Thứ Năm, 21 tháng 3, 2019

Bùi Giáng/Viễn Phương sưu tầm và chia sẻ


ĐIÊN ???


alt
Bìa tập thơ Mưa Nguồn
Năm 1990, nhóm Việt Thường ở Montreal có xuất bản một cuốn thơ của Bùi Giáng gồm những bài chưa được phổ biến trước đây. Hình bìa là tranh chân dung Bùi Giáng do họa sĩ Đinh Cường vẽ, mang tên “Đôi Mắt Bùi Giáng”. Nhìn vào đôi mắt như tóe lửa của chàng thi sĩ được nói tới nhiều nhất, tôi thấy rờn rợn. Tôi tìm hình chụp của Bùi Giáng và tóm được một tấm hình có đôi mắt dữ dội như trong tranh vẽ. Đôi mắt của người điên!
alt
Con Mắt Bùi Giáng
Nhưng Bùi Giáng có điên không? Trong bài “Thay Lời Tựa” của cuốn sách, nhóm Việt Thường có nhắc tới hai giai thoại về Bùi Giáng. Sau 1975, ông đi qua chợ vỉa hè bán phụ tùng xe đạp ở cuối đường Trương Minh Ký, nhào vào lấy một cái ghi-đông xe và bỏ đi. Bà bán hàng chạy theo la thất thanh nhờ thiên hạ bắt giùm “thằng ăn cắp”. Ông nhẩn nha quay trả lại cái ghi-đông vào chỗ cũ và từ tốn phân bua: “Bà con coi! Mất cả nước không ai la, mất có cái ghi-đông xe mà la um sùm!”. Một giai thoại khác. Ông đang đi trên đường, thấy một phụ nữ Nga, vội chạy tới bóp vú bà này. Bà la choi chói, ông lầm bầm với người chung quanh: “Tao chỉ muốn thử xem cặp vú của nó có thể nuôi hết con dân Việt Nam không?”.
Hai hành động này có phải của người điên không? Điên chi mà khôn rứa! Hai giai thoại khác xảy ra trước năm 1975, do nhà văn Cung Tích Biền kể, lại làm chúng ta nghĩ ngợi. Vào đầu thập niên 60, Bùi Giáng dạy Việt văn tại một trường trung học ở tỉnh lỵ. Bữa giảng về Truyện Kiều, lúc nàng Kiều phải lưu lạc, ông òa khóc rồi nhảy qua cửa sổ của lớp, chạy thẳng ra bến xe, bắt xe đò về Sài Gòn. Báo hại học sinh ngồi chờ trong lớp, tưởng thầy sẽ quay lại vì sách vở, bao thuốc lá của thầy vẫn còn trên bàn. Được hỏi lý do, Bùi Giáng ngận ngùi nói: “Làm sao mà trở lại nơi em Kiều đã một lần hy sinh cho cái trò nhân gian kỳ ảo chỗ liên tồn!”.
Chuyện thứ hai cũng do nhà văn Cung Tích Biền, một người đồng hương với Bùi Giáng kể. Một lần Cung Tích Biền và Bùi Giáng đang đi long nhong gần nhà thờ Ba Chuông kiếm vài ly “quốc lủi” thì Bùi Giáng bỗng nói: “Cho ta về nhà chút đã!”. Hỏi ra ông nói về cho heo gà ăn kẻo chúng chết đói. Hai người về nhà ở gần cổng xe lửa số 6. Cung Tích Biền thấy ngay trước hàng hiên có mấy con heo đất, mấy con vịt nhựa được đặt trong rọ hoặc úp trong rổ. Bên con heo đất hãy còn mấy cọng rau tươi, trong rổ gà vịt còn những hạt gạo vung vãi. Một người bà con tiết lộ: “Phải chăm sóc cẩn thận, ảnh về thấy heo gà không có thức ăn ảnh khóc!”.
Bùi Giáng xuất hiện thường xuyên trên khu vực cầu Trương Minh Giảng. Nhà tôi ở Phú Nhuận, qua cầu hầu như hàng ngày, vậy mà chẳng bao giờ gặp Bùi Giáng. Thật khéo vô duyên. Phan Nhiên Hạo có duyên hơn tôi. Ông gặp Bùi thi sĩ rất thường: “Ông là một nhân vật khá nổi đình đám ở khu vực cầu Trương Minh Giảng. Có những buổi chiều đông đặc xe cộ, tôi ngồi uống cà phê bên đường nhìn ông đứng làm cảnh sát giao thông nơi đầu cầu Trương Minh Giảng. Ông đội một chiếc quần lót đỏ chói trên đầu, áo quần te tua, tay cầm chiếc roi tre dài, xoay ngang xoay dọc chỉ đường cho xe cộ. Người ta đi qua, cố gắng tránh xa ngọn roi tre dài, nhưng không ai chú ý đến ông. Ông loay hoay như vậy giữa dòng xe cộ hàng giờ liền, rồi chán, bỏ đi”.
Bùi Giáng đã có lần viết:
Làm thơ hay nhất trần đời
Cái điên cũng đến tuyệt vời cuồng điên
Cái khùng cũng vậy tuy nhiên
Cái tài hoa cũng muộn phiền lắm thay.
Vậy điên hay tỉnh? Bùi Giáng quả có vào Dưỡng Trí Viện Biên Hòa. Tác giả Võ Đắc Danh cho biết: hồ sơ Dưỡng Trí Viện Biên Hòa ghi nhận Bùi Giáng nhập viện hai lần, lần thứ nhất vào năm 1969, lần thứ hai vào năm 1977. Trong bệnh án của ông có đoạn ghi như sau: “Bệnh tái phát từ tháng 4/1969, có hôm thức suốt đêm để viết, nói huyên thuyên, chơi chữ, có khi la thất thanh, ý tưởng tự cao tự đại. Hay phát biểu ý kiến về những vấn đề chính trị, văn hoá trọng đại, có ý nghĩ bị người ta phá hoại sự nghiệp văn chương. Tháng 3/1969 bị cháy nhà và cháy tất cả sách vở quý báu nên đương sự bị bệnh mỗi ngày một nặng hơn…”
alt
Nhưng theo nghiên cứu của Lê Minh Quốc thì Bùi Giáng đã điên trước đó khá lâu, khi vợ ông sinh đứa con đầu lòng trong một ca sanh khó khiến cả hai mẹ con đều qua đời.
Nhà văn Cung Tích Biền cũng kể về những ngày Biên Hòa của Bùi Giáng: “Khoảng đầu thập niên 70 người ta đưa ông vào nhà thương điên Biên Hòa chữa cái bệnh ‘đứng ngã ba nhìn ra ngã bảy’. Từ nhà thương điên trở ra, bữa gặp nhau thấy ông rất tỉnh. Bèn hỏi một câu thường tình: “Nhà thương Biên Hòa trị cái tẩu hỏa hay nhỉ!”. Ông trả lời tỉnh queo: “Chữa trị quái gì đâu. Chẳng là ở ngoài mình thấy mình điên số một, khi vô nhà thương điên mới hiểu ra mình là đồ bỏ, điên nhí, điên tiểu thủ công nghiệp; trong nhà thương điên nhiều cha điên thượng thừa, điên vĩ đại hơn mình nhiều. Do vậy mà mình tự động thôi điên”.
Còn chính đương sự có nghĩ mình điên hay không, Bùi Giáng trả lời: “Nó điên? Vâng nhưng điên một cách vui vẻ. Bạ đâu gọi đó là mẫu thân bát ngát của con. Người ta bảo rằng nó không điên. Có kẻ bảo rằng nó giả vờ điên. Muốn biết nó điên hay không điên, hay giả vờ điên, thì trước hết phải đáp vào câu hỏi: Sao gọi là điên? Nhưng mà? Nhưng mà đó là một câu hỏi chưa hề có một lời giải đáp dưới gầm trời và suốt xưa nay vậy”.
Cái điên của Bùi Giáng, nếu có, thì là một cái điên có lý lịch không rõ ràng! Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng, hiện định cư tại Melbourne, Úc, còn giữ được một bản tiểu sử của Bùi Giáng do chính đương sự ghi trong sổ tay của Thượng Tọa vào ngày 10/11/1993.. Bùi Giáng đã kê ra từng năm trong cuộc đời của ông, khởi sự vào năm 1926, với hàng chữ: “được bà mẹ đẻ ra đời”. Khi ghi năm 1969, Bùi Giáng viết: “Bắt đầu điên rực rỡ”. Thời kỳ 1971 – 75 – 93, Bùi Giáng trộn chung với nhau, có một câu ghi: “Điên rồ lừng lẫy chết đi sống lại vẻ vang”. Tôi nhận thấy trong bản lý lịch do chính đương sự ghi, có một vài điều vui vui. Năm 1942, ông ghi: “Trở ra Huế vì nhớ nhung gái Huế”. Mục năm 1970 có ghi: “Gái Châu Đốc thương yêu và gái Long Xuyên yêu dấu. Gái Chợ Lớn khiến bị bịnh lậu”. Cùng thời gian này ông còn ghi: “Bình sinh mộng tưởng vấp phải niềm thương yêu của Kim Cương Nương Tử, Hà Thanh cô nương và Mẫu Thân Phùng Khánh (tức Trí Hải Ni Cô)”.
Câu hỏi vẫn còn đó: Bùi Giáng có điên không? Tôi nghĩ Bùi Giáng không thuộc trần gian này, ông đứng đâu đó giữa những tầng mây. Vậy nên chữ “điên” của trần gian không mảy may dính được vào với ông. Nhà văn Mai Thảo, trong bài viết “Một Vài Kỷ Niệm Với Bùi Giáng”, đăng trên báo Văn, số tháng 8 năm 1984, đã luận như sau: “Bùi Giáng đã đem lại cho cuộc đời biết bao nhiêu châu ngọc. Bằng tài thơ trác tuyệt. Bằng cõi ngôn ngữ ảo diệu, không tiền khoáng hậu. Có ông, thi ca mới đích thực có biển có trời. Từ ấy, thi ca mới không cùng không tận... Đọc lại Mưa Nguồn, đọc lại Ngàn Thu Rớt Hột, Bài Ca Quần Đảo, tôi còn muốn bật cười với thơ Bùi Giáng. Vui thôi mà. Đúng vậy, vui thôi, có gì khác đâu. Mất Bùi Giáng, thơ ta lại trở về với những hữu hạn đời đời của thơ. Nhiều người bảo ông chỉ là một thằng điên. Tôi chỉ muốn nghĩ thầm cho tôi là nếu có thêm được ít người điên như Bùi Giáng, thi ca ta, văn học ta còn được lạ lùng, được kỳ ảo biết bao nhiêu”.
Tôi điên là bởi tôi điên
Cầm tay cô hỏi cho phiền lòng nhau
Tôi điên từ trước đến sau
Từ vô lượng kiếp yêu đào hây hây
Trở cơn tuế nguyệt chầy chầy
Cầm tay nhau ngắm từ ngày sang đêm
Người nữ là cái nghiệp của Bùi Giáng. Ông yêu là yêu, không cần biết có được yêu lại không. Cái sướng của người mê mê tỉnh tỉnh là vậy. Người nữ xuất hiện nhiều trong thơ của ông là nữ nghệ sĩ Kim Cương.
alt
Bùi Giáng & Kim Cương
Tôi vẫn tưởng ông mê kỳ nữ một cách khơi khơi, nhưng “mối tình” này lại có đầu có đuôi hẳn hoi. Lúc Kim Cương chỉ mới 19 tuổi, đang theo đoàn cải lương của bà Bảy Nam, cô có tới dự đám cưới của cặp Hạnh-Thùy. Sau đám cưới, cô Thùy nói với Kim Cương: “Có một ông giáo sư Đại Học Văn Khoa, đi học ở Đức về, ái mộ chị lắm, muốn đến nhà thăm chị”. Kim Cương trả lời ngay: “Ừ, thì mời ổng tới”. Ông giáo sư đó là Bùi Giáng, lúc đó áo quần rất tươm tất nhưng đi xe đạp. Một lần, ông mời Kim Cương ngồi lên xe đạp ông chở đi chơi và bất thần cầu hôn. Kim Cương thấy ông có những biểu hiện kỳ kỳ nên rất sợ. Theo đuổi mãi không xong, Bùi Giáng thở dài nói: “Thôi, chắc cô không ưng tôi vì tôi lớn tuổi hơn cô. Vậy, xin cô hứa với tôi là sẽ ưng thằng cháu tôi nhé. Nó trẻ, lại đẹp trai, học giỏi”. Kim Cương ngần ngừ trả lời: “Thưa anh, chuyện tình cảm đâu có nói trước được. Tôi không dám hứa hẹn gì đâu, để chừng nào hãy tính”. Ý cô muốn hoãn binh nhưng Bùi Giáng đã vội dắt thằng cháu tới. Thằng nhỏ mới 8 tuổi!
Trong suốt những năm sau này, bóng hình Kim Cương không bao giờ phai nhạt trong cuộc đời Bùi Giáng. Trong cuộc sống lang bạt khắp phố phường Sài Gòn, nơi Bùi Giáng “nghỉ chân” thường là trước cửa nhà của Kim Cương. Nơi này như là cõi về an bình của Bùi Giáng mê mê tỉnh tỉnh. Kim Cương đã chịu đựng Bùi Giáng vì cảm kích mối tình đơn phương mà chàng trung niên thi sĩ ăn bờ ở bụi dành cho cô.
Kính thưa công chúa Kim Cương,
Trẫm từ vô tận ven đường ngồi đây.
Tờ thư rất mực mỏng dày,
Làm sao định nghĩa đêm ngày yêu nhau?
Nói về mối tình Bùi Giáng dành cho cô, Kim Cương thổ lộ: “Đúng hơn đó là mối tình thơ, như một thi sĩ cần một nàng thơ, mà nàng thơ thì bao giờ cũng nên là một hình ảnh không chạm tới được. Thi hứng được nuôi sống bằng tình yêu bị bỏ đói là vậy. Bùi Giáng là một thiên tài, nhưng ngô nghê say say tỉnh tỉnh. Nói là yêu thì bảo sao yêu được ông nhà thơ liêu xiêu, mình treo trái cây tòng teng. Hôm nào vui thì làm thơ tặng, tôi còn giữ cả chục bài, hôm thì ổng qua ổng… chọi đá. Thơ thì tôi cất giữ, người thơ tôi trân quý. Ngày ổng mất tôi chỉ biết cám ơn anh đã là một thi sĩ thiên tài, và đã cho tôi một mối tình đơn phương chung thủy suốt bốn chục năm trời”.
Mối tình thơ tưởng là trong sáng nhưng Bùi Giáng không phải là người nhà trời. Ông là một nam nhi, có những mơ ước trần tục của một người đàn ông. Nhà thơ Phan Nhiên Hạo kể: “Một lần đang ngồi ăn cơm của một bà bán cơm gánh trước cổng trường, ông đến ngồi cạnh tôi. Bà bán hàng thấy ông, có vẻ rất ngán ngẩm nhưng không đuổi ngay. Ông cũng chẳng kêu cơm nước gì. Ông dùng ngón trỏ và ngón giữa móc vào nhau tạo thành một dấu hiệu tục tĩu mà trẻ con hay làm. Tay kia cầm một quả chanh, không biết kiếm đâu ra. Ông cố nhét quả chanh vào giữa cái hình ô-van tạo nên bởi hai ngón tay, miệng lẩm bẩm: “Ðây là con c. nhét vô cái l... Kim Cương. Con c. to quá nhét vô không đươc”. Ông nói tiếng Quảng Nam, phát âm tiếng c. nghe như “kẹt”. Tôi cố nín cười mà không được. Ông vẫn tỉnh bơ lặp đi lặp lại trò chơi quả chanh to và cái khe nhỏ đó cho đến khi bị bà bán cơm quát đuổi. Rồi ông nói ông mong được Kim Cương đái lên mồ ông. Ông còn nói một vài câu nữa về Kim Cương, toàn những câu rất tục, có vẻ ông bị ám ảnh ngày đêm bởi khao khát tình dục với người đàn bà này”.
Người đàn bà thứ hai mà Bùi Giáng tôn thờ là một tu sĩ: ni sư Trí Hải. Bà sanh năm 1938 và mất năm 2003. Tên tục của bà là Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh. Phùng Khánh là con của ông Nguyễn Phước Ưng Thiều. Cụ Thiều là cháu nội của Tuy Lý Vương Nguyễn Phước Miên Trinh. Ba Phùng Khánh là một trong những giảng viên đầu tiên giảng dậy tại Thiền Viện Vạn Hạnh và Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam đồng thời là Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam. Bà đã dịch 41 tác phẩm về Phật học và văn học.
Bủi Giáng tôn sùng ni sư Trí Hải và gọi bà là “mẫu thân”.
Con về giũ áo đười ươi
Nực cười Trí Hải ngậm ngùi mẫu thân
Đẻ con một trận vô ngần
Mẹ còn đẻ nữa một lần nữa thôi
Mẫu thân Phùng Khánh tuyệt vời
Chiều xuân thơ mộng dưới trời bước đi.
Tại sao lại là “mẫu thân” trong khi ni sư Trí Hải còn thua ông tới 12 tuổi.. Chuyện “đười ươi” đâu cần luận lý. Có lần chính Bùi Giáng lý luận: “Phùng Khánh Mẫu Thân là mẹ Việt Nam, tôi là con dân Việt Nam. Vậy thì tất nhiên Phùng Khánh là mẹ của tôi vậy. Nếu tôi không nhận Phùng Khánh là mẹ, thì chẳng ra tôi là người Lào? Hoặc là người Cao Miên? Hoặc con dân Âu Mỹ ư? Huống nữa là: Phùng Khánh là bà mẹ loài người. Vậy Phùng Khánh là mẹ của tôi. Nếu tôi không phải là con của Phùng Khánh, thì chẳng ra tôi chẳng phải con người? Chẳng ra tôi là con vật”.
Cái “tam đoạn luận” của Bùi Giáng khá chặt chẽ, ai tin được thi tin. Tin hay không tin, có lẽ Bùi Giáng cũng chẳng cần biết. Ông chỉ chơi với châu chấu, chuồn chuồn!
Nói vậy cũng chưa theo được bước chân của Bùi Giáng. Ông còn chơi với Marilyn Monroe và Brigitte Bardot. Hai cô ngồn ngộn này thuộc loại đào văm. Thi sĩ của chúng ta chắc cũng mết thân hình bốc lửa cùng những nét rất sexy của hai cô minh tinh bên trời Tây này. Đàn bà hình như là nỗi ám ảnh khôn nguôi của Bùi Giáng. Từ khi vợ ông mất.
alt
Thấy một Bùi Giáng đầu đường xó chợ với đủ thứ lỉnh kỉnh trên người, ít ai nghĩ ông cũng đã từng có vợ như mọi người. Có rất sớm. Ông lập gia đình vào năm 1945, khi mới có 19 tuổi! Tác giả Vũ Đức Sao Biển đã về tận quê ông, thăm nhà thờ tộc họ Bùi để “khẳng định một điều mới mẻ: nhà thơ Bùi Giáng đã có vợ”. Người chăm lo hương khói cho Bùi tộc hiện nay cho biết: “Chị Bùi Giáng về làm dâu nhà ông bà bác tôi (cụ Bùi Thuyên và bà Huỳnh Thị Kiền – cha mẹ ông Bùi Giáng) năm 18 tuổi. Chị là người Duy Xuyên, đẹp lắm, tóc dài da trắng cái chi cũng đẹp. Tên thật của chị là Vạn Ninh”. Ông Bùi Luân, em ruột của Bùi Giáng, mô tả: “Phải nhận là chị xinh đẹp, cởi mở, vui tính, hồn nhiên… Gương mặt chị, hình ảnh chị đã nổi bật, sáng ngời mãi trong ký ức tôi. Duy có điều bất cứ ai, dù không biết gì nhiều về tướng số, gặp chị là cũng nhận ra ngay: chị không thể ở lâu với chúng ta trên cõi đời này, dù cõi đời vốn đã ngắn ngủi. Lấy chồng được ba năm, chị đã đột ngột lìa đời lúc mới ngoài hai mươi tuổi… Chị trút hơi thở một cách bình thản”. Bà Vạn Ninh mất vào năm 1948, chỉ ba năm sau ngày lập gia đình. Khi bà lâm chung, Bùi Giáng không có mặt tại nhà. Ông Bùi Luân cho biết tiếp: “Phút lâm chung, chị không thấy mặt chồng… Tôi chỉ biết là anh có mặt vào phút chót của buổi tiễn đưa chị về nơi an nghỉ cuối cùng – anh đứng bên cạnh chiếc quan tài với vành khăn trắng trên đầu”. Bùi Giáng rất yêu vợ nhưng vẫn thích bỏ nhà đi chơi. Thơ cho vợ của ông rất tình: Mình ơi, tôi gọi bằng nhà / Nhà ơi, tôi gọi mình là nhà tôi. Ông quay quắt nhớ cô vợ trẻ tới nỗi ít khi dám về lại cố quận. Nhưng bóng hình “con mọi nhỏ” vẫn chẳng bao giờ buông tha ông. Người Duy Xuyên có lệ thương yêu ai thì gọi là “con mọi”, “thằng mọi”. Trung niên thi sĩ uống trà / Thưa em mọi nhỏ, em đà uống chưa?
 *
* *
Bùi Giáng trước hết và trên hết là một nhà thơ. Thơ ông không trau chuốt mà hồn nhiên như cuộc sống của ông. Một lối thơ rất…Bùi Giáng:
Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày bóng con
Thưa rằng những ngón thon thon
Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau
Ông vung vãi thơ. Viết chữ là ra thơ, bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào. Thơ ông viết trên mọi thứ ông có trên tay, nhiều nhất là trên mặt sau giấy bạc gói bao thuốc lá. Theo Mai Thảo kể lại thì vào năm 1962 hay 1965, ông không nhớ chắc, nhà xuất bản An Tiêm của thầy Thanh Tuệ in thơ và văn của Bùi Giáng mệt nghỉ, không còn in sách của các tác giả khác được nữa. “Tôi chỉ kể tới Bùi Giáng, bởi suốt thời kỳ đó, có thể nói, thầy Thanh Tuệ vì một tấm lòng liên tài đặc biệt, chỉ mê thích thơ văn Bùi Giáng, chỉ in Bùi Giáng, dành trọn phương tiện cho ưu tiên xuất bản Bùi Giáng trước mọi tác giả khác. Và giai đoạn có thể đặt tên là giai đoạn Bùi Giáng này, An Tiêm đã in đêm in ngày, in mệt nghỉ, vì những năm tháng đó chính là những năm tháng đánh dấu cho thời kỳ sáng tác kỳ diệu sung mãn nhất của Bùi Giáng, cõi văn cõi thơ Bùi Giáng bấy giờ ào ạt vỡ bờ, bát ngát trường giang, mênh mông châu thổ, Bùi Giáng bấy giờ mỗi tuần viết cả ngàn trang khiến chúng tôi bàng hoàng khiếp đảm, ngôn ngữ và tư duy của Bùi Giáng bấy giờ hiển lộng tới không bến không bờ, vô cùng vô tận, và tài năng ông cũng vậy”.. Sao Bùi Giáng có thể viết nhiều như vậy trong khi thấy ông rong chơi tối ngày, ông chỉ nói: “Vui thôi mà!”.
Cho tới khi Mai Thảo làm số Văn đặc biệt về Bùi Giáng, muốn có thơ của ông nhưng chưa biết kiếm ông ở đâu thì bất ngờ ông ghé tòa soạn. Mai Thảo kể lại: “Ông ấy chỉ còn là da bọc xương trong quần áo thùng thình, mái tóc dài đạo sĩ, cái túi vải còn thêm cây gậy. Kéo ông ra trước báo quán chụp chung một tấm hình làm kỷ niệm rồi tôi hỏi xin ông những bài thơ mới nhất. Ông gật. Tưởng lấy ở túi vải ra. Hoặc nói về lấy, hoặc nói hôm sau. Tất cả đều không đúng. Ông hỏi mượn một cây bút, xin một xấp giấy, một chai bia lớn nữa, đoạn ngồi xuống, và trước sự kinh ngạc cực điểm của chúng tôi, bắt đầu tại chỗ làm thơ. Ông không chép lại thơ đã làm. Ông làm thơ tại chỗ. Lần đầu tiên tôi thấy Bùi Giáng viết, thoăn thoắt, vùn vụt, nhanh không thể tả. Như thơ không thể từ đầu, từ tim chảy xuống, xa quá, lâu quá, mà ngay từ đầu ngọn bút từ đầu ngón tay thôi. Làm thơ ứng khẩu, làm thơ tại chỗ, nhiều người cũng làm được nhưng là thơ thù tạc và chỉ dăm bảy câu và một bài thôi. Bùi Giáng khác. Chai bia còn sủi bọt, ông ngồi viết không ngừng, tự dạng nắn nót chỉnh đốn, thấy bài nào cũng khác lạ, cũng thật hay, cũng đích thực là từng hạt ngọc của cái thơ thượng thừa Bùi Giáng. Lần đó, tôi đã hiểu tại sao Bùi Giáng cứ cánh bướm rong chơi, cứ phiêu bồng lãng du mà vẫn có ngay nghìn câu một buổi. Đúng là ngủ ra thơ, thở ra thơ, uống la-de, hút thuốc lá ra thơ. Mà thơ không ai sánh bằng, thơ không ai đuổi kịp. Ông uống cạn chai la-de, lập lại ba tiếng bất hủ “Vui thôi mà” rồi đứng lên từ biệt”.
Bùi Giáng không làm thơ. Thơ chảy ra từ máu trong người ông. Giáo sư Huỳnh Như Phương tiết lộ thêm về bệnh án của Bùi Giáng: “Theo lời kể của gia đình, bệnh án Bùi Giáng có ghi ông mắc bệnh “tâm thần phân liệt dạng sáng tạo chữ”. “Máu cuồng và hồn điên”, phải chăng là một tố chất nghệ sĩ? Điên là cách thoát khỏi thế giới thực tại để đi vào trong một thế giới huyễn ảo của tâm hồn. Nói cách khác, điên là lìa xa thế giới của người, ẩn sâu vào thế giới của mình, không còn bị gò bó, vướng bận…Điên như Bùi Giáng có hai cái lợi. Một mặt, ông không tùy thuộc vào đời sống vật chất, không theo những quy ước thông thường của con người xã hội. Mặt khác, ông có thể phóng mình vào thi giới của mình, một thi giới mang ít nhiều ảnh tượng của hiện thực nhưng lại do chính ông tái tạo và chế biến. Có thể nói ông là đấng toàn năng, là hoàng đế trong thế giới của riêng ông”.
Người khác nhìn vào cách làm thơ của Bùi Giáng như vậy. Còn chính ông thì sao? Một đồng hương của ông có lần hỏi: “Thầy thường làm thơ như thế nào?” Ông mỉm cười: “Qua làm thơ cũng giống như em là kỹ sư mà làm toán lớp ba rứa thôi”. Trong một dịp khác, ông tự tình:
Thơ tôi làm (…) trong mấy cuốn thơ của tôi chỉ là một cách dìu ba đào về chân trời khác. Đi vào giữa trung tâm bão dông một lúc thì lập thời xô ngôn ngữ thoát ra, phá vòng vây áp bức. Tôi gạ gẫm với châu chấu, chuồn chuồn, đem phó thác thảm hoạ trần gian cho chuồn chuồn mang trên hai cách tay mỏng bay đi. Bay về Tử Trúc Lâm, bay về Sương Hy Lạp, ghé Calvaire viếng thăm một vong hồn bát ngát, rồi quay trở về đồng rộng, làm mục tử chăn trâu. Làm mục tử không xong bỏ trâu bò chạy lạc, phá phách mùa màng, khoai sắn, thì tôi chạy về bẩm báo với ni cô cho phép con chuồn chuồn của tôi cư lưu một phút giây trong linh hồn bao dung phương trượng. Ni cô xua đuổi tôi thì tôi ra bờ sông nằm ngủ khóc một mình thơ dại giữa chiêm bao. Trong chiêm bao thơ về lãng đãng thì từ đó vần bất tuyệt cũng lãng đãng chiêm bao…”
Không chỉ sáng tác thơ, Bùi Giáng lấn sân vào nhiều lãnh vực khác. Ông đã có 25 tập thơ, 26 cuốn sách nghiên cứu triết học và phê bình văn học, 16 dịch phẩm. Nhưng điều tôi mới biết khi tìm hiểu về Bùi Giáng là ông cũng đã cầm cọ. Tranh của ông rất lạ với những đường nét phóng túng, phóng túng như những câu thơ đột phá của ông. Một bức tranh của ông, bức “Gửi Đêm”, đã từng được bán đấu giá tới 27 ngàn đô Mỹ. Trong bài viết “Sự Thật Về Những Bức Tranh Của Bùi Giáng” của nhà văn Nguyễn Hữu Hồng Minh đăng trên tạp chí “Một Thế Giới”, số ngày 8/8/2017, ông viết: “Theo lời kể của tộc Bùi ở Vĩnh Trinh, Duy Xuyên – Quảng Nam, cụ thể là ông Bùi Vịnh, một bào đệ thì: “Năm 1950, Bùi Giáng đỗ tú tài II ban văn chương. Năm 1952 vào Sài Gòn dạy học, viết sách và vẽ tranh”. Và một người thầy của Bùi Giáng là giáo sư Vũ Ký khi gặp lại ở Sài Gòn thời gian trên thì: “Bùi Giáng đã nghỉ dạy học tư để cầm cọ bôi mực loay hoay vẽ tranh trong căn nhà lụp xụp ở hẻm Trương Minh Giảng”.
Họa sĩ Đinh Cường, trong bài “Bùi Giáng – Đi Về Với Gió Du Côn” cũng xác tín: “Anh (Bùi Giáng) đã ở qua rất nhiều nơi, những năm 1960, đường Phan Thanh Giản, nhà cháy, về đường Trương Tấn Bửu, có lúc ở trong Đại học Vạn Hạnh. Thời kỳ này anh vẽ nhiều tranh bột màu trên giấy, có khi là bút chì sáp, nhiều nhất là bút bi. Đã triển lãm tranh bột màu lần duy nhất tại nhà sách Albert Portail”.
alt
Bức tranh “Gửi Đêm” bán được 27 ngàn đô của Bùi Giáng.
Thi sĩ thường nghèo. Thi sĩ họ Bùi chắc phải nghèo tới ngặt. Nghèo nhưng ngông. Có những lúc ông thuê xích lô chạy lòng vòng. Mấy ông xích lô rất khoái chở ông thi sĩ đường phố này vì ông cho ăn nhậu no say. Tác giả Nguyễn Tấn Cử viết: “ Nghe mấy anh xích lô này kể, mỗi lần chở Trung niên thi sĩ là vui nhất trên đời vì ông luôn luôn cho ăn nhậu no say. Không biết tiền ở đâu ông luôn cho anh em rất hậu, mỗi lần chở “bệ hạ” là có thể sống được ba bốn ngày. Nói “bệ hạ” vì Bùi Giáng có một lối xưng hô rất ư là phiêu bồng cà rỡn hảo hán Lương Sơn Bạc: “Cho Trẫm về Chợ Lớn đi Đại ca”. Chỉ cần nghe như vậy, đại ca xích lô đã sướng rân lên cười toe và cung kính hạ càng: “Dạ xin mời Bệ hạ an tọa, Đại ca xin hầu ngài”. Với nụ cười an nhiên vi tiếu, Bùi đại vương nhảy tót lên xe một cách điệu nghệ, hai thầy trò bắt đầu cuộc: Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi / Đi lên đi xuống đã đời du côn”.
Tiền bạc đâu mà anh thi sĩ ngông nghênh này chi bạo như vậy? Một “đại ca” xích lô cho biết có lần ông bảo dừng lại trước một biệt thự kín cổng cao tường, chó sủa ầm ỹ. Ông ra lệnh cho xe đậu sát vào nơi có nút chuông. Ông bấm. Một người chạy ra, reo vang: “Trời ơi, anh Dzoáng, ngọn gió nào đưa anh tới đây vậy?”. “Trẫm” vẫn an vị trên xe, hách dịch nói: “Thì đi rong chơi, mi có buồn không nếu tao vay mi ít tiền?”. Chủ nhân căn biệt thự vội quay vào mang ra một bao thư màu xanh. Thi sĩ nhét phong bì vào lưng quần: “Ta viết cho mi một bài thơ hí?”. Bùi thi sĩ phóng bút ngay trên chiếc phong bì: “Đây ta tặng!”. Rồi ra lệnh cho xích lô đi. Câu chuyện do tác giả Nguyễn Tấn Cử viết lại.
Có lúc ông tiêu hoang như vậy nhưng cũng có lúc Bùi Giáng rất chi ly tiền bạc. Tác giả Phạm Chu Sa viết: “Tôi mời ông uống cà phê, ông hỏi: “Cà phê sữa bao nhiêu, mi?”. Tôi bảo hai đồng. Ông nói: “Tau không uống cà phê. Tau uống nước trà, mi cho tau hai đồng rứa, hỉ?”. Tôi gọi cà phê và đưa ông mấy đồng. Bùi Giáng cười hề hề bảo uống cà phê mà lại có tiền thì tau tới tìm chú mi hoài. Té ra ông già tỉnh như sáo chứ có điên gì đâu! Thật ra bấy giờ Bùi Giáng mới 50 tuổi nhưng với râu tóc bù xù điểm bạc, lại ăn mặc xốc xếch nên trông như một ông già”.
alt
Bìa tập thơ Bùi Giáng do nhóm Việt Thường xuất bản ở Montreal.
Thơ là tiền tệ của Bùi Giáng. Ông tính tiền bằng thơ. Thơ thì lúc nào ông chẳng có sẵn. Cứ như ông là cái máy tự in tiền. Nhà văn Từ Kế Tường kể chuyện đánh xì phé với Bùi Giáng trước năm 1975, khi ông còn điên nhẹ. “Nhà của hai vợ chồng họa sĩ Hồ Thành Đức – Bé Ký ở trong con hẻm 220 đường Trương Minh Giảng, bên hông Đại học Vạn Hạnh. Con hẻm này khá dài, khá rộng chạy cặp bờ sông bên kia cầu Trương Minh Giảng. Lâu lâu hai vợ chồng Hồ Thành Đức rủ bạn bè tới đánh xì phé. Hội xì phé này gồm có: Cung Tích Biền, Huy Tưởng, tôi, Nguyễn Hữu Hiệu (Thích Chơn Pháp), Bùi Giáng và dĩ nhiên có cả chủ nhà là hai vợ chồng Hồ Thành Đức – Bé Ký. Trong hội xì phé lãng tử này Cung Tích Biền, Huy Tưởng, tôi được xếp hàng cao thủ 12 túi. Nguyễn Hữu Hiệu, Bùi Giáng và Hồ Thành Đức – Bé Ký là… “thầy cúng”, nghĩa là mang tiền ra “cúng” cho chúng tôi thôi vì họ đánh quá dở. Nguyễn Hữu Hiệu (em của nhà thơ Viên Linh) là nhà thơ, nhà phê bình, tức Đại đức Thích Chơn Pháp, tu và mặc áo tu đàng hoàng, đi đánh phé tiền kẹp trong cuốn kinh Phật, thua bao nhiêu rút tiền ra bấy nhiêu, tiền mới cáu mới ghê. Còn Bùi Giáng đâu có nhiều tiền, chủ yếu chơi cho vui, cho đủ tay là chính. Hết tiền, anh Sáu Giáng mượn búa xua, mượn rồi… không nhớ, mà có nhớ cũng không trả, cười trừ buông một câu: Bọn mi ăn gian, đánh lận, gạt tau hết tiền. Vậy là huề. Anh Sáu Giáng thua xiểng liểng, hết cửa mượn bèn nằm dài ra sàn nhà nghỉ xả hơi chờ cao thủ nào vừa gom tiền thì bật dậy mượn: Mi cho tau mượn để tau gỡ chứ, có tiền tau sẽ chuyển bại thành thắng, trả cả vốn lẫn lời hay tau trả bằng… thơ cũng được. Và thơ anh Sáu Giáng trả nợ thua xì phé chính là bài này, mang đầy khí chất tếu táo của Bùi Giáng, đồng thời cũng giải thích vì sao Bùi Giáng có nhiều biệt danh như Bùi Giàng Búi, Giáng Bùi Giàng, Sáu Giáng.
“Ủa, phải anh Sáu Giáng đó không?
Và cô có phải cô Bông năm nào
Anh còn nhớ rõ, ôi chao
Vợ chồng tôi cũng lúc nào nhớ anh
Anh điên mà dzui dzẻ thập thành
Còn chúng tôi tỉnh mà đành buồn thiu!”
Bùi Giáng mê Truyện Kiều và thơ Huy Cận. Ông không có dịp gặp Nguyễn Du nhưng có gặp Huy Cận. La Toàn Vinh kể chuyện Bùi Giáng sau 1975, khi ông đi tới đi lui trước cửa trường Cao Đẳng Mỹ Thuật trong lúc Huy Cận nói chuyện ở bên trong. Ông đứng trước cửa trường chửi đổng: “Mẹ mày Huy Cận, mẹ mày Huy Cận”. Sinh viên báo cho ban Giám Hiệu biết nhưng tất cả đều im lặng.
Một lần khác, khi vào Nam, Huy Cận cho người đi tìm Bùi Giáng để thăm hỏi. Lúc đó Bùi Giáng đang “hành hiệp” trên đường phố, biết đâu tìm. Nhân viên của ông Thứ Trưởng Huy Cận phải nhờ tới họa sĩ Hồ Thành Đức. Đức khuyên Bùi Giáng nên ăn mặc đàng hoàng sạch sẽ nhưng Bùi Giáng coi như pha, mặc nguyên quần áo hôi hám rách rưới, quần xà lỏn, thắt cà vạt, lon hũ tùm lum trên người. Huy Cận ra tận cửa đón khách, chuyện trò thân mật và kêu Bùi Giáng là “tiên sinh”. Khi Huy Cận hỏi có cần ông giúp đỡ chi không, Bùi Giáng trả lời: “Ông Thứ Trưởng viết giúp cho mấy chữ để tôi trình công an chớ họ gặp là đánh tôi bầm mình bầm mẩy”. Huy Cận viết vào tờ giấy: “Nhà thơ Bùi Giáng, bạn tôi, ông ta có tính hay đi lang thang, các anh em công lực thông cảm giúp đỡ”. Hồ Thành Đức bảo Bùi Giáng đưa đi làm photocopy để cất bản chính nhưng ông không chịu. Kết quả, tuy có “bùa” nhưng ông vẫn bị công an đánh te tua. Được hỏi sao không đưa giấy ra, Bùi thi sĩ nói: “Tao chưa kịp lấy giấy ra thì nó đã đánh rồi!”.
Mê thơ Huy Cận không có nghĩa là bạn của ông Thứ Trưởng. Tình bạn giữa Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn chắc mặn mà hơn. Bùi Giáng đã từng châm chọc nhạc sĩ họ Trịnh: Công Sơn Trịnh trọng phiêu bồng / Thưa rằng thơ nhạc có ngần ấy thôi. Chưa hết, ông còn có thơ:
Anh Sơn vô tận bấy chầy
Tôi từ lẽo đẽo tháng ngày trải qua
Niềm thống khổ đứt ruột rà
Còn chăng? Chỉ một ấy là chi chi.

Khi Bùi Giáng qua đời, Trịnh Công Sơn đã ghi vào sổ tang:

Bùi Giang Bàng Giúi Bùi Giáng
Ô hay trăm ngõ bàng hoàng lỗ không
Lỗ không trời đất ngỡ ngàng
Nhớ thương vô cùng là từ
Là từ vô tận ứ ừ viển vông
alt
Bùi Giáng đi rong chơi qua thế giới khác vào lúc 2 giờ chiều ngày 7 tháng 10 năm 1998 sau một cơn tai biến mạch máu não. Nhà văn Nguyễn Viện, lúc đó là ký giả của báo Thanh Niên, đã vào thăm ông trong bệnh viện Chợ Rẫy. Ông ghi lại những giây phút chót của Bùi Giáng trong bài “Nhìn Thấy Bùi Giáng Lần Cuối”: “Lúc đó, tôi đang làm ở báo Thanh Niên. Sếp tôi, tổng thư ký tòa soạn Nguyễn Khắc Nhượng, bảo ông Bùi Giáng đang nằm cấp cứu trong bệnh viện Chợ Rẫy, ông vào xem thế nào. Tôi vào, cùng với một phóng viên ảnh. Lẽ ra, không một ai được phép vào gặp ông ấy trong thời điểm đó, nhưng nể tôi là nhà báo, bác sĩ trưởng khoa cấp cứu Tề Văn Tiếng đã đồng ý cho chúng tôi vào. Ở Sài Gòn, không mấy ai (trong giới văn nghệ) lại đã không từng gặp Bùi Giáng. Bình thường ông ăn mặc kiểu “Cái bang”, múa may ngoài đường, bất cứ ai có vài đồng lẻ cũng có thể mời ông uống một ly cà phê, nói dăm ba câu, hoặc được ông tặng vài câu thơ viết trên một tờ giấy vụn. Bảo ông điên cũng được, bảo tỉnh cũng không sai.Cái con người rất “bụi” ấy, giờ đây, trước mắt tôi, đang nằm trên chiếc giường sắt của bệnh viện, chuẩn bị giải phẫu. Toàn bộ thân thể ông đã được cạo trắng, sạch sẽ. Trần truồng. Được đắp trên người tấm drap trắng. Trông ông nhỏ bé và thơ dại, khuôn mặt hóm hém. Phóng viên ảnh nháy máy. Bác sĩ Châu, người phụ trách mổ cho Bùi Giáng, nói với tôi không hy vọng lắm, nhưng sẽ cố gắng. Bác sĩ Châu cũng cho tôi biết, ngoài gia đình nhà thơ, người đầu tiên và có lẽ cũng là người cuối cùng đến với Bùi Giáng trong bệnh viện là nghệ sĩ “mẫu thân” Kim Cương”.
Vẫn theo nhà văn Nguyễn Viện thì một số văn nghệ sĩ đã vận động để mai táng thi sĩ họ Bùi tại nghĩa trang thành phố. Thành Ủy đã chấp thuận nhưng gia đình đã từ chối. Ông vốn sống là nhân dân, chết vẫn là nhân dân nên gia đình muốn ông an nghỉ ở nghĩa trang nhân dân Gò Dưa.
Nhà báo Nguyễn Viện cũng cho biết: có nhiều người đã tranh nhau đọc diễn văn trong tang lễ của ông. Tôi thử tưởng tượng Bùi Giáng nghe được chuyện này, ông sẽ nói sao? Chắc ông sẽ nhắc lại câu nói thường ngày của ông: “Vui thôi mà!”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét