Thứ Hai, 17 tháng 2, 2020

Phá Tam Giang bây giờ đã cạn/ Ngộ Không Phí Ngọc Hùng/ Cảnh Tú chia sẻ


      Phá Tam Giang bây giờ đã cạn

       Vồ được tựa đề tôi trộm thấy…hay hay nên vay mượn từ cô bạn nhà văn Lưu Na chiêu niệm về ông, cô không làm văn lại…làm thơ. Trong khi ông nắm chờ ở nhà quàn (10 ngày), tôi cũng viết về ông vì một lý do yên sĩ phi lý thuần nào đó (xem tr 2). Ngày trời tháng Bụt, khi trưa phơi sách khi chiều tưới cây, bài viết cũng xong, tôi để đấy.
       Nói dối phải tội, bốn tháng sau, khi không thần linh hiện về trong giấc ngủ dậy rằng : Một là đừng học...cái hay hay mà nên học...cái lạ của thiên hạ sự. Hai là hãy...mở hai, ba chi tiết, ‘’mở’’ thế nào để nếu có ai đấy đọc, họ đọc tiếp, đừng để họ…bỏ đi mất tiêu. Ba là mang khúc giữa đưa xuống khúc cuối bài viết xem sao. Nhẽ thứ nhất, tôi bòn do đãi sạn cả chục bài viết và năng nhặt chặt bị không ít những biên tác của họ, không những lạ, còn hay hớm hơn chữ nghĩa tậm tịt của tôi nhiều. Nhẽ thứ hai, tôi lại hé mở bằng vào dẫn theo...con trâu từ ngõ ra phố nên ai đó đọc bị lạc túi bụi. Nhẽ thứ ba, mang khúc giữa đưa xuống khúc cuối, tôi thấy có khác thật.
       Thề trước bóng đèn, giữa nửa đêm, tôi bật tỉnh dậy…bật cái máy vi tính, chả…tính tóan gì cho nhọc sức. Tôi với một ngón tay mổ chữ trên bàn gõ như cò mổ ruồi gõ lại tòan bộ bài Phá Tam Giang bây giờ đã cạn tôi đã hòan tất trước đó. (chú thích của ông tựa đề Chiều trên phá Tam Giang từ ca dao Phá Tam Giang ngày rày đã cạn)

       Trong ‘’ngõ ngách’’ đi tìm...cái hay hớm, tôi góp nhóp được...
       Giữa đám cưới xem như cuộc họp mặt các văn nghệ sĩ bay về, tôi (Đinh Yên Thẳo), hỏi ông, "Anh kể về bài thơ Chiều trên phá Tam Giang đã viết như thế nào?".
       Ông kể đó một ngày của Mùa hè đỏ lửa 72, ông bay theo tướng Bùi Thế Lân, vị tư lệnh Thuỷ quân lục chiến để thị sát chiến trường, trong vai trò một ký giả báo chí. Từ trực thăng nhìn xuống phá Tam Giang, hình ảnh một vị sĩ quan đứng giữa gió lộng, mênh mông nước trời phía dưới khiến ông có cảm xúc về thân phận nhỏ bé của con người trong chiến tranh, trong không gian điêu tàn của vòng vây tử thần. Thế rồi bài thơ ra đời: Chiếc trực thăng bay là mặt nước - Phá Tam Giang, phá Tam Giang. (6-1972)

     
Trong ngõ có ngách, tôi rị mọ được…cái lạ: Tên Đỗ Phủ là thằng nào?
      Năm đó, Trung Quốc bất thần mở mặt trận ồ ạt tấn công vào 8 tỉnh miền Bắc. Nửa khuya, công an lùa tất cả những người tù đày từ những vùng thượng du lên xe đò khẩn cấp trưng dụng, chạy bán mạng về vùng Thanh Nghệ Tỉnh, tức Liên Khu Tư cũ.        
      Tại Thanh Chương, trại 6 ở Nghệ Tĩnh, ẩn khuất trong Trường Sơn, tôi gặp lại người bạn vong niên là nhà thơ lão thành Hà Thượng Nhân, giữa đông đảo những bằng hữu thất tán khác. Trong một lần trò chuyện, nhà thơ Hà Thượng Nhân ngỏ ý được đọc thơ Đường. Tôi thông hiểu nỗi khát khao đó của Hà tiền bối. Nên một hôm, tôi nỗ lực vận dụng trí nhớ đã nhiều hao kiệt của mình ghi lại toàn bộ một kiệt tác khá dài của thi hào Đỗ Phủ. Đó là bài Đồng Cốc huyện chung cư thất ca, gồm bảy khúc ca viết theo lối cổ phong, trong đó thi hào mô tả thời thế loạn ly, người phải rời bỏ quê nhà, thất lạc vô âm tín đám em trai, em gái, nay lê tấm thân tàn bệnh tật, đói kém nơi chướng khí sơn lam, chỉ còn trò chuyện cùng con rắn lớn nơi đầm hoang.
       Bài thơ đó, tôi ghi lại bằng Hán tự. Cụ Hà đọc bài thơ đó cố gắng chuyển dịch thành thơ Việt để cho nhiều bạn khác không am tường chữ Hán. Rủi ro cho cụ có một tên chỉ điểm đi thóc mách, đồ đạc của cụ bị lục soát, bài thơ tang chứng bị tịch thu nên cụ bị ban an ninh trại liên tiếp mấy ngày gọi lên làm việc. Theo quan điểm của trại, rõ ràng là tên Đỗ Phủ này hoàn toàn không chịu phấn khởi cải tạo, oán thán chính sách, bôi bác chế độ, tên Đỗ Phủ này quả là một tên phản động bẩm sinh, đến thời điểm ồ ạt của ba dòng thác cách mạng mà vẫn còn ngoan cố chưa chịu giác ngộ, hối cải. Cán bộ yêu cầu cụ Hà phải thành khẩn khai báo tên Đổ Phủ là bí danh của ai, thuộc đội nào, lán nào, liên hệ như thế nào với cụ. Mãi sau này nhớ lại câu chuyện đó, tôi vẫn còn thử nghĩ nếu ở vào trường hợp của cụ Hà, tôi sẽ phải trả lời như thế nào?!

       Qua Phan Lạc Phúc, tôi năng nhặt chặt bị thêm ông với hồn thơ Đông phương
       Tô Thùy Yên nhà thơ lớn trên thi đàn Việt Nam, dĩ nhiên đã có nhiều người đề cập. Tuy không thích “tính lăng quăng” của ông (chữ của Mai Thảo) nhưng một số thơ của ông là chứng nhân cho giai đoạn lịch sử. Quan niệm “văn dĩ tải đạo” của Tống Nho và Chu Đôn Di không phù hợp với một số tác giả. Với thơ vần (7 chữ & 8 chữ) của Tô Thùy Yên rất tuyệt vì mang âm hưởng của hồn thơ Đông phương. Vào khoảng giữa thập niên 60 có một việc, nhỏ thôi nhưng đã làm thay đổi Tô Thùy Yên. Anh bắt đầu đọc Đường Thi. Yên là một người ưa thích sự toàn hảo (gout du parfait). Anh không bằng lòng với những bản dịch. Yên muốn đọc thơ Đường bằng nguyên tác và Tô Thùy Yên học chữ Nho. “Học cho vui, chơi vậy mà”. Xuống Gò Vấp, thấy Tô Thùy Yên viết chữ Nho rất đẹp. Và đột nhiên tôi được đọc một số bài thơ mang phong cách nhất nguyên của Đông phương. Đọc thơ trước đây của Yên người ta thấy phảng phất St J. Perse hoặc Valery, bây giờ thấy Tô Thùy Yên “Quy khứ lai từ” như Đào Tiềm quay về nơi bản trạch.

       Tu chùa chẳng bằng tu nhà ăn ở thật thà mới là chân tu như…tu bia, qua ‘’Ghi chú’’ trong tập Thắp tạ, tôi ăn mày chữ nghĩa của ông, thảng như bài Thắp tạ, Nhặt trái nưa về nhuộm dạ sầu thì trái nưa để nhuộm vải đen để…dạ sầu. Hay bài Du mộng với nghĩa Hòn mộng ta còn lang thang, trong bài thơ tuyệt mệnh của Basho. Và tôi nhân sinh quý thích chí nhất bài Hành giả sầu, câu đầu Đi. Đi qua: Đi qua nữa. Đi qua nữa nữa. Bởi không thuộc tạng bình văn luận phú nên tôi không hay biết ông trích dẫn từ kinh Phật Bát nhã ba la mật đa: Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha... Bởi ngỡ ‘’đế’’ là…rượu đế nên tôi thích quá thể, để tôi…sa đà với ông là thế.

       Thế là tthơ Đường qua Phan Lạc Phúc, tôi cỏ hoa lạc lối với hội họa…
       Trên diễn đàn Sáng Tạo, Thanh Tâm Tuyền trong Nhân nghĩ về hội họa viết: “Tôi nói thẳng tôi không đồng ý về hội họa trừu tượng vô hình dung”. Ngay sau đó ông lên tiếng với bài Để phục hồi hội họa trừu tượng: “Tôi đứng về phía trừu tượng, qua một số khái niệm về hội họa”. Về ông và Thanh Tâm Tuyền còn nữa về sau này. (xem tr 4)
       Ừ thì cũng có dịp đảo về tạp chí Sáng Tạo (1956-1961). Ông cho hay:
       “…Hồi đó, khoảng cuối năm 1954, sau khi có một hai bài thơ đăng trên tuần báo Đời Mới (16 tuổi), tôi thường lui tới với vị chủ biên của tuần báo đó là nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh, người mà tôi rất kính mến. Một số các anh sau này là những tác giả nòng cốt của nhóm Sáng Tạo như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Doãn Quốc Sỹ…mới di cư, cũng thường lui tới với ông Nguyễn Đức Quỳnh, và tôi quen với các anh ấy từ đó. Một hai năm sau, tạp chí Sáng Tạo thành hình và tôi đã gia nhập. Tôi là đứa trẻ nhất trong nhóm, 17 tuổi, và lại là tên Nam Kỳ duy nhất…”.
       Dựa dẫm vào Mai Thảo viết về ông thì: “Trước đây, bọn tôi cứ tưởng nói đến thơ là phải nói đến dân miền Trung, miền Bắc. Cái thằng ấy xuất hiện mới lạ chứ. Nó kỳ vĩ phi thường quá. Càng lớn tuổi, thơ nó càng hay, càng tuyệt vời”.

       Vì tôi mù tịt về thơ nên chỉ biết vun chuyện thơ ông theo thời gian tính…
       Một trong bài thơ đâu tiên trong tạp chí Sáng Tạo là bài Cánh đồng con ngựa chuyến tàu vào tháng 4-1956. Theo nhà phê bình văn học ở Paris: “…Cánh đồng, con ngựa ở đây khác với những hình ảnh trong thơ cổ, tranh Đường, tranh Tống, ngược lại phần nào đó, gợi lên nền “văn hóa đồng hoang” của Nga La Tư thời cổ đại. Chuyến tàu, nôm na là xe lửa là biểu tượng văn minh hiện đại. Cuộc va chạm giữa hai nền văn minh đông phương thảo mộc và tây phương cơ giới được nhà văn Phạm Văn Ký vẽ lại trong tiểu thuyết Mất nơi trú ẩn (Perdre la Demeure, Gallimard, 1961, giải thuởng Hàn Lâm Viện Pháp), mô tả cảnh xây dựng đường sắt tại Nhật Bản vào thế kỷ XIX…”.
       Khiếp thật, tôi búi bấn khi thấy nhà phê bình “bốc” ông theo…con ngựa qua Nga La Tư. Nhưng khi đọc Nguyễn Sỹ Tế, ông cũng theo...André Malraux qua Tàu vậy.
       Nguyễn Sỹ Tế trong bài Nhìn lại tạp chí Sáng Tạo: “…Chủ trương của Sáng Tạo là dùng văn chương và nghệ thuật thúc đẩy sự đổi mới, dung nạp những dị biệt cá tính trong một nền văn hóa phong phú và cởi mở hơn…Nên Tô Thùy Yên đã dịch cuốn Phận người, La Condition Humaine của André Malraux (giải thưởng Goncourt năm 1933) mô tả cuộc nội chiến tương tàn quốc cộng ở Trung Hoa…”.

       Ông đi cải tạo 10 năm, được tha về bị bắt lại, tính ra 13 năm. Tù về, ông làm bài Ta về, qua phỏng vấn ông cho hay: “…Bài Ta về, khi làm xong, tôi chỉ chép một hai bản cho một hai người bạn, trong hoàn cảnh của tôi lúc bấy giờ, dưới những bài viết chuyền cho nhau xem, không đề tên tác giả. Tự tôi chẳng hề gửi nó ra ngoài. Cho đến bây giờ, tôi cũng chưa biết nó đã lọt ra ngoài qua ai và bằng cách nào…”. An ninh trong nước biết, bắt ông giam tù thêm 3 năm nữa. Bị  tù lần thứ hai, ông bị 7 tháng biệt giam tâm sự với bức tường câm nín, đàn muỗi râm ran, con thằn lằn uể oải, con nhện vô tư.

       Theo Tô Hòai, ngõ ngách Hà Nội từ đường làng ngoằn ngòeo như vết trâu đái mà thành. Vì vậy ngõ hẹp chỉ vừa đủ cho trâu đi. Tôi vừa từ ngách ra ngõ thì bị trâu cản đường ra cái điều tôi có hay biết: Ông có về Hà Nội hay Sài Gòn bao giờ chưa?
       Ta về như sợi tơ trời trắng, ta về như tiếng địch ngân xót xa sầu thảm của tráng sĩ thất trận qua sông, khiến tôi (Huy Đức), khi làm Chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa, đã phải liên lạc với nhà thơ Tô Thùy YênTa về được viết bởi một người vừa mới trải qua Mười năm, chết dấp chốn rừng thiêng - Mười năm, mặt xạm soi khe nước"
       Khi nghe người quen của tôi ở Mỹ giới thiệu chương trình, nhà thơ Tô Thùy Yên chép tay bài thơ Ta về (2-2014) để tặng Chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa và thành kính tưởng niệm những anh hùng đã vị quốc vong thân trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974. Tôi và nhà thơ Đỗ Trung Quân đã từng đón hụt ông ở sân bay Tân Sơn Nhất. Trong thời gian tìm tư liệu cho cuốn Bên thắng cuộc, trước 2011, (ông qua Mỹ năm 1993) tôi được Tô Thùy Yên tiếp tại nhà riêng ở Gò Vấp. Ông đã hai lần nhận lời mời của tôi để về Việt Nam, nhưng cả hai lần đều phải hủy vào giờ chót vì lý do sức khỏe.
      
      Thế nhưng khi đọc Nói chuyện với tách cà phê. Người muôn năm cũ của tác giả Phan Nguyên thì con trâu rời ngõ đi ra phố rong ruổi về…Sài Gòn.
http://cothommagazine.com/images/stories/tho/ToThuyYen/BanTay-ThuBut-ToThuyYen.jpghttp://cothommagazine.com/images/stories/tho/ToThuyYen/PhanNguyen-TTY.jpg

     





      Dạo đó mình hay qua nhà Đinh Cường chơi và tối hôm đó, tình cờ mình gặp một người biết tên nhưng chưa bao giờ gặp mặt: nhà thơ Tô Thùy Yên. Đinh Cường giới thiệu anh mới "cải tạo" về! Anh không nói gì, chỉ ngồi trầm ngâm hút thuốc. Đinh Cường bảo Phan NguyênParis về, anh hỏi chuyện văn học Pháp. Anh bảo mới dịch xong quyển "L'Amant" của Marguerite Duras, hứa hôm nào sẽ đưa mình đọc bản thảo.
      Rồi gia đình họa sĩ Đinh Cường đi nước ngoài, vài năm sau anh cũng ra đi theo diện HO, mình định cư ở Pháp. Bẵng đi 25 năm (15-4-2014) sau mình mới gặp lại anh ở Sài Gòn khi anh trở về thăm quê hương. Cùng lúc mình cũng có mặt ở VN. Lần đó mình đã làm dấu tay bằng cà phê cho anh... Anh đã vui vẻ, tóc muối tiêu, hoạt bát hơn, kể chuyện nhiều hơn và ghi lên giấy dấu vân tay và câu thơ: Bao giờ, cho đến bao giờ nữa - Em gánh vui về họp chợ đông. (Mùa hạn 1979)
      
      Cùng “Người tình”, con đường bè bạn, và chữ nghĩa của ông, tôi lang thang như thành hòang làng khó đi tìm con người thực của một Tô Thùy Yên đời thường. Vì vậy tôi phải quay về với Tưởng tượng ta về nơi bản trạch - Con còng ẩn nhẫn bò quanh quẩn qua tập di cảo Mặc khách Sài Gòn của cố nhà thơ Tô Kiều Ngân…
       ‘’…Trại của tôi cách xa trại Tô Thùy Yên nhưng thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gặp nhau trong những lần đi đẵn cây đốn nứa. Có lần gặp chỉ đủ để Yên dúi vào tay tôi một gói thuốc lào rồi sau đó mỗi người một ngả. Một lần đứng trong sân trại nhìn qua hàng rào kẽm gai tôi thấy Yên đang gánh một gánh khoai mì đi qua. Anh bước đi có vẻ nặng nhọc. Vai bị gánh khoai mì trĩu xuống, lưng cong như lưng tôm, mồ hôi chảy có giọt.
       Tôi bỗng xót xa nhớ đến đêm nào Trần Lê Nguyễn bày tiệc nhậu. Tiệc tàn, mọi người lục tục đứng lên về. Còn lại Cung Tiến và Tô Thùy Yên chẳng chịu về, nhất định đòi đi “tăng hai”. Đêm đã hầu khuya, chiều bạn tôi đem hai cậu lên xe hơi chở xuống Phú Nhuận. Trời mưa lất phất. Con đường vào hẻm sũng nước, Tô Thùy Yên xuống xe, hai tay vén ống quần chạy lúp xúp trên đường mưa, vừa chạy vừa cười khanh khách. Tiếng cười của Tô Thùy Yên đêm ấy và hình ảnh anh chạy lúp xúp trong mưa tôi còn nhớ rõ. Tiếng cười sao mà hồn nhiên ngây thơ so với hình ảnh Tô Thùy Yên oằn mình dưới gánh khoai mì hôm nay thật là một sự đối nghịch quá đau lòng…’’.

      Mấy chục năm sau với Phan Lạc Phúc qua Bạn bè gần xa
        “…Năm 85 được về, trên con đường bè bạn tôi rẽ vô thăm nhà bạn Tô Thùy Yên. Từ Hóc Môn lên, qua chợ Gò Vấp tới một ngã ba có những viên đá ong khô, đó là lối vào nhà Tô Thùy Yên. Từ thập niên 60 tôi đã nhiều lần đến đây bù khú với bạn. Nhưng bây giờ về, đến thăm cảnh cũ người xưa, thấy lạ. Nhà cũ của bạn có cây vú sữa lớn. Khu gia viên nằm trong vùng cây lá thâm u…bây giờ không thấy cây vú sữa đâu. Bất giác tôi nhớ Nguyễn Gia Thiều Phong trần đến cả sơn khê, Tang thương đến cả hoa kia cỏ này. Hơn 10 năm gặp lại thấy bạn già đi. Hình như bạn mất một vài cái răng thì phải, cái cười hơi trống vắng. Nhưng khóe mắt vẫn còn nồng ấm và bắt tay thật chặt…”

      Cũng qua với bạn bè xa…gần và gần với Thanh Tâm Tuyền…
      “…Thanh Tâm Tuyền và tôi bắt đầu chơi thân nhau từ thời kỳ Sáng Tạo đó. Nửa thế kỷ đi qua, thay đổi bao nhiêu cảnh đời, nhưng vẫn không thay đổi tình bạn giữa chúng tôi. Chúng tôi trao đổi chia sẻ với nhau nhiều điều và tất nhiên cũng có nhiều điều chúng tôi không đồng ý với nhau. Thường chúng tôi cũng có những nhận xét bất chợt về những bài thơ nào đó của nhau nhưng chúng tôi tuyệt nhiên chẳng bao giờ thuyết phục nhau dù bằng cách này hay cách khác về phương cách làm thơ của nhau.
      Thời gian ra khỏi nước, anh ẩn mình ở một bang miền Bắc hẻo lánh. Những khi gặp nhau, thường tôi hỏi thăm chuyện viết lách của anh, anh vẫn như hồi nào, hào hứng đam mê nói bàn về tư tưởng chữ nghĩa kim cổ Ðông Tây. Thôi thì văn chương cũng là thứ hữu mệnh, tôi chỉ biết ngậm ngùi…”. 

      Qua bạn bè gần…xa, nhưng xa với Mai Thảo…
      “…Mai Thảo tinh nhạy, cực kỳ yêu quý chữ nghĩa và tài năng, trầm lặng đến độ người không thân tưởng là lạnh lùng phớt tỉnh, vì cần bài đủ kịp cho số báo tới, đã kêu gọi, thúc hối mọi người viết, viết. Ở bất cứ nơi nào, tòa soạn, nhà in, vỉa hè, quán cóc, ngay cả phòng trà. Vào bất cứ lúc nào, sáng trưa chiều tối, và rất, rất nhiều lần mãi tận đêm khuya lang thang trên đường phố. Ðó là thời kỳ bohémien của chúng tôi…”. 
      Ấy là thời kỳ Sáng Tạo, qua Mỹ ông gần gũi với Thanh Tâm Tuyền, ông “hục hặc” với Mai Thảo…thúc hối ông viết. Qua một bài “tự sự” dài ba, bốn trang nhưng tôi lại để thất lạc. Ông…”nhắc khéo” Mai Thảo trong cuộc phỏng vấn (xem tr 5): Ông sống trong chung cư gần như không giao tiếp với bên ngoài. Vì vậy ông viết lúc được lúc không.

“Tiện sinh” tôi đàm trường viễn kiến ông hai lần, lần đầu ngày giỗ Cao Xuân Huy (2011) ở nhà cô em gái thằng Tháng ba gãy súng. Ngồi với ông, tôi không dám Trọn buổi chiều, ta nhậu nhẹt - Mồi chẳng bao nhiêu, rượu rất nhiều. Được dịp tôi một tấc tận giời với ông: Tác giả & Tác phẩm Tô Thùy Yên vừa làm xong. (2010).
(ảnh của Thận Nhiên)
Tôi ra ngòai hít thuốc, ông ngồi lại, không như nhiều người viết về ông: Ông nói rất ít, gần như không nói gì, chỉ ngồi dạng…Tôi một bữa ngồi yên như bàn ghế (Cao Đông Khánh). Qua bản lai diện mục, tôi trộm thấy ông có khuôn mặt không hùng tí nào, nên tự hỏi sao ông có thể có những câu thơ Dựng súng trường, cởi nón sắt - Đơn vị dừng quân trọn buổi chiều (Anh hùng tận). Trong khi nhìn bà ngồi cạnh ông, bà đẹp và có nét thanh lịch của một người Hà Nội. Tôi ngỡ bà là người tình của ông, mãi đến khi tìm tài liệu viết về ông, tôi mới hay bà là vợ chính thức trước 75
       Với chuyện người tình hai quên một nhớ, trong cái đầu chờ vờ như cá trê gặp nước mặn, tôi…bơi ra mẩu đối thọai ở đâu đó, ai đấy hỏi ông về bà Thụy Vũ. Ông trầm ngâm qua Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương (Nguyễn Gia Thiều) và lặng lờ thở ra như tiếng thở dài Còn chút rượu nồng xin tưới xuống - Giải oan cho cuộc biển dâu này.
       Trong cái đầu lãng đãng như sương, lờ đờ như khói tôi chỉ nhớ có bấy nhiêu! Tuy nhiên tôi nhớ như in, lần gặp ông lần đầu ấy ông không….uống rượu.
       Lần thứ hai tôi gặp ông tại nhà quàn, nhìn di ảnh ông hút thuốc lá. Một trong những ảnh chụp đàn ông hút thuốc mà tôi cảm thấy có nét, có hồn nhất.
       Tôi lẳng lặng ra ngòai châm một điếu thuốc.

       Qua chữ nghĩa của ông, trong Tô Thùy Yên Thân phận lưu vong quay cuồng nhớ Sài Gòn, tác giả nói chuyện với nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, bà cho biết: “…Ông làm thơ như cực hình không có gì là sung sướng cả. Ông nghiêng hẳn về tứ và ngôn ngữ. Đè nén cảm xúc trong các hình tượng mẫu tự nghiêm ngặt. Vì thế ông chọn thể thức thơ cổ phong, tứ tuyệt hoặc 5 chữ, 7 chữ. Ông đọc và tìm hiểu điển tích rất nhiều. Bà Thụy Vũ cho biết ông thường "vắt nát óc" cùng kiệt cho một bài thơ. Ông chép đi chép lại một bài thơ và thường vò xé bản thảo viết lại từ đầu nếu thấy câu chữ đó chưa thật đắt, chưa thật ưng ý. Vì thế mỗi đêm ông làm thơ thì sáng dậy tôi thường phải đem một sọt rác đi đổ vì trong đó đầy ngập những trang viết chưa ưng ý của ông…”.

       Phan Nhiên Hạo phỏng vấn ông: Anh đang sống ra sao, đang viết gì hay có ý định viết gì?”. Ông trả lời: “…Tôi hiện sống một mình trong một khu chung cư do chính phủ Mỹ tài trợ, láng giềng là người da đen và tôi gần như chẳng giao tiếp với bên ngoài vượt quá mức tối thiểu đòi hỏi của xã hội. Về vật chất, tôi tự bằng lòng với những căn bản mà một con người có thể nhờ vào đó mà tạm sống còn trong xã hội Mỹ. Về tinh thần, tôi đang suy nghiệm, qua bản thân khi đối diện với tuổi già trong cô quạnh, về một câu nói của E. M. Cioran mà tôi đã tình cờ đọc thấy: Ðêm tối chảy trong huyết quản tôi. 
       Tôi vẫn chưa bỏ được viết. Tôi viết, lúc được lúc không. Bao giờ tác phẩm đã xong thì hay là đã xong, xong như vậy đó. Hơn nữa, qua kinh nghiệm, khi chưa khởi công, thường tôi cũng có ý định này nọ, nhưng đến khi viết được thì lại viết những thứ khác hẳn với ý định ban đầu của mình. Thành thử cuối cùng tôi đành để trống tâm trí mình và tự thả nổi theo duyên nghiệp. Vả lại, đương đầu với tuổi già trái trở, tôi cũng tự lượng sức mình may ra chỉ còn làm kịp được dăm ba câu thơ chơi chơi nữa mà thôi. Từ bao giờ, tôi vẫn tâm nguyện sống đời không hậu ý. Bây giờ, thời gian còn lại ước lượng chẳng bao nhiêu, lẽ nào lại đổi thay điều tâm nguyện đó?...”. 

       Vi người tình của ông, tôi đành ôm giấc mộng hoàng lương đàm hoa lạc khứ về: Ta về tắm lại dòng sông cũ – Truy tầm mê mỏi lý sơ nguyên...
       Với nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, theo một phóng viên đến Lộc Ninh làm phóng sự: “…Tất cả sự sống gia đình đều trông mong vào cháu Đinh Quỳnh Giao ở bên Mỹ, con gái của anh chị Tô Thùy Yên gửi về giúp đỡ. Mỗi tháng cứ đến khoảng 27, 28 là cháu gửi $100 về cho em. Ở cái xứ Lộc Ninh nghèo nàn ấy, nếu mỗi tháng không có $100 của người chị, con gái anh Tô Thùy Yên gửi về giúp đỡ, thì không biết cái gia đình của nhà văn nữ đã một thời nổi tiếng Nguyễn Thị Thụy Vũ sẽ sống ra sao…”.

      Ăn ngay nói thật, bài Phá Tam Giang bây giờ đã cạn đã xong, bốn tháng sau, khi không thần linh hiện về trong giấc ngủ dậy nên học...cái lạ của thiên hạ sự. Nửa đêm, tôi bật tỉnh dậy gõ cái bàn gõ, vì một trong những cái lạ là người phóng viên trên viết : ‘’...Cuối năm 1993, anh (TTY) cùng người vợ chính thức là cô giáo Huỳnh Diệu Bích và các con sang Mỹ định cư theo diện HO. Nhưng rồi ông bỏ xứ vạn hồ Minnesota, lập lại “cuộc tình văn nghệ” với cô Phan Dụy (ngâm thơ rất hay) và về chung sống tại Texas. Năm 2006, ông bị bệnh tim trầm trọng, Phan Dụy cũng chắp nối với cuộc tình khác...’’
  
       Như vừa rồi tiện sinh tôi bòn mót bề ngòai ông không ’’ngầu’’ cho mấy, lại ít nói. Nhưng tôi chắc như cua đinh những người tình của ông đông như ruồi, chứ không phải một Phan Dụy. Thảng như bài Em đi – tặng Đặng Tuyết Mai, tôi ngẫm nguội chẳng lẽ là bà vợ ông Nguyễn Cao Kỳ mất năm 2016?. Tôi ớ ra hai câu thơ cuối Hay vẫn bàn tay vô cảm ấy – Mơn man đau rát tận cùng ta là lý sự gì? Tuy nhiên...’’cái lạ’’ với tôi trong Tô Thùy Yên Tuyển tập thơ in năm 2018, một năm trước khi ông mất (21-5-2019), trong Trối trăng ông gửi gấm Anh kể kỷ niệm tuổi già chưa sống tới – Mà quên dĩ vãng của hôm nay nên ông trang trải thơ tặng Thụy Vũ, Phan Dụy vào tuyển tập.
       bài Nhà xưa, lửa cất ủ - tặng Phan Dụy, tôi lại láo ngáo nữa...Đúng ra nhiễu sự này không nên mang vào đây, nhưng với câu thơ...’’cực ky’’ khó hiểu của ông Chàng đứng giữa nhà, giới thiệu cùng em...Nhờ đại nghi đại ngộ, tiểu nghi tiểu ngộ, bất nghi bất ngộ, tôi ngộ ra ‘’Chàng đứng giữa nhà’’...là nhà ông để tôi lay lắt tới chuyện bấy lâu nay tôi nghe hơi nồi chõ nhiễu sự Táo quân một ông hai bà, nhưng tôi bụng bảo dạ ấy chỉ là huyền hoặc. Thêm ngẫu chuyện ngày ông nằm ở nhà quàn, tôi nghe ai đấy to nhỏ với nhau qua tiếng kinh, tiếng kệ cô Phan Dụy được mời tới ngâm thơ ông. Nhưng cô từ chối vì trong đám tang không nên có mặt một người đàn bà khác ngòai vợ ông.

       ***
       Đứng bên cạnh áo quan ngắm cố thi sĩ Tô Thùy Yên nằm ngủ giấc ngủ dài trong ấy, bà Huỳnh Diệu Bích nhớ cuộc đời làm vợ của một nhà thơ. (theo Cát Linh)
      “…Anh và tôi quen nhau từ rất sớm, từ cái thời thanh mai trúc mã. Nhưng chúng tôi cưới nhau không dễ dàng vì gia đình tôi sợ rằng tôi sẽ khổ. Nhưng cuối cùng sau bao năm chờ đợi, chúng tôi cũng đến được với nhau.
       Sống với anh một thời gian, khi mà tình đã cũ thì anh cần mối tình mới hơn. Là một người nghệ sĩ, tâm hồn anh có thể yêu nhiều lần. Còn trẻ có nhiều lúc tôi cũng đau khổ, nhưng sau đó, nhất là sau 10 năm tù, một thời gian tôi coi như anh được trở về từ cõi chết, lúc đó mọi sự suy nghĩ của tôi thay đổi. Tôi hiểu được rằng lấy một người chồng làm thơ, tôi không giữ anh cho mình, tôi biết và tôi tập phải chia sẻ. Thường là những người tình của anh, cuối cùng thường thường trở thành bạn của tôi. Những gì làm anh vui, tôi vui với anh. Tôi thấy những gì mình cần làm cho anh thì tôi làm ngay, vì sẽ tới lúc hoặc là người đó, hoặc là mình sẽ không còn nữa…”.
      Bà chia sẻ:
      “…Hôm nay tôi buồn vì vĩnh viễn xa anh, nhưng tôi có cái vui là tôi đã cùng anh đi trọn đường trần, và có thể nói, tôi là mối tình cuối của anh…”.

     
Người đàn bà trong chiếc áo dài đen, đeo khăn tang trắng, trong suốt buổi lễ không một lần tỏ ra đau khổ vật vã. Ngược lại, bà đứng dậy đáp lễ tạ ân với tất cả những người đến chào tiễn đưa cố thi sĩ Tô Thùy Yên. Bà lặng lẽ cầm di ảnh của chồng mình, đi nốt với ông một khoảng đường cuối, đến căn phòng hỏa thiêu.
      Cánh cửa sắt lạnh lùng đóng lại. Bà quả phụ Tô Thùy Yên đưa tay bấm nút, đưa ông, cố thi sĩ Tô Thùy Yên vào đoạn đường cuối cùng của cuộc đời. Buổi lễ tưởng niệm ông diễn ra ấm cúng, đầy chất thơ. Ngày đưa tiễn ông cũng nhẹ nhàng, tựa như bốn câu thơ trong bài Đi xa của ông Đi như đi lạc trong trời đất - Thủy tận sơn cùng, xí xóa ta - Cõi chiều, đứng lại, khóc như liễu - Có thật là ta đi đã xa?.

     
Nhà thơ đã tạm biệt mọi người để viết nốt đoạn cuối bài thơ Ta về.

                                                    Thạch trúc gia trang                        
                                                      Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
                                                                               (viết xong tháng 5-2019
                                                                                 viết lại tháng 9-2019)
                                                                                      
Nguồn: Vương Trùng Dương, Đinh Linh, Đặng Tiến, Nguyễn Hưng Quốc
Văn Quang, Nam Dao, Nguyễn Tà Cúc, Đòan Dự, Nguyễn Hữu Hồng Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét