Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020

Machu Picchu, thành phố đã mất của người Inca/ Kỳ Quan Thế Giới/ FB của Thầy Lê Thanh Hoàng Dân

"...  Machu Picchu, Kỳ Quan Thế Giới
Machu Picchu hay Machu Pikchu được người Việt Nam mình dịch là "Cổ Sơn". Nó được nhiều người biết đến với danh hiệu "Thành phố đã mất của người Inca". Nó là một khu cung điện và đền thờ của Hoàng Đế Inca xây trên đỉnh núi ngó xuống Thung Lung Linh Thiêng (Sacred Valley), ở độ cao 2,430 thước trong dãy núi Andes, gần Cuzco kinh đô ngày xưa của Đế Chế Inca. Vợ chồng tôi đến Cuzco ở 3 ngày để một lần trong đời thấy tận mắt Kỳ Quan Thế Giới này.
Năm 1981 nó được công nhận là một Di Tích Lịch Sử của Peru. Năm 1983 nó được UNESCO nhìn nhận là Di Sản Thế Giới. Và năm 2007 nó được bầu chọn là một trong 7 Kỳ Quan Thế Giới Hiện Đại (New Seven Wonders of the World). Nó may mắn không bị người chinh phục Tây Ban Nha biết đến, nên tránh được sự tàn phá và hủy diệt như nhiều di tích lịch sử khác của người Inca ở Peru.
Kẻ Chinh Phục không những phá hoại nền văn minh Inca, họ còn là nguyên nhân của sự sụt giảm dân số trầm trọng của người Inca. Trước khi họ đến vào năm 1520 Đế Quốc Inca có 9 triệu người. Một trăm năm sau vào năm 1620 dân số chỉ còn 600,000 người.
Kẻ xâm lăng đã hiếp dâm Hoàng Hậu, và giết tất cả những chiến sĩ Inca họ bắt được. Theo sự giải thích của hướng dẫn viên du lịch, mẹ là người da đỏ Quechua, cha là người lai Tây Ban Nha, hiện không còn người Inca nữa. Những người da đỏ ở Nam Mỹ thuộc đế quốc Inca ngày xưa không phải là người Inca, mà là người da đỏ bị người Inca chinh phục trước đây. Họ không bị Kẻ Xâm Lăng tiêu diệt như đã làm với người Inca.
Người Inca đã xây cất khu Cung điện-Đền thờ Machu Picchu vào năm 1450 nhưng đã bỏ khu nầy hoang phế không người ở một trăm năm sau, khi người Tây Ban Nha đến chinh phục Peru. Người Inca địa phương biết, nhưng người Tây Ban Nha và thế giới hoàn toàn không biết. Do tình cờ sử gia đại học Yale của Mỹ tên Hiram Bingham đã khám phá ra nó. Sách ông viết về Machu Picchu tên "Lost City of the Incas" (Thành phố đã mất của người Inca) bán chạy nhất (Bestseller) khi được xuất bản vào năm 1948. Nhờ ông thế giới đã khám phá trở lại tàn tích còn giữ rất tốt của nền văn minh Inca đã bị tiêu diệt.
Thế giới đổ xô đến đây thăm viếng. Người ta đã xây cất trở lại nhiều kiến trúc ở đây, để giúp du khách hiểu được khu đền đài ở đây ngày xưa ra sao. Vào năm 1976, khoảng 30% những kiến trúc ở đây đã được trùng tu. Công cuộc trùng tu xây dựng lại vẫn tiếp diễn đến ngày hôm nay.
Machu Picchu không phải là một thành phố thông thường. Nó là nơi nghỉ dưỡng của Hoàng Đế và giới quý tộc Inca. Nơi này có một cung điện lớn và các đền đài dành cho các vị thần Inca bao quanh một sân, với những công trình kiến trúc khác cho người hầu. Người ta uớc tính khoảng 750 người sống tại Machu Picchu cùng một thời điểm, và có lẽ chỉ một phần nhỏ trong số này sống ở đây trong mùa mưa hay khi không có vị quý tộc nào tới đó.
Năm 1913, Machu Picchu đã thu hút sự chú ý rộng rãi của công chúng khi tạp chí của Hội Địa Lý Quốc Gia "National Geographic Society" dành toàn bộ chương trình tháng 4 của họ cho Machu Picchu.
Theo Wikipedia tiếng Việt: "Năm 2000, khoảng 400.000 người đã viếng thăm Machu Picchu, và UNESCO bày tỏ sự lo ngại của mình với sự xuống cấp có thể xảy ra cho địa điểm với một lượng du khách lớn như vậy. Tối đa 2.500 được phép vào thăm tàn tích Machu Picchu trong một ngày nhằm ngăn chặn sự xâm hại với di tích." (Wikipedia)
Machu Picchu được chia thành ba khu vực lớn: Khu vực linh thiêng, Khu vực dân chúng, ở phía Nam, và Khu của các Thầy tu và Tầng lớp quý tộc (Khu Hoàng gia). Nằm ở Khu vực linh thiêng là các địa điểm khảo cổ học quý giá: Intihuatana, Đền của Thần Mặt Trời và Phòng Ba Cửa sổ. Chúng được dành cho Inti, thần Mặt trời và cũng là vị thần vĩ đại nhất của người Inca. Intihuatana tiếng Quechua có nghĩa "Gắn liền với Mặt Trời". Người Mỹ thường gọi tảng đá khổng lồ này là "hitching post of the sun" (Cột trụ gắn liền với Mặt trời). Đây là một đồng hồ thiên văn chỉ giờ và ngày tháng trong lịch của người Inca.
Khu Hoàng gia là khu vực dành riêng cho giới quý tộc. Đây là một nhóm nhà nằm thành hàng trên một khu vực đất dốc; nơi ở của Amautas (những người khôn ngoan) có những bức tường màu đỏ, và khu Ñustas (các công chúa) là những căn phòng với cửa sổ hình thang. Lăng Nghi lễ (Mausoleum) là một tượng đá với khu vực phía trong hình vòm và các bức tranh khắc. Nó được sử dụng trong các dịp lễ (Rite) và hiến tế (Sacrifice).
Khu vực dân chúng là nơi người hầu sống. Ngoài chỗ ở cho người hầu, khu này còn có nhiều phòng chứa (Kho) hàng hóa.
Kiến trúc khu đền đài Machu Picchu là kiến trúc đặc biệt của người Inca. Họ là bậc thầy của kỹ thuật xây vách tường gọi là "Polished dry-stone of regular shape" (dùng những tảng đá bằng nhau được đánh bóng chồng lên nhau), và đặc biệt họ không dùng hồ, nhưng giữa các tầng đã không có khe hở, để miếng giấy vô không lọt.
Peru là một miền đất động đất thường, nên kiến trúc không dùng hồ vững bền hơn dùng hồ. Khi có động đất những tảng đá có thể lắc lư, nhưng tường không sập. Làm cách nào họ để những tảng đá nặng nhiều tấn nầy chồng chất lên nhau vẫn còn là bí ẩn, chưa có giải đáp.
Hệ thống đường xá của người Inca ngày xưa thật là văn minh. Đây là hai con đường chạy dọc theo hướng Bắc-Nam với nhiều đường hông nối liền mọi nơi trong Đế Chế Inca. Mạng lưới đường xá này qui về thủ đô Cuzco của họ, và một con đường nối liền với khu Machu Picchu nầy. Ngày nay có nhiều du khách đến thăm viếng khu này dùng "con đường mòn Inca" để tới đây. Đường đi gian nan nhưng cảnh vật rất đẹp. Vợ chồng tôi đi xe lửa lên đây, không mệt chút nào, ngồi xe lửa xem cảnh vật cũng hấp dẫn lắm..."
(Trích bản thảo sách "Rong Chơi Trung và Nam Mỹ" của Lê Thanh Hoàng Dân. Đây là quyển 3 trong bộ sách 10 quyển "Du Lịch Thế Giới". Quyển 1 tựa "Rong Chơi Nước Pháp", đã phát hành toàn thế giới trên Amazon và BookBaby. Quyển 2 viết về "Rong Chơi Bắc Mỹ" đang hoàn tất)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét