyện về   kiến trúc sư tài ba Ngô Viết Thụ Trần Hưng Dinh Độc Lập, Chợ Đà Lạt, Trường Đại học Nông Lâm Sài Gòn, Viện Đại học Huế, Trường...

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2022

 

Tiếng Biển/ Một chiến sĩ Hải Quân biên phòng/ Yahoo tin tức.

Tiếng Biển
Nhớ lại 6 năm trước:
Tình cờ đọc được bài thơ Tiếng Biển nầy
Sau đó bài thơ cũng đã bị gỡ mất
Xin mời quý bạn xem lại
Ngan Trieu với Tuyet Hong Le Thi và 28 người khác.
13 tháng 5, 2014 ·
Tieáng Bieån [Tiếng biển]
(Gửi về đất liền và gia đình yêu thương)
Yahoo tin tức
(Ảnh minh họa lấy từ nguồn: Ngọc Giao Cà Mau)
Nguồn bài thơ:
Tính đến 18g cùng ngày, đã có 716 người quan tâm và 84 comments.
Được sự cho phép của tác giả (đề nghị không nêu tên) và quản lý Facebook Lính Biển Việt Nam, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bài thơ này đến bạn đọc. (Yahoo Tin Tức 09/05/2014).
Tieáng Bieån [Tiếng biển]
(Gửi về đất liền và gia đình yêu thương)
Vợ yêu ơi em có nghe tiếng biển
Lúc gầm vang lúc rì rào tha thiết
Những ngày này trong mỗi người dân Việt
Tiếng biển cuộn trào, tiếng biển sục sôi...
Hậu phương đất liền yên tâm nhé vợ ơi
Cuối tuần về quê cho anh nhắn đôi lời
Thưa với cha và thắp hương khấn mẹ
Anh vẫn vững vàng nơi biển đảo xa xôi...
Em hãy đưa điện thoại kề gần nôi
Để con chúng mình nghe tiếng của biển khơi
Anh không thể ẵm bồng ru con ngủ
Gửi tiếng biển về yên giấc con thôi...
Em có nghe tiếng biển trong lòng người
Tiếng của hòa bình tiếng hạnh phúc vui tươi
Nhưng tàu giặc mà tấn công bờ cõi
Tiếng biển hiền hòa sẽ hóa tiếng ngư lôi...
Biển xanh yên lành đâu muốn máu đỏ rơi
Đảo nhỏ yêu thương chỉ mong tiếng biển cười
Đón bình minh mỗi ban mai ngày mới
Tiếng biển đêm về như tiếng mẹ à ơi...
Anh biết đất liền đang lo lắng khôn nguôi
Đâu riêng vợ yêu mà hàng triệu triệu người
Hướng về phía Đông lặng nghe tiếng biển
Mong bình yên cho tàu cá ra khơi...
Vợ yêu ơi...anh phải đi trực rồi
Phút chào nhau tiếng biển bỗng mặn môi
Chiều nay nhé hết ca anh lại hẹn
Gọi để vợ nghe tiếng biển... tiếng yêu đời...
Ngày 8-5-2014
(I)Tìm hiểu ý thơ
1-Vợ yêu ơi! Em có nghe tiếng Biển cuộn trào, tiếng biển sục sôi trong những ngày này, trong lòng người dân Việt? Sơn hà nguy biến! Cả nước xôn xao! Giặc đã xâm lược lãnh hải nước mình rồi.
Vợ yêu ơi em có nghe tiếng biển
Lúc gầm vang lúc rì rào tha thiết
Những ngày này trong mỗi người dân Việt
Tiếng biển cuộn trào, tiếng biển sục sôi...
2-Tinh thần anh vẫn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, nơi tiền đồn của tổ quốc biển khơi. Em hãy yên tâm nhé, hãy thưa với Cha như thế và thắp hương khấn Mẹ, như thế cho anh:
Hậu phương đất liền yên tâm nhé vợ ơi
Cuối tuần về quê cho anh nhắn đôi lời
Thưa với cha và thắp hương khấn mẹ
Anh vẫn vững vàng nơi biển đảo xa xôi...
3-Còn thằng con trai của chúng mình nữa! Hãy cho nó nghe tiếng biển như tiếng của anh gửi về ru con trong giấc ngủ yên lành:
Em hãy đưa điện thoại kề gần nôi
Để con chúng mình nghe tiếng của biển khơi
Anh không thể ẵm bồng ru con ngủ
Gửi tiếng biển về yên giấc con thôi...
4-Tiếng biển cũng như tinh thần nhân nghĩa cố hữu của dân tộc:
Ôi tổ quốc, bốn nghìn năm sừng sững
Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa.
Trong và thực sáng hai bờ suy tưởng,
Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa
Huy Cận
“Tư tưởng yêu nước, quật khởi chống ngoại xâm và tư tưởng nhân đạo chính là hai ánh hào quang hình thành bản lĩnh, khí phách và tâm hồn Việt Nam”
Thế nhưng, khi bọn giặc xâm lược lãnh hải của Đất Mẹ, thì tiếng của hòa bình tiếng hạnh phúc vui tươi đó, sẽ hóa tiếng ngư lôi. Anh và đồng đội sẽ phải đánh đuổi chúng ra khỏi bờ cõi như một lời thề với Đất Mẹ, với Hồn thiêng sông núi, quyết chiến đấu với giặc, đến hơi thở cuối cùng, máu đào nhuộm thắm non sông”.
Em có nghe tiếng biển trong lòng người
Tiếng của hòa bình tiếng hạnh phúc vui tươi
Nhưng tàu giặc mà tấn công bờ cõi
Tiếng biển hiền hòa sẽ hóa tiếng ngư lôi...
5-Biển xanh yên lành, Đảo nhỏ yêu thương; tiếng biển cười, tiếng biển ru về đêm như lời ru của Mẹ, đó chính là tinh thần đại nghĩa, chí nhân của dân tộc ta:
Biển xanh yên lành đâu muốn máu đỏ rơi
Đảo nhỏ yêu thương chỉ mong tiếng biển cười
Đón bình minh mỗi ban mai ngày mới
Tiếng biển đêm về như tiếng mẹ à ơi...
6-Tiếng biển còn là khát vọng một nền thái bình thịnh trị, của cả một dân tộc, trong cuộc sống bình thường an cư lạc nghiệp:
Anh biết đất liền đang lo lắng khôn nguôi
Đâu riêng vợ yêu mà hàng triệu triệu người
Hướng về phía Đông lặng nghe tiếng biển
Mong bình yên cho tàu cá ra khơi...
7-Tiếng biển, tiếng yêu đời, mặn mòi nồng ấm: Hết ca trực, anh sẽ gọi cho em.
Vợ yêu ơi...anh phải đi trực rồi
Phút chào nhau tiếng biển bỗng mặn môi
Chiều nay nhé hết ca anh lại hẹn
Gọi để vợ nghe tiếng biển... tiếng yêu đời...
(II) Lời bình Ngân Triều:
Tiếng biển, một bài thơ tự do, đơn sơ, ân tình của một chiến sĩ biên phòng hải đảo, (Gửi về đất liền và gia đình yêu thương), trong tình thế cả nước bốc cao ngon lửa căm hờn về việc anh láng giềng hữu nghị, tráo trở, để lòi cái mặt chuột bành trướng, đã trở thành một thằng giặc xâm lược, ngang nhiên đặt một giàn khoan khủng, khoan dầu ở vùng đặc quyền kinh tế biển nước ta, lấn chiếm sâu vào vùng lãnh hải qui định của Việt Nam 80 hải lý (tức là 1852m x 80 = 148.160m).
Để bảo vệ, chúng đem lực lượng hùng hậu nhiều tàu biển, kể cả máy bay, thậm chí có tàu và máy bay quân sự, khiêu khích, bao vây, cậy thế mạnh; có cả máy bay, tàu chiến liên tục xâm phạm lãnh hải, không phận nước ta,làm lắm điều xằng bậy, khiến toàn dân trong và ngoài nước căm hận, thế giới lên án, (nguồn Yahoo tin tức,09/05)… đã nói lên nhiều điều.
Tiếng biển là tiếng ru muôn đời của tiếng sóng biển dội vào bờ cát trắng, là tiếng dìu dặt rít lên khi những cơn gió quyện vào hàng phi lao hay những ghềnh đá nhô cao trên bờ biển, hải đảo. Những âm thanh đó rất thân thương quen thuộc như tiếng ca của biển dạt dào. Thường thì nó rất dịu êm, hài hòa, rì rào tha thiết nhưng cũng có lúc, biển sục sôi, tiếng biển cuộn trào, biển gầm vang cuồng nộ bất bình. Tiếng biển như tiếng của lòng người đã sống hơn bốn ngàn năm với những lịch sử thăng trầm. Lịch sử của một dân tộc yêu hòa bình nhưng đầy khí phách dựng nước, giữ nước, một dân tộc anh hùng mà trang sử nào cũng hằn lên những hào quang của kỳ tích chiến thắng giặc mạnh xâm lược Bắc phương.
Chứng kiến cảnh quân ta tập trận thời Trần, Trần Phù, một sứ thần nhà Nguyên, khi đó đang ở nước ta, lúc đã về lại Trung Quốc, vẫn còn cay đắng trong lòng, đan tâm khổ và giật mình kinh sợ, bàng hoàng đến nỗi mái tóc bạc thêm, bạch phát sinh. Để rồi cảm thấy may mắn, an toàn khi đã về đến nhà, Dĩ hạnh quy lai thân kiện tại. Nhớ lại trong giấc mộng mộng hồi hãy còn cảm thấy do giác khiếp vía, kinh hồn, chướng hồn kinh.
Bốn câu thơ trong bài Giao Châu sứ hoàn cảm sự kỳ 1 là một chứng cứ: (Thật đáng tự hào cho Thời Nhà Trần, một thời đại vàng son vang bóng):
                        Giao Châu sứ hoàn cảm sự kỳ 1
                        Thiếu niên ngẫu thử thỉnh trường anh, [80]
                        Mệnh lạc Nam Châu nhất vũ khinh. [81]
                        Vạn lý Thượng Lâm vô nhạn đáo, [82
                        Tam canh Hàm Cốc hữu kê minh. [83]
                        Kim qua ảnh lý đan tâm khổ,[84]
                        Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh.[85]
                        Dĩ hạnh quy lai thân kiện tại,[86]
                        Mộng hồi do giác chướng hồn kinh. [87]
                                                                    Trần Phu [88]
Nguồn Bài này được Lê Quý Đôn chép lại trong Kiến văn tiểu lục (Xem Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục, Nxb. Sử học, 1963, tr.203-204).
Nguyên văn chữ Hán:
                        交州使還感事二首其一
                            少年偶此請長纓,
                            命落南州一羽輕。
                            萬里上林無雁到,
                            三更函谷有雞鳴。
                            金戈影裏丹心苦,
                            銅鼓聲中白髮生。
                            已幸歸來身健在,
                            夢回猶覺瘴魂驚
Dịch nghĩa:
        Tuổi trẻ chợt xin được dải mũ dài,
        Mệnh lạc đến Nam Châu như một chiếc lông nhẹ.
        Muôn dặm ở vườn Thượng Lâm không có chim nhạn bay đến.
        Canh ba ở ải Hàm Cốc có tiếng gà gáy.
        Trong bóng hình mác sắt tấm lòng son cay đắng.
        Giữa tiếng trống đồng kinh hồn, tóc bạc phát sinh.
        May mắn được quay về, thân khỏe mạnh như thế nầy…
        Nay trong giấc mơ hãy còn có cảm giác khủng khiếp về chướng khí đất phương Nam.
Đọc bài thơ trên của Trần Phù chỉ thấy nỗi lo sợ về chuyến đi sứ của ông. Nỗi lo không có ngày tấm thân được an toàn trở về quê hương bản quán. Đấy là một nỗi lo hiện sinh. Đi sứ là một quan hệ ngoại giao, và đáng lẽ ra nước chủ nhà phải hiếu khách đảm bảo để sứ giả cảm thấy an toàn, cảm thấy như đang ở nước mình. Đằng này, chiến tranh đã lùi xa, nhưng nhà Trần đã không làm được gì để sứ giả yên tâm. Đó là nhược điểm của nhà Trần. Hậu thế không hiểu tại sao toàn tán dương bài thơ này, cho rằng sứ nhà Nguyên đã khiếp sợ trước tinh thần Đại Việt. Tôi cho rằng những việc tán dương như thế là biểu hiện rất rõ của tinh thần nhược tiểu, một hả hê của nước bé trước những vụn vặt, nhỏ nhoi không đáng quan tâm.
[Buồn cười nhất là ông Xuân Ba viết trên báo Tiền Phong rằng bài thơ này được ứng tác ở chính đất Thăng Long khi sứ giả được vua Trần tiếp. Không hiểu ông này hiểu câu "Dĩ hạnh quy lai thân kiện tại" như thế nào. Thế mà thấy người ta viết rằng nhà ông này có đủ "văn phòng tứ bảo" ; 89].
Nguồn dịch nghĩa trên trích trang blog Đông A, ngày Sunday, July 20, 2008, không thấy tên tác giả.
Dịch thơ, Ngân Triều.
                Công danh, niên thiếu, dây trường anh, [90]
                Đi sứ phuơng Nam, mạng chẳng lành.
                Biền biệt Thượng Lâm, tin nhạn vắng,[91]
                Thoát thân Hàm Cốc, tiếng gà thành. [92]
                Lập lòe gươm loáng, lòng thêm đắng,
                Rộn rã trống đồng tóc bạc sanh.
                May mắn trở về thân khỏe mạnh,
                Còn run, mơ chướng khí, Nam trình. [93]
Sang đến đời Minh, cái tật ỷ mạnh hiếp yếu, bành trướng bá quyền của phương Bắc cũng chưa chừa và hơn một lần chúng bị thua trận thảm hại, được tha, được cấp phương tiện về nước mà vẫn khiếp vía chưa tin: (suy bụng ta ra bụng người, giặc gian ác nên cứ tưởng ta cũng gian ác như chúng vậy, nên chết khiếp) !!!:
Nguyên văn chữ Hán:
        賊首成擒,彼既掉餓虎乞憐之尾;
        神武不殺,予亦體上帝孝生之心。
        參將方政,內官馬騏,先給艦五百餘艘,既渡海而猶且魂飛魄散;
        總兵王通,參政馬瑛,又給馬數千餘匹,已還國而益自股慄心驚。
        彼既畏死貪生,而修好有誠;
        予以全軍為上,而欲民之得息。
Phiên âm chữ Hán:
        Tặc thủ thành cầm, bỉ ký trạo ngạ hổ khất liên chi vĩ;
        Thần võ bất sát, dư diệc thể thượng đế hiếu sinh chi tâm.
        Tham tướng Phương Chính, Nội quan Mã Kỳ, tiên cấp hạm ngũ bách dư sưu, ký độ hải nhi do thả hồn phi phách tán;
        Tổng binh Vương Thông, Tham chính Mã Anh, hựu cấp mã sổ thiên dư thất, dĩ hoàn quốc nhi ích tự cổ lật tâm kinh.
        Bỉ ký uý tử tham sinh, nhi tu hảo hữu thành;
        Dư dĩ toàn quân vi thượng, nhi dục dân chi đắc tức.
Bản dịch chữ Hán đoạn văn bài cáo trên:
        Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng
        Thần Vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh
        Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc,
        Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run.
        Họ đã tham sống sợ chết mà hoà hiếu thực lòng,
        Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức.
    Trích Đại cáo bình Ngô - Nguyễn Trãi, Ngô Tất Tố dịch
Ngân Triều dịch thơ:
        Tướng giặc đói vẫy đuôi xin tha chết,
        Thể lòng trời, chẳng giết, lũ ác xâm. [94]
        Mã Kỳ, Phương Chính, cấp thuyền năm trăm,
        Ra đến biển vẫn kinh tâm lạc phách. [95]
        *
        Vương Thông, Mã Anh, vài nghìn ngựa phát,
        Về nước rồi, còn tim nát rụng rời.
        Cho quân bây biết hoà hiếu ở đời,
        Ta giữ toàn quân, nghỉ ngơi dưỡng sức.
Ngoài ra, dù gặp thời thế, thế thời phải thế, khí phách và bản lĩnh của một người anh hùng đất Việt, tuy thất cơ lỡ vận, nhưng vẫn nung nấu can trường, mài gươm báu để chờ thời rửa hận, đã khắc sâu ý chí bất khuất, kiên định đến cùng:
        Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
        Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma.
        Thuật hoài - Đặng Dung, Thơ văn Lý – Trần, tập 3, tr.517
Nguyên văn chữ Hán
        國讎未報頭先白,
        幾度龍泉戴月磨.
Dịch thơ:
        Thù trả chưa xong đầu đã bạc.
        Gươm mài bóng nguyệt đã bao rày.
Phan Kế Bính dịch
        Đầu bạc giang san thù chửa trả,
        Long Tuyền mấy độ, bóng trăng soi
Tản Đà dịch
Giặc xâm lược phương Bắc chắc chưa tởn về những đòn giáng trả thích đáng của một dân tộc đã bao đời:
        Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
        Lấy chí nhân mà thay cường bạo.
            Đại cáo bình Ngô- Nguyễn Trãi.
Một dân tộc mà khi sơn hà nguy biến, các tầng lớp nhân dân, đồng loạt đứng lên hi sinh đáp lời sông núi. Lớp lớp người đi! Trẻ già, bé lớn, nữ nhi thảy thảy đều quyết tâm đánh đuổi giặc thù:
        Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
        Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
            Nam Quốc sơn hà - Lý Thường Kiệt
Nguyên văn chữ Hán:
        如何逆虜來侵犯,
        汝等行看取敗虛
Dịch thơ
        Giặc mà vô đạo sang xâm lược,
        Bại vong thảm hại, hãy chờ xem!
Google
Một đất nước diệu kỳ! Trẻ thơ mới 3 tuổi mà vẫn xin vua ra trận đánh đuổi giặc Ân. Ai đã đọc thơ chữ Hán Cao Bá Quát chắc cũng nhớ hai câu viết về Thánh Gióng:
        Phá tặc đãn hiềm tam tuế vãn,
        Đằng vân do hận cửu thiên đê
Câu đối ở Đền Thánh Gióng Cao Bá Quát
Nguyên văn chữ Hán:
破賊但嫌三歲晚   
騰雲由很九天低 
Nghĩa là:
Cậu bé làng Phù Đổng là một hình tượng điển hình cho ý chí, bản lĩnh Việt Nam, một dân tộc yêu tổ quốc, tuyệt vời: Tiêu diệt giặc xâm lược, tuổi lên ba, e là quá muộn. Lên trời rồi, mới bực chín tầng trời quá thấp, chưa phỉ chí tang bồng.
Lên ba đánh giặc muộn rồi,
Chín tầng mây chật, đường trời thấp sao!
Ngân Triều dịch
Phá giặc lên ba, đà quá muộn,
Chín tầng bó hẹp, bực mình sao!
Ngân Triều dịch
Tiếng biển của một chiến sĩ ngày nay đang làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc đại dương như một ca khúc du dương nhiều cung bậc rất khả ái, đã cho người đọc liên tưởng đến những kỳ tích lịch sử dân tộc chói ngời. Cái duyên dáng mà có ý nghĩa đặc biệt là tác giả muốn cho đứa con trai mình được nghe tiếng biển đó, như muốn gửi cho con mình một sự kế thừa gia tài của cha, nối tiếp hai thế hệ thân thương gần gũi nhất. Phải chăng tác giả mong muốn cho đứa con yêu của mình, nối chí cha, sau nầy tiếp bước của mình để đi ra tuyến đầu bảo vệ tổ quốc đại dương? Để con chúng mình nghe tiếng của biển khơi. Cho con ngủ say trong tiếng biển hiền hòa của Tiếng biển đêm về như tiếng mẹ à ơi…rất tha thiết, ân tình. Đúa con trai phải được nghe tiếng biển, tiếng của tổ quốc từ lúc nằm nôi.
Chưa hết. Còn có một tiếng biển nữa.
Tiếng biển trong lòng người:
Là tiếng biển của sự mong ước, mong ước biển, đảo luôn luôn là một niềm vui, chỉ mong tiếng biển cười; không có sự vô đạo bá quyền của luật rừng xanh, nước lớn làm càn, cậy mạnh hiếp yếu, lấn chiếm trái phép, chà đạp lên dư luận thế giới. Chúng đem giàn khoan dầu, có yểm trợ quân sự cực mạnh, đem đặt giàn khoan đó trong vùng lãnh hải thuộc đặc quyền kinh tế hợp pháp nước ta, xâm lấn 80 hải lý…Thế là làm sao còn có Tiếng của hòa bình tiếng hạnh phúc vui tươi? Chúng nó hiện nguyên hình là một tên cướp biển, cướp đất nước khác, gian trá với tham vọng vơ vét tài nguyên thiên nhiên của nước ta. Nền kinh tế biển của ta sẽ khốn đốn vì quá nhiều chông gai để mong bình yên cho tàu cá ra khơi...
Giặc đã vào nhà thế là đánh đuổi. Đó là bảo vệ! Đó là một chân lý, một phản ứng hợp lý, một ứng xử của chính nghĩa muôn đời.
Chúng nó là giặc cướp! Giặc đã vào nhà ta rồi! “Toàn dân nghe chăng? Sơn hà nguy biến! Hận thù đằng đằng! Biên thùy rung chuyển” (Ca từ sử ca Hội nghị Diên Hồng của Lưu Hữu Phước)
Tiếng biển trong lòng người, nguyện vọng của toàn dân trong và ngoài nước, hơn một lần đã ngút trời tỏ tõ…
Thay lời kết, bài thơ Tiếng biển gồm 7 đoạn thơ, gói gọn 28 câu, tuy chỉ là viết cho người vợ yêu, cho đứa con trai còn nằm nôi, nhắn với gia đình một cách đơn sơ, thiết tha, hùng tráng, mà đã bùng lên một ý chí sắt son, ngời sáng lòng quyết tâm chiến đấu bảo vệ từng tấc lãnh hải, tổ quốc đại dương.
Để ý, người đọc có thể thấy dấu ba chấm (…) được tác giả dùng để kết đoạn, nghĩa là còn nhiều điều mà tác giả chưa thể nói hết ý. Nói làm sao cho hết ý nhỉ? Giặc đã vào nhà…thế là phải đánh.
Bí mật quân sự, xưa nay không thể nào công khai. Tôi chỉ muốn nói một cách dè dặt cũng có dấu ba chấm (…) cũng như tác giả đã kịp thời cất cao một tiếng lòng quan ngại cho hiện tình tổ quốc lâm nguy, có giặc ngoại xâm tràn vào; một tin tức thời sự nóng bõng, căm hờn, đau nhói buốt con tim…
Ngân Triều.
***
Tin mới nhất:
Theo thông tin mới nhất từ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, khoảng 18h30 chiều 11/5, dàn khoan HD-981 của Trung Quốc tiếp tục hoạt động ở Tây Nam đảo Tri Tôn 17 hải lý, Trung Quốc đã sử dụng khoảng 80 tàu các loại, trong đó có 3 tàu quân sự, gồm 2 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu tuần tiễu tấn công.
***
Ghi chú:
[80] [Câu 1] Tuổi trẻ chợt xin được dải mũ dài,
có nghĩa là thiếu niên đã được ra làm quan.
[81] [Câu 2] Mệnh lạc đến phương Nam như một chiếc lông nhẹ.
Lông nhẹ hàm ý không tự chủ được mình, bị gió thổi bay tới cả những nơi mà mình không muốn.
[82] [Câu 3] Muôn dặm ở vườn Thượng Lâm không có chim nhạn bay đến.
Đây là điển tích về Tô Vũ. Tô Vũ đi sứ Hung Nô, bị giữ lại. Ông viết lá thư buộc vào chân chim nhạn. Mùa đông chim nhạn bay về phương nam tránh rét, bay tới vườn Thượng Lâm trong cung nhà Hán. Vua Hán đọc được thư mới biết Tô Vũ hãy còn sống ở đất Hung Nô. Trần Phù viết câu thơ này cho thấy ông cảm thấy chuyến đi sứ của mình gian khó còn hơn cả trường hợp của Tô Vũ, lấy đâu chim nhạn bay đến vườn Thượng Lâm.
[83] [Câu 4] Canh ba ở ải Hàm Cốc có tiếng gà gáy.
Đây là điển tích về Mạnh Thường Quân. Mạnh Thường Quân đi sứ sang Tần, đang đêm chạy về Tề, tới ải Hàm Cốc cửa đóng không ra được. Đúng lúc đấy có tiếng gà gáy và quan coi ải mở của, Mạnh Thường Quân thoát ra khỏi Tần. Tiếng gà gáy là do một người trong đoàn của Mạnh Thường Quân giả làm. Trần Phù viết câu thơ này cho thấy ông cảm thấy hoàn cảnh chuyến đi sứ của ông gian nan, vất vả, nguy hiểm như chuyến đi sang Tần của Mạnh Thường Quân.
[84] [Câu 5] Trong bóng hình mác sắt tấm lòng son cay đắng.
Mác sắt là hình tượng của chiến tranh. Trần Phù viết câu thơ này cho thấy tấm lòng trung chinh của ông rất cay đắng trong cảnh hai nước có chiến tranh. Đó là vị thế không biết phải làm sao, chỉ có tầm lòng son mà thôi.
[85] [Câu 6] Giữa tiếng trống đồng tóc bạc sinh.
Ở câu thơ này Trần Phù có cước chú rằng ông mới có 35 tuổi mà chuyến đi sứ này trở về đã thấy có 2 sợi tóc bạc. Câu thơ này cho thấy chuyến đi sứ rất hung hiểm, đầy bất trắc và lo âu.
[86] [Câu 7] May mắn được quay về, thân khỏe mạnh như thế nầy…
[87] [Câu 8] Trong giấc mơ còn có cảm giác kinh sợ về chướng khí.
Hai câu thơ cuối cho thấy Trần Phù cảm thấy ông còn được may mắn trở về quê hương, sợ chết vì chướng khí trên đường đi sứ, đến nỗi trong giấc mơ hãy còn khiếp hải kinh hoàng.
[88] Trần Phu (Phù): 陳夫, Trần Cương Trung, 陳剛忠 đi sứ sang VN đời vua Trần Nhân Tôn (1278 - 1293), sau khi dứt chiến tranh giữa Nhà Trần với Nhà Nguyên.
Đi sứ về, ông hồi tưởng viết bài Giao Châu Sứ Hoàn Cảm Sự (nhị thủ). Trên đây là bài 1, qua lời thơ, ta thấy, dù đã hết việc can qua, nhưng Đại Việt vẫn sẵn sàng động binh khi cần, giống như câu nói: Đương lúc yên ổn phải nghĩ đến lúc nguy cấp để phòng bị. Khi sống an lành phải nghĩ về lúc nguy khốn. Cư an tư nguy: 居安思危.
Ngoài ra, sau 3 lần đại bại:(1257 - 1258) - (1285) - (1287 - 1288), Sứ thần Trung quốc bấy giờ rất sợ chết, rất kiêng dè triều đình Nhà Trần, không giống như Sài Thung lúc trước, rất hống hách nghênh ngang!
Tiện đây, cũng xin trân trọng nhắc lại lời của vua Trần Nhân Tôn:
"Một tấc đất của tiền nhân để lại cũng không được để lọt vào tay kẻ khác".
[89] Văn phòng tứ bảo gồm bút, nghiên, giấy, mực; là bốn vật quý của những người yêu thích văn chương, như là con đò chuyên chở ngôn ngữ, ý nghĩa và nghệ thuật tới người xem
[90] Trường anh 長纓 ,dải mũ dài, trang phục của quan lại. Ý nói được làm quan.
[91] Tin nhạn vắng, xin xem chú thích số 82 sự tích Tô Vũ.
[92] Tiếng gà thành: xin xem chú thích số 83 điển tích Mạnh Thường Quân.
[93] Nam trình: 南程, đường đi về phương Nam, tức lộ trình sứ của tác giả Trần Phu.
[94] Lũ ác xâm: 悪侵, bè lũ xâm lược bạo ngược, gian ác, hung tàn.
[95] kinh tâm lạc phách: 驚心落魄, khiếp sợ mất hồn mất vía.
***
Ảnh minh họa, ảnh lấy từ nguồn: Ngọc Giao Cà Mau. Google.
May be an image of text that says 'CHINA VIETNAM CHINA LAOS HAINA DAO (CHINA) THAILAND HOÀNG SA Paracel Islands CAMBODIA vnpeace hagspet COI Mtat TRƯỜNG SA Spratly Islands'
Hạnh Ngọc, Nguyễn Ngân Trang and 9 others
4 Comments
Like
Comment
Share

4 Comments