Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2020

TỰ VẤN CỦA 1 NGƯỜI THẦY/ Phùng Hi/ Kim tinh chia sẻ

TỰ VẤN CỦA 1 NGƯỜI THẦY.
Là một nhà giáo, bạn đã bao giờ tự hỏi...
TÔI CÓ SAI?
Truyện ngắn: Phùng Hi
Truyện phải có chất văn, ai cũng nói thế, nhưng cái tôi sắp viết ra đây chẳng có chút văn chương gì, có phần thô trụi. Sắp phiền bạn đọc đây.
Tôi là giáo viên dạy toán, không còn trẻ, không tiếng tăm, nghèo, ngoại hình xấu và thường bị vợ chê hơi ngu. Những phụ nữ chê chồng như vợ tôi có thể lập hẳn một câu lạc bộ để sinh hoạt hợp pháp và học hỏi nhau.
Tôi băng ngang sân trường về phòng chờ uống trà. Bỗng nghe sau lưng, từ hành lang trên lầu giọng một nam sinh hét to, vọng xuống: “Ê, mày tưởng mày ngon hả mậy?”.
Chính nó, nam sinh lớp 12 khi nãy bị tôi rầy: “Trong giờ học sao lại chơi game, anh không học thì có cần ở trong lớp không?”.
Tôi không quay lại, nó hét lên lần nữa: “Ê, mày tưởng mày ngon hả mậy?”. Nó gọi tôi khiêu khích. “Mày”, tiếng xưng hô tao - mày vẫn thường nghe trong đối thoại của người Việt, nhưng gọi giáo viên “Ê, mày...” như thế nghe sốc nặng, một sự vô lễ đến kinh hoàng. Tôi loạng choạng vì nhịp tim tăng tốc, máu chuyển hết lên đầu, cặp chân muốn khụy. Về tới phòng giáo viên, tôi run lập cập vì cơn giận muốn bung ra, mà không biết nó sẽ bung ra như thế nào.
Cái câu tôi nói “Anh không học thì có cần ở trong lớp không?” là nặng với nó sao? Tôi uống ly nước trà, bị sặc nước văng tung tóe. Tôi xử lý sao đây, nhất là trong bối cảnh xã hội đang chê giáo viên thiếu kỹ năng sư phạm, dù ít ai tỏ tường kỹ năng sư phạm gồm những gì? Nhẫn nhục, mackeno... hay làm gì đây hả cộng đồng mạng?
Hay tôi gặp nó để chất vấn: “Sao em gọi thầy như thế?”. Nghe xoàng quá, mà chắc chắn nó chối phắt: “Em nói thằng bạn chớ đâu có nói thầy”.
Hay tôi gặp nó mắng: “Trò mất dạy thế à?”. Tôi tưởng tượng nó sẽ rút dao đâm tôi một nhát vô bụng, như có thầy từng bị.
Hay tôi gặp nó xáng cho một bạt tai? Tôi hình dung phụ huynh của nó kéo đến trường chấn cho tôi một cú sập sống mũi, vì có thầy từng bị.
Tôi trù dập nó không được thi tốt nghiệp? Thực chất thì nó cộng trừ số nguyên chưa rành, nó ngồi nhầm cấp học, cấp một ngồi nhầm qua cấp ba, quá đau cho giáo viên. Nhưng coi chừng tôi sẽ bị đình chỉ giảng dạy như chơi, sau khi nghe hàng loạt ngôn từ hình sự rằng cần xử lý nghiêm minh, đúng người đúng tội của các cấp quản lý? Kiếm miếng cơm bằng nghề giáo nay tới lúc hiểm nguy. Nó sẽ chối khi phụ huynh được mời đến trường để nghe sự việc.
Nó sẽ chối khi ban giám hiệu can thiệp. Bỏ qua, coi như không biết ư? Ban giám hiệu cười vỗ vai tôi, thôi coi như nó kêu ai đó, tai nạn nghề nghiệp như bao nghề nghiệp. Nghĩ đến đó tôi giận run, tim đập thình thịch, mệt bã người. Cái câu “TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN” treo trang trọng kia như làm dáng, như trêu ngươi, như ngón đòn đá xéo giáo viên.
Tôi vô lớp 12 đó đến bốn lần một tuần để dạy đủ năm tiết toán. Đầu giờ nó nhìn tôi cười quái dị một lúc, rồi cúi mặt vô IPhone chơi game, hoặc ngủ, hoặc nó chọc phá các bạn và nói chuyện rất to, to hơn cả tiếng tôi giảng bài. Tôi tức ngợp khó thở, quá ngưỡng chịu đựng. Tôi không thể nào tập trung để dạy cho tốt được. Tôi ước dây thần kinh mình bằng thép.
Mấy tuần sau cứ thế. Tức đến mức ăn không ngon, ngủ mồ hôi toát ra đầm đìa, sụt cân, da xanh tái, già đi trông thấy. Vợ hỏi: “Anh có bịnh gì không, đi khám đi? Dạy có mấy đồng bạc mà lao tâm khổ tứ”. Vợ khinh tôi không biết làm ra nhiều tiền. Vợ chê tôi dạy dở nên không ai thèm tới nhà học thêm. Vợ thường so tôi với thầy dạy toán của nàng khi xưa, một ông thầy tài hoa sang trọng của một nền giáo dục vàng son. Tôi không tin, không cãi, và tất nhiên cũng không thể chia sẻ được với nàng vụ “dính đòn” quá đau lòng này.
Giữa tôi và nó đã đảo lộn quyền uy. Nó, chứ không phải tôi, mới có quyền làm gì trong lớp học. Thầy giáo nắm giữ tri thức ư? Không là cái đinh gì, xưa rồi.
Chịu không nổi nữa. Gặp nó trên hành lang, nó cười quái dị với tôi, tôi đề nghị: “Anh xuống phòng chờ của giáo viên gặp tôi một chút”. Nó hỏi xỏ lá: “Vụ gì đây?”.
Nó yên vị một ghế, tôi ngồi ghế đối diện. Nó cài kín nút cổ nhưng vết xăm trổ vẫn tràn ra, bò lên hai mang tai với ba màu đen, đỏ và chàm.
Trường không có bàn làm việc cho từng giáo viên, lý giải giáo viên đã có bàn làm việc trên lớp. Phòng chờ của giáo viên có cái bàn chung uống trà, nên mấy đồng nghiệp di tản ra ngoài.
Tôi bắt đầu, chậm rãi: “Thầy dạy đến nay hơn hai mươi năm, chưa có cái nhà cho đàng hoàng để ở. Lương bổng không nhiều nên cả xã hội coi khinh nghề giáo. Thầy cũng không tìm cách dạy thêm vì sợ các em tốn thêm tiền”. Tôi nhìn vào mắt nó thấy có chút cảm động nên không than nghèo kể khổ nữa, tôi chốt bằng câu: “Coi ra thầy cũng thuộc dạng đáng thương, đúng không? Sao em nỡ đối xử với thầy như thế?”. Tôi dùng “khổ nhục kế” và thành công, nó nhận câu hét to sau lưng tôi: “Ê, mày tưởng mày ngon hả mậy!?” là nhắm vào tôi, chứ không chối là nói thằng bạn. Thưa các bạn Facebookers, YouTubers... vậy tôi được xem có kỹ năng sư phạm chưa nhỉ?
Tôi tiếp: “Nếu em thấy bất bình trong cuộc sống thì đừng đến trường trút vô thầy cô, tội nghiệp. Xung quanh em đó, gần nhà em đó, có kẻ làm quan cấp xã, cấp huyện lương hằng tháng thua thầy xa nhưng họ cất nhà cao cửa rộng, vợ con sung sướng chi tiêu, xe hơi đưa đón. Em có bao giờ tự hỏi tiền ở đâu họ nhiều thế? Em có dám đối mặt họ để hỏi cho ra lẽ không?”.
Nó ậm ừ xin lỗi tôi rồi về lớp.
Tôi nguôi giận vì vừa thực hiện xong ác ý, xúi nó giải quyết giúp tôi một bức xúc rằng tôi học hành đàng hoàng, chuyên môn nghiệp vụ bài bản mà đời sống cực khổ thế này.
Hôm sau vào lớp, nó không cười quái dị với tôi nữa, chỉ cúi mặt chơi game. Chắc nó nghĩ không quấy tôi dạy đã là ăn năn, là tốt lắm rồi. Nó từng trả treo với tôi: “Toán mà thi trắc nghiệm thì cần quái gì học vẫn làm được bài”.
Thi trung học phổ thông quốc gia nó đậu. Giấy báo gọi nó học đại học và nhiều đứa tương tự như nó, bay về trường như bướm. Nhưng ngay tuần sau tôi nghe tin, từ làng xóm, một vụ choảng nhau ra trò. Nó cùng ba thanh niên choai choai chặn xe ông quan huyện lúc chạng vạng tối với hung khí cầm tay. Nó hỏi: “Đ.M, mày lương tháng bao nhiêu mà giàu có thế?”. Không ngờ ông quan xuất thân võ biền, trong xe còn có tài xế to khỏe, cũng xuất xứ như ông, võ nghệ đầy mình, trên xe thế nào lại sẵn cả gậy gộc. Hai đối bốn, quan huyện cùng tài xế đập cho bọn nó một trận thừa chết thiếu sống. Phần nó bị gãy chân, lại chủ mưu gây rối nên công an huyện gô cổ về đồn, rồi cho đi tù với bản án ba năm.
Giáo viên trong trường ai nấy thở phào, sướng: “Đáng đời cái thằng, nó hành hạ mình mấy năm nay”. Còn tôi, diễn tả tâm trạng thế nào nhỉ? Một chút hả dạ vì nó dám dằn mặt quan huyện, một chút sướng vì có kẻ đập nó một trận tơi bời, một chút ân hận vì xúi nó, một chút bất ngờ sao nó nghe lời mình.
Tôi có sai? Hình như sai, rồi hình như không sai? Tôi sẽ chối tội nếu ai đó biết. Tôi sẽ quẳng cái lương tâm chết bầm để ngủ yên. Tôi đè dễ dàng cái thiện lương yếu ớt, sau bao năm bị bào mòn bởi lắm thứ giả trá, dám ngóc đầu dậy.
Hai năm sau, tôi có việc đi lên xã vùng cao Phú Dầu, đường đi ngang qua cổng trại giam Phước Xuân. Con đường gập ghềnh đang sửa sang, chỗ đổ bêtông, chỗ làm cầu, chỗ xẻ núi... bụi mù mịt, nắng hạ chói lòa. Xe 16 chỗ dừng chỗ cây cầu tạm để mọi người xuống suối rửa mặt.
Tôi chợt thấy nó cùng đội bạn tù đang làm đường. Nó thấy tôi đến gần liền sợ sệt chỉ anh quản giáo, anh này đang xông đến rất nhanh.
“Đây là quản giáo của em” - nó vội nói.
“Tôi giáo viên, cậu ấy trò tôi” - tôi tự giới thiệu, rồi rụt rè năn nỉ:
“Xin anh cho tôi gặp ít phút”.
Anh quản giáo ngó tôi từ chân lên đầu, tỏ ý bực:
“Nói nhanh lên”.
Tôi quay lại đặt tay lên vai nó, người nó gầy rộc, ướt sũng mồ hôi vì nắng nóng, hỏi nhỏ: “Em có giận thầy không?”.
“Không, em hiểu ý thầy rồi, em không giận vì chuyện đó đâu” - nó cười, trả lời.
“Cực lắm không?”.
“Em hiểu ra, em lớn lên, nhiều thứ lắm. Thầy đừng nghĩ ngợi gì nhiều”.
Tôi rút ví đưa nó tờ bạc năm trăm, nó nói quản giáo không cho nhận đâu. Tôi rút thêm tờ bạc nữa lại gần anh quản giáo, làm bộ ngó xa xa chỉ tay về phía núi đồi nắng lóa: “Mong anh quan tâm, nó tuổi học trò nhỏ dại”.
Xe gọi tôi đi. Tôi vẫy tay chào nó, nó nói với theo: “Thầy ơi, giữ gìn sức khỏe nghen”.
Giọng nó nẫu rặt nghe cũng thương. Sao nó quan tâm đến sức khỏe của tôi?
Đêm ấy, tôi ngủ nhà sàn của người Ba Na, mát mẻ. Tôi mơ thấy nó bị công an bắt vì tội vận chuyển ma túy, lại nghe nó gọi: “Thầy ơi, giữ gìn sức khỏe nghen!”. Tỉnh giấc, tôi nghe lòng mình cay đắng.
Tôi có sai??? ■
Tuổi Trẻ Cuối Tuần, 14/9/2019
Chia sẻ từ fb anh Lê Lộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét