Thứ Năm, 4 tháng 3, 2021

Tản mạn...nửa đêm/ Tùy bút Ngân Triều

 

Thay lời bạt,

Taûn maïn…nöûa ñeâm

(Tản mạn...nửa đêm)

                                         Tùy bút, Ngân Triều

             Đêm thu, gió lọt song đào,

 Nửa vành trăng khuyết, ba sao giữa trời.                                

(Kiều, câu 1637-1638)

 Giai điệu của hai câu thơ trên, thay lời mở đầu cho quyển sách, cứ miên man xao động hồn tôi. Hai câu thơ đó là một bức tranh tâm trạng vời vợi băn khoăn về nỗi nhớ thương Thúc Sinh của Thúy Kiều; những mong lần nầy Thúc Sinh trở về nhà vợ lớn, Hoạn Thư, thú thật chuyện hai người đã “ràng buộc” trong cuộc tình “vườn mới thêm hoa”, để yên phận  lẽ mọn cùng với niềm tin chàng sẽ mã đáo thành công. Hoàn cảnh sáng tác của hai câu thơ hàm súc được Nguyễn Du phác họa là cảnh một đêm trăng sao mùa Thu. Khi ấy, gió Thu hiu hắt, lành lạnh len vào phòng một thiếu phụ cô đơn có chồng đang đi xa;[1] Gió qua cửa sổ, gió vào phòng the. Cửa sổ có che một tấm màn màu đỏ của hoa đào. Tấm màn cửa sổ mở ra để Kiều trông thấy một khung trời có trăng với vạn vạn vì sao vằng vặc trên cao. Nàng bất chợt nhìn thấy một vầng trăng khuyết, không rõ là trăng thượng tuần hay hạ tuần; và ba ngôi sao giữa trời; cũng có thể hiểu, với tâm trạng đa đoan, một mình một bóng, gió Thu hiu hắt lạnh lùng để buồn lo, thương nhớ người đi xa, Kiều không thể nào ngủ được trong thời điểm trời giờ đà khuya lắm, phải chăng là lúc trời khuya nửa đêm.

Song, qua ba điểm sao sáng và hình ảnh một vầng trăng khuyết, thì đó là chữ tâm. Cả câu bát là chữ tâm, , thuộc bộ tâm, chữ tượng hình, chữ nguyên thủy là vẽ hình trái tim có những lỗ nối mạch máu lưu thông; nghĩa là trái tim, tư lự, tánh tình, trung ương… (như tâm chí: tâm tư và ý chí; tâm khảm: cái lỗ ở quả tim hay chuyện sâu kín trong lòng). Cụ thể, nửa vành trăng khuyết là hình ảnh một nét mác; chỉ mặt trăng khuyết; ba sao giữa trời là hình ảnh của ba chấm của chữ tâm, . Hai câu thơ không chỉ là tâm trạng của Thúy Kiều (nỗi lòng) mà còn chỉ tên tục của Thúc Sinh là Thúc Kỳ Tâm. 束其心. Như vậy, trong một đêm thu cô đơn, gió xuyên qua màn cửa sổ màu đỏ, nhìn lên bầu trời khuya, chợt thấy vầng trăng và ba ngôi sao hợp thành chữ Tâm, tên của Thúc Sinh, Kiều chợt nhớ đến chàng tha thiết.

Cách chơi chữ như vầy lại gợi tôi nhớ đến một giai thoại đầy tự hào về một Trạng Nguyên nhỏ tuổi nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam: Trạng Nguyên Nguyễn Hiền, 阮賢.

Nguyễn Hiền, (1234 – 1255), người làng Dương A, Huyện Thượng Hiền, Phủ Thiên Trường. Nay là xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ông thi đỗ Trạng Nguyên năm 12 tuổi, khoa thi đầu tiên đời Trần Thái Tông (1247), cùng khoa với Lê Văn Hưu, 黎文 , (17 tuổi), đỗ Bảng Nhãn và Đặng Ma La,   麻羅 (14 tuổi), đỗ Thám Hoa. Vì còn thiếu niên, ông không được ban áo mão Trạng Nguyên, phải về quê phụng dưỡng mẫu thân và chờ học lễ 3 năm mới được phong chức. Đủ niên hạn, ông làm quan đến chức Thượng Thư Bộ Công, có đi sứ Trung Quốc, có bình Chiêm Thành, có công đắp đê quai vạc sông Hồng, kế sách phát triển võ thuật rèn luyện quân sĩ…

Ngày 14 tháng 8 năm Bính Tý (1255), Thượng Thư Bộ Công tức Trạng Nguyên Nguyễn Hiền bệnh nặng, qua đời lúc đang tuổi 21. Nhà vua thương tiếc truy phong ông là “Đại Vương Thành Hoàng”, phong thần ở 32 nơi, trong đó có đình Lai Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội. Đặc biệt, tại đền thờ ở quê hương ông, dân làng còn giữ được cuốn Ngọc Phả, kể về công đức của ông trong đó có câu đối ca ngợi tài năng của Ông:

Thập nhị tuế khôi khai lưỡng quốc,

Vạn niên thiên tuế lập tam tài

            ,

            .

Tạm dịch là:

Mười hai tuổi khai khoa hai nước,

Nghin năm sau sừng sững “tam tài”[2]

Tương truyền bấy giờ có sứ thần nước Tàu sang nước ta để thử nhân tài, ra đố một bài thơ như sau:

Lưỡng nhật bình đầu nhật

Tứ sơn điên đảo sơn

Lưỡng vương tranh nhất quốc.

Tứ khẩu tung hoành gian.

*

       

       

       

       

Tạm dịch là:

Hai mặt trời bằng đầu

Bốn trái núi nghiêng ngả

Hai vua tranh một nước

Bốn miệng dọc ngang trong một gian.

Vua và các quan trong triều bàng hoàng không ai hiểu được điều gì. Có người tâu, sao không hỏi ý kiến Trạng nguyên Nguyễn Hiền.

Cuối cùng, Nguyễn Hiền giải thích như sau:

 Hai mặt trời bằng đầu. 

Bốn trái núi nghiêng ngả.  

Hai vua tranh một nước. 

Bốn miệng ngang dọc trong một gian.

Đó là 4 câu thơ, mỗi câu đều nói đến một chữ Hán là chữ điền.[3] () nghĩa là ruộng.

Giải xong, Ông liền viết trên giấy một chữ điền (), chữ chân phương rất đẹp trao cho sứ giả đang tiu nghỉu, bẽ mặt, ngay giữa sân rồng của vua nước Nam.  Hắn bẽn lẽn, gật đầu lia lịa, bái phục, ca ngợi và phải chịu là nước Nam ta bấy giờ vẫn có lắm nhân tài, thậm chí có cả thần đồng.

Qua chuyện đó, người phương Bắc mới tạm ngưng và hủy bỏ âm mưu thôn tính nước ta.

Bây giờ, trời se lạnh và quang mây, để thấy ngàn sao như biển ngọc châu mênh mông, kỳ thú. Bốn bề vắng vẻ, lặng yên. Chỉ có tiếng rên rỉ, đều đều như nhịp đếm thời gian kiên trì của một loại côn trùng nào. Thiên hạ có khi đang ngon giấc, ngoại trừ ngọn đèn đường sáng trưng, đang thu hút một số loài thiêu thân, bướm đêm đến gần nhảy múa vòng quanh. Tôi bước ra giữa sân tìm kiếm ba bgôi sao trong hai câu thơ trên. Nửa vành trăng khuyết, ba sao giữa trời đâu rồi nhỉ? Tôi không thể nhận ra ba ngôi sao nào; ba ngôi sao chắc là sáng lắm, kết hợp với nửa vành trăng khuyết thành một chữ tâm, nghĩa là tấm lòng. Chữ tâm, phải chăng  ở đời nầy, rất cần có một tấm lòng nhân ái rộng mở, bao dung, vị tha… cao cả, Chữ tâm trong truyện Kiều không những Nguyễn Du tiên sinh đã khắc họa ở trên khung trời cao kia; mà tôi còn thấy nó đã được mọi người ngưỡng mộ tôn vinh bằng một bức tranh chữ tâm[4] viết theo lối thư pháp, thường treo một cách trang trọng, trong phòng khách, nhất là ở nhà của một số cựu giáo viên hưu trí. Điều đó, như thầm nói, cuộc đời đạm bạc của người thầy giáo thường chỉ có chữ khiêm tốn. Modeste, je vis et modeste, je mourai.[5]  Thật là thanh cao!

Dòng suy nghĩ tản mạn của tôi hình như nghe khô khan quá!  Phải chăng nó giống hình ảnh một ông già đạo mạo, khó tính, luôn nhăn nhó nhìn đời bằng đôi mắt lãnh đạm, khó ưa?

Kia là ba ngôi sao sáng của tôi.  Ba ngôi sao giăng thành một tam giác đều hoàn hảo, lung linh, trên đỉnh trời, một tam giác sao mùa Đông ngoạn mục, một hình ảnh diệu kỳ của thiên văn.   

Tam giác nầy gồm có 3 ngôi sao: Ngôi sao Procyon, trong chòm sao con chó nhỏ; Sao Syrius, chòm sao con chó lớn, sáng nhất bầu trời đêm; sao Bételgeuse, ánh sáng màu đỏ nằm trên vai phải của Ông Sao Thần Nông. Sao Thần Nông dân gian còn gọi là Sao Cày

 

Tam giác đều mùa Đông (Ảnh Thiên văn Google)

(hình một cái cày trên một đám ruộng), ba ngôi sao dọc theo thân cày, kéo dài ra thì nó cắt đường chân trời tại một điểm.  Điểm đó  phương chính Nam, đối diện là phương chính Bắc (có thể nhìn thấy sao Bắc Đẩu, không sáng lắm, nằm ở  khoảng 15-20 độ, góc hợp bởi điểm phương Bắc ngay đường chân trời với người quan sát và từ người quan sát lên bầu trời góc (15-20 độ). Nhớ là sao Bắc Đẩu chỉ có ánh sáng mờ.  Đã xác định Bắc Nam thì rất dễ dàng nhận ra hai Phương Đông Tây còn lại. Hướng Đông bên tay phải, Tây bên trái. Tương tự, Sao Thần Nông Orion hình ảnh một vị Thần có đai gươm gồm 3 sao liền nhau, thanh gươm cũng gồm 3 sao liền nhau. Đường thẳng từ thanh gươm quý đó của Thần (hay là cái thân cày theo cách gọi của dân gian), ta kéo dài ra, nó cắt đường chân trời tại một điểm. Điểm đó là vị trí của phương chính Nam từ đó ta suy ra các phương còn lại như sau lưng người quan sát là phương Bắc, bên tay trái là phương Đông và bên tay phải là phương Tây.  Có một bài ca ngắn Tìm phương Nam mà thời còn đi học và sau nầy đi dạy học sinh Tiểu Học, trong giờ Hoạt Động Thanh niên, Thầy trò cùng hát bài ca đó:

Nhìn lên trời xem sao, sao, sao…

Nhưng không biết phương Nam, Nam, Nam…

Kìa trông thấy Ông Thần, Thần, Thần…

Cài gươm quý bên mình, mình, mình…

Thật là rất vui, dễ thuộc, dễ hiểu và dễ nhớ!

Như vậy, ba sao giữa trời của tôi, ba sao tam giác đều mùa Đông ở đây chưa thành chữ tâm, vì chưa có nửa vành trăng khuyết.

Phải rồi! Chưa đủ chữ tâm, chưa có vành trăng khuyết vì vầng trăng chưa mọc, chưa treo đến vị trí để hợp thành chữ tâm. Cơ hội may mắn còn xa vời, còn ở tận đẩu tận đâu. Sống trên đời, ai cũng muốn có một chữ tâm đẹp hay giữ một tấm lòng trong sáng, vằng vặc tựa ánh trăng rằm với đời, cuối cùng để lại tiếng thơm cho hậu thế như hùm chết để da, người ta chết để tiếng.[6]

          Thật ra, hồi đó, tôi chưa nghĩ gì về ý nghĩa ba ngôi sao tam giác đều mùa Đông.

          “Ba ngôi sao đó ứng với tử vi đẩu số là trong đời nầy, bạn có ba mối tình: Ngôi sao sáng nhất Sirius có thể là một người bạn gái nhỏ thời thơ ấu, là người chung sống với bạn bây giờ. Ngôi sao thứ hai Procyon, có thể là một người bạn tâm giao với người đầu tiên, gieo tình nhưng trắc trở. Ngôi sao cuối cùng, Bételgeuse, có thể là một người bạn gái đã gắn bó những kỷ niệm đầu đời. Ba ngôi sao đều đặn là mối tình trước sau vẫn toàn bích”. Người bạn dân triết học Đông phương, chiêm tinh gia thân thiết nhất của tôi, một lần biết chuyện đoán vậy.

          Tôi chỉ cười xòa đưa duyên cho những lời vu vơ, tào lao đó. Không tin. Chuyện trên trời làm sao có liên quan gì đến tôi. Làm sao mà tử vi ứng với ba người bạn gái, y hệt nhau đã đi qua đời tôi, sáng trong, và diệu kỳ như một bầu trời muôn vàn vì sao lấp lánh.

          Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn, phải chăng theo quẻ bói khào ấy, ba người bạn gái tôi yêu quý đó, chắc là có một người đang chung sống; một người đang ở xa như ở một đầu sông Tương và một người đang xa tít, tận phương trời; hay cũng có thể là “ba nàng hay chỉ có một mối thôi?! Một mối tình thi vị, biến thể theo dòng đời đa đoan.

Rất buồn cười vì sao lại kể ra chuyện “Cái tôi đáng ghét”.[7] Cái tôi đáng ghét lắm, cho dẫu người đời vẫn muốn thi vị hóa và tô hồng. Thật ngu ngốc khi tô hồng chuyện riêng mình. Chuyện riêng mình thì có gì mà quảng bá mà nói công khai cho mọi người biết mà chi?!

Bây giờ, trời quá nửa đêm.  Bốn bề tịch mịch, lặng lẽ. Tiếng côn trùng điểm bước đi thời gian nghe chậm chạp và mòn mỏi hơn. Kêu rả rích cả đêm, phải chăng chúng cũng dần dần rời rã.                           

Ba sao giữa trời của tôi lúc nầy đã xế ngang đầu. Ô kìa!  Nửa vành trăng khuyết đã ló hai cái sừng lên ở cuối chân trời tự lúc nào! Vành trăng vẫn xinh đẹp dịu dàng. Con mắt ấy dù khi khuyết khi đầy vẫn chứa đựng biết bao kỷ niệm của một thời hoa mộng ngày xưa. Tôi ngẩn ngơ chú mục vào vầng trăng xa ấy với bao ý nghĩ thầm kín, rộn ràng. Thiên hạ dễ thường đang ngủ cả[8]. Nửa đêm. Đâu đó vang lên một tiếng gà gáy đồng vọng[9] nhà ai, phá tan cái lặng lẽ đêm dài, thật buồn cười:

-Trời chưa sáng…à nghen!  Trời chưa sáng … à nghen!

- Ừ! Trời chưa sáng, rồi… trời sẽ sáng thôi!

Ngân Triều



[1] Đêm thu gió lọt song đào
Chồng ai xa vắng gió vào chi đây?
Đêm thu gió lạnh đôi mày
Gió ơi! có biết nỗi này cho chăng?

Nguồn: Tản Đà, Hát tạp, Khối tình con - Quyển thứ nhất, Tản Đà thư cục in lần thứ hai, 1918

[2] Tam tài: phải chăng là tài ngoại giao đi sứ và bình Chiêm; tài đắp đê, phát triển nông nghiệp, nước giàu dân mạnh và tài cư an tư nguy (Cư an là sống yên. Tư nguy là nghĩ đến lúc nguy nan. Có nghĩa là lúc sống yên không quên cái nguy). Luôn rèn luyện quân sĩ thiện chiến, phòng bị giặc ngoại xâm.

[3] Tức là, toàn bộ 4 câu thơ chỉ để miêu tả một chữ “Điền” , (ruộng). Bài thơ ý nghĩa rắc rối, không hề đơn giản chút nào. Sau khi giải xong, trạng Hiền liền viết chữ điền trao sứ giả trước mặt bá quan văn-võ. Điều nầy không những làm triều đình hỡi dạ hỡi lòng mà còn làm sứ giả phương Bắc phải bái phục sự thông minh của nòi giống Việt.

[4] Chữ Tâm khi nhắc đến là nhắc đến trái tim, lòng dạ, lương tâm của con người. Mọi hành động của con người đều xuất phát từ cái Tâm thiện thì hành động và suy nghĩ đúng đạo lý, lẽ phải. Tâm không lành thì sẽ sinh tà ý và làm nhiều điều tội lỗi, xấu xa.

Chữ Tâm thường được dùng để hướng suy nghĩ của con người đến cái thiện, dưỡng tính, tu thân, sống tích cực và làm nhiều điều tốt lành. Tâm lệch lạc thì cuộc sống sẽ bị đảo lộn. Tâm gian dối thì cuộc sống sẽ bất an. Tâm ghen ghét thì cuộc sống hận thù, tâm đố kỵ thì cuộc sông mất vui. Tâm tham lam thì cuộc sống dần trở nên dối trá.

Vậy nên hãy để tâm của mình đặt lên ngực để yêu thương, đặt lên tay để giúp đỡ nhiều người, lên mắt để thấy được nỗi khổ của mọi người. Đặt lên chân để may mắn chạy đến với người cùng khổ. Đặt lên miệng để nói lời an ủi với người bất hạnh, lên tai để nghe được những lời góp ý của người khác.

*

Chữ Tâm thư pháp cũng có ý nghĩa giống như trên. Tuy nhiên chữ Tâm thư pháp còn thể hiện được tầm quan trọng và giá trị của chữ Tâm. Hơn nữa chữ tâm những mạnh mẽ, uyển chuyển, đầy sức tạo hình mà các nghệ nhân đã làm ra tranh dát vàng gửi gắm tâm hồn mình vào đó.

Tranh chữ Tâm được lắp ráp vào những khung tranh tươm tất, chỉnh chu và luôn đặt ở những vị trí quan trọng nhất trong nhà. Và thường được chọn để làm quà tặng cho bạn bè nhằm khuyên răn nhau giữ đúng cái Tâm là giữ đúng bản chất của một con người đúng nghĩa.

[5] Nguyên văn và bản dịch:

 « Modeste je vis, modeste je mourai; mais si je puis laisser dans vos esprits les idées vraies et généreuses, ce sera pour moi la plus douce des récompenses et la plus belle des gloires. Lorsque je ne serai plus, lorsque devenus grands, vous aurez peut-être oublié le maître de votre jeunesse, quelque chose de lui restera en vous sans que vous y songiez. Quand vous lirez, celui qui aujourd'hui vous apprend à lire sera encore à moitié avec vous; quand vous écrirez, celui qui le premier a guidé votre main sera encore de moitié dans votre travail; quand vous penserez à vos devoirs, à votre patrie qui attend de vous votre bonheur, votre maître aura sa part dans ces pensées généreuses qu'il vous a inspirées dès l'enfance. Non, je ne mourai pas tout entier, car je revivrai en vous.

Enfants!  Votre maître vous aime, il vous aimera toujours. Que vous demande-t-il en échange? Rien qu'un peu d'attention à ses paroles, un peu de respect pour ses leçons, et, si vous avez du cœur, un peu d'affection pour lui.» Guyau, « Le maître et l’élève »

*

«Tôi sống giản dị, chết cũng sẽ giản dị ; nhưng nếu tôi để lại trong tâm trí các trò những ý tưởng chân chính và cao thượng, thì với tôi điều đó sẽ là những phần thưởng khả ái nhất và là điều vẻ vang nhất. Khi thầy không còn nữa, lúc đó các trò đã khôn lớn, có lẽ các trò sẽ quên đi người thầy thời trẻ, nhưng có điều thầy vẫn tồn tại trong các trò mà các trò không nghĩ đến.

Khi các trò đọc chữ, các trò sẽ đọc giống như thầy một nửa; khi các trò viết chữ, hình ảnh người thầy đầu tiên cầm tay các trò uốn nắn sẽ còn một nửa trong công việc các trò; khi các trò suy nghĩ về bổn phận, về tổ quốc đang mong chờ sự phồn thịnh do các trò đem lại, (nếu đã vậy) thì thầy giáo của các trò sẽ có phần mình trong đó, do những ý tưởng cao cả mà thầy đã khai tâm cho các trò ngay từ thời thơ ấu. Không, thầy không chết mất đâu, bởi vì khi ấy thầy sẽ sống lại trong sự nghiệp của các trò.

Các trò ơi, thầy của các trò yêu thương các trò, người sẽ yêu thương các trò mãi mãi. Đổi lại thầy đòi hỏi các trò điều gì? Chẳng có gì khác hơn, chỉ là một chút quan tâm đến những lời thầy nói, một chút chấp hành những bài học của thầy đã dạy, và, nếu các trò có tấm lòng, thì hãy dành cho thầy một chút tình cảm ấm áp.» Guyau; Thầy và trò ; Ngân Triều dịch

Ghi chú: Guyau: tên thật là Jean Marie Guyau (28.10.185431.03.1888), chết vì lao phổi chỉ mới 34 tuổi. Ông đã học y khoa và là một Triết gia và Nhà thơ Pháp.

[6] Hùm chết còn da thuộc rất trân quý, sang giàu ai ai cũng chuộng. Do đó làm người, hãy nên để lại tiếng thơm cho hậu thế. Tương tự, cũng có câu ca dao:
Trăm năm bia đá thì mòn,

Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ.
Bia đá
hay tượng đài khắc ghi công trạng cá nhân, hữu hình, không bao giờ vĩnh cửu. Bia miệng, lời truyền tụng vô hình nhưng vẫn trơ trơ, vẫn sống mãi trong lịch sử dân tộc.

[7] Cái tôi đáng ghét: Trong quyển «Les pensées», Blaise Pascal (1623-1662) giải thích: Cái Tôi đáng ghét, (Le moi est haissable) như sau:

 -Do tự ái (amour-propre, amour de soi) và do tưởng tượng, con người tự xem mình như là «cái rốn hay trung tâm của vũ trụ» (nombrilisme). Người ấy chỉ biết có mình và xem thường tất cả người khác.

[8] Thiên hạ dễ thường đang ngủ cả
Việc gì mà thức một mình ta?

                          Chợt giấc; Thơ Tú Xương.

[9] Đồng vọng: Tiếng nghe văng vẳng xa xa.

Tiếng địch thổi nghe chừng đồng vọng,

Hàng cờ bay trông bóng phất phơ.
   Dấu chàng theo lớp mây đưa.

Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà.

Chinh phụ ngâm khúc, Đoàn Thị Điểm dịch, câu 49-52

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét