Trần Nhân Tông và cuộc chiến chống Nguyên Mông
Đầy sách giường song chếch bóng đèn
Sân thu sương bủa thoáng hơi đêm
Tiếng chày thức dậy đâu không biết
Hoa mộc trên cành trăng mới lên
Đêm khuya, ánh trăng luồn qua song cửa nơi chiếc giường tre đầy sách, có tiếng rơi nhẹ của sương thu trên lá cây trước sân nhà, có tiếng chày nện vải từ một ngôi làng dệt vải nào xa xăm,… bài thơ đã vẽ nên một khung cảnh của một đêm trăng thanh bình.
Người đọc có lẽ đoán rằng tác giả là một văn nhân, một nhà thơ hay một thiền sư. Nhưng tác giả, vua Trần Nhân Tông, cũng chính là một nhà quân sự lỗi lạc, một vị minh quân đã dẫn dắt Đại Việt qua hai cuộc chiến tranh chống lại đế quốc Nguyên Mông năm 1285 và năm 1288.
Là vị vua thứ ba của nhà Trần, thái tử Trần Khâm con trưởng của vua Thánh Tông và thái hậu Nguyên Thánh sinh ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ, niên hiệu Nguyên Phong thứ 8, năm1258. Khi còn trẻ, nhà vua học thông tam giáo và hiểu sâu Phật điển, ngay cả thiên văn, lịch số, binh pháp, y thuật, âm luật, không thứ gì là không mau chóng nắm được sâu sắc. Nhưng cuộc đời vua Trần Nhân Tông không giống cuộc đời những ông vua sinh ra, lớn lên trong một đất nước thái bình. Năm vua ra đời cũng chính là thời điểm vua Trần Thái Tông vừa đánh tan đạo quân xâm lược của đế chế Nguyên Mông lần đầu tiên trên đất nước ta.
Hai mươi năm tiếp theo là một cuộc đấu tranh gian khổ về ngoại giao của Đại Việt để vừa bảo vệ chủ quyền đất nước, vừa mang lại nền hòa bình cho người dân có cơ hội sinh sống, vừa chuẩn bị tiềm lực để chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu.
Chuyện kể rằng vào một ngày xuân trước cuộc chiến tranh năm 1285, vua Trần Nhân Tông đến thăm lăng mộ của ông nội. Cảm cái hào khí của cuộc chiến thắng quân Mông Cổ những năm Nguyên Phong xưa, ngài đề mấy câu thơ bằng chữ Hán tạm dịch như sau:
Hùm gấu nghiêm nghìn cửa
Áo mão bảy phẩm đầy
Lính bạc đầu còn đó
Nguyên Phong mãi kể say
Nhà vua là người khoan từ, hoà nhã, không thích chiến tranh nhưng nhà vua cũng là một nhà quân sự tài ba. Sử chép rằng sau chiến thắng quân Nguyên, nhà vua quyết định thân chinh đi đánh dẹp Ai Lao. Triều thần ngăn lại, tâu rằng:
- Giặc Nguyên vừa rút lui, vết thương chưa khỏi sao có thể dấy binh?
Vua đáp:
- Chỉ có thể vào lúc này mới ra quân được, vì sau khi giặc rút lui thì ba vùng (Ai Lao, Chiêm Thành và Chân Lạp) tất cho rằng quân ngựa và của cải ta đã bị tan mất. Sẽ có sự khinh nhờn đối với ta, cho nên phải đem đại quân đi để thị uy.
Quần thần đều cho là phải nói:
- Đó là thánh nhân lo xa, chẳng phải bọn thần nghĩ kịp được.
Trong cuộc xâm lăng lần thứ hai của quân Nguyên, trước thế giặc quá mạnh, mặt trận Nội Bàn do chính Hưng Đạo Vương chỉ huy tan vỡ. Nhà vua đã nhịn đói cả ngày giong thuyền đến gặp Hưng Đạo Vương để bàn chuyện.
Không biết Hưng Đạo Vương và nhà vua đã bàn luận gì trong cuộc hội kiến chớp nhoáng ở Hải Đông. Nhưng sau cuộc gặp đó Đại Việt Sử Ký toàn thư đã ghi: “Hưng Đạo Vương vâng lệnh điều quân dân các lộ Hải Đông, Vân Trà, Bà Điểm, chọn người mạnh khỏe làm quân tiên phong vượt biển vào nam. Thế quân đã hơi nổi. Các quân nghe thế, không quân nào là không đến tụ họp.”
Trước khi rời đi, nhà vua làm thơ đề ở cuối thuyền rằng:
Cối Kê việc cũ ông nên nhớ
Hoan Ái vẫn còn mười vạn quân
Hai câu thơ cho thấy vua Trần Nhân Tông viết để nhắn gửi Trần Hưng Đạo và các tướng lĩnh thời bấy giờ. Về “việc cũ Cối Kê” tức việc Câu Tiễn nước Việt xưa bị Phù Sai nước Ngô đánh bại, nhưng cuối cùng qua gian khổ, nhịn nhục, đã vùng lên tiêu diệt Phù Sai để chiến thắng. Nhà vua còn động viên các tướng lĩnh bằng cách báo cho họ biết rằng lực lượng ta vẫn còn 10 vạn quân tại Hoan Ái sẵn sàng bổ sung vào chiến đấu. Xem qua việc này chứng tỏ nhà vua đi sát và nắm vững tình hình chiến trận, cũng như tinh thần của quân sĩ.
Trong cuộc đời mình, vua Trần Nhân Tông đã từng sống qua hai cuộc chiến tranh tàn khốc, nên hơn ai hết đã hiểu thế nào là những nỗi khổ do chiến tranh đem lại cho phía ta cũng như phía địch. Việc nhà vua cởi áo ngự bào, phủ lên thủ cấp của tên tướng giặc Toa Đô mới bị quân ta chém đầu trong trận Tây Kết, do chính nhà vua trực tiếp chỉ huy, là một hành động nhân bản cao thượng.
Ngay khi khói lửa của cuộc chiến tranh năm 1288 đang còn vướng vất trên các chiến trường Thăng Long, Bạch Đằng; lúc tiếp phái bộ Lưu Đình Trực và Lý Tư Diễn do Hốt Tất Liệt gửi qua để đòi lại các tướng tá giặc như Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Sầm Đoạn, … do ta bắt được. Nhà vua đã bộc lộ nỗi tha thiết đối với hoà bình trong bài thơ tiễn đưa phái bộ này:
Khí hòa góc đất đều lan tới
Bụi chiến sông trời rửa sạch trơn.
Đây là nội dung đặc biệt của thơ văn vua Trần Nhân Tông, bộc lộ một sự tha thiết đối với hòa bình. Thật cũng lạ, một con người đã từng chỉ đạo, trực tiếp tham gia chiến tranh và đã có những chiến thắng oanh liệt. Vậy mà qua thơ văn vẫn luôn luôn biểu hiện một ước ao nóng bỏng đối với hòa bình.
Để lãnh đạo thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, hãy xem cách vua Trần Nhân Tông điều hành đất nước cùng Thượng hoàng Thánh Tông trong suốt thời gian này:
Trong khi tiến hành khẩn trương các hoạt động quân sự, thì công tác vận động toàn dân tham gia kháng chiến đã được thực hiện song song. Nhà vua cho mở hội nghị ở Bình Than triệu tập các vương hầu khanh tướng để bàn kế sách, thống nhất một lòng trong triều đình quyết tâm đánh đuổi Nguyên Mông. Đầu năm 1285, nhà vua lại cùng Thượng hoàng triệu tập các bô lão trong cả nước về đãi tiệc tại thềm điện Diên Hồng, hỏi kế đánh giặc. Để trả lời câu hỏi của vua về việc nên hòa hay chiến, các vị bô lão đã muôn người như một đồng thanh đáp lại “quyết chiến”.
Hội nghị Diên Hồng là một cuộc vận động tư tưởng lớn, nhằm phổ biến rộng rãi chủ trương nhất định kháng chiến của vua Trần Nhân Tông và triều đình cùng quân đội tới toàn dân.
Ý gởi từ muôn dân, lệnh trao từ chín bệ
Thì nắm đầu giặc như chơi, cướp giáo giặc cũng dễ
…"Nuốt sao Ngưu" chẳng phải việc hoang đường
(Vũ Hoàng Chương)
Khoan thứ cho dân, lấy dân làm gốc là chủ trương của vua Trần Nhân Tông và Thượng hoàng Thánh Tông. Trong giai đoạn chiến tranh với quân Nguyên Mông, dân ta đã được răn dạy: “Phàm các quận huyện trong nước, nếu như có giặc ngoài đến, thì phải tử chiến. Hoặc nếu sức địch không lại thì cho phép trốn vào trong núi đầm. Không được đầu hàng”. Tuy vậy, do thế giặc quá mạnh vẫn có người vì quá khiếp sợ đã ra đầu hàng giặc, trong đó có cả hoàng thân của vua là bọn Trần Kiện.
Sau ngày chiến thắng nhà vua đã thưởng công cho binh sĩ và trị tội những kẻ đầu hàng giặc. Tuy nhiên, giống như cách xử sự của ông nội mình là Trần Thái Tông đối với Hoàng Cự Đà trong cuộc chiến tranh năm 1258, vua Trần Nhân Tông vẫn cảm thấy trách nhiệm của mình đối với sự đầu hàng của một số tôn thất và dân chúng khi quân Nguyên xâm lược nước ta vào năm 1285. Chắc chắn vì cảm thức này, mà vua đã cho tiến hành 2 cuộc đại xá chỉ cách nhau trong vòng mấy tháng.
Khi quân Nguyên thua chạy, quân ta đã bắt được một hòm các tờ biểu xin đầu hàng giặc. Thượng hoàng Thánh Tông mở lòng nhân từ ra lệnh đốt tất cả những tờ biểu này để yên lòng những kẻ đã lỡ lầm đầu hàng giặc. Qua hai cuộc đại xá của nhà vua, chúng ta thấy đây là những bước đi nhằm ổn định lòng dân, đồng thời cũng xóa đi những mặc cảm tội lỗi của những kẻ phản bội đầu hàng. Ranh giới phân cách trong dân tộc và sự chia rẽ tâm lý giữa những người cùng chung huyết thống đã được xoá nhòa.
Bạn đọc thân mến, khi một nửa thế giới đang rung chuyển vì vó ngựa của quân Mông Cổ, khi đất nước Trung Quốc khổng lồ đã lọt hẳn vào tay đội quân hung hãn này thì đất nước ta, cái mảnh đất nhỏ bé nằm tiếp giáp phía nam Trung Quốc làm thế nào để có thể trường tồn, nếu không có sự dẫn dắt anh minh và sự quyết tâm hy sinh sắt đá từ Vua chí dân. Xin được gởi đến bạn đọc chi tiết trận chiến chống quân Nguyên Mông vào kỳ tới và xin mời bạn theo dõi video tại đây:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét