Thay lời bạt
Đêm buồn
Tạp bút,
Ngân Triều.
- Không biết đêm nay vì sao tôi buồn,
- Buồn vì trời mưa hay bão trong tim?
- Đã mấy thu qua tôi vẫn đi tìm.
- Để rồi buồn ơi! Nghe tiếng mưa đêm...[1]
Buồn trông con nhện giăng tơ, ảnh Google.
-Giai điệu và ca từ của bài hát đã đến
với tôi trong một đêm mưa, quả là rượi buồn! Mưa buồn, bài bát buồn, làm cho
đêm mưa thêm buồn nằng nặng. Tự nhiên cái nỗi buồn không biết ở đâu lại đến, đeo
bám trong tâm hồn tôi, khiến cho lòng tôi chơi vơi buồn nhớ vu vơ. Một nỗi buồn
vô cớ! Nỗi buồn phảng phất theo từng cơn gió nhẹ lạnh lùng. Buồn ơi chào mi,
lại rủ rê thêm Nhớ ơi xin chào, người bạn tri kỷ của nó đến đậu vào tâm
trí tôi những mảng sầu nhớ đa đoan. Vì sao vậy nhỉ? Tôi tự hỏi. Phải chăng đây là
những biểu hiện của tuổi “mùa thu lá bay”, cái tuổi nghỉ hưu để mặc cảm thấy
mình trở thành người vô dụng của xóm làng và là người đang ở cái thời điểm xa
trời gần đất. Mà thực thế. Ở cái tuổi nhân sinh thất thập cổ lai hi,[2]
sức khỏe mỏi mòn, suy yếu; vợ chồng sống nhờ gia đình con cháu, dòng họ,
nhóm bạn bè cố tri, xóm giềng tốt bụng sớm tối, những mối quan hệ xã hội cố hữu
thân quen… trông đi ngoảnh lại thì “Bạn bè lớp trước nay còn mấy, Chuyện cũ
mười phần chín chẳng như”[3]
. Rõ ràng, cái thân lực bất tòng tâm, thành trụ hoại không, cuối
cùng trở về không, cái không hư vô, zero; hay cái thân sinh trụ dị diệt,
đến chữ diệt cũng sẽ là chấm dứt, là hết và cái thân sinh lão bệnh tử
thì đến mức tử cũng sẽ không còn; chờ ngày hóa thân cùng cát bụi, thoát khỏi
kiếp phù sinh, biển trần khổ vơi vơi trời nước, trở về quê cũ, nơi mà hạt
bụi của mình đã xuất phát phiêu du.[4]
-Buồn, chữ Hán viết là sầu: 愁; gồm có chữ Thu 秋, mùa
thu lá rụng + chữ tâm tấm lòng 心; tức là khi mùa Thu về, lá cây rụng hết,
khiến lòng ta sầu não. (Thu 秋 về ngắm cảnh mặc dầu, Lòng 心 buồn da diết âu
sầu 愁 lắm thay!
-Buồn
còn có nghĩa là muộn 悶; gồm chữ môn 門,
hình cái cửa + chữ tâm心; tức là tâm hồn hay tấm lòng 心 của người
trong cánh cửa 門, gởi
cho người phương xa, hay kẻ ở lại thương nhớ người ra đi. (Lòng 心 lão
thân buồn 悶 khi tựa 門
cửa, Miệng hài nhi chờ bữa mớm
cơm;[5]
hay: Nỗi lòng 心 biết tỏ cùng ai, Thiếp
trong cánh cửa 門,
chàng ngoài chân mây[6]).
-Nhớ chữ Hán còn viết là niệm
念 nỗi nhớ, nghĩ đến, mong mỏi; gồm có chữ kim 今 là nay + chữ tâm 心 lòng mình; tức là đối với những sự việc đã qua,
nay 今 cố
dùng tâm 心
của mình mà
nhớ lại. (Thuyền ơi! [nay] 今 có nhớ 念 bến
chăng? Bến thì một dạ 心 khăng
khăng đợi thuyền).
-Nhớ còn viết là tưởng 想 gồm tướng 相 là xem lại hình ảnh của người trong tâm 心 trí mình. (Bởi lòng 心 tạc
đá ghi vàng, Tưởng 想 nàng nên
lại thấy 相
nàng về đây).[7]
-Lòng
buồn dạt dào, tôi chợt nhớ đến cái thuở lớp ba trường làng. Nhớ người Thầy già kính
yêu đã giảng cho chúng tôi một bài học thuộc lòng trong sách Quốc Văn giáo khoa
thư, một bài bài ca dao cổ khuyết danh, Đêm qua ra đứng bờ ao. Lời giảng
của Thầy nghe trầm buồn như muốn khóc. Lớn lên mới hiểu, hóa ra bài học đó cũng
là tâm sự của Thầy về tình yêu và thời thế.
-Có
thể, Alzheimer, bệnh quên quên nhớ nhớ, là bạn người già. Vậy xin mời quý bạn
cùng tôi, trong đậm nhạt nhớ quên này, đọc lại bài ca dao mượt mà xem:
Đêm qua ra đứng
bờ ao,
Trông cá, cá lặn; trông sao, sao mờ.
Buồn
trông con nhện giăng tơ,
Nhện ơi! Nhện hỡi! Nhện chờ mối ai?
Buồn
trông chênh chếch sao Mai,
Sao ơi! Sao hỡi! Nhớ ai sao mờ?
Đêm đêm tưởng dải Ngân Hà,
Chuôi sao Tinh Đẩu đã ba năm tròn.
Đá mòn nhưng dạ chẳng
mòn,
Tào Khê[8] nước chảy hãy còn trơ
trơ.
Nguồn:
1. Mã Giang Lân, Tục ngữ và ca dao Việt Nam, NXB Giáo dục, 1999
(tái bản lần thứ 5).
2. Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật, Kho tàng ca dao người Việt,
NXB Văn hoá thông tin, 2001.
Đại ý: Tâm
trạng trông chờ, tưởng nhớ người xa và tấm lòng trung trinh sắt đá của nhân vật
trữ tình trong hoàn cảnh éo le ngang trái của cuộc đời.
Bố cục:
*Hai câu đầu: Thời gian và nỗi niềm mong nhớ:
Đêm qua ra đứng
bờ ao,
Trông cá, cá lặn; trông sao, sao mờ.
-Trước hết, bài ca dao làm theo thể phú, nói thẳng vào vấn
đề, là lời kể lại của tác giả hay tự sự. Khung thời gian thuộc về ban đêm, đêm
qua. Khoảng không gian là cái bờ ao nhà, nơi gợi mở một câu chuyện
lòng.
(Ngày xưa, ở nông thôn, có một thời, nhà nào
cũng có ao cá, vườn rau. Vì khi cất nhà, người ta đào ao, đào mương trồng tre lấy
đất đấp nền nhà, nhất cử lưỡng tiện. Trên bờ mương phía ngoài, người ta trồng
tre, trúc, tầm vông vừa để làm hàng rào cho gia đình vừa để làm vật dụng đan
lát, vừa để làm chuồng trại, làm giậu vườn rau; cái ao sâu để dự trữ nước mưa,
thả bè rau muống, rau nhúc để nuôi cá hoặc cá ở đồng ruộng về mùa mưa theo mương vào ao nhà. Ao nhà là nơi sinh hoạt
của gia đình, có cầu ao, có bờ ao.
Cho nên còn có câu ca dao:
Ta về ta tắm
ao ta,
Dù trong dù đục,
ao nhà đã quen).
-Trở lại câu chuyện, tác giả hay nhân vật trữ tình đã nêu lên
điều gì? Đêm qua, người ấy đã ra đứng rất lâu bên bờ ao
nhà, để cúi đầu nhìn xuống mặt ao, trông cá, để không thấy cá, cá lặn;
rồi ngẩng đầu nhìn lên trời cao, trông sao; để chẳng thấy ngôi sao nào của
mình, sao mờ. Mục đích của việc trông xuống, trông lên đều không như ý
muốn nếu không nói là vu vơ, vô ích. Tìm cá, không thấy cá mà tìm sao trên trời
cao cũng chẳng ra sao. Vô vọng. Trông nghĩa là để con mắt đến sự việc
gì, và mong đợi điều gì. Trông cá ngoài nghĩa tường minh là nhìn con cá
trong ao ban đêm, không thấy nó đã đành, vì nó đã lặn mất; mà kể cả ban ngày,
chúng ta cũng không thấy nó, chỉ thấy cái đớp móng của nó trên mặt ao thôi.
-Ngoài ra, trông cá, cá lặn là trông mong, đợi chờ
tin tức của ai đó thì hoàn toàn không có tin tức chi hết, cá lặn. Trông
sao trên trời thì sao mờ, lẫn lộn, không biết rõ là sao quen là sao nào và hiện
giờ “định vị” nơi đâu. Hoặc không biết người xa giờ ở nơi nao, sao mờ. Tin
tức của người xa bặt tăm. Không biết tin tức, không biết người phương trời giờ ở
nơi đâu, thì nỗi buồn như chờn vờn tăng tiến thêm trong tâm tưởng.
-Trong văn hoá truyền thống, hàm nghĩa văn hoá của cá
được thể hiện dưới nhiều phương diện. Thời cổ có "ngư tố",
tương truyền đó là hình thức dùng lụa viết thư, sau đó nhét vào bụng cá để gửi
đi, nên gọi là "ngư truyền xích tố". Loại thư tín dùng cá để
truyền đi này còn gọi là "ngư thư", hoặc "ngư
tiên".
Nghĩ điều trời
thẳm vực sâu,
Bóng chim tăm
cá biết đâu mà nhìn.[9]
-Như vậy, hai câu thơ đầu cho biết mối sầu thoang thoảng chợt
đến vì nỗi niềm lạc lõng, tâm trạng cô đơn bơ vơ.
*Bốn câu tiếp theo: Cảnh buồn trong nỗi chạnh lòng:
Buồn trông con nhện giăng tơ,
Nhện ơi nhện hỡi, nhện chờ mối ai?
Buồn trông chênh chếch sao Mai,
Sao ơi sao hỡi, nhớ ai sao mờ?
Phải chăng bốn câu thơ khắc họa nỗi buồn cụ thể
trong lòng với ít nhiều thất vọng, vời vợi nhớ thương.
-Buồn trông, là nhìn sự vật qua nhãn quan nội tâm phiền não, ủ ê.
Một con nhện nào trước tầm mắt, đang dệt, giăng những mối tơ
cho tổ ấm của nó. Những mối tơ đều đặn, khéo léo và chắc chắn. Tơ nhện phơi phới
bung hoàn hảo, mối tơ nào cũng hoàn thiện, cũng dính, cũng hợp lý, cũng hay!
-Chạnh tưởng mối tơ duyên của bản thân, vẫn còn linh đinh, vô
định, giờ vẫn chưa biết tấm thân sẽ phiêu linh về đâu. Phải chăng, tấm thân này,
không phải như một tấm lụa đào mà như một con nhện lạc loài, mòn mỏi đợi chờ
mối ai?
-Âu là ta phải chờ, phải đợi. Nhưng biết phải chờ đợi bao
lâu, trong khoảng không gian hữu hạn, đường đi cách núi e sông; thời gian vô định,
trong khi tuổi Xuân thì, ngày càng héo úa, nhạt phai. Thật là một khoảnh khắc đêm
sầu, biết ai tâm sự?
-Thôi thì, hãy trông lên cuối trời xa. Đó là một ngôi sao
Mai chênh chếch trên phía chân trời hừng sáng! Ánh sao Mai đang mờ dần
trước ánh sáng rực rỡ của buổi bình minh. Sao mờ là sao mất dần ánh sáng
tự thân do đối diện với nguồn sáng mạnh hơn của mặt trời. Sao Mai như vây là
sao Mai buồn! Nỗi buồn luôn hòa quyện nỗi nhớ. Vậy, Sao Mai ơi! Sao có nhớ ai
không…mà buồn? Phải chăng Sao Mai phương xa đó, đang buồn nhớ đến ta?
-Giai điệu nhện ơi nhện hỡi, sao ơi sao hỡi, cất lên âm thầm trong cõi lòng tuyệt vọng,
trong nội tâm đa đoan, trong một đêm không trăng, đường trần mịt mờ muôn lối, tối
tăm. Người ơi! Hãy nhìn đăm đăm về phía trời xa, cất cao tiếng lòng vời vợi, chết
trong lòng một ít; âm thầm rưng rưng cất tiếng sầu thảm xé lòng, vì nghịch cảnh
đành phải ly tan: “Xin đừng quên tôi!”; “Hãy nhớ lấy tình tôi”:[10]
Rồi có khi nào ngắm bóng mây,
Chiều thu đưa lạnh gió heo may.
Dừng chân trên bến sông xa vắng,
Chạnh tưởng tình tôi trong phút giây.
Thế Lữ
Hay:
Rồi có khi nào trong phút giây
Trăng lên khỏi núi gió đùa mây
Thì anh nên nhớ người năm nọ
Xưa đã cùng anh sống những ngày.
Mộng Cầm.[11]
(-Sao Hôm và sao Mai là những khái niệm quen thuộc trong văn hóa dân gian
Việt Nam. Sao Mai xuất hiện lúc bình minh và sao Hôm xuất hiện lúc chập tối.
Tuy nhiên không phải ai cũng biết rằng sao Mai và sao Hôm thường gọi là hai sao
như thế nhưng thực ra nó chỉ là một ngôi sao, đúng ra là hành tinh
thứ hai của hệ mặt trời chúng ta, tên là Sao Kim (Vénus)[12]
Sao Kim ở gần Mặt trời hơn Trái đất,
những thời điểm nó nằm ở phía Tây của Mặt trời, khi đó, chúng ta quan sát từ
Trái đất sẽ thấy hành tinh nóng nhất hệ Mặt trời này mọc lên ở phía Đông vào
rạng sáng, sớm hơn Mặt trời, và dân gian gọi nó là sao Mai.
Ngược lại những thời điểm sao Kim nằm ở phía Đông của
Mặt trời, nếu chúng ta quan sát về phía Tây vào thời điểm sau khi Mặt trời đã
lặn được một lúc sẽ thấy hành tinh này xuất hiện trên chân trời hoàng hôn và
dân gian gọi đó là sao Hôm.)
Ảnh
sao Mai, lúc rạng đông, Google.
*Đọc
tiếp 4 câu kết:
Khẳng định lòng chung
thuỷ sắt son.
Đêm đêm tưởng dải Ngân Hà,
Chuôi sao Tinh Đẩu đã
ba năm tròn.
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn,
Tào Khê nước chảy hãy
còn trơ trơ.
Song,
tâm tình buồn khi mong đợi tin tức người xa, trong đêm qua không trăng, không
phải chỉ một lần. Đó là tâm tình khôn nguôi niềm nhớ vì nó cứ diễn ra liên tục,
bất tận, đêm đêm. Tưởng nghĩa là nhớ. Dải Ngân hà[13] chỉ sự
ly tan, xa cách. Nhớ đến chia ly chính là ước mong tao ngộ, tương phùng.
(Sao
Tinh Đẩu là chòm sao Đại Hùng, Big Dipper, gồm 7 ngôi sao sáng như
cái gàu lớn, định vị phương Bắc để xác định ngôi sao Bắc Đẩu, Polaris. Ở
Việt Nam, dân gian gọi nó là Sao Bánh Lái lớn, dấu hiệu định vị hướng Bắc
để ngư dân phải đi biển vào ban đêm không lạc lối lúc trở về nhà).
Nguồn:
EarthSky.org: Ảnh chòm sao Đại Hùng Tinh, Big Dipper,
Cái Muỗng lớn; Tiểu Hùng Tinh, Little Dipper, Cái muỗng nhỏ
và Sao Bắc Cực, Polaris. Sao Bắc Cực không sáng lắm. Nó nằm ở cuối chòm
sao Little Dipper. Sao Merak và sao Dubhe là sao dẫn hướng để định vị sao Bắc Cực.
Khoảng cách theo hướng thành miệng cái muỗng + 5lần khoảng cách đó, có sai số
tương đối theo góc nhìn là đến sao Bắc Đẩu hay sao Polaris.
-Từ ngày cách
biệt, thắm thoát, chuôi sao Tinh Đẩu đã quay ba vòng giáp mối. Đã ba năm
tròn ròng rã. Xa mặt thời cách lòng là thói đời thương qua đường, thương cuồng sống
vội, trong xã hội kim tiền. Người phương xa ơi! Người có đổi trắng thay đen như
thế hay chăng?
Chu kỳ sao Đại Hùng, Big Dipper quay
quanh sao Bắc Cực bốn mùa trong một năm. Google.
