Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

Giây phút tương phùng/ nguồn trang FB của Ghim Hồ

Ghim Ho đã chia sẻ ảnh của cô ấy.
7 giờ
Ghim Ho
Giây phút tương phùng
Mấy mươi năm bôn ba nơi thành phố, Gia Long và Sư phạm SG là hai niềm mơ ước luôn canh cánh bên lòng. Trong những ngày tháng đó, hình bóng của bạn bè là những nổi nhớ khôn nguôi. Trong những lúc đoạn trường của cuộc đời, tôi thèm ghê gớm một khuôn mặt thân quen của ngày xưa ấy. Bạn tôi đã đi đâu, đã biến mất trên cỏi đời này hay tôi đã lạc loài nơi hành tinh khác. Tại sao tôi không gặp ai hết.
Một lần khi vừa mới bị đuổi khỏi hợp tác xã, tôi đã gặp Nghiêm Hữu Cương của Nhất 8- SPSG. Tình cờ gặp trên đường khi anh chạy xích lô đạp, được biết anh vừa dạy học vừa đạp xich lô kiếm sống. Gặp tôi anh mừng quá – Chị vẫn ở thành phố sao không ai gặp hết ?
Khi nghe tôi bày tỏ ý định muốn về quê lại vì ở đây sống lang thang vô định quá, không có nghề nghiệp ổn định. Anh can ngăn, khuyên nên cố ở lại. Sau đó tôi lại lang thang ra Duyên Hải và mất tin nhau.
Bạn Gia Long tôi chỉ liên lạc được với Sang. Những lúc khó khăn, Sang có giúp tôi lấy đá cục về chợ bỏ cho bạn hàng bán chè. Mỗi sáng,tôi đạp xe lên nhà Sang mua đá cục mang về bán- nhà Sang có tủ to để đá bán. Thời gian sau Sang cùng chồng con đi Mỹ tôi cũng không còn liên lạc được ai. Một lần gặp Liên – GL thất 3 ở Sóng Thần vô cùng mừng rở, nhưng bị chuyển đi Bình Điền lại thêm bóng chim tăm cá. Sau này gặp lại,Tuyết Mai – GL 12B1 có nói gặp tôi bán gà ở Vũng Tàu nhưng sao mình lại không nhớ gì hết. Có lẽ trong lúc quá đau buồn khi phải rời xa tất cả để sống đời lưu lạc, bộ não mình ngưng làm việc đôi lúc hay sao.
Bạn thân nhất là Châm ở cùng xóm cũng đã đi Mỹ từ lúc nào. Lâu lâu nhận được lá thơ là mừng hết lớn.
Không bao giờ tôi nghĩ về già tôi lại gặp được tất cả tình thân như ngày nay.
Nhắc đến điều này, tôi phải biết ơn Gia Nghi vô cùng. Nếu không nhờ anh ấy tìm gặp, làm sao tôi đến được cùng Sư phạm với các bạn ngày nay ! Còn nhớ một ngày về hưu kế toán, khi tôi còn đang bôn ba kiếm sống với nghề dạy rong thì điều kỳ diệu đã đến.
Một xế chiều, nghe tiếng ai gọi lớn trước nhà – Chị Ghim ơi, chị Ghim....
Cứ tưởng người hàng xóm nào ! Nhìn ra một khuôn mặt lạ lẫm nhưng tươi tắn và kêu to rất thân thiện. Tôi bỡ ngỡ mời đôi vợ chồng khách lạ vào nhà. Ký ức dần trở lại, Gia Nghi- trưỡng ban báo chí của ngày xưa. Anh chàng nhỏ người, khó chịu, ít nói đây sao ! Những nét quen thuộc từ từ rỏ nét cùng với niềm xúc động không nguôi. Tôi mừng đến không sao tả xiết, không biết phải nói cái gì trước, cái gì sau. Bao nhiêu tình cảm, bao nhiêu hình ảnh đổ về -Sao anh biết tôi ở đây mà tìm sau gần 40 năm xa cách.
Gia Nghi cười hóm hĩnh, vẫn cách nói ởm ờ của ngày nào – Tôi đến Ủy ban phường hỏi Đảng Ủy là biết chị ngay....
Trong lúc đang vui quá tôi cũng không bắt bẻ anh ta làm gì. Anh ta cười cười tiếp- Chị nổi tiếng lúc đó cả trường đều biết. Chỉ có mình chị đòi đi kinh tế mới xa xôi.
Dần dần câu chuyện nổ như bắp rang những tin tức của Nhất 8. Niềm vui gặp bạn chưa trọn thì phải đón nhận những tin buồn – Xí Được, trưỡng ban văn nghệ đã không còn nữa - con người vui tính mà tôi thương mến vô cùng, cứ mong có ngày gặp lại để nghe anh ta hát. Những lúc buồn gì, gặp anh ta là thấy vui. Cười rất có duyên và cứ gặp tôi là lại hát – Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc, áo nàng xanh anh mến lá sân trường.... Lúc đó đồng phục áo dài của bọn tôi là màu xanh. Mỗi lần nghe vậy là tôi cảm động lắm. Ngày gần chia tay bọn tôi có đi xe đạp, đón xe lữa xuống nhà xí Được ở cù lao Phố chơi thật vui. Còn nhớ lúc xe lữa dừng, xuống không kịp mấy mươi chiếcxe đạp nên phải xuống tiếp ở ga sau.
Mong ngày gặp lại, không ngờ bạn đã đi khỏi cỏi đời này – lòng nghe chua xót quá. Nguyễn văn Cương- nhà thơ Nguyễn Bình Dương, anh chàng mĩa mai tôi về chiếc hộp tình thương cũng đã đi. Kẻ còn, người mất – dù sao cũng còn lại những tình thân.
Tôi còn nhớ Gia Nghi nói một câu làm tôi rất cảm động – Con gái chị đâu cho tôi xem để nhớ lại bóng dáng của chị năm nào.
Thì ra trong lòng của mỗi người đều còn khắc ghi hình bóng của những thâm tình xưa cũ. Một chút vui mà cũng một chút nghẹn lòng.
Tối hôm ấy tôi không ngủ được, lòng cứ bồi hồi rung động với những hình ảnh xưa đổ về như dòng nước thuỷ triều. Hạnh phúc đến lúc cuối đời, lúc mà tôi không ngờ nhất. Khi mà những buổi văn nghệ, buổi sinh hoạt cùng nhảy múa chung quanh vòng của lớp Nhất 8, buổi đi thăm trẻ mồ côi, đi chơi ngoài trời.... tưởng chỉ nằm sâu trong tâm tưởng. Bây giờ mọi thứ đều trở lại cùng với những giọt nước mắt sung sướng.
Tôi không ngủ được, lấy giấy ra viết một bức thư dài cho Gia Nghi. Lúc này tôi thấy Gia Nghi đẹp thật. Cái đẹp mà trước kia tôi không thấy.
Một lần nữa cám ơn đời và cám ơn anh nhé.

Câu Kiều tặng Tổng thống Obama/ nguồn giaoduc. net, vn

Câu Kiều tặng Tổng thống Obama

(GDVN) - Yếu tố đầu tiên và quan trọng hơn cả làm nên sức hút của ông Obama chính là sự chân thành của ông đối với Việt Nam.
LTS: Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Obama và bài phát biểu của ông tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình đã để lại một dấu ấn đặc biệt trong dư luận truyền thông quốc tế cũng như trong lòng người dân Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông về sự kiện này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của Giáo sư đến quý bạn đọc. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm chính thức Việt Nam và có bài phát biểu đầy cảm hứng tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình hôm 24/5. Bài phát biểu trước trí thức, sinh viên và đại diện nhiều giới khác nhau hôm đó đã vượt qua khuôn khổ của một sự kiện ngoại giao thường thấy, trở thành một hiện tượng xã hội.
Người dân Việt Nam từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh dõi theo từng cử chỉ, lời nói, hành động của ông Obama với một tình cảm nồng nhiệt, yêu mến, khâm phục và kính trọng. Đặc biệt là trên truyền thông và mạng xã hội tuần qua, có thể nói Tổng thống Obama đã trở thành tâm điểm, hiện tượng mà dư luận quan tâm.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, ảnh do tác giả cung cấp.
Cá nhân người viết cho rằng, làm nên hiện tượng Obama không phải kỹ xảo, thủ thuật chính trị hay cách đánh bóng hình ảnh quá chuyên nghiệp của chính khách nước ngoài, mà chính là sự lịch duyệt, thân thiện và chân thành sẵn có trong tố chất của con người ông, trong thói quen hằng ngày của ông.
Sự chân thành làm nên sức hấp dẫn của "hiện tượng" Obama
Yếu tố đầu tiên và quan trọng hơn cả làm nên sức hút của ông Obama chính là sự chân thành của ông đối với Việt Nam. Trước ông Obama, chưa có vị Tổng thống, Ngoại trưởng hay quan chức cấp cao nào của Hoa Kỳ đến thăm nhà sàn, ao cá Bác Hồ.
Việc ông Obama chọn địa điểm này để gặp gỡ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã cho thấy, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ thực sự chân thành muốn hòa giải và hợp tác.
Bởi lẽ Chủ tịch Hồ Chí Mình là một lãnh tụ cộng sản và là biểu tượng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, hai cuộc kháng chiến trường kỳ trong lịch sử hiện đại Việt Nam.
Năm trước, trong khi tại Hoa Kỳ vẫn còn những nhận thức và tranh cãi khác nhau về ý thức hệ, Tổng thống Obama đã quyết định mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Phòng Bầu dục, Nhà Trắng với vị thế quốc khách, nguyên thủ quốc gia.
Và lần này, đến thăm Việt Nam, ông đã đến nhà sàn, ao cá Bác Hồ. Cá nhân tôi cho rằng phải là một chính khách bản lĩnh, thông minh và chân thành, thiện chí mới làm được điều đó.
Sự chân thành của Tổng thống Obama đã "chạm đến trái tim" của mọi người Việt Nam khi ông nhắc tên vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt và đọc hai câu thơ thần trong bải "Nam Quốc sơn hà" – bài thơ được coi như bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam. 
Thật thú vị và ý nghĩa, cách đây 71 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ khi viết Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
71 năm sau, cũng chính tại Thủ đô Hà Nội, nguyên thủ của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ lại nhắc đến bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của Việt Nam.
Điều đó cho thấy, quyền sống, quyền tự quyết của mỗi dân tộc là tư tưởng chung, là lẽ sống, là lựa chọn chung của hai dân tộc Việt Nam và Hoa Kỳ. Điều này càng được khẳng định trong bài phát biểu của ông Obama với tuyên bố: 
"Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền và không có quốc gia nào khác có thể áp đặt ý chí của họ lên người dân Việt Nam. Độc lập, chủ quyền của Việt Nam do người dân Việt Nam quyết định. Mỹ rất quan tâm đến sự thành công của đất nước Việt Nam."
Tổng thống Obama và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm nhà sàn, ao cá Bác Hồ. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ.
Quan trọng hơn nữa là sự chân thành ấy không chỉ dừng ở những lời nói đi vào lòng người, mà còn là hành động rất thiết thực:
Tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực tuần tra hàng hải trên Biển Đông, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và hàng hóa Việt Nam vào thị trường Mỹ để tránh lệ thuộc vào một "quốc gia duy nhất nào đó"…
Trong số những hành động thể hiện sự chân thành ấy, có thể nói quyết định dỡ bỏ cấm vận vũ khí là món quà cực lớn của ông Obama dành cho Việt Nam.
Sở dĩ người viết nhận định như vậy là vì, những năm trước đây các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ bao giờ cũng đòi có đi có lại nếu Việt Nam muốn dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm này, đặc biệt là có đi có lại trong vấn đề nhiều người quan tâm và được cho là khá nhạy cảm - nhân quyền. 
Nhưng ông Obama không đặt ra bất cứ điều kiện gì cho việc dỡ bỏ lệnh cấm, ít nhất về mặt công khai. Cá nhân tôi cho rằng, sự chân thành này thể hiện cách tiếp cận rất mới của cá nhân ngài Tổng thống Obama, đúng như khẩu hiệu của ông lúc tranh cử: “Change we need” (Chúng ta cần thay đổi).
Bởi lẽ Việt Nam có mua những vũ khí hiện đại như máy bay, tên lửa, tàu ngầm thì cũng để phòng thủ, bảo vệ đất nước chứ không phải để chống lại nhân dân.
Việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam không ảnh hưởng gì đến quan hệ giữa nhà nước với nhân dân. Ghép hai vấn đề này vào với nhau thật khiên cưỡng và chẳng giúp ích gì cho quan hệ hai nước.
Tổng thống Obama là một người lịch duyệt, thân thiện
Yếu tố thứ hai làm nên sự lôi cuốn của "hiện tượng Obama" chính là sự lịch duyệt và thân thiện. Riêng với cá nhân người viết, ấn tượng đặc biệt về sự lịch lãm trong con người Tổng thống Obama nằm ngay ở một chi tiết rất nhỏ. 

Việt Nam có thể khai thác được gì từ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ?

Đó là khi ông cùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm áo cá Bác Hồ và cho đàn cá ăn. Lúc được mời đi tiếp, ông Obama đã cười rất tươi và vẫy tay chào đàn cá. Cử chỉ đó tuy rất nhỏ nhưng rất tinh tế, thể hiện tầm vóc văn hóa của ông Obama. Ông là một người thật lịch lãm.
Sự lịch lãm ấy của ông Obama còn thể hiện rất rõ trong cách tiếp cận khéo léo với những vấn đề nhạy cảm, như Chiến tranh Việt Nam hay nhân quyền.  Nói về chiến tranh ông đã rất chân thành và khéo léo không để mất lòng ai, mượn lịch sử để đặt vấn đề cho tương lai.
Có 2 điểm nổi bật nhất trong cách tiếp cận những chương buồn trong lịch sử quan hệ Việt - Mỹ của ông Obama: Một là ông chỉ ra, có rất nhiều cách giải quyết vấn đề chứ không phải chỉ có chiến tranh.
Hòa bình luôn tốt đẹp hơn chiến tranh và quan hệ Việt - Mỹ là bài học cho thế giới. Tôi cho rằng, việc Tổng thống Mỹ đúc rút ra được điều này từ quan hệ Việt - Mỹ là cực kỳ sâu sắc và tinh tế.
Điểm nổi bật thứ hai khi nói về chiến tranh, ông Obama đã hướng tới tương lai bằng cách không quên quá khứ: Mỗi khi hai nước có khúc mắc nào đó, hãy nghĩ đến những người đã ngã xuống trong chiến tranh để tìm cách xử lý hòa bình, bởi vì nền hòa bình này đã phải đánh đổi bằng xương máu của cả hai bên. Đây là một gợi mở, một cách ứng xử nhân văn sâu sắc.
Về các giá trị dân chủ hay nhân quyền mà dư luận vẫn xem là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ Việt - Mỹ, ông Obama tiếp cận rất khiêm tốn, thông minh, khách quan và cầu thị.
Lâu nay, dư luận vẫn có những người ấn tượng rằng, Mỹ là nước lớn thường lấy nhân quyền để gây sức ép trong quan hệ với các nước khác.
Nhưng khi thăm Việt Nam, ông Obama tiếp cận rất khéo, không lên lớp, không áp đặt. Ông nói rất lịch sự khi cho biết, chính phủ Mỹ luôn bị người dân phê bình, nhưng chính nhờ phê bình mà nhận ra sai sót. Đó là tinh thần Hiến pháp Mỹ  - người dân có quyền bộc lộ bất bình, đòi chính phủ điều chỉnh chính sách. 
Nói cho cùng chân lý của Hoa Kỳ hay Việt Nam cũng chỉ là một. Bởi lẽ cách đây mấy chục năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần: Ở đất nước ta nhân dân làm chủ, chính phủ là đầy tớ của dân, dân có quyền đôn đốc chính phủ, chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ.
Nói cho đúng là Cụ Hồ phát biểu còn mạnh hơn ông Obama rất nhiều, nhưng cả hai người đều khẳng định chân lý lấy dân làm gốc.
Sự trùng hợp giữa hai ý kiến khiến chúng ta phải suy nghĩ. Tại sao Mỹ và các nước phương Tây phát triển mạnh mẽ? Đó là vì tự do, dân chủ được đề cao và có cơ chế thực thi hiệu quả. Ở đâu cũng vậy, càng có tự do dân chủ thì càng có sáng tạo, càng ngăn ngừa và hạn chế được lạm quyền, tham nhũng, càng kịp thời ngăn chặn và sửa chữa những sai sót của người cầm quyền. 
Thiết nghĩ đó cũng là lý do tại sao Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ Việt Nam khóa mới nhấn mạnh chiến lược xây dựng một Chính phủ kiến tạo và phục vụ, thay vì chỉ đóng vai trò là một cơ quan quản lý nhà nước.
Với sự thân thiện bộc lộ rất rõ qua từng nụ cười, ánh mắt, cử chỉ khi giao tiếp với các nhà lãnh đạo cũng như người dân Việt Nam, Tổng thống Hoa Kỳ đã chiếm trọn tình cảm của người Việt và tình cảm của người Việt đã in sâu trong trái tim ông chủ Nhà Trắng. 
Sự thân thiện của ông Obama không chỉ thể hiện ở những nụ cười tươi thường trực trên môi, những cái bắt tay thân thiện, chọn ăn tối ở quán bún chả bình dân hay dừng lại cổng làng Mễ Trì mua cốm, trú mưa và trò chuyện ít phút với người dân.
Dù rằng tất cả những hoạt động này đã có kịch bản từ trước, đồng thời nằm trong một chương trình truyền hình thực tế mà ông Obama tham gia, nhưng cái bắt tay nồng ấm, nụ cười thân thiện của vị Tổng thống này hoàn toàn không phải "diễn", không phải tự nhiên mà có.
Nó là một thói quen thường trực.
Obama rất hiểu nền văn hóa, tập quán văn hóa của Việt Nam. Ba lần các nhà lãnh đạo cao nhất của Hoa Kỳ "lẩy" Kiều, lần nào và câu nào cũng hay, cũng trúng, cũng giàu cảm xúc và ý nghĩa.
Nhưng người viết tâm đắc và đánh giá cao nhất là câu Kiều mà Tổng thống Obama đã chọn, nhất là việc lấy đó làm câu kết bài phát biểu quá hợp cảnh hợp tình, khó có thể có câu nào trong truyện Kiều hợp hơn câu Kiều ấy:
"Rằng: Trăm năm cũng từ đây,
Của tin gọi một chút này làm ghi".
Trước tấm chân tình đối với Việt Nam, sự lịch duyệt và thân thiện cũng như tầm vóc mà Tổng thống Obama đã thể hiện, tôi xin gửi tặng ngài Tổng thống một câu Kiều nói lên ấn tượng sâu sắc của tôi cũng như rất nhiều người dân Việt Nam về ông:
"Thiên tư, tài mạo tót vời,
Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa".
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết

Sự chấm dứt là sự bắt đầu – Krishnamurti./ Trang FB của Ghim Hồ/ SPS

Sự chấm dứt là sự bắt đầu – Krishnamurti.
Ngày về hưu được ba mươi triệu – trả dứt nợ, cầm mảnh giấy nghỉ hưu trong tay tôi nhớ lại mảnh giấy Tú Tài II ngày ấy.
Ngày từ giả Gia Long để chọn lựa cho tương lai phía trước. Ngày ấy tôi có sức khỏe, có một kỷ niệm tuổi thơ, có mẹ là chổ dựa, có nhiều mơ mộng và tôi đã chọn lựa sai lầm trong tình yêu, trong hôn nhân và trong nghề nghiệp. Bây giờ tôi trở lại bước đầu tiên, tôi có gì! Tôi có một quá khứ đầy đau thương đè nặng, một sức khỏe đã mỏi mòn, mẹ không còn nữa, không còn gì để nghĩ đến tương lai – chỉ là hiện tại, một đứa con để lo âu nhưng cũng là điểm tựa và trên tất cả là tôi có ánh sáng từ Krishnamurti. Từ ông tôi đã hiểu – muốn bắt đầu lại cuộc sống mới tươi đẹp hơn cho chính mình tôi phải chấm dứt, đoạn tuyệt với cái quá khứ đau buồn đè nặng lòng mình. Những mối tình vụn vặt, những hình ảnh mơ hồ, những đau thương chồng chất – bôi xóa tất cả và quả thực không còn một chút gì vương vấn trong lòng. Không còn những giọt nước mắt thương thân, nước mắt dành cho cái đẹp chứ không phải vì những đau khổ trong đời. Bắt đầu lại cuộc đời mà trước kia tôi vẫn hằng mơ, tôi muốn cống hiến và tôi nghĩ đến nghề gì cống hiến lâu dài nhất. Lúc đó, bọn tôi – Sang, Minh Đức và tôi cứ nghĩ đến nghề thầy thuốc và dạy học. Phần lớn chúng ta có ước mơ, hoài bão nhưng vì hoàn cảnh, vì gia đình, vì người thân….chúng ta đã chọn sai nghề. Chúng ta nghĩ rằng mình hy sinh vì người thân, vì nhu cầu xã hội. Từ Krish… tôi hiểu rằng mình đã sai lầm vô cùng, hãy chọn con đường nghề nghiệp vì chính bản thân mình, vì hạnh phúc của mình. Mình không hạnh phúc thì không thể nào mang hạnh phúc đến cho xã hội hay bất kỳ ai khác. Mình không hoàn thiện được mình thì đừng mong cải cách gì cho xã hội.
Người không vì mình trời tru đất diệt.
Tu thân- tề gia- trị quốc- Bình thiên hạ.
Tất cả những ý tưỡng Đông Tây đều có nói nhưng mình đã không thấy. Từ Krish… tôi đã hiểu.
Bạn là thế giới và thế giới là bạn. Bạn không có gì khác biệt hết, vẫn những đau khổ, những bất an. Đau khổ không chỉ của riêng ai.
Cuộc đời của mình là do mình quyết định. Không cha mẹ hay con kiến nào khiến bạn quyết định sai lầm được. Không đổ trách nhiệm cho người thân hay bất cứ ai. Sai lầm là do tư tưởng của mình, mình đã chọn sai.
Những đau khổ mình gánh chịu chỉ là tên gọi của cuộc đời, đó là cuộc sống. Hạnh phúc hay khổ đau cũng là do tư tưởng. Cũng một hoàn cảnh nhưng người thì cho là đau khổ, kẻ khác lại thấy thản nhiên. Đẹp xấu do mắt người nhìn.
Tất cả những tình cảm đã đến, đã đi, đã có và đã mất chỉ là những tên gọi. Tình cảm chỉ là một và mình đã đặt tên cho chúng để phát sinh phiền não. Bởi vì đặt tên cho chúng nên mình sở hữu chúng, tình yêu của tôi, tình bạn của tôi, con tôi, vợ tôi….Một tình cảm dù ít hay nhiều khi mất đi vẫn gây đau đớn. Cuộc sống càng đơn giản thì càng thấy nhẹ lòng, dù cho vật chất hay tình cảm cũng vậy, càng gánh nặng thì càng mang đau khổ.
Lạc bất khả cực – Lạc cực sinh ai. Có nhiều con đường để đi đến Chân lý nhưng Chân lý chỉ là một. Cái gần của Krish và Khổng Tữ - một parabol trong cuộc đời. Cái gì khi quá độ sẽ tự chuyển đổi. Như làn sóng thủy triều trong thiên nhiên. Sóng lên cao rồi hạ xuống.
Không ai giàu ba họ. Không ai khó ba đời.
Với Krish…Điểm cuối của parabol là nơi của sự chấm dứt là sự bắt đầu.
Mình phải bắt đầu lại để tồn tại và hưởng thụ cuộc sống đúng nghĩa với nó. Trời… nếu mình đã hiểu những điều này thì đâu phải chịu đau khổ suốt bao năm qua, nước mắt chan cơm mà khóc cho kiếp đời khổ ải.
Muốn sống phải có bản lãnh, kiến thức và niềm hạnh phúc. Mình thích làm từ thiện và dạy học. Hãy làm điều mình thích.
Từ những suy nghĩ dẩn đến quyết tâm. Mình đến nhà văn hóa Thanh niên để tìm học lớp vi tính, Phương pháp giảng dạy tiếng Anh và lớp luyện Speaking English. Rất tiếc lúc ấy lớp Vi tính và Phương pháp giảng dạy chưa mở nên đăng ký lớp Speaking. Thật ra mình đã bỏ Anh văn một thời gian khá lâu nên cũng không dám tự tin ở khả năng mình. Vào lớp nói A- Chỉ vài ngày, khi lên nói vài đề tài học và trả lời đối đáp, thầy đã khuyên mình nên đổi lớp C cho phù hợp. Ông thầy rất nhiệt tình và có lòng nhưng mình phải từ giã vì lớp ở cấp thấp. Nhảy vào lớp C là cao cấp nhất – Qua vài ngày đầu còn bở ngở vì lớp rất đông, chủ yếu là tự học, tạo môi trường cho học sinh tự tin khi giao tiếp chớ thật ra thầy cũng không giảng dạy nhiều. Phần lớn là lên nói về đề tài mình đã chuẩn bị và trả lời các câu hỏi của bạn học. Lúc đầu mình còn thích thú khi phải soạn bài, động não để trả lời, kể về bản thân và những gì mình yêu mến. Lớp đông nhưng các bạn trẻ lại e dè, bắt buộc mới chịu lên. Mình luôn chuẩn bị bài và thích lên nói để thực tập, để phải đối phó và truyền đạt ý tưởng. Dần dần thầy để ý và nhờ làm trưởng lớp giúp thầy trong công việc lớp, cũng có vài bạn đủ mọi lứa tuổi. Mình định tổ chức lại nhóm tiếng Anh để đi giao lưu nhưng việc không thành vì bận dạy và bỏ lớp học sớm. Có anh bạn muốn làm quen mời đi uống café nhưng sao thấy lòng không còn thích tìm quan hệ nên từ chối. Mình chỉ nghĩ đến kế hoạch cho ngày sắp tới.
Mỗi lần không ai chịu lên nói mình lại giơ tay xin lên. Sau vài tháng thấy chán vì thầy không cho lên nữa – Cũng đúng thôi, phải để cho các em nhỏ tập dần. Mình báo thầy xin nghĩ và bàn giao việc tồn tại của lớp cho người khác. Cũng buồn nhưng biết sao, ôn bấy nhiêu đã đủ rồi. Sau đó cũng không có thời gian học nữa vì có quá nhiều việc mới. Nhận dạy Anh văn từ thiện cho trường Vừa học vừa làm 1/6, dạy tại nhà ở quận Tư cho Bo, Hiếu, Như Quỳnh, Nhi và Hong Choi Năng – Năng là thằng bé đáng yêu nhất mà mình còn nhớ, nó hiểu từng lời nói ý nhị của mình dù lúc đó mới lớp ba. Ngày chia tay khi nó đi Mỹ, dạy xong nó không muốn mình về. Gia đình phải khuyên nhủ - Để cô đi.
Nó đã khóc và nói – Nhi sướng quá được ở lại học với cô.( Nhi là em họ nó ) Mình đã rơi nước mắt với anh bạn nhỏ này. Giai đoạn dạy Năng là giai đoạn hạnh phúc vô cùng, buổi học lúc nào cũng là những cuộc trò chuyện giòn giã vì nó rất sáng ý. Chỉ học nói cho kịp theo mẹ đi Mỹ. Nó không thích học nhưng lại thích tám, không chịu viết và chỉ chịu nói tiếng Anh. Khi nào bí tiếng Anh thì qua tiếng Việt. Mẹ nó bảo nó thích nói với cô nên ngưng hẳn học ở trường Quốc tế. Thế là buổi học chỉ là buổi tán chuyện của cô và trò. Nó khôn lắm, cứ hỏi đủ chuyện để mình phải trả lời mà quên dạy. Hai năm sau khi anh chàng trở về từ Mỹ mình lại lên để dạy nó tiếng Việt – thật là những ngày hạnh phúc.
Cùng lúc mình cũng dong ruổi khắp Sài Gòn, Chợ Lớn từ sáng đến tối mới về. Nghĩ lại sao mình khỏe thật. Đi khắp nơi, dầm mưa dãi nắng là chuyện thường, chiếc Honda 81 cũ kỷ bị té xe bao nhiêu trận vẫn chạy được. Kẹt xe, ngập nước, tắt máy thường xuyên. Những lúc đau khớp gối không đạp xe nổ được, cứ dắt xe ra phải cầu cứu người khác.
Công việc thật nhiều nhưng không còn nước mắt mà chỉ có nụ cười.
Sự chấm dứt là sự bắt đầu.
Sự bắt đầu là bước đầu tiên và bước đầu tiên là bước duy nhất.
Chấm dứt những đau khổ để bắt đầu một cuộc sống mới với nghề dạy học và nghề dạy học cũng là nghề đầu tiên, nghề duy nhất sẽ theo tôi cho đến cuối cuộc hành trình. Khi đã chọn bước đi thì hãy đi bằng tất cả tấm lòng với nó. Đã có những người bạn Grainco sau này có mở công ty, đề nghị tôi về với mức lương cao và đề nghị rất hấp dẫn – có điều kiện làm việc ở nước ngoài. Công ty máy tính của gia đình Quyên, công ty bán vé máy bay Linh Khang của Nguyễn An, công ty bán hàng trang trí nội thất của Kim Huệ…có lúc tôi đã nhận lời nhưng một buổi chiều suy nghĩ, thương học trò và tôi hiểu – Bước đầu tiên là bước duy nhất. Khi đã hiểu mình cần gì thì chỉ có một bước mà thôi.
Tri giác toàn cả tiến trình của cuộc sống, quan sát nó, điềm tĩnh thâm nhập nó và thoát khỏi nó. Đó là Thiền.
Dần dần tôi thấy mình sáng ra - dù rằng những gánh nặng cuộc đời vẫn còn đó nhưng gánh nặng tư tưởng đã ra đi. Mỗi sáng đi dạo tôi lại ngẫm nghĩ về chữ Thiền.

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

Mời tham khảo bài phân tích Thông điệp TT Mỹ Obama/ nguồn: http://vietbf.com/



Phân tích thông điệp của TT Obama gửi các bạn trẻ Việt

Tổng thống Obama đã có một buổi giao lưu giới trẻ tại Việt nam.Ông đã truyền tải đến cho giới trẻ những ý tưởng sâu sắc,mong rằng các bạn trẻ Việt có thể hiểu và thực hiện được.Góp phần giúp đất nước trở nên tốt đẹp hơn.


“Nỗi sợ chủ nghĩa cộng sản đã đưa chúng ta tới một cuộc chiến.”

Rất rõ ràng và thẳng thắn! Hỡi Nhân dân Việt Nam, nhất là toàn thể các bạn trẻ trong bất cứ cương vị nào của đất nước, dù là quân đội hay công an, dù là cựu chiến binh hay các binh sĩ đang bảo vệ đất nước chống giặc Tàu xâm lược, hãy nghe cho rõ một lần nữa và đừng mơ hồ nữa:

Mỹ đã đến Việt Nam để chống lại chủ nghĩa cộng sản đang đe dọa xích hoá toàn cầu thời đó, chứ không phải để xâm lược, cướp đất, cướp biển, tàn phá kinh tế và môi trường sống của người Việt Nam như bọn bành trướng Bắc kinh (lời của Bộ chính trị VC) đâu:

“Vào một thời điểm khác, việc đánh đuổi thực dân đã đưa chúng ta xích lại gần nhau. Chiến tranh lạnh và nỗi lo sợ với chủ nghĩa cộng sản đã đưa chúng ta tới một cuộc chiến.” 

Chính “nỗi lo sợ chũ nghĩa cộng sản” đã đưa Mỹ, Việt Nam Cộng Hoà, và nhân dân Miền Bắc bị bè nhóm cộng sản dưới sự thống lĩnh của Cộng Sản Quốc Tế Tàu Nga vào một cuộc chiến tương tàn. Ngày nay, chủ nghĩa cộng sản quốc tế đã phá sản tại chính cái nôi của nó, thì không có lý do gì người Việt Nam, nhất là tuổi trẻ Việt Nam lại tiếp tục để cho mình bị dẫn dắt bởi cái tàn dư của chủ nghĩa cộng sản do một nhóm người khoảng vài trăm ngàn người xỏ mũi nữa. Thật ra họ không đông lắm, nếu tính toàn bộ Uỷ Viên Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam thôi thì chỉ khoảng vài trăm người, trên cùng là Bộ Chính Trị chừng 16 người mà thôi. Vậy thì tại sao gần một tỷ người lại bị một nhóm nhỏ xíu như vậy bịt mắt, xỏ mũi muốn dắt đi đâu thì đi? 

Hãy dùng lý trí và óc phán đoán của các bạn, tìm đọc những tư liệu và bằng chứng về chủ nghĩa cộng sản tại cựu Liên Sô, Trung Quốc, Việt Nam trước và sau 1975, Bắc Triều Tiên, Cuba… và các tội ác giết hàng trăm triệu người, thanh trừng, khủng bố và sự nghèo đói mà chủ nghĩa này đã gieo rắt trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Tài liệu và phim ảnh, videos đầy dẫy trên Internet và tại các thư viện trên khắp thế giới bằng đủ mọi thứ tiếng! Mà cũng không cần tìm bằng chứng đâu cho xa để khỏi cho rằng không có cơ sở: ở Việt Nam ai mà chẳng biết chính Lê Duẫn đã công nhận “Ta đánh Mỹ cũng là đánh cho Liên Sô và Trung Quốc”, có nghĩa là Bắc Việt đã cũng với Liên Sô và Trung Quốc đánh Mỹ để thực hiện chủ nghĩa cộng sản quốc tế. Điều đó đã quá rõ ràng và chính câu nói hoạch toẹt này đã được ghi lại trên lăng mộ của Lê Duẫn! 

Một bằng chứng khác là sau khi chiếm được thành trì của tự do, dân chủ và nhân quyền là Việt Nam Cộng Hoà nhân dịp Mỹ thay đổi chiến lược chống cộng bằng cách rút quân và chấm dứt chi viện cho VNCH, nhằm phá tan liên minh Sô Trung, thay đổi và chuyển hoá Liên Sô và Trung Cộng để hoá giải bài toán cộng sản (hiện đã thành công), cộng sản Bắc Việt và tổ chức tay sai Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam của chúng đã phá bỏ Hiệp Định Hoà Bình Hoà Giải Paris đã ký kết năm 1973 như một dàn xếp để Mỹ rút quân, chấm dứt cuộc chiến chống cộng nhưng bị ngộ nhận tại Miền Nam Việt Nam, để xua quân xâm lược VNCH, một quốc gia tự do có chủ quyền và là đồng minh của Mỹ trong thế giới tự do. Bằng chứng về mục tiêu chiến tranh xâm lược VNCH của Việt Cộng là để thực hiện chủ nghĩa cộng sản cùng với Liên Sô và Trung Quốc đã được chứng minh rõ ràng một lần nữa khi cộng sản Bắc Việt giải tán ngay MTGPMNVN và áp đặt chủ nghĩa cộng sản trên cả nước bằng cách sửa đổi Hiến Pháp, đổi tên nước thành nước “Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” thực hiện kế hoạch 5 năm nhằm đưa nước Việt Nam thành một nước cộng sản, đặt đảng cộng sản lên thành một đảng thống trị duy nhất duy nhất và độc tôn trong điều 4 Hiến Pháp, tiêu diệt cơ sở tư bản dân tộc chân chính, công bằng, lương thiện truyền thống vừa chớm nở tại Miền Nam (sau khi đã tiêu diệt toàn bộ nền tư bản dân tộc tại Miền Bắc sau 1954). Đó là sự thực lịch sử rõ ràng mà toàn dân vẫn còn thấy, còn nhớ, chứ không phải trong sách vở mà thôi!

Ngày nay, sau khi chủ nghĩa cộng sản đã hoàn toàn phá sản tại chính cái nôi của nó, và Liên Sô đã tan rã, chỉ còn lại nước Nga đã chuyển hoá thành một nhà nước độc tài toàn trị không cộng sản, mất phương hướng, và Trung Cộng thì tuy lý tưởng cộng sản không còn nữa vì đã biến thành một nhà nước tư bản đỏ chuyên chế, tàn bạo và nguy hiểm cho nền hoà bình của thế giới nói chung, và Việt Nam nói riêng, thì toàn dân Việt Nam, nhất là giới trẻ Việt Nam phải làm gì để phục hưng và phát triển đất nước?

Nhưng phục hưng và phát triển tuy là hai mục tiêu chủ yếu nhưng chưa cấp bách bằng mục tiêu cứu nước khỏi họa Bắc Thuộc một lần nữa! Làm sao để cứu đất, cứu biển, cứu đảo, cứu ngư dân, và cứu giòng sông huyết mạch Cửu Long (Mê-Kông), vựa lúa Nam Bộ và đàn cá nuôi sống bởi chính giòng sông này đang bị kẻ thù truyền kiếp của dân tộc ta khống chế?

Ai là thù? Ai là bạn của chúng ta? Ai là những người đang cản trở công cuộc cứu nước khỏi nạn ngoại xâm, Bắc thuộc? Ai đang làm băng hoại, tàn phá đất nước của chúng mình? Ai đang hèn với giặc, ác với dân? Ai đang phong tỏa sự giao tiếp đối thoại của người dân để xây dựng và bảo vệ đất nước ? Ai đang độc chiếm mọi cơ hội làm giàu, tài nguyên thiên nhiên, từ đất đai cho đến biển rừng? Ai nắm trong tay mọi công ty quốc doanh để rồi tự mình cổ phần hoá, tư hữu hoá, mua bán sang nhượng cổ phần với giá rẽ mạt để chia nhau độc chiếm tài sản của nhân dân và quốc gia? Ai nắm trong tay quyền mua bán, hợp tác, du học, vào các trường đặc quyền và đổi chác với tư bản nước ngoài để thu lợi về cho mình, con cháu và bè nhóm của mình? Những ai đã cấu thành cái gọi là các nhóm lợi ích, các nhóm đặc quyền đặc lợi trong xã hội Việt Nam hiện nay?

Cái gì đã khiến cho họ có được những đặc quyền đặc lợi đó?

Học vấn? Bằng cấp? Thể lực? Tôn giáo? Thành phần giai cấp? Đảng tịch, hay là cái gì? 

Nếu thực là có công với đất nước thì công đó là công gì? Công đi theo “cách mạng” cộng sản và “chống Mỹ cứu nước” trong cuộc chiến tranh vừa qua ư? Nếu quả là vậy thì TT Mỹ Barack Obama đến đây để làm gì?Nếu quả là vậy thì câu phát biểu rõ ràng và mạch lạc này là gì: “nỗi lo sợ chủ nghĩa cộng sản đã đưa chúng ta tới một cuộc chiến.”? Chỉ có Mỹ sợ cộng sản không chứ chúng ta không sợ sao?

Nếu chúng ta không sợ cộng sản như Mỹ, nếu chúng ta vẫn cứ muốn thực hiện chủ nghĩa cộng sản, thì hãy mạnh dạn đuổi Mỹ một lần nữa đi và hãy cùng Đảng Cộng Sản Việt Nam và Trung Quốc sát cánh thực hiện chủ nghĩa cộng sản

Còn nếu không thì hãy sáng suốt và bình tĩnh suy gẫm câu nói trong diễn văn của TT Mỹ Barack Obama và các câu hỏi tôi đã nêu ra trên đây cho các bạn và hành động!

Đừng chần chừ do dự nữa vì vận nước và tương lai của các bạn không còn chờ được nữa!




Mời quý bạn tham khảo một bài dịch khác/ Diễn văn của TT Mỹ/ Theo bản in của PV Việt Nam

Toàn văn bài phát biểu của ông Obama trong buổi nói chuyện tại Hà Nội

PV (VIETNAM+) BẢN IN
(Nguồn: Minh Sơn/Vietnam+)

Ngày 24/5 tại Trung tâm hội nghị Quốc gia Việt Nam, Hà Nội, ông Obama đã có bài phát biểu trước 2.000 bạn trẻ Việt Nam.

VietnamPlus xin giới thiệu toàn văn buổi nói chuyện: 
***Xin cảm ơn Việt Nam đã dành sự chào đón nồng nhiệt với tôi.

Xin cảm ơn các bạn có mặt ở đây ngày hôm nay, những người Việt Nam trẻ đại diện cho tài năng của người dân Việt Nam.

Trong chuyến thăm này, sự tử tế, thân thiện của người Việt Nam đã chạm tới trái tim chúng tôi. Nhiều người chào tôi bên đường. Tôi cảm thấy tình cảm của mọi người. Hôm qua tôi đi thăm phố cổ và ăn nhiều món ngon như bún chả. Tôi cũng đã thử uống bia Hà Nội.

Đường phố Hà Nội thật đông vui. Tôi chưa bao giờ thấy nhiều xe máy như vậy. Tôi chưa thử đi ngang qua đường nhưng sau này nếu có dịp quay lại Việt Nam thì các bạn sẽ chỉ tôi cách qua đường như thế nào.

Tôi không phải Tổng thống Mỹ đầu tiên đến Việt Nam trong những năm gần đây, nhưng tôi cũng là người như các bạn, đã trưởng thành sau cuộc chiến tranh Việt Nam.

Học sinh, sinh viên Việt Nam háo hức tới nghe buổi nói chuyện của Tổng thống Obama. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Lực lượng quân sự Mỹ rời Việt Nam lúc tôi 13 tuổi. Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với người Việt Nam là tại Hawaii nơi tôi lớn lên. Tôi đã gặp một số người Mỹ gốc Việt ở đó, nhiều người còn trẻ hơn tôi.

Nhiều người trẻ Việt Nam cũng như hai con tôi, sinh ra chỉ biết đến tình hòa bình và hữu nghị Việt Nam-Hoa Kỳ. Khi đến đây, tôi ý thức về quá khứ nhưng ta nên hướng về tương lai, về sự thịnh vượng, an ninh và sự ổn định để thúc đẩy lẫn nhau.

Tôi trân trọng quá khứ lịch sử. Hàng nghìn năm, Việt Nam đã trồng cây ở mảnh đất này. Việt Nam có lịch sử trống đồng Đông Sơn. Hà Nội đã tồn tại trên sông Hồng hơn một nghìn năm. Thế giới đều biết đến lụa và những bức tranh của Việt Nam, biết tới Văn Miếu.

Sau nhiều thế kỷ, vận mệnh của Việt Nam đã bị nhiều nước can thiệp nhưng như một cây tre, tinh thần bất khuất của người Việt Nam như Lý Thường Kiệt đã ghi lại:
 "Sông núi nước Nam vua Nam
Rành rành đã định tại sách trời."

Học sinh, sinh viên Việt Nam háo hức tới nghe buổi nói chuyện của Tổng thống Obama. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ngày nay chúng ta cũng nhớ tới lịch sử giữa người Việt và người Mỹ 200 năm trước khi một trong những người Mỹ đi tìm kiếm giống lúa gạo và ông đã đến Việt Nam. Sau đó, những con thuyền đã đến Việt Nam buôn bán.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc tới tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ có đoạn trích: 
Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Việc đánh đuổi thực dân đưa ta lại với nhau nhưng chiến tranh lạnh và nỗi lo sợ chủ nghĩa cộng sản đưa ta tới cuộc chiến.

Ta nhận thức được sự thật đau đớn là chiến tranh dù thế nào đi nữa thì cũng mang lại sự đau đớn. Ai cũng biết như thế. Ở nghĩa trang liệt sĩ Việt Nam, hơn 3 triệu người Việt Nam, cả thường dân và bộ đội đã hy sinh. Tại đài tưởng niệm ở Mỹ, hơn 58.000 người Mỹ đã không trở về nhà.

Ở hai nước, những cựu chiến binh, những gia đình vẫn đau đớn vì bạn bè và người thân thương mất đi. Ta phải ghi nhận những người đã ngã xuống bảo vệ Tổ quốc.

Học sinh, sinh viên Việt Nam háo hức tới nghe buổi nói chuyện của Tổng thống Obama. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ba thập kỷ gần đây, Việt Nam đạt được nhiều thành công to lớn. Thế giới nhìn thấy thành công này. Những cải cách kinh tế và các hiệp định thương mại tự do với các nước cho thấy sự hội nhập nền kinh tế toàn cầu của Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư tới Việt Nam và Việt Nam đã trở thành 1 trong những nước có thu nhập trung bình.

Nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, ta thấy nhiều nhà cao tầng ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều khu thương mại. Việt Nam đã phóng vệ tinh vào vũ trụ. Một thế hệ khới nghiệp mới với hàng chục triệu người Việt Nam đã kết nối với nhau qua mạng xã hội.

Người dân Việt Nam cũng đã có tiếng nói mang lại sự tiến bộ trong xóa đói giảm nghèo, tiếp cận nước sạch, điện, tăng tỷ lệ trẻ em đến trường và đây là thành công lớn Việt Nam đạt được trong thời gian ngắn.

Cuộc chiến ngăn ta thành hai bên và bây giờ ta tìm cách hàn gắn. Ta đã cùng tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh, gỡ bỏ những bãi mìn, trẻ con không thể mất chân vì các bãi mìn này. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ người Việt Nam nhất là trẻ em khuyết tật và chất độc màu da cam..

Chúng tôi tự hào vì những công việc chúng ta đã phối hợp với nhau tại Đà Nẵng và chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ ở sân bay Biên Hòa. Quá trình hòa giải của hai nước chúng ta không chỉ là liên quan đến các cựu chiến binh. Thượng nghị sĩ John McCain, cựu binh trong chiến tranh từng đến gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nói rằng Hai nước chúng ta không nên là kẻ thù trong chiến tranh, chúng ta nên làm bạn.

Chính những người cựu chiến binh đã cho ta thấy con đường đi. Người dân hai nước trở nên gần gũi nhau hơn, hoạt động thương mại tăng lên, sinh viên, học giả cùng nhau nghiên cứu. Chúng tôi đón nhiều sinh viên Việt Nam hơn bất kỳ nước châu Á nào. Nhiều khách du lịch Mỹ cũng tới Việt Nam, thăm 36 phố phường Hà Nội, Hội An, Huế.

Nhiều người Việt Nam và Mỹ đều có thể thuộc những bài hát của Văn Cao: 
Từ nay người biết quê người. 
Từ nay người biết thương người. 
Từ nay người biết yêu người...”

Với quan hệ gần gũi, mục tiêu của tôi là xây dựng nền tảng ngày càng vững chắc hơn cho quan hệ hai nước trong nhiều thập kỷ tới.

Chúng tôi muốn nói một điều: ngày nay, hai nước đã trở thành bạn bè, đối tác của nhau. Từ kinh nghiệm, tôi tin tưởng rằng những bài học trong chiến tranh sẽ là những bài học cho cả thế giới. Có những cuộc xung đột tưởng như không thể kết thúc, không giải quyết được thì giờ đây quan hệ của chúng ta đã cho thấy có thể tạo ra sự thay đổi. Hòa bình bao giờ cũng tốt đẹp hơn chiến tranh. Với sự tiến bộ, chân giá trị của con người cần được thúc đẩy chứ không phải là chiến tranh.

Ta cũng thấy một điều có tính nguyên tắc là Việt Nam là nước có chủ quyền. Không nước nào có quyền áp đặt ý chí lên Việt Nam. Độc lập chủ quyền cho người dân Việt Nam là do người dân Việt Nam quyết định.

Chúng tôi muốn ưu tiên quan hệ đối tác toàn diện. Tôi không còn nhiều thời gian trong nhiệm kỳ và muốn đóng góp nhiều hơn trong quan hệ hai nước. Ta cần hợp tác để đem lại sự thịnh vượng cho người dân chúng ta.

Thế kỷ này, nền kinh tế phát triển ở các nước có hành lang pháp lý đúng đắn. Nền kinh tế tri thức sẽ đổ vào các quốc gia ưu tiên cho giáo dục. Quyền đi học của con người rất quan trọng nên bên cạnh hợp tác kinh tế cần đầu tư vào con người, cần nuôi dưỡng con người tài năng bên cạnh khai thác tài nguyên thiên nhiên. Đó là thế mạnh của Mỹ.

Thế hệ trước của người Mỹ đến đây để chiến đấu nhưng thế hệ sau của người Mỹ đã đến đây đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị hai nước.

Các đại học danh tiếng Mỹ đã đến Việt Nam để tăng cường hợp tác, đào. Khi chúng tôi muốn chào đón nhiều người Việt Nam sang Mỹ thì chúng tôi cũng muốn thế hệ trẻ Việt Nam được hưởng những giá trị giáo dục tốt hơn.

Do vậy, tôi rất vui mừng thông báo với các bạn, mùa thu năm nay đại học Fullbright sẽ đi vào hoạt động. Đây là đại học này phi lợi nhuận, chất lượng và sẽ cung cấp nhiều học bổng cho sinh viên Việt Nam.

Các sinh viên, học giả, nhà nghiên cứu hai nước sẽ tập trung vào các lĩnh vực như chính sách công, quản trị doanh nghiệp, hợp tác trong các lĩnh vực máy tính, công nghệ, từ thơ của Nguyễn Du, tới lĩnh vực toán của Giáo sư Ngô Bảo Châu.

Chúng tôi cũng mong khuyến khích phụ nữ Việt Nam đảm bảo bình đẳng giới. Khi chúng ta có một gia đình tốt, phụ nữ được đi học, được đóng góp và có vị trí xứng đáng ở trường học, Chính phủ, trong giới lãnh đạo thì chúng ta sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Điều này luôn đúng kể cả ở Mỹ và Việt Nam.

Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết trong TPP. Với tư cách là Tổng thống Mỹ, tôi ủng hộ mạnh mẽ TPP, điều này sẽ giúp cho Việt Nam xuất khẩu nhiều sản phẩm hàng hóa từ Mỹ. Điều này sẽ giúp cho Việt Nam không cần phải hoàn toàn phụ thuộc thương mại với quốc gia nào duy nhất.

TPP cũng sẽ giúp giải quyết bất bình đẳng, thúc đẩy nhân quyền, người lao động có lương cao hơn. Người lao động có thể tổ chức nghiệp đoàn và bảo vệ trẻ em không bị lao động cưỡng bức, thúc đẩy chống tham nhũng. Đây là tương lai, hy vọng mà TPP mang lại cho chúng ta. Tất cả các quốc gia thành viên phải cam kết thực hiện các mục tiêu mà TPP đặt ra.

Tất cả chúng ta phải nỗ lực đảm bảo an ninh chung. Hai bên đã nhất trí xây dựng niềm tin. Chúng tôi sẽ tiếp tục đào tạo, trang thiết bị cho cảnh sát biển, nâng cao năng lực bảo vệ hàng hải. cứu trợ nhân đạo.

Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh hoàn toàn cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, đảm bảo Việt Nam có thể có vũ khí cần thiết để đảm bảo an ninh. Chúng tôi mong muốn thể hiện rõ việc bình thường hóa toàn bộ quan hệ với Việt Nam.

Thế kỷ 20 đã dạy cho tất cả chúng ta, trật tự quốc tế và an ninh chung phụ thuộc lẫn nhau và cần thông lệ chung. Các nước đều có chủ quyền, dù lớn hay nhỏ đều cần được tôn trọng và toàn vẹn lãnh thổ. Nước lớn không được bắt nạt nước nhỏ và tranh chấp phải giải quyết qua các biện pháp hòa bình.

Quan hệ của chúng ta là giải quyết sự khác biệt giữa hai chính phủ về nhân quyền. Tôi nói điều này bởi không có quốc gia nào hoàn hảo. Sau 2 thế kỷ lập nước, chúng tôi vẫn đang phải cố gắng đạt được những ý tưởng chúng tôi đã đề ra khi chúng tôi lập quốc như bất bình đẳng, định kiến từ tư pháp, hình sự. Ngày nào chúng tôi cũng nhận được phê bình nhưng những lời chỉ trích, tranh luận cởi mở giúp chúng ta nhìn nhận sự chưa hoàn hảo.

Mỹ không muốn áp đặt lên bất cứ nước nào. Chúng tôi tin vào giá trị tổng quát được nêu trong Hiến pháp Việt Nam như người dân có quyền tự do ngôn luận, lập hội. Đây là những điều đã được nêu trong hiến pháp Việt Nam.

Việt Nam đã đạt tiến bộ về cải cách, lập pháp như công khai ngân sách, tiếp cận được nhiều thông tin hơn. Người Việt Nam sẽ quyết định tương lai của người Việt. Trong cuộc bầu cử tự do, người dân có thể lựa chọn lãnh đạo tốt nhất cho họ, mọi người có quyền bày tỏ sự nhân ái và chúng ta cần tăng cường hơn nữa tiếp cận hỗ trợ cho người nghèo để đời sống của họ được cải thiện. Các quyền bình đẳng người dân Việt Nam sẽ mang đến nền tẳng cho sự thịnh vượng và lợi ích cho tất cả người dân Việt Nam như khẩu hiệu của Việt Nam: Của dân, do dân và vì dân.

Tôi sắp rời nhiệm sở. Tám năm qua tôi nghĩ nhiều tới hệ thống chính quyền Mỹ và cố gắng đối thoại các nước để tìm cách cải thiện hệ thống của mình.

Vấn đề quan trọng là đảm bảo sức khỏe người dân vẻ đẹp hành tinh, nhất là các di sản như Vịnh Hạ Long, Hang Sơn Đoòng, ta bảo vệ vì tương lai con cháu chúng ta.

Để đối phó biến đổi khí hậu, chúng ta cần thực hiện cam kết chống lại sự tác động quá trình này nhất là vùng ngập mặn như đồng bằng sông Cửu Long, nơi cung cấp nguồn thực phẩm lớn.

Hôm nay tôi đứng đây, vô cùng lạc quan về tương lai hai nước. Tôi có niềm tin về tình hữu nghị của người Việt Nam cũng như Mỹ như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: Nối vòng tay lớn, mở rộng tấm lòng mình ra.

Tôi biết rất nhiều Việt kiều ở Mỹ đã thành công ở nhiều lĩnh vực như: nhà báo, thẩm phán, luật sư,.. Tôi biết một người hôm nay người đó có mặt tại đây và ông nói mong muốn lớn nhất là cải thiện hỗ trợ đời sống người Việt Nam.

Nhiều thế hệ trong các bạn ở đây sẵn sàng tạo ra dấu ấn của thế giới, đó là điều Việt Nam cần. Tương lai nằm trong tay các bạn. Đây là khoảnh khắc các bạn theo đuổi, mong muốn và Hoa Kỳ luôn là đối tác, là người bạn của các bạn.

Sau này khi người Hoa Kỳ và Việt Nam học cùng nhau, cùng nhau lập doanh nghiệp, cùng nhau sáng chế, tôi hy vọng các bạn nhớ khoảnh khắc tôi đứng ở đây, trước các bạn, như Nguyễn Du đã từng viết: Trăm năm cũng từ đây...

Cám ơn, chào tạm biệt.