Mời quý bạn xem một bài thơ tiếng Pháp:
EN VAIN
Tout s 'échappe.
Tout s' envole
Il ne reste que moi seule.
Vieillie, triste, évanouie
Le temps passe.
Tout lasse
Tout s ' efface . . .
Le passé lointain
Et le triste demain
N ' aura rien
Ne retiendra rien
L ' avenir viendra
Que sera . . . sera . . .
Nguyễn Ngọc Mai
Càmau 1967
*****
HƯ KHÔNG
Bài dịch từ "En vain"
Tất cả thoát bay
Còn lại riêng ai
Già nua, buồn thảm, tàn lụn.
Thời gian qua
Mọi sự lơi xa
Tất cả phai mờ
Dĩ vãng xa lơ.
Tương lai ảm đạm
Có gì?
Còn lại gì?!
Ngày mai đến . . .
Ra sao thì ra . . .
Ngọc Mai dịch
Càmau 1967
***
ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ:
Hồn thơ trong đời thường.
Dưới đây là phần tự thuật của tác giả Nguyễn Ngọc Mai:
Nhân ngày sanh ông nội các cháu, gợi cho bản thân tôi ý nghĩ: Ghi lại những thăng trầm của cuộc đời từ lúc sanh ra, lớn lên lập gia đình cho tới ngày nay.
Tính theo khai sanh, tôi được biết mình sinh ngày 15/05/1928 thuộc quê Châu Điền, xã Long Điền, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Những kỷ niệm lờ mờ, rời rạc, còn đọng lại trong ký ức trẻ thơ của tôi cho đến giờ.
Lúc lên ba tôi sống tại nhà bà vú nuôi, một người họ hàng xa bên nội.
Lúc lên năm, ba tôi (ông Nguyễn Ngọc Ngoạn) mà tôi thường gọi theo các anh con bác bằng “chú” đã qua đời vì bịnh già. Lúc ấy tôi nhớ lờ mờ là ba được 60 tuổi thì phải. Khi ấy tôi sống trong gia đình với các anh chị gồm có: chị hai, anh tư, và chị sáu, còn chị bảy và chị tám thì Mẹ gởi về ở với họ Ngoại, thỉnh thoảng có về nhà thăm, chị chín thì đi học xa, tận Sài Gòn.
Thời gian này Mẹ đã quy y vào chùa Cây Giang. Mẹ thường đi thăm các chùa, mẹ học làm thuốc nam, thuốc gia truyền, thường hay đi đây đó, bố thí thuốc men cho họ hàng, người quen. Thỉnh thoảng mẹ cũng về thăm gia đình dăm ba ngày rồi lại tiếp tục cuộc hành trình tu niệm, làm việc phước thiện.
Chuỗi ngày thơ ấu tôi không sống gần mẹ. Phần lớn thời gian ấy, trong những năm 30, cho tôi cơm no, áo lành là từ nguồn lợi đất đai cha tôi để lại cho chị Hai và anh rể trông coi.
Đến lúc nghỉ chân sau những năm tháng bôn ba, chu du đây đó, anh tư về chung sống với gia đình. Nhớ tới đứa em cút côi, để bù đắp những khiếm khuyết do thiếu vắng tình thương của cha mẹ. Anh hết lòng thương yêu và đêm đêm còn dạy tôi tiếng Việt cho đến khi tôi biết đọc, biết viết rồi mới đưa tôi đến trường.
Thời gian này tôi hay xin theo Mẹ đi chùa, cùng Mẹ ăn chay, niệm Phật. Anh sợ tôi không lo học sẽ dốt chữ. Một lần nọ, khi Mẹ dắt tôi đi, vừa ra tới cửa, anh lắc đầu rồi nói: “Em không ở nhà anh đưa đi học sợ sau này sẽ dốt đó!”...Với câu nói nhẹ nhàng, không chút giận dữ sao lại có mãnh lực vô hình níu kéo tôi như thế? Tay nắm tay, Mẹ dắt mà chân tôi cứ đứng lại, tôi ngoảnh nhìn anh và nói: “Anh cho em đi chuyến này, lần sau em sẽ lo học!”...
Thế rồi từ đó tôi được cắp sách đến Trường Giá Rai. Ở trọ nơi nhà một vị giáo học, tôi sống ấm cúng trong sự chăm sóc của Cô, vợ Thầy, từ miếng ăn giấc ngủ. Thầy còn dạy ngoài giờ để khi đến trường tôi sẽ không thua bè bạn. Thầy dạy cho biết bơi, dạy động tác thể dục buổi sáng v.v...
Khi đau yếu tôi còn được Cô chăm sóc như đối với con của mình. Mùa nào trái cây ấy, Cô cho tôi ăn không thiếu thứ gì. Tôi thật hết lòng cảm ơn Thầy, Cô, và tôi cũng không quên cảm ơn trời đất đã cho tôi gặp được gia đình này thời tôi còn ở bậc Tiểu học tại Trường tiểu Học Giá Rai...
Thỉnh thoảng Mẹ có ghé thăm tôi ở nhà trọ. Mẹ mang cho tôi bánh trái, không thiếu thứ gì. Đó là niềm vui của Mẹ và là nguồn an ủi của tôi.
Ở bậc Tiểu học, may mắn tôi gặp được người bạn hiền hòa, chân thật đã cùng tôi vui vẻ quãng đời tuổi học trò ở ngôi trường Tiểu học Giá Rai. Gia đình này xem tôi như con cái trong nhà. Cứ đến ngày nghỉ là coi như tôi ở suốt ngày nơi đây, tha hồ nghịch phá, vui đùa.
...Qua hết bậc Tiểu học, khi được trúng tuyển vào Trường Áo Tím (thời đó còn gọi là Trường Nữ Học Đường), tôi luôn học hành tấn tới, và cũng biết tìm bạn tốt để cùng nhau nghiêm túc học tập.
Cho đến 1945, Việt Minh đảo chánh, trường giải thể, tôi phải nghỉ học về quê. Theo bước ngoặc của lịch sử nước nhà cuộc đời tôi bắt đầu thay đổi. Sống trong vùng giải phóng, tôi tham gia hoạt động cùng Đoàn Phụ Nữ Cứu Quốc. Từ Ấp, lên Xã, lên Huyện, lên Tỉnh, rồi rẽ sang chuyên môn nghành Y (năm 1948).
Suốt quãng đời thoát ly gia đình, theo những thăng trầm của quê hương, cuộc đời tôi cũng nổi trôi theo vận nước.
...Đến 1953, gặp bạn tâm đầu ý hợp, tôi lập gia đình...
Lại thêm một bước ngoặc lớn của cuộc đời con gái; Vừa làm việc ở Nhà Bảo Sanh, vừa làm việc gia đình cho đến khi con lớn ra đời tôi được nghỉ ngơi ít lâu, sau đó tôi phải gởi con cho bà nội và lại tiếp tục đi làm việc chuyên môn “Nữ Hộ Sinh”.
Khi đứa con thứ hai ra đời, vợ chồng tôi chuyển ra Cà Mau học lại ngành Y, sau đó phục vụ tại Bệnh Viện Cà Mau (An Xuyên cũ).
Trưởng Ty Y Tế Cà Mau lúc đó là Bác sĩ Lâm Ngọc Bảy, một người anh họ, có giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong nghề nghiệp.
Đến năm 1960 tôi chuyển sang ngành Giáo viên. Vì chồng đi tù vì bị tình nghi có dính líu với CS nên tôi không còn được phục vụ trong ngành Y Tế nữa. Khi ấy thầy học cũ của hai chúng tôi ở bậc tiểu học là ông Trương Văn Hoạch giúp tôi thi vào ngành Giáo viên của Tỉnh. Tôi được đưa về dạy ở Trường Tiểu học ấp Tân Khánh, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, là quê Nội của các cháu. Từ đó trong cuộc sống xa nhà, xa con, tôi bắt đầu làm thơ, ghi lại những vui buồn và những kỷ niệm, những cảm xúc trước cuộc đời lắm thăng trầm dâu bể...
Đến nay, các con khôn lớn trưởng thành, đã lập thân và thành gia thất, cũng nhờ sự tận tụy và công lớn của chồng, các con tôi mỗi đứa đều có một vị trí khả quan trong xã hội ngày nay...
...
Viết xong ngày 06/ 01/ 1996
- Nguyễn Ngọc Mai -
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét