Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016

Người Sài Gòn mỉm cười và im lặng/ Mộ cụ Nguyễn Háo Vĩnh/ Nam Giang st

Người Sài Gòn mỉm cười và im lặng
Chủ Nhật,  1/5/2016, 07:50 (GMT+7)
Trần Bảo Định
(TBKTSG) - 1. Tôi có người anh em ở Thủ Thiêm, nhà sát mé rạch Cá Trê đổ ra sông Sài Gòn. Mỗi lần đến thăm người anh em, tôi đi qua khu đất xưa kia có ngôi mộ xây hình lục giác, dạng tháp tại đàn “Trước Tiết Tàng Thơ” theo phái đạo Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh (nay là Phường An Khánh, quận 2). Thiệt là thắc mắc chẳng biết hỏi cùng ai?
Thời may, người anh em còn ông nội, ngót nghét 100 tuổi, tuy mình mẩy yếu, đi đứng khó khăn nhưng được cái bộ nhớ tuyệt vời. Ông nội, kể:
- Qua cũng chỉ nghe tía qua nói lại, nấm mồ đó là của cụ Nguyễn Háo Vĩnh, người đầu tiên được Hội Minh Tân thuộc Phong trào Đông Du Nam Kỳ chọn, đưa sang Nhật học tập. Nhật bắt tay Pháp, du học sinh Việt “tan đàn xẻ nghé”. Cụ trở về quê nhà đầy tâm trạng của kẻ mất nước, ngay trên đất nước của mình! Trước 1945 vài năm gì đó, tụi Pháp phá sạch, đốt sạch đàn “Trước Tiết Tàng Thơ” và mộ phần của cụ.
Chuyện cũ hấp dẫn, tôi chộn rộn muốn biết ngọn ngành, ông nội hưỡn đãi nói:
- Vượt rào cản thực dân Pháp, cụ lập nhà in Xưa Nay tại nhà số 62-64 Boulevard Bonard (Lê Lợi). Cụ có công lớn góp phần chấn chỉnh việc xuất bản ở Nam Kỳ. Và cụ, cũng là người phê phán Phạm Quỳnh dùng “chữ Nho quá nhiều trong văn chương quốc ngữ”.
Như nhớ ra một điều gì đó, ông cười:
- Cụ mần chủ hai tờ báo Hoàn Cầu Tân Văn và Nam Kỳ kinh tế báo (*) ký bút danh là Hốt Tất Liệt. Cụ cực đoan trong vấn đề bảo vệ “văn hóa dân tộc”, lên án gay gắt “Hà Hương Phong Nguyệt” của Lê Hoằng Mưu là dâm thơ. Và, cụ bằng tất cả tâm huyết của mình đã hô hào việc khuếch trương phát triển thương mại và công nghệ tự chủ trong nền kinh tế Nam Kỳ thuộc địa. Trước cụ, chưa ai nghĩ và hành động như cụ.
2. Thủ Thiêm bây giờ đương chuyển dạ để ngày mai, sinh nở một đô thị huy hoàng, tráng lệ! Mấy ai còn nhắc nhớ mà thương cảm và sẻ chia?
Người Sài Gòn nguyên chất, không có sự vô ơn vô nghĩa. Họ luôn nhớ những gì chẳng thể quên. Họ luôn nghĩ đến thằng Hai, con Ba... trượng nghĩa khinh tài! Họ thừa biết cụ Nguyễn Háo Vĩnh và sức mấy không biết cụ, từng bị thực dân Pháp kết án tử hình vì, dám mần quốc sự!
Họ biết nhưng, không thèm nói lời “đầu môi chót lưỡi”. Khi nói, họ có cách nói mộc nhưng không mạc, nôm mà chẳng na chút nào! Họ mần trước khi ăn chớ, không ăn trước khi mần. Họ tin người nên, chẳng thèm chơi cái kiểu “tiền trao” rồi, mới “múc cháo”. Họ mê mần ăn hơn mê mần chính trị. Nói “chính chị”, họ kèm “chính em”.
Có lẽ, cụ Nguyễn Háo Vĩnh thuộc lớp người như vậy?
Không đâu xa, lúc “trà dư tửu hậu” người Sài Gòn thường nhắc “10 năm đoạn trường bao cấp, ngăn sông cấm chợ” và “5 năm đổi mới tư duy” để sau đó, lớp người Sài Gòn chính hiệu cầm bút từng mần báo, hợp sức và hết lòng vì “một nền kinh tế phát triển, bền vững”cho Sài Gòn.
Nói cho hết ý, người Sài Gòn cần “miếng” hơn cần “tiếng”. “Tay làm hàm nhai”, hàm không nhai có nghĩa tay ngưng làm, quyết không đi cướp giựt của ai. Trời cho họ hai bàn tay, hai lỗ tai, chỉ có một cái miệng nên, họ mần nhiều, nghe nhiều và nói ít. Họ mần cật lực không vì cái danh xưng “Hòn Ngọc Viễn Đông” mà vì sự trường tồn nòi giống vì cảm thấy bị sỉ nhục khi kinh tế nước nhà thua kém các nước xung quanh.
Dù thuận hay nghịch cảnh, người Sài Gòn vẫn mỉm cười trong sự bao dung và thổn thức bởi tình yêu người, yêu xứ sở!
(*) Nguyễn Háo Vĩnh (1893-1941) Nam Kỳ kinh tế báo, ra đời tháng 11-1923, đình bản ngày 21-2-1924. Đây là tờ báo kinh tế thứ 2 sau tờ Nông Cổ Mín Đàm do Paul Canavaggio chủ trương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét