Những Chặng Đường Tiếng Việt
Sau đây là chuyện tình đã lỡ giữa Nguyễn Thị Huế và tôi:
“Em đi ngã nớ mà anh tìm ngã ni, ngó đã tội nghiệp chưa tề”!
Nàng lủi như cuốc, tôi tìm không ra là đáng kiếp tui, dù cho tui có lui hui lúi húi, lui cui lụi cụi, lui thui lủi thủi đi tìm đã 27 năm rồi.
Mặc may mô rứa, sau khi lờ anh đã hai ngàn năm, em lại email cho anh một phát mà lại không bỏ dấu, vậy mà trúng phóc, phước ba đời nhà anh. Khi gặp nhau lại, thấy em trổ mã, tui mừng hết lớn, trách em sao nỡ không bỏ dấu, tí nữa thì tui đọc không ra... thì em cười trừ.
- Tiếng Việt của mềnh.. dấu mô mà biểu bỏ dấu? (làm tui xệ một cây).
- Bây giờ nói chuyện tâm tình đàng hoàng nghe em. Vậy chớ nguồn gốc em (tiếng Việt), ở mô mà ra?
- Con người thì phải có một chỗ mà chui ra chớ .. thì tiếng
nói của con người cũng phải có một chỗ mà ra.
- Vậy thì từ khi có con người mình, cái tiếng nói của mình phải đi theo mình chớ! Không lẽ nó đi theo trai à?
- Ờ, anh giỏi đa, đã tìm ra được một manh mối rồi đó. Manh mối thứ nhất: con người ở mô, tiếng nói ở nấy. Giao Chỉ hồi xưa là vùng sông Hồng bây giờ.
- Đúng, nhưng ông bà của người Giao Chỉ, họ ở mô?
- Họ gốc ở vùng hạ lưu sông Mã mà tới (xưa là sông mẹ,
sông mạ, có nghĩa là sông lớn) quanh vùng Đông Sơn đó… và họ cũng ở vùng sông Cả, cũng có nghĩa là lớn, của Nghệ An... Họ cũng ở vùng sông Chu cũng có nghĩa là lớn luôn (xem nguồn gốc của chữ sụ trong Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt).
Hãy nhìn vùng này từ vệ tinh và đừng có tin vào những cái đường phân chia giả tạo ranh giới giữa các nước. Chỉ có núi sông biển hồ và đất đai là cái thực tại muôn đời phân chia tiếng nói. (Đai là tiếng Việt gốc Miên đó các bạn ơi! Người Miên nói tức đai thì người Việt nói đất nước, nghĩa bóng cũng như nghĩa đen luôn. Dễ sợ chưa! Tức là nước, đai là đất.)
Từ Đông Sơn Thanh Hoá qua vùng Hoà Bình, Ninh Bình, rồi mới tới vùng sông Hồng, xưa là sông Lô, sông Cái chứ hồng chi mà hồng! Lô và Cái đều có nghĩa là to lớn. Cái vùng đó đã nuôi nấng ông bà củamềnh từ 30 ngàn năm về trước lận, chớ còn ba bốn ngàn năm lịch sử viết lách trên giấy có nhằm nhò chi mô! Hãy xem một cái chậu ở Hoà Bình, có tuổi là 30 ngàn năm, hiện để ở Smithsonian đó. Dễ sợ chưa, đẹp chưa!
- Huế ơi, em năm nay mấy tuổi mà đẹp dữ rứa?
- Anh này kỳ! Galant thì không được hỏi tuổi người ta nghe.
- Rứa thì tui hỏi tới, ông bà của ông bà chúng ta.. của người ở Hòa Bình đó, họ ở mô tới?
- Anh cứ hỏi tới hoài thì tui cũng nói tới luôn, thì họ ở đó và xung quanh đó, rồi đẻ con đẻ cháu ra. Họ còn ở khắp vùng Đông Nam Á mênh mông và họ nói một thứ tiếng chung mà bây giờ chia ra cả thảy là 176 tiếng nói khác nhau.
(Vậy mà một nhánh nhỏ của nó là tiếng Việt nay đã trổ mã ra 90 triệu người, đông thứ 12 trong số các tiếng nói của loài người đó, ngon lành không, và đã lan ra khắp thế giới. Kể từ ngày miền Nam không còn, tiếng Việt đã có tầm vóc quốc tế rồi, có nghĩa là đi đâu khắp thế giới cũng nghe thấy nó).
- Em muốn cho anh hiểu, mà nè, anh có hơi chậm hiểu đó
nghe anh.. rằng ta đừng có bị cái gông cùm ý nghĩ làm cho ta “đụt” đi, không còn suy nghĩ đúng đắn nữa. Ta cứ tưởng rằng người Giao Chỉ thì nói tiếng Giao Chỉ, người Đông Sơn thì nói tiếng Đông Sơn, người Tàu thì nói tiếng Tàu, Pháp thì nói tiếng Pháp (sic). Thật ra, ai cũng biết là người Pháp nói một hình thức của tiếng La Tinh, đâu có nói tiếng Gaulois nữa.
Người Việt mình thì khác hẳn, vẫn còn nói tiếng của ông bà từ mấy ngàn năm nay.
Người Tàu thì nói một thứ tiếng có gốc gác nơi tiếng Tạng, tiếng Mãn Châu, tiếng Mongol xưa và tiếng Hồi, miền Tây của Tân Cương bây giờ. Một điều bí mật đang được bật mí lần lần: tiếng Tàu đã, qua 3, 4 ngàn năm, mượn khá nhiều các tiếng một của các dân tộc ở miền nam sông Dương Tử mà nói mà rồi cứ khăng khăng cho là của họ, không chịu nhìn nhận là đã mượn tạm rồi lờ đi. Cho nên mãi đến bây giờ qua 4 ngàn năm mà vẫn còn 7, 8 thứ tiếng Tàu khác nhau, không hiểu được nhau, phải
viết mới hiểu nhau được, nghĩ có chán không?
- Thôi em ơi, nói chuyện Ba Tàu nghe chán quá, nói lại
chuyện tiếng Giao Chỉ nghe sướng hơn.
- Thì rứa đó, qua mấy ngàn năm, ông bà chúng ta, qua tiếng nói của bà Trưng bà Triệu, xuống đến Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, đời con, đời cháu, đời chắt, đời chiu, đời chít luôn, rồi cho đến nay, 2012, đi rải rác khắp thế giới mà vẫn còn nói tiếng nói của ông bà cha mẹ đó, mà chỉ có thay đổi chút đi thôi.
- Em nói anh nghe “đã” lắm, nhưng mà bằng chứng có nhiều không?
- Một đống bằng cớ nhét đầy họng anh luôn. Nè! Người tiền Việt là người Mường, có phải không? Phải, vậy thì hai bà Trưng là người gì? Nếu không là Giao Chỉ thì cũng là Mường thôi, dù là nhánh Mường nào đi nữa trong số 17 nhánh Mường. Mà anh có biết Mường họ cũng có chữ viết riêng từ đời xửa đời xưa không?
- Thật không, hay em tính chọc quê anh đó?
- Không, em nói thiệt đó. Tuồng chữ xưa của người Mường người Thái ở miền nguồn của ba tỉnh Thanh Nghệ Tĩnh vẫn còn.
- Sao giống như nhền nhện?
- Cũng có hơi giống, vì đó là tuồng chữ xưa của ông bà, ý
nghĩa của hai chữ nôm na là như vậy đó (vernacular, demotic, old writing). Nôm cũng như na đều có nghĩa là xưa, cũ, đã có từ lâu, chứ không phải là “nam”. Người Tàu xưa khi thấy tuồng chữ ấy, không hiểu là gì nhưng khi nhìn thì thấy nó giống như con nòng nọc nên gọi nó là khoa đẩu (khwa-tow là con nòng nọc, tiếng Tàu). Chứ còn nôm không phải là nam mà ra đâu, nhưng các ông Hán Việt đã hiểu lầm từ ngàn năm nay rằng nôm là nam (sic).
Cách viết tuồng chữ này còn tiến bộ hơn lối chữ abc của La Mã nữa vì nó là syllabic, nghĩa là viết sao đọc vậy theo âm tiết trong khi tuồng chữ abc thì vô nghĩa. Khi viết hay đọc ra thì mấy con chữ abc.. bơ vơ một mình, như cái xác không hồn.
Cách viết này bắt chước theo tuồng chữ xưa của Ấn Độ gọi là chữ devanagari (xứ của thần thánh) mà tất cả các dân tộc Đông Nam Á đều bắt chước viết theo (Lào, Thái, Khmer, Myanmar, Burma, Bali, cả Chàm, Giao Chỉ và Mường xưa nữa), rồi sau đó nó mất dần đi vì chỉ một mình Việt xưa của ta bị bọn Tàu vừa đô vừa hộ, cấm dân ta viết chữ khoa đẩu (theo nhận xét của nhà bác học Trương Vĩnh Ký) và ép dạy cho ta chữ của chúng
nó qua một ngàn năm rồi sau đó ta mới đặt ra chữ nôm. Còn chữ Tàu thì chỉ là những hình vẽ phải ép đọc và ép hiểu, mãi đến nay vẫn là một cái gông cùm tư tưởng bằng đá (a millstone around their necks) cho 7, 8 thứ tiếng Tàu không hiểu nhau được của hơn ngàn triệu người Tàu khi nói với nhau.
- Anh chịu thua em rồi đó… hiểu không nổi.
- Không nổi thì cho anh chìm xuồng luôn, người chi mà cái mặt thì khá mà cái má chữ nghĩa thì buồn hiu (tiếng Huế nói vậy đó). Cứ nhìn vô mấy mẫu chữ xưa này thì biết liền, có chi mô nờ.
- Thôi mà em, tội nghiệp anh!
Nàng háy tôi một phát:
- Cho đáng cái bản mặt. Mấy ngàn năm ni chạy theo mấy con xẩm Tàu, may cái áo nôm mà mặc vô cho tui, rồi đi nói tiếng Tây bồi Tây bút, rồi làm bồi cho mấy thằng Nga, Tàu, mấy thằng Cuba đói rách.
- Ê khoan khoan, đừng nói anh nghe. Anh đây vô can, làm ăn và sống theo ông bà lương thiện mà em!
- Thì tui cũng tha thứ cho anh một lần, coi đây nè!
(Mình nghĩ thầm: Coi xong mấy chữ này, muốn túi mắt túi mũi luôn. Thì ra mấy lâu nay mình rớt xuống giếng như một thứ con ếch văn hoá, khung trời hiểu biết nhỏ hơn cái miệng giếng. Thôi đành xưng tội lần nữa, xưng với em cũng “đã” lắm, xưng với ai đâu mà xệ!)
- Thôi đừng có ví von nữa. Lo mà đánh vần lại tiếng Việt đi, kẻo mà chim bay về núi túi rồi, anh không toan liệu mà anh ngồi rứa răng?
- Lạy em cả tơi cả nón Huế, anh sức nghỉn mô còn nữa mà đánh với đá.
- Anh răng túi dạ rứa! Nghe nói anh học sáng lắm mà, đánh đây là đánh cái vần, đánh cái nghĩa, cũng như đánh một sợi dây chuyền hay đánh một cái khăn đóng. Tiếng nói của ông bà mình rất là cao sâu về ý nghĩa. Nếu anh biết được năm ba chữ Pháp chữ Anh thì anh có thể dịch ra là: to spell, to fit together, to match up, to fashion, to assemble, to construct, to shape up, to fabricate, to model, to appariate, to adapt, to form, to mould, to accord, to suit together, to adjust, to harmonize… chứ còn chữ Tàu làm chi có vần mà đánh với đá.
- Thôi thôi, xin em, can em, you tha “me” nghe “you”! Anh biết em zồi, chịu thua em từ lâu zồi. Em là xố zách, em có ní nắm.
- Anh thì cứ nói xà đùa, xà oà xá óa cho qua chuyện. Cái
chuyện nguồn gốc của anh em mình là lôi thôi lắm, chứ không phải như mấy ông Hán Việt nói là tiếng Việt từ tiếng Tàu mà ra, người Việt cũng từ người Tàu mà ra! Rồi khi “đủ điều kiện thuận tiện thì trở thành người Việt luôn, nói tiếng Việt luôn!” (sic)
- Trời đất, ui chao, ai mà ăn nói kỳ cục zậy hả em?
(Nói nhỏ, thấy cái miệng em Huế thương lắm, cứ ưng cắn một hai cái, mà sợ em cắn lại cho hai ba cái, rồi mình chịu hết nổi, sức nghĩn mô nữa mà học chữ khoa đẩu với em, thì mình mất cả chì lẫn chài… nên chịu phép ngồi nín khe như con cá nghe kinh của Chu Mạnh Trinh... mà nghe em giảng bài. Nghe giảng không ngán mà ngán cái vụ em “bắt trả bài” thì ớn vì cô giáo quá dễ thương!)
(Không thấy ghi tên tác giả)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét