Thứ Tư, 29 tháng 5, 2019

Hãy như Đông Âu 1989-1990 và 1 nền giáo dục nhân bản, dân tộc/ Trần Thành Nam.

Đi tìm nhân cách đã mất của người Việt
Trần Thành Nam


Hôm nay, trong bài giảng cho những người trẻ về niềm tin vào con người từ đâu ra – đó là từ những gì họ đã làm trước mắt chúng ta hoặc cho chúng ta, tôi đã kể lại câu chuyện mình đánh mất niềm tin vào nhân cách người Việt như thế nào, và từ đó tôi đã phải đi tìm nhân cách người Việt đã bị đánh mất ra sao?

Câu chuyện bắt đầu cách đây hơn ba mươi năm. Năm đó, tôi vừa tốt nghiệp cao học kỹ thuật và kinh tế từ Đông Âu, về nước. Đó là những năm tháng gian khó đặc biệt của đất nước ta dù đã hòa bình, đã sau chiến tranh nhiều năm, do những sai lầm trong cơn say chiến thắng và sự ngu muội của “những ngừơi thắng cuộc” chiến là chính những người như ông cha tôi và đồng đội của họ…

Đối với tôi, đó cũng là những năm tháng mà tôi phải đấu tranh nội tâm cam go nhất về việc chọn hướng đi cho cả cuộc đời mình, để sống sao cho ý nghĩa và đáng sống, “để đến khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trến đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người. ” Vâng, tôi vẫn thuộc lòng câu đó của Ostrowski qua nhân vật Pavel Korchagin  trong cuốn “Thép đã tôi thế đấy”

Trước đó, cả cuộc đời tôi đã được xắp đặt trước, rõ ràng: học giỏi, về cống hiến cho đất nước - như với tất cả bạn bè tôi. Nhưng, khoảng 80% lứa du học sinh chúng tôi đã quyết định không về nước… Tôi nằm trong số 20% còn lại, đang phân vân… chính vì cái anh chàng Pavel trong tôi đó!
Lùi lại một chút, thế hệ chúng tôi là thế hệ lớn lên trong chiến tranh, đã biết rõ, thấy rõ, chứng kiến bom đạn là gì, đổ xương máu hay mất mạng sống trong bom đạn chiến tranh đó là như thế nào. Và được học, được sống là một hạnh phúc lớn lao như thế nào. 

Từ khi vào lớp 1 chúng tôi đã phải đi học ban đêm bằng những cái đèn dầu con con, và phải tự đào hào và hầm cá nhân cho mình để tránh bom, mỗi đứa phải đào 1 mét hào chung và một cái hầm cá nhân của mình – thầy cô giáo phân công và chỉ chỗ rõ ràng, từng đứa từng chỗ…

Nhưng những đứa trẻ 6-7 tuổi còn thò lò mũi, cao chưa bằng cái cuốc cái xẻng ấy làm sao đào được hào và hầm (thường sâu trên 1 mét, rộng 60 đến 80 phân) cho mình?

Thầy cô không quan tâm điều đó, chỉ nói gọn: đó là “chỉ tiêu” của các em. Tôi hỏi; “Thưa cô, chỉ tiêu là gì ạ? ” Cô nói: về nhà hỏi bố mẹ! Và đúng là bố mẹ tôi và các bậc phụ huynh đều rất hiểu chỉ tiêu là gì…

Đến lớp 4 chúng tôi đã tự đào cả lớp học và hầm hào cho mình, lớp 7 chúng tôi xung phong đi bộ đội và nhiều bạn bè tôi đã vào thẳng thành cổ Quảng Trị để không bao giờ về học tiếp, cấp 3 chúng tôi chứng kiến trận chiến B52 trên không, lớp 10 quá nửa bạn bè lớp chúng tôi tham gia chiến dịch 1975…

Chúng tôi không được đi bộ đội (dù đã tình nguyện) vì một lý do: học giỏi. Vì thế, học xong là phải trở về cống hiến hầu như là câu trả lới tất nhiên và bắt buộc đối với tôi. Nhưng sự thực đất nước những năm tháng đó và sự thực đại đa số bạn bè tôi đã quyết định ở lại trời Âu, với một sự thực nữa: những gì đã và đang xảy ra với chế độ cộng sản trên các nước Đông Âu đó, đã làm “con người lý tưởng” hay “cỗ máy Pavel-hồng vệ binh” trong tôi chao đảo khủng khiếp.

Ở lại hay về nước? Tôi đã về phép với quyết định được ở lại thực tập sinh thêm 3 năm trong tay, tức là cánh cửa trở lại trời Âu rồi ở lại đó của tôi vẫn còn mở…

Nhà tôi ở Tp. HCM. Ba tôi, một cán bộ tập kết và một người cộng sản kiên cường, đang tại chức, khuyên tôi nên trở lại “học tiếp”. Đó là một bất ngờ, vì tôi thì muốn về đi làm và…”cống hiến”, và tôi cứ nghĩ ba tôi cũng muốn vậy. Mọi chuyện còn tạm chưa quyết định, và tôi ra Bắc về thăm quê Ngoại, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Đã có một chuyện rất nhỏ xảy ra trong chuyến đi Bắc đó làm tôi quyết định dứt khoát quay trở lại Đông Âu.

Tôi và mẹ tôi ra Bắc bằng tàu liên vận. Hai mẹ con ngồi ở khoang ghế cứng. Vì là tầu chậm, nó đỗ ở tất cả mọi ga và làm tôi rất thích thú. Ở mỗi ga, khoang tàu biến thành cái chợ hay hàng ăn, tùy vào thời điểm. Ngoài sự nghèo đói, lộn xộn, mất vệ sinh và nói chung là kém văn hóa là đặc trưng của những gì xảy ra trên chuyến tàu đó hay cho cả đất nước ta thời đó, điều tôi nhớ nhất và thất vọng vô cùng là: từ Nam ra Bắc tôi hầu như không thấy một nụ cười trên gương mặt một ai cả…

Ở một ga miền Bắc Trung bộ, tôi không nhớ ở đâu, hình như ở xứ Thanh, có một cô bé khoảng 14-15 đội lên tàu bán một rổ tép khô. Do đông người đi lại bán hàng va chạm, rổ tép khô của cô bé bị rơi đổ hết xuống sàn tàu, ngay trước mắt tôi và cách chỗ tôi ngồi chừng 1-2 mét.

Cô bé hốt hoảng lo sợ, luốn cuống quì xuống gom vội tép lại. Theo bản năng “ga lăng”, tôi lao ngay ra giúp cô bé vơ tép khô lại thành từng đống nhỏ. Cùng lúc đó, nhiều người xung quanh cũng đều xông vào, đa số cũng là những người bán hàng trên tàu như cô bé, xúm lại làm như tôi: vơ tép khô của cô bé gọn lại. Tôi cười nhìn mọi người và nghĩ: “Ồ, mọi người tốt quá! Thế mà mình đã nghĩ dân ta bây giờ không yêu quí nhau như trước nữa…”

Chưa kịp nghĩ hết ý trên thì tôi đã đớ người ra khi nhìn thấy mọi người không bốc tép khô vào rổ cho cô bé như tôi mà cho vào những cái túi riêng của họ! Một loáng, sàn tàu đã sạch trơn không còn tí tép khô nào! Và mọi người thản nhiên bỏ đi với những túm tép khô vơ vét được của họ, như không có gì xảy ra…

Tôi chẳng thấy nét mặt ai mừng rỡ hay buồn hay ái ngại gì cả, bình thường… Còn cô bé đứng dậy co dúm thút thít khóc bên cạnh rổ tép khô nay chỉ còn một vốc. Tôi cứ đứng bên cạnh cô bé, ngơ ngác và lòng rưng rưng với nắm tép khô còn chưa kịp đưa vào rổ của cô bé, và không hiểu tại sao mọi người làm như thế! Còn những hành khách trong toa tàu, trong đó có mẹ tôi, đã chứng kiến toàn bộ chuyện đó, cũng làm ngơ, không ai phản đối gì, cho là chuyện bình thường…
Cho đến hôm nay tôi vẫn còn khinh ghét con người mình vì lúc đó đã không làm được việc mình muốn làm nhất là gào thét lên:“Mọi người! Hãy trả lại tép khô cho cô bé! ”

Cho đến hôm nay, cái câu không được hét ra ấy vẫn cứ vang lên mãi không tha trong đầu tôi: “Hãy trả lại tép khô cho cô bé! ”

Để rồi, tôi không còn muốn trở về nước làm việc để “cống hiến cho đất nước” nữa. Bởi vì, từ hôm đó, ngay lúc đó, một điều gì lớn lao đã đổ vỡ trong tôi. Tôi đã mất niềm tin vào nhân cách người Việt, qua những gì tôi chứng kiến và trải nghiệm.

Sự kiện nhỏ đó đã làm tôi mất niềm tin vào nhân cách người Việt. Tôi không thể tự hào là người Việt nữa. Tôi quyết định quay lại trời Âu để “học tiếp” theo lời khuyên của ba. Thực sự, đó là một cuộc bỏ chạy của tôi. Nhưng tôi lại sợ mình sẽ chạy mãi. Sẽ không bao giờ quay trở lại đất nước này nữa.

Thế là tôi đưa ra một quyết định sai lầm lớn đầu tiên trong đời. Tôi nói: “Mẹ ơi, con muốn lấy vợ trước khi con quay lại thực tập tiếp”. Mẹ tôi bị bất ngờ, hỏi: “Tại sao con quyết thế? ” Tôi nói:“Nếu không lấy vợ thì chắc con sẽ ở lại, không bao giờ về nước nữa?”.

Ngày đó, quyết định học xong ở lại là quyết định giải thoát lớn lao, giống như người vượt biên vậy, xã hội coi là những kẻ phản bội, và ai cũng biết ở lại bên đó là chấp nhận xa gia đình mãi mãi, vì hạnh phúc của những người ra đi.

Ngay trong đợt về phép đó, tôi đã mang quà về gia đình cho mấy thằng bạn thân đã quyết định ở lại bên ấy, thấy gia đình chúng nó bị xã hội ghẻ lạnh phải nghỉ việc, bán nhà chuyển chỗ ở, thấy bố mẹ chúng nó tiếp tôi và nhận quà của con mình gửi về mà phải đi báo công an phường đến chứng nhận… tôi khiếp quá. Nhưng nay tôi đã quyết quay trở lại châu Âu, và để ngỏ khả năng ở lại bên đó vĩnh viễn… chỉ vì chứng kiến rổ tép khô bị đổ của cô bé trên tầu…

Sau khi nghe nói tại sao tôi phải lấy vợ, mẹ tôi không hỏi gì nữa mà nhất nhất làm theo ý tôi. Bà sợ “mất” con trai hoàn toàn.

Lúc đó, người tôi yêu, rất yêu thì không yêu tôi, còn người rất yêu tôi thì tôi chỉ quí trọng. Cả hai đều là bạn học, bạn thân của tôi thời phổ thông bom đạn. Tất nhiên, tôi chỉ có thể và nói mẹ xin cưới cho mình người thứ hai. Và ba năm sau thời gian thực tập sinh, tôi đã trở về nước làm việc, sống với người mình đã cưới vội để thả neo đó. Cái neo đó đúng là đã giữ tôi không phiêu bạt giang hồ. Nhưng đó là câu chuyện khác…

Câu chuyện chính ở đây là… những cái rổ tép bị cướp đi kia!

Mấy chục năm nay, sống trên đất nước XHCN này, chuyện những người đi đường vô tình bị rơi bịch tiền vung vãi ra và bị mọi người xông vào cướp trắng hết… đã là bình thường, nhưng những giấc mơ và câu hét “Mọi người! Hãy trả lại tép khô cho cô bé! ” vẫn cứ vang lên trong tôi.
Và tôi hiểu, đó là tôi vẫn còn đang đi đòi lại cho tôi nhân cách đạo đức người Việt ngày xưa mà tôi từng biết. Tại sao nó bị mất đi? Làm sao cho nó quay trở lại với người Việt? Tôi có tìm lại được niềm tin vào nhân cách người Việt như xưa nữa hay không? 

Đó là câu hỏi tôi đã thảo luận với các bạn trẻ sáng nay.

Tôi tin là có. Dù điều đó không dễ, và không nhanh được, nhưng rồi cũng sẽ tới ngày...

Những hạt giống độc hại nào đó đã nẩy mầm sau chiến tranh, nhưng đã được gieo từ lâu trước đó vào văn hóa dân tộc, chỉ là hồi bé tôi không nhận ra những rổ tép khô bị hất đổ và cướp mất mà thôi.

Và bây giờ nó đã là rổ tép khô của tôi rồi.
Mọi người! Hãy trả lại rổ tép khô cho tôi!

Trần Thành Nam

Xuất cảnh, muôn ngàn nghịch cảnh trên xứ người/ Đan Hà

Nước Pháp hay bất cứ một nước phương Tây nào cũng đều không phải là thiên đường như bạn nghĩ.
Paris , ảnh từ Internet
Bạn tôi, có thể được coi là thành đạt ở Việt Nam khi giữ chức vụ trưởng phòng kinh doanh một tập đoàn, chồng có công ty riêng tuy nhỏ nhưng cũng đủ lo cho gia đình cuộc sống thoải mái về kinh tế, có của ăn của để. Gia đình họ là hình mẫu lý tưởng cho nhóm bạn bè chúng tôi cả về kinh tế lẫn sự ấm êm hạnh phúc.
Đùng một cái nghe tin họ ly dị, rồi cô bạn tôi nhanh chóng kết hôn với một ngoại kiều Úc và theo chồng mới sang đó định cư. Chồng cô ấy không lâu sau đó cũng xuất ngoại theo diện kết hôn và đích đến cũng là nước Úc.
Lấy chồng Việt kiều Mỹ, bản thân là người tự lập với hơn 6 năm học – làm việc xa nhà, cũng như đã chuẩn bị sẵn tâm lý về những sự khác biệt văn hóa, nhưng những ngày đầu sang xứ cờ hoa, tôi vẫn bị sốc.
Hơn 2 năm sau hai đứa con cũng lần lượt được cha mẹ đón qua đoàn tụ. Trước khi đưa hai con qua, cô ấy mời bạn bè hàn huyên tâm sự, lúc đó chúng tôi mới được biết, họ đã ly hôn và làm kết hôn giả để cả nhà được đi qua Úc. Tôi hỏi bạn, có hài lòng với quyết định của mình không, cô ấy lắc đầu, mắt ngấn nước nói nhỏ: “Thôi coi như hy sinh vì con mày ạ”.
Sydney, ảnh từ Internet
Câu chuyện của cô ấy cũng đã gần chục năm nhưng nó vẫn khiến tôi không thôi đặt dấu hỏi, liệu quyết định của họ là đúng hay sai ? Cho đến khi chính tôi bước chân vào làm người trong cuộc, sống đời tha hương.
Tôi lấy chồng Pháp, sinh sống cùng chồng ở Việt Nam nhiều năm trước khi quyết định qua Pháp sống và hiện tại đã có gần 4 năm sinh sống ở Pháp. Thời gian không quá dài nhưng cũng đủ để tôi vỡ ra nhiều điều. Nước Pháp hay bất cứ một nước phương Tây nào cũng không phải là thiên đường như bạn nghĩ.
Ở đó có đủ chua cay, đủ thử thách và không dành cho những ai mong manh yếu đuối. Cũng phải nói rõ, tôi chỉ đưa ra những nhận định của mình từ cuộc sống thực tế ở Pháp chứ không dám lạm bàn đến cuộc sống ở các nơi khác, nhưng tôi tin sẽ có những tương đồng nhất định.
Khi mới qua Pháp, ngay sau khi đi làm các thủ tục giấy tờ cho việc tạm trú thì những người di dân như tôi (dù là di dân theo dạng nào cũng vậy) lập tức được chính quyền (thông qua văn phòng quản lý các vấn đề về người nước ngoài) cho đi khám sức khỏe, cho đi học phổ cập kiến thức căn bản về văn hoá, xã hội, luật pháp của nước sở tại và sau đó tuỳ vào trình độ tiếng Pháp đến đâu mà được sắp xếp cho đi học tiếng, trung bình khoảng 2 khoá học kéo dài từ 150 đến 300 giờ.
Khi hoàn tất các thủ tục giấy tờ định cư mỗi người sẽ được cấp một thẻ bảo hiểm tế, thẻ này mỗi khi đi khám bệnh, mua thuốc theo toa chỉ cần đưa thẻ ra để quẹt máy và có giá trị thanh toán như thẻ ngân hàng nhưng chỉ dành riêng cho lĩnh vực y tế và tỷ lệ thanh toán của thẻ trên tổng chi phí khám chữa bệnh là 60-75% tuỳ mức độ thuốc điều trị.
Tôi có việc làm ổn định cho một văn phòng đại diện của nước ngoài, cuộc sống của tôi khá thoải mái. Rời Sài Gòn theo chồng sang Anh là điều mà tôi không bao giờ nghĩ tới vì tôi không muốn đi nước ngoài.
Đối với trẻ con, chỉ cần được chấp nhận cho tạm trú thì dù quốc tịch là gì cũng được nhập học miễn phí cho đến hết bậc trung học cơ sở. Hai khoản y tế và giáo dục không phải lo lắng đã đủ khiến tôi choáng ngợp và tự nhủ, mình đã không sai khi theo chồng qua đây, thiên đường là đây chứ đâu.
Khi cái lâng lâng sung sướng của những thứ miễn phí hoặc cận miễn phí qua đi thì thực tế cuộc sống bắt đầu cho tôi những bài học. Trước hết là ngôn ngữ. Dù khá thông thạo tiếng Anh nhưng việc học tiếng Pháp cũng không đơn giản như tôi tưởng.
Hơn 40 tuổi, cái đầu tôi bây giờ có quá nhiều chi phối chẳng thể tập chung cho việc học. Dù học tập trung ngày 7 tiếng, tuần 4 ngày rưỡi đấy nhưng kết thúc tất cả các khoá học thì trình độ tiếng Pháp của tôi cũng chỉ ở mức nghe và hiểu những câu giao tiếp đơn giản hoặc nói chuyện mặt đối mặt một cách chậm rãi (vì tôi còn có thể nhìn khẩu hình mà đoán), con bằng thẩy vào một nhóm người giỏi lắm tôi cũng chỉ mơ hồ họ đang nói về đề tài gì thôi chứ không thể bắt chuyện.
Khi ngôn ngữ chưa thông thạo cũng đồng nghĩa với việc cơ hội kiếm việc làm trở nên thu hẹp. Tôi cần làm việc. Trước hết bởi nhu cầu của chính tôi là phải hoạt động, phải giao tiếp chứ không thể nhốt mình trong 4 bức tường chờ chồng mỗi ngày.
Thêm nữa, chồng tôi dù có một công việc ổn định đảm bảo cuộc sống cho gia đình nhưng cũng chỉ đến mức vừa đủ, muốn có chút dư dả nhất định tôi phải góp phần.
Nhưng ở Pháp phụ nữ tuổi trên 40 có con nhỏ như tôi thì đến người bản địa còn khó kiếm việc huống hồ một người chân ướt chân ráo mới qua, tiếng chưa rành, bằng cấp mình có ở Việt Nam chẳng có tác dụng vì không được chấp nhận nên việc xin một công việc văn phòng mưa chẳng đến mặt nắng chẳng đến đầu là một giấc mơ xa xỉ.
Kiếm tiền bây giờ chỉ còn những việc lao động chân tay như làm nail, phụ lau dọn nhà hàng (lau dọn thôi nha, phục vụ thì không đạt chuẩn ngôn ngữ, phụ bếp thì không phải ai cũng có khả năng). Mà làm nail cửa cũng hẹp cho phụ nữ tuổi trên 40 vì mắt đã bắt đầu kém, sự tỉ mỉ không có, trừ khi đó cũng là nghề từng làm ở Việt Nam chứ bảo qua đây rồi học e rằng mướt mồ hôi.
Tưởng lấy được chồng ở Mỹ và có cuộc sống tốt hơn, nhưng không ngờ người phụ nữ Việt cùng đứa con gái 11 tuổi bị chồng bắn chết và người chồng ấy cũng tự sát ngay sau đó.
Còn làm trong nhà hàng thì xác định luôn con cái sẽ thiệt thòi bởi nhà hàng làm việc vào giờ nghỉ của các gia đình, sớm thì cũng phải 11g đêm mới được nghỉ, chưa kể công việc chắc chắn rất vất vả cực nhọc. Tính tới tính lui cuối cùng tôi quyết định mở một nhà hàng nhỏ tại nhà để kinh doanh.
Việc kinh doanh ban đầu có vẻ cực kỳ thuận lợi từ thủ tục cho đến khâu chuẩn bị. Nơi tôi ở chưa có nhà hàng Việt nên ngay lập tức địa chỉ của tôi trở nên hút khách. Dù đã chọn loại hình kinh doanh là khách mua mang đi chứ không phục vụ tại chỗ nhưng những lúc cao điểm cũng phải 9g đêm mới được ra khỏi cái bếp.
Nhìn tiền thu về thì ham đấy nhưng không ngăn nổi cơn mệt mỏi đến rệu rã trong người. Việc nhiều đến độ tôi nghĩ đến chuyện thuê thêm người phụ giúp, nhưng tính đi tính lại thì không khả thi, bởi tại Pháp, để thuê một người lao động bị ràng buộc rất chặt chẽ về hợp đồng chưa kể đủ loại thuế và bảo hiểm người chủ phải trả cho người lao động, tính ra nếu làm nhỏ mà thuê người thì coi như hết lãi.
Thôi thì cũng đành chịu cực vậy, kiếm đồng lời đâu dễ. Sau năm đầu kinh doanh thấy cũng có lãi, so ra hơn đi làm thuê nên tôi phần nào yên tâm. Đến năm thứ hai kinh doanh ngày càng khá khẩm, chắc mẩm năm nay mình để dành được nhiều đây, nhưng cú sốc thuế đã hạ nock out tôi trong tích tắc.
Hoá đơn thuế, bảo hiểm cuối năm gửi về với số tiền cao chóng mặt, gấp nhiều lần năm trước khiến tôi choáng váng, hỏi ra mới hay, năm đầu được ưu đãi thuế nên mới dễ thở thế, chứ từ năm thứ 2 trở đi thuế chỉ có tăng không giảm.
Tính đi tính lại là huề vốn, coi như cả năm làm không công vì không tự trả lương, đấy là còn không phải trả tiền nhà chứ nếu thuê mặt bằng thì cầm chắc lỗ.
Hỏi thăm mấy người bạn kinh doanh bên này ai cũng bảo làm đủ ăn, đủ đóng thuế, đóng bảo hiểm là may rồi lấy đâu ra lãi. Pháp chẳng hổ danh là đất nước có nhiều loại thuế bậc nhất thế giới và được tự trào là : đánh thuế con gà vì nó sẽ đẻ trứng.
Quay lại câu chuyện của bạn tôi, từ khi có mạng xã hội thì chúng tôi cũng cập nhật thông tin về nhau dễ dàng hơn và bạn cũng mở lòng kể cho tôi nghe vì sao lại chọn con đường cả gia đình đi Úc.
Hồi đấy để được đi cả gia đình như thế bạn tôi đã phải chi ra số tiền không hề nhỏ, xấp xỉ trăm ngàn đô chưa kể tiền vé máy bay qua lại mấy lần cho hai người được thuê kết hôn cùng họ.
Bán tháo hết tài sản qua đến Úc chỉ đủ mua cái nhà, cái xe và rồi sau đó hai vợ chồng kéo cày nuôi con.
Cũng như tôi, bạn rất khó khăn để có thể xin được việc làm như ý vì bằng cấp không phù hợp mà học lại để kiếm việc tốt hon thì ai nuôi con nên đành chấp nhận làm chân lau dọn trong một nhà hàng thức ăn nhanh, chồng bạn thì xin làm trong một gara sửa xe, cuối tuần còn xin đi làm vườn cắt cỏ mới có chút tiền để dành.
Nhiều người bên nhà vẫn bảo, ở Việt Nam, sếp là trời, nói một là một, hai là hai, nhân viên răm rắp nghe theo. Còn ở Mỹ thì sếp và nhân viên ngang hàng, mặc sức tranh cãi.
Vất vả quá nên vợ chồng cũng chẳng thể vui vẻ hạnh phúc. Cái lý lẽ vì tương lai của con sao nghe đắng chát..
Không thể phủ nhận những cái tốt ở các nước phương Tây nhưng chắc chắn không phải thiên đường. Nếu bạn chỉ là một người lao động làm công ăn lương ở Việt Nam thì việc qua nước ngoài cắm đầu cày kiếm tiền đúng là có lý tưởng hơn thật.
Lý tưởng nhất để có thể sống bình yên đến già ở một nước phương tây là bạn phải sang đây từ nhỏ, ít nhất từ bậc đại học, thì mới có thể hoà nhập, học tập và kiếm được việc làm như ý. Sau tuổi 30 qua nước ngoài vẫn còn cơ hội nếu bạn giỏi ngoại ngữ và đã có bằng cấp chuyên món, qua đây chỉ phải học lại 1-2 năm là có thể đi làm, cày cật lực mấy chục năm may ra về già lãnh lương hưu mới đủ sống.
Ngoài 40 qua nước ngoài thì xác định luôn, hoặc là chồng bạn phải có thu nhập thật cao để bạn khỏi áy náy khi ngồi nhà, hai là phải chấp nhận làm những việc lao động chân tay không như ý muốn.
Mà có siêng năng đến đâu thì tuổi này cũng xác định về già tiền lương hưu chẳng đáng là bao vì thời gian làm việc của bạn không đủ để lãnh mức lương hưu tối đa. Đấy là chưa kể việc thiếu thốn tình cảm gia đình, thiếu các mối quan hệ bạn bè, thiếu giao lưu xã hội cũng sẽ khiến bạn chồng chất nỗi buồn.
Đôi khi phải đối mặt với sự kỳ thị đến từ những người xung quanh còn khiến bạn tổn thương gấp bội.
Nhiều người Việt ở Mỹ, có thói quen lo cuộc sống bên này thì ít, mà lo bên Việt Nam thì… nhiều.
Tôi chia sẻ với bạn những trải nghiệm của chính tôi, của các bạn tôi, những người đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Ở đâu cũng có cái được và cái mất, cái hơn và cái kém cho nên chẳng có chỗ nào là thiên đường cả.
Nếu bạn có một công việc tốt ở Việt Nam thì đừng nên đánh cược nó để lấy một cuộc sống chưa biết thế nào ở trời Tây. Thiên đường chính là nơi mình đang sống và chấp nhận nó như vốn dĩ của nó.
ĐAN HÀ

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2019

Biết ơn mình/Bs ĐỗHồngNgọc/ Cảnh Tú chia sẻ


            



BIẾT ƠN MÌNH
BS. Đỗ Hồng Ngọc

Ngay từ thuở nhỏ ta được dạy nói cảm ơn khi ai đó giúp mình. Lời cảm ơn không phải để xã giao mà thật sự biểu lộ lòng biết ơn chân thành của mình đối với người đó. 
Thế nhưng có lẽ chưa bao giờ ta được dạy nói cảm ơn ta vì nhiều khi ta coi chuyện cảm ơn mình là một điều gì đó lố bịch, kỳ cục, không cần thiết! Trái lại nhiều khi ta còn có khuynh hướng nói xấu mình, bất mãn với mình, thậm chí…nguyền rủa mình.


Nhiều người lớn tuổi nhìn vào gương mỗi ngày thấy mình già đi với những dấu chân chim ở đuôi mắt, vết hằn ở khóe miệng, nếp nhăn nhúm ở bàn tay
đã không thể chấp nhận được mình, đã âu sầu buồn bã, có người phải căng da mặt, bơm xóa vết nhăn hy vọng giữ mãi vẻ trẻ trung nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi cũng “hiện nguyên hình”, có khi tệ hơn!


Xây dựng hình ảnh về chính mình (self image) rất quan trọng. Nếu đó là một hình ảnh tích cực, nó sẽ giúp cho mình tự tin hơn và từ đó ảnh hưởng đến “môi trường”xung quanh, còn nếu là một hình ảnh tiêu cực thì sẽ rất không hay.

Có món đồ nào mà xài vĩnh viễn đâu, ngay cả những máy móc tinh xảo được làm bằng những thứ kim loại tốt nhất. Gần đây thấy trên báo quảng cáo một cái tủ lạnh cũ của Thụy Sĩ rằng đã được xài đến 20 năm mà vẫn còn chạy tốt. 
Như vậy nhiều người trong chúng ta có thể vỗ ngực nói rằng mình đã “xài”đếnsáu bảy chục năm mà hãy còn ngon đó chứ! Vậy ta phải biết ơn mình nhiều hơn.



Hãy thử xem bộ xương. Cơ thể ta có trên hai trăm cái xương lớn nhỏ được ráp nối với nhau để thành một khung xương, hoạt động được là nhờ các khớp, cũng đã xài được hằng mấy chục năm trời mà chẳng phải bơm dầu trét mỡ gì cả
Vậy mà nó vẫn làm việc trơn tru, êm rơ, chỉ khi ta tích tuổi, lớn tuổi rồi nó mới bị đau nhức chút đỉnh thì cũng phải thôi! Nhiều khi chỉ vì từ nhỏ ta đã không biết chăm sóc bộ xương đã làm cho nó bị lệch lạc đi như bị vẹo cột sống ở tuổi học đường, hoặc ăn những thức ăn làm cho các chất hoạt dịch giữa các khớp bị đơ cứng lại.

Ngay ở giai đoạn chấm dứt tuổi dậy thì, bộ xương đã hình thành với khối lượng xương cố định, chủ yếu là do di truyền nhưng cũng một phần do dinh dưỡng. Nếu biết quan tâm, thì ngay từ nhỏ đã phải được bồi dưỡng tốt để xương phát triển đầy đủ. Người lớn tuổi dễ bị loãng xương, dễ bị té ngã, đưa đến gãy xương, trật khớp. Nhìn một cành khô và một cành tươi thì biết. Cành tươi khó gãy vì vỏ dày, gỗ dai, nếu gãy cũng thường gãy dập; còn cành khô thì vỏ mỏng, gỗ giòn, khi gãy dễ gãy lọi. Nghiên cứu cho thấy người lớn tuổi, sau tuổi 65, rất dễ bị té ngã. Nữ dễ bị hơn nam.


Ngoài những chuyện gãy xương, trật khớp, rách cơ, dập phần mềm…còn có những biến chứng gần xa khác như viêm phổi, loét da, do phải nằm bất động trong một thời gian lâu dài. Để giảm bớt nguy cơ té ngã ở người lớn tuổi, cần quan tâm tới môi trường sống của họ. Chẳng hạn các cầu thang trong nhà sao cho dễ đi, không trơn trợt, bậc thang đều, ánh sáng đầy đủ. Tuổi gia mắt kém, cảm giác về độ chênh không còn chính xác, phản xạ chậm, cơ thể điều hòa vận động giảm nên rất dễ té.

Người lớn tuổi vẫn cần phải tích cực vận động – tập dưỡng sinh, đi bộ, chơi thể thao chẳng hạn
 – để tăng tính linh hoạt của các khớp và giúp cho cơ duy trì sự dẻo dai. Người ít vận động hoặc phải nằm một chỗ, tình trạng loãng xương càng xảy ra nhanh. Thuốc lá và rượu góp phần tăng tốc.
 Việc sử dụng estrogen để bù đắp phải được hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ bởi các bác sĩ chuyên khoa
Điều đáng để ý là một người khi lớn tuổi bị té ngã một lần thì về sau thì sợ hãi, ít dám vận động, do vậy mà sự phối hợp giữa thần kinh cơ càng kém, lại càng dễ bị té ngã những lần sau. Sự bảo bọc quá đáng của người thân trong gia đình càng làm cho người già thêm mau suy yếu.


Rồi thử xem bộ máy tuần hoàn của ta
Nếu biết rằng mỗi ngày trái tim ta phải co bóp cả trăm ngàn lần để đẩy một khối lượng máu khoảng 7.000kg không ngừng nghỉ, kể cả lúc ta ngủ, đi vào một hệ thống mạch máu giăng mắc mà chỉ riêng hệ thống vi mạch nếu nối lại đã dài hàng trăm ngàn cây số (hơn gấp đôi chu vi trái đất) để nuôi cơ thể, ta mới thấy sức hoạt động của bộ máy tuần hoàn tuyệt vời đến thế nào
Có cái máy bơm nào làm việc liên tục với khối lượng như vậy hằng bảy tám chục năm trời mà không phải thay pin, không phải chùi rửa gì cả?


Vậy mà chẳng những ta không nhớ, không biết ơn nó, nhiều khi ta còn hành hạ nó, đầu độc nó, buộc nó nhảy tưng lên với những chất như rượu, trà, cà phê, thuốc lá…
Chất nicotine trong thuốc lá chẳng hạn
chẳng những buộc nó phải làm việc nhanh lên mà còn lại co thắt các mạch máu nuôi dưỡng nó, làm cho nó bị thiếu dưỡng khí. Ta lại còn đầu độc tinh thần nó bằng cách luôn rên rỉ “Một trái tim khô, một trái tim mùa đông” hay hất hủi nó: “ngày rời Paris anh đã để quên con tim”…Thật ra một trái tim bình thường làm việc âm thầm bền bỉ đến nỗi ta tưởng như không có nó. Lúc nó lên tiếng “nhắc nhở”thì đã rắc rối rồi! Cho nên có một trái tim lành mạnh thật hạnh phúc mà nhiều khi ta không biết!

Còn mạch máu của ta cũng giống như những ống nước vậy. Khi ống nước còn mới thì nó dẻo dai, co giản dễ dàng, không có chuyện gì xảy ra, còn ống nước đã cũ thì khô cứng lại, độ thun giãn kém đi.
 Ở người cao tuổi, các mạch máu cũng dễ cứng hơn nên huyết áp dễ bị tăng cao. Huyết áp cao quá có thể gây ra những tai biến
Tăng huyết áp phải được theo dõi chữa trị đến nơi đến chốn. Bệnh tiểu đường càng làm gia tăng tình trạng tắc nghẽn mạch. Do vậy, các nhà chuyên môn đều khuyên ta bớt ăn đường, bớt uống rượu, bớt ăn muối, bớt ăn mỡ, không hút thuốc…


Rồi thử xem buồng phổi của ta. Đó là nơi ta trao đổi không khí để sống. Người ta có thể nhịn đói vài ba tuần, nhịn khát mười ngày nhưng không thể nhịn đói vài ba tuần, nhịn khát mười ngày nhưng không thể nhịn thở quá năm phút.
Thiếu oxy (dưỡng khí) chừng năm phút thì các tế bào não sẽ bị hủy hoại, không phục hồi được nữa. Có lẽ vì không khí không phải mất tiền mua nên ta thường coi như không hề có nó
Ta vẫn thở mỗi phút giây mà không nhận thấy không khí là cần! Có một buồng phổi hoạt động tốt ta chẳng hề quan tâm, thậm chí chẳng hề biết đến nó, cho đến lúc nó khò khè có cử thì lúc đó ta mới thật sự hốt hoảng.


Nói chung chúng ta thường không biết thở, không thèm thở, nhất là những lúc làm việc hăng say gần như quên thở hoặc những lúc có những cảm xúc mạnh như lo lắng, giận dữ ta cũng thường quên thở, nín thở. Thở là một phản xạ tự động nhưng ta lại có thể kiểm soát được hơi thở, nhịp thở, khác hẳn với các cơ chế tự động khác như của quả tim, mạch máu, dạ dày, gan ruột…hoạt động hoàn toàn ngoài ý muốn của ta. Cho nên ta có thể luyện thở được.

Buồng phổi của ta có khoảng 300 triệu phế nang, trải rộng ra ta có một diện tích rộng hơn 80m2, lớn hơn một phòng học. Mỗi khi ta hít phải không khí ô nhiễm bụi khói, vi khuẩn, thì lớp không khí ô nhiễm đó sẽ tràn ngập lên toàn bộ diện tích của phế nang. Khi còn là những lá phôi thì phổi và da có cùng nguồn gốc, do vậy mà sau này khi gặp lạnh tự nhiên ta sinh ra ho hen, đặc biệt người cao tuổi dễ bị viêm phổi do lạnh. Hệ thống hô hấp không chỉ có phổi mà còn có mũi, họng, thanh quản, khí quản cùng các cơ hô hấp mà cơ hoành là cơ trọng yếu nhất.

Ở mũi chúng ta chẳng hạn có một hệ thống mao mạch dày đặc để sưởi không khí, làm cho không khí ấm lại trước khi vào phổi
Gặp lạnh, ta sẽ bị ách xì, sổ mũi, nghẹt mũi vì các mao mạch trương nở. Không phải vô cớ mà người lớn tuổi thường khoác một chiếc khăn quàng cổ khi ra đường vì khi gặp lạnh chiếc khăn quàng sẽ giúp làm ấm mũi.


Những người cao tuổi còn khỏe mạnh, sáng suốt, làm việc không biết mệt là những người biết…thở. Họ có những phương pháp “bì truyền”thường được gọi là dưỡng sinh, khí công, thiền, yoga…
Có khi ta còn nghe được những câu có vẻ huyền bí như “đưa hơi xuống huyệt đan điền…”Thực ra không có gì là bí hiểm cả mà hoàn toàn có cơ sở sinh học. Ta biết cơ hoành là cơ hô hấp chính nằm vắt ngang giữa bụng và ngực, “phụ trách” 80% khối lượng hoạt động hô hấp. Cơ hoành di chuyển lên xuống như một cái piston trong lồng ngực làm cho buồng phổi nở rộng hoặc thu hẹp thể tích. Do vậy khi ta hít sâu thì cơ hoành bị đẩy xuống đến tận…dưới rún, nơi được gọi là huyệt đan điền hay khí hải.


Như vậy “đưa hơi xuống huyệt đan điền” thực chất là hít sâu đẩy cơ hoành lên xuống mạnh hơn, cơ hoành di chuyển rộng hơn, nhờ đó sự thông khí sẽ tốt hơn. Càng lớn tuổi cơ hoành càng làm biếng, nên người lớn tuổi cần luyện thở, tập dưỡng sinh, thì cơ hoành mới làm việc tốt hơn.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) thường gặp ở người lớn tuổi, làm cho họ dễ mệt mỏi, hụt hơi, cũng như bệnh giãn phế quản làm cho họ khạc rất nhiều mỗi sáng. Ngày càng có nhiều người bị ung thư phổi do hút thuốc lá. Nhiều người già bị lao là nguồn lây bệnh trong gia đình mà không biết. 
Giữ môi trường trong sạch, tạo nhiều cây xanh bóng mát, gần gũi với thiên nhiên, tập thở đúng phương pháp, tránh thuốc lá..là những cách tốt nhất để biết ơn buồng phổi của ta vậy.




Lý Lập Ông, thế kỷ XVI, viết trong Nhàn tình ngẫu hứng: “Xét cơ thể con người, tai mắt mũi, tay chân, thân thể hết thảy đều cần thiết…chỉ có hai cái không cần thiết mà trời phú cho ta là cái miệng và cái bao tử, nguồn gốc tất cả những cái lụy của loài người từ xưa tới nay
Có cái miệng với cái bao tử nên sinh kế mới hóa ra phiền phức, sinh kế phiền phức mới sinh ra những mưu mô gian trá, mưu mô gian trá mới phải đặt ra hình pháp…”.

Lâm Ngữ Đường có lẽ cũng đống ý như thế nên ông cũng viết: 
“Chúng ta có một cái bao không đáy gọi là bao tử…Nó ảnh hưởng đến văn mình của nhân loại…Các hội nghị quốc tế căng thẳng đến thế nào, tới giờ cũng dừng lại để ăn….”. Rồi ao ươc: “Nếu con người có được cái diều như diều chim, có cái dạ dày của loài nhai lại chắc là không có tình trạng hiếu chiến, tàn ác vì loài ăn cỏ, ăn hạt đều hiền lành, loài ăn thịt đều hiếu sát”. Ông cũng đưa ra một nhận xét thú vị: “Gà trống cũng thường đá nhau nhưng không phải vì thức ăn mà vì gà mái. Con người mà có cái diều như gà thì chỉ còn những cuộc chiến nho nhỏ chứ không phải cần đến chiến tranh lớn để xuất cảng đồ hôp” . 
(Sống đẹp, bản dịch Nguyễn Hiến Lê). Thật tội nghiệp cho cái “bao không đáy” còn gọi là bao tử hay dạ dày của chúng ta!

LÂM NG ĐƯNG

Đó là một bộ phận quan trọng của hệ tiêu hóa, đảm nhận việc “nạp năng lượng”để ta duy trì sự tồn tại và hoạt động suốt cả cuộc đời. 
Cái bao không đáy đó thực ra nó đã phải làm việc căng thẳng vất vả, co bóp, nhào nặn thức ăn thức uống suốt ngày đêm để cung cấp cho ta những chất dinh dưỡng cần thiết cho cuộc sống. Nó làm việc âm thầm không hề kể công, hoàn toàn ở ngoài ý thức của ta vì khi nó nhào nặn co bóp như vậy ta không hề hay biết.


Để tiêu hóa được thức ăn, dạ dày phải tiết ra một chất acid mạnh mà nếu không khéo tự bảo vệ mình thì acid này sẽ tiêu hóa ngay chính bản thân nó, làm cho nó lở loét tùm lum mà ta gọi là loét bao tử (loét dạ dày). 
Thường nếu có lở loét thì dạ dày cũng âm thầm tự băng bó lấy cho mình, đến khi quá lắm thì mới kêu ca, lên tiếng, lúc đó ta có cái gọi là đau bao tử.



Nói chung ít khi ta thượng hại cái dạ dày của mình đừng nói chuyện biết ơn nó, trái lại ta sẵn sàng nhồi nhét vào đó càng nhiều càng tốt từ thịt cá voi đến rắn mối, thằn lằn, tác kè, chuột bọ, cào cào, châu chấu, nghêu sò ốc hến…Ta cũng sẵn sàng đổ vào hằng lít rượu đế, whisky, hằng két bia và vô số những chất độc hại khác như…thuốc trừ sâu, giun đầu gai v.v..Để ý một chút, ta thấy hệ tiêu hóa là một cái ống cơ dài từ miệng đến hậu môn, phình ra chỗ này, thắt lại chỗ kia để trở thành thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già
Thức ăn thức uống đi xuyên qua cái ống đó là đã đi bên ngoài cơ thể, mà các bộ phận được phân công cắt xé, nghiền, nhồi trộn, nhào nặn, chuyển hóa, hấp thu..để đưa vào cơ thể sử dụng.

Cả một bộ máy làm việc quần quật liên tục không mệt mỏi như vậy mới có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể hằng ngày. Ta không thể tưởng tượng rằng mỗi ngày có hơn cả lít nước bọt được tiết ra là nhằm giúp cho miệng không bị khô, hôi và giúp tiêu một phần thức ăn. Ở người lớn tuổi, nước bọt tiết ra ít đi nên dễ bị đắng miệng, khô miệng, ăn không ngon.

Hệ thống nhung mao ở ruột non ngoằn ngoèo nhiều lớp có tổng diện tích lên đến 250m2, bằng cả cái sân quần vợt, để hấp thu các dưỡng trấp nuôi cơ thể trôi qua, với các tế bào hùng hục hoạt động ngày đêm để trao đổi chất, với vô số vi sinh vật li ti sản sinh ra các men tiêu hóa, các vitamin. Gan đổ mật vào ruột, tụy tạng tiết men và insulin mà nếu thiếu nó ta sẽ bị bệnh đái đường. Bất cứ có một trục trặc gì trên cái ống đó đều gây ra những rắc rối đáng tiếc như bị tắc nghẽn đâu đó chẳng hạn. Một người bị bón thường xuyên cũng làm cho cái ống bị nghẹt, dẫn đến hôi miệng, ăn mất ngon, ngủ không yên.


Lâm Ngữ Đường có một nhận xét khá thú vị: “Đối với tôi, hạnh phúc trước hết là vấn đề tiêu hóa. Ruột ta mà vận động điều hòa thì ta hạnh phúc, không thì ta khổ sở. Sự tình chỉ có vậy thôi!”. 
Mà thật, cứ thấy người nào mặt mày lúc nào cũng cau có, nhăn nhó, khó chịu đăm đăm…thì chắc là đã bị bón hoặc trĩ kinh niên rồi! Người lớn tuổi cũng cần phải được cung cấp năng lượng đầy đủ, cần tránh béo bệu nhưng cũng phải tránh cả suy dinh dưỡng – chủ yếu là do thiếu chất đạm.

Cũng không nên quá sợ Cholesterol vì có loại cholesterol tốt cần cho cơ thể
Nên dùng dầu thực vật. Các vitamin được cung cấp từ thức ăn như rau quả, trứng, đậu, cà rốt, rau muống, gấc…Để giữ khẩu vị được ngon vừa ý, cần thêm những gia vị mà người có tuổi vẫn quen dùng như tỏi, tiêu, ớt. Không nên kiêng cử quá đáng làm cho ăn mất ngon. Đậu nành có lẽ là một thứ thức ăn lý tưởng vừa cung cấp đạm thực vật lại có chất phytoestrogen là một loại kích thích tố nữ rất tốt để làm giảm tốc độ lão hóa.


Một bữa ăn gia đình đông vui có con cháu sum vầy thì dù là rau muống, kho quẹt, đậu hủ…cũng đem lại nhiều chất bổ dưỡng cả về tinh thần lẫn năng lượng cho người lớn tuổi.“Hãy cho tôi biết anh ăn gì, tôi sẽ cho anh biết anh là ai”. 
Lâm Ngữ Đường nói loài người có hai hạng, hạng ăn rau và hạng ăn thịt. Hạng ăn rau càng đông thì càng dễ có…hòa bình trên thế giới.


Rồi cái bọng đái nữa chứ
Phải bí đái một lần mới biết “giá trị”của cái bọng đái, mới biết ơn vô cùng khi có một cái bọng đái hoạt động bình thường, biết lúc nào thì phải chứa đựng, lúc nào thì phải co bóp, lúc nào thì mở cơ vòng và lúc nào phải đóng chặt lại. Thật là tai hại khi ở tuổi cao, cơ vòng bắt đầu hoạt động không tốt nữa, lúc cần đóng chặt thì nó lại mở ra, đặc biệt ở phụ nữ có tuổi.


Ở đàn ông, tuyến tiền liệt có thể phình to thành bướu chặn nghẹt đường lưu thông của nước tiểu, lúc cần tiểu lại tiểu không ra. Lại phải mổ, phải nong. Một kích thích quá mạnh như cười to, ho tràng dài hoặc vận động nhiều quá, cũng dễ bị đái són
Thuốc an thần, thuốc lợi tiểu sẽ làm cho đái són xảy ra thường xuyên hơn. Nói chung nếu tìm được nguyên nhân thì chữa trị không khó, đừng lúc nào cũng cholà tâm thần rồi bỏ mặc. Nên tập đi tiểu có giờ giấc, đừng đợi quá căng. Các loại tả lót thấm hút có thể dùng rất tiện cho người già khi đi lại tàu xe.

Cũng cần chú ý sắp xếp chỗ đi đại tiểu tiện sao cho thuận lợi, dễ đi, có đủ ánh sáng.
Người mình thường coi chỗ tiểu tiện (toilet) như là một chỗ dơ bẩn xấu xí nên thường đặt ra phía sau nhà, xa nhà, trong khi đó thực ra toilet là một nhu cầu quan trọng của con người nên ở những khách sạn lớn, người ta bố trí toilet ngay trước phòng khách, sạch sẽ và thơm tho.


Mắt là giác quan quan trọng nhất của con người. Chăm sóc mắt là biện pháp nâng cao chất lượng cuộc sống. Có một quyển sách mà tác giả là một người mù, viết với lời tựa là “Nếu tôi được một ngày sáng mắt”! Những người bình thường có đôi mắt sáng nhiều khi không biết quý. Thử sống một ngày bịt kín hai mắt lại thì mới đánh giá được chất lượng cuộc sống nhờ đôi mắt.


Già thì mắt phải yếu đi, cảm giác về độ đậm cũng kém, thích nghi với bóng tối chậm và nhìn cố định không nét. Thủy tinh thể diều tiết kém nên không nhìn gần được, điều này ảnh hưởng chất lượng cuộc sống rất rõ, vì làm gì cũng phải đeo kiếng. Những nguyên nhân gây mù thường gặp là mắt hột, quáng gà, đục thủy tinh thể (cườm khô), và cườm nước (glaucoma)
Theo Tổ chức Sức khỏe thế giới (WHO), người mù vì cườm khô đã chiếm hơn 40% số người già bị mù. Chín phần mười các trường hợp cườm khô là do tuổi già, cơ thể suy yếu; số còn lại là do các bệnh tiểu đường, chấn thương, suy dinh dưỡng…

Khi thấy mắt bị mờ dần, có đốm đen bay bay rồi cố định lại một chỗ, không đau nhức, không đỏ, tưởng là kính không đúng độ mà đo kính nào cũng không vừa thì phải nghĩ đến cườm khô. Hiện vẫn chưa có thuốc nào chữa được cườm khô, chỉ có cách là phải mổ để thay thủy tinh thể đục bằng một thủy tinh thể nhân tạo hoặc đeo kính để điều tiết. Hiện nay có những kỹ thuật mới để mổ cườm khô, đặt thủy tinh thể nhân tạo rất tiện lợi. Sau mổ, bệnh nhân có thể sinh hoạt lại bình thường ngay.



Riêng cườm nước là một bệnh hết sức nguy hiểm vì dẫn đến mù lòa. Nếu được phát hiện sớm thì có thể tránh được mù. Bệnh cườm nước cấp tính gây nhức đầu dữ dội, có khi nhức nửa đầu kèm theo ói mửa, mắt đỏ, căng cứng, con ngươi nở lớn
Trường hợp này phải đến ngay bệnh viện có chuyên khoa mắt. Dạng cườm nước mạn tinh tiến triển âm thầm, chỉ thấy hơi đau mắt, xốn mắt, mỏi mắt và mờ dần. Nhiều người tưởng tại mình có tuổi nên mắt kém, không đo nhãn áp để chẩn đoán kịp thời.

Người lớn tuổi cũng thường nghe kém, lãng tai. Lãng tai một chút cũng hay, khỏi phải nghe những lời nói xấu mình! Cái gì khoái thì nghe không thì thôi. Từ 65 tuổi trở đi có hơn một phần ba số người bị lãng tai. Nghe kém sẽ làm cho việc truyền thông khó khăn hơn, có thể gây nguy hiểm trong giao thông, đi lại.
 Ngày nay có những dụng cụ trợ thính dễ sử dụng và rẻ. Ở các nước phát triển cứ ba người có tuổi thì một người mang máy điếc, nhờ đó họ có thể giao tiếp tốt hơn và tham gia vào các hoạt động xã hội, giúp họ cảm thấy sảng khoái, không bị coi là tàn phế nữa.



Ở ta, nhiều người không ưa máy điếc vì nó ồn ào lại làm cho ta nghe rõ những “sự thật đau lòng”. Một vở kịch kể chuyện hai vợ chồng già, ông nói gà bà nói vịt nhưng rất hạnh phúc bên nhau, đến khi các con hiếu thảo gởi về cho mỗi người một cái máy điếc thì bắt đầu cãi vã nhau suốt ngày. Cuối cùng cả hai phải liệng cái máy điếc vào sọt rác!

“Chúng ta không chăm sóc bản thân mình mà để cho cơ thể làm việc đến hao mòn, vì vậy nó dễ bị hư hỏng sớm.Khi chúng ta còn khỏe mạnh, còn sung sức, thì chúng ta bóc lột ngay chính bản thân mìnhbóc lột các bộ phận trong cơ thể, bóc lột những khả năng của mình mà không hề cân nhắc,không hề nghĩ tới hậu quả.Ở lứa tuổi 50 tôi vẫn chưa chú ý lắm đến sức khỏe của mình…” Viện sĩ Misculine 90 tuổi viết như thế. Hiện nay mỗi sáng ông chạy bộ, tập thể dục đều đặn, chơi quần vợt, ăn uống điều độ. Ông nói 
Tôi cảm thấy 30 năm trước đây tôi đã già yếu hơn nhiều so với bây giờ”!

🌺🌹🌺🌹🌺🌹🌺🌹🌺🌹🌺🌹🌺