Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020

Ngụy biện/ Socrates/ Phuong Tran sưu tầm/ Kim Tinh chia sẻ

NGỤY BIỆN
Socrates, một triết gia người Hy Lạp, được mệnh danh là bậc thầy về lý luận, truy vấn. Một hôm, ông được các đệ tử đặt câu hỏi:
- Thưa thầy, thầy có thể lấy ví dụ để nói rõ ngụy biện là gì?
Socrates suy nghĩ một lúc rồi hỏi lại:
- Giả sử có hai người, một người sạch sẽ tươm tất, còn người kia bẩn thiểu xuề xòa. Nếu mời hai người này đi tắm, các em thử nghĩ xem, hai người họ ai sẽ đi tắm trước?
Một đệ tử lớn tiếng nói:
- Tất nhiên là người bẩn thỉu rồi.
Socrates phản bác nói:
- Sai rồi, là người sạch sẽ. Bởi vì người sạch sẽ kia đã có thói quen thích tắm gội. Còn người bẩn thỉu lại cho rằng không cần phải tắm.
Nói rồi ông hỏi lại lần nữa:
- Hãy nghĩ thử đi, rốt cuộc ai sẽ di tắm trước?
Hai đệ tử đồng thanh:
- Là người sạch sẽ.
Socrates lại phản bác nói:
- Không đúng, là người bẩn thỉu . Bởi vì người bẩn thỉu càng cần phải tắm gội hơn người sạch sẽ.
Sau đó, Socrates lại hỏi thêm lần nữa:
- Vậy trong hai người rốt cuộc ai sẽ đi tắm trước?
Ba đệ tử lớn tiếng trả lời như lần thứ nhất:
- Là người bẩn thỉu.
Một lần nữa Socrates lại nói:
- Lại sai nữa rồi, dĩ nhiên là cả hai người đều sẽ đi tắm. Bởi người sạch sẽ có thói quen tắm gội, còn người bẩn thỉu cần phải đi tắm. Thế nào, rốt cuộc ai sẽ là người đi tắm trước đây?
Lần này bốn đệ tử lưỡng lự trả lời:
- Thế thì xem ra hai người đều sẽ đi tắm.
Socrates giải thích:
- Không đúng, cả hai đều sẽ không tắm. Bởi vì người bẩn thỉu không có thói quen tắm gội, còn người sạch sẽ kia thì vốn không cần phải tắm.
Lần này các đệ tử nhôn nhao nói:
- Mỗi lần thầy nói đều khác nhau, nhưng lại đều đúng, chúng tôi rốt cuộc nên hiểu thế nào đây?
Socrates nói:
- Đúng vậy, về hình thức là dùng thủ đoạn suy luận chính xác nhưng thực tế lại trái với quy luật khách quan. Đưa ra kết luận nghe thấy đúng nhưng lại là sai, đấy chính là ngụy biện!
Các đệ tử lại đặt câu hỏi:
- Thưa thầy, ngụy biện có phải là cố ý luận chứng cho lý lẽ sai nào đó và sai lầm khách quan trong đó thật không dễ phát hiện. Vậy làm sao để nhìn thấy sai lầm khách quan trong nguỵ biện đó?
Socrates suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Có hai người cùng nhau chui vào sửa ống khói. Khi họ chui từ ống khói ra, một người thì rất sạch sẽ, còn một người thì muội than nhem nhuốc khắp người. Tôi hỏi ai sẽ đi tắm trước đây?
Tất cả đệ tử ngập ngừng trả lời:
- Đương nhiên là người bị lấm bẩn khắp người sẽ đi tắm trước.
Socrates nói:
- Thật vậy ư? Các ngươi hãy chú ý, người sạch sẽ thấy người kia lấm bẩn khắp người anh ta nghĩ rằng từ ống khói chui ra sẽ rất bẩn. Còn người kia nhìn sang thấy người trước mặt rất sạch sẽ thì lại nghĩ rằng bản thân mình cũng rất sạch sẽ. Bây giờ tôi hỏi lại, ai sẽ là ngưòi đi tắm trước?
Hai đệ tử phấn khích tranh nhau:
- Ồ, tôi biết rồi ! Vậy nhất định là người sạch sẽ chạy đi tắm gội trước trước.
Cuối cùng Socrates chậm rãi nói:
- Những câu trả lời đó đều không đúng. Hai người đều cùng chui từ ống khói đó ra, làm sao người này thì sạch sẽ, người kia thì nhem nhuốc bẩn thỉu được. Đây gọi là trái với quy luật khách quan, dẫn tới sai lầm khách quan trong ngụy biện.
Socrates nói tiếp:
- Kẻ giỏi nói không bằng người biết phân tích lắng nghe.
- Ngụy biện nhìn ngoài thì hiệu nghiệm thật nhưng không bền vững.
- Xảo trá chi bằng hãy sống chân thành, muôn nghìn diệu kế chẳng bằng sống đúng đạo làm người.
Ảnh : Socrates and Alcibiades
Sưu tầm

Ý nghĩa của tên nước ta là ĐẠI NGU/ Dương Diên Hồng/ Kim Tinh chia sẻ

GIẢI THÍCH NGẮN :
TỪ 1400- 1407, TÊN NƯỚC TA LÀ ĐẠI NGU.
Quốc hiệu Đại Việt được đổi thành Đại Ngu vào tháng 3 năm 1400 khi Hồ Quý Ly lên nắm quyền. Sau đó vào tháng 4 năm 1407, nhà Hồ bị thất bại trước nhà Minh, và tên Đại Ngu không được dùng làm quốc hiệu từ thời điểm đó. Sau khi nhà Hậu Lê chiến tranh giành lại độc lập, quốc hiệu của Việt Nam đổi lại thành Đại Việt.
Chữ “Ngu” (虞) trong quốc hiệu “Đại Ngu” (大虞) của nhà Hồ có nghĩa là “sự yên vui, hòa bình", không phải chữ "Ngu" (愚) mang nghĩa là "ngu ngốc". “Đại Ngu” có thể hiểu là ước vọng về một sự bình yên rộng lớn trên khắp cõi giang sơn.
Có một thuyết khác cho rằng họ Hồ là con cháu Ngu Thuấn, là một trong Ngũ Đế nổi tiếng ở Trung Hoa thời thượng cổ. Sau này con Ngu Yên là Vĩ Mãn được Chu Vũ Vương của nhà Chu phong cho ở đất Trần, gọi là Hồ công Mãn, sau dùng chữ Hồ làm tên họ. Hồ Quý Ly nhận mình là dòng dõi họ Hồ, con cháu Ngu Thuấn, nên đặt quốc hiệu là Đại Ngu.
( Sưu tầm trên Google)

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020

Machu Picchu, thành phố đã mất của người Inca/ Kỳ Quan Thế Giới/ FB của Thầy Lê Thanh Hoàng Dân

"...  Machu Picchu, Kỳ Quan Thế Giới
Machu Picchu hay Machu Pikchu được người Việt Nam mình dịch là "Cổ Sơn". Nó được nhiều người biết đến với danh hiệu "Thành phố đã mất của người Inca". Nó là một khu cung điện và đền thờ của Hoàng Đế Inca xây trên đỉnh núi ngó xuống Thung Lung Linh Thiêng (Sacred Valley), ở độ cao 2,430 thước trong dãy núi Andes, gần Cuzco kinh đô ngày xưa của Đế Chế Inca. Vợ chồng tôi đến Cuzco ở 3 ngày để một lần trong đời thấy tận mắt Kỳ Quan Thế Giới này.
Năm 1981 nó được công nhận là một Di Tích Lịch Sử của Peru. Năm 1983 nó được UNESCO nhìn nhận là Di Sản Thế Giới. Và năm 2007 nó được bầu chọn là một trong 7 Kỳ Quan Thế Giới Hiện Đại (New Seven Wonders of the World). Nó may mắn không bị người chinh phục Tây Ban Nha biết đến, nên tránh được sự tàn phá và hủy diệt như nhiều di tích lịch sử khác của người Inca ở Peru.
Kẻ Chinh Phục không những phá hoại nền văn minh Inca, họ còn là nguyên nhân của sự sụt giảm dân số trầm trọng của người Inca. Trước khi họ đến vào năm 1520 Đế Quốc Inca có 9 triệu người. Một trăm năm sau vào năm 1620 dân số chỉ còn 600,000 người.
Kẻ xâm lăng đã hiếp dâm Hoàng Hậu, và giết tất cả những chiến sĩ Inca họ bắt được. Theo sự giải thích của hướng dẫn viên du lịch, mẹ là người da đỏ Quechua, cha là người lai Tây Ban Nha, hiện không còn người Inca nữa. Những người da đỏ ở Nam Mỹ thuộc đế quốc Inca ngày xưa không phải là người Inca, mà là người da đỏ bị người Inca chinh phục trước đây. Họ không bị Kẻ Xâm Lăng tiêu diệt như đã làm với người Inca.
Người Inca đã xây cất khu Cung điện-Đền thờ Machu Picchu vào năm 1450 nhưng đã bỏ khu nầy hoang phế không người ở một trăm năm sau, khi người Tây Ban Nha đến chinh phục Peru. Người Inca địa phương biết, nhưng người Tây Ban Nha và thế giới hoàn toàn không biết. Do tình cờ sử gia đại học Yale của Mỹ tên Hiram Bingham đã khám phá ra nó. Sách ông viết về Machu Picchu tên "Lost City of the Incas" (Thành phố đã mất của người Inca) bán chạy nhất (Bestseller) khi được xuất bản vào năm 1948. Nhờ ông thế giới đã khám phá trở lại tàn tích còn giữ rất tốt của nền văn minh Inca đã bị tiêu diệt.
Thế giới đổ xô đến đây thăm viếng. Người ta đã xây cất trở lại nhiều kiến trúc ở đây, để giúp du khách hiểu được khu đền đài ở đây ngày xưa ra sao. Vào năm 1976, khoảng 30% những kiến trúc ở đây đã được trùng tu. Công cuộc trùng tu xây dựng lại vẫn tiếp diễn đến ngày hôm nay.
Machu Picchu không phải là một thành phố thông thường. Nó là nơi nghỉ dưỡng của Hoàng Đế và giới quý tộc Inca. Nơi này có một cung điện lớn và các đền đài dành cho các vị thần Inca bao quanh một sân, với những công trình kiến trúc khác cho người hầu. Người ta uớc tính khoảng 750 người sống tại Machu Picchu cùng một thời điểm, và có lẽ chỉ một phần nhỏ trong số này sống ở đây trong mùa mưa hay khi không có vị quý tộc nào tới đó.
Năm 1913, Machu Picchu đã thu hút sự chú ý rộng rãi của công chúng khi tạp chí của Hội Địa Lý Quốc Gia "National Geographic Society" dành toàn bộ chương trình tháng 4 của họ cho Machu Picchu.
Theo Wikipedia tiếng Việt: "Năm 2000, khoảng 400.000 người đã viếng thăm Machu Picchu, và UNESCO bày tỏ sự lo ngại của mình với sự xuống cấp có thể xảy ra cho địa điểm với một lượng du khách lớn như vậy. Tối đa 2.500 được phép vào thăm tàn tích Machu Picchu trong một ngày nhằm ngăn chặn sự xâm hại với di tích." (Wikipedia)
Machu Picchu được chia thành ba khu vực lớn: Khu vực linh thiêng, Khu vực dân chúng, ở phía Nam, và Khu của các Thầy tu và Tầng lớp quý tộc (Khu Hoàng gia). Nằm ở Khu vực linh thiêng là các địa điểm khảo cổ học quý giá: Intihuatana, Đền của Thần Mặt Trời và Phòng Ba Cửa sổ. Chúng được dành cho Inti, thần Mặt trời và cũng là vị thần vĩ đại nhất của người Inca. Intihuatana tiếng Quechua có nghĩa "Gắn liền với Mặt Trời". Người Mỹ thường gọi tảng đá khổng lồ này là "hitching post of the sun" (Cột trụ gắn liền với Mặt trời). Đây là một đồng hồ thiên văn chỉ giờ và ngày tháng trong lịch của người Inca.
Khu Hoàng gia là khu vực dành riêng cho giới quý tộc. Đây là một nhóm nhà nằm thành hàng trên một khu vực đất dốc; nơi ở của Amautas (những người khôn ngoan) có những bức tường màu đỏ, và khu Ñustas (các công chúa) là những căn phòng với cửa sổ hình thang. Lăng Nghi lễ (Mausoleum) là một tượng đá với khu vực phía trong hình vòm và các bức tranh khắc. Nó được sử dụng trong các dịp lễ (Rite) và hiến tế (Sacrifice).
Khu vực dân chúng là nơi người hầu sống. Ngoài chỗ ở cho người hầu, khu này còn có nhiều phòng chứa (Kho) hàng hóa.
Kiến trúc khu đền đài Machu Picchu là kiến trúc đặc biệt của người Inca. Họ là bậc thầy của kỹ thuật xây vách tường gọi là "Polished dry-stone of regular shape" (dùng những tảng đá bằng nhau được đánh bóng chồng lên nhau), và đặc biệt họ không dùng hồ, nhưng giữa các tầng đã không có khe hở, để miếng giấy vô không lọt.
Peru là một miền đất động đất thường, nên kiến trúc không dùng hồ vững bền hơn dùng hồ. Khi có động đất những tảng đá có thể lắc lư, nhưng tường không sập. Làm cách nào họ để những tảng đá nặng nhiều tấn nầy chồng chất lên nhau vẫn còn là bí ẩn, chưa có giải đáp.
Hệ thống đường xá của người Inca ngày xưa thật là văn minh. Đây là hai con đường chạy dọc theo hướng Bắc-Nam với nhiều đường hông nối liền mọi nơi trong Đế Chế Inca. Mạng lưới đường xá này qui về thủ đô Cuzco của họ, và một con đường nối liền với khu Machu Picchu nầy. Ngày nay có nhiều du khách đến thăm viếng khu này dùng "con đường mòn Inca" để tới đây. Đường đi gian nan nhưng cảnh vật rất đẹp. Vợ chồng tôi đi xe lửa lên đây, không mệt chút nào, ngồi xe lửa xem cảnh vật cũng hấp dẫn lắm..."
(Trích bản thảo sách "Rong Chơi Trung và Nam Mỹ" của Lê Thanh Hoàng Dân. Đây là quyển 3 trong bộ sách 10 quyển "Du Lịch Thế Giới". Quyển 1 tựa "Rong Chơi Nước Pháp", đã phát hành toàn thế giới trên Amazon và BookBaby. Quyển 2 viết về "Rong Chơi Bắc Mỹ" đang hoàn tất)

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

TƯỞNG "CHUYỆN NHỎ" MÀ KHÔNG NHỎ CHÚT NÀO!/ Nguyễn Chương MT/ Viễn Phương chia sẻ


TƯỞNG "CHUYỆN NHỎ" MÀ KHÔNG NHỎ CHÚT NÀO!
     
Giả sử có câu viết như sau: "Gia Định báo là tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ, ra mắt vào năm 1865 tại thành phố HCM". Khỏi nói, biết ngay là sai lè lè. Hồi năm 1865 làm gì có tên "thành phố HCM" (danh xưng này chỉ có từ năm 1976 trở lại đây thôi), viết đúng thì phải ghi (trong câu trên): "tại SÀI GÒN".

Còn câu thứ nhì này thì tôi đọc thấy người ta ghi "Hình ảnh Nam Bộ" - trong đó đưa lên hình ảnh nhà xưa ở Sài Gòn năm 1860, khẩu đại pháo ở Vũng Tàu năm 1890, Vĩnh Long năm 1905, hình ảnh nghệ sĩ Năm Phỉ 1936... Quý bạn thấy viết sai chỗ nào rồi chớ? Những năm đó miền Nam đâu kêu bằng "Nam Bộ", viết đúng thì phải ghi là NAM KỲ!

Bởi vì danh xưng "Nam Bộ" chỉ mới xuất hiện mãi sau này mà thôi, từ tháng 3 năm 1945. Sau cuộc đảo chánh Pháp, Thống sứ Nhựt Bổn Nishimura đã bức tử danh xưng "Nam Kỳ" mà đổi sang tên là "Nanbu" (viết bằng chữ Hán: 南 部; nên nhớ người Nhựt đặt tên / đặt địa danh bằng Hán tự: Kanji).
Danh xưng "Nanbu" 南 部, đọc theo âm Việt-Hán là "Nam Bộ".
(chánh phủ Trần Trọng Kim ra đời dưới sự bảo trợ của Nhựt Bổn, thành thử cũng dùng cách gọi "Nam Bộ"...)


Một số người biện bạch việc dùng danh xưng "Nam Bộ" - mỗi khi trưng dẫn, triển lãm hình ảnh hoặc viết sách khảo cứu về giai đoạn khai hoang rồi mở mang vùng đất phương Nam trước đây - là vì... nói cho cùng, bây giờ đã đổi tên thành Nam Bộ rồi, nên gọi "Nam Bộ" luôn cho tiện, cũng đâu gì sai.
SAI chớ sao không!

Xin trở lại phần đầu , "Gia Định báo ra mắt năm 1865 tại tpHCM" là một câu viết sai lè ra. Đó, bạn đâu thể lấy lý do Sài Gòn ngày trước bây giờ đã đổi tên sang "thành phố HCM", nên gọi "tpHCM" luôn cho tiện mà bất chấp thời điểm trong lịch sử!

Diễn biến, sự kiện nào xảy ra tại đô thị lớn nhứt nước VN từ trước 30/4/1975 thì chúng ta KHÔNG THỂ ghi: "xảy ra tại tpHCM".
Cũng vậy, những diễn biến, sự kiện nào xảy ra ở vùng đất phương Nam trước tháng 3/1945 thì chúng ta KHÔNG THỂ ghi: "xảy ra tại Nam Bộ" (mà cần phải ghi là "Nam Kỳ").

Đó là chưa kể, nếu kỹ lưỡng hơn nữa về phân vùng lãnh thổ thì chỉ những miền đất nào ở miền Nam trong giai đoạn 1954-1975 mà thuộc về Cộng hòa miền Nam VN (Mặt trận GPMNVN) thì mới dùng cách gọi "Nam Bộ". Còn hết thảy các tỉnh, thành phố phương Nam mà thuộc về thể chế Việt Nam Cộng hòa cai quản, dùng cách gọi cho đúng với bối cảnh thời gian lịch sử bấy giờ, là: "Nam Phần".


Lịch sử không nên nhìn lớt phớt, gọi đại gọi bừa phứa cho xong. Mà phải gọi cho "ăn khớp" với bối cảnh không gian & thời gian.

Xin phép nhắc riêng cho những thế hệ sinh trưởng sau năm 1975, hãy chịu khó tìm hiểu lịch sử để đừng nói quàng xiên - mà tôi từng nghe không ít lần - "Nam Kỳ là tên của Tây đặt ra" (?). Hãy nhớ tiền nhân người Việt của chúng ta khi định cõi phương Nam, đã gọi vùng đất yêu quý này là: NAM KỲ!

NAM KỲ 南 圻 là tên gọi dưới thời vua Minh Mạng vào năm 1832, bấy giờ chia ra 6 tỉnh (nên còn gọi "Nam Kỳ lục tỉnh"). Tức tên gọi Nam Kỳ đã có từ nửa thế kỷ trước khi người Pháp đặt chế độ cai trị toàn bộ vùng đất phương Nam này (năm 1884).

Người Pháp hồi đó bèn dựa theo ranh giới địa chính vùng đã có sẵn từ Nhà Nguyễn mà đổi thành tên tiếng Pháp ráo trọi: Nam Kỳ đổi thành "Cochinchine", Trung Kỳ kêu bằng "Annam", còn Bắc Kỳ là "Tonkin".

Nguyễn- Chương Mt

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2020

Nhân tài đất Việt ở Mỹ/ Viễn Phương chia sẻ


Xuất thân từ một vùng thôn quê , cách thị xã Bạc Liêu 16 cây số , cậu học sinh lớp 11 năm nào , người từng định nhảy xuống biển bơi ngược về nhà trên chuyến tàu vượt biên , giờ đây , đã có thể hãnh diện tự tin ngồi đối thoại , thuyết trình cùng những nhà khoa học Mỹ về các đề án cải tiến kỹ thuật cho việc thám hiểm mặt trăng của cơ quan nghiên cứu không gian NASA . Cậu học sinh năm nào đó chính là TS Trịnh Hữu Phước ngày nay . Giản dị ,chất phát , cởi mở là điều dễ nhận thấy ngay trong lần đầu tiếp xúc với TS Trịnh Hữu Phước , người đang giữ nhiệm vụ trưởng nhóm chuyên viên kỹ thuật nghiên cứu và chế tạo động cơ hoả tiễn hạng nặng cho NASA …
TS Trịnh Hữu Phước ( giữa ) cùng Vợ , TS Võ Thị Diệp và con Gái Út trong ngày nhận huy chương cho những đóng góp xuất sắc , lâu dài của ông cho kỹ thuật hoả tiễn và những ứng dụng kỹ thuật mới cho phi thuyền Mặt Trăng và Hoả Tinh , tháng 05/2010 .
Tôi rời khỏi Việt Nam vào tháng 05/1979 , sau khi học hết lớp 11 , tại Cà Mau . Ðáng lý ra phải đi chung với một số người trong gia đình , nhưng do trục trặc , cuối cùng chỉ có một mình tôi lên tàu . Trong lúc sợ quá vì không hề chuẩn bị tư tưởng cho việc ra đi một mình , trong người không có đồ đạc , tiền bạc gì hết , tôi đã định nhảy xuống bơi vào bờ . TS Phước bắt đầu câu chuyện bằng cách kể lại chuyến vượt biên của mình cách đây hơn 31 năm .
Ra đi từ vùng thôn quê Bạc Liêu từ năm 16 tuổi , vượt qua nhiều gian nan để sinh tồn và học tập , hôm nay TS Trịnh Hữu Phước đã là Trưởng Nhóm Chuyên Viên Kỹ Thuật nghiên cứu và chế tạo động cơ hoả tiễn hạng nặng cho NASA .
Chủ Tàu sợ lộ nên hứa với cậu bé Phước hãy cứ yên tâm đi , sang đến đảo ông sẽ giúp đỡ . Tuy nhiên , như phần đông những thuyền nhân khác , chuyến hải hành tìm tự do của Phước cũng bị cướp . Vì thế , khi đến trại , chủ tàu đã không làm như lời hứa . 16 tuổi , một thân một mình , không có bất cứ hành trang tài sản gì trong người , Phước bắt đầu làm đủ mọi việc để có thể kiếm ăn cho chính mình , từ bán bánh mì đến lên rừng chặt cây làm giường cho người ta trên đảo Kuku , sau đó là Galang .
Thời gian này , Phước tình cờ gặp lại một người bạn học cùng lớp ở Bạc Liêu , qua đảo trước đó 2 tháng . Trước khi rời đảo Galang sang Mỹ định cư , người bạn đó hứa sẽ tìm người bảo trợ cho tôi , bởi lúc đó tôi còn ở tuổi vị thành niên , anh Phước kể tiếp .
Với sự giúp đỡ của người Bạn này , một cặp vợ chồng Thầy Giáo người Mỹ , không có con ruột , chỉ có hai con nuôi người Korean , nhận bảo trợ cho Phước từ trại tỵ nạn Galang đến tiểu bang Illinois , Hoa Kỳ .


Sau 6 tháng sống trong sự bảo bọc của hai vợ chồng Mỹ tốt bụng , khi tròn 18 tuổi , Phước dọn ra ở riêng cùng một anh bạn quen lúc ở đảo . Thời gian tiếp theo , Phước vừa đi học vừa đi làm . Sau 4 năm rưỡi đến Mỹ , anh lấy được bằng đại học về Kỹ Sư Phi Hành Không Gian ( Aerospace Engineer ) . Ðó cũng là lúc anh nộp đơn xin vào làm cho NASA theo một thông báo tuyển người mà anh trông thấy được ở trường đại học của mình . Tuy nhiên , sau khi phỏng vấn , anh Phước không được chấp thuận bởi lý do anh chưa phải là công dân Hoa Kỳ
Du vậy , người phỏng vấn đã cho anh một lời hứa : giữ vị trí đó cho đến khi anh trở thành công dân Hoa Kỳ . Ðồng thời người này cũng khuyên anh trong thời gian chờ thi quốc tịch , hãy học tiếp bằng Master .
Trịnh Hữu Phước chính thức về làm cho NASA sau khi tốt nghiệp cao học năm 1987 , chuyên về phát triển động cơ hoả tiễn LOX-Methan – sử dụng nhiên liệu oxygen và methan lỏng – cho phi thuyền bay vào Mặt Trăng .
Như một sự sắp đặt của số phận , người bạn học ngày nào giúp anh đến Mỹ đã trở thành người bạn đời sau đó của TS Trịnh Hữu Phước . Ðiều đặc biệt , cả 2 người , anh Phước và chị Diệp , tên vợ anh , đều ở trong nhóm kỹ sư của trung tâm phi hành không gian Marshall thuộc NASA ở Huntsville , Alabama . Trong thời gian làm việc tại đây , hai vợ chồng anh đã tiếp tục học để lấy bằng Tiến Sĩ .
Với người Việt Nam xưa nay , NASA vẫn là một điều gì đó khiến người ta ngưỡng mộ . Vậy bản thân anh cảm thấy như thế nào khi là một thành viên của NASA ? Tôi hỏi TS Trịnh Hữu Phước khi anh đang say sưa nói về công việc của mình . Anh cười thoải mái : Tôi nghĩ bất kỳ ai cũng ít nhiều cảm thấy tự hào và hãnh diện về nơi làm việc của mình . Tôi cũng vậy thôi . Mà không chỉ người Việt Nam đâu , cả người Mỹ cũng cảm thấy tự hào khi làm việc cho NASA . Các con tôi cũng cảm thấy hãnh diện khi nhìn thấy sự xuýt xoa của bạn học khi chúng khoe cả Ba Mẹ đều làm cho NASA .
Chưa có con số thống kê chính xác xem có bao nhiêu người Việt Nam đang làm việc cho 8 trung tâm NASA trên toàn nước Mỹ . Riêng tại Trung Tâm Alabama , nơi chịu trách nhiệm về chế hoả tiễn hạng nặng thì có chừng 6 , 7 người Việt , tính luôn cả 2 vợ chồng tôi , trong tổng số 7 500 người làm việc tại đó . Anh Phước cho hay .
Từ lần thám hiểm Mặt Trăng lần cuối của Hoa Kỳ vào năm 1972 , cho đến nay , cơ quan không gian Hoa Kỳ NASA mới lại bắt đầu nghiên cứu những cải tiến kỹ thuật về dụng cụ khoa học cho cuộc thám hiểm cũng như chế tạo phi thuyền một cách hoàn hảo thêm . Nhằm mục đích đến mặt trăng trong thời gian tới để khảo sát địa chất và những dữ kiện thiên nhiên như đo nhiệt độ lòng đất , độ động đất , độ từ trường … NASA chọn đề án chế tạo phi thuyền người máy Robotic Lunar Lander ( RLL ) để dùng cho cuộc thám hiểm này .REPORT THIS AD
Trong đề án này , TS Trịnh Hữu Phước , Trưởng Nhóm chuyên viên kỹ thuật nghiên cứu và chế tạo động cơ hoả tiễn , chịu trách nhiệm đề án hai loại hoả tiễn cho phi thuyền RLL . Trong đó , một loại dùng nhiên liệu lỏng điều khiển phi thuyền trong lúc bay và đáp xuống mặt trăng , một loại dùng nhiên liệu đặc để tạo ra phản lực làm giảm tốc độ của phi thuyền trước khi đáp .
Ðể có thể đảm đương nhiệm vụ tại trung tâm phi hành không gian Marshall thuộc NASA ở Huntsville , Alabama , không thể không nhắc tới quá trình học hành gian nan của TS Trịnh Hữu Phước , đặc biệt là những ngày tháng vất vả để học tiếng Anh . Anh Phước nhớ lại :
– Tôi vào một lớp học ESL , học vài tuần cảm thấy không học nổi , vừa xin Thầy Giáo cho drop lớp nhưng đồng thời tôi cũng xin thầy cho tôi được học dự thính để ngồi nghe xem thầy nói gì .
Thấy người học trò chịu khó quá , Thầy Giáo dạy tiếng Anh đã cho anh một đặc ân : mỗi khi chuẩn bị kiểm tra viết bài luận , Thầy cho Anh biết đề trước một ngày để anh về ì ạch viết . Sau đó học thuộc lòng và hôm sau vô chép lại theo trí nhớ !
Với môn khoa học chính trị , lúc đó mình mù mịt chẳng biết gì , Thầy khuyến khích ,nếu cố gắng làm bài đạt điểm B , Thầy sẽ nâng lên thành A . Và thế là tui ráng được B . Anh cười hồn nhiên kể lại việc học không dễ dàng của mình ở những năm đầu đến Mỹ . Người ta học 1 , học 2 , mình phải học gấp 10 lần , bởi ngôn ngữ này xa lạ với mình quá mà . Anh thú nhận . Trải qua những ngày tháng học hành khó nhọc như vậy , nên ngày nay , khi có thể tự tin cùng ngồi lên đề án , phác thảo mô hình thiết kế hoả tiễn cho việc nghiên cứu thám hiểm không gian cùng những nhà khoa học tên tuổi của Mỹ , TS Trịnh Hữu Phước cũng cảm thấy có phần hãnh diện .
Câu chuyện vượt biên , từ một vùng nông thôn Bạc Liêu tiến đến NASA , được Vợ anh Phước kể cho 3 cô con gái họ nghe mỗi ngày . TS Phước nói một cách thú vị :
– Các con tôi thường nói thời đại Ba Mẹ khác thời đại .blogspot , .blogspot đã nghe câu chuyện này cả ngàn lần , cả triệu lần rồi . Tuy nhiên mỗi lúc cần viết một bài luận về câu chuyện thích nhất , bao giờ chúng cũng viết về câu chuyện của Ba Mẹ mình .
Nhìn lại chặng đường đã qua , TS Trịnh Hữu Phước cảm nhận :
– Mỹ là vùng đất cơ hội . Nhiều người Việt mình đã thành công trong nhiều lãnh vực trên đất nước này . Nhìn lại những gì đã qua , tôi chỉ muốn chia xẻ kinh nghiệm với những người trẻ là hãy cố gắng học khi có điều kiện , bởi học vấn luôn là nền tảng để mình có thể tham gia vào nhiều lãnh vực .
Hai Khoa Học Gia Trịnh Hữu Phước và Võ Thị Diệp . Hai Khoa Học Gia Nasa Gốc Việt : Cặp Vợ Chồng Gặp Từ Thơ Ấu
LGT : Họ là hai nhà khoa học tại cơ quan không gian Hoa Kỳ NASA — Võ Thị Diệp và Trịnh Hữu Phước — và cũng là một cặp vợ chồng có duyên tiền định : họ là bạn học từ thời thơ ấu . Câu chuyện được nhà báo Trọng Minh kể lại trong tài liệu Vẻ Vang Dân Việt như sau .
Họ là ai ? Là hai người sanh ra ở hai thôn khác nhau tại một tỉnh lẻ thuộc cuối vùng trời đất nước Việt Nam . Biết nhau dưới một mái trường trung học của thị xã , nàng được bầu làm trưởng lớp , còn chàng làm phó trưởng lớp . Xa nhau vì hoàn cảnh đất nước , mỗi người mỗi phương tưởng như không bao giờ còn có dịp gặp lại . Tái ngộ trong một trại tỵ nạn ở Nam Dương , trong lúc nàng đang ngồi bán những gói muối mang theo trên đường vượt biển và chàng đi làm thủ tục giấy tơ ngang qua . Dìu nhau đến vùng đất hứa . Đạt thành giấc mộng Mỹ Quốc , trở thành 2 Tiến Sĩ , Khoa Học Gia Không Gian Hoa Kỳ ( NASA ) . Sống hạnh phúc bên nhau với 3 người con gái đang tuổi trưởng thành . Điểm đặc biệt cần nói thêm ở đây là cả 3 cô con gái đều sanh ra ở Hoa Kỳ , nhưng nói và viết thông thạo tiếng Việt , và rất nặng tình yêu quê hương , truyền thống dân tộc , mỗi lần có dịp về quê thăm họ hàng nội , ngoại , sống hoà mình với mọi người , không ngủ phòng lạnh , tắm bồn mà ngủ ngoài bờ tre , tắm ao …
REPORT THIS AD
Quý bạn đọc muốn biết về hai nhân vật huyền thoại này , xin mời theo dõi phần tiểu sử đầy đủ của họ dưới đây :

– Họ và tên : Võ Thị Diệp .
– Ngày và nơi sanh : 14/12/1962 tại làng Giòng Me ,quận Vĩnh Lợi , tỉnh Bạc Liêu , Việt Nam .

– Học lực : Tiến Sĩ Hoá Học .
– Nghiên Cứu Vật Liệu Mới Để Dùng Trong Chương Trình Thám Hiểm Không Gian : Mặt Trăng , Hoả Tinh Và Những Hành Tinh Khác .
Trong cuộc đời của mỗi con người Chúng Ta , có những sự thành công bởi những điều kiện thuận lợi từ trong hoàn cảnh gia đình cho đến ngoài xã hội . Nhưng cũng có những sự thành công được nung đúc bởi sự đấu tranh không ngừng của một ý chí cầu tiến vượt qua tất cả những khó khăn và trở ngaị từ trong hoàn cảnh gia đình cũng như ngoài xã hội . Sự thành công vượt bực đó , có được từ lòng mơ ước mãnh liệt và tha thiết được ấp ủ trong hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống và lòng ao ước , mong cầu có một nền tảng văn hoá , kiến thức và học vị .
Những thứ đó rất là xa vời , viển vông và ngoài tầm tay với cho những nhà nông chân lấm tay bùn … Những danh từ học vị như : Cử Nhân , Cao Học , Tiến Sĩ … thật cao xa , thật khó hiểu cho những người nông dân chất phác chỉ biết có mảnh ruộng mênh mông , đàn trâu ngậm cỏ , đàn cá trong ao . Tuy nhiên , những danh từ cao xa nhưng đầy hấp dẫn đó đã làm say mê một cô bé nhà nông chất phác chưa bao giờ được sống trong nền văn minh của đô thị . Và từ những đam mê đó đã khiến cô từ một cô bé nông thôn của một làng quê hẻo lánh trở thành một Khoa Học Gia về ngành Không Gian của Trung Tâm Nghiên Cứu Không Gian Hoa Kỳ .

Nghệ sĩ nhân dân Bạch Diệp/ vợ của Xuân Diệu/ Xuân Anh theo tiết lộ của Tô Hoài/ Cảnh Tú chia sẻ




NGƯỜI VỢ CỦA NHÀ THƠ XUÂN DIỆU 
 Xuân Anh (theo tiết lộ của Tô Hoài)

   Người phụ nữ đó không ai khác chính là nữ đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân – Bạch Diệp. Hai người đã chung sống trong một thời gian ngắn ngủi rồi chia tay. Bạch Diệp nay đã bước sang tuổi cổ lai hy. Gần đây, bà yếu đi nhiều, chân run run do bệnh viêm khớp của tuổi già. Trong căn nhà rộng mà hiu quạnh, bà ngồi lọt thỏm trong bộ ghế sa-lông cứng nhắc, khuôn mặt đăm chiêu nhăn nhúm vết thăng trầm thời gian. Sau một tiếng thở dài, những câu chuyện từ cõi lòng cứ thế mà bật ra. Đôi mắt sắc sảo của bà chợt ầng ậc nước, chợt ráo hoảnh…
Một đôi nhưng hai... nửa
Những ngày cuối đông năm 1957, trời Hà Nội rét căm căm. Ngày hôm đó, Tổng biên tập báo Nhân Dân - ông Hoàng Tùng gọi Bạch Diệp ở lại, giọng nửa đùa nửa thật: “Bạch Diệp ế đến nơi rồi, có muốn anh giới thiệu chồng không?”.
 Bạch Diệp giãy nảy: “Gớm, có già cũng không cần anh giới thiệu đâu. Em quen đầy người, việc gì phải nhờ anh”. Nói rồi, Bạch Diệp nhét tập tài liệu dầy cộp vào túi xách, toan về. “Nhưng… nếu đó là “một ông hoàng?”, “Em không cần tiền!”. Bạch Diêp ngúng nguẩy, tự ái ra mặt. Hoàng Tùng xua tay cười “Em bình tĩnh nghe anh nói đã…”. Hoàng Tùng lôi điếu thuốc ra. Châm lửa. Chậm rãi rít một hơi dài: “Người này anh ngắm kỹ cho em rồi, không ai xứng đáng hơn đâu. Không phải ông hoàng dầu lửa, mà là ông hoàng thi ca – Xuân Diệu đấy!”.
Hóa ra, người mà tổng biên tập muốn giới thiệu cho cô phóng viên trẻ chính là Xuân Diệu. Bạch Diệp lúc này đã 27 tuổi, đẹp sắc sảo, mặn mà. Biết bao chàng trai ngưỡng mộ sự thông minh của nàng, nhưng không dám tiến gần, vì sợ nàng “chê”. Bạch Diệp thường vẽ một “bánh vẽ” về người chồng lý tưởng của mình, rồi “gặm nhấm”: “Chồng Diệp phải là người đàn ông tài hoa, lãng mạn. Người đó phải khiến Diệp kính phục. Nếu không, Diệp thà ở vậy còn hơn!”.
 Bởi thế, khi được “gán” với “ông hoàng của thi ca”, Bạch Diệp bỡ ngỡ lắm. Nàng lao về nhà, đọc đi đọc lại những bài thơ tình của ông: “Em bước điềm nhiên không vướng chân/Anh đi lững thững chẳng theo gần/Vô tâm – Nhưng giữa bài thơ dịu/ Anh với em như một cặp vần… Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy/Lòng anh thôi đã cưới lòng em”. Chắn hẳn, người phụ nữ nào được Xuân Diệu yêu sẽ hạnh phúc vô cùng! Sao không hạnh phúc khi được Xuân Diệu đối xử như một nữ hoàng, và được chàng yêu như trong thơ: “Yêu tha thiết thế vẫn còn chưa đủ?/Anh tham lam, anh đòi hỏi quá nhiều/ Anh biết rồi, em đã nói em yêu/Sao vẫn muốn nhắc một lời đã cũ?”.
 Nghĩ vậy, mấy ngày sau, Bạch Diệp nhận lời “mai mối” của Hoàng Tùng.
Xuân Diệu tuy đã 41 tuổi, nhưng trông “rất thơ”. Vầng trán anh nở nang, cao vời vợi, che phủ một phần bởi những mớ tóc loăn xoăn, dấu ấn của con người Bình Định. Bạch Diệp vốn là người mạnh mẽ, nhưng bị “đắm chìm” ngay bởi cặp mắt nhìn đời và thiên nhiên sâu thăm thẳm, tựa như một nhà hiền triết. Thế nhưng, buổi nói chuyện đầu tiên tẻ nhạt hơn nàng tưởng. Những câu làm quen rời rạc, những mạch chuyện chệch hướng. Xuân Diệu không phải là người đàn ông biết đưa đẩy, rào đón phụ nữ. Hóa ra, người thơ và người thực chẳng thể là một. Bạch Diệp thoáng thất vọng.
Những buổi hẹn hò sau, hai người thường đèo nhau trên chiếc xe đạp cà tàng ra ngoại thành chơi. Trên những con đường trải đầy nắng và gió đông, Xuân Diệu khẽ khàng ngâm thơ. Bạch Diệp ngồi phía sau, lòng lâng lâng. Có lần, trời đổ cơn giông, Bạch Diệp nằng nặng đòi đội mưa về nhà, bất kể đang ốm. Xuân Diệu liền kéo nàng trú dưới hàng hiên nhà cổ. Anh rút khăn mùi soa, lau từng giọt mưa lấm tấm trên mặt nàng. Sau khi đưa nàng về, Xuân Diệu tặng nàng bài thơ: “Tôi cầm mùi dạ lan hương/Trong tay đi đến người thương cách trùng/Dạ lan thơm nức lạ lùng/Tưởng như đi mãi không cùng mùi hương”..
 Xuân Diệu rất yêu hoa và là người kỹ tính trong nghệ thuật này. Bất cứ lúc nào, trong nhà ông cũng có hoa tươi để bàn. Thuở đó, ông rất hay mua hoa hồng tặng Bạch Diệp. Những bông hồng tươi thắm, cánh hoa dầy ụ khiến đôi mắt Bạch Diệp thêm long lanh, má Bạch Diệp thêm nồng ấm. Xuân Diệu không có sự quyến rũ mạnh mẽ từ vẻ ngoài, cũng không có những câu nói đưa đẩy làm xiêu lòng phụ nữ. Bù lại, sự chu đáo của anh khiến Bạch Diệp tuy chưa hoàn toàn ưng ý, nhưng cũng “mủi lòng”.
Đến gần ngày cưới, Xuân Diệu có qua nhà Bạch Diệp ăn cơm tối. Ba mẹ Bạch Diệp đón tiếp “chàng rể tương lai” rất nồng hậu. Mắt long lanh, anh tự ru mình và mềm mại khi đọc những bài thơ tình. Bạch Diệp nhìn anh say đắm, nhưng anh lại đưa mắt ra ngoài khung cửa sổ, lảng tránh. Dường như bài thơ tình đó không dành cho nàng. Giữa họ, một khoảng cách vô hình le lói hình thành.
Có lần, cô bạn đồng nghiệp kéo Bạch Diệp lại, hỏi:

Ảnh nhà thơ Xuân Diệu, Báo CAND
“Tao nghe người ta nói anh Xuân Diệu có vấn đề đấy! Mày phải xem lại đi, không nhỡ dở đời con gái”. Bạch Diệp gắt lên: “Vớ vẩn! Người ta ghen ghét, nói xấu anh Diệu thôi. Tao không hiểu anh Diệu thì ai hiểu đây?”. Nói thế nhưng Bạch Diệp không khỏi hồ nghi. Hai người sắp nên vợ nên chồng mà vẫn chẳng thể là một. Xuân Diệu lúc nào cũng “bâng khuâng”, “lãng đãng”. Hay vì nhà thơ thường như thế?
Trước đám cưới vài ngày, Bạch Diệp giục Xuân Diệu đăng ký kết hôn nhưng anh lại ậm ừ cho qua, kêu bận sáng tác. Mấy hôm đó, nàng cũng thao thức không ngủ được. Chỉ mấy ngày nữa thôi, nàng sẽ trở thành “bà Xuân Diệu”, là “nữ hoàng” của thơ ông, thay thế tất cả những “người tình thơ” trước đó. Sau này, người yêu thơ sẽ nhắc đến nàng như nguyên mẫu, là nguồn cảm hứng duy nhất trong thơ Xuân Diệu. Rồi hạnh phúc vợ chồng, nàng chưa biết gì ngoài những lời thủ thỉ của bạn bè đồng trang lứa. Nghe hứa hẹn, sẽ “ngọt ngào” lắm…
Đám cưới diễn ra vào cuối tháng 4 năm 1958, do báo Nhân Dân đứng ra tổ chức. Có rất nhiều bạn bè của Xuân Diệu tới chúc mừng. Họ toàn là những nhà thơ, nghệ sĩ tên tuổi.. Bạch Diệp trong bộ áo dài đội voan trắng muốt, hạnh phúc vô cùng. Trước sự chứng kiến của mọi người, chàng và nàng nguyện "kề vai sát cánh đến suốt cuộc đời".
Đêm tân hôn của… thi ca
 Đôi vợ chồng trẻ được thu xếp trong một căn phòng nhỏ, nhưng ấm cúng. Phía đầu giường là dòng chữ “Hỉ” đỏ chót dán lên tường... Chú rể vẫn chu đáo vậy, đun nước sôi, trút xuống chậu men, nhúng tay thử độ ấm và bảo nàng đi tắm. Rũ sạch mọi mệt mỏi, mùi xà phòng hương lài quẩn quanh người khiến nàng thêm khoan khoái.
 Nàng đã tưởng tượng ra khung cảnh như thế này, từ lâu lắm rồi: một căn phòng nhỏ leo lắt nến và hoa hồng. Cô dâu mới phải e lệ, ngượng ngùng ngồi đợi chồng bên mép giường. Chú rể vén rèm, bước vào. Hai người uống chung một ly rượu, cho men tình thêm say! Luồng sáng trong phòng phải mờ mờ ảo ảo. Bóng tối sẽ khiến hai người thêm tự nhiên và gần gụi. Sau một đụng chạm khẽ khàng, hai người yêu nhau như tự nhiên nó thế…
Một bàn tay mềm mại đặt lên vai. Tim nàng đập thình thịch. Má đỏ bừng. “Em này, có thấy bút đâu không?”. Giật mình, nàng ngơ ngác: “Để làm gì hả anh?”. Xuân Diệu không trả lời, lục tung bàn, cúi xuống gầm giường tìm bút. Rồi anh thắp thêm nến. Ánh sáng khiến căn phòng như rộng ra, rộng mãi. Xuân Diệu ngồi bên bàn, cầm bút, giấy loay hoay, hì hụi. Đầu anh gục xuống, mái tóc bồng bềnh rối tung. Bạch Diệp ngỡ ngàng: “Chẳng nhẽ anh ấy muốn làm thơ trong lúc này?”.. Sau một hồi, Xuân Diệu hí hửng, đọc thơ cho nàng nghe. Bạch Diệp cố nhấn nhịn. Đọc xong, chàng lại hì hụi viết tiếp, mắt nhìn ra cửa sổ bâng khuâng. Nàng bàng hoàng: chẳng nhẽ đêm tân hôn là như vậy? Đêm đó, Bạch Diệp thêm một lần mất ngủ. Vị ngọt rượu vang nơi đầu lưỡi hồi chiều đã nhanh chóng biến thành vị đắng.
Đến sáng, hai người rẽ sang hai ngả đường. Đêm đêm, chàng vẫn miệt mài làm thơ. Nàng thở dài, kéo chăn đi ngủ trước. Mọi người tò mò hỏi chuyện đôi vợ chồng trẻ, nàng chỉ mỉm cười, mắt biêng biếc buồn. Nàng đang phải cắn-quả-sấu-của đời mình.
Ba tháng sau ngày cưới, Bạch Diệp trò chuyện cùng mẹ. Bà mẹ hạnh phúc nhìn con gái, hỏi nhỏ:
Ảnh Nsnd Bạch Biệp, vợ Xuân Diệu, Wikipedia

“Thế mày đã có gì chưa? - Có gì là có gì ạ? Bọn con đã có chuyện gì đâu?. Mẹ Bạch Diệp tái mặt. Bà cứ ngỡ, con gái lấy chồng sẽ nhanh chóng sinh cho bà đứa cháu kháu khỉnh, ngờ đâu…
 Tức giận, bố Bạch Diệp gọi chàng rể đến.. Lúc đó, mọi người mới té ngửa: Xuân Diệu bị bệnh “tiên thiên”, không thể chữa trị.
Mẹ Bạch Diệp thương con gái, khóc cạn nước mắt. Bà bắt hai người phải chia tay ngay, để Bạch Diệp khỏi lâu ngày mang tiếng xấu. Bố Bạch Diệp can ngăn: “Khuyết tật này chẳng ai muốn có. Hơn nữa con mình là người tri thức có tiếng, nên giữ thể diện cho nó. Bây giờ tìm mọi cách chữa trị trong ba tháng. Sau ba tháng nếu Xuân Diệu trốn nghĩa vụ làm chồng, hai đứa phải chia tay”.
Bạch Diệp giờ biết chuyện của chồng, thương xót vô cùng. Suốt ba tháng đó, ngày ngày nàng đun thuốc nam cho chồng uống, tuyệt nhiên không một lời than phiền, trách móc. Mẹ Bạch Diệp đôn đáo xuống Hà Tây, Hải Dương, Hải Phòng xem bói. Nào là, “thằng chồng nó bị ma ám, phải đem lá bùa này về đốt, lấy tro pha với nước lã, bắt nó uống”. Rồi “xoay giường ra hướng khác, hướng này khí độc”…
Xuân Diệu thương vợ nhiều, nhưng không thể làm cho vợ hạnh phúc. Hơn nữa, Xuân Diệu càng biết lòng mình, qua cuộc hôn nhân với Bạch Diệp. Thời gian này, những bài thơ tình vẫn được tuôn rào rạt. Vẫn cuồng nhiệt vô bờ: “Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt/Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng/Trong say sưa, anh sẽ bảo em rằng/Gần hơn nữa thế vẫn còn xa lắm”. (Xa Cách)
Một đêm nọ, Xuân Diệu không làm thơ. Chàng ôm vợ mình, siết chặt, nhẹ nhàng hôn lên môi, mắt và trán nàng. Rồi những nụ hôn cuống quýt, nồng ấm. Nàng lâng lâng. Dòng máu nóng chạy dọc suốt cơ thể. Nàng không còn bẽn lẽn, rụt rè. Nàng sẵn sàng đón nhận sự khát khao bị dồn nén bấy lâu. Nàng sắp bùng nổ…Nhưng chàng dừng lại. Bỏ ra ngoài phòng. Để lại sau lưng giọt nước mắt mặn chát của người vợ trẻ.
Sau này, khi hai người chia tay, họ vẫn coi nhau là bạn. Một lần vô tình gặp trên phố, khi Xuân Diệu đương mua hoa. Họ chào nhau, hỏi chuyện như những người bạn lâu ngày gặp mặt. Đến khi ra về, Bạch Diệp nhìn dáng Xuân Diệu mãi, cho đến lúc anh nhạt nhòa vào đám đông, chợt đắng đọt:
 “Sao anh ấy cháy bỏng và nồng nhiệt trong thơ dường vậy, lại không thể nồng nhiệt trong đời thực?”.
Gần năm mươi năm sau, không một lời oán trách, Bạch Diệp khẽ khàng: “Có lẽ ông ý chưa hiểu hết mình nên mới lấy tôi. Đừng viết gì về ông ấy, có viết, viết về những bộ phim của tôi đây này”. Dù không nói ra, nhưng những tiếng thở dài đau đáu đã nói lên tất cả. Không muốn chạm sâu thêm vào nỗi đau đó, tôi từ bỏ ý định muốn xem tấm ảnh cưới của bà và Xuân Diệu. Bởi với bà, “Xuân Diệu là những gì hư ảo trong cuộc đời, những kỷ niệm vô cùng đẹp nhưng không có thật”.
 Bạch Diệp hiện đang sống một mình, trong nhà chỉ có thêm một chú mèo...
Nên chăng, hãy để chúng nằm yên như nỗi đau được chôn giấu tự thuở nào. Mãi đến năm 40 tuổi, Bạch Diệp mới đi bước nữa, với ông Nguyễn Đức Tường, người thực sự thắp ngọn lửa yêu thương trong cuộc đời bà. Ngày 18 tháng 12 năm 1985, Xuân Diệu qua đời, sau một cơn đau tim đột ngột tại Hà Nội. Bạch Diệp đến, đặt một bó hoa trắng lớn (chứ không phải vòng hoa) lên nắp quan tài. Lần này, bà “tặng” ông bó hoa cuối cùng. Trong tiết trời đông lạnh cóng, bà đã đứng “bên ông”, đưa ông về nghĩa trang Văn Điển. Một cách trọn vẹn, Bạch Diệp là người phụ nữ duy nhất trong cuộc đời Xuân Diệu.

Xuân Anh (theo tiết lộ của Tô Hoài)

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2020

-Chuyện Tình Người Trinh Nữ Tên Thi / Báo Luật Pháp/ Xuân Lộc chia sẻ trên FB

--Chuyện Tình Người Trinh Nữ Tên Thi ---

🌻▬▬▬▬▬▬▬▬▬ 🍃 ஜ۩۞۩ஜ 🍃▬▬▬▬▬▬▬🌻
🌻Phía sau bản hit “Chuyện tình người trinh nữ tên Thi” của cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là một câu chuyện có thật, kể về cuộc đời hồng nhan bạc mệnh của một người con gái.

🌻Bí ẩn câu chuyện “người trinh nữ tên Thi”
Hoàng Thi Thơ (1929 - 2001) là một nhạc sĩ tài hoa của Việt Nam với số lượng hơn 500 ca khúc từ tình ca đến nhạc quê hương, dân ca đến nhạc thời trang, đoản khúc đến trường ca, nhạc cảnh đến nhạc kịch. Ngoài là một nhạc sĩ, Hoàng Thi Thơ còn vô cùng đa tài khi đảm đương nhiều vai trò khác như: đạo diễn kịch, điện ảnh, biên đạo múa, bầu show, nhà sản xuất, người dẫn chương trình.
🌻Thậm chí, ông còn từng là một giảng viên tiếng Anh - Pháp, tác giả sách hướng dẫn hòa âm, luật sáng tác… Năm 1957, ông bắt đầu tổ chức những kỳ đại nhạc hội hoành tráng tại rạp Thống Nhất (Sài Gòn). Năm 1961, ông thành lập Đoàn Văn nghệ Việt Nam gồm hơn 100 nghệ sĩ tên tuổi và lưu diễn qua nhiều thành phố trên thế giới. Năm 1967, ông thành lập tiếp Đoàn Văn nghệ Maxim gồm 70 nghệ sĩ, tổ chức những chương trình ca vũ nhạc kịch đặc biệt tại nhà hàng Maxim (Sài Gòn).
🌻Khoảng đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, Hoàng Thi Thơ cho ra đời một loạt ca khúc mà báo chí thời đó gọi là cảm hứng tân kỳ, đem lại cho làng tân nhạc Việt Nam luồng sinh khí mới như: “Rước tình về với quê hương”, “Việt Nam ơi ngày vui đã tới”, “Ô kìa đời bỗng dưng vui”, “Xây nhà bên suối”, “Ngày vui lý tưởng”… Những ca khúc này đã quen thuộc với người Việt Nam cho đến tận nay.
🌻Trong đó, ca khúc “Chuyện tình người trinh nữ tên Thi” được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sáng tác năm 1970 khi ông còn trong Đoàn Văn nghệ Maxim. “Thuở ấy xa xưa có một nàng một nàng thiếu nữ/ Một đóa hoa hồng tình phơi phới tuổi mới trăng tròn…”, những giai điệu quen thuộc vang lên khiến bất cứ ai cũng nhận ra đó là những giai điệu trong ca khúc “Chuyện tình người trinh nữ tên Thi”. Và, hiện nay ca khúc đã được “cover” không biết bao nhiêu lần, ở mọi thể loại âm nhạc.
Sau khi ra đời, “Chuyện tình người trinh nữ tên Thi” nhanh chóng trở thành bản hit của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Đây được coi là tác phẩm với thể loại nhạc kể chuyện rất nổi tiếng của ông. Ca khúc đủ da diết, đủ sâu lắng để người nghe cảm nhận trọn vẹn nỗi đau của một người trinh nữ mang trong mình mối tình bi ai, mà “Khi con tim yêu đương là sống với đau thương/ Khi con tim yêu đương là chết với u sầu/ Thì Thi đã biết cớ sao Thi buồn…”.
🌻Ca khúc “Chuyện tình người trinh nữ tên Thi” kể về câu chuyện tình buồn lâm ly. Nhiều người tưởng nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ viết bài này để kể về câu chuyện của ông, nhưng sự thật không phải như vậy. Ca khúc ra đời sau khi nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ chứng kiến toàn bộ câu chuyện tình đau thương của một nữ diễn viên trong Đoàn Văn nghệ Maxim. Cái chết của cô gái trẻ gây rúng động làng văn nghệ lúc bấy giờ.
🌻“Cô Thi hoạt động trong đoàn nghệ thuật của thầy Thơ, cô ấy chỉ mới 19, 20 tuổi. Vì quá thương cảm cho cái chết của cô gái trẻ đồng nghiệp, thầy đã viết bài hát này ngay sau tang lễ”, danh ca Họa Mi chia sẻ. Trong lời đề tựa bài hát “Chuyện tình người trinh nữ tên Thi”, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ viết: “Người con gái lạ lùng đó tên Thi. Thi trẻ đẹp như nhiều thiếu nữ thời nay. Thi yêu sớm. Tình Thi ngang trái. Người đời thị phi. Thi buồn và bỏ đi. Thi lên rừng. Có lẽ để khóc một mình dưới gốc cây già vô tri. Rồi cuối cùng Thi chết, một sáng mùa đông, trên nệm lá vàng…”.
🌻“Tôi biết người con gái đó. Tôi ngạc nhiên về lòng chung thủy của nàng. Chuyện tình đẹp như một phép lạ đã mê hoặc tôi. Tôi mượn âm thanh để kể lại, để bất diệt hóa tình yêu của người. Xin Thi phù hộ cho tôi, cho cả những người nghe và hát “Chuyện tình người trinh nữ tên Thi”, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ viết. Thời đó, Đoàn Văn nghệ Maxim có 12 nữ diễn viên múa chính, tất cả đều đẹp và múa giỏi. Họ đã được mời lên đài truyền hình góp mặt thường xuyên các chương trình ca nhạc có nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, đi lưu diễn khắp các tỉnh, thành.
🌻Trong 12 nữ diễn viên múa chính này có 3 chị em người Đà Lạt là Kim Lệ Thu, Kim Lệ Xuân, Kim Lệ Thi. Trong đó, Kim Lệ Thi yêu một nghệ sĩ đã có gia đình. Mối tình của Thi rất thiết tha và lý tưởng, nhưng rồi nó trở thành tuyệt vọng bởi người mà cô trao gửi tình yêu đã không thể đáp trái tim chân thành ấy. Say mê đến cuồng dại, nhưng vô vọng không tìm ra lối thoát, cuối cùng người trinh nữ tên Thi đã ra đi một cách bi thương, giữa khoảnh khắc thanh xuân tươi đẹp nhất của đời người.
🌻Vợ nhạc sĩ là người nhan sắc, tài năng
🌻Thơ ca của Hoàng Thi Thơ nổi tiếng là chuyện không bàn cãi. Thế nhưng, khi nhắc đến ông, khán giả vẫn thường nhớ đến những câu chuyện tình trắc trở với những bóng hồng nổi tiếng tài năng, xinh đẹp. Đó là mối tình sâu nặng với người tình Tân Nhân được nhiều sự chú ý và trở thành ý tưởng cho bộ phim “Đứa con và người lính”.
🌻Tại một tập của chương trình “Chân dung cuộc tình”, lần đầu tiên khán giả được lắng nghe lại chuyện tình đẫm nước mắt nhiều biến cố không khác tiểu thuyết của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cùng người đẹp Tân Nhân. Ít ai biết rằng, nhạc sĩ tài hoa đã vụt mất cơ hội hai lần được gặp lại người xưa.
🌻Biên tập Minh Đức chia sẻ: “Theo tài liệu tôi tìm hiểu được, trong năm 1963, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ ở Campuchia thì gặp đoàn nhạc của Tân Nhân tại đây, nhưng bà nhất quyết không chịu gặp ông. Đến năm 1968, ông dẫn đoàn nhạc của mình đến Paris biểu diễn thì vô tình gặp đoàn hát của Tân Nhân cũng có mặt ở đây nên nhạc sĩ quyết tâm mua vé hàng đầu để chờ gặp người cũ, nhưng hết nhiều đêm diễn bà vẫn không xuất hiện”.
🌻Câu chuyện của nhạc sĩ tài hoa Hoàng Thi Thơ cùng Tân Nhân như một cuốn tiểu thuyết tình yêu buồn luôn nhận được sự tò mò cũng như tiếc nối cho nhiều người. Bên cạnh đó, người vợ Thúy Nga của ông cũng nổi tiếng không kém về nhan sắc và tài năng, nhưng vẫn đôi lần ghen tuông với những bóng hồng xung quanh chồng.
🌻Danh ca Phương Dung bật mí: “Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ có hai lần rung động đều bị Thúy Nga phát hiện. Dù chỉ là hơi thoáng qua, nhưng bà Thúy Nga luôn có cách ứng xử của riêng mình rất thông minh, khôn khéo. Một lần anh Hoàng Thi Thơ rung động với một nữ ca sĩ xinh đẹp, bà Thúy Nga tự làm đau mình với câu nói đầy sâu sắc dành cho tình địch: “Chị không nghĩ em nỡ lòng làm đau chị như thế này”. Lần thứ hai anh Thơ ngẩn ngơ với một cô ca sĩ trẻ có đôi bàn tay đẹp, bà Thúy Nga liền gặp nói chuyện với người ấy, từ đó không thấy cô ấy đi hát nữa”.
🌻“Bà Thúy Nga là người tài sắc, đoan trang, dù đang nổi cơn ghen của người phụ nữ, nhưng vẫn luôn kiềm nén cảm xúc và ứng xử rất khôn khéo khiến nhiều người nể phục”, danh ca Phương Dung cho biết. Cuộc đời âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ luôn sôi động với nhiều sự kiện, với những tác phẩm ấp ủ chuẩn bị ra đời.
🌻Sống trọn vẹn với nghệ thuật, đến mức những năm cuối đời, sống xa quê hương dù sức khỏe đã yếu, Hoàng Thi Thơ vẫn mơ ước viết các opera nhạc hiện đại về lịch sử Việt Nam. “Tôi khổ lắm vì đến lúc này mà trái tim vẫn còn rung động”, ông nói khi đang nằm trên giường bệnh. Ba tháng sau, vào ngày 2/10/2001, ông qua đời ở Huntington Beach (Hoa Kỳ) trong khi trái tim nghệ sĩ đa tình vẫn thổn thức những nhịp đập đầy khát vọng như thuở đôi mươi...
Báo Pháp Luật
*Bài hát thu âm trước 75.


https://youtu.be/Yei3r3J7QTQ