MINH OAN TRẦN KHẮC CHUNG VÀ HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA” - Hoàng Hương Trang
Từ xưa đa số người Việt mặc nhiên cho rằng Trần Khắc Chung và Huyền Trân công chúa là một mối tình. Họ kể truyền miệng đời này qua đời khác thành ra vô tình đã “Đóng Đinh” đó là một mối tình như có thực. Chính tôi từ mấy chục năm qua cũng tin như vậy. Cứ cho là trước khi đi làm vợ vua Chiêm Chế Mân, Huyền Trân công chúa đã có ý tình dan díu với Trần Khắc Chung, nên khi Chế Mân chết, vua Trần sai Khắc Chung đi cứu con gái khỏi bị hỏa thiêu chết theo chồng theo phong tục của hoàng gia Chiêm Thành, thì hai người “Tình cũ” lại được “tái hợp”. Cuộc cứu hộ công chúa thành công và hai người lênh đênh trên biển một thời gian khá dài có đến hàng năm, mới về tới Thăng Long.
Mãi cho đến khi thành phố Huế xây dựng Trung tâm văn hóa Huyền Trân, mà dân Huế gọi là Đền thờ Huyền Trân công chúa; tôi có dịp đến viếng, tìm hiểu cặn kẽ, đọc kỹ sử liệu và văn bia tại đền thờ, thật sự tôi đã sững sờ, ngỡ ngàng khi biết ra sự thật có trong sử liệu và văn bia tại Đền Thờ do Ban Nghiên Cứu Sử uy tín đã viết lại cho đúng sự thật. Ôi! Một nỗi oan đã kéo dài với thời gian mấy thế kỷ, mà không ai minh oan cho hai người. Theo sử liệu, khi công chúa Huyền Trân còn ở Thăng Long, chỉ mới 13 tuổi, đã được vua cha hứa gả cho Chế Mân. Khi đó, lão tướng Trần Khắc Chung đã rất già, vốn không phải họ Trần, mà là họ Đỗ, vì có nhiều công chiến trận nên được vua cho cải ra họ Trần. Lão tướng ngoài tài trận mạc, còn có tài thêu thùa rất khéo tay, vì vậy các công chúa trong triều được lão tướng dạy cho học thêu thùa. Công chúa Huyền Trân lúc đi lấy chồng mới 15 tuổi, là cháu ngoại của danh tướng Trần Hưng Đạo, bạn lão tướng chí thân của lão tướng Trần Khắc Chung. Lúc đó, lão tướng Khắc Chung đã già, đã có 3 đời vợ, con cháu đầy đàn, không thể nào lại dan díu với cô công chúa 13 tuổi là cháu ngoại của bạn mình được. Thuở xa xưa trên 700 năm trước đó, một cô gái nhỏ mới 13, 14 tuổi có dám yêu một ông già bạn của ông ngoại, và đã có vợ, con, cháu đầy đàn? Ngay thời đại ngày nay, điều đó cũng khó có thể xảy ra.
Cho đến khi vua Trần sai đi cứu công chúa là vì lão tướng đáng tin cậy, có nhiều mưu kế, từng trải trận mạc, mới có thể cứu được công chúa thoát khỏi lên giàn hỏa thiêu. Lúc này công chúa mới sinh hoàng tử được 2 tháng. Lão tướng Khắc Chung đã tương kế tựu kế, vừa thay mặt vua Trần để phúng điếu với triều đình Chiêm Thành (Chế Mân chết, Chế Cũ lên nối ngôi vua cũng chỉ mới trên dưới 15 tuổi, là con trai của bà Hoàng hậu lớn của Chế Mân, còn con của Huyền Trân là Chế Chí mới sinh được 2 tháng) vừa đề nghị với triều đình Chiêm Thành cho phép công chúa Huyền Trân ra biển Đông để hướng về quê hương bái biệt vua Cha, rồi sẽ trở vào để lên giàn hỏa.
Triều đình Chiêm Thành đã bị mắc mưu của lão tướng Việt Nam, đã bằng lòng cho công chúa Huyền Trân ra biển để bái biệt vua cha. Vừa hay trời phù hộ cho lão tướng, sương mù dày đặc bao phủ cả biển khơi, ba bên bốn bề đều không thấy rõ, nhân cơ hội đó, lão tướng đưa công chúa qua thuyền nhẹ, và dông tuốt về phía Bắc. Trên thuyền chỉ có mấy thủy binh chèo thuyền, thuyền nhẹ đi rất nhanh, sương mù đã che khuất bóng họ. Khi thuyền vào đến vùng biển Quảng Trị thì bị bão lớn, sóng đánh dữ dội suýt chìm thuyền, phải tấp vào bờ. Vùng đất Quảng Trị bấy giờ thuộc hai Châu Ô, Lý là đất mà Chế Mân đã dâng cho vua Trần làm sính lễ để cưới công chúa nhà Trần. Đất đã là của nước Việt, có quan trị nhậm do vua Trần cử đến cai quản. Chính quan cai quản đất mới này đã giấu nhẹm rất bí mật tung tích của lão tướng và Huyền Trân, chờ hết mùa giông bão, sửa chữa thuyền xong mới có thể tiếp tục hành trình ra Bắc. Tại sao phải giấu tung tích? Bởi thủy quân Chiêm Thành rất giỏi thủy trận, đã từng đánh ra tận Thăng Long thời Chế Bồng Nga, do đó họ có thể cho thuyền truy lùng thuyền của Khắc Chung và công chúa. Hai người được vị quan Việt Nam giấu kỹ đồng thời lo sửa chữa thuyền bè đã bị bão làm hư hỏng nặng. Hơn năm sau, hết mùa bão, trời yên biển lặng, quân Chiêm không truy đuổi nữa, thuyền cũng đã sửa chữa xong, họ mới tiếp tục cuộc hải trình ra Bắc.
Tuy được cứu thoát, nhưng công chúa trong tâm trạng mất một đứa con trai đầu lòng mới 2 tháng tuổi, cùng với nỗi đau vừa mất chồng, cùng nỗi sợ hãi vừa thoát lên giàn hỏa thiêu. Thử hỏi trong tâm trạng đau buồn mất chồng, mất con, và lo sợ như thế, còn tâm trạng đâu để dan díu, ngoại tình? Sở dĩ người đời sau thêu dệt nên mối tình Trần Khắc Chung và công chúa Huyền Trân là do họ đồng hóa với mối tình Tây Thi – Phạm Lãi bên Tàu. Sau khi báo thù vua Tàu, Tây Thi đã theo người tình cũ là Phạm Lãi chèo thuyền chu du vào Ngũ Hồ sống với nhau, lênh đênh bềnh bồng trên sóng nước, bỏ lại thế gian sau lưng. Do đó người Việt đời sau cứ thản nhiên đồng hóa mối tình Tây Thi – Phạm Lãi và Huyền Trân – Trần Khắc Chung như là một. Đó là nỗi oan của Lão Tướng Trần Khắc Chung và là nỗi oan của sương phụ Huyền Trân mà ngày nay chúng ta phải hiểu và đánh giá lại cho rõ ràng.
Khi về đến Thăng Long, Huyền Trân lên núi Yên Tử trình diện vua cha là Phật Hoàng Trần Nhân Tông, rồi quy y đi tu, lấy pháp danh là Hương Tràng ni sư. Bà vừa tu hành vừa dạy dân dệt vải và làm thuốc cứu bệnh cho dân. Tôi ước mong rằng người Việt Nam ta ai cũng có dịp đến viếng đền thờ Huyền Trân công chúa ở Huế để có dịp tận tường đọc kỹ văn bia và sử liệu chính thức đáng tin cậy để minh oan cho công chúa Huyền Trân và Lão tướng Trần Khắc Chung. Riêng tôi, sau lần có dịp đến viếng đền thờ và đọc cặn kẽ sử liệu, văn bia. Tôi đã thắp hương cúi đầu chân thành tạ lỗi với người xưa, vì mình đã lầm tưởng mấy chục năm qua chỉ vì hai chữ “tương truyền”, oan cho một người phụ nữ đoan hạnh và một vị lão tướng tài ba.
Hoàng Hương Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét