Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

Lại Nói Về Tiếng Việt Điên Khùng!/ Đào Văn Bình/ Tan loc Le chia sẻ

  Lại Nói Về Tiếng Việt Điên Khùng!

Đào Văn Bình

 Tiếng Việt điên khùng là tiếng Việt bí hiểm, kiểu cọ, rắc rối… viết ra không ai hiểu gì cả. Ngoài ra lại có nạn trình độ tiếng Việt quá kém, không phân biệt được nghĩa của các chữ mà cả ngàn năm nay, trẻ nhỏ, bà già trầu ai cũng hiểu…thế mà ngày nay “đỉnh cao trí tuệ” lại chẳng hiểu mà cứ viết bừa.

–Hầm và đường hầm. Chẳng hạn họ gọi “hầm Thủ Thiêm”, “hầm Hải Vân”. Hầm (trench, bunker) là một khoảng trống đào dưới đất để ẩn mấp (hầm trú ẩn) hoặc cất dấu vũ khí, tài nguyên. Thí dụ: Hầm chứa vũ khí, hầm chứa lương thực. Còn đường hầm (tunnel) là con đường đào dưới đất để di chuyển. Thí dụ: Đường hầm xuyên qua Đèo Hải Vân hay Đường Hầm Đèo Hải Vân. Báo VOV ngày 19/10/2019 viết, “Đi ngược chiều trong hầm chui, 2 thanh niên chết thảm.” Đường Hầm Tam Hiệp mà lại gọi là “hầm chui” đúng là ngu dốt, viết bậy.

-Bãi nhiệm và miễn nhiệmBãi là bãi bỏ. Còn miễn là không phải, không cần. Thí dụ: Miễn lễ, miễn thuế, miễn chiến bài, miễn tội, miễn dịch… Báo VOV trong nước viết, “Lý do bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bị miễn nhiệm”. Viết như vậy hoàn toàn sai, mà phải viết, “Lý do bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bị bãi chức/bãi nhiệm.

-BBC tiếng Việt ngày 15/10/2019: “Ứng dụng tuyên truyền của TQ theo dõi hành vi người dùng.” Tôi đố người Việt trên toàn thế giới hiểu được tiêu đề này nói gì. Đây là loại tiếng Việt điên khùng nặng.

-Báo VOV (Đài Tiếng Nói Việt Nam) ngày 18/10/2019: “Đoàn cán bộ báo chí Lào thăm VOV, tìm hiểu kinh nghiệm đa phương tiện.” Tôi đố người Việt trên toàn thế giới hiểu được tiêu đề này nói gì.

-Báo VOV (Đài Tiếng Nói Việt Nam) ngày 19/10/2019:  “Xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới”. Câu văn quá bí hiểm. Tôi xin người Việt trên toàn thế giới giải nghĩa giúp tiêu đề này nói gì. Thế mà báo VOV được chính phủ khen là tờ báo tiêu biểu, gương mẫu cho cả nước. Thật quái đản!!!

Hoàn thành biến thành “hoàn thiện”. Trong nước bây giờ tiếng Việt quá kém cỏi, không phân biệt được thế nào là “hoàn thành”, thế nào là “hoàn thiện”. Xây xong một cây cầu, một ngôi chùa, một trung tâm thương mại… là “hoàn thành” hay “hoàn tất”, không phải là hoàn thiện. Hoàn thiện là làm cho tốt đẹp, thí dụ: “Hoàn thiện nhân cách con người”. Thiện có nghĩa là tốt, giỏi như thiện nhân, thiện xạ, thiện lương, thiện nam tử, thiện nữ nhơn.

-“Hoạt động trong khuôn khổ của hiệp định” biến thành “Hoạt động trong hiệp định khung”. Làm gì có cái gọi là “hiệp định khung”? Dịch như thế vừa dốt tiếng Anh, vừa ngu tiếng Việt.

-BBC tiếng Việt ngày 19/10/2019: “Cú ngã” của thứ trưởng và “trí thức tinh hoa” gặp khó”. Rơi  từ lầu tám xuống đất chết sao có thể gọi là “cú ngã”. Trình độ tiếng Việt như thế mà cũng đòi cầm bút. Ngoài ra cách chấm câu cũng không rành. Một câu trong đoạn văn có dấu trích dẫn (“) thì phải dùng dấu (‘) chứ không thể dùng dấu (“).

-BBC tiếng Việt ngày 7/7/2019: “Asanzo, Big C, Vingroup có khổ vì tâm lý dân tuý ở VN?” Xin BBC tiếng Việt cho biết “tâm lý dân túy” là gì? Có thể người viết cũng chẳng hiểu mình viết gì. Theo tự điển tiếng Anh, “ Populism” mà trong nước gọi là “Chủ Nghĩa Dân Túy”  được định nghĩa như sau : A political approach that strives to appeal to ordinary people who feel that their concerns are disregarded by established elite groups. Như vậy Populism là một phong trào, một khuynh hướng chính trị hướng về tầng lớp bình dân thay vì giành địa vị lãnh đạo hoặc thiên về giai cấp ưu tú giống như Mặt Trận Bình Dân (Front populaire) của Pháp năm 1936 tranh đấu để bảo vệ quyền lợi của tầng lớp công nhân. Như vậy Populism có thể tạm dịch là phong trào bình dân, phong trào quần chúng, chủ nghĩa hướng về dân đen.

Đường tiểu ngạch. Báo VOV ngày 22/10/2019 viết,   “Phượng sẽ từ Thái Lan về Việt Nam thăm gia đình theo đường tiểu ngạch”. Viết như thế này chẳng ai hiểu “đường tiểu ngạch” là gì cả. Thực ra nó chỉ là “các ngõ ngách ở biên giới” thay vì đi đường chính.

-Báo VOV ngày 22/10/2019: “Sân bay Long Thành – Hạ tầng “khủng” kích bất động sản Đồng Nai.” Đố toàn dân Việt Nam hiểu tiêu đề này nói gì. Đúng là tiếng Việt ngu dốt và điên khùng!

Bức xúc. Hiện nay tôi đã đọc biết bao lần hai chữ “bức xúc” thậm chí nghe các ông “chống cộng” ở hải ngoại này bắt chước nói “bức xúc” mà thực sự tôi vẫn chưa hiều “bức xúc” là gì? Phải chăng là bực bội, bực tức, bị dồn nén, bị bức bách? Nếu đúng vậy thì tại sao không dùng mà lại dùng một chữ lạ hoắc khiến ít ra dăm ba triệu người Việt không hiểu nghĩa của nó ra làm sao.

Vậy thì tôi lạy các ông ký giả BBC và VOV thôi đừng viết nữa kẻo lâu rồi sẽ biến Việt Nam thành một dân tộc có tiếng nói khác hẳn với tổ tiên, khác hẳn với đồng bào xa quê mà vẫn còn giữ được tiếng Việt truyền thống. Ngôn ngữ bất đồng khiến chia đôi hay chia ba dân tộc. Nhớ lại ngày 30/4/ 1975 khi nghe Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam ra thông cáo yêu cầu Quân-Cán-Chính VNCH ra trình diện để “học tập cải tạo” cả Miền Nam ai cũng nghĩ rằng tới một trung tâm, trại nào đó nghe giảng về chính sách mới một tháng rồi cho về. Nào ngờ “học tập cải tạo” là đi tù “mút mùa Lệ Thủy”, không xét xử, không bản án.

Thật là kinh hoàng khi mà chính người Việt Nam khi về thăm quê bây giờ phải đem theo một thông dịch viên mới có thể hiểu “người Việt mới” trong nước nói gì. Đúng là thảm họa văn hóa!

Đào Văn Bình

-0-0-0-

Góp ý:

Đúng là một thảm họa về văn hóa ngôn từ tiếng Việt rất hay và thâm thúy của miền Nam trước 30-4-75, sau ngày đau buồn này tiếng Việt đã bị "biến chuyển" một cách buồn cười, bừa bãi và chẳng có một ý nghĩa gì. Đã vậy, giới truyền thông hải ngoại đa số lại còn dùng cái ngôn ngữ Việt ba láp này trên văn viết lẫn nói chuyện như là tiếng Việt thuần túy. Hy vọng đất nước thay đổi nhanh để chúng ta không còn bị càng lúc càng nói chuyện bằng một thứ tiếng Việt buồn cười và kém văn hóa.

ĐH

Nhân đọc bài “Lại về tiếng Việt điên khùng” của ông Đỗ Bình, Thanh-Hương xin bầy tỏ vài ý tưởng liên quan đến vấn đề này:

Thanh-Hương có thể hiểu được lý do mà người trong nước phải dùng văn ... để sống còn, và rồi với thời gian đã trở thành thói quen.  Tuy nhiên TH không hiểu được vì lý do gì mà những đài BBC, VOA, RFI, Á Châu Tự Do, Tiếng Nói Việt Nam, Little Saigon, hay các cơ sở ấn loát bên này, dù đã ở bên ngoài sự kiểm soát độc đoán của vc, lại dùng danh từ ...!

Có phải vì ban Giám Đốc các cơ quan truyền thông này nghĩ rằng phải dùng những danh từ bịa ra từ giới cầm quyền ngu dốt, lập dị, thiếu học, thì người trong nước mới hiểu được?  Nếu thực sự như vậy thì họ đã coi thường sự thông minh của thế hệ đã sống trong thời VNCH và óc học hỏi những điều mới lạ của thế hệ trẻ.  Thế hệ đã lớn lên trước 1975 vẫn hiểu được ý nghĩa của những danh từ mà 45 năm trước họ đã từng dùng, từng nghe, từng yêu mến.  Thế hệ trẻ có cơ hội học những danh từ, tuy mới đối với họ, nhưng dần dà sẽ hiểu và áp dụng trong đời sống, vì đó là ngôn ngữ dân tộc.  Có phải vì ban Giám Đốc các đài truyền hình, truyền thanh không muốn tốn thêm ngân qũy để gia tăng nhân viên trong Ban Biên Tập để kiểm soát, cắt xén, lọc lựa những danh từ vc khi đăng lại những mẫu tin lấy từ bên nhà? Nếu thực sự như vậy thì thật là đáng tiếc.  Chỉ vì tư lợi mà họ đã bỏ qua cơ hội phổ biến sự trong sáng, đúng nghĩa của tiếng Việt.  Những thế hệ trẻ và những thế hệ trong tương lai ở trong nước và hải ngoại sẽ không bao giờ biết đến một thứ tiếng Việt mà có một tác giả đã gọi là "trong sáng, thanh lịch và duyên dáng", nếu những cơ sở thông tin này tiếp tục phổ biến một cách vô trách nhiệm một thứ văn hóa mà ông Đào văn Bình gọi là “một thứ văn hoá quái dị”.

Ngoài ra, một tác giả khác đã yêu cầu, "hãy cố gắng giữ gìn cách ăn, cách nói của chúng ta, của các thế hệ cha ông chúng ta và truyền đạt lại cho con cháu chúng ta".  Một người bạn của Thanh-Hương còn có thêm ý kiến là cố gắng không xen tiếng ngoại quốc khi nói hay viết tiếng Việt. Cô ấy “bắt” các bạn phải bỏ 25 xu vào ống mỗi khi xen một chữ tiếng Anh hay tiếng Pháp hay tiếng nào khác.  ~Thanh-Hương

***
Chị Thanh Hương kính mến.

Em hoàn toàn đồng ý với chị về những lời nhận xét về việc dùng tiếng Việt sau 1975 của người Việt tỵ nạn ở hải ngoại, nhất là các đài phát thanh, báo chí.
Hiện chị em và bạn em là giáo chức dạy tiếng Việt ở Úc cũng cùng quan điểm với chị, khi truyền đạt tiếng Việt cho thế hệ sau. Chúng em nghe phát thanh Vietface, xướng ngôn viên ở Úc dùng những chữ nghe chói tai, nhưng họ không cho mình Comment, em tìm cách vào FaceBook của họ góp ý, không ai trả lời. Nhiều lần họ cũng trả lời.
Khi góp ý em đưa ra chữ để thế vì đôi khi họ trẻ quá họ không biết.
Một mặt chúng em qua Vietface bên Mỹ góp ý, hy vọng cùng một hệ thống họ sẽ nhận được. Bên Mỹ họ chịu lắng nghe, và sửa đổi ngay. Mình phải tìm mọi cách thôi chị ơi.
Riêng những bài viết thân hữu sưu tầm thường gửi đi, em đọc thấy những chữ sau 1975, trước khi đẩy đi em sửa rồi mới đưa đi.
Đôi khi em xem youtube, nếu có dùng danh từ sau 1975, em cũng góp ý luôn.
Ngặt nỗi, google dịch phần nhiều danh từ sau 1975, nên giới trẻ không có ai hướng dẫn thì lại dùng, làm cách nào đây hở chị?
Em rất cảm ơn chị Thanh Hương và chúc bình an cho nhau nha chị.
Kim Oanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét