Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Bó tay, khó hiểu: Vì sao sinh vật tự tử hàng loạt/ Viễn Phương st và chia sẻ

 Ngày Đăng: 1/23/2016 08:55:00 CH / Lời Nhắn: 0
Người dân Ấn Độ đã bàng hoàng khi phát hiện hơn 300 con rùa quý hiếm và 1 con cá heo mũi to trôi dạt vào một bờ biển ở miền đông nước này vài ngày qua. Hiện chưa rõ nguyên nhân của vụ chết hàng loạt này.
Tại vịnh Monterey, hàng ngàn con mực Jumbo bỗng nhiên lao vào bờ tự tử. Nhiều người đã cố gắng cứu những con mực bằng cách đưa chúng trở lại biển nhưng sau đó, chúng vẫn tiếp tục lao vào bờ.
Ít nhất 50 con cá voi đã chết sau khi được cho là cố tình tự sát ở một bờ biển thuộc bang Tamil Nadu của Ấn Độ.
Tại vùng biển New Zealand, hơn 300 con cá heo từ đại dương đã lao mình lên bãi cát, nằm phơi mình trước những ánh mắt hiếu kỳ của du khách. Điều kỳ lạ là khi người ta cố gắng đẩy chúng xuống nước thì chúng lại cứ ngoi lên, tựa hồ như chúng cố tình muốn chết
Tại tỉnh Van phía Đông Thổ Nhĩ Kỳ ở gần Iran, hàng ngàn con cừu đã theo con đầu đàn nhảy xuống một khe núi để... chết. Tổng cộng 450 con đã chết trước sự bất lực của những người chăn cừu. Chúng đã nhảy từ độ cao 15 mét xuống vực sâu. Những chú cừu xấu số này sau đó lại trở thành tấm đệm cứu thoát được khoảng 1.100 con khác cũng lao xuống theo. Tuy nhiên chúng cũng gắng sức đập đầu vào vách đá để kết liễu tính mạng của mình.

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Tát nước/ Thơ Nôm truyền tụng Hồ Xuân Hương, Ngân Triều chú giải

                                          Bài số 60
                                                                  Taùt   nöôùc
                                                              Hồ Xuân Hương


                                           Đang cơn nắng cực chửa mưa tè, (1)
                                           Rủ chị em ra tát nước khe. (2)
                                           Lẽo đẽo chiếc gầu ba góc chụm, (3)
                                           Lênh đênh một ruộng bốn bờ be. (4)
                                           Xì xòm đáy nước mình nghiêng ngửa, (5)
                                           Nhấp nhỏm bên bờ đít vắt ve. (6)
                                           Mải miết làm ăn quên cả mệt, (7)
                                           Dang hang một lúc đã đầy phè. (8)

                                           Nguồn: Văn đàn bảo giám, NXB Văn học, 2004

*Văn bản chữ Nôm:
                        
                       當 欺 𣌝 𣠖 𩄎 
                        𡀿  𦋦 渃 溪
                        𠖭 𨄙 𣠘 𠀧   
                       冷 汀 𠬛 𤲌 𦊚  𣛥
                       吹 諶 渧 𨉟  𠑕
                       𠽦      𦝂   𢪱 
                        𢠼 篾 爫 咹 悁  奇 𤻻
                        𢬥      𣅶   菭 淝
* Chú giải:
Nắng cực:  𣌝 nắng nóng cao điểm.
Mưa tè: 𩄎: phương ngữ, đi tiểu. Mưa tè là mưa chập chũm, mưa ít, mưa không ướt áo, mhưa như đái vải.
Khe: , ngòi nước từ trong núi chảy ra.
                                          Sương đầu núi buổi chiều như  dội,
                                          Nước lồng khe, nẽo suối còn sâu.
                                                Não người áo giáp bấy lâu,
                                  Lòng quê qua đó, mạch sầu chẳng khuây.
                                          Chinh phụ ngâm khúc,Đoàn Thị Điểm
 Lẽo đẽo: 𠖭 𨄙    một cách lôi thôi, không gọn gàng vì chiếc gàu dai có 2 dây cột ở trên miệng gàu và 2 dây cột ở bên ngoài đít gàu. Bốn đầu dây nối với 4 tay cầm để tát nước.
                                             Ruộng cao tát một gàu dai,
                                          Ruộng thấp thì phải tát hai gàu sòng.
                                                                                                      Ca dao
Lênh đênh: 冷汀: trôi nổi, bấp bênh.
Xì xòm: :tượng thanh, âm thanh khi người ta múc nước đầy gàu dưới ao (xì),  hất đổ nước vào mặt ruộng, nước chảy lan ra, (xòm).
Nhấp nhỏm: 𠽦:  lúc khom lưng, lúc ngửa người , không đứng yên, tư thế của người tát nước nói chung.  
vắt ve: 𢪱 : gợi tả của cái đít đong đưa ra vào khi tát nước.
Mải miết: 𢠼 : thái độ tập trung trong công việc một cách cao độ.
Dang hang: 𢬥 : tư thế mở rộng chân ra lấy thế và  giúp cho người tát nước có thăng bằng khi nghiêng ngửa tát nước. (Lẽ ra phải viết là dang háng, nhưng như vậy thì thất luật so với câu đầu. Điều nầy có thể thấy ở mấy câu thơ của Chiêu Hổ đối đáp với HXH:
                                   Hang hùm ví bẵng không ai mó,
                                          Sao có hùm con bỗng tróc tay.
                         (Ví bẵng = ví bằng; bỗng  tróc tay = bồng tróc tay)
Đầy phè: : Đầy quá, đầy tràn.
(1-2) Lý do đi tát nước chống hạn cho lúa: bao gồm thời gian, lúc nắng cực chửa mưa tè; không gian và người tham gia lao động là giới phụ nữ, rủ chị em ra tát  nước khe.
(3-4) Hình dáng chiếc gàu tát nước và thửa ruộng lúa. Chiếc gàu dai thường có hình ba góc, có nhiều dây cột, nên khi mang đi tát nước trông rất luộm thuộm, lẽo đẽo. Đám ruộng thì có hình tứ giác, có bờ  be xung quanh. Khi tát nước vào ruộng, nước chảy bấp bênh từ cao xuống thấp.
(5-6) Âm thanh và dáng điệu con người khi tát nước. Âm thanh của việc tát nước rất đơn điệu, nghe xì xòm liên tục. Dáng điệu của hai người khi tát nước, lúc khom-lúc ngửa lưng, trông rất buồn cười, nhấp nhỏm. Có 2 động tác: lúc cùng khom người xuống để múc nước, nghiêng; lúc kéo gàu nước đưa lên ruộng và hất nước ra, ngửa.. Đít vắt ve là từ ngữ chọn lọc chính xác và gợi tả.
(7-8) Thái độ lao động hăng say nhanh chóng đạt yêu cầu: mải miết  làm ăn quên cả mệt. Chỉ cần mở rộng chân, dang hang một lúc, thì đám ruộng đã đầy tràn, đầy phè.

               Tóm lại, bài thơ Tát nước, với lớp từ chọn lọc chính xác, với nhiều từ lái đặc sắc, hài thanh và gợi hình hai nghĩa thanh-tục rất tuyệt, thể hiện công việc quen thuộc của nhà nông, mà nó còn ẩn dụ, gợi tả cảnh làm ăn quên cả mệt trong cái chuyện chăn gối, dục tình chân thực của con người. ( libido).

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

Bạn có biết? Hãy trải lòng với mọi người vì.../Nguyễn Văn Hùng st và chia sẻ


(Nguồn Gpbanmethuot.vn)

Cuộc hành trình rất ngắn ngủi!

Posted Fri, 11/09/2015 - 08:37 
'Xin cùng suy tưởng:  cuộc hành trình rất ngắn ngủi!"
Câu chuyện dưới đây rất đẹp và rất thật mà ta không thể làm gì khác hơn là cùng chia sẻ đến những người mà chúng ta rất quí mến...
 
Một cô gái trẻ vừa ngồi xuống băng ghể trên một chuyến xe công cộng.
Một bà cụ già có vẻ nhăn nhó đến ngồi kế bên, lấn cô gái vì bà mang rất nhiều túi xách.  Người hành khách ngồi bên cạnh, cảm thấy bất bình, liền hỏi cô gái tại sao cô không phản đối và nói lên quyền hạn của cô.  Cô gái đáp lại bằng một nụ cười:
'Không cần phải đôi co vì những chuyện nhỏ nhặt vì toàn bộ cuộc hành trình này rất ngắn ngủi!'.  Tôi sẽ bước xuống ở ga tới.
Đây là một câu trả lời nên được xem là khuôn vàng thước ngọc trong cuộc sống hằng ngày, ở mọi nơi:
'Không cần phải đôi co vì những chuyện nhỏ nhặt, vì toàn bộ cuộc hành trình này rất ngắn ngủi'
Nếu mỗi người trong chúng ta hiểu được rằng cuộc hành trình của chúng ta nơi đây rất ngắn ngủi thì làm u tối nó đi bằng những sự tranh cãi vô bổ sẽ làm phí đi thời giờ và năng lượng của chúng ta.
Một ai đó làm chạm tự ái ta?
Hãy bình tỉnh, cuộc hành trình này rất ngắn ngủi!
Một ai đó phản bội ta, bắt nạt ta, làm nhục ta?
Hãy bình tỉnh, cuộc hành trình này rất ngắn ngủi!
Vậy bất cứ những gì khó chịu người khác mang đến cho ta, xin ghi nhớ một điều:  cuộc hành trình này rất ngắn ngủi!
Hãy trang bị cho chúng ta sự ngọt ngào.  Sự ngọt ngào không bao giờ đồng nghĩa với sự thiếu cá tính hay sự hèn nhát mà đó chính là sự cao cả.
Cuộc hành trình chung của chúng ta nơi đây thật ngắn ngủi và không có cơ hội lặp lại một lần nữa....
Không ai biết được thời gian của cuộc hành trình của mình!
Không ai biết được là mình sẽ phải bước xuống vào sân ga tới!
XIN HÃY LUÔN BÌNH TỈNH VÌ CUỘC HÀNH TRÌNH NÀY RẤT NGẮN NGỦI!
 
AT. Sưu tầm

VÀI CHUYỆN HAY RẤT NGẮN/ Viễn Phương sưu tầm và chia sẻ




VÀI CHUYỆN HAY RẤT NGẮN
Lượm lặt

Thôi 
Quê mình hễ mùa mưa lại ngập. Hồi ấy, con chập chững vào lớp Một, ngày ngày vượt hai cây số đến trường. Có bữa, mưa giăng đầy trời, nước ngập đến gối. Con nhìn ra, rơm rớm. Mẹ bảo:
 - Thôi, hôm nay để mẹ cõng. 
Mẹ cắp chiếc nón lá, cõng con trên lưng vượt qua dòng nước.
Con đậu Đại học, ra trường, lấy được cô vợ giàu, thành đạt. Cuối tuần, con đưa mẹ đến siêu thị: 
- Thôi, đường ngược chiều rồi. Mẹ chịu khó tự vào. Tiền nè. Tôi có việc phải đi! 