Thức mây đòi lúc nhạt nồng,
Chuôi sao Bắc Đẩu
thôi Đông lại Đoài.[14]
-Người ta thường nói,
nước chảy thời đá mòn, đó là quy luật của tự nhiên. Còn quy luật không văn
bản trong tình yêu là tấm lòng chung thủy son sắt, kiên định trung trinh. Tấm lòng
chung thủy đó là dạ chẳng mòn.
Câu
cuối cùng, nhân vật trữ tình đã minh họa cho tấm lòng chung thủy đó là hình ảnh
một con suối chắc là ở quê hương. Tào Khê kia, dẫu đã muôn ngàn năm nước
chảy, mà nó hãy còn trơ trơ, vẫn nguyên vẹn như tình yêu đôi
ta. Tấm lòng của thiếp, tấm lòng của chàng mãi mãi rực rỡ như tính cách của hoa hướng
dương luôn ngắm bóng mặt trời:
Hướng dương lòng thiếp dường hoa
Lòng chàng lẩn thẩn e tà bóng dương.
Bóng dương để hoa vàng chẳng đoái
Hoa để vàng bởi tại bóng dương.[15]
Lời kết:
Tóm lại, bỏ qua cái hay
của hình thức nghệ thuật, biện pháp tu từ, bài thơ đã thông đạt một nỗi niềm thương
nhớ, ngẩn ngơ của đôi lứa ở đầu sông và cuối sông Tương. Tan hợp là quy luật
thường tình của thế nhân. Có mấy ai, xa nhau mà lòng không bồi hồi thương nhớ?
Mong một lần tái ngộ vô định thì quá xa vời. Con Tạo quá vô tình! Mong một
đằng, nó quằng một nẻo. Thôi thì cam đành. Cho lòng buồn trong quạnh vắng, trơ
trọi, ngân ngất nhớ thương.
Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội,
Người xa người tội lắm người ơi!
Chẳng thà không biết thì thôi,
Biết rồi mỗi đứa một nơi cũng buồn.
Ca
dao
***
- Thế mà, đêm mưa buồn vẫn còn dai dẳng, chưa tạnh. Nhạc Đèn khuya thì đã tắt
lâu rồi. Dòng nước mưa rơi đều đều từ máng xối xuống chậu nước trước hiên nhà tạo
thành một âm thanh êm như ru hồn vào mộng. Đôi lúc âm thanh đó tí tách như chờ đợi,
ngập ngừng; như trầm xuống, tỏ lòng; như lời của một người đầu sông Tương mượn lời
của gió nhắn nhe. Phải chăng người ấy cũng buồn, cũng đồng cảm với tôi, chia sẻ
với tôi trong một khoảnh khắc buồn nhớ vu vơ mà sâu lắng của một đêm buồn không tên?
Nghẹn ngào xa nhau
Lệ nhòa đôi mắt
Cho lòng se thắt
Phương trời ánh sao!
*
Mong ngày gặp nhau
Cho ngời đôi mắt
Tình xưa bát ngát,
Ngàn sao! Ngàn sao!
Ngân Triều
Nguồn: Trích Tác phẩm số 6: Thơ văn Phạm Thái – Đôi mắt giai nhân -
Ngân Triều biên khảo 2020.[16]
[1]
Ca từ bài hát Đèn khuya, sáng tác 1958 của nhạc sĩ Lam Phương.
Ông tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh năm 1937 tại Rạch Giá. Nhạc của ông
chuộng điệu mambo nhưng đa dạng với rất nhiều đề tài. Nói lên cảm xúc về năm
1954 có "Chuyến đò vĩ tuyến", "Nhạc rừng khuya", "Đoàn
người lữ thứ" và "Nắng đẹp miền Nam". Nói về tình quân nhân ông
có "Tình anh lính chiến", "Chiều hành quân". Nói đến tình mẫu
tử ông có "Đèn khuya", "Tạ ơn mẹ". Nói đến những kiếp sống
lầm than ông có "Kiếp nghèo", "Chiều tàn". Riêng về tình
ca, có thể nói ông là một suối nguồn phong phú. Ông là một trong những nhạc
sĩ tiên phong của tân nhạc miền Nam Việt Nam với khoảng
200 tác phẩm. Nguồn: wikipedia.org
[2]
Nhân sinh thất thập cổ lai hy: Trích trong bài Khúc Giang 2, 曲江其二, (Đỗ
Phủ (712 – 770): Tửu trái tầm
thường hành xứ hữu, Nhân sinh thất thập cổ lai hy. 酒債尋常行處有,人生七十古來稀. Nợ
tiền uống rượu vốn chuyện thường, nơi nào cũng có, Xưa nay đời người sống tới bảy
chục là hiếm hoi. Nợ tiền quán rượu đâu không thế? Sống bảy mươi năm đã mấy
người? (Tản Đà).
[3]
Mậu Thân tự thọ, Nguyễn Khuyến, Mậu
Thân tức năm 1908, Quốc văn tùng ký bản
số (AB.383) và Nam âm thảo (VHv.2381). Có bản
chép là Cảm hứng, Đại lão…cả câu: Đời mười
phần không vừa ý mình đến tám, chín phần. Cả hai câu là nỗi niềm
cay đắng trong cô đơn và cảm thấy mình xa lạ, lạc loài trong chốn cũ.
[4]
sinh ký tử quy, nghĩa là sống gửi, ở đậu, cõi tạm; tử, chết, trở
về nơi mình đã ra đi.
[5]Chinh
Phụ ngâm khúc, Đặng Trần Côn-Đoàn Thị Điểm, traduit en
Francais par Tuần Lý Huỳnh Khắc Dụng, nxb Bộ Giáo Dục và Thanh Niên, năm
1969, câu 157-158: Votre mère est triste: sur le seuil elle attend. Votre
enfant bouche bée réclame sa béquée. Page 42
[6]
Sđd như trên, câu 111-112: A qui peut-on confier le secret de son
coeur? Moi, derrière ma porte et vous, à l’horizon! Page 34.
[7]
Đoạn Trường Tân Thanh, Nguyễn Du, câu 2855-2856: Son
coeur s’était attaché aux serments gravés sur la pierre et l’or dans le passé.
En lui pensant, il croyait qu’il la voyait revenir dans une rêverie. Pòeme
de Nguyễn Du, traduction Francaise en vers libres par Lưu Hoài, nxb
Văn Học-Hà Nội 2003, trang 344.
[8]
Tào Khê: Khe Tào, nay còn dấu vế ở Tiên Sơn Bắc Ninh.
[9]
Truyện Kiều bản 1780, Nguyễn Du, Nguyễn Quảng Tuân phiên âm, khảo dị,
nxb Văn Học& TTNC Quốc Học, 2003, câu 2943-2944; tăm cá: bọt cá ở dưới
nước nổi lên, tăm cá hoặc tăm hơi, nghĩa hàm ẩm là tin tức, thư từ.
Bóng chim: Trên trời thẳm thì dò đâu ra bóng chim mà tìm chim. Nghĩa rộng,
Tô Vũ đi sứ Hung Nô, bị đày ở Tây Bá Lợi Á 19 năm. Ông xé áo viết nhiều thư, cột
vào chim nhạn gởi về quê nhà. Biết ông còn sống, Hán Vũ Đế, (140 TCN-87 TCN) can thiệp
rước ông về quê nhà. Nhạn bạch: dải lụa buộc chân nhạn để gởi thư: Lý
thư nhạn bạch, vô tiêu tức, (Thư trong bụng cá chép, thơ buộc chân nhạn,
không tăm hơi nào cả)
[10]
Truyền thuyết văn học Pháp nói rằng trong thời Trung cổ, một hiệp sĩ
cùng người tình đi dọc theo bờ sông nước chảy xiết. Chàng hiệp sĩ cố nhổ một cụm
hoa, tặng cho người yêu nhưng do bộ áo giáp quá nặng nề chàng đã rơi xuống nước.
Khi bị chìm xuống, chàng đã ném bó hoa cho tình nhân của mình và kêu lên
"xin đừng bao giờ quên anh" "Ne m'oubliez jamais".
Vì thế loài hoa này gắn liền với chuyện tình lãng mạn và định mệnh bi thảm. Nó
thường được các cô gái mang theo như là biểu hiện của lòng chung thủy và
tình yêu vĩnh cửu-Sự tích Hoa Lưu Ly, Myosotis, Forget me not… Vào thế kỷ XV ở Đức, người ta cho rằng những người mang theo hoa
này sẽ không bao giờ bị người tình quên lãng.
[11] Bà
Mộng Cầm, tên thật là Huỳnh Thị Nghệ sinh ngày17/7/1917. Quê Mộng Cầm ở
Phan Thiết, gần lầu Ông Hoàng nhưng thân sinh bà ra làm việc tận Nghệ An, nên mới
có tên Huỳnh Thị Nghệ. Sau đó bà được gửi về trọ ở nhà ông cậu ở Phan Thiết học
trường Pline Exercices. Mộng Cầm là cháu gọi nhà thơ Bích Khê bằng cậu nên bà
cũng có "máu thơ văn". Hàn Mặc Tử là mối tình đầu của bà năm Bà 17 tuổi.
Tình yêu của đôi bạn thắm thiết và trong sáng. Sau khi Hàn Mặc Tử mất, bà Mộng
Cầm lập gia đình và sinh được 7 người con. Ngày 23/7/2007, bà Mộng Cầm qua đời
tại số nhà số 300, Trần Hưng Đạo, Phan Thiết. Theo lời trăng trối của bà Mộng Cầm,
cô con gái đã mai táng bà trên lưng đồi lầu Ông Hoàng. Theo Người đưa tin,
Google.
[12]
Hệ mặt trời của chúng ta có 9 hành tinh, thứ tự từ gần mặt trời ra xa: [1]
Sao Thủy, Mercure; [2] Sao Kim, Venus; [3] Trái
đất, Earth; [4] Sao Hỏa, Mars; [5] Sao Mộc, Jupiter; [6]
Sao Thổ, Saturn; [7] Sao Thiên Vương, Uranus; [8] Sao Hải Vương,
Neptune; [9] Diêm Vương Tinh, Pluto. Đầu năm 2016, các nhà khoa học
bác bỏ Diêm Vương Tinh vì trong rìa dải Kuiper Belt (vành đai
mặt trời) mà nó hiện hữu còn có các hành tinh khác tương tự và lớn hơn nó, theo
thứ tự: Ceres; sao Diêm Vương, Pluto; Haumea; Make Make; Eris…các sao nầy dạng
băng, chờ nghiên cứu, được gọi là hành tinh lùn của hệ mặt trời. Kiến thức
mới hiện nay, Hệ mặt trời có 9 hành tinh quay quanh mặt trời hình ellip,
vòng trong có 4 hành tinh dạng rắn
như sao Thủy, sao kim, Trái Đất, Sao Hỏa; vòng ngoài có 5 hành tinh
dạng khí là Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên Vương, Sao Hải Vương và hành
tinh thứ 9 mới phát hiện vào đầu năm 2016.(chưa công bố tên).
[13]Dải
Ngân hà: Theo điển tích Ngưu Lang là
vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng, vì say mê một tiên nữ phụ trách việc
dệt vải tên là Chức Nữ nên bỏ bê việc chăn trâu, để trâu đi
nghênh ngang vào điện Ngọc Hư. Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của Ngưu Lang nên trễ nãi việc dệt vải. Ngọc Hoàng
giận dữ, đày cả hai phải cách xa ở hai bên bờ sông Ngân hà. Sau đó, Ngọc Hoàng
thương tình gia ơn, cho hai người mỗi năm được gặp nhau vào ngày mùng bảy tháng
Bảy âm lịch, được chim ô thước làm cầu. Khi tiễn biệt
nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ ômnhau, khóc sướt mướt, thời gian sum vầy quá ngắn,
không thỏa nỗi nhớ thương. Nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành mưa Ngâu. Ở
đây, ý thơ nói về thời gian đôi lứa chia ly cách biệt nay đã ba năm tròn.
[14]
Chinh phụ ngâm khúc, Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm, Maxreadin, câu
313-316.
[15]
Chinh phụ ngâm khúc, Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm, câu 303-306.
[16] "Chí
lớn trong thiên hạ không đựng đầy đôi mắt giai nhân" (Tiêu Sơn
Tráng Sĩ – lịch sử tiểu thuyết Khái Hưng)
ko thấy ảnh minh họa
Trả lờiXóaNó ko nhận chị ơi. Có in sách rồi chị. Sẽ tặng chị xem chơi. Quyển số 6: Phạm Thái, danh sĩ thời Tây Sơn.
Xóa