Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

Nguyễn Đăng Trúc – Lê Mộng Nguyên, Vọng Về Lời Hẹn Ước Từ Bờ Suối Xưa

Nguyễn Đăng Trúc – Lê Mộng Nguyên, Vọng Về Lời Hẹn Ước Từ Bờ Suối Xưa

Giáo sư Trần-Văn-Cảnh và nhà văn Đỗ Bình ở Paris đề nghị tôi viết vài hàng giới thiệu về nhà văn Lê Mộng Nguyên để đưa vào Tuyển tập Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Paris.
Thực ra viết về Lê Mộng Nguyên, có quá nhiều để viết. Những dòng chữ dưới đây chỉ là những chấm phá về những ngày có duyên được quen biết nhà văn tiền bối nầy.
oOo
Lê Mộng Nguyên.
Lê Mộng Nguyên.
Chưa đến tuổi vào đại học, người thanh niên xứ Huế đầy tài năng Lê Mộng Nguyên đã được dân chúng biết đến qua những ca khúc Xuân Tươi (1945) Vó Ngựa Giang Hồ, Mừng Khánh Đản – Rằm Tháng Tư, Một Chiều Thương Nhớ, Chiều Thu (1948), Vó Ngựa Giang Hồ (1948), Hoàng Hoa Thôn, Nhớ Huế, Bài Thơ Huế, Cô Gái Huế, Đôi Mắt Nhung, Về Chơi Thôn Vỹ, Mỵ Châu Trọng Thủy, Mơ Đà Lạt, Ly Hương (1950)… Xuân Tha Hương,Thu Trên Sông Seine, Thu Sầu, Tôi Sợ Chiều Thu, Chiều Vàng Năm Xưa, Em Có Về Làng Xưa, Giao Mùa, Việt Nam Thắm Tươi, Người Thơ Năm Cũ, Xa Rời Quê Hương… Nhưng hơn hết tình ca Trăng Mờ Bên Suối (13 -11-1949) là bản nhạc đã đi vào Đại Ký Ức thi ca của người dân việt.
Rời Việt-Nam đi du học ở Pháp năm 1950, chàng thanh niên nghệ sĩ nầy từng dự định ghi danh học ngành âm nhạc tại Conservatoire national supérieur de musique ở Paris, phản ảnh ước mơ của không ít người thanh niên Huế lúc bấy giờ, nhưng số phận đã đưa du học sinh nầy đến ghế trường Luật. Xa quê từ dạo ấy cho đến nay trên 65 năm, sáng tác âm nhạc của Lê Mộng Nguyên là tiếng vọng nhớ nước, nhớ non, nhớ nhà như lời của thi sĩ tiền bối đồng hương Sảng Đình Nguyễn Văn Thích có lần đã nhắn nhủ giới trẻ Việt Nam: Lá Thư Cho Mẹ, Sông Seine – Bao giờ Ta Về Nước Nam ? (1951), Xuân Về Nhớ Mãi Quê Hương (1981), Quê Tôi (1991), Kiếp Giang Hồ (1992), và tiếp đó: Tìm Lại Ngày Xưa, Thề Non Nước, Lời Cuối Của Anh, Quốc Hận 30 Năm…
Qua vô số tác phẩm âm nhạc mà danh mục trên chỉ là tượng trưng, có thể nhận ra rằng cảm hứng âm nhạc của Lê Mộng Nguyên trào vọt lên từ nguồn thi ca đến từ bờ bên kia theo lối nói của nhà Phật. Thật ra, nguồn thi ca đó đã được gợi lên một cách cô động nơi lời thơ nầy của chính tác giả trong tuyệt phẩm “Trăng Mờ Bên Suối”: Lời hẹn ước từ bờ Suối Xưa.
Nhưng, Lê Mộng Nguyên được giới thức giả, người trên thế giới cũng như đồng bào, biết đến nhiều, không phải vì các học vị bằng cấp hay chức vụ xã hội:
“Lê Mộng Nguyên đã tốt nghiệp tiến sĩ quốc gia về luật khoa về ban công pháp với luận án “Giai cấp xã hội và phong trào chính trị tại Việt-nam từ 1919 đến 1939” (luận án được Giải Thưởng Luận Án Đại Học Paris 1963), đã từng là giám đốc nghiên cứu và giáo sư công pháp quốc tế tại đại học Paris, luật sư Tòa Thượng Thẩm Paris, chuyên gia về các định chế Pháp và quốc tế, những vấn đề Đông Nam Á và đặc biệt là Việt-nam…, và là thành viên Hàn Lâm Viện Khoa học Pháp Quốc Hải Ngoại…”, mà là vì giá trị của những biên khảo hàn lâm, những kiến thức uyên bác, những nhận định, phê binh về chính trị, về các định chế điều hành sinh hoạt cộng đồng và xã hội, về văn hóa… trong nhiều tác phẩm nghiên cứu được tái bản nhiều lần, tiêu biểu như:
“La Constitution de la Ve République, de Charles De Gaules à François Mitterrand, STH, 4ème édition, 515 pages, Paris 1989; Les systèmes politiques démocratiques contemporains, 4ème édition actualisée, 228 pages, STH Paris 1994, La constitution de 1958, LHermès, Paris 1996, Initiation au droit, LHermès, Paris 1996, Finances publiques, LHermès, Paris 1997, Les systèmes politiques démocratiques, Éditions Ledrappier, Paris 1987… Les agglomérations urbaines dans les Pays du Tiers Monde, Institut de Sociologie, Bruxelles, 1971. (100) Contes philosophiques dAsie, LHarmattan, Paris 2005….”
Ngoài những tác phẩm viết bằng pháp ngữ về luật pháp, xã hội, thi ca, văn hóa, Lê Mộng Nguyên đã viết bằng việt ngữ nhiều bình luận văn chương (đặc biệt là thơ và tiểu thuyết), âm nhạc, về các sáng tác của các tác giả người Việt trong và ngoài nước. Chưa kể đến những biên khảo về chính trị, những nhận định về tình hình Việt Nam được phổ biến trong các tạp chí, tuyển tập phát hành trong cộng đồng Việt Nam Hải Ngoại. Đây không chỉ là những kiến thức uyên bác khách quan, nhưng còn phản ảnh những nỗi thao thúc, những tình tự của người con xa xứ, khao khát muốn sớm thấy tổ quốc Việt Nam sớm được dân chủ và tự do.
oOo
Nhưng bên trên, bên ngoài một Lê Mộng Nguyên tài ba và thành đạt đó, điều đáng cho những người tiếp cận ghi nhớ chính là con người và cung cách «kẻ sĩ» của anh.
Người xa khi nghe đến tên tuổi và sự nghiệp của Lê Mộng Nguyên hẳn sẽ ngạc nhiên khi trực tiếp tiếp cận qua liên lạc thư từ, trò chuyện, tâm sự hay sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật với anh. Có duyên gặp anh rất trễ từ sau năm 2000, nhưng qua cách nói, nơi thái độ niềm nở ân cần, và nhất là với nụ cười và cái nhìn thiết thân của anh, ngay trong lần đầu tiếp xúc tôi giật mình đối diện với một «kẻ sĩ» mà tôi tưởng chỉ có thể hình dung trong ước lệ văn chương. Thái độ khoan thai, cách ăn mặc nghiêm túc nhưng dung dị, lời nói cẩn trọng nhưng hết sức chân thành ấm áp, vẽ ra trước mắt tôi chân dung một nhà nho trong văn hóa truyền thống. Nụ cười dễ dàng và cái nhìn rất hồn nhiên của anh như sao chép hình ảnh một chân nhân của đạo học hoàn đồng. Phải, nơi anh, có vết tích nét thanh cao, bình dị của văn hóa Á Châu, có tác phong lắng nghe, lối tiếp cận tự nhiên, thẩng thắn, tinh thần bình đẳng và sẳn sàng phục vụ của tinh hoa văn hóa Tây Phương. Nói theo kiểu nói của người Pháp, anh là «sinh loại họa hiếm» trong một xã hội thích tôn vinh những con người phô trương, cao ngạo và hời hợt nhất thời.
Có một điểm làm cho người tiếp cận ngạc nhiên nữa đó là sự tha thiết gần như quá mức của anh về những sáng tác thơ văn và âm nhạc, những tiểu thuyết, truyện, tùy bút, hồi ký, luận văn … của người Việt sống kiếp lưu vong. Trong lời nói đầu cuốn sách của anh tựa đề Nhà Văn Hải Ngoại do nxb Nắng Mới, Đức Quốc, xuất bản năm 2006, anh từng thổ lộ:
«Tôi đã viết với quả tim, hơn là theo lý trí, và với nhiều cảm xúc, rung động của tâm hồn, tôi muốn quí độc giả chia xẻ nhũng giây phút hạnh phúc hay nhớ nhung mà thơ văn, nhạc viễn xứ đã đem lại cho tôi.» (trang 7)
Mối thâm tình thân thuộc đối với đồng hương xa quê, nỗi nhớ nhung kỳ lạ đã chi phối chính con người anh, văn phong trong các sáng tác, tất cả như cũng chỉ là những biểu hiện phát xuất từ nguồn suối thi ca mà chúng ta đã ghi nhận qua nhạc của Lê Mộng Nguyên: Lời hẹn ước từ bờ Suối Xưa.
Văn hóa Hy-lạp gọi Suối Xưa (ẩn kín) nơi bản nhạc Trăng Mờ Bên Suối là Đại Ký Ức (ÌíÞìç), là Nguồn hứng của thi ca đến từ bên kia bờ, là nơi mà Lão Tử trong Đạo Đức Kinh gọi là Huyền Môn. Suối Xưa đó chính là tên gọi của Lời sâu kín cư ngụ nơi tâm hồn của mỗi người.
Theo như lối định nghĩa thi ca của Socrate, từ Nguồn Suối Xưa, Lời Người hẹn từ muôn thủa làm tan biến những hiểu biết của trí khôn tính toán so đo, và đồng thời thổi vào «người thi sĩ» một hồn thơ, một linh khí giúp «kẻ ngộ duyên» ấy có thể nói lên chiều kích thần thiêng của nhân tính. Lời Người hẹn đó cũng là «Thi» hay Lời Thơ giúp «kẻ sĩ» nói lên được lời nhân nghĩa như trăn trối của Khổng Tử cho con của Ngài là Bá Ngư. Và cũng do tác động của Nguồn Suối Xưa, Nguồn suối bên bóng trăng mờ, mà trong đại tác phẩm Prométhée bị trói, thi hào Eschyle hứng khởi loan tin về nét cao cả của nhân tính nơi mối tương giao kỳ bí (relation nocturne, mystérieuse) với Đấng Tối Cao hay Thần giấu mặt:
“Iô: Những giấc mơ đêm đêm ghé giường trinh nữ của tôi, và thì thầm bên tai: «Hởi nhi nữ đầy ơn phúc, tại sao phải ở không như thế, khi nàng có thể có được phu quân là Đấng Tối Cao? Nàng có biết Thần Zeus, vì nguồn tình yêu nồng cháy của Ngài, đã say đắm nàng: xin nàng chớ từ chối thần duyên nầy (άì… ìίĩợ)!” (Eschyle, Prométhée bị trói, cc. 645-651).
Chính vì cảm hứng từ Lời hẹn ước từ bờ Suối Xưa mà ca khúc Trăng Mờ Bên Suối đã làm làm sống lại Đại Ký Ức hay Nguồn Suối thần thiêng nơi tâm hồn của người Việt chúng ta. Cảm hứng kỳ lạ, hẳn không phải do tài gì của chàng thanh niên Lê Mộng Nguyên mà phát sinh, nhưng là Duyên thi ca đến với anh. Cảm hứng đó là hồn thơ người Việt lên tiếng nói, một hồn thơ đã đến với Vũ-Quỳnh (trong Lĩnh Nam chích quái, 1492), Nguyễn-Du (trong Kiều, đầu thế kỷ XIX), Tản Đà Nguyễn-Khắc-Hiếu (trong Thề Non Nước,1922) … trước đây. Hồn thơ đó làm rung động người dân Việt, làm nên nét tinh hoa văn hóa Việt, và đủ sức đưa văn hóa đó vào gia sản chung của văn hóa nhân loại.
Thực thế, trong truyện huyền thoại dựng nước Họ Hồng Bàng của cuốn Lĩnh Nam chích quái do Vũ Quỳnh hiệu chính, Âu Cơ là Mẹ muôn người, là Nguồn của người «linh ư vạn vật», khi người nữ nầy là hiện thân của Nổi Nhớ Lạc Long Quân và là người gặp «Người hẹn cùng ta» ấy ở Tương Dạ (Tương Dạ đúng là «Đêm gặp gỡ» hay Tâm sâu kín nối kết Trời Người và mọi người với nhau):
“Bố ở phương nào, nên mau về cứu nhân dân (…) Bố ở phương nào,làm cho mẹ con ta thương nhớ. Long Quân hốt nhiên lại đến, gặp hai mẹ con ở Tương Dạ.”
Lời hẹn ước từ bờ Suối Xưa cũng là lời Đạm Tiên – Người mà thủa xưa ai cũng khao khát mến chuộng, nhưng nay vì «má đào, tài sắc» của thân phận con người «vốn lãng quên mệnh thanh cao của mình», nên đã bị vất bỏ bên lề cuộc sống -. Lời hẹn ước từ bờ Suối Xưa là Lời đến từ bên kia bờ đến với Kiều trong «giấc mộng ban đêm» tiên đoán cơn đau của cuộc chiến Tài-Mệnh, cuộc chiến làm người hướng đến Duyên cứu độ (Giác Duyên) trên sông Tiền Đường.
Lời hẹn ước từ bờ Suối Xưa là Lời Thề Non-Nước lời thề của nhân tính linh thiêng phát sinh từ cội nguồn cao cả đến với con người bị cuốn trôi bởi lo toan thế sự. Non ấy của thi sĩ Tản Đà không phải là Người hẹn cùng ta của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên hay sao?
Nước Non nặng một nhời thề,
Nước đi đi mãi không về cùng Non
Nhớ nhời nguyện nước thề Non
Nước đi chưa lại Non còn đứng không (trích Tản Đà, Thề Non Nước)
.
Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối
Rừng chiều mờ sương ánh trăng mờ chiếu
Một đêm thiết tha rồi đây xa cách
Rồi đây hai ngả biết tới phương nào?
(…)
Một ngày xa nhau xoá bao hình bóng
Trời bày chia ly chi cho lòng héo
Giờ đây cách xa người quên hay nhớ
Ngày xưa còn đó trăng nước mong chờ. (trích Lê-Mộng-Nguyên, Trăng Mờ Bên Suối)
Không thể không thấy rằng các sáng tác của Lê Mộng Nguyên thể hiện lối văn chương và thi ca tiếp liền các trào lưu thời tiền chiến, nhưng nguồn thi hứng và văn phong của tác giả không chìm vào những giấc mộng «ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây» của các tác phẩm tác chịu ảnh hưởng phái lãng mạng Pháp. Con người và văn phong của Lê Mộng Nguyên, đặc biệt trong kiệt phẩm Trăng mờ bên suối có một nét độc đáo vượt lên trên các trào lưu.
Một Âm hưởng, một Lời thơ nào đó lạc bước đi vào văn chương và con người của anh. Phải chăng Âm hưởng và Lời thơ đó tiếp cận được điều mà triết gia Karl Jaspers nói là dư âm tiếng gọi con người thời đại vượt cảnh vực thế sự để suy tư về cõi linh thiêng muôn thủa của tâm hồn mình.
GHI CHÚ:
1. Điều đáng lưu ý là đa số các đạo diễn điện ảnh Việt-Nam vào các thập niên 50, 60,70 là gốc người Huế, trong đó có đạo diễn Lê Mộng Hoàng là anh ruột của Lê Mộng Nguyên.
2. Nhận xét nầy của người viết chỉ là phản ảnh những cảm tưởng của các giáo sư, các nhân sĩ, các sinh viên…, tóm lại là các tham dự viên các khóa Đại Học Hè VNHN (khóa 6 – tháng 07/ 2002 tại Oslo, Na-Uy, khóa 7, tháng 08/2003 tại Violau, Đức), Ngày gặp gỡ các tôn giáo Viễn Đông, tháng 03/2004, tại Centre St. Thomas, Strasbourg, Pháp), Ngày gặp gỡ văn hóa thường niên VNHN (tháng 08/2008, tháng 08/2009 ở Bruxelles) do Trung Tâm Văn Hóa Nguyễn-Trường-Tộ tổ chức.
3. Lão Tử, Đạo Đức Kinh, ch 1.: Huyền chi hựu Huyền, Chúng diệu chi Môn.
4. PLATON, Ion. 534 c-d; 534 e:.Socrate.- Không phải do tài năng nào của mình mà các thi sĩ làm thơ, nhưng là do cảm hứng từ một quyền năng của Thần. Vì nếu dựa vào một tài năng trình bày lưu loát như người ta thường làm được trong các bộ môn nào đó, thì phải chăng thi ca cũng chỉ là một bộ môn nào bất kỳ hay sao! Bởi vậy, Thần đã xóa hết tài năng lý trí con người để dùng họ làm thi sĩ, cho họ nhập Thần và trở nên những tiên tri của Trời. Nhờ thế khi nghe lời thơ của các thi sĩ, thì chúng ta hiểu được rằng không phải do chính tài năng họ mà họ có được những giá trị cao cả, bởi lẽ lúc ấy họ đã bị tước hết tài trí của mình rồi; nhưng chính Thần nói, Thần chuyển lời của Thần đến với chúng ta qua trung gian các thi sĩ!
5. Luận Ngữ, XVI-13: Bất học Thi, vô dĩ ngôn – Không học Thơ, không có lời để nói.
6. Vũ Quỳnh, Lĩnh Nam Chích Quái, bản dịch Lê Hữu Mục, Huế, 1960, tr. 43-44.
7. Khi mô tả sứ điệp văn hóa của các thánh nhân, Karl Jaspers viết: Vĩ nhân không chỉ là người nắm bắt thời đại bằng tư duy của mình, mà còn giúp con ngời nơi cõi nầy đụng chạm đến vô tận. Vì thế tự căn nét siêu việt trong tác phẩm và nơi cuộc sống người ấy cống hiến một tấm gương soi dẫn mọi thời đại, mỗi một người trong toàn thể nhân loại. (Les grands philosophes, tome 1, trad. C. Floquet et autres, Plon, Paris, 1989, tr. 36)
Tùy Bút của Gs Nguyễn Đăng Trúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét