Thứ Ba, 18 tháng 2, 2020

Nhớ thời chạy giặc Thổ năm xưa/ SG Nguyễn Phương/ Phan Trần Đức chia sẻ

Ba nuôi tôi S.G Nguyễn Phuong năm nay 98 tuổi tây, 99 tuổi ta. Ông là bô tự điển sống còn lại của thế hệ 1900, mặc dù sức khỏe có kém đi theo thời gian nhưng trí óc vẫn vô cùng minh mẫn. Nhiêù bạn email cho ông hỏi về chuyện " Cáp Duồn " .
Ông vừa gởi bài để chuyển đến các bạn
Mời đọc
Nhớ thời chạy giặc Thổ năm xưa.
Dớ ! Cáp duồng! Bòn ơi!... …
Ngày 5 tháng 1 năm 1946, quân Pháp từ Saigòn tiến chiếm tỉnh Sóc Trăng.
Hai ngày sau, ( 7 tháng 1) quân Pháp cho người Miên đi lính Partisan vào các làng thuộc huyện Kế Sách, nơi có nhiều người Miên sinh sống để khuyến dụ những người Miên này nổi dậy chém, giết người Việt ở trong các làng đó.
Lúc đó có tin đồn ở Châu Đốc, Trà Vinh, Sóc Trăng, người Miên đã nổi lên chém, giết người Việt, dân ở cùng làng với họ.
Vợ chồng tôi có nhà ở xã Phú Nổ - Vũng Thơm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, nơi có thật nhiều dân Miên cư ngụ nên cũng phải nếm trải những ngày tháng kinh hoàng khi vùng này gặp “ giặc Thổ dậy “ năm đó.
Xin kể qua địa lý vùng có nhiều dân Miên ở xã Phú Nổ - Vũng Thơm, huyện Kế Sách.
Nếu đi xe đò từ Saigon xuống, còn độ mười hai cây số là đến tỉnh lỵ Sóc Trăng, phía bên trái đường lộ lớn tráng nhựa có một ngã ba được gọi là ngã ba An Trạch. Ngã Ba An Trạch là ngõ mở một con lộ tráng đá xanh, rộng độ bốn thước ngang, chạy dài từ Ngã Ba An Trạch, qua xã Phú Nổ - Vũng Thơm và chạy thẳng độ hơn 7 cây số là đến huyện lỵ Kế Sách.
Ngã ba An Trạch là đầu mối giao thông đường bộ từ Kế Sách để chuyên chở nông sản, trái cây và lúa gạo ra tỉnh Sóc Trăng hay lên Saigòn. Đường vận chuyển bằng ghe, tàu thì khởi đi từ huyện lỵ Kế Sách, đi theo sông Nhơn Mỹ ra vàm Nhơn Mỹ thì gặp sông Bassac( tức sông Hậu Giang) để đi Cần Thơ, Mỹtho, Saigòn…
Tại ngã ba An Trạch có tiệm quán bán càphê, hủ tiếu, có chủ vựa trái cây, có tiệm bán bánh Pía, lạp xưởng Lỳ Chu - Vũng Thơm và lạp xưởng Quảng Trân, một thương hiệu nổi tiếng nhất trong nhiều thập niên của tỉnh Sóc Trăng. Ngoài ra ngã ba An Trạch cũng là bến xe đò nhỏ và xe lôi kéo bằng Honda, chạy lộ trình Ngã Ba An Trạch, Vũng Thơm và Huyện Kế Sách. Nơi đây chủ các tiệm, quán đa số là người Tiều, Tiều lai Miên hoặc người Miên thuần giống. Cũng có nhiều người Việt chuyên mua bán hàng trái cây như cam, quit, bưởi, soài riêng chở trong các giỏ cần xé, từ các miệt vườn trong xã Phú Nổ và Kế Sách ra để đưa lên xe hàng chở về Saigòn.
Vô khỏi ngã ba An Trạch độ vài trăm thước, phía trái là Chùa Miên được gọi là Chùa Bốn Mặt vì trên cổng chùa có tượng một đầu Phật có bốn mặt người giống như mặt các vũ công đóng vai linh thần, quốc vương trong các tuồng hát Dủ Kê. Đầu người bốn mặt đội mũ hình tháp tròn mạ vàng có nhiều tầng, chót tháp mũi nhọn. Cổng Chùa sơn màu rực rỡ, có đấp nổi một hàng chữ Miên. Hai bên cổng vẽ hình hai vũ nữ đang múa.
Người Việt, người Tiều và người Miên ở ngã ba An Trạch thường vào chùa cúng kiến theo tập tục địa phương. Do đó tình cảm chòm xóm, lân bang của những người dân ở đây khắn khít nhau. Họ nói rành tiếng Miên, tiếng Tiều và lơ lớ tiếng Việt, khó mà phân biệt là người Miên, Việt hay Tiều châu.
Từ ngã ba An Trạch chạy vô tới xã Phú Nổ - Vũng Thơm độ hơn mười cây số, đây là vùng đất gò, nỗng cát, có một số cây me tây hay những bụi tre gai là cây to lớn, ngoài ra chỉ có cỏ tranh hoặc các bụi cây nhỏ, nơi nầy người Miên sống tập trung theo ven lộ, nhà tranh vách đất, thỉnh thoảng mới có vài ngôi nhà lợp bằng tôn thiết. Nơi đây không có người Việt hay người Tiều châu ở lẫn lộn.
Người Miên dùng cây phảng, phạt cỏ tranh, chờ khi nắng gắt cỏ tranh khô héo, họ đốt đồng để có phân tro. Sau đó, chờ vài đám mưa, họ chọt lỗ trên ruộng gò để cấy lúa, sau mùa lúa, họ trồng dưa hấu, trồng bắp, chung quanh nhà thì trồng chuối và các thứ hoa màu như dưa leo, cải bệ xanh. Thương lái người Tiều Châu thường mua mảo số dưa hấu, mua hết đám dưa hấu khi dưa hấu vừa trổ nụ, họ ước lượng mỗi đám dưa hấu sẽ có trái nhiều hay ít để mà định giá mua và nhờ kinh nghiệm thương trường, họ ít khi bị lỗ vốn mặc dù phải trả tiền trước đến hơn ba tháng mới có thể đến hái dưa. Người Miên sống thật thà, tôn trọng chữ tín nên khi đã bán mão đám dưa hấu rồi, dù có những trái dưa lớn rất ngon, họ cũng không hái trộm để ăn hay để bán lẻ.
Trước năm 1946, chưa hề có những vụ gây gổ hay xích mích giữa ba sắc dân cùng cư ngụ ở vùng nầy. Số dân Miên ở hai bên đường lộ đá từ ngã ba An Trạch vô Vũng Thơm sống biệt lập, ít giao tiếp với thường dân Việt Nam trong xã Phú Nổ.
Từ Vũng Thơm chạy vô tới huyện lỵ Kế Sách, hai bên vệ đường là xóm nhà của người dân Việt Nam. Nơi nầy dân chúng làm ruộng. Ruộng dọc theo hai bờ sông Phú Nổ là đất sét, ruộng nước nên họ dùng trâu kéo cày, kéo bừa như cách làm ruộng ở những vùng ruộng nước Cần Thơ, Vĩnh Long.
Cách chợ Vũng Thơm độ một cây số, hướng về Kế Sách, mé trái đường lộ có một ngôi chùa Miên lớn gọi là Chùa Champa. Chùa nầy gồm một ngôi chùa lớn rộng, nền cao, chung quanh chùa có nhiều ngôi tháp lớn, đẹp, sau chùa là nghĩa trang của người Miên và Việt ở vùng xã Phú Nổ. Người Miên sống tập trung độ vài chục gia đình chung quanh chùa Champa.
XXX
Ba má vợ tôi có vườn cam, vườn quít đường và ruộng ở làng Phú An, dọc theo sông Phú An, cách cầu sắt bắt qua lộ Đồng Nhơn độ năm trăm thước. Mỗi mùa lúa, mùa trái cây cam quít, nếu không bán mão cho thương buôn Triều Châu thì chúng tôi phải chở ra bán ở chợ Sóc Trăng hoặc chở thẳng lên chợ Cầu Ông Lãnh. Vì vậy mà chúng tôi có nhà ở trong vườn Phú An, nhà ở sau chợ Phú Nổ và ở ngay tại tỉnh lỵ Sóc Trăng để vựa trái cây từ trong vườn chở ra trước khi chở đi Saigon.
Đầu năm 1946, có tin đồn là quân Pháp đã kéo xuống chiếm thành phố Cần Thơ. Người ta đồn là bọn Pháp sẽ đánh chiếm Sóc Trăng trong vài ngày tới nên Ba Má và vợ chồng tôi khóa cửa ngôi nhà ở chợ Sóc Trăng, dời vô ở nhà trong xã Phú Nổ - Vũng Thơm. Nếu Tây xuống chiếm Sóc Trăng thì chúng tôi sẽ tản cư vô vườn trong xã Phú An, một nơi xa đường lộ và xa sông lớn, ít sợ Tây đi ruồng bố.
Ngày 5 tháng 1 – 1946, quân Pháp đốt chợ Sóc Trăng.
Ngày 7 tháng 1 chúng nó đốt chợ Bãi Xàu…
Ngày 10 tháng 1 thì dân Miên ở hai bên đường lộ đá xanh từ ngả ba An Trạch dài vô đến xã Phú Nổ - Vũng Thơm nổi dậy. Độ 9, 10 giờ sáng, có nhiều loạt súng nổ xa xa trên lộ đá hướng ngả ba An Trạch, dân chúng trong chợ Vũng Thơm nhốn nháo. Nhiều người chuẩn bị khăn gói để đi tản cư nhưng họ vẫn còn lóng nhóng để nghe tin tức có Tây ruồng bố hay không. Lúc đó nhiều xe lôi của người Việt chạy từ ngả ba An Trạch vô. Họ lớn tiếng báo cho biết giặc Thổ dậy. Chúng nó vác phảng, đòn sóc, rựa, dao xắt chuối và gậy gộc, kéo theo sau bọn lính Partisan Miên đi dọc theo lộ đá và dàn hàng ngang một khúc đồng, đi về hướng chợ Vũng Thơm. Bọn giặc Thổ gặp nhà của người Việt thì chúng cướp của, đốt nhà. Gặp người Việt, bất kể là già trẻ bé lớn, chúng dùng phảng, dùng rựa bữa đầu, đâm cho lòi ruột. Chúng theo bọn lính Partisan Miên đi ruồng bố, vừa hò hét: Dớ! Cáp Duồng Bòn ơi…Cáp Duồng…vừa đập phá, đốt nhà và giết không chừa người Việt nào mà chúng gặp.
Tiếng hò hét “ Cáp Duồng “ của bọn giặc Thổ nghe vang vang từng chập ở đầu lộ bên kia cầu sắt sắp qua chợ Vũng Thơm chen lẫn vài loạt súng nổ, dân chúng trong chợ Vũng Thơm nhốn nháo tuông chạy về hướng Kế Sách. Nhiều người không kịp thu dọn cửa tiệm hay đồ đạt, bỏ chạy để cứu lấy thân. Không ai nghĩ đến phải chống cự như thế nào vì lúc đó lính Miên partisan có súng. Chúng bắn xả vào nhà dân và bắn tất cả những người nào mà chúng gặp.
Ủy ban hành chánh hay du kích gì thì cũng chạy trốn đâu mất hết rồi. Dân chúng tự lo lấy thân của mình chớ không thể trông mong nhờ ai bào vệ được.
Gia đình chúng tôi dọn sẵn đồ đạc cần thiết xuống ghe lườn, đậu sẵn dưới sông sau chợ Vũng Thơm. Khi tiếng la ó Cáp Duồng nghe vang rền phía bên kia cầu sắt, ba tôi bảo chèo ghe đi về hướng ra ngả ba sông Phú An. Nhiều ghe và xuồng ba lá trong chợ cũng chèo ào ạt theo ghe chúng tôi như một cuộc đua ghe, một thứ thi đua tránh tử thần, kiểu “ chạy chết bỏ “ nên tiếng la, tiếng khóc, tiếng kêu réo làm cho cái không khí chạy giặc đờn Thổ càng nghe thê thiết, khó quên.
Khi ghe ra giữa đồng, nhìn lại phía chợ Vũng Thơm, chúng tôi thấy nhiều nhà bị đốt cháy, khói lửa cuồn cuộn một góc trời. Tiếng giặc Thổ nghe xa xa và ở nhiều hướng khác nhau, chúng tôi có cảm giác chúng nó nổi dậy đốt phá nhiều nơi nên khi ghe của chúng tôi chống ra xa khỏi các xóm nhà, đến giữa đồng, Ba tôi bảo dừng lại, tấp vô bờ, đậu gần một gốc cây bình bát để chờ coi tình hình ra sao.
Nhiều ghe xuồng trong chợ chèo cùng hướng ra sông Phú An, khi ghe của họ chèo ngang qua chổ chúng tôi dừng nghĩ, họ cho biết nhiều người chạy đường bộ, khi đi ngang qua chùa Champa thì bọn Miên ở trong xóm chùa túa ra, chúng nó vác rựa và phảng rượt chém họ. Có nhiều người bị thương, em của chủ tiệm cà phê ở ngang nhà ông chủ Tháo ở chợ Vũng Thơm bị chém, té qụy bên đường. Những người chạy thoát xuống bờ sông, lội qua sông và đón ghe quá giang, họ bảo đừng trở về chợ Phú Nổ vì bọn Miên ở trong chùa Champa ra nhập bọn với bọn Miên ở ngả ba An Trạch và chùa Bốn Mặt, đông lắm…dữ lắm…
Chúng tôi chèo ghe vô trong vườn nhà ở xã Phú An, cách nơi bọn Thổ dậy hơn mười cây số. Ở Phú An toàn là người Việt, bà con quen biết với nhau hàng chục năm qua nên tin cẩn nhau, tuy nhiên đêm đó chúng tôi ngủ không yên giấc vì khi trời tối, bước ra ngoài sân, nhìn bốn phương tám hướng, thấy lửa cháy nhiều thôn xóm, nhiều vùng khác nhau nên thầm lo bọn giặc Thổ sẽ lần lượt đi cướp bốc, đốt nhà và giết người Việt hết xóm nầy đến làng khác nếu như không có biện pháp nào ngăn chận chúng lại.
Hai ngày sau, một anh tá điền của ba vợ tôi và tôi chèo ghe ra huyện Kế Sách để mua thức ăn, vật dụng, dầu lửa dự trử cho gia đình phòng khi có Tây xuống Kế Sách thì cũng có đồ dùng. Ghe chèo ra tới ngã ba sông Nhơn Mỹ, tôi thấy nhiều ghe xuồng bơi tới bơi lui trên một khúc sông. Khi nhìn kỷ thì trời ơi lúc đó nước lớn đã đứng nước, trên một khúc sông, tôi thấy quá nhiều thây ma chết xình. Họ nói “ thằng chõng “ là những xác chết dưới sông, sau ba ngày xình trương rồi nổi trên mặt nước. Nhiều người bơi xuồng xáp lại gần, lấy dầm lật ngược xác chết trôi đó để nhìn mặt. Nếu thấy lạ thì họ dùng cây sào, cắm xác đó xuống xình qua khuỷ tay để giữ cho cái xác đừng trôi nữa để cho người nhà đi nhìn mặt mà vớt xác lên chôn. Trên bờ có tiếng mõ đánh chuyền từng hồi khi họ phát hiện ra xác khác mới nổi lên. Những người có nhà sát bờ sông Nhơn Mỹ nói họ đếm được 76 xác chết. Đó là những người bị giặc đàn Thổ chém. chết, quăng thây xuống sông trong mấy ngày nay.
Một hai ngày sau, những xác trôi sông không có ai nhìn nhận để vớt lên thì được dân xã Nhơn Mỹ vớt lên chôn trong một khoảng đất ở ngay ngã ba sông Phú An và sông Nhơn Mỹ.
Ở đầu Vàm Cái tức là vàm sông Nhơn Mỹ và sông Bassac, có gia đình ông chủ Thái là người hào sảng, nhiều ruộng lúa, vườn cam, vườn trầu xanh và ông có rất nhiều tá điền. Ông được gọi bằng nhiều tên: ông chủ Bự, ông chủ Thái, ông Năm Đại, có lẽ vì ông là người lai Tiều, nhà giàu lại lớn con, giỏi võ nên người ta tôn xưng là ông Bự, ông Đại, ông Thái.
Vợ chồng anh con trai duy nhất của ông chủ Thái về thăm ông bà già vợ ở Vũng Thơm đã mấy hôm, bặt tin không thấy về. Ông bà chủ Thái nhờ mấy người tá điền biết tiếng Miên đi dọ thám và họ về báo cho ông biết là hai vợ chồng đứa con trai duy nhứt của ông bị giặc Thổ chém chết ở xã Phú Nổ.
Ông và bà chủ Thái đều giỏi võ, ông bà xách đại đao quyết đi chém bọn Miên để trả thù cho con. Ông được nhiều tá điền và người trong xóm vác dao, xách gậy gộc theo hổ trợ, đánh giặc Thổ, trả thù cho bao nhiêu đồng bào đã bị chúng nó giết chết oan.
Ông bà lập bàn thờ ngay trước sân đình làng, làm lể tế cho con và thề lấy máu quân Miên để trả hận cho con và đồng bào bị giặc Thổ thảm sát. Bà chủ Thái mặc quần áo trắng, cột thắt lưng đỏ, quần cột túm để xoay trở cho gọn gàng. Bà thủ một cặp song đao, ông chủ Thái vác cây đao lớn. Trước đây, hai ông bà dạy võ cho thanh niên trong thôn xóm và có vũ khí đề phòng trộm cướp. Bình thường người dân tưởng giá binh khí để hai bên bàn thờ trong nhà của ông chủ Thái là giá binh khí 18 món để trưng bày như thứ thờ ở các đình thần, không ngờ đó là những vũ khí bằng thép tốt, bình thường là đồ vật trưng bày, khi có cướp đánh phá thì hai ông bà dùng nó làm võ khí phòng thân.
Trai tráng trong chợ Kế Sách nghe đồn ông bà chủ Thái cầm đầu toán người võ trang dao mác, gậy gộc đi đánh giặc Thổ, nhiều người hưởng ứng, cũng vác rựa, vác mác và tầm vông theo nhập bọn. Tôi có một người anh bà con: anh Giang Văn Trọng ( sau này là đại tá Giám đốc Trung Tâm Miển Dịch tại Tổng Tham Mưu quân đội VNCH)và em chín Hương cũng hăng hái vác súng hai nòng calibre 12 ( súng đi săn) mỗi cây súng có độ chục viên đạn để đi theo trợ lực ông bà chủ Thái.
Bên ta tập trung được vài chục thanh niên trai tráng, có hai khẩu súng săn bắn đạn chài, còn lại thì võ khí là dao, mác, tầm vông vạt nhọn với hai tay võ giỏi thủ hai cây song đao và một cây đại đao. Phía bên Miên thì họ có cả trăm người, đàn ông, đàn bà, con nít, với những cây phảng được rèn kéo thẳng ra như những cây đại đao sắc bén. Ngoài ra có đòn sóc nhọn hai đầu, rựa bửa củi, họ vừa hô lớn Cáp Duồng… Cáp Duồng, vừa dàn hàng ngang chạy xóc đến.
Bên ta cũng hò hét quyết trả thù, giết Thổ trả thù và vác dao chạy lên. Cuộc đụng độ gần lộ Đồng Nhơn, sau vuông vườn dừa gần chợ Kế Sách. Ông Chủ Thái và bà chủ Thái chém ngã vài tên hung hăn nhất trong bọn Thổ. Anh Giang văn Trọng bắn một phát đạn chài, chĩa thẳng vào bọn Thổ đang chạy tới. Vì đứng gần nên đạn chài sát thương nhiều tên Thổ. Em Chín Hương cũng bắn thẳng vào bọn Thổ một phát đạn chài. Nhiều đứa bị thương, máu đỏ mặt. Chúng nó thối lui. Bên ta xóc tới chém tét đầu mấy đứa. Anh Trọng lại bắn vén ót chúng nó một phát đạn chài nữa, lại có nhiều đứa bị thương.
Đúng lúc bọn Thổ rút chạy về phía vuông vườn dừa trước mặt thì có tiếng súng mitraillette Sten của quân Pháp ở trong vuông vườn đó bắn vải ra. Lại thêm nhiều phát đạn súng mousqueton của lính Miên bắn về hướng dân mình. Anh Trọng la lớn: Rút lui, có lính Tây tiếp viện cho bọn Thổ, anh em rút về hướng lộ Đồng Nhơn mau lên…
Khi nghe tiếng súng máy của Tây bắn vãi ra, không cần ai ra lệnh rút lui, thanh niên của mình cũng tự động rút chạy tán loạn. Anh Trọng và Chín Hương chạy sau, núp bờ đất lộ Đồng Nhơn, bắn cản hậu thêm nhiều phát đạn chài. Bọn Thổ sợ bị đạn, nằm xuống ruộng. Hai anh chạy góc nầy bắn một phát, xê qua bên kia bắn một phát, khiến cho bọn đàn thổ tưởng có nhiều du kích phục bên ngoài nên không dám đuổi theo.
Mỗi anh bắn hết mười viên đạn, liệng súng xuống sông Phú An để chạy cho nhẹ mình.
Hơn bảy chục năm đã qua, tôi vẫn còn kinh hoàng khi thấy ở đâu dó có đám cháy nhà, dường như trong ký ức xa xăm, tôi không quên được cảnh giặc Thổ đốt nhà, chém chết người Việt trong đầu năm 1946, khi quân Pháp trở lại đánh chiếm nước Việt Nam.
Nguyễn Phương 1 / .2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét