Thứ Ba, 28 tháng 4, 2020


Mời quý bạn xem lại 1 truyện ngắn rất hay.
*
SỢI DÂY CHUYỀN KIM CƯƠNG
Posted on June 1, 2009 by Yun under Classic Short Stories/Truyện cổ điển, International Short Stories/Truyện ngắn nước ngoài, Mystery-Twist Short Stories/ Truyện Huyền bí-Li kỳ, Yun's Translation/ Dịch thuật
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, văn bản
Guy de Maupassant (1850-1893)
*
ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM:
Guy de Maupassant (1850-1893) sinh ra trong một gia đình tư sản quý tộc thuộc tấng lớp trung lưu tại Normandy, Pháp. Sau khi phục vụ trong quân ngũ, do không có tiền để đeo đuổi việc học luật, ông trở thành một viên chức nhà nước trong nhiều Bộ khác nhau tại Paris. Cùng thời điểm đó, ông được học cách viết lách với người thầy, người cha đỡ đầu là Gustave Flaubert và bắt đầu đi theo khuynh hướng hiện thực. Tài năng của ông thành công vang dội vào giữa những năm 1880 và 1890. Maupassant chủ yếu viết truyện ngắn, đồng thời ông cũng cũng viết bút ký, kịch, thơ và tiểu thuyết… Chỉ trong vòng một thập niên, ông đã viết gần 300 truyện ngắn, 200 bài đăng báo, 6 quyển tiểu thuyết và 3 bút ký du hành. Ông mất khi mới 42 tuổi, trong sự hành hạ của bệnh tật và được chôn cất ở nghĩa trang Montparnasse. Văn phong của Maupassant đã ảnh hưởng đến vô số nhà văn trên toàn thế giới. Một số tác phẩm nổi tiếng của ông như: Viên mỡ bò (Boule de Suif), Bố của Simon (Le Papa de Simon), Một cuộc đời (Une vie), Anh bạn điển trai (Bel-Ami), Pierre et Jean…
Truyện ngắn “Sợi dây chyền kim cương” (La Parure) được sáng tác vào năm 1884, trong bối cảnh những năm cuối thế kỷ XIX ở Pháp. Từ rất sớm, xã hội Pháp đã được thiết lập dựa trên một giai cấp cơ bản và những người muốn cố thay đổi hay vượt lên giai cấp mà họ đã sinh ra phải chịu rất nhiều tủi nhục, cay đắng. Sau Cách mạng Pháp (1789- 1799), nước Pháp trở thành nước Cộng hòa, nhưng sự phân biệt giai cấp vẫn là một phần không thể thiếu trong xã hội. Thông qua những số phận bất hạnh, những hoàn cảnh trớ trêu, bằng ngòi bút sắc sảo đầy tính nhân văn của mình, Maupassant đã vạch trần những mặt trái của xã hội Pháp lúc bấy giờ.

*
Cô là một thiếu nữ xinh đẹp và quyến rũ mà thỉnh thoảng y như thể số phận trớ trêu đặt nhầm vào một gia đình công chức tầm thường. Cô không có của hồi môn, cũng chẳng có gia tài thì làm sao được một quý ông giàu có, danh giá nào để ý, tìm hiểu, yêu đương rồi lấy làm vợ cơ chứ? Thế là cô đành chấp nhận cưới một viên thư ký quèn tại Bộ thông tin.
Cô ăn mặc tuềnh toàng bởi cô nào có điều kiện để chưng diện. Vậy nên bao giờ cô cũng phiền muộn khi đinh ninh rằng mình bị rơi xuống từ một địa vị cao sang nào đấy. Từ trước tới giờ, với một người phụ nữ không có danh phận mà cũng chẳng địa vị thì chả phải sắc đẹp, nét duyên dáng, sự quyến rũ và một trí tuệ mẫn tiệp chính là thứ tôn ty duy nhất, giúp người phụ nữ đó có thể sánh ngang với các bậc mệnh phụ phu nhân khác đó sao?
Cô luôn phải chịu đựng cảm giác mình sinh ra là dành cho mọi xa hoa nhung lụa và cuộc sống xa xỉ. Cô không thể chịu nổi nơi ở tồi tàn, các bức tường nham nhở, dăm cái ghế cũ mòn, mấy bức màn xộc xệch. Tất cả những thứ mà bao nhiêu phụ nữ khác trong tầng lớp của cô quanh năm suốt tháng cũng chẳng lấy làm phiền lòng ấy đã hành hạ, dằn vặt và khiến cô giận dữ biết bao nhiêu. Cái vẻ tội nghiệp của những người phụ nữ đáng thương chỉ biết quần quật với công việc nhà hèn mọn luôn khuấy động trong cô nỗi thương cảm vô vọng và xiết bao chán ngán. Cô mơ tưởng về những căn phòng yên tĩnh trang hoàng thảm Ba Tư lấp lánh, phản chiếu ánh sáng từ những cột đèn cao bằng đồng sáng loáng và hai anh hầu mặc quần ống chẽn đang gà gật trong mấy cái ghế bành lớn bởi cái ấm áp trĩu nặng lan tỏa từ lò sưởi. Cô thấy những phòng tiếp khách dài trang trí nhiều tấm lụa cổ xưa, trưng bày bao nội thất trang nhã chứa đựng bao bí ẩn vô giá, và về phòng tiếp khách sang trọng, sực nức nước hoa dành cho các buổi tán gẫu với những quý bà thân thiết, và bao quý ông tiếng tăm người mà tất cả mọi phụ nữ đều khao khát và thèm muốn được họ chú ý đến.
Khi cô xuống dùng bữa tối, ngồi trước cái bàn tròn phủ một tấm khăn ăn đã cũ ba ngày trời, đối diện với chồng cô, anh không đậy liễn xúp mà mở toang nó ra rồi reo lên thích thú: “A, món thịt bò hầm rau ngon tuyệt! Anh thấy chả còn gì hấp dẫn hơn nữa hết!”, thì cô ao ước những bữa tối thịnh soạn với ánh bạc sáng ngời, về những tấm thảm treo tường thêu hình những danh nhân cổ xưa và những chú chim kỳ lạ đang tung cánh giữa một khu rừng thần tiên. Và cô hình dung ra bao nhiêu là món ăn thơm tho được bày biện trên những chiếc đĩa tinh xảo, về những lời thì thầm hoa mỹ được đáp lại bằng những nụ cười bí ẩn trong khi đang nhâm nhi món món cá hồi tái hay cánh chim cút dòn tan.
Cô không mê gì ngoài quần áo đẹp, đồ trang sức thế mà cô chẳng có gì cả. Cô cảm thấy mình sinh ra là để dành cho chúng! Cô sẽ hài lòng lắm nếu được các quý bà ghen tỵ, và mọi quý ông phải mê mẩn, theo đuổi.
Cô có một người bạn cũ cùng học tại trường nội trú. Chị ta rất giàu có và cô chẳng muốn đến gặp chút nào bởi cô sẽ luôn phải đau buồn, khổ sở biết bao lúc trở về.
Nhưng một tối nọ, chồng cô về nhà với khuôn mặt rạng rỡ, anh cầm trong tay một phong thư to.
“Đây” anh nói, “ Có thứ này cho em nhé!”
Cô xé phong bì và lấy ra một tấm thiệp mời có ghi những dòng này:
“ Bộ trưởng Bộ thông tin và Bà Georges Ranponneau vinh dự mời Ông và Bà. Loisel cùng đến dinh Bộ trưởng vào tối thứ hai, ngày 18 tháng Giêng.”
Thay vì hài lòng như chồng hy vọng, cô thờ ơ ném thư mời lên bàn lẩm bẩm:
“ Anh muốn em làm gì với nó chứ?”
“ Nhưng, em yêu, anh nghĩ em sẽ vui cơ đấy. Em không bao giờ đi chơi hết và đây chẳng phải là một dịp tốt sao? Anh phải vất vả lắm mới có nó đấy chứ. Ai nấy đều muốn đi cả. Vả lại họ lựa chọn kỹ càng lắm, không có nhiều thiệp mời được gửi cho những viên thư ký đâu. Cả giới quý tộc sẽ ở đó!”
Cô liếc nhìn anh một cái đầy cáu giận, bực dọc nói:
“ Và anh nghĩ em sẽ mặc cái gì để đi chứ?”
Anh đã không nghĩ đến điều đó, anh ấp úng:
“ Sao thế, chiếc váy em mặc đi rạp hát ấy, anh trông nó rất đẹp mà!”
Anh khựng lại, lo lắng, nhìn vợ mình đang khóc. Hai giọt nước mắt long lanh chầm chậm lăn từ mi mắt xuống khóe môi cô. Anh lắp bắp:
“ Sao thế em? Sao thế?”
Nhưng cô đã hết sức cố gắng kiềm chế nỗi tủi hổ của mình. Rồi cô trả lời, với một giọng bình tĩnh, trong khi lau gò má ướt của mình:
“ Chẳng có gì đâu, chỉ là em không có váy dạ tiệc và bởi vậy em không thể đến buổi khiêu vũ này được. Anh hãy đưa thiệp mời này đến những đồng nghiệp mà vợ họ có điều kiện hơn em đi!”
Anh vô cùng thất vọng nhưng cố vớt vát:
“ Coi nào, Mathilde. Nó tốn bao nhiêu, một chiếc váy phù hợp mà em có thể dùng trong những dịp khác nữa ấy, cái nào đơn giản thôi?”
Cô ngẫm nghĩ một vài giây, cân nhắc suy tính tự hỏi xem liệu cô có thể hỏi anh số tiền bao nhiêu để không phải nhận được sự từ chối tức thì hay một tiếng kêu khiếp đảm từ một viên thư ký cần kiệm.
Cuối cùng cô ngập ngừng trả lời:
“ Em không biết chính xác, nhưng em nghĩ em có thể xoay xở với bốn trăm franc.”
Mặt anh hơi tái đi, anh đã để dành ra một khoản bằng chừng ấy để mua khẩu súng săn và tự thưởng cho mình một chuyến đi bắn chim chiền chiện cùng vài người bạn dưới đồng bằng Nanterre hè tới, vào một ngày chủ nhật.
Nhưng anh lại nói:
“ Được thôi, anh sẽ đưa em bốn trăm franc. Và ráng chọn một cái váy đẹp nhé!”
Buổi khiêu vũ đã gần đến nhưng cô Loisel lại trông rất buồn bã, khó chịu và lo âu mặc dù chiếc váy của cô đã có sẵn. Một tối nọ chồng cô hỏi:
“ Có chuyện gì vậy? Coi nào, ba ngày gần đây trông em lạ quá.”
Và cô trả lời:
“Em thật bực mình vì chẳng có lấy một món nữ trang nhỏ, dù chỉ là một viên đá, không có gì để đeo vào cả. Em sẽ giống như nghèo túng đến nơi. Chẳng thà em không đi đâu hết thì hơn!”
Anh tiếp tục:
“ Em nên cài mấy bông hoa ấy. Mùa này trong năm thế là mốt lắm đấy.Với mười franc em có thể mua hai hay ba bông hồng tuyệt đẹp rồi!”
Cô chẳng bằng lòng:
“ Thôi đi, chả có nhục nhã nào hơn trông nghèo nàn giữa những quý bà giàu sang hết!”
Chợt chồng cô la lên:
“ Em ngốc quá đi thôi! Đến tìm bạn em đi, cô Forestier ấy, và hỏi mượn chị ta một ít trang sức. Hai người khá thân thiết kia mà?”
Cô thốt lên vui sướng:
“ Ừ nhỉ, sao em không nghĩ đến điều đó cơ chứ?”
Ngày hôm sau cô liền đến thăm bạn mình và tâm sự về nỗi lo lắng của cô.
Cô Forestier đi đến tủ quần áo có gắn một cái gương, lấy ra một hộp trang sức lớn, đem nó lại, mở ra và nói với cô Loisel:
“ Nào chọn thứ chị thích đi, bạn thân mến!”
Đầu tiên cô thấy một vài vòng tay, tiếp đến là một chuỗi hạt bằng ngọc trai, sau đó là một cây thánh giá Viên nạm vàng và đính những viên đá quý giá được chạm trổ bằng một tay nghề tinh xảo. Cô thử đồ trang sức trước tấm gương, do dự, không biết chọn món nào mà cũng chẳng nỡ tháo chúng ra để trả lại. Cô tiếp tục hỏi:
“ Chị còn món nào nữa không?”
“ À, còn chứ. Trông này, tôi không biết là chị thích đấy!”
Thật bất ngờ khi cô nhận ra trong chiếc hộp sa tanh đen là một chuỗi hạt tuyệt vời bằng kim cương. Trái tim cô bắt đầu đập mạnh với một nỗi khát khao tột độ. Cả hai tay cô run rẩy khi cầm nó lên. Cô choàng nó quanh chiếc cổ cao, và tiếp tục chìm đắm trong trạng thái mê ly khi ngắm nhìn sự tuyệt mỹ của mình.
Sau đó cô ngại ngùng hỏi:
“ Chị có thể cho tôi mượn nó không, chỉ nó thôi?”
“ Ồ, vâng, tất nhiên rồi.”
Cô nhảy lên choàng cổ, hôn lên má bạn thay lời cảm ơn thiết tha, sau đó vội vàng ra về với món trang sức của mình.
Đến buổi khiêu vũ, Cô Loisel đã thành công mỹ mãn. Cô đẹp hơn mọi phụ nữ, tao nhã, thanh lịch, tươi tắn, và choáng ngợp trong một niềm hân hoan khôn tả. Bao nhiêu đàn ông ở đó đều ngắm nhìn cô, hỏi tên cô, đến tự giới thiệu với cô. Tất cả những nhân vật quan trọng Bộ đều muốn lướt trong điệu valse với cô. Chính bộ trưởng cũng chú ý đến cô nữa.
Cô khiêu vũ say sưa trong một xúc cảm mạnh mẽ, ngất ngây trong nỗi vui thích mê ly. Cô như quên tất cả chỉ còn lại sự hãnh diện về nhan sắc rạng rỡ, niềm tự hào về thành công đã mong đợi bao ngày. Cô như đang bay lên chín tầng mây, hạnh phúc với tất cả sự ngưỡng mộ. Chao ôi, điều đó mới thật ngọt ngào với trái tim một phụ nữ xiết bao!
Cô ra về khoảng bốn giờ sáng. Chồng cô đã ngủ từ nửa đêm trong một căn phòng trống nhỏ cùng với ba quý ông khác trong khi vợ họ đang hưởng những thì giờ vui vẻ. Anh khoác lên vai cô chiếc khăn choàng anh đã mua, chiếc khăn choàng giản dị của cuộc sống bình thường mà sự nghèo nàn của nó sao tương phản với sự quý phái của chiếc váy khiêu vũ quá! Cô cảm thấy điều đó, và muốn thoát ngay ra khỏi nó để không bị những quý bà choàng áo lông thú đắt tiền chú ý.
Loisel giữ vai cô lại và bảo:
“ Chờ một chút nào, bên ngoài lạnh lắm, em cảm mất thôi. Để anh ra gọi một chiếc xe ngựa đã!”
Nhưng cô không chịu nghe anh, và vội vã bước xuống cầu thang. Khi ra ngoài đường họ không tìm thấy một chiếc xe ngựa nào, và họ bắt đầu tìm kiếm, hét toáng phía sau lưng một người đánh xe ngựa đã đi qua một quãng xa.
Họ đi về phía sông Seine trong nỗi thất vọng, cả hai run lẩy bẩy vì lạnh. Cuối cùng họ tìm thấy trên bến cảng một chiếc xe cũ kỹ chẳng bao giờ thấy lảng vảng quanh Paris cho đến khi trời sẩm tối, y như thể nó cũng biết xấu hổ khi phô bày sự nghèo nàn của mình ra vậy.
Xe đưa họ đến trước cửa nhà ở đường Martyrs, và một lần nữa, họ buồn bã leo lên gác. Với cô, vậy là mọi thứ đã kết thúc rồi. Về phần chồng cô, anh nghĩ mình lại phải có mặt ở Bộ lúc mười giờ đúng.
Cô cởi khăn choàng khỏi bờ vai trước tấm gương, để được một lần nữa nhìn ngắm mình trong sự lộng lẫy. Nhưng bất thình lình cô thốt lên hoảng hốt. Cô không thấy sợi dây chuyền quanh cổ mình nữa!
Chồng cô đã gần thay xong quần áo, gặng hỏi:
“ Chuyện gì thế em?”
Cô quay sang anh, hổn hển:
“Em…em…em đã đánh mất chuỗi hạt của chị Forestier rồi.”
Anh đứng bật dậy, sửng sốt:
“Cái gì! Làm sao? Không thể thế được!”
Và họ lục tìm trong nếp gấp của chiếc váy, trong nếp gấp của áo choàng, trong túi của cô, tất cả mọi nơi. Nhưng họ không tìm thấy nó.
Anh hỏi:
“ Em có chắc là vẫn còn đeo nó khi mình rời khỏi buổi khiêu vũ không?”
“Có, em còn sờ thấy nó lúc ấy cơ mà.”
“Nếu em làm rơi nó trên đường thì mình đã nghe tiếng rơi. Chắc nó rơi trong xe rồi.”
“Có lẽ thế, mà anh có biết số xe không?”
“Không. Còn em, em đâu có để ý số xe phải không?”
“Không.”
Họ nhìn nhau bàng hoàng như sét đánh bên tai. Cuối cùng, Loisel mặc quần áo vào.
“Anh sẽ đi bộ trở lại,” anh bảo, “ dọc mọi con đường chúng ta đã qua xem liệu anh có thể tìm thấy nó không.”
Và anh đi ra. Cô ngồi chờ trên ghế bành vẫn mặc váy khiêu vũ, không có chút sức lực nào để đi nằm, ngập tràn chán nản, đờ đẫn, không một ý nghĩ.
Chồng cô trở về lúc bảy giờ. Anh chẳng tìm thấy gì cả.
Anh đến đồn cảnh sát, đến các tòa sọan báo đăng tin rao thưởng, đến các sở xe ngựa, mọi nơi mà anh còn le lói chút hy vọng dù nhỏ nhoi nhất.
Cô chờ đợi cả ngày, trong cùng một tâm trạng tồi tệ của nỗi sợ hãi bàng hoàng trước biến cố khủng khiếp này. Anh Loisel trở về lúc tối mịt với cái bụng trống rỗng và khuôn mặt nhợt nhạt, anh không phát hiện được gì hết.
“Em phải viết vài dòng cho bạn em thôi,” anh nói, “rằng em đã làm gãy cái móc gài sợi dây chuyền của cô ấy và em phải đem nó đi sửa. Chúng ta sẽ có thêm thời gian để xoay xở.”
Cô viết theo những gì anh đọc.
Cuối cùng sau một tuần lễ họ đã hoàn toàn mất hy vọng.
Và Loisel giờ trông như già thêm năm tuổi, đành bảo:
“Chúng ta phải tìm cách nào thay thế món nữ trang đó thôi.”
Ngày hôm sau họ mang cái hộp đựng sợi dây chuyền đến tiệm kim hoàn của người thợ có tên khắc trong hộp. Ông ta tra cứu trong sổ sách của mình:
“ Thưa bà, tôi không bán chuỗi hạt đó, tôi chỉ bán cái hộp thôi.”
Sau đó họ đến tiệm này tới tiệm khác, tìm kiếm sợi dây chuyền giống cái đã mất theo trí nhớ của mình. Cả hai đều thất vọng và khổ não hết sức.
Cuối cùng họ tìm thấy trong một cửa hàng ở khu Plais Royal, một chuỗi kim cương giống in hệt cái họ đang tìm kiếm. Nó trị giá bốn chục ngàn franc nhưng họ có thể mua nó với ba mươi sáu ngàn franc.
Thế là hai người năn nỉ ông chủ tiệm đừng bán nó trong ba ngày tới. Và đôi bên thỏa thuận với nhau rằng ông ta sẽ phải mua lại nó với cái giá ba mươi bốn ngàn franc trong trường hợp họ tìm thấy cái bị mất trước khi hết tháng hai.
Loisel có mười tám ngàn franc do cha anh để lại. Anh sẽ vay số còn thiếu.
Anh hỏi mượn một ngàn franc chỗ này, năm trăm franc chỗ khác, mấy chục franc chỗ nọ. Anh ghi nợ, mang về những giao kèo cắt cổ, anh liên hệ với những kẻ cho vay nặng lãi và với mọi hạng người trong giới chợ đen. Anh sẵn sàng thỏa hiệp bằng cả cuộc đời mình. Anh liều mạng ký tên mà không cần biết rồi đây có thanh toán được nó hay không, và lo lắng khôn xiết về một viễn cảnh đen tối đầy bất hạnh của sự thiếu thốn vật chất, đày đọa về tinh thần bất thình lình đổ ập lên đầu mà anh phải chịu đựng. Với tâm trạng ngổn ngang như thế, anh đến lấy sợi dây chuyền mới, đặt xuống quầy thu tiền của tiệm kim hoàn ba mươi sáu ngàn franc.
Khi cô Loisel mang trả sợi dây chuyền thì cô Forestier lạnh nhạt bảo rằng:
“ Đáng lẽ chị nên trả nó sớm hơn mới phải. Nhỡ đâu tôi cần đến nó thì sao?”
Chị ta không mở cái hộp, trong khi cô Loisel vô cùng lo sợ. Nếu phát hiện ra sự thay thế này, chị ta sẽ nghĩ gì? Chị ta sẽ không cho cô Loisel là kẻ cắp chứ?
Cô Loisel giờ đã thấm thía cuộc sống khủng khiếp của sự nghèo túng. Với sự cam đảm vượt bậc, cô đã dự phần gánh vác trách nhiệm này. Hơn nữa, những món nợ dễ sợ phải được trả. Cô sẽ phải trả nó. Họ cho người hầu thôi việc, họ thay đổi chỗ ở, họ thuê một gác xép nhỏ xíu sát mái nhà.
Cô đã biết công việc nhà nặng nhọc và việc lau chùi những nhà bếp bẩn thỉu là như thế nào. Cô rửa bát đĩa, dùng những ngón tay búp măng kỳ cọ những cái xoong chảo đầy dầu mỡ. Cô giặt những tấm ra giường, quần áo, tạp dề dơ dáy rồi phơi khô chúng trên một sợi dây thép. Cô khuân vác những đống quần áo may sẵn rẻ tiền xuống đường vào mỗi sớm tinh mơ, cô gánh nước và thỉnh thoảng phải ngừng lại thở dốc mỗi khi đến nơi.Và ăn mặc như một người đàn bà lao động, với cái làn trên tay, cô đến từng quầy rau quả, hàng tạp hóa, hàng thịt, mặc cả, cò kè bớt một thêm hai, bảo vệ những đồng tiền khốn khổ của mình từng xu, từng xu một.
Mỗi tháng họ lại trả thêm được một vài khoản, lại gia hạn những khoản khác, và cần nhiều thời gian hơn nữa.
Chồng cô làm việc cả buổi tối để ghi chép sổ sách cho một vài nhà buôn, đến khuya có khi anh còn viết lại các bản thảo với giá năm xu một trang.
*
Và cuộc sống như thế trôi qua trong mười năm.
Rốt cuộc, họ đã trả xong mọi thứ, với tiền lời cắt cổ của các tên chủ nợ và những món lãi, mẹ lãi con chồng chất.
Cô Loisel giờ trông già sọp đi. Cô đã trở thành người đàn bà của một gia đình bần cùng – mạnh mẽ, cứng cỏi và thô lỗ. Với mái tóc rối bù, váy áo xốc xếch, hai bàn tay sần đỏ, cô ăn nói rổn rảng khi đang cong lưng cọ sàn trong tiếng nước xối rào rào. Nhưng thỉnh thoảng khi chồng ở công sở, cô ngồi lặng bên cửa sổ, nghĩ về cái đêm đã xa xôi, về buổi khiêu vũ mà cô đã rất xinh đẹp và được ngưỡng mộ biết bao!
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu cô không làm mất sợi dây chuyền ấy? Ai biết được? Cuộc sống sẽ khác và thay đổi biết chừng nào! Chỉ một việc tưởng chừng nhỏ nhặt thôi cũng có thể làm ta mất hay có tất cả!
Nhưng, một chủ nhật nọ, khi đang đi bộ trong vườn Champs Elysée để thư giãn sau một tuần lao động mệt nhọc, cô bất ngờ trông thấy người phụ nữ đang dắt theo một đứa bé. Đó là cô Forestier, vẫn xinh đẹp, vẫn quyến rũ.
Cô Loisel cảm thấy xúc động. Cô sẽ đến nói chuyện với chị ta chăng? Phải, tất nhiên rồi. Và giờ cô đã trả xong nợ, cô sẽ nói với bạn mình mọi chuyện. Sao không chứ?
Cô đến gần.
“Một ngày tốt lành, chị Jeanne.”
Người kia, ngạc nhiên khi được một bà nội trợ quê mùa xưng hô thân mật, đã không nhận ra bạn mình và lúng túng:
“ Nhưng, thưa bà, tôi không biết bà, bà nhầm rồi!”
“Không , tôi là Mathilde Loisel đây.”
Bạn cô thốt lên kinh ngạc:
“Trời ơi, chị Mathilde tội nghiệp của tôi! Chị thay đổi nhiều quá!”
“ Phải, tôi đã có đủ những ngày khổ sở, từ khi tôi gặp chị lần cuối, và đó là tại chị đấy!”
“ Vì tôi ư? Sao lại thế?”
“ Chị còn nhớ sợi dây chuyền kim cương chị cho tôi mượn đeo vào hôm khiêu vũ ở Bộ không?”
“Vâng, mà sao?”
“ Ồ, tôi đã làm mất nó.”
“Chị nói vậy là sao? Chị đã mang trả nó rồi mà.”
“Tôi đã mang trả chị một cái khác giống nó thôi. Và phải mất mười năm để trả xong nợ. Chị có thể hiểu là điều đó thật không dễ dàng với chúng tôi, những người chẳng có gì hết. Cuối cùng, mọi thứ đã kết thúc, và tôi thật mừng vì điều đó!”
Cô Forestier khựng lại.
“ Chị nói rằng chị đã mua một sợi dây chuyền bằng kim cương khác để thay thế cái của tôi à?”
“Phải. Chị không bao giờ để ý đâu! Chúng giống nhau lắm mà.”.Và ngay lập tức, cô mỉm cười với một niềm hãnh diện chất phác.
Cô Forestier nắm lấy tay bạn, xúc động khôn xiết:
“Trời ơi, chị Mathilde đáng thương của tôi! Sao lại thế, sợi dây chuyền của tôi là đồ giả mà. Nó chỉ đáng giá năm trăm franc là cùng!”
NGỌC VÂN
( Dịch từ bản tiếng Anh “The Necklace”)
Ảnh tác giả và ảnh minh họa.
Nguồn sưu tầm trên trang The Yun' s sky


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét