TRẦN KHÁNH DƯ -
Kẻ bán than trở thành danh tướng (? - 1339)
Kẻ bán than trở thành danh tướng (? - 1339)
Ảnh Trần Khánh Dư |
Thái tử Hoảng (sau này là vua Trần Thánh Tông) được phong làm Đông cung thái tử, đi kinh lí lộ Hải Đông. Khi đến bến Bình Than, thấy cảnh sông nước mênh mông, núi giăng thành lũy, Thái tử bèn ra lệnh dừng thuyền để thưởng thức vẻ đẹp của tạo hoá, đã dành cho đất nước này.
Buổi trưa, Thái tử nghỉ lại trên thuyền đỗ giữa sông. Chợt ngài thấy không biết cơ man nào là người, mặt mũi gớm guốc, kéo đến nhấn chìm chiếc thuyền ngự. Trong lúc bối rối, chưa biết xử trí ra sao, thì từ xa có một chàng trai, râu hùm, hàm én, đã xông đến đánh bọn người lạ, rồi ghé vai nâng bổng chiếc thuyền lên. Giật mình tỉnh dậy, Thái tử mới biết đó là giấc mơ. Có điều kì lạ là hình ảnh con người cứu mình trong giấc mơ cứ lởn vởn trước mắt ngài.
Một hôm, Thái tử cùng đoàn tùy tùng bỏ thuyền lên bộ. Khi đi đến một làng nọ, Thái tử thấy lũ trẻ vừa hát vừa vỗ tay làm nhịp bài ca có lời như sau :
Một gánh giang san quẩy xuống ngàn
Hỏi rằng chi đó gửi rằng thanBán buôn miễn được đồng tiền hoẻn
Danh lợi nài bao gốc củi tàn
Ở với lửa hương cho vẹn kiếp,
Hỏi rằng chi đó gửi rằng thanBán buôn miễn được đồng tiền hoẻn
Danh lợi nài bao gốc củi tàn
Ở với lửa hương cho vẹn kiếp,
Thử xem vàng đá có bền gan
Nghĩ mình lem luốc toan nghề khác
Nhưng sợ trời Nam lắm kẻ hàn
Nhưng sợ trời Nam lắm kẻ hàn
(Nam Thi hợp tuyển)
Chờ cho lũ trẻ hát xong, Thái tử lại gần nhẹ nhàng hỏi :
- Ai dạy các cháu bài hát đó ?
Lũ trẻ đồng thanh :
- Không ai dạy cả. Nhớ mà hát cho vui đó thôi !
Các cháu có biết ai làm bài đó không ?
- Người trong làng.
Trả lời xong, lũ trẻ lại thản nhiên hát vui vẻ.
Thái tử nói với người hầu cận đứng bên :
- Lời hát khẩu khí lắm ? Người sáng tác chẳng phải là thường.
Vào trong làng, Thái tử gặp một người gánh than đi ra. Ngài giật mình vì người này tuy than bụi lem luốc, nhưng có nét hao hao giống người trong mộng. Bất giác Thái tử hỏi :
- Tôi vừa nghe lũ trẻ đầu làng hát bài này - Thái tử đọc luôn mấy câu đầu còn nhớ - chẳng hay người có biết ai làm không ?
Chàng trai nhìn thẳng vào Thái tử ít phút, rồi mới đáp :
- Tôi làm ra đấy !
Thế là Thái tử dừng lại bắt chuyện với người bán than. Tuy mới gặp nhau lần đầu, lại khác nhau về địa vị xã hội, nhưng hai người trò chuyện với nhau hết sức thân mật, cởi mở. Qua đó, Thái tử được biết chàng bán than họ Trần, tên là Khánh Dư, cha mất sớm, được một người là Trần Phó Duyệt đem về nuôi dạy. Tuy sống trong gia đình thế phiệt, song Khánh Dư vẫn ngày ngày lên rừng đốt than rất lam lũ. Thái tử biết rõ hoàn cảnh, thương cảm, bèn đem Khánh Dư về kinh.
Từ ngày về triều, Khánh Dư được luyện tập võ nghệ. Kịp khi quân Mông Cổ sang xâm lược nước ta lần thứ nhất, Khánh Dư đã cầm quân tổ chức phục kích đánh bại chúng. Sau đó, ông lại dẹp tan quân "man" làm loạn, nên được Thượng Hoàng lập làm con nuôi và phong chức Phiêu kị đại tướng quân. Đến khi Khánh Dư bị một tội nặng trong sinh hoạt, nhà vua nghĩ đến công lao của ông, nên miễn cho tội chết, chỉ truất hết chức tước, rồi đuổi về quê cũ làm ăn.
Tuy số tài sản của người bố nuôi để lại không bị sung công nhưng Khánh Dư vẫn thích quay lại nghề xưa, cùng với người trong làng lên rừng đốn củi đốt than đem ra chợ bán.
Sau cuộc xâm lăng đất nước Đại Việt lần thứ nhất thất bại, Hốt Tất Liệt, tên vua tàn bạo của đế chế Mông - Nguyên, lại chuẩn bị lực lượng tiến hành cuộc xâm lăng lần thứ 2. Lần này, chúng huy động số quân rất đông, với những tên tướng sừng sỏ như Toa Đô, Lý Hằng, Trịnh Bằng Phi, Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ.., dưới quyền chỉ huy của Thái tử Thoát Hoan.
Biết trước âm mưu của kẻ địch, vương triều Trần cũng đã tích cực chuẩn bị để đối phó. Cuối tháng 10 năm Nhâm Ngọ (tháng 12-1282), vua Trần Nhân Tông đã tổ chức một cuộc họp ở bến Bình Than gồm các vương hầu, tướng lĩnh để bàn cách chống giặc.
Trong thời gian nghỉ ngơi, đứng trên lâu thuyền ngắm cảnh sông nước, bỗng nhà vua thấy một chiếc thuyền lớn chở đầy than, gỗ. Trên thuyền có một người chèo, đội nón lá, mặc áo ngắn, trông dáng đứng hiên ngang. Nhà vua chỉ bảo quan thị thần rằng :
- Người kia có phải là Trần Khánh Dư không ?
Quan thị thần nhìn theo, rồi tâu :
- Muôn tâu bệ hạ, kẻ hạ thần không được tường ạ !
Lập lức nhà vua sai người chèo thuyền nhỏ đuổi theo. Thuyền đuổi đến bến Đại Than thì kịp. Quân trên thuyền kêu to lên rằng :
- Ông lái kia, nhà vua cho đòi !
Người bán than trả lời :
- Tôi chỉ là kẻ buôn bán, có việc gì mà gọi đến ?
Quân về tâu trình lại sự thực. Vua nói :
- Đúng là Khánh Dư rồi. Nếu là người thường tất không dám nói thế !
Rồi nhà vua lại sai nội thị đi gọi một lần nữa. Lần này Khánh Dư đến, người mặc áo cộc, đầu đội nón lá, dáng rất lam lũ. Vua trông thấy thế thốt lên :
- Nam nhi cực khổ đến thế là cùng.
Khánh Dư chỉ im lặng quỳ, không hé nửa lời. Vua bèn xuống chiếu tha tội, ban cho mũ áo, phục hồi chức tước và cho cùng dự họp. Khánh Dư được xếp ngồi sau các vương hầu, trên các công hầu tướng lĩnh. Trong cuộc hội nghị, ông trình bầy nhiều ý kiến hợp ý vua, nên được phong làm Phó tướng, phụ trách thủy quân. Từ ngày được triều đình sử dụng, Trần Khánh Dư đã tỏ ra một vị tướng có tài thao lược.ông luôn biết phát hiện chỗ kẻ thù sơ hở để tiến công. Lúc thì dùng thuyền nhẹ để tập kích, lúc phục binh đánh bất ngờ, khiến cho kẻ địch không biết đường nào mà tránh. Chính cách đánh linh hoạt ấy, đã góp phần phá tan được âm mưu thâm hiểm của địch, định "cất vó" quân chủ lực của ta.
Sau cuộc kháng chiến lần thứ hai thắng lợi, Trần Khánh Dư được phong tước Vương. Đến khi quân Mông - Nguyên sang xâm lược lần thứ 3, ông được giao trọng trách phòng thủ mặt biển và lộ Hải Đông (vùng Quảng Ninh)
Vua Trần và Hưng Đạo Vương đã gọi ông đến bảo rằng :
- Cuộc chiến lần này cũng giống như lần trước về mặt quy mô và tính chất khốc liệt của nó, nhưng khác về mặt bố trí lực lượng. Cánh quân chính của địch, gồm trên 3 vạn tên, do Trấn Nam Vương Thoát Hoan chỉ huy, cùng toàn bộ bọn đầu não của chúng, vẫn theo hướng Lạng Sơn tiến vào. Còn cánh quân từ Vân Nam, đi đường Lào Cai, do tên Tả thừa Arúc chỉ huy có hơn một vạn. Riêng quân thủy của chúng có trên 2 vạn, 400 thuyền chiến và 100 chiếc thuyền chở hơn 10 vạn hộc lương. Như thế rút kinh nghiệm các lần trước, lần này địch chú ý quân thủy và chuẩn bị lương thực chu đáo, nhằm đánh lâu dài. Vì thế, nếu đánh bại được quân thủy của địch, thì vừa triệt được mũi nhọn lợi hại, vừa triệt được cả quân lương của chúng, nên có khả năng nắm chắc phần thắng trong tay. Ngược lại, nếu không thực hiện được kế hoạch trên, thì việc thắng bại khó có thể lường hết ! Bởi thế, trách nhiệm được giao lần này rất quan trọng và khá nặng nề.
Trần Khánh Dư nhận nhiệm vụ nhưng rất lo lắng. Song ông cũng cảm thấy sung sướng, tự hào vì vua và Tiết chế Trần Hưng Đạo đã tin ông.
Vừa về đến bản doanh, Khánh Dư đã phái ngay thám tử đi dò tin tức địch. Sau khi được biết ngày 4 tháng 12 (1287), Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp tách khỏi đoàn quân Thoát Hoan, để đi Khâm Châu, chúng đem theo 1 vạn tám ngàn quân và trên 400 chiếc thuyền chiến, chỉ để lại trên ngàn quân, để hộ tống đoàn thuyền lương đi sau do Trương Văn Hổ chỉ huy. Nắm được tình hình đó, Trần Khánh Dư giao cho Nhân Đức hầu Trần Da, đem một số quăn đến phục kích ở Băng Sơn, chờ giặc đi qua sẽ kéo ra đánh tập hậu. Còn mặt chính diện do Trần Khánh Dư đảm nhiệm.
Ngày 17 tháng 12 (1287), chiến thuyền của Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp qua cửa biển Vạn Ninh (Móng Cái). Bọn giặc phát hiện có quân mai phục, lập tức đang đêm cho quân bủa vây. Mờ sáng, quân chúng cả 4 mặt đồng loạt tấn công. Quân mai phục của ta thất bại, binh sĩ và thuyền bè bị thiệt hại khá nhiều. Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chủ quan, cứ thẳng tiến, không chú ý đến thuyền lương đi sau.
Nhận được tin tuyến phòng ngự vùng biển phía Bắc thất thủ, vua Trần cho người đến bắt chủ tướng Trần Khánh Dư về triều hỏi tội. Khi nghe sứ giả triều đình đọc lệnh chỉ xong, Khánh Dư nói với sứ rằng:
- Lấy quân luật mà xử, tôi xin chịu tội. Nhưng xin ngài về tâu với Thượng hoàng quan gia và Quốc công Tiết chế cho tôi vài ba ngày nữa để lập công, rồi sẽ về chịu tội cũng chưa muộn.
Sứ giả nhận lời trở về triều tâu vua. Nhà vua cho là phải.
Trần Khánh Dư liền thu nhặt số quân còn lại, giao cho Nhân Đức hầu Trần Da một phần ba số quân, chốt giữ ở cửa sông Lục Đầu, đón đánh quân tiếp viện của địch. Còn bao nhiêu quân, ông bố trí một trận địa phục kích lớn ở Vân Đồn (Hạ Long).
Quả như dự đoán của Trần Khánh Dư, ngày 2 tháng 2, năm 1287, đoàn thuyền lương trên trăm chiếc, do Trương Văn Hổ chỉ huy chậm chạp tiến vào vịnh Hạ Long. Khi toàn bộ thuyền địch lọt vào trận địa mai phục, Khánh Dư ra lệnh cho quân ta đồng loạt tấn công, với quyết tâm một mất một còn. Quân địch cố sức chống cự. Đến cửa Lục (Hòn Gai), quân ta vây đánh hết sức ác liệt. Trương Văn Hổ đại bại, đổ cả thóc gạo xuống biển, một mình một thuyền trốn chạy tháo thân. Bên ta hoàn toàn chiến thắng, bắt được quân lương, khí giới của địch nhiều vô kể.
Vua Trần nghe tin, xuống chiếu tha tội cho Trần Khánh Dư. Chiến thắng Vân Đồn có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc chiến toàn cục. Quân địch vào sâu trong lãnh thổ ta, lâm vào tình trạng thiếu lương thực. Chờ không thấy đoàn thuyền lương đến, Thoát Hoan bèn bắt Ô Mã Nhi đi đón, nhưng mấy lần đều không gặp. Địch phải cho quân vào các làng xóm cướp phá, kiếm cái ăn, bị nhân dân ta đánh tỉa, gây cho bọn chúng nhiều tổn thất.
Giữa lúc kẻ địch thiếu lương ăn, vua Trần cho thả số tù binh bắt được trong trận Vân Đồn trở về, để chúng loan tin. Quân địch sau khi biết toàn bộ số lương thực phục vụ cuộc xâm lăng của chúng, đã bị ta lấy sạch, hoang mang cực độ. Tinh thần chiến đấu của bọn chúng sa sút nghiêm trọng, khiến tên tổng chỉ huy Thoát Hoan gần như phát điên. Hắn ra lệnh chém hết bọn tù binh được ta thả về, rồi cho quân rút khỏi Thăng Long. Sau đấy, chúng chịu đại bại trong trận Bạch Đằng lịch sử và chôn vùi luôn mộng xâm lược Việt Nam của mấy đời vua thuộc đế chế Mông - Nguyên.
Trần Khánh Dư là một tướng lĩnh mưu trí, dũng lược và tài năng của nước ta. Trong cả ba lần kháng chiến chống Mông - Nguyên, ông đều lập được những chiến công quan trọng. Trần Khánh Dư là người đã viết lời đề tựa cho cuốn sách : "Vạn Kiếp tông bí truyền thư" của Hưng Đạo Vương. Mở đầu ông viết :
"..Phàm những người khéo cầm quân, thì không cần bày trận. Khéo bày trận, thì không cần giao chiến. Khéo giao chiến, thì không thể thất bại. Khéo thất bại, thì không thương vong...".
Qua đó phần nào cũng giúp chúng ta biết được kinh nghiệm chỉ huy thắng lợi, đòi hỏi người làm tướng phải có tài mưu lược, mà Phó đô tướng Trần Khánh Dư đã tóm lược trong một chữ "Khéo" ! Ông là người không trong hoàng tộc, nhưng vì lập chiến công lớn, có mưu sách đánh giặc hay, được vua Trần cho làm con nuôi và phong chức Phiêu kị tướng quân, là chức quan nếu không phải hoàng tử thì không được phong. Ông cũng được tước vương như các tôn thất nhà Trần, nên sách sử vẫn thường gọi hiệu ông là Nhân Huệ Vương...
Hơn ba chục năm sau ngày đại thắng giặc Mông - Nguyên, ông được triều đình giao tiếp nhiều trọng trách như đánh dẹp giặc Chiêm Thành quấy phá biên giới phía Nam, tiếp sứ Nguyên, vào Nghệ An-vùng đất trước kia ông trị nhậm công cán .... Đến năm Quý Hợi (1323), khi tuổi đã trên dưới 70, Nhân Huệ Vương xin về trí sĩ, tại vùng ấp ông được phong, thuộc xã Dương Hòa, lộ Lý Nhân, trấn Sơn Nam (Hà Nam). Một lần, ông đi chơi đến Tam Điệp, Trường Yên (Ninh Bình), qua vùng đất thấy đồng cỏ bát ngát, sông nước hữu tình, ông bèn sai gia nhân đến khai khẩn, lập thành làng mới. Dần dần, người kéo đến làm ăn ngày càng đông. Ông đặt tên là trại An Trung. Sau đó, dân các vùng khác tiếp tục đến, lập thêm trại Đông Khê và trại Tịnh Nhi, thuộc hai xã Yên Nhân và Yên Đồng, huyện ý Yên (Nam Định).
Ông ở lại những nơi mới khai phá này 10 năm. Khi tuổi ngoài 80, ông trở về ấp Dưỡng Hòa cũ và giao lại các trại mới lập cho hai gia tướng họ Bùi và họ Nguyễn coi sóc.
Trong buổi đầu khai hoang lập ấp, ông đã bỏ tiền nhà ra giúp vốn cho dân, ông còn hướng dẫn dân trại Tịnh Nhi trồng cây cói và làm nghề dệt cói.
Khi ông mất, nhân dân vô cùng thương tiếc, đã lập đền thờ ở trại An Trung, trên nền nhà xưa ông đã ở, để ghi tạc công đức của ông. Trong đền có bức đại tự (chữ to) : "Ân hà tư nguyên" (Uống nước nhớ nguồn) và đôi câu đối :
Nhân Huệ Vương tân sáng giang biên, thố địa ốc nhiều kim thượng tại
Bùi, Nguyễn tộc cựu mô kế chí, gia cư trù mật cổ do lưu.
Bùi, Nguyễn tộc cựu mô kế chí, gia cư trù mật cổ do lưu.
Tạm dịch :
Nhân Huệ Vương mở mới bến sông, đồng ruộng tốt tươi nay vẫn đó
Họ Bùi Nguyễn theo nền nối chí, cửa nhà đông đúc trước còn đây.
Họ Bùi Nguyễn theo nền nối chí, cửa nhà đông đúc trước còn đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét