Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

Mùi hương/ Truyện ngắn Ngô Đình Hải/ Kim Tinh chia sẻ

Mùi hương
Truyện ngắn Ngô Đình Hải
“mùi hương con gái như khói thuốc
thở mới một lần đã tương tư
gần thì đau nhói xa thì nhớ
bỏ điếng lòng nhau giữ nặng người”
Cũng chỉ là thơ, đẹp và lãng đãng không hồi kết. Còn cái thực thì lại như chuyện hồi mới lớn, quen một em nữ sinh trắng da dài tóc. Nhà em bán cá ở chợ. Quen rồi biết, sáng nào em cũng phụ mẹ dọn hàng, bán hàng từ sớm, rồi mới đi học. Thằng con trai ngu ngơ, quý người bạn gái của mình, đã ngẩn người khi tên bạn rắn mắt hỏi sau buổi xem phim với em: có ôm không? Có hôn không? Có nghe mùi gì không?... Mùi hả, hỏi ngộ, có chứ, chỉ không biết gọi là gì…Rồi chia tay, rồi năm ba mối tình tiếp theo, năm bẩy cái mùi con gái khác nhau lẩn quẩn, không phân biệt được. Lâu ngày hình ảnh nhạt nhòa, phấn hương tan tác, nhưng cái mùi đầu tiên thì không quên được, nhất là khi bất ngờ phát hiện ra, nó chẳng xa lạ gì, chỉ là mùi… tanh của cá, nó ám lên tay mỗi lần nắm lấy, ám lên mặt những khi ngồi nhìn ngẩn ngơ, ám lên tóc những lúc chở em, ngồi vắt vẻo phía trước, trên chiếc xe đạp đòn dông, cong người đạp mà thở, mà mê mẫn nó. Nó làm thành cái mùi hương ngọt ngào trên môi, hiếm hoi và tê tái. Để rồi khi mừng vì nhận ra nó, cái mùi mà mình tương tư đó, thì lại đau phát khóc lên được vì nó đã xa…
Có làm một đứa trẻ xa quê. Tuổi thơ quanh quẩn trong con hẻm ngoằn nghèo chật chội. Rời nơi đó ra, những ngày hè chỉ biết lang thang trong Sở thú, bắt từng con dế đi lạc, mà tưởng tới bạn bè cùng lớp đang trồi hụp trên dòng sông, đang chạy dài trên những cánh đồng, kéo theo con diều trong buổi chiều gió lộng, mà thèm. Thèm cái hơi đất ẩm, cái mùi ngai ngái của cỏ mục, cái mùi se se nồng của ngọn gió trên dòng sông, mà thương cho cái thiệt thòi của đứa trẻ thị thành.
Cái mùi đất còn ấm áp và quý báu hơn nữa, khi nó ở cạnh cái mùi lạnh tanh của đá. Thằng bạn đi lính chết trận, xác bỏ trong hòm đóng kín, được đưa về nhà chôn cất. Bạn bè lèo tèo năm bẩy đứa biết tin tới đưa tiễn, ngồi chung quanh cái hòm nó mà uống rượu. Nửa đêm, cha nó lên cơn điên nhớ con, cầm cái xà beng nạy tung nắp hòm để nhìn mặt. Cả đám xúm nhau ngó vào. Không có nó, không có cái xác người nào, chỉ có mấy cục đá xanh bê bết máu và vài miếng vải áo trận dính lên đó. Nó đó, nó chỉ còn lại chừng đó. Mùi tanh và lạnh ngắt xộc vào mũi. Người đứng quanh bỗng dưng cũng tê dại như đá…
Còn nữa, cứ nghe pháo nổ là thấy Tết. Tưởng là như vậy, chỉ khi không còn pháo, mà thay vào đó tiếng nổ trên băng, đĩa và video có hình cả dây pháo dài thượt, hay pháo giả, treo lên cũng lạch tạch và đèn đỏ nhấp nháy. Mới biết là không phải.Tôi không ưa nỗi mấy thứ này, nó chỉ làm nghèo nàn đi kỷ niệm và mờ nhạt những niềm vui. Nó thiếu đi một thứ thiêng liêng, giống như con người thiếu đi cái phần hồn. Đó là mùi pháo, mùi lưu huỳnh cháy, hăng hắc và khó thở, chui vào mũi vào miệng khi pháo nổ. Làm cay xè hai con mắt, nhưng chỉ cần nhắm mắt lại, hít vài hơi là tất cả những buồn vui, những hình ảnh của những ngày xưa cũ lại tràn về…
Gần Tết năm đó, thằng bạn có cái phép đặc biệt 24 giờ, giữa trưa lôi nhau ra hồ con rùa uống rượu đế với hột vịt lộn. Có tay nhà giàu ở gần, cao hứng chơi luôn một băng pháo sau cái cổng sắt, khói chui qua cửa, theo gió ngang qua chỗ ngồi, khói dừng lại trên người hắn, nó không còn là mùi pháo nữa, nó mang mùi chiến trường, mùi của chết chóc, và tay tôi tê cứng khi nghe hắn lẩm bẩm: lại Tết… Đang uống hắn đứng dậy: đi chơi bời đi. Tôi chở hắn lên Gò Vấp, vào động đĩ xóm Cháy. Cả một dãy nhà lụp xụp chứa gái. Hắn chỉ tay vào một em, cô gái ngước nhìn bộ đồ Thủy quân lục chiến của hắn, rồi cúi xuống lắc đầu, một cô khác đứng lên thay. Cô gái nhìn qua tôi, lẳng lặng đi vào một phòng trống, tôi đi theo. Lần đầu tiên trong đời sau khi đã làm cái công việc của giống đực, tôi nằm nán lại, tôi muốn hỏi về chuyện khi nãy. Chồng cô cùng một sắc lính với hắn, chồng chết, cô làm điếm nuôi đứa con nhỏ, cô không ngủ với hắn chỉ vì vậy, cô chỉ muốn giữ lại một chút của riêng mình. Tôi nằm gần bên, nghe trên người cô ngoài mùi mồ hôi, khét rơm rạ cháy. Còn có một thứ mùi khác ở tận cùng bên trong. Nó thoát ra theo hơi thở. Nó lẫn vào trong ánh mắt!
Mùi của chịu đựng và… sợ hãi!
NĐH
Ảnh: Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét