Vài suy tưởng về vua hề Sác-lô, nụ cười và những giọt nước mắt
- Quang Minh
- •
- • 24.9k Lượt Xem
“Đời là bi kịch khi được nhìn cận cảnh, nhưng lại là hài kịch khi được nhìn toàn cảnh”, vua hề Sác-lô đã từng nói về cuộc đời như thế.
Trong những ngày đầu của lịch sử điện ảnh, giữa kỷ nguyên phim câm của thế kỷ 19, người ta thấy hiện lên bóng hình của một người đàn ông đặc biệt: một người đàn ông lang thang, đơn độc, nghèo khổ; một người đàn ông nhạy cảm, dễ tổn thương, nhưng không bao giờ mất đi niềm tin vào cái đẹp; một người đàn ông mãi trượt ngã nhưng vẫn đứng dậy để đi tìm hạnh phúc… Đó là Sác-lô.
Sác-lô, một kẻ khờ với bộ râu bàn chải, chiếc mũ quả dưa và cây gậy ba-toong, vụng về, lạch bạch như một con chim cánh cụt, mơ mộng như một nhà thơ, nhưng đôi lúc cũng có thể hóa thân thành một quý ông lịch lãm, hay một “Nhà độc tài vĩ đại”.
Hài của Sác-lô đa sắc thái lắm: Người ta có thể cười cợt sự ngốc nghếch của Sác-lô một phút trước, rồi sau đó lại rưng rưng nước mắt khi kẻ dại khờ ấy hy sinh cho tình yêu (City lights); người ta hy vọng khi nhìn thấy Sác-lô nắm tay Ellen đi về phía chân trời, sau biết bao nhiêu lần cả hai gục ngã (Modern Times); người ta cảm thấy vững tin hơn vào nhân loại trước một diễn thuyết hùng hồn của Sác-lô trong “Nhà độc tài vĩ đại” (The Great Dictator); và người ta tiếc nuối trước một Sác-lô hấp hối sau màn trình diễn cuối cùng trên sân khấu (Limelight).
Vua hề Sác-lô, trong tạo hình một người đàn ông nhỏ bé và luộm thuộm, lại trở thành biểu tượng vĩ đại của lịch sử điện ảnh thế giới. Ông đã mang lại những giá trị sâu sắc, không phải bằng cách gồng mình chọc cười khán giả, mà là bằng những giọt nước mắt của niềm tin và hy vọng…
“Nụ cười như một tấm thấu kính, có thể lồi lõm, ta soi vào mà bật cười, nhưng không làm mờ đi bản chất đích thực của cuộc sống… Thời của Sác-lô, tiếng cười không mang ý nghĩa né tránh hay xoa dịu. Ông chẳng khoan nhượng với một nước Mỹ dậy thì và thơ ngây, phù phiếm và tàn nhẫn”, đạo diễn Đặng Nhật Minh từng viết về vua hề Sác-lô như thế.
Nền văn minh phương Tây rất trọng thị vẻ bề ngoài lịch lãm, quý tộc, nhưng nét đẹp văn hóa này không phải là không có nhược điểm của nó. Khi con người quá coi trọng vẻ bề ngoài thì người ta đánh mất điều cốt lõi ở bên trong. Thế kỷ 19 ghi dấu sự phát triển quá nhanh chóng của nền văn minh vật chất, khiến cho các giá trị nhân văn bị đánh mất, quan hệ giữa người với người trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Con người không biết tìm cách khắc phục nội tại tự thân, mà quy chụp xung đột xã hội cho mâu thuẫn giai cấp, cho chênh lệch giàu nghèo.
Có lẽ đó là lý do tại sao Sác-lô lựa chọn hình tượng của một kẻ khờ, bụi đời, ngờ nghệch, và luộm thuộm – nhưng tốt bụng – trên màn ảnh.
Sác-lô có thể là một ngôi sao sáng, nhưng sự xuất hiện của ông cũng đánh dấu mốc suy vong cho nghệ thuật hài, tựa như đạo lý “Vật cực tất phản” của Đông phương vậy. Một khi kẻ luộm thuộm từng thẳng thừng kéo tụt chuẩn mực bề ngoài của nghệ thuật sân khấu kia không còn khờ, mà cũng chẳng còn tốt bụng nữa, thì sao?
Những trò lố mua vui, những tình huống nhợt nhạt, những thói xấu kệch cỡm, với những nhân vật nam không ra nam, nữ không ra nữ, tất cả chỉ cố để “cù” khán giả. Và tất nhiên, khán giả được cười, cười thoải mái, cười vui vẻ, cười hào hứng, cười quên cuộc sống, và cũng quên luôn rằng ở trên màn ảnh đang chiếu cái gì… Nhưng làm sao những người nghệ sĩ ấy dám khiến vở diễn của mình hay hơn, ý nghĩa hơn, sâu sắc hơn được, bởi vì cười quá thì dễ bị người ta “cắt” mất.
Và không chỉ trong nghệ thuật, những tiếng cười hời hợt và dễ dãi lan đến khắp mọi nơi. Ở chốn công sở, người ta bắt gặp nụ cười trâng tráo trong những câu chuyện khiến người nghe đỏ mặt; nơi quán nước, người ta nghe thấy tiếng cười nhạt thếch của những câu chuyện ngồi lê đôi mách; rồi tiếng cười ha hả trong bàn nhậu, hay tiếng cười cuồng dại trong thứ nhạc nhảy chẳng biết từ khi nào đã lan ra khắp các cửa hàng kinh doanh chốn thành thị…
Mà tiếng cười đâu chỉ kệch cỡm trong giới bình dân? Dạ tiệc báo chí hàng năm tại tòa Bạch Ốc càng ngày càng trở nên lố lăng và nhạt nhẽo. Người ta có thể chứng kiến các chính trị gia tinh hoa cố gắng nặn ra nụ cười dù chắc chắn không ít lần họ chẳng hiểu kẻ tấu hài nói gì. Muốn “luộc” tổng thống và các viên chức chính quyền thì cũng được thôi, nhưng ác ý dùng dao cứa vết thương của người khác để chọc cười thì lại là chuyện khác.
Trong hồi ký về Einstein, János Plesch đã viết về cuộc hội ngộ của vua hề Sác-lô và Einstein như thế này:
Một lần, Einstein tới thăm Hollywood, Sác-lô đã lái xe chở ông. Khi nhận ra sự có mặt của hai con người đương thời vĩ đại nhưng cũng rất khác biệt ấy, những người bên đường đã chào đón cả hai vô cùng nồng nhiệt. Điều đó khiến Einstein rất ngạc nhiên. “Họ đang tung hô cả hai chúng ta”, Sác-lô nói, “Tung hô ông vì chẳng ai hiểu ông cả, và tung hô tôi bởi vì mọi người đều hiểu tôi”.
Nếu vua hề Sác-lô sống ở thời đại này, có lẽ ông sẽ buồn lắm, bởi vì thời đại của chúng ta không chỉ mỉm những nụ cười giả tạo, mà còn rơi những giọt nước mắt giả tạo.
Quang Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét