Thứ Ba, 3 tháng 11, 2020

Văn tế Trương Quỳnh Như/ Phạm Thái/ Ngân Triều biên khảo

 

 

                          Tranh minh họa: Phạm Thái và Trương Quỳnh Như, Hẹn hò dưới trăng, Google.

Văn Tế Trương Quỳnh Như

                                                                      Phạm Thái

(1)  Nương tử ơi!

Chướng căn[1] ấy bởi vì đâu?

Oan thác[2] ấy bởi vì đâu?

Cho đến nỗi:

Xuân tàn hoa nụ; thu lẩn trăng rằm.

Lại có điều đau đớn thế!

Nhà huyên[3] ví có năm có bảy, mà riêng mình nàng đeo phận bạc, thì lửa nguội nước vơi còn có lẽ.

Thương hại thay!

Hoa có một cành; tuyết có một quãng.

Nguyệt có một vầng; mây có một đóa.

Thân là thân hiếm hoi chừng ấy, nỡ nào lấy đôi mươi làm một kiếp, mà ngơm ngớp[4] chốn non Bồng nước Nhược,[5] chút gì không đoái đến cõi phù sinh![6]

Ví dầu mà tiên thù với tục,[7] sao xưa kia vâng mệnh xuống trần chi?

Nay đã nguyện một thân cho vẹn kiếp, thì cũng trọn ba vạn sáu ngàn ngày sống cho đủ lệ: nọ xuân huyên,[8] này phu tử,[9] góp với trần gian không chút bận, rồi sẽ rong chơi chín suối, cớ sao riêng bóng vội vàng chi?

Ôi!

Chữ mệnh hẹp hòi; chữ duyên suồng sã.[10]

Những như thân gia ấy, tình cảnh ấy, ngược xuôi kia cũng ngậm ngùi[11] cho.

Huống ta cùng nương tử:

Tuy chẳng thân kia thích nọ, nhưng tình duyên [bao thuở][12] ấy, cũng là một chút cương thường;

Dầu rằng kẻ đấy người đây, song ân ái bấy lâu nay, đã biết bao nhiêu tâm sự.

Ta hăm hở chí trai hồ thỉ, bởi đợi thời nên nấn ná nhân duyên;

Mình long đong phận gái liễu bồ, vì giận phận hóa ngang tàng[13] tính mạng.

Cho đến nỗi:

Hoa rơi lá rụng; ngọc nát châu chìm.

Chua xót cũng vì đâu?

Nay:

Qua nấm cỏ xanh; tưởng người phận bạc.

Sùi sụt hai hàng tình lệ; giãi bày một bức khốc văn.[14]

Đốt xuống tuyền đài;[15] tỏ cùng nương tử!

Nguồn: Phổ Chiêu thiền sư thi văn tập, 1932, trang 25-26, Văn tế cổ và kim, nxb Văn Hóa 1968.

*

Phiên âm Hán Nôm, Ngân Triều soạn

娘子𠲖!
根障𤳄爲兜?

𣨰𤳄爲兜?

𦥃𦁀:

春殘花𦬻; 秋論𦝄𪱬.

𣎏條忉疸世!

茄蘐喟𣎏𠄼𣎏𦉱, 𥢅𨉟㧅分泊, 時𪸟渃潙群𣎏𥙪.

怆害咍!

𣎏沒梗; 雪𣎏沒壙.

𣎏暈; 𩅹𣎏朵.

𪜀身儉咴蒸意, 𡝖𥙩𨑮𢆥爫沒刦, 麻𥄯𢚼𡽫渃弱, 𡭧咦空𥆟𦥃𡑭孚生!

喟油麻仙殊某俗, 牢𠸗𠳐𨑜塵之? 𠉞㐌愿沒身朱院刦, 時共𠓻𠀧𦒹𠦳𣈜𤯨𨁥例: 奴春諼, 呢夫子, 𢵰某塵間空𡭧絆, 耒𠱊𨔈𢒂泉, 故牢𫁅俸踣傍之?

偎!

𡦂命狭㹯; 𡦂𨳦𢘬.

忍如身家, 情景意, 逆𣵶箕共吟𢢯朱.

𢧲共娘子:

雖丕奴, 仍情緣[包𣇫] 意, 𪜀𡭧綱常;

油㖫仉帝𠊚底, 双恩愛𥹰𠉞, 㐌別包𡗉心事.

𢧲𢣇𢠇𤳆蓬矢, 𤳄待時𢧚拫哪因緣;

𨉟𨒟𡛔柳蒲, 爲恨分化昂藏性命.

𦤾𦁀:

𣑎𦲿梇; 玉揑珠沈.

㤕共爲兜?

𠉞:

過埝苦𩇛; 𠊚分泊,

洡律𠄩行情泪; 解排沒幅哭文.

𨑜泉臺; 訴共娘子!

Nguồn: 普照禪師 詩文集 1932裝 25-26, văn tế cổ và kim, nxb Văn Hóa, 1968

*

Diễn ý bài thơ

Nương tử ơi!

Nguyên nhân của nghịch cảnh và thác oan ấy bởi vì đâu?

Cho đến nỗi:

Hoa còn nụ mà Xuân đã tàn; trăng rằm mùa thu mà trăng lẩn bóng.

Lại còn gì đau đớn hơn!

Nếu gia đình có năm bảy người con mà chỉ riêng nàng bạc phận thì lửa nguội nước vơi còn có lẽ.

Thương nàng thay!

Hoa chỉ có một cành; tuyết chỉ có một khoản.

Trăng chỉ có một vầng; mây chỉ có một đóa.

Nàng là thân hiếm hoi dường ấy, nỡ nào lấy đôi mươi làm một kiếp, mà không ngao ngán chốn non Bồng nước Nhược, không đoái một chút gì đến cõi phù sinh!

Ví dầu tiên mà khác với tục, sao xưa kia nàng vâng mệnh xuống trần chi? Nay nàng đã nguyện thân này cho vẹn kiếp, thì cũng nên sống trọn kiếp người, cho đủ lệ: này là cha mẹ, nọ thầy trò, góp phần với trần gian không chút vướng bận, rồi sẽ rong chơi nơi chín suối, cớ sao riêng một bóng, lại vội vàng chi?

Ôi!
Chữ mệnh hẹp hòi, chữ duyên bẽ bàng ngang trái.

Như nàng trong nhà ấy, tình cảnh ấy, bôn ba xuôi ngược ta cũng thương tiếc cho.

Huống chi ta cùng nương tử:

Tuy chẳng thân kia thích nọ, nhưng tình duyên gắn bó đã lâu, cũng là một chút cương thường;

Dẫu rằng kẻ đấy người đây, song thương mến bấy nay đã biết bao tâm sự.

Ta hăm hở chí trai vùng vẫy, bởi đợi thời nên nấn ná nhân duyên;

Nàng long đong phận gái liễu bồ, vì giận phận hóa thiệt thòi tính mạng.

Cho đến nỗi:

Hoa rơi lá rụng; ngọc nát châu chìm.

Chua xót cũng vì đâu?

Nay:
Ta qua nấm cỏ xanh; tưởng người phận bạc.

Thổn thức hai hàng tình lệ; nao lòng một bức khóc văn.

Đốt xuống tuyến đài, tỏ cùng nương tử!

*
Ngân Triều cảm đề

Nương tử ơi!

Thác oan nghịch cảnh sao đang?

Xuân tàn hoa nụ, tròn trăng Thu mờ!

Còn gì đau đớn đến giờ,

Gia đình neo ngặt đâu ngờ đầu xanh!

Thương hoa chỉ có một cành,

Tuyết chỉ một khoản mong manh nắng trần.

Thương trăng chỉ có một vầng,

Mây chỉ một đóa bàng hoàng tiêu dao?

Đôi mươi một kiếp nỡ nào,

Hiếm hoi dường ấy mà ngao ngán mình.

Non Bồng nước Nhược đã đành,

Bất bình số kiếp, phù sinh không cần!

Sao xưa vâng mệnh xuống trần?

Sao không vẹn kiếp, góp phần trần gian?

Thầy trò cha mẹ, lẽ hằng,

Số trời, sống gởi vội vàng mà chi?

Ôi thôi chữ mệnh hẹp nghì,[16]

Bẽ bàng ngang trái xuân thì đoái thương.

Ta cùng nương tử bén duyên,

Cũng là một chút cương thường mối dây.

Dẫu rằng kẻ đấy người đây,

Mến thương đằng đẵng bấy nay bời bời.

Chí trai vùng vẫy đợi thời,

Nhân duyên nấn ná phục hồi cố kinh,[17]

Long đong phận gái chung tình,

Không cam duyên ép liều mình trung trinh.

Kiếp hồng nhan quá mong manh,

Ngọc châu, hoa lá tan tành bể dâu.

Khối tình chua xót, vì đâu?

Nay qua nấm đất dầu dầu cỏ hoang.

Viếng người phận bạc, đài trang,

Tần ngần thổn thức hai hàng phân tâm.

Nao lòng một bức khốc văn.

Tuyền đài, có thấu lửa ân tình sầu!





[1] Chướng căn: 根障nguồn gốc của nghiệp chướng. Tiếng nhà Phật, chỉ nguyên nhân sự tối tăm che lấp bởi những điều xấu đã làm.

[2] Oan thác: 𣨰, từ cổ chết oan, chết trước mệnh số an bày.

[3] Nhà huyên: tức huyên đường, còn viết huyên vi. Trong Kinh Thi, Vệ Phong, Bá hề có viết: 焉得草, 言树之背 Yên đắc huyên thảo, ngôn thụ chi bội. (Làm sao có được cây cỏ huyên, để trồng ở ngôi nhà phía bắc.)  Ngày xưa, khi làm nhà người ta thường có phòng hướng Bắc cho nữ chủ nhân ở. Sau gọi là huyên đường hay nhà huyên và cũng chỉ người mẹ. Thầy Mẫn Tử rất đường hiếu nghĩa, Xót nhà huyên quạnh quẽ đã lâu. (Mẫn Tử Khiên, Nhị Thập Tứ Hiếu, Lý Văn Phức.)

[4] Ngơm ngớp: gờm, khiếp, kệch (cạch), tởn, ngán, ớn: sợ và ngao ngán; ở văn cảnh nầy, xin dịch là không ngao ngán.

[5]Non Bồng, nước Nhược: 𡽫, Non Bồng 𡽫tức núi Bồng Đảo ở Biển Đông, nơi tiên ở. Nước Nhược tức Nhược thủy, bao quanh núi Bồng Lai, dài đến ba ngàn dặm. Tương truyền chất nước đó rất nhẹ, đến nỗi cái lông cũng chìm sâu xuống.

[6] Phù sinh: 孚生, kiếp sống nổi trôi. Đời người là kiếp sống hư ảo, nổi trôi, bất định. Theo Trang tử, Khắc ý: Sinh ra là kiếp sống nổi trôi, chết đi tựa hồ ngơi nghỉ.

[7]tiên thù với tục: tiên khác với tục. Thù 殊 là khác với.

[8] xuân huyên:  春諼, cha và mẹ

[9] phu tử: 夫子, thầy dạy học

[10] Suồng sã: ngang trái, bẽ bàng, không trọn vẹn.

[11] Ngậm ngùi: buồn rầu, thương tiếc.

[12] Câu nầy không hiểu sao mất hai chữ đối với chữ bấy lâu ở vế dưới nên người sau thêm vào hai chữ [bao thuở].

[13] ngang tàng: 昂藏 có bản ghi buông xuôi; ngang tàng là ngông nghênh. Ở đây có thể dịch là thiệt thòi.

[14] Khốc văn: 哭文, bài văn thương tiếc người chết.

[15] tuyền đài: , nơi có suối; cũng như hoàng tuyền: suối vàng; hay cửu tuyền: chín suối. Nợ tình chưa trả cho ai, Khối tình mang xuống Tuyền Đài chưa tan. Đoạn Trường Tân Thanh, Nguyễn Du, câu 709-710.

[16] Hẹp nghì: hẹp nghĩa

[17] Cố kinh: kinh đô cũ, ý nói Phạm Thái có hoài bảo phục hưng nhà Lê.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét