Ngan Trieu cùng với Cang Nguyen và 14 người khác.
Như một bài mở đầu đưa duyên viết trở lại, sau 1 thời gian nghỉ dưỡng đôi mắt, thân mời quý thân hữu vào xem tâm tình của bản thân qua một bài viết mở đầu cho tập truyện Trời -Non-Nước sau đây:
*
Chương một
Thay lời tựa
Bừng sáng Ngân Triều
Hắn lẹp kẹp lê đôi dép Nhật, trong bộ đồ pyjama cũ, lửng thửng ra ngồi dưới gốc cây xoài tứ quý ở góc sân nhà như thường lệ, khi trong lòng có điều phân vân, trầm tư như đêm nay. Nhà hắn tương đối rộng, chừng 400 m2, có sân khoảng khoát, nằm ở mặt tiền của một đường hẻm mới lên đường nhựa, thuộc thị trấn Hậu Nghĩa, một thị trấn công nông nghiệp, có trên 20.000 dân.
Chuyện hắn quan tâm là viết một tùy bút mà chưa biết phải bắt đầu như thế nào. Hắn thầm nghĩ. Mình phải viết gì đây, viết như thế nào cho hợp lý [1] , viết cho ai, viết đưa ai, ai biết mà đưa?! [2]
Bây giờ là 2 giờ khuya của một ngày mới, mùng 10 Tháng giêng Tết, năm Nhâm Dần, 2022. Mùng 10 thì không khí vẫn còn là ngày Tết [3], nhưng không rộn ràng bằng ba ngày đầu năm mới. Cả khu phố im vắng. Thiên hạ đang ngon giấc say nồng. Chỉ có ngọn đèn đường trước cửa nhà hắn, vẫn thức đêm triền miên, lặng lẽ, đăm đăm nhìn mấy con thiêu thân múa lượn quanh mắt mình không chán. Trời không một mảy gió. Lớp lớp mây xám giăng đầy trên nền trời trắng đục, để thấy ẩn hiện lờ mờ 7 ngôi sao Đại Hùng [4] lấp lánh, chênh chếch về phương Bắc. Hắn chăm chú tìm ngôi sao Bắc Cực chỉ hướng chính Bắc (Polaris). Không thấy. Không như ở giữa đồng ruộng đêm khuya, ngày xưa, thời bao cấp, ngoài giờ dạy học hắn phải làm 0,5 ha đậu phộng, luân canh, [5] để có thể trang trải các khoảng chi phí cho các con trọ học. Khi đi tưới đậu phộng, nhất là những đêm trời không trăng và quang mây, hắn thường nhìn thấy sao Polaris định vị lờ mờ trên đường chân trời khoảng 15 0 bằng cách nối dài 6 lần cạnh xiêng bên ngoài của hình thang sao Đại Hùng, gấu lớn. Chính xác là Sao Polaris mờ nhạt một cách khiêm tốn trong trời khuya. Còn bây giờ, trước sân nhà hắn, trong thị trấn nhỏ, ngôi sao Polaris chỉ phương Bắc, giúp ích cho đời thì bị hình ảnh của các dãy phố che khuất. Hắn cảm thấy sao Polaris như một người có tài giúp ích cho đời mà bản thân suốt đời mờ nhạt; chắc là không may mắn, không gặp thời nên cứ âm thầm, le lói suốt đêm thâu. Ờ nhỉ! Cái vận may luôn góp phần cho sự thành công mà sự thành công đã được nhà Bác Học A. Einstein [6] đã khích lệ cho học sinh bấy giờ bằng công thức A=X+Y+Z. Thật là không may cho những ai có chí phấn đấu trong sự nghiệp mình nhưng không thành công. Không thành công thì cũng thành nhân. Không thành công cũng có nghĩa là không gặp thời. Trong đời nầy, người gặp thời thì bay cao như diều gặp gió, dù chẳng có tài cán chi. Nếu vận may qua rồi thì người có tài phải đành nuốt hận. [7]
Cành cây xoài tứ quý trĩu quả, phản chiếu ánh đèn đườngtrước nhà, lồng bóng hoa lỗ đỗ xuống sân tráng xi măng trước mắt hắn. Bóng hắn soi xuống sân khác nào hình ảnh một con chim lạc [8] trên trống đồng Ngọc Lũ, mà hắn là con chim lạc già mỏi cánh. Chắc là đúng vậy! Hắn đã lên hàng tám rồi. Hình ảnh con chim lạc già đó đã từng nung nấu nhiều hoài bảo cho hắn, còn bây giờ, hắn không thể ôm nó nữa vì lực bất tòng tâm. Không như cây xoài đến mùa, ít nhiều, vẫn ra trái quanh năm. Lần nầy, cây xoài ra trái nhiều gấp ba lần trước. Có lẽ hắn đã bón cho nó phân NPK và phân lân dễ tiêu. Phân lân làm mạnh bộ rể và cho ra nhiều hoa. Nhiều hoa thì nhiều quả. Hắn không thể xịt thuốc tăng đậu quả, để có trái nhiều hơn vì cây quá cao. Hắn bón phân bằng cách lấy một cây xà beng, đưa đầu nhọn thọc sâu xuống đất khoảng 1m, đặt một ống nhựa cho đất không lấp đường thông, cho phân vào đó và tưới nước. Bón phân cho cây to như thế thì hiệu quả hơn là rải phân trên mặt đất, quanh gốc cây, vì như vậy, rể cây sâu dưới mặt đất không ăn phân được, nước tưới cây sẽ cuốn phân trên mặt đất trôi đi mất. Thế là công toi. Năm năm trước, một cơn lốc đầu mùa mưa ập đến, cây xoài bỗng trốc gốc ngã xuống sỗng soài, choáng đầy một góc sân. Thấy thế, mọi người qua lại trên đường, ai cũng bảo nên chặt đi để trồng lại cây khác, nhưng hắn tiếc nuối, không chặt vì trồng được một cây ăn quả đang ra trái, đâu phải chuyện của sớm-chiều. Hắn thuê máy Kobe dựng nó dậy, đấp gốc, buộc 3 sợi dây chằng lại. Mấy năm sau, hắn mới tháo dây ra. Vậy mà cây xoài vẫn sống và vẫn ra trái liên tục. Nhà có xoài, cũng hay. Mấy lúc con cháu ở Saigon về chơi, lúc nào xoài cũng có trái; chúng trèo lên cây hái trái rồi bào xoài, ăn với nước mắm đường, hay mắm ruốc, ngon đáo để. Lúc về Saigon, chúng còn vui đùa hái xoài để làm quà cây nhà lá vườn cho bè bạn. Hắn cảm thấy vui lây!
Miên man suy nghĩ vu vơ, hắn như quên điếu thuốc trong tay. Hắn không hút nhiều. Mỗi ngày chừng dăm ba điếu đi đôi với sự trầm tư. Sợi khói từ đầu lửa đỏ điếu thuốc Jet hút dở trong tay trái hắn tỏa ra vòng vèo và tan biến nhanh trong không khí. Sợi khói cuồn cuộn như sóng biển để điếu thuốc cháy rất nhanh! Có người ví đời người như bóng câu qua cửa sổ [9] mà cũng có người ví đời người qua mau như làn khói thuốc lá. Kìa! Xem nó mới bay ra, trong phút chốc, nó tan biến ngay trong khoảng không trước mắt. Mất tiêu! Nó tan trong không khí hay tan vào hư không. Thời gian trôi qua rồi, không bao giờ trở lại. Ngẫm đời người rất ngắn, “cha mẹ, mới sớm chiều thôi mà tóc bạc phơ phơ như tuyết trong gió lạnh lùng.[10] Cho nên, người nào cao tuổi mà còn cha mẹ, thật là một điều phước hạnh.
Đi khắp thế gian không ai sánh bằng mẹ,
Gian khổ cuộc đời ai nặng gánh hơn cha.
Hai câu thơ trên làm xao lòng người đọc! Trên thế gian nầy, quả thật, không bao giờ có năng lượng nào sánh nổi công ơn trời bể của cha mẹ.
Hãy quay lại chuyện của hắn. Hắn phải viết một bài viết ngắn. Một bài viết theo thể loại tùy bút. Tùy bút là viết tùy tiện, chọn lọc ý tưởng theo dòng suy nghĩ của mình. Viết gì đây? Phản ánh điều chi? Viết là phản ánh nội dung hiện thực xã hội, con người và cuộc sống. Văn học là tấm gương phản chiếu hiện thực xã hội thời đại, tránh những điều hư cấu, tưởng tượng và những yếu tố siêu nhiên. Ngòi bút không phản ánh tràn lan như quay phim, tức là có sao viết vậy, thậm chí phản ánh những việc không cần thiết, vô nghĩa, mà phải chọn lọc những nhân vật điển hình hay hoàn cảnh điển hình [11] để tả thực và phê phán. Tính cách điển hình và hoàn cảnh điển hình có mối quan hệ biện chứng. Tính cách là sản phẩm của hoàn cảnh. Vì hoàn cảnh luôn thay đổi, vận động nên tính cách cũng không ngừng phát triển. Tác phẩm văn học nào ít nhiều cũng phản ánh hiện thực. Nó là tấm gương phản ánh chân thực sâu sắc những hình ảnh, cuộc sống xã hội đương thời. Chẳng hạn, khi lên án một xã hội tư bản thối nát, phương Tây, nhớ có một tác giả nào đã minh họa hình ảnh một cô gái điếm trẻ say gục bên một đống rác hôi thối đầy ruồi nhặng, sát bên một khu phố giàu sang, bên cạnh cô là một bé gái đáng thương, con gái của cô ấy, mặt mũi lem luốc, rách rưới đang kêu gào vì đói. [12] Ngày nay, trào lưu hiện thực phê phán không dừng lại ở tác động phê phán xã hội như thế, mà nó còn hướng tới một tương lai tươi sáng…tức là không những phản ánh những sự việc xảy ra bên đống rác mà nó cho người đọc nhìn thấy một khung trời rực rỡ đầy ánh sáng huy hoàng, lồng bóng trong vũng nước bên cạnh đống rác. Đó là hình ảnh có thể là hư cấu, phản chiếu của một xã hội ngày mai tươi sáng. Một xã hội lý tưởng, toàn dân giàu có, ấm no hạnh phúc; đất nước thanh bình, của rơi rớt không ai nhặt lấy; không đạo tặc, không bần cùng.
--Thôi! Ngưng đi, đừng nói nữa! Hắn tự nhủ. Lý luận văn học nghe khô khốc như hồi còn ngồi trên ghế nhà trường, một âm điệu chẳng tự nhiên vui vẻ tí nào, nếu không nói là làm “nhột” tai người đọc mà thôi. [13]
“Vậy thì mình viết cho ai?”, hắn thầm nghĩ. Viết cho bạn bè? Không! Tất cả đều già cả, mắt hom hem, lực bất tòng tâm, hơi sức đâu mà đọc? Viết cho lớp người trẻ chăng? Cũng không! Lớp người nầy có biết hắn là ai mà đọc. Các em đó chỉ biết xem văn Thầy mình hay những người nổi tiếng và có thể đa số nhất là chỉ “chat” nhau trên messenger, còn rảnh đâu mà xem. Viết cho lớp thiếu nhi chăng? Lại càng không nốt! Các em chỉ biết vui chơi, vui games, vui chuyện cổ tích…đâu hiểu gì về văn nghị luận mà đọc. Thôi thì mình cứ viết vu vơ, “mình viết cho mình”, ghi lại tâm tình mình trong một thời điểm, như mơ màng đi tắm trên một dòng sông mộng. [14]
Đến đây, hắn chợt nhớ Thầy Nguyễn Duy Linh, đã dạy hắn môn GDCĐ năm học 1963-1964. Thầy hiện khỏe mạnh, sống tại San Jose, CA. Thầy có tặng cho hắn một tập thơ: “Thơ viết cho Mình” vào ngày họp mặt 01.01,2014. Tập thơ đó gồm 105 bài thơ viết về:
Quê hương, Đời và những suy tư, Tình yêu và nỗi nhớ, Hoa cảnh với người, Những vần tặng bạn, Nhớ về Sư Phạm. Thơ Thầy rất hay. [15] Hắn còn nhớ một bài thơ Xuân rất trẻ trung, duyên dáng của Thầy:
Mai sớm nở
Xuân đến rồi ư? Mai nở sớm
Còn hai tháng nữa mới qua năm.
Chắc sợ ta già - “đi” bất chợt
Nên rủ nhau về, để kịp thăm?
Cuối tháng 10 Tân Mão, 11/2011.
Nguyễn Duy Linh
Bài thơ mở đầu là một tâm trạng, một nhận thức để hỏi và trả lời một cách đáng yêu. Nhân vật trữ tình chắc là bộn bề công việc. Đồn anh đóng ven rừng mai. Nếu mai không nở, anh đâu biết xuân về hay chưa? [16] Chợt thấy hoa mai nở rộ trong vườn nhà, tác giả mới biết rằng Xuân đã đến. Nhưng nào phải vậy đâu. Theo lịch thì còn hai tháng nữa kia mà! Nhưng tại sao mai sớm nở? Hỏi tức trả lời. Mai sợ ta “đi” bất chợt, người già vẫn vậy, cho “nên rủ nhau về, để kịp thăm”.
Lời thơ rất tự nhiên, duyên dáng, thể hiện một tâm lý thiếu vắng sự thăm viếng của bạn bè. Mà thật thế! Nghỉ hưu là buồn, khi nào mà bạn bè đến nhà thăm thì vui mừng biết bao.
Vị khai quốc công thần bị bạc đãi Nguyễn Trãi, khi về hưu ở Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương quạnh vắng, cô đơn cũng than thở:
Nhàn trung tận nhật bế thư trai,
Môn ngoại toàn vô tục khách lai. [17]
閑中盡日閉書齋,
門外全無俗客來。
Trong cảnh nhàn, cuối ngày, đóng phòng sách,
Ngoài cửa hoàn toàn không có người khách tục nào.
“Không có người khách tục nào”, phải chăng Cụ Ức Trai vẫn muốn có một người khách làm bạn với mình, hàn huyên tâm sự cho lòng vơi đi nỗi cô đơn chất ngất trong khoảng cuối đời nghỉ hưu. Không có bạn đến chơi thì Ông còn có một sân đầy hoa soan nở trong mưa phùn cuối Xuân, còn Thầy mình thì có một vườn “Mai nở sớm”, thay vì thân hữu đến thăm. Chưa có bạn đến thăm thì có hoa đó. Thân hữu là “hoa”, hoa màu sắc rực rỡ, muôn đời vẫn đẹp. Có hoa gần gũi, nhất là những ngày Xuân, thì đời còn gì thú vị hơn?!
Hắn thầm nghĩ. Hoa mai ở vườn nhà Thầy mình nở sớm, nở trước Tết hai tháng; biết đâu đến ngày rằm tháng chạp, khi tuốt lá chúng thì những cây mai ấy sẽ nở hoa lần nữa, kịp đón mừng Xuân mới, chắc là may mắn lắm. Nếu quả vậy, nó sẽ đem lại niềm vui tăng tiến bội phần.
Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tác dạ nhất chi mai.
莫謂春殘花落盡,
庭前昨夜一枝梅。
Nghĩa là:
Đừng tưởng Xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước một cành mai.
Đó là bài kệ “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác Thiền sư [18] Hết Xuân thì hoa tàn, rụng hết. Lẽ thường là vậy. Đã hết mùa Xuân, những cánh hoa mai tàn héo đều đã rụng hết rồi, nhưng đêm qua, trước sân, ngạc nhiên sao, có một cây mai đã nở một cành mai mới tinh khôi. Hoa mai nở hai lần!
Hai câu kệ bao hàm một triết lý nhân sinh. Sự chết không phải là cái chấm hết của đời người mà sự nghiệp của người chết vẫn còn tồn tại. Như cành mai đã rụng hết rồi nhưng đêm qua, hoa mai hồi sinh, chợt nở trước sân. Chết mà sống như hạt giống phải nằm trong đất để chờ ngày nhú lên mầm sống tươi mới, rạng ngời. Cái thần bài kệ là điểm sáng trong hai câu cuối:
Đừng tưởng Xuân tàn, hoa rụng hết,
Đêm qua, sân trước, một cành mai.
thanh thoát, cao nhã và lộng lẫy biết bao!
Vậy là hoa mai nở hai lần!
Văn học đời Trần có truyện thơ khuyết danh “Nhị độ mai”, Hoa mai nở hai lần [19]. Mai nở hai lần, phải chăng là cuộc đời đôn hậu, may mắn, ngập tràn niềm vui.
Với mỹ cảm đó, các bạn khóa 2 SPS và hắn (1963-1965) kính chúc Thầy Nguyễn Duy Linh, an khang, hạnh phúc, ngập tràn niềm vui nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022.
Vậy đi! “Mình viết cho mình” vừa để tiêu khiển, vừa để lấp hết khoảng trống thời gian nhàn rổi nghỉ hưu. Viết về mình tức là đề cập đến “Cái tôi đáng ghét” [20], cái tôi tồi tệ vong thân, cái tôi bối rối, mò mẫm như “nhắm mắt đưa chân” trên con đường lạc lõng, hẩm hiu của số phận tất định, an bày mà những câu chữ nhảy múa vô hồn không thể nào ghi lại cho hết. Và phải chăng, chặng đường số phận đó của hắn đã in đậm nét những cảnh đời dâu bể, đa đoan. Cho nên, “viết cho mình”, viết bình thường, tự nhiên như khi hắn là đứa học trò cặm cụi làm một bài luận văn tại lớp, sắp xếp ý tưởng, viết cho kịp giờ nộp bài, hơn năm mươi năm xưa. Và viết như thế, tuy rất bình thường nhưng điều đó thật là thú vị.
Bây giờ đã hơn 4 giờ sáng. Miên man suy tưởng, hắn không biết là sương đã xuống lâu rồi. Hắn nghe hai vai áo thấm lạnh. Cảnh vật vẫn yên tĩnh như lúc hắn mới ra sân, ngồi dưới gốc cây xoài tứ quý. Chỉ có tiếng côn trùng quen thuộc rã rích thâu đêm. Nó ở đâu đó trong khóm chuối hột bên tường và vẫn đang cất cao tiếng kêu đếm nhịp thời gian đều đặn, chậm chạp, mệt mõi, rã rời. Vài con muỗi vo ve bên tai hắn. Mặc kệ nó! Trăng mùng 10 đã đi ngủ tận trời Tây, mây xám. Cái gàu của sao Đại Hùng đã lệch phương vị phần nào. Sự vật, thiên nhiên đều đã xoay chuyển, thay đổi. “Viết cho mình” như để khắc họa cô đọng sự vật trong một thời điểm nhất định. Thời điểm trong không gian hữu hạn và thời gian vô cùng, thuộc về cái tôi đáng ghét của hắn.
Kìa! Tiếng gà gáy như đang đua nhau “cầu kinh” cho đầu ngày mới, đối đáp nhau đây đó vang rân:
-Trời có mắt… à nghen! Trời có mắt… à nghen!
-Cocorico! [21] Đời cam khổ, thường thôi! Cocorico! Đời cam khổ, thường thôi!
- Trời chưa sáng… à nghen! Trời chưa sáng… à nghen!
Haha!
Tiếng gà gáy như tiếng vọng trong tâm hồn hắn, như lời khuyên giáo [22] . Đúng! Trời cao có mắt, luôn nhìn thấy, ghi nhận sự công bình và trả lại sự công bình cho người lương thiện. Cocorico! Đời cam khổ, 甘 苦; Đời ngọt, đắng; là chuyện thường tình. Cách xử thế của con người nên giữ “tứ bất năng” [23]. Tiếng gà như động viên hắn. “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. [24] Phải chăng, đường đi khó là để ta rèn luyện cho mình lòng quả cảm, [25] tính kiên nhẫn và thái độ quyết tâm? Đời nầy, chắc là không có sự thành công nào quá dễ dàng. Không có sự vinh quang nào mà không có gian khổ. [26]
Lại nữa!
-- Trời chưa sáng… à nghen! Trời chưa sáng… à nghen!
Ừa! Biết rồi! Bây giờ, Trời chưa sáng. Kìa! Bình minh! Trời sẽ bừng sáng thôi. [27]
***
Chú thích:
[1] Đây là kinh nghiệm tìm ý của Rudyard Kipling khi viết văn hoặc “đào sâu” một vấn đề:
Rudyard Kipling (1865 – 1936)) là nhà thơ, nhà văn Anh nổi tiếng, tác giả quyển sách “Cậu bé rừng xanh” và rất nhiều bài thơ hay. Ông từng viết 4 câu thơ:
I have six honest serving men
They taught me all I knew
I call them What and Where and When
And How and Why and Who
Phương pháp nêu câu hỏi nầy thường được dùng cho các trường hợp khi cần có thêm ý tưởng mới, hoặc xem xét nhiều khía cạnh của vấn đề, chọn lựa ý tưởng để phát triển trong viết văn, nghiên cứu…
Tạm dịch:
Tôi có sáu người chân thành trợ lý,
Họ dạy tôi kiến thức tuyệt vời.
Tôi gọi họ là gì, ở đâu, khi nào nhỉ,
Thế nào, vì sao với người nào ơi!
[2] Nguyễn Khuyến 阮勸 (15.02.1835-05.02.1909), lúc nhỏ tên là Nguyễn Thắng (阮勝), hiệu là Quế Sơn, tự Miễu Chi. Quê ngoại làng Văn Khế, xã Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Quê nội của ông ở làng Vị Hạ (tục gọi là làng Và), xã Yên Đổ nay là xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông có một người bạn tri kỉ tên là Dương Khuê.:
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa;
Giường kia treo những hững hờ,
Đàn kia gẩy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn
Khóc Dương Khuê, Nguyễn Khuyến.
[3] Tháng giêng là tháng ăn chơi,
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè.
Tháng tư đong đậu nấu chè,
Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng năm.
Tháng sáu buôn nhãn, bán trăm,
Tháng bảy ngày rằm Xá tội vong nhân.
Tháng tám chơi đèn kéo quân,
Trở về tháng chín chung chân buôn hồng.
Tháng mười buôn thóc, bán bông,
Tháng một, tháng chạp nên công hoàn toàn.
[4] Chòm sao Đại Hùng: Ngự trị trên bầu trời phương bắc, Đại Hùng (Big Dipper) và Tiểu Hùng (Little Dipper) vây quanh sao Bắc Cực (Polaris), giống như những đứa trẻ ngồi trên vòng đu quay. Chúng quay trọn vòng xung quanh sao Bắc Cực một vòng mỗi ngày – hay chính xác hơn là 23 giờ 56 phút. Nếu bạn sống ở vĩ độ vừa phải ở bán cầu bắc, thì chỉ cần nhìn về hướng bắc và may mắn là bạn sẽ nhìn thấy Đại Hùng trên bầu trời đêm của mình. Hình dạng của nó trông hệt như tên húy của nó (Gấu Lớn).
Hai ngôi sao ngoài cùng, phần cạnh xiêng bên phải của hình thang kéo dài 6 lần, chúng ta sẽ tìm thấy sao Bắc Cực, Polaris.
Một khi bạn đã tìm thấy Đại Hùng, Hai ngôi sao ngoài cùng, phần cạnh xiêng bên ngoài của hình thang kéo dài 6 lần, chúng ta sẽ tìm thấy sao Bắc Cực, Polaris.
[5] Luân canh: hết 1 vụ nầy, làm tiếp theo 1 vụ khác. Vụ lúa mùa +Vụ đậu phộng + Vụ lúa hè thu.
[6] Albert Einstein 14 tháng 3 năm 1879 – 18 tháng 4 năm 1955, là một nhà vật lý lý thuyết người Đức, được công nhận là một trong những nhà vật lý vĩ đại nhất mọi thời đại, người đã phát triển thuyết tương đối tổng quát, một trong hai trụ cột của vật lý hiện đại (trụ cột còn lại là cơ học lượng tử). Mặc dù được biết đến nhiều nhất qua phương trình về sự tương đương khối lượng-năng lượng được xem là "phương trình nổi tiếng nhất thế giới", (E=mc2 trong đó: E là năng lượng, m là khối lượng, c là tốc độ ánh sáng trong chân không). Ông lại được trao Giải Nobel Vật lý năm 1921 "cho những cống hiến của ông đối với vật lý lý thuyết, và đặc biệt cho sự khám phá ra định luật của hiệu ứng quang điện".[6] Công trình về hiệu ứng quang điện của ông mang tính bước ngoặt khai sinh ra lý thuyết lượng tử. “Giả sử A là sự thành công trong cuộc sống.
Vậy thì A = X + Y + Z, trong đó X = Làm việc, Y = Vui chơi, Z = Im lặng”
Vào ngày 17 tháng 4 năm 1955, Albert Einstein bị chảy máu trong do vỡ động mạch chủ và ông đã từ chối phẫu thuật, ông nói:
"Tôi muốn đi khi tôi muốn. Thật vô vị để duy trì cuộc sống giả tạo. Tôi đã hoàn thành chia sẻ của mình, đã đến lúc phải đi. Tôi sẽ ra đi trong thanh thản."
Ông mất trong bệnh viện Princeton vào sáng sớm hôm sau ở tuổi 76, nơi ông vẫn tiếp tục làm việc đến hơi thở cuối cùng. Thi thể Einstein được hỏa táng và tro được rải khắp nơi quanh vùng của Viện nghiên cứu cao cấp, Princeton, New Jersey.
[7] Đặng Dung (chữ Hán: 鄧容 1373 – 1414) là tướng lĩnh nhà Hậu Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông là con trai của Đặng Tất, người theo phò vua Giản Định đế, nhà Hậu Trần. Đặng Tất, sau bị Giản Định đế giết oan cùng với tướng Nguyễn Cảnh Chân. Giận vì cha mình chết oan, Đặng Dung cùng Nguyễn Cảnh Dị (con của Nguyễn Cảnh Chân) rời đi, lập Trần Quý Khoáng tức vua Trùng Quang tiếp tục khởi nghĩa. Ông có bài thơ nổi tiếng Thuật hoài, cảm khái lòng yêu nước của mình, có 2 câu nổi tiếng:
Thời lai đồ điếu thành công dị, 時來屠釣成功昜,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa. 運去英雄飲恨多.
Khi gặp thời thì anh hàng thịt, người câu cá, dễ thành công,
Nếu thời vận đã qua thì người anh hùng phải đành nuốt hận.
[8] Chim lạc: con chim lạc trên trống đồng Ngọc Lũ, theo các nhà nghiên cứu là con chim diệc, héron. Vậy dân tộc ta là dân tộc Việt, thuở ấy, chỉ căn cứ phát âm, đâu biết chánh tả như ngày nay. Tự hào thay, dân tộc VIỆT.
[9] bóng câu qua cửa sổ: Thành ngữ này lấy từ câu:
“Nhân sinh thiên địa chi gian, nhược bạch câu chi quá khích”, 人生天地之間, 若白駒之過隙.
dịch là “Đời người trong trời đất, cũng như bóng con ngựa câu trắng chạy qua khe hở”.
Câu là ngựa non tơ, ngựa tốt. Ngựa câu tế rất nhanh, nhìn ngựa câu chạy qua khe hở thì bóng nó càng nhanh gấp bội phần, ý nói thời gian qua nhanh vô cùng. Tế, chữ Nôm, 𨄊 nghĩa là ngựa chạy nhanh.
Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai
Nước sông trong chảy lộn sông ngoài
Thương người xa xứ lạc loài tới đây".
(Sách Nam Hoa kinh, Trang Tử, chương Trí bắc du).
[10] Quân bất kiến:
Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai,
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi?
Hựu bất kiến:
Cao đường minh kính bi bạch phát,
Triêu như thanh ty, mộ thành tuyết?
君不見:
黃河之水天上來,
奔流到海不復回?
又不見:
高堂明鏡悲白髮,
朝如青絲暮成雪?
“Huynh không thấy sao:
Dòng nước Hoàng Hà từ trên trời xuống,
Chảy ra tận biển không bao giờ trở lại?
Huynh lại không thấy:
Cha mẹ soi gương, buồn nhìn tóc bạc,
Sáng sớm nó mượt mà như nhung tơ;
Chiều tối, mái tóc kia đã thành tuyết trắng”.
Lý Bạch, Tương Tiến Tửu
Lý Bạch: 李白; (701 - 762), tự Thái Bạch (太白), hiệu Thanh Liên cư sĩ (青莲居士), là một trong những nhà thơ theo chủ nghĩa lãng mạn nổi tiếng nhất thời Thịnh Đường nói riêng và Trung Hoa nói chung. Lý Bạch làm hơn 20.000 bài thơ cả thảy, nhưng làm bài nào vứt bài đó, nên được biết tới là nhờ dân gian ghi chép lại. Nhà thơ Bì Nhật Hưu thời vãn Đường nói rằng: "Từ khi nhà Đường dựng nghiệp đến giờ, ngữ ngôn ra ngoài trời đất, tư tưởng vượt xa quỷ thần, đọc xong thì thần ruổi tám cực, lường rồi thì lòng ôm bốn bể, lỗi lạc dị thường, không phải lời của thế gian, thì có thơ Lý Bạch".
Ông được người đời tụng ca là Thi Tiên Lý Bạch.
[11] Điển hình: Đó là nhân vật mang tính hư cấu lý tưởng, mang tính phổ quát và có ý nghĩa giáo dục cao. Các nhà văn hiện thực nhìn cuộc sống dưới ánh sáng khách quan lịch sử, mô tả cuộc sống một cách chân thật, cụ thể chính xác; cho nhân vật hiện lên một cách “rờ rỡ trước mắt người đoc”. Những nhân vật điển hình hay hoàn cảnh điển hình thường mang trong nó tính phổ quát chung, là gương mặt và hoàn cảnh đại diện cho một lớp hoặc nhiều lớp người trong xã hội.
[12] Chao ôi! Chao ôi! Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ trong lòng Ðiền. Ðiền chẳng cần đi đâu cả. Ðiền chẳng cần trốn tránh, Ðiền cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời...
Nam Cao, Trăng sáng
[13] Đời thượng cổ có ông Hứa Do 許由 là một người sống ẩn dật ở trong chằm Bái Trạch. Vua Nghiêu nghe tiếng là người giỏi, mời ra xin nhường cả thiên hạ. Hứa Do từ chối, lui về ẩn tại núi Trung Nhạc phía Nam sông Dĩnh Thuỷ.
Sau, vua Nghiêu lại tìm đến, cố mời Hứa Do ra làm Tổng Trưởng cả chín châu. Hứa Do thấy vậy, không muốn nghe chuyện nữa, ra bờ sông Dĩnh Thuỷ rửa tai. Ngay lúc bấy giờ, Sào Phủ, 巢父 đang dắt trâu xuống bờ sông, gặp Hứa Do hỏi:
- Vì việc gì mà bác phải rửa tai như vậy?
Hứa Do thuật chuyện, Sào Phủ liền gò cổ trâu lại mà nói rằng:
-Ta toan cho trâu uống nước đây, lại e bẩn cả miệng trâu.
Nói đến đoạn dắt trâu lên quảng sông trên cho trâu uống nước.
Cao Sĩ Truyện
Có cả thiên hạ mà cố nhường cho người là lạ. Người nhường thiên hạ cho, mà không nhận cũng là lạ. Nghe thấy câu chuyện nhường thiên hạ cho là chuyện bẩn, phải đi rửa tai lại lạ hơn. Không để cho trâu uống cái nước đã rửa tai ấy, sợ bẩn miệng trâu lại càng lạ nữa.
Sào Phủ Hứa Do là tên một tích truyện cổ Trung Quốc, lấy tên hai nhân vật trong đó là Sào Phủ, 巢父 và Hứa Do, 許由. Theo truyền thuyết, hai nhân vật này sống đời vua Nghiêu.
"Chuyện giải buồn", Huỳnh Tịnh Của
[14] “On ne se baigne jamais deux fois dans le même fleuve” Heraclite. Không ai tắm hai lần trong cùng một dòng sông. (Theo triết thuyết Heraclite, sống (khoảng 535 TCN – 475 TCN) triết gia Hy Lạp là dòng sông chuyển động và thay đổi vĩnh cửu. Nếu tắm lần thứ hai hay nhiều lần đi nữa thì khi tắm, không gian, thời gian và hoàn cảnh của dòng sông đó sẽ không bao giờ giống nhau).
[15] …Những vần thơ rất hay, nó chảy ra một mạch như suối. Đọc những vần thơ của Thầy em có cảm tưởng như mình nhảy vào một dòng nước và dầu dòng nước chảy qua thác, qua ghềnh, qua đồi, qua núi với những thăng trầm của nó, nó vẫn chảy và không có gì cản được nó. Phần em, em cũng chẳng muốn bơi vào bờ làm gì, cứ tung tăng trong nhũng vần thơ ấy để thưởng thức cái hương thơm của nó: Hương thơm của lòng cao ngạo cũng như cái sự khiêm cung. Em cũng sẽ uống: uống cái ngọt ngào của cuộc sống cũng như cái cay đắng của tình đời. Uống rất nhiều mà không say, chỉ sảng khoái. Uống rồi hé mắt nhìn để thấy thời gian như bóng câu, để thấy núi đồi là nhỏ, thấy đất trời cao thấp, thấy non nước vẫn gần…” Lời bình của Bùi Đăng Khuê, CGS K1, SPS 62-64.
[16] Lời bài hát Đồn vắng chiều Xuân, Trần Thiện Thanh.
[17] Nguyên văn bài thơ
暮春即事 Mộ Xuân tức sự,
閑中盡日閉書齋,Nhàn trung tận nhật bế thư trai, Ngày tàn khép cửa phòng văn,
門外全無俗客來。Môn ngoại toàn vô tục khách lai. Cửa ngoài chẳng thấy khách thăm, hỏi chào.
杜宇聲中春向老,Ðỗ Vũ thanh trung Xuân hướng lão, Cuốc kêu Xuân muộn nôn nao,
一庭疏雨楝花開。Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai Một sân soan nở dạt dào mưa Xuân.(NT)
. Nguyễn Trãi 阮廌, (1380-1442), hiệu là Ức Trai, 抑齋 quê gốc ở Hải Dương. Ông sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống yêu nước, yêu văn học. Cha là Nguyễn Phi Khanh – một học trò nghèo chăm chỉ, học giỏi và đỗ đạt tiến sĩ còn mẹ là Trần Thị Thái – con gái của một gia đình quý tộc, Tể Tướng Trần Nguyên Đán (1325-1390).
Thuở nhỏ Nguyễn Trãi sống với mẹ và ông ngoại, năm lên 6 tuổi thì mẹ mất, ông được ông ngoại trực tiếp dạy dỗ và rèn luyện.
Năm 1400, ông đỗ Thái học sinh (nay gọi là tiến sĩ), lúc bấy giờ cả hai cha con ông đều được triều đình trọng dụng và làm quan cho nhà Hồ.
Năm 1407, nước ta bị giặc Minh xâm lược, cha ông bị bắt đem về Trung Quốc. Ông cùng với Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, sau 10 năm, quét sạch quân thù 1428.
Vào năm 1442, sau khi vào thăm ông, vua Lê Thái Tông băng hà đột ngột ở Lệ Chi Viên. Bọn gian tà ở triều đình cho ông âm mưu giết vua để cướp ngôi và kết án tru di tam tộc. Vụ án nầy mãi đến năm 1464, ông mới được vua Lê Thánh Tông minh oan.
Sự nghiệp văn chương: Quân Trung từ mệnh tập, Chiếu chế biểu, Bình Ngô đại cáo, Lam Sơn thực lục, Dư địa chí, Ức trai thi tập và Quốc Âm thi tập.
Nguyễn Trãi là một trong những danh nhân văn hóa thế giới được rất nhiều người biết đến và nể phục, ngoài là một nhà thơ nhà văn lỗi lạc, ông còn là nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao thiên tài đã có rất nhiều đóng góp to lớn cho tư tưởng nhân nghĩa truyền thống của dân tộc ta.
[18] Nguyên văn bài thơ và dịch nghĩa:
Cáo tật thị chúng
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Mãn Giác Thiền sư
告疾示眾
春去百花落,
春到百花開。
事逐眼前過,
老從頭上來。
莫謂春殘花落盡,
庭前昨夜一枝梅。
Dịch nghĩa bài kệ
Khuyên chúng sinh về lo lắng, khổ đau.
Xuân đi, trăm hoa rụng,
Xuân đến, trăm hoa nở.
Việc đời liên tục diễn qua trước mắt,
Tuổi già đến từ trên mái đầu.
Đừng tưởng Xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua, một cành mai đã nở trước sân.
Tạm dịch
Xuân tàn hoa rụng hết,
Xuân đến hoa tươi cười.
Cảnh đời phơi trước mắt,
Cao niên tóc bạc rồi.
Đừng tưởng Xuân tàn, hoa rụng hết,
Đêm qua, sân trước, một cành mai.
Ngân Triều
Mãn Giác Thiền sư: Mãn Giác (滿覺), 1052 – 1096, là một thiền sư Việt Nam thuộc đời thứ 8 của dòng thiền Vô Ngôn Thông. Sư nối pháp Thiền sư Quảng Trí và truyền tâm ấn lại cho đệ tử là Bản Tịnh. Với bài thơ "Cáo tật thị chúng", Khuyên chúng sinh về lo lắng, khổ đau; tật: 疾 : thân thể không khỏe gọi là tật; lo khổ - ghét giận – mau gấp – lanh chóng (Hán Việt từ điển Đào Duy Anh nxb Trường Thi 1937, năm Đinh Dậu 1937; thiết tưởng nên dịch là lo khổ; tức là ưu phiền dễ hiểu là lo lắng khổ đau); ông được nhiều người coi là một nhà thơ đại biểu của dòng thơ văn Lý – Trần.
[19] Nhị độ mai: Truyện thơ Nôm khuyết danh, đời Trần, gồm 2.826 câu thơ lục bát,
Tóm tắt cốt truyện: Mai công và Trần công là bạn thâm giao, có hôn ước. Mai Lương Ngọc và Trần Hạnh Nguyên là con của hai người. Mai công, trung thần bị hãm hại, gia đình ly tán, khổ sở. Mai Lương Ngọc nương náo ở nhà Trần Công. Hôm giỗ Mai công, Trần công nhớ bạn, bày lễ ở ngoài vườn, và khấn bạn rằng: Nếu họ Mai còn dòng dõi thì xin cho hoa mai trong vườn nở đều. Đêm hôm ấy, trời nổi mưa to gió lớn, hoa mai rụng sạch. Trần công buồn rầu muốn đi tu. Con gái ông là Hạnh Nguyên khuyên giải, xin khấn cầu lần nữa. Ba hôm sau, hoa mai lại nở đầy trên cây (vì việc này nên mới đặt truyện là Nhị độ mai, nghĩa là cây mai nở hoa hai lần. Đây được coi là một điềm may).
Cuối cùng, Mai Lương Ngọc đỗ Trạng nguyên, lấy Hạnh Nguyên và Vân Anh; Mai công được truy phong Trần công khỏi tù và thăng chức. Hai họ Mai Trần đều được ban thưởng. Kẻ ác bị trừng trị, người hiền gặp lành, hạnh phúc.
“Tác phẩm (Nhị Độ Mai) là câu chuyện có nhiều tình tiết, kết cấu không đơn điệu, mặc dù đôi khi tác giả đã quá lạm dụng các tình tiết khiến mạch truyện thiếu phần chặt chẽ và tự nhiên. Nhân vật tuy chưa được chú ý nhiều về đời sống nội tâm, nhưng một số cá tính cũng đã được khắc họa tương đối đạt.
Ngôn ngữ thơ nhìn chung là giản dị, trong sáng, có dùng chữ Hán, điển cố song liều lượng vừa phải và nhuần nhị. Sau Truyện Kiều và Lục Vân Tiên, Nhị độ mai là tác phẩm được quảng đại quần chúng yêu thích và được phổ biến rộng rãi.”
(Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phương Chi, Từ điển văn học, bộ mới, tr.1265-1266.)
[20] Cái tôi đáng ghét “Le moi est haissable, Blaise Pascal (1623-1662)”
Trong quyển «Les pensées», Blaise Pascal (1623-1662) giải thích “Cái Tôi đáng ghét” (Le moi est haissable) như sau:
-Do tự ái (amour-propre, amour de soi) và do tưởng tượng, con người tự xem mình như là «cái rốn của vũ trụ» (nombrilisme). Như vậy, người đó sẽ ích kỷ, chỉ nghĩ đến quyền lợi của chính mình và muốn người khác làm nô lệ cho mình, mỗi người là kẻ thù và muốn là bạo chúa của tất cả người khác (Chaque moi est l’ennemi et voudrait être le tyran de tous les autres).
- Tự ái khiến con người ra vẻ như sống chứ không thực hiện hữu, mơ mộng về cuộc đời hơn là thực sống (L’amour-propre pousse les hommes à paraître plutôt qu’à être, à rêver leur vie plutôt qu’à la vivre).
- Cuộc đời chỉ là một ảo tưởng liên tục, người ta chỉ lừa dối nhau và tâng bốc nhau (La vie humaine n’est qu’une illusion perpétuelle; on ne fait que s’entre-tromper et s’entre-flatter).
[21] Cocorico, danh từ giống đực, tiếng Pháp: Tiếng gáy ò ó o của con gà trống.
[22] Khuyên giáo: 勸教, đi đến những nơi công cộng như bến xe, bến tàu, chợ búa, lễ hội…để khuyên bảo, nhắc nhở mọi người làm điều thiện như bố thí, làm việc phúc đức, ở hiền gặp lành…
Một mình ở đất Đại Đề,
Sớm đi khuyên giáo, tối về quảy đơm.
Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu.
[23] Tứ bất năng: phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, lý tưởng bất năng hoặc; 富貴不能淫, 貧賤不能移, 威武不能屈, 理想不能惑; Giàu sang không mê hoặc được, nghèo khó không dời đổi được, sức mạnh không khuất phục được; lý tưởng không lung lạc được. Tức là không nên đem cái lý tưởng, cái ý kiến của mình để áp đặt, khống chế ai, bắt buộc phải tuân phục ý kiến mình; bài bác hết mọi ý kiến, lý lẽ nào trái với ý mình.
[24] Trích trong bài Chí mạo hiểm, lời khuyên học trò, của Nguyễn Bá Học.
Nguyễn Bá Học (1857-1921) là một nhà văn Việt Nam. Cùng với Phạm Duy Tốn, ông được giới văn học đánh giá là một trong những cây bút đầu tiên viết truyện ngắn hiện đại bằng chữ quốc ngữ trong văn học Việt Nam.
Nguyễn Bá Học quê ở làng Mọc, tên chữ là Nhân Mục, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Ông hai lần thi hỏng tú tài Hán học, rồi chuyển sang học tân học. Nguyễn Bá Học làm nghề dạy học trong suốt 31 năm ở Sơn Tây (thị xã), Hà Nội và Nam Định. Năm 1918 ông về hưu và bắt đầu theo đuổi nghiệp văn chương, viết truyện ngắn, bài chính luận và chọn dịch các bài Hán văn, Pháp văn, đăng ở tạp chí Nam Phong, tạp chí Đông Dương. Ông viết tác phẩm đầu tay, Câu chuyện gia đình khi đã 60 tuổi. Trong vòng ba năm (1918-1921), ông viết bảy truyện ngắn đăng trên tạp chí Nam Phong.
Năm Tân Dậu 1921 ông mất, thọ 64 tuổi.
[25] Quả cảm: 果敢, Tính tình dứt khoát, dám làm.
[26] A vaincre sans péril, on triomphe sans gloire. Pierre Corneille. (Chiến thắng không gian nan, thành công không vẻ vang).
[27] Tự thuật bài 1 - Quân tử cố cùng
Chửa chán ru mà quấy mãi đây,
Nợ nần dan díu mấy năm nay.
Mang danh tài sắc cho nên nợ,
Quen thói phong lưu hoá phải vay.
Quân tử lúc cùng thêm thẹn mặt,
Anh hùng khi gấp cũng khoanh tay.
Còn trời, còn đất, còn non nước
Có lẽ ta đâu mãi thế này?
Nguyễn Công Trứ
Nguyễn Công Trứ (阮公著, 1778 – 1858), tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hi Văn,[1] là nhà chính trị, nhà quân sự và nhà thơ Đại Nam thời nhà Nguyễn. Ông làm quan qua các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Ông nổi bật về việc khai hoang, mộ dân ở trung châu miền Bắc Việt Nam, và lập nhiều chiến công trong việc đánh dẹp các cuộc nổi dậy chống triều đình và trong Chiến tranh Việt–Xiêm (1841–1845).
Thân phụ là Nguyễn Công Tuấn tước Đức Ngạn Hầu, quê ở làng Uy Viễn, nay là xã Xuân Giang, Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, tri phủ Tiên Hưng – Thái Bình; thân mẫu là Nguyễn Thị Phan, con gái quan Quản nội thị tước Cảnh Nhạc Bá dưới triều vua Lê – chúa Trịnh. Ông mất ngày 14/11 năm Mậu Ngọ (tức ngày 7/12/1858), thọ 80 tuổi tại quê nhà làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân.
*
Ảnh minh họa: Bừng sáng.
Sau đây, tôi xin ghi lại lời nhận xét của Thầy tôi, Nguyễn Duy Linh:
Trả lờiXóanguyenduylinh33@yahoo.com
Đến: Ngan Trieu
Cc: cangsanjose@yahoo.com, Nguyen Duy Linh
Th 6, 11 thg 3 lúc 12:48
Cảm ơn Anh Ngân Triều vể bài viết mở đầu cho Tập truyện TRỜI - NON -NƯỚC, đăng trên Facebook.
Nhìn chung, tôi có mấy cảm nghĩ sau đây.
1/ Không khó để người đọc nhận ra đây là bài viết của môt nhà giáo - một nhà giáo có tác phong làm việc rất chỉn chu và nghiêm túc, với bài viết có lớp lang thứ tự, dẫn chứng kỹ càng, cặn kẽ từng chi tiết, theo một tư duy liền mạch, cho dù theo thề văn tuỳ bút, người viết được ghi lại những cảm nghĩ của mình một cách tương đối tự do.
2/ Người đọc cũng nhận thấy tác giả có một trình độ hiểu biết vững vàng về nhiều lãnh vực - những kỉến thức tích lũy được, không chỉ qua sách vở, trường ốc mà còn tử những chiêm nghiệm trong thực tế.
3/ Điều thú vị là tuy tác giả đã xác định viết ở đây là “viết cho mình “, bài viết vẫn kèm theo phần ghi chú trong đó giải thích kỹ càng từng chỉ tiết - phải chăng là do thói quen làm việc của một nhà giáo luôn cẩn trọng và chu đáo, hay vì sợ người đọc không nắm bắt được những điều tác giả đã phân tích, đã trình bẩy.
4/ Đoạn văn đặc sắc nhất, tâm đắc nhất theo ý tôi là mấy câu tác giả phân tách về tiếng gáy của con gà - những suy ngẫm vừa dí dỏm, vừa sâu sắc giúp người đọc nhìn rõ thêm tính cách của mình: giầu óc tưởng tượng, yêu thiên nhiên, lạc quan, hóm hỉnh và khiêm tốn …
Cocorico = Trời có mắt … à nghen. Tiếng gà gáy là một lời nhắc nhở, một lời cảnh báo …để con người tránh xa những hành vi xấu xa, độc ác, ….
Cocorico = Trời chưa sáng … à nghen. Tiếng gà gáy là một lời động viên để cho ta không thối chí, ngã lòng, tuyệt vọng trước những khó khăn, trở ngại và thừ thách trong cuộc sống….
5/ Tác giả trải lòng về những bước thăng trầm của cuộc đời mình, coi đó lnhư một phần tất yếu thuộc về định mệnh - sông có khúc, người có lúc - ‘Thoạt sinh ra thì đà khóc choé, Trần có vui sao chắng cười khì” nên bình tĩnh đón nhận, nỗ lực vượt qua, và dường như còn coi những bước thăng trầm đó là cơ hội để chiêm nghiệm và thâu thập thêm hiểu biết cùng kinh nghiệm mới. Cũng có đôi chút ngậm ngùi cảm khái vì kiếp người thì hữu hạn, may mắn cũng là môt yếu tố chi phối sự thành công, nên tự nhận mình là một cánh chim Lạc đã già không còn sực ôm hoài bão bay cao, bay xa như hổi còn trẻ nữa.
Tóm lại, một bài viết công phu, cẩn trọng như trên cho phép ta tin tưởng vào giá trị của tập truyện sẽ in ra. Hy vọng tập truyện sé sớm ra mắt chúng ta môt ngày thật gằn đây.
6/ Sau hết, tôi chân thành cảm ơn những mỹ cảm và mỹ ý tác giả đã ưu ái dành cho tôi củng lởi chúc phúc nhân dịp đầu năm. Chúc tác giả sức khỏe, bình an, mọi điều tốt lành may mắn trong năm Nhâm Dần này và nhất là cỏn nhiều cảm hứng viết thêm nhiều tác phầm hay.
Không mong gì hơn là chúng ta sớm có ngày gặp lại. Garden Grove, 19/3/2022
Nguyễn Duy Linh
Gởi từ iPad của Nguyễn Duy Linh