KÝ ỨC VỤN, VỀ CHUYỆN HỌC Ở MIỀN NAM
THỜI ĐỆ NHỨT CỘNG HÒA
Thế hệ những người sinh vào thập niên 1940 tại miền Nam nay
còn không ít, cũng không nhiều. Số người không còn phần vì tuổi tác, bệnh tật,
phần vì đã trải qua nhiều thăng trầm dâu bể của những năm trước và sau
30.4.1975: chiến trận, tù đày, những cuộc vượt biển kinh hoàng …, số người còn
trụ lại kẻ thì sống tha hương trên xứ người, người ở lại Việt Nam thì phần đông
cũng lang thang bên lề cuộc sống, tuổi tác chất chồng, sống bằng ký ức hơn là
những dự phóng tương lai. Được sự gợi ý của Ban BiênTập Trí Việt News, trong
tay không còn bao nhiêu tư liệu chính thức về một thời kỳ giáo dục đã trải qua
5-6 mươi năm, chỉ còn một mớ ký ức sót lại trong đầu, bụng vô cùng e ngại,
nhưng các anh mở lòng khuyến khích vì hi vọng rằng những bạn đọc là chứng nhân
của thời kỳ này sẵn lòng bổ khuyết, đính chính cho những sai sót của một bộ nhớ
đã trải qua nhiều thử thách của thời gian và thời cuộc. Bởi vậy mà mấy bài viết
này có tên là “Ký ức vụn”, không mang ý nghĩa một biên khảo, mà chỉ nhằm giúp
người đọc có chút ý niệm tổng quát về một nền học đã mai một từ hơn nửa thế kỷ
đã qua.
KỲ I) CHUYỆN HỌC
* SƠ LƯỢC VIỆC HỌC TRƯỚC
THỜI ĐỆ NHẤT CỘNG HÒA
Những năm trước năm 1954, không thấy có chương trình giáo dục
mầm non dành cho lứa tuổi dưới 6, thường một đứa bé đến 6 tuổi, thậm chí 7-8 tuổi
hay hơn nữa, mới được cha mẹ cho đi học lớp đầu đời là lớp năm bậc tiểu học.
Trước thời Đệ nhất Cộng hòa, hệ thống giáo dục tại Việt Nam cũng có 3 bậc học
chính là Tiểu học, Trung học và Đại học, song ở 2 bậc học đầu, mỗi bậc lại chia
thành 2 cấp. Ở bậc Tiểu học, lớp khởi đầu là lớp Năm hay lớp Đồng ấu (Cours
Enfantin), kế đến là lớp Tư hay lớp Dự bị (Cours Préparatoire), lớp Ba hay lớp
Sơ đẳng (Cours Elémentaire). Cả ba lớp này thuộc cấp Sơ học, học xong, học sinh
thi lấy bằng Sơ học Yếu lược (Primaire Elémentaire). Sau cấp Sơ học là cấp Tiểu
học gồm 3 lớp: lớp Nhì một năm (Cours Moyen de 1ère Année), lớp Nhì hai năm
(Cours Moyen de 2è Année), và lớp Nhất (Cours Supérieur). Xong lớp Nhất, học
sinh thi lấy bằng Tiểu học (Certificat D’Etude Primaire Complémentaire
Indochinois, viết tắt là C.E.P.C.I), ai thi đỗ mới được học lên bậc Trung học.
Thời đó, có bằng CEPCI đã đủ tự hào với làng trên xóm dưới rồi, “trâm” tiếng
Tây với Tây đủ để trẻ em trong làng khiếp sợ.
Thời kỳ trước Đệ nhất Cộng hòa, học sinh đỗ Tiểu học xong
không vào ngay lớp Đệ nhất niên mà còn phải trải qua một lớp trung gian là lớp
Tiếp liên (Cours Certifié), hết năm này mới vào lớp Đệ nhất niên của bậc Trung
học. Thời Pháp thuộc, bậc học này cũng chia làm hai cấp: Cao đẳng Tiểu học và
Trung học. Bốn năm Cao đẳng Tiểu học gồm các lớp: Đệ nhất niên, Đệ nhị niên, Đệ
tam niên và Đệ tứ niên. Học xong bậc này, học sinh thi lấy bằng Thành Chung
(Diplôme d'Étude Primaire Supérieur Franco-Indigène), người Việt bình dân lúc bấy
giờ vẫn quen gọi là “bằng Đít-lôm”.
Sau bằng Thành chung, học sinh học lên bậc Tú tài. Kể từ cuối
thập niên 1920, chương trình thi bậc Tú tài đã được Nha Học chính Đông Pháp qui
định, gồm hai kỳ thi cách nhau một năm, kỳ thi lấy bằng Tú tài I hay Tú tài bán
phần (Baccalauréat Première Partie) và kỳ thi Tú tài II hay Tú tài toàn phần
(Baccalauréat Deuxième Partie, gọi tắt là BAC). Người dự thi Tú tài toàn phần bắt
buộc phải có bằng Tú tài bán phần.
* VIỆC HỌC THỜI ĐỆ NHẤT
CỘNG HÒA
Chương trình Tiểu học thời Đệ nhất Cộng hòa không còn kéo dài
6 năm như trước đó, vẫn là các lớp Năm, Tư, Ba, Nhì, Nhất, song không còn kỳ
thi Sơ học Yếu lược và không còn hình thức lớp Nhì một năm và lớp Nhì hai năm nữa.
Sau khi học xong chương trình lớp nhất, học sinh tham dự kỳ thi Tiểu học.
Vào đầu thập niên 1950, khi vào lớp Tư, học sinh đã bắt đầu được dạy tiếng
Pháp, chương trình thi các năm 1954-1955 còn có bài ám tả tiếng Pháp (sau này
là chính tả, dictée française), song chỉ có tính nhiệm ý, không bắt buộc. Thời
Đệ nhất Cộng hòa, các lớp từ Đệ nhất niên đến Đệ tứ niên được đổi tên lần lượt
thành các lớp Đệ thất, Đệ lục, Đệ ngũ và Đệ tứ; bậc Cao đẳng Tiểu học được đổi
thành bậc Trung học Đệ nhất cấp. Tại bậc học này, học sinh lớp Đệ thất được dạy
sinh ngữ hai là Anh ngữ. Như vậy, gần như không có một sự chọn lựa nào từ phía
người học, do Pháp ngữ được học từ bậc Tiểu học và Anh ngữ được học từ bậc
Trung học nên mặc nhiên trong học và thi, Pháp ngữ là sinh ngữ 1 (điểm thi có hệ
số 3), Anh ngữ là sinh ngữ 2 (điểm thi có hệ số 2). Sau khi học xong lớp Đệ tứ,
học sinh thi lấy bằng Trung học Đệ nhất cấp thay cho bằng Thành chung. Bậc Tú
tài thời Đệ nhất Cộng hòa được gọi là Trung học Đệ nhị cấp, gồm ba lớp: Đệ tam,
Đệ nhị và Đệ nhất.
Bước vào lớp Đệ tam, học sinh chọn một trong 4 ban:
- Ban A – Các môn học chủ yếu là Lý Hóa - Vạn vật (nay là
Sinh vật), các môn
khác là môn phụ
- Ban B – Các môn học chủ yếu là Toán – Lý – Hóa
- Ban C – Còn gọi là Ban Văn chương – Sinh ngữ, các môn học
chủ yếu là Văn –
Triết học (riêng cho lớp Đệ nhất) Sử Địa – Anh Pháp
- Ban D – Còn gọi là ban Cổ ngữ, các môn học chủ yếu là Văn –
Hán ngữ hay La
tinh ngữ.
Về trường học, thời Đệ nhất Cộng hòa, số trường tư chiếm tỉ số
áp đảo. Thường mỗi tỉnh có một trường trung học công lập chính nằm ở tỉnh lỵ,
ví dụ ở Gia Định có trường Hồ Ngọc Cẩn, ở Định Tường có trường Nguyễn Đình Chiểu,
ở Cần Thơ có trường Phan Thanh Giản, ở Bình Định-Qui Nhơn có trường Cường Đễ…
Các trường này dạy đến hết bậc Trung học Đệ nhị cấp. Ở mỗi quận trong các tỉnh
lớn, có một trường Tiểu học công lập và/hoặc trường Trung học Đệ nhất cấp.
Hệ thống các trường trung học thời Đệ nhất Cộng hòa phát triển nhanh do sự tăng
đột biến gần một triệu người di cư từ bắc vào nam, khiến số học sinh tăng
nhanh. Tại Sài Gòn - Gia Định những năm sau 1954, ngoài mấy trường trung học
công lập cố cựu có từ thời Pháp thuộc như Pétrus Trương Vĩnh Ký, Gia Long …, một
số trường công lập lớn (đến lớp Đệ nhất) được di từ miền bắc vào hoặc chủ yếu
dành cho con em người di cư như Chu Văn An (dành riêng cho nam), Trưng Vương
(dành riêng cho nữ), Hồ Ngọc Cẩn (dành riêng cho nam), Trần Lục (dành cho nam,
đến bậc Trung học Đệ nhất cấp)… Vào thời kỳ này, do các trường công lập không
đáp ứng được hết yêu cầu của khối lượng học sinh tăng cao, một hệ thống trường
tư thục hình thành và phát triển rất nhanh tại Sài Gòn – Gia Định. Có thể kể một
số trường có tiếng tại khu vực quận Nhất và quận Ba (cả mới lẫn cũ) như Tân
Thanh, Tân Thịnh, Vạn Hạnh, Việt Nam Học Đường, Huỳnh Thị Ngà, Huỳnh Khương
Ninh, Vương Gia Cần, Lê Bá Cang, Trường Sơn, Nguyễn Bá Tòng, Bùi Chu, Hưng Đạo
… với một đội ngũ giáo sư tư thục hùng hậu, không ít người xuất thân từ giới
văn chương. ( * )
Bên cạnh những trường dạy thuần túy chương trình Việt do
chính quyền hay tư nhân quản lý, còn một số trường được thành lập từ thời Pháp
thuộc dạy chủ yếu bằng tiếng Pháp, hoạt động song hành với các trường Việt,
tiêu biểu là trường Chasseloup-Laubat, sau đổi thành Jean Jacques Rousseau (nay
là Lê Quý Đôn), dành cho nam sinh (cố quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk
[1922-2012] từng theo học trường này); trường Marie Curie dành cho nữ sinh; trường
Taberd …
Ở bậc Đại học, thời Đệ nhất Cộng hòa, chỉ có hai viện Đại học công lập chính là
Viện Đại học Sài Gòn và Viện Đại học Huế với một quy mô nhỏ hơn. Đại học tư có
Viện Đại học Đà Lạt của giáo hội Công giáo với hoạt động không đáng kể. Viện Đại
học Sài Gòn bao gồm nhiều phân khoa khác nhau: như Đại học Khoa học (Khoa học Đại
học đường), Đại học Kiến trúc, Đại học Luật khoa, Đại học Sư phạm, Đại học Văn
khoa, Đại học Y khoa, Đại học Dược khoa, Đại học Nha khoa.
Ở cấp đại học, ngoài các phân khoa thuộc Viện Đại học Sài Gòn, còn có Học viện
Quốc gia Hành chánh trực thuộc Phủ Tổng thống (đại diện là Bộ trưởng tại Phủ Tổng
thống), chuyên đào tạo các viên chức hành chánh trung cao cấp, và Trung tâm Quốc
gia Kỹ thuật (Phú Thọ) đào tạo các kỹ sư công chánh, điện lực, hàng hải … Viện
Đại học Huế có một quy mô hoạt động nhỏ hơn với 4 phân khoa: Khoa học, Văn
khoa, Luật khoa, và Sư phạm.
Thời đó, các Viện trưởng Đại học và Viện trưởng Học viện Quốc
gia Hành chánh được xếp ngang Thứ trưởng một bộ. Ngoài những trường đào tạo
công chức chính ngạch như Đại học Sư phạm, Học viện Quốc gia Hành chánh, phải
thi tuyển vào và sinh viên được hưởng một khoản học bổng đáng kể hàng tháng, hầu
hết các phân khoa Đại học khác đều theo thể thức ghi danh, các sinh viên không
phải thi tuyển vào, chỉ ghi danh nhập học và không phải đóng một khoản học phí
nào trong suốt các năm học. Một chuyện vui vui xảy ra tại trường Đại học Văn
khoa Sài gòn những năm 1959 – 1963: học sinh ghi danh vào lớp Dự bị quá đông,
không đủ ghế ngồi, nhiều người phải ngồi cả dưới đất. Vì thế, trước giờ phòng học
mở cửa, sinh viên tụ tập đông đảo phía trước, khi cửa mở, mọi người ném sách, tập
tá lả vào trong, sách tập ai nằm trên ghế-bàn nào thì người đó được vào ngồi
nơi đó (ghế ngồi học gắn kèm mặt bàn kéo ra phía trước để viết, rất gọn). Thỏa
thuận bất thành văn này được tôn trọng triệt để, không thấy ai đôi co với ai
bao giờ. Sau khi lấy xong chứng chỉ dự bị, sinh viên chọn các chứng chỉ ưa
thích hoặc phù hợp với năng lực riêng, chuyện chen chúc trong phòng học không
còn nữa…
***
Kỳ 2 - CHUYỆN GIÁO ÁN VÀ SÁCH GIÁO KHOA
* Chương trình giáo dục trung và tiểu học thời Đệ nhất Cộng
hòa do Bộ Giáo dục soạn thảo chung cho tất cả các trường trên toàn quốc. Chương
trình này có tính ổn định lâu dài và chỉ có những thay đổi nhỏ trong quá trình
thực hiện. Thời đó, không có hai từ “giáo án” và cũng thực sự không có việc
giáo viên soạn thảo bài dạy theo một tiêu chuẩn nào, trình cho một giới chức
nào. Người dạy học thời đó dựa vào chương trình chính thức do Bộ Giáo dục soạn
thảo và dạy học sinh theo cách thức riêng của mỗi người, miễn sao trong kết quả
cuối năm, nhiều học sinh đạt điểm cao nhất trong môn họ đã dạy. Nếu có soạn thảo
“giáo án” chăng thì đó chỉ là những ghi chép riêng tư, sắp xếp ý tưởng giảng dạy
để tự nhắc mình cho bài giảng có hiệu quả.
* Ở bậc Tiểu học, sách giáo khoa các lớp Đồng ấu, Dự bị và Sơ
đẳng (lớp Năm, lớp Tư và lớp Ba) được Nha Học chính Đông Pháp soạn thảo thống
nhất cho cả nước từ các thập niên 1920-1930 và được áp dụng tại miền Nam cho đến
nửa sau thập niên 1950. Bộ sách có tên chung là “Việt Nam Tiểu Học Tùng Thư”, gồm
nhiều đề mục khác nhau, sử dụng cho ba lớp sơ học: Đồng ấu, Dự bị và Sơ đẳng, gồm
nhiều chuyên mục khác nhau: Quốc văn Giáo khoa thư; Luân lý Giáo khoa thư; Sử
ký - Địa dư Giáo khoa thư; Cách trí Giáo khoa thư; Vệ sinh Giáo khoa thư; Toán
pháp Giáo khoa thư … Ban soạn thảo các sách giáo khoa này gồm 4 vị có tên tuổi
và uy tín trong học giới: Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ
Thận. Tuy bộ sách có nhiều chuyên mục khác nhau, song được nhắc đến nhiều nhất
là bộ Quốc văn Giáo khoa thư, ấn tượng đầu đời sâu đậm nhất của những người đi
học vào thời kỳ chuyển tiếp giữa nền học cũ với nền học thời Đệ nhất Cộng hòa.
Dù ở lớp nào, các bài học cũng đều mang ý nghĩa nhân văn, đi dần từ những bài dễ
đọc, dễ hiểu ở lớp Đồng ấu và Dự bị đến những bài ở lớp Sơ đẳng, đòi hỏi học
sinh tập suy luận trước những vấn đề được đặt ra, từ những bài ở sách Quốc văn
Giáo khoa thư lớp Dự bị như Khuyến hiếu đễ; Người ta cần phải làm việc; Làng
tôi; Nên giúp đỡ lẫn nhau; Lễ phép với người tàn tật… đến những bài dành cho lớp
Sơ đẳng như Ai ơi chớ vội khoe mình; Lòng kính yêu chị; Chớ nên ham mê cờ bạc;
Không nên báo thù; Không nên khinh những nghề lao lực...
Bên cạnh sách giáo khoa thường được các trường Tiểu học sử dụng, còn có loại
sách “Tập Đọc Vui” được soạn thảo và phát hành song song với sách giáo khoa, gồm
những bài đọc vui, bổ ích về mặt hình thành nhân cách cho trẻ thuộc các lãnh vực:
học đường, gia đình, thân thể, việc học và chơi …Trong tinh thần “Tiên học lễ,
Hậu học văn” áp dụng xuyên suốt trên cả nước, nền giáo dục Tiểu học Đệ nhất Cộng
hòa kế thừa nền giáo dục Hoàng Xuân Hãn năm 1945 và nguồn sách giáo khoa của Việt
Nam Tiểu Học Tùng Thư do bộ tứ Kim-Ngọc-Phúc-Thận biên soạn, coi trọng việc Đức
dục ngang với Trí dục và Thể dục. Ấn tượng mạnh về bộ sách Quốc Văn Giáo Khoa
Thư khiến những thế hệ ra đời từ thập niên 1950 trở về trước luôn nhắc nhở đến
chúng như một hoài niệm về thời thơ ấu, với những bài học đáng nhớ là kim chỉ
nam cho họ trong cách xử sự ở đời. Vào thập niên 1960 trở về sau, dù không còn
là sách giáo khoa cho học trò nữa, song Quốc Văn Giáo Khoa Thư vẫn len lỏi vào
ngóc ngách tâm hồn của nhiều thế hệ, vào cả trong tác phẩm Hương Rừng Cà Mau của
nhà văn Sơn Nam, với truyện ngắn Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư nhắc đến những bài học
không thể nào quên.
Khoảng thập niên 1990, nhà xuất bản trẻ TPHCM có sáng kiến in lại mấy
tập sách giáo khoa này, theo yêu cầu của những độc giả có tuổi muốn tìm lại những
hình ảnh của một thời học hành tuổi nhỏ. Nhiệt tình đó đáng ca ngợi, song đáng
tiếc là sách in lại bằng giấy trắng láng, hình ảnh thiếu sự đậm đà, sắc nét khiến
tác phẩm được phục hồi mất đi khá nhiều giá trị của sự hồi tưởng, hoài niệm một
thời đã qua.
Nửa sau thời Đệ nhất Cộng hòa, khoảng năm 1958, Bộ Quốc gia
Giáo dục định ra các triết lý giáo dục gồm ba yếu tố cơ bản là: Nhân bản, Dân tộc
và Khai phóng, sách giáo khoa cho bậc Tiểu học được soạn mới, song vẫn giữ cốt
cách của Quốc văn Giáo khoa thư và Luân lý Giáo khoa thư.
* Ở bậc Trung học, thời Đệ nhất Cộng hòa, Nha Tổng Giám đốc
Trung Tiểu học
và Bình dân Giáo dục là cơ quan cao nhất thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục chịu trách
nhiệm về việc dạy và học tại miền Nam. Cơ quan này bao gồm một số đơn vị trực
thuộc gồm: Nha Trung học, Nha Tiểu học, Nha Tư thục, Nha Khảo thí và cơ quan
Thanh tra. Tại cấp tỉnh, trong lúc các Ty Tiểu học trực thuộc chính quyền địa
phương theo hệ thống ngang (thuộc Nha Tiểu học theo hệ thống dọc), thì các trường
Trung học chỉ thống thuộc duy nhất Nha Trung học theo hệ thống dọc mà thôi. Ở bậc
học này, Bộ Quốc gia Giáo dục có một quan điểm khá thoáng về mặt sách giáo
khoa. Hầu như không có một bộ sách giáo khoa nào do cơ quan giáo dục chính thống
biên soạn và phát hành để thầy và trò dạy và học theo. Thời đó, dù là giáo sư
tư thục hay công lập, mọi giáo chức có quyền dạy học sinh theo cách thức riêng
của mình, không phải tuân theo một phương pháp giảng dạy nào, miễn sao tôn trọng
đúng nội dung chương trình giáo dục do Bộ Quốc gia Giáo dục soạn thảo, giúp học
sinh đạt được kết quả như ý trong các kỳ thi. Trên thị trường, nhiều sách giáo
khoa (hay sách tham khảo) được bày bán, do các giáo sư tư thục lẫn công lập
biên soạn. Mỗi tác giả có cách biên soạn của riêng mình, sách nào hay hoặc phù
hợp với chương trình dạy và học sẽ được nhiều giáo chức tham khảo trong giảng dạy,
học sinh tìm mua để đọc thêm. Những năm cuối thập niên 1950, đầu thập niên
1960, về quốc văn, loại sách “Luận đề văn chương” của các giáo sư tư thục Nguyễn
Sỹ Tế, Nguyễn Duy Diễn, Nguyễn Văn Mùi … tràn ngập thị trường, được giới dạy
văn và học sinh tham khảo nồng nhiệt. Mỗi sách luận đề khảo về văn chương của một
tác giả cổ điển như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Trần Tế Xương, Nguyễn Khuyến
..., sách khổ nhỏ, không dày, viết cô đọng, được cả thầy và trò ưa chuộng. Bản
thân người viết bài này được làm học trò môn văn năm Đệ tứ (1958—1959) với giáo
sư Nguyễn Duy Diễn, người đã mang lại cho cậu thiếu niên 14-15 tuổi một tình
yêu nồng nàn đối với môn văn học nước nhà. Tiếc rằng thầy mất quá sớm, khoảng
giữa thập niên 1960, khi tuổi đời còn trẻ.
Với môn Văn, ngoài loại sách luận đề văn chương, còn có các
sách quốc văn dành tham khảo của giáo sư Dương Quảng Hàm (1898—1946) (Việt Nam
Văn Học Sử Yếu, Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển), của các giáo sư Hà Như Chi, Phạm
Thế Ngũ, Phan Ngô … Về lịch sử - địa lý có sách của ông bà giáo sư Tăng Xuân
An, giáo sư Nguyễn Văn Mùi…; sách toán của các giáo sư Đinh Qui – Bùi Tấn – Lê
Nguyên Diệm, Bùi Hữu Đột… sách ngoại ngữ, nhất là Anh ngữ, có loạt sách
L’anglais vivant của nhà xuất bản Ziên Hồng được nhượng quyền khai thác từ nhà
Hachette của Pháp … Thông thường, các nhà biên soạn sách giáo khoa đã được thị
trường chấp nhận và tác phẩm của họ được sử dụng rộng rãi trong việc giảng dạy
của các thầy cô và thỏa mãn nhu cầu tham khảo của các em học sinh trung học. Sự
chọn lọc, đào thải của thị trường sách giáo khoa giúp các giáo chức, học sinh
tìm được những sách đứng đắn, có chất lượng để dạy và học.
* Ở bậc Đại học, với chủ trương một nền đại học tự trị, chính quyền Đệ nhất Cộng
Hòa dành cho các viện Đại học Sài Gòn và Huế một quyền hạn rộng rãi trong việc
sắp xếp chương trình giảng dạy, bố trí một đội ngũ giáo sư đại học phù hợp.
Thông thường sách giáo khoa ở bậc học này do chính giáo sư các bộ môn soạn thảo
và giảng dạy, không thông qua những tác giả trung gian khác. Ở trường Đại học
Luật khoa, có thể tham khảo, học tập sách của các giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thạc sĩ
Luật, từng đảm nhận chức vụ Ngoại trưởng trong chính phủ Ngô Đình Diệm; Vũ Quốc
Thúc, Thạc sĩ Kinh tế, Khoa trưởng trường Đại học Luật khoa; Nguyễn Độ, Tiến sĩ
Hành chánh công (1952); Vũ Quốc Thông (Thạc sĩ Luật, từng làm Bộ trưởng Y tế,
Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh trước 1.11.1963); Nguyễn Văn Bông (Thạc
sĩ Công pháp Quốc tế, sau ngày 1.11.1963 được cử làm Viện trưởng Học viện Quốc
gia Hành chánh) …; ở Đại học Văn khoa có sách của các giáo sư Nguyễn Đăng Thục,
dạy chủ yếu môn Triết học Đông phương, Nguyễn Khắc Hoạch, Nguyễn Đình Hòa, Nguyễn
Văn Trung, Bùi Xuân Bào … Ở các phân khoa Khoa học, Y khoa, Dược khoa… bài giảng
và sách học được soạn chủ yếu dựa vào các tài liệu khoa học phổ biến ngoài nước.
Cần nói thêm là hầu hết các giáo sư đại học tại miền Nam thời Đệ nhất Cộng hòa
xuất thân từ các trường đại học Pháp, và theo chế độ giáo dục của nước này, bằng
Thạc sĩ là bằng cấp cao nhất, trên bằng Tiến sĩ một bậc.
Hầu hết sách giáo khoa các bậc học Tiểu học, Trung học và Đại học thời Đệ nhất
Cộng hòa đều theo khuynh hướng phi chính trị hóa, chú trọng chủ yếu đến việc
rèn luyện con người trên các mặt Đức, Trí và Thể dục. Người viết sách giáo khoa
cung ứng cho thị trường không bị một áp lực nào hay phải tuân theo một sự chỉ đạo
nào. Đối tượng chủ yếu mà họ nhắm đến là các giáo chức cần tài liệu để hoàn thiện
sự giảng dạy, đội ngũ học sinh, sinh viên cần tham khảo thêm ngoài các bài giảng
ở trường.
***
KỲ 3 – GIÁO CHỨC THỜI ĐỆ NHẤT CỘNG HÒA
I - ĐÔI NÉT VỀ NGẠCH TRẬT
VÀ CHẾ ĐỘ LƯƠNG BỔNG CỦA CÔNG CHỨC THỜI ĐỆ NHẤT CỘNG HÒA
Trước khi đề cập đến thành phần giáo chức thời Đệ nhất Cộng
hòa, xin trình bày sơ lược về chế độ ngạch trật và lương bổng dành cho các
thành phần công chức nói chung.
A - VẤN ĐỀ NGẠCH TRẬT
Vào những năm 1954-1963 (và cho đến hết thời Đệ nhị Cộng hòa)
tại miền Nam, chế độ lương bổng dành cho các tầng lớp công chức khá ổn định và
hài hòa ở hầu hết các ngành nghề, các lãnh vực khác nhau. Công chức thời ấy có
hai thành phần chính: chính ngạch và ngoại ngạch.
* Công chức chính ngạch - Thường là những người được đào tạo ở
các trường chính quy và được chia làm ba hạng chính:
- Hạng A - Dành cho những người tốt nghiệp Đại học trở lên
- Hạng B – Dành cho những người có trình độ Trung học và chưa tốt nghiệp Đại
học
- Hạng C – Dành cho những người có trình độ Tiểu học
* Công chức ngoại ngạch- Thường được tuyển dụng thông qua các hợp đồng lao động
và gồm các hạng:
- Hạng A -Thường làm việc dưới dạng khế ước (giáo sư đại học,
bác sĩ, luật
sư…)
- Hạng B gồm:
B1 – Dành cho những người có bằng Tú tài 1, Tú tài 2 trở lên
nhưng chưa
tốt nghiệp đại học
B2- Dành cho những người có bằng Trung học Đệ nhất cấp đến Tú
Tài I
B3 – Dành cho những người có trình độ Trung học, nhưng chưa có bằng
Trung học Đệ nhất cấp
- Hạng C – Dành cho những người có bằng Tiểu học hoặc trình độ
Tiểu học
- Hạng D – Dành cho những người làm công việc tay chân, trình độ học
vấn thấp.
Ở hạng chính ngạch, các thành phần công chức hạng A gồm: bác
sĩ, kiến trúc sư, luật sư, thẩm phán tòa án, giáo sư đại học, giáo sư Trung học
Đệ nhị cấp, Đốc sự Hành chánh (tốt nghiệp Học viện Quốc Gia Hành Chánh), Kỹ sư
(các ngành Công chánh, Kiến thiết, Điện, Nông Lâm Súc…)… Ở thành phần ngoại ngạch
hạng A, thường không có chế độ công nhật, chỉ có chế độ khế ước, ký kết giữa
người lao động và cơ quan sử dụng (trường Đại học, bệnh viện công …)
Ở hạng B, thành phần chính ngạch được phân biệt theo các hạng B1, B2 và B3 của
nhân viên ngoại ngạch,
- Tương đương hạng B1 gồm các ngạch Cán sự Y tế, Cán sự Điều
dưỡng, Cán sự Công chánh và Kiến thiết, Giáo sư Trung học Đệ nhất cấp, Giáo học
bổ túc, Kiểm sự Nông chính, Tham sự Hành chánh…
- Tương đương hạng B2 gồm các ngạch Y tá, giáo viên Tiểu học,
Thơ ký Hành
chánh, Huấn sự Nông chính
- Tương đương hạng B3 gồm Thơ ký Đánh máy, Tá sự Nông chính
Ở hạng C, gồm chủ yếu ngạch Tùy phái, Tống thơ văn
Ở hạng D gồm các lao công, không có chính ngạch, thường lao động dưới dạng
“phù động đồng hóa công nhật”, được hưởng lương công nhật.
Ở mỗi hạng công chức, cần phân biệt rõ hai yếu tố “ngạch” và “trật”. Ngạch là
tên gọi chung, ví dụ: Kỹ sư, Đốc sự Hành chánh , Cán sự Y tế …; Trật là những bậc
khác nhau, được sắp xếp từ thấp đến cao trong khuôn khổ một ngạch, ví dụ “kỹ sư
hạng ba, kỹ sư hạng nhì, kỹ sư hạng nhất …” là các trật của ngạch Kỹ sư.
B- VẤN ĐỀ LƯƠNG BỔNG
-Thời Đệ nhất Cộng hòa (và cho đến hết thời Đệ nhị Cộng hòa),
chỉ số lương là yếu tố cơ bản trong lương bổng của người công chức. Chỉ số
lương này nhân với chỉ số đắt đỏ của từng thời kỳ thành lương căn bản. Trong 9
năm đầu (1954-1963), chỉ số lương hầu như không thay đổi ở hầu hết các ngành
nghề, nếu có thay đổi, cũng chỉ là những điều chỉnh tối thiểu. Mỗi ngạch trật
có một thang chỉ số lương từ trật thấp nhất đến trật cao nhất mà người công chức
thời ấy thường gọi là “plafond” (tột trần).
- Công chức hạng A – Chỉ số lương từ thấp nhất 430 đến cao nhất
là 1.160
- Công chức hạng B –
*Tương đương hạng B1 – Chỉ số lương từ 320 đến tối đa 740 –
790
* Tương đương hạng B2 – Chỉ số lương từ 250
* Tương đương hạng B3 – Chỉ số lương từ 220
- Công chức hạng C – Chỉ số lương từ 160.
CÁC LOẠI PHỤ CẤP NGOÀI
LƯƠNG
-Bên cạnh lương căn bản, người công chức thời Đệ nhất Cộng
hòa được hưởng nhiều khoản phụ cấp khác nhau, có thể kể:
- Phụ cấp gia đình – Vào khoảng 800đ/tháng cho vợ và
600đ/tháng cho mỗi đứa con dưới 18 tuổi
- Phụ cấp chức vụ - Dành cho những người giữ chức vụ chỉ huy
tại công sở, ở cấp quận là Quận trưởng, Phó Quận trưởng, ở cấp Tỉnh từ Chủ sự
phòng trở lên, ở Trung ương từ cấp Trưởng ban trở lên. Một ví dụ cụ thể:
* Phụ cấp chức vụ Phó Quận trưởng, Trưởng ty cấp tỉnh: 900đ/tháng
* Phụ cấp chức vụ Chủ sự phòng cấp Tỉnh: 600đ/ tháng
* Phụ cấp chức vụ Trưởng ty cấp Trung ương (Phủ, Bộ, Tồng
Nha, Nha): 1.000đ/tháng
* Phụ cấp chức vụ Chủ sự cấp Trung ương: 800đ/tháng
* Phụ cấp chức vụ Trưởng ban cấp Trung ương: 500đ/tháng
* Phụ cấp nhà ở và điện nước – Dành cho Tỉnh trưởng, Phó Tỉnh
trưởng cấp địa phương, từ cấp Chánh Sự vụ Sở trở lên ở cấp Trung ương.
* Phụ cấp gia nhân – Dành cho cấp Giám đốc Nha có nhiều Sở trở lên ở trung
ương.
* Phụ cấp giao tế phí và kinh lý phí – Dành cho Tỉnh trưởng và Phó Tỉnh trưởng
tại địa phương. Các đương sự chỉ được chi xài cho các khoản giao tế và đi kinh
lý trong phạm vi phụ cấp được qui định
* Phụ cấp nước độc – Dành cho những người làm việc tại các địa
phương có khí hậu khắc nghiệt, dễ ngã bệnh, nhiều nhất là bệnh sốt rét. Ngoài
ra những người này còn được cộng thêm 50% thâm niên công vụ dùng để tính mỗi kỳ
thăng trật.
II- GIÁO CHỨC THỜI ĐỆ
NHẤT CỘNG HÒA
-Những chi tiết ở phần I áp dụng chung cho mọi thành phần
công chức, trong đó có các giáo chức làm việc trong guồng máy giáo dục. Thời Đệ
nhất Cộng hòa, giáo chức chính ngạch gồm các thành phần chính sau:
- Giáo viên Tiểu học – Có bằng Trung học Đệ nhất cấp trở lên,
được đào tạo một năm tại trường Quốc Gia Sư Phạm, chỉ số lương ban đầu 250.
- Giáo học bổ túc – Có bằng Trung học Đệ nhất cấp trở lên, được đào tạo ba năm
tại trường Quốc Gia Sư Phạm, chỉ số lương ban đầu 320 (sau thời Đệ nhất Cộng
hòa tăng lên 350)
Đến năm 1962, điều kiện văn bằng tối thiểu để được đào tạo tại
trường Quốc Gia Sư Phạm là Tú Tài I.
- Giáo sư Trung học Đệ nhất cấp – là những người có bằng Tú
tài II (Tú tài toàn phần), được đào tạo cấp tốc, nhằm giải quyết phần nào tình
trạng khan hiếm giáo chức vào những năm cuối thập niên 1950, so sự gia tăng đột
biến số học sinh xuất phát từ cuộc di cư của gần một triệu đồng bào miền Bắc
vào Nam. Chỉ số lương khởi điểm của thành phần giáo chức này là 400.
- Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp – là những người có bằng Tú
Tài II được đào tạo trong 3 năm, sau lên 4 năm, chỉ số lương từ 430 (sau từ
470)
- Giáo sư Đại học – Là những giáo sư có bằng tiến sĩ và thạc
sĩ (trên tiến sĩ), không qua đào tạo trong nước. Thời Đệ nhất Cộng hòa, hầu hết
các giáo sư này học tại nước ngoài, chủ yếu là ở Pháp. Chỉ số lương của ngạch
giáo sư thực thụ từ 640-690 trở lên. Do không được đào tạo trong nước, mặt khác
theo qui chế tự trị của bậc đại học, việc tham gia giảng dạy của thành phần này
được thực hiện dưới dạng khế ước ký kết với các viện đại học. Dưới cấp giáo sư
đại học là các giảng sư, thường là những người có bằng tiến sĩ, chưa có bằng thạc
sĩ. Bên cạnh hai thành phần giảng dạy đại học chính thức trên, còn có thành phần
giảng viên đại học, là những người không chính thức làm việc cho trường hay
phân khoa đại học mà chỉ giảng dạy theo hợp đồng và có thời hạn nhất định.
Đối với các giáo sư Trung học Đệ nhất cấp, Đệ nhị cấp, Giáo học bổ túc và giáo
viên Tiểu học, trong phần lớn thời kỳ đầu của Đệ nhất Cộng hòa, cả miền Nam có
ba trường đào tạo chính:
- Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn trực thuộc Viện Đại học Sài
Gòn (thành lập năm 1957, trước đó là trường Cao đẳng Sư phạm, chủ yếu đào tạo
giáo sư Trung học Đệ nhất cấp)
- Trường Đại học Sư phạm Huế trực thuộc Viện Đại học Huế
- Trường Quốc gia Sư phạm Sài Gòn, sau là Trường Sư phạm Sài Gòn
Hai trường trên đào tạo giáo sư trung học, nhiều nhất là trung học đệ nhị cấp,
dạy đến lớp Đệ nhất (nay là lớp 12). Trường thứ ba đào tạo giáo học bổ túc và
giáo viên Tiểu học, đáp ứng nhu cầu giáo dục tiểu học của toàn miền Nam, từ vĩ
tuyến 17 trở xuống.
Với thành phần giáo chức tư thục, qui định thời đó dành cho bậc
Tiểu học là phải có ít nhất bằng Tiểu học, dạy bậc Trung học Đệ nhất cấp phải
có tối thiểu bằng Trung học Đệ nhất cấp, dạy bậc Trung học Đệ nhị cấp phải có bằng
Tú Tài II trở lên. Ở bậc Trung học Đệ nhất cấp, những người có bằng Trung học Đệ
nhất cấp thường được phân công dạy các lớp thấp như Đệ thất, Đệ lục (lớp 6, lớp
7), các lớp Đệ ngũ, Đệ tứ (lớp 8, lớp 9) dành cho người có bằng Tú tài. Người
viết bài này từng chứng kiến hiện tượng có trường tư thục vì thiếu giáo sư, đã
tuyển người có khả năng giảng dạy nhưng không có điều kiện về bằng cấp qui định,
đến cuối niên khóa, khi làm sổ Học bạ cho học sinh, phải thay tên người dạy thực
sự bằng tên người khác có đủ điều kiện về văn bằng. Ở bậc Trung học Đệ nhị cấp,
ngoài các giáo chức chuyên nghiệp có tiếng, các trường tư thục còn sử dụng sinh
viên đang học mấy năm cuối cùng bậc Đại học, nhất là sinh viên Đại học Sư phạm
và Đại học Khoa học.
Những năm 1954-1963, số giáo sư Trung học Đệ nhị cấp rất thiếu,
mặt khác, số trường trung học công lập dạy đến hết lớp Đệ nhất không phải tỉnh
nào cũng có, vì thế số sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm được đưa về
các tỉnh lớn để điền khuyết nhân số còn thiếu, ở tỉnh Gia Định có trường Hồ Ngọc
Cẩn, tỉnh Định Tường (Mỹ Tho) có trường Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Phong Dinh (Cần
Thơ) có trường Phan Thanh Giản, tỉnh Khánh Hòa (Nha Trang) có trường Võ Tánh, tỉnh
Bình Định (Qui Nhơn) có trường Cường Để … một số học sinh Đệ nhị cấp ở các tỉnh
nhỏ phải đi qua tỉnh lớn để học. Giáo viên Tiểu học tốt nghiệp trường Quốc gia
Sư phạm được phân bổ xuống tới các trường Tiểu học cấp Quận. Sang nửa sau thập
niên 1960, các trường Tiểu học cấp xã được bồ sung một thành phần giáo chức đặc
biệt là “giáo viên ấp tân sinh”, gánh nặng giáo dục trên vai các giáo viên Tiểu
học công lập mới nhẹ bớt.
Thời Đệ nhất Cộng hòa, các giáo sư đại học là một thành phần
xã hội ở trên cao, cách biệt rất lớn với hàng ngũ giáo chức trung, tiểu học và
sinh viên đại học. Thời đó, số cư dân có xe gắn máy không nhiều, vậy mà hầu hết
các giáo sư đại học đều đi dạy bằng ô tô. Điều đó không khó hiểu, vì khi còn là
sinh viên du học nước ngoài, phần lớn họ đã sinh trưởng trong các gia đình thượng
lưu, họa hoằn lắm mới có người ngoi lên từ giai cấp trung hay hạ lưu. Trong
khuôn khổ ngành Đại học theo chế độ tự trị, các giáo sư đại học lúc bấy giờ
toàn tâm toàn ý cho công cuộc giáo dục, đào tạo thế hệ trí thức tương lai, mà
không hề chịu một sức ép nào, về kinh tế cũng như về chính trị. Trong suốt thời
VNCH, nhiều giáo sư đại học được mời tham gia chính phủ trong cương vị Tổng, Bộ
trưởng, thời Đệ nhất Cộng hòa có: Vũ Quốc Thông (Bộ trưởng Y tế) Vũ Văn Mẫu (Bộ
trưởng Ngoại giao), Nguyễn Quang Trình (Bộ trưởng Giáo dục)…; thời Đệ nhị Cộng
hòa có: Nguyễn Văn Tương (Phủ Đặc ủy Hành chánh, tương đương Bộ trưởng Nội vụ),
Trần Văn Kiện (Ủy viên Tài chánh, tương đương Bộ trưởng Tài chánh), Nguyễn Duy
Xuân (Bộ trưởng Kinh Tế), Vương Văn Bắc (Bộ trưởng Ngoại giao) …. Riêng luật
sư, giáo sư Vương Văn Bắc, với cương vị Ngoại trưởng những năm cuối của nền Đệ
nhị Cộng hòa miền Nam, ông rất thành công qua việc thiết lập bang giao với nhiều
nước châu Phi và là người khởi đầu việc đàm phán khai thác dầu khí với các nước
sản xuất dầu hỏa ở Trung Đông. Ông là tiêu biểu của giới trí thức trẻ đầy năng
lực của miền Nam, tri thức rộng, dạy học hay, làm chính trị nhiều sáng kiến và
thành công. Riêng người viết bài này luôn say mê những giờ Chính trị học của
ông tại giảng đường Học viện Quốc gia Hành chánh những năm 1962-1963, một kỷ niệm
khó quên của thời đi học.
***
Kỳ 4 - VIỆC THI CỬ- TRƯỚC KỲ THI –
Đơn vị
chính trong các kỳ thi trên toàn miền Nam trước 1975 là cấp Tỉnh. Trường trung
học công lập chính thức của tỉnh là nơi trực tiếp thực hiện những thủ tục cần
thiết dưới sự sắp xếp của Nha Khảo thí và các cơ quan liên hệ của Bộ Giáo dục
như Nha Trung học, Nha Tiểu học, đoàn Thanh tra.
Mấy tháng
trước ngày thi, các trường tư thục trong tỉnh phải nộp học bạ của tất cả thí
sinh thuộc trường mình cho trường Trung học công lập tỉnh kiểm nhận, và chỉ khi
nào học bạ được kiểm nhận hợp lệ, học sinh liên hệ mới được cấp số báo danh để
dự kỳ thi sắp tới.
Cũng mấy
tháng trước kỷ thi, các giáo sư công lập đang dạy chính môn nào thì được Nha khảo
thí yêu cầu đề xuất một số đề thi thuộc môn đó (thường từ 3 đến 5 đề thi). Những
đề thi này chỉ có tính tham khảo, nếu có được chọn đi nữa thì xác suất được chọn
cũng rất nhỏ, so với số đề thi đề xuất trên cả nước.
2) TRƯỚC
NGÀY THI
-Việc chọn
đề thi do một tiểu ban của Bộ Giáo dục gồm phần lớn là các Thanh tra trung học
đảm trách. Khoảng một tuần lễ trước ngày thi, bộ phận này bị cấm trại 24/24 tại
trụ sở cho đến ngày thi xong. Không một ai, kể cả Bộ trưởng Giáo dục được phép
tiếp xúc với những người này. Họ có những nhiệm vụ quan trọng sau:
- Thảo luận
kỹ, chọn ra những đề thi cho từng môn thi, căn cứ vào đề xuất của các giáo sư từng
bộ môn đã tập trung về Bộ cách đó mấy tháng.
- Quyết định xong toàn bộ các đề thi, họ đánh máy trên giấy stencil (giấy sáp)
và tự tay quay roneo các đề thi đã chọn xong. Vì trong ngày thi, đề thi được
phát tận tay mỗi thí sinh, nên số đề được quay roneo vô cùng to lớn, nhiều hơn
tổng số thí sinh cho kỳ thi đó. Sau khi công việc khó nhọc này hoàn tất, họ dựa
vào số thí sinh do các tỉnh báo cáo, cho toàn bộ đề thi vào những thùng kín có
hai ống khóa, được niêm phong cẩn thận, chờ đại diện hội đồng thi các tỉnh lên
nhận về.
- Trước khi
kỳ thi diễn ra, mỗi tỉnh có một Hội đồng thi tập trung tại trường trung học
công lập của tỉnh, gồm phần lớn các giáo chức trong tỉnh. Một ngày trước ngày
thi, Hội đồng cử người về Bộ để đưa đề thi về tỉnh, tùy mỗi địa phương mà đi bằng
đường bộ hay đường hàng không. Nếu đi đường bộ, họ được xe cảnh sát hộ tống chặt
chẽ. Trong suốt những năm trước 1975, chưa hề nghe có một scandal vào về việc
tiết lộ đề thi, đủ biết sự bảo mật được thực hiện chặt chẽ như thế nào.
Khi về đến
tỉnh, thùng đựng đề thi được đưa ngay đến trụ sở Tòa hành chánh tỉnh. Viên chức
giữ chức vụ Phó Tỉnh trưởng sẽ thay mặt ông Tỉnh trưởng sở tại, chủ trì một tiểu
ban tiếp nhận và bảo quản đề thi. Họ niêm phong và ký tên trên tất cả giấy niêm
phong, cho hết vào một tủ sắt trong phòng Phó Tỉnh trưởng, niêm phong tủ sắt với
chữ ký của các thành viên trong tiểu ban (đại diện trường trung học công lập tỉnh,
đại diện Ty cảnh sát, tòa án, Hội đồng tỉnh …).
Sáng ngày
thi, chỉ một khoảng thời gian ngắn đủ để mang đề thi đến mỗi trường thi, người
của hội đồng thi và đại diện mỗi trường thi đến Tòa hành chánh tỉnh, phá niêm
phong, nhận đề thi về các trường thi. Khi họ về đến nơi thì chỉ còn một thời
gian tối thiểu để các giám thị phát đề thi đến tận tay thí sinh.
- Thường là
một ngày trước ngày thi, các trường thi có thông lệ viết bằng phấn số báo danh
của thí sinh trên từng bàn học trong phòng thi,. Điều này không quan trọng đối
với thí sinh Tú Tài, song rất cần thiết đối với thí sinh Trung học Đệ nhất cấp
(cấp 2), nhất là thí sinh Tiểu học, giúp họ đến trường thi trước ngày thi, xem
và biết trước sẽ ngồi ở phòng nào trong ngày thi. Trước khi có cách làm này,
nhiều em gần đến giờ thi, chạy cuống quýt, không biết tìm phòng thi ở đâu, nếu
tìm được phòng trễ quá, theo nội qui trường thi, sẽ không được vào phòng thi nữa.
Tác giả bài viết này từng là một cậu học sinh như thế trong kỳ thi Tiểu học năm
1954.
3) TRONG
NGÀY THI –
Trong phòng
thi, thường ban tổ chức bố trí một bàn hai thí sinh ngồi ở hai đầu bàn, mỗi
phòng có hai giám thị là giáo viên (tiểu học) hay giáo sư (trung học), thường
là một nam, một nữ.
Đến giờ
thi, thí sinh được phát riêng cho mỗi người:
- Đề thi in
trên giấy in roneo dày, màu vàng, chữ rất rõ ràng
- Giấy làm
bài thi khổ to, có rọc phách giữa phần khai báo của thí sinh và bài làm.
- Giấy làm
nháp thường có ba màu: xanh lục, vàng nhạt, hường. Thí sinh ngồi chung một bàn
được phát giấy nháp khác màu nhau.
Khoảng 5 đến
10 phút trước khi hết giờ làm bài, các giám thị thông báo cho thí sinh biết để
xem lại bài. An ninh phòng thi rất chặt chẽ, những người không có nhiệm vụ
trong trường thi không được phép đến gần trường thi.
4) SAU NGÀY
THI –
* Việc học
và thi tại miền Nam những năm 1954-1963 (và sau đó) dựa trên những ý niệm căn bản
sau:
- Chỉ có ưu
tiên trong học tập, hoàn toàn không có ưu tiên trong thi cử. Thành phần học
sinh được ưu tiên trong học tập là con của quân nhân, công chức “hi sinh vì nhiệm
vụ” (tử trận, tử nạn trong lúc thi hành nhiệm vụ, chết vì bệnh do công vụ gây
nên…) hoặc của những thường dân hi sinh mạng sống để cứu người… Họ được thu nhận
vào trường Quốc gia Nghĩa tử, được tạo những điều kiện học tập tốt nhất, bù đắp
với sự bất lợi do thiếu cha hay thiếu mẹ so với các học sinh bình thường khác.
Họ được miễn học phí, được cấp học bổng và nhiều phương tiện khác trong học tập.
Với những điều kiện ưu đãi đó, họ phải cố gắng học tập như mọi người và trong kỳ
thi, không được hưởng bất cứ sự ưu đãi nào.
- Tuy nhiên, có một trường hợp duy nhất được cộng điểm. Để khuyến khích học
sinh rèn luyện thể lực, khoảng 2-3 tháng trước kỳ thi, Ty thể dục thể thao tỉnh
tổ chức kỳ thi thể dục cho toàn thể học sinh trong tỉnh. Kỳ thi gồm nhiều môn
phối hợp: chạy xa, nhảy xa, nhảy cao, ném tạ …, ai được từ 11/20 điểm
trở lên thì được cộng số điểm sau khi trừ 10 vào tổng số điểm thi đã nhân với hệ
số. Ví dụ một học sinh đạt điểm thi thể dục 13/20, cậu ta được cộng thêm 3 điểm
vào tổng số điểm thi. Việc cộng thêm điểm này không đáng kể lắm nếu ta biết rằng
tổng số điểm trung bình cần để đậu trong kỳ thi thường vượt quá con số 100, sau
khi đã nhân với hệ số từ 2 đến 4, tùy theo môn thi.
- Những năm
1954-1963, tại miền Nam, bài thi được cho điểm trên cơ sở tối đa 20 điểm. Tùy theo
tính cách quan trọng nhiều hay ít của các môn học và thi, mỗi môn được nhân với
một hệ số khác nhau, ví dụ ở kỳ thi Tú Tài II (Tú Tài toàn phần) ban C, môn Triết
học hệ số 3; Pháp văn sinh ngữ 1 hs 3; Anh văn sinh ngữ 2 hs 2; Sử Địa hs 2.
Như vậy tổng số điểm tối đa các môn thi là 200, số điểm trung bình tối thiểu để
đậu kỳ thi viết là 100/200
- Mỗi kỳ
thi Trung học Đệ I cấp, Tú Tài I và Tú Tài II đều có một kỳ thi viết và một kỳ
vấn đáp. Thí sinh nào đạt điểm trung bình từ 10/20 trở lên được chấm
đậu trong kỳ thi viết. Việc công bố kết quả thi viết diễn ra tại một trường học
có sân rộng, loa được bắc nhiều nơi, một người trong ban tổ chức kỳ thi đọc
trên loa tên và số báo danh của những người đậu kỳ thi viết, theo thứ tự từ nhỏ
đến lớn, cũng là thứ tự mẫu tự của tên. Những thí sinh đậu trong kỳ thi viết mới
được tham dự kỳ thi vấn đáp mở ra sau đó vài ngày.
Những người
không đủ 10/20 điểm để đậu trong kỳ thi viết được chia làm hai hạng:
. Ai có từ
8 đến dưới 10/20 điểm trung bình được thi kỳ 2 mở cách kỳ 1 khoảng 2
tháng. Công việc nấu sử sôi kinh diễn ra ngay sau đó, trong kỳ nghỉ hè.
. Ai dưới 8/20 điểm
trung bình không được dự thi kỳ 2, đợi sang năm sau thi tiếp
- Tùy theo
số điểm trung bình trong kỳ thi, tính cả thi viết lẫn thi vấn đáp, người ta chia
số người đậu theo các hạng sau:
. Hạng Thứ
(passable): Từ 10 đến dưới 12/20 điểm
. Hạng Bình
Thứ (Assez bien): Từ 12 đến dưới 14/20 điểm
. Hạng Bình
(Bien): Từ 14 đến dưới 16/20 điểm
. Hạng Ưu
(Très bien): Từ 16 đến dưới 18/20 điểm
. Hạng Tối
ưu (Excellent): Từ 18 đến 20/20 điểm.
Trong kỳ
thi Tú Tài, thường chỉ có hai ban A (chủ yếu các môn Lý Hóa-Vạn vật) và B (chủ
yếu các mônToán-Lý Hóa) là có thí sinh đậu hạng Bình hay Ưu, vì các bài Toán,
Lý Hóa, Vạn vật chấm điểm theo đúng, sai, ai làm bài đúng hoàn toàn dễ kiềm được
16-18 điểm. Riêng ban C với các môn chính: Triết học, Pháp (dissertation
morale: luận đề luân lý), Anh (dịch), Sử Địa, kiếm được từ 10 đến 12/20 điểm
trung bình đã rất vất vả nên hầu như chưa thấy ai học ban C mà đậu hạng Bình trở
lên.
- Hàng năm,
những kỳ thi tuyển vào các trường đào tạo công chức và có học bổng như Đại học
Sư phạm, Quốc gia Hành chánh, Kỹ thuật Phú Thọ đều được mở ra giữa hai kỳ 1 và
2 của kỳ thi Tú Tài II, ai thi rớt kỳ 1, chờ thi kỳ 2, sẽ không có cơ hội tham
gia các kỳ thi tuyển vào Đại học năm đó.
- Tỉ lệ thi
đậu hàng năm của 3 kỳ thi trung học dao động từ 25% đến 45%, thấp nhất thường
là ở kỳ thi Tú Tài I, chỉ khoảng 30%-35%, cao nhất là kỳ thi Tú Tài II, từ 35%
đến 45%. Điều này dễ hiểu: trình độ học sinh lớp Đệ Nhị (để thi Tú Tài I) không
đồng đều bằng học sinh lớp Đệ Nhất (để thi Tú Tài II) vừa đậu xong Tú Tài I năm
trước.
Mặt khác, số
thí sinh trường tư thường đậu thấp hơn thí sinh trường công, chiếm khoảng 70%
-90% số thí sinh thi đậu của trường công. Lý do: Trình độ học sinh trường tư rất
không đồng đều, phải chờ nhau, nên không tiến nhanh được. Cần nhớ là trong kỳ
thi Tú Tài I, 100% thí sinh trường công đều có bằng Trung học Đệ nhất cấp,
trong khi thí sinh trường tư thi Tú Tài I không cần có bằng THĐIC. Chỉ riêng sự
khác biệt này đủ làm nên sự chênh lệch về tỉ lệ thi đậu ở mỗi loại trường.
- Trong kỳ
thi Tú Tài (và cả THĐNC), có một thành phần “thí sinh tự do” là những người
không có điều kiện học thường xuyên tại trường học. Họ là những quân nhân, công
chức hoặc người thi rớt nhiều năm liền. Quân nhân, công chức thường ghi danh học
các lớp ban đêm và ban mà họ chọn nhiều nhất là ban C. Họ được miễn điều kiện học
bạ, nhưng vẫn phải thi như bất cứ thành phần nào khác, không có chuyện “chuyên
tu” hay “tại chức” như sau 1975.
- Sau khi
có kết quả thi cả viết lẫn vấn đáp, những thí sinh đã đậu chính thức được cấp sớm
một chứng chỉ bằng một tờ giấy A4, có khi chỉ bằng nửa tờ A4. Họ sao y tờ chứng
chỉ này dùng cho mọi việc cần thiết: thi tuyển, ghi danh vào đại học, xin việc
làm …Phải mấy năm sau họ mới được cấp văn bằng chính thức, khổ to, viết chữ đẹp,
giấy cứng, thường chỉ có tác dụng lộng kính treo trong nhà, mọi việc đều nhờ
vào tờ chứng chỉ.
- Hàng năm,
nhiều nước cấp học bổng cho học sinh, sinh viên VN, thường là học bổng toàn phần,
gồm học phí, chi phí ăn, ở trong suốt mấy năm học. Bộ Giáo dục đăng thông báo
trên các báo vài tháng trước khi có kỳ thi tuyển chọn, ai muốn đi du học nộp
đơn và hồ sơ dự tuyển. Đến lúc này, thứ hạng trong kỳ thi Tú Tài mới phát huy
tác dụng, thường những người đậu từ hạng Bình trở lên được du học miễn thi, có
năm phải từ hạng Ưu. Những người đậu hạng Bình Thứ hay Thứ phải dự kỳ thi tuyển,
thường là về môn ngoại ngữ (Anh hay Pháp) liên quan đến nước cấp học bổng. Nhiều
nhân tài miền Nam nên danh từ những học bổng toàn phần này.
- Sau Đệ nhất Cộng hòa (1963), các kỳ thi vấn đáp được bỏ dần, đến giữa thập
niên 1960, bắt đầu thử nghiệm việc thi trắc nghiệm, được gọi vui là “A,B,C
khoanh”. Đến đầu thập niên 1970, việc thi được đẩy mạnh về mặt khoa học kỹ thuật,
tiến dần đến cách chấm thi bằng kỹ thuật xuyên phiếu với sự hướng dẫn và giúp đỡ
của các chuyên viên thuộc hãng IBM. Lúc đó, một ngạch công chức mới ra đời, đó
là ngạch xuyên phiếu viên.
Lê Nguyễn