Ngày không nhiều nắng 
Ba đi làm về mồ hôi ướt đẫm vai áo. Má tất bật nấu bữa cơm trưa lấm lem tro bếp.
Tôi buông sách đứng dậy, lấy cho Ba ly nước và quay xuống bếp định phụ cho Má nấu cơm trưa thì bị cả hai nhắc "Con lên học bài đi, ngày mai thi rồi, ôn thêm được chữ nào thì ôn con ạ, mười hai năm đèn sách, ráng nghen cưng."
Giờ đây, tôi đang làm ở một công ty lớn nhưng mỗi lần đến ngày thi Đại học là mọi kỷ niệm xưa lại ùa về, lại rơm rớm nước mắt. Nhà tôi giờ chỉ còn tôi và má, ba đã mất sau một tai nạn bất ngờ khi tôi còn là sinh viên năm thứ nhất.
Những ước mơ của ba mẹ con đã thực hiện được.
Ước mơ của con sao Ba không ở lại mà nhận, Ba ơi ?

Trang viết & Cuộc đời
Trong những tác phẩm của chị, gia đình có sự mất mát chia lìa thì nhân vật “người chồng” luôn… bị chết trước vợ.
Anh giận, cho rằng chị ám chỉ mình. Chị bảo: “Nếu trang viết là cuộc đời thì em chỉ muốn anh không phải chịu nỗi buồn của người còn lại.”
Vậy mà chị ra đi trước anh. Trơ trọi một mình, anh mới thấm thía nỗi chống chếnh, quạnh hiu của một tâm hồn lẻ bạn.

Võ sĩ
Thầy dạy kèm Anh văn của tôi là hàng xóm.
Khi thi lên đai Thái cực đạo rớt, anh kể cho tôi nghe. Lúc được tuyển vào đội tuyển quốc gia, anh lại giấu. Hát cho phường bị chê: kể; đoạt giải nhất karaoke: lại giấu...
Có bạn trai, tôi kể, anh lặng thinh. Chia tay với bạn trai, tôi kể, anh cũng làm thinh... Khi nghe tôi nói đã từ hôn với gã Việt kiều, anh không làm thinh nữa:
- Tại sao vậy?
- Vì... em... yêu anh.
Thầy dạy, ca sĩ, võ sĩ của tôi như bị knock-out, khuỵu chân xuống rồi... khóc.

Tình Đầu
Về quê, lần nào cũng vậy, hễ chạy qua ngã ba An Lạc là tôi cho xe chạy chậm hẳn lại, mắt nhìn vào ngôi nhà khuất sau vườn lá. Một lần, đứa con trai mười tuổi của tôi hỏi:
- Ba tìm gì vậy?
- Tìm tuổi thơ của ba.
- Chưa tới nhà nội mà?
- Ba tìm thời học sinh.
- Nội nói, lớn ba học ở Sài Gòn mà?
- À, ba tìm người... ba thương.
- Ủa, không phải ba thương mẹ sao?
- Ừ, thì cũng ... thương.
- Ba nói nghe lộn xộn quá. Con không biết gì cả.
- Ba cũng không biết.
Chỉ có Hồng Hạ biết. Mà Hạ thì hai mươi năm rồi tôi không gặp.

Màu mực cũ
Ngày đó, yêu em mà không dám nói. Cứ chiều chiều tan lớp, ngồi đợi em về trong một góc quán cà phê đầu ngõ. Em thôi không học nữa. Tôi quyết định viết thư tỏ tình. Thư viết chưa xong, em theo chồng xa xứ. Lá thư tình viết dở dang tôi còn giữ đến tận bây giờ.
Sáng qua, ngồi trên ghế xử ly hôn, ngỡ ngàng thấy em ôm con ngồi bên dưới, mắt đỏ hoe. Tối về, lục lại trang thư cũ định viết tiếp. Tìm mãi, không có cây bút nào trùng với màu mực cũ… 
Em@il
Qua xứ người được vài năm thì ông anh họ của tôi bắt đầu gởi tiền về, giục các con lo học tiếng Anh và vi tính đẻ mai mốt qua đó có thể dễ dàng kiếm việc làm.
Hôm vừa rồi, anh gọi điện về thăm gia đình chúng tôi, tôi hỏi anh có địa chỉ Em@il chưa để tiện liên lạc, giọng anh chùng hẳn xuống: “Suốt ngày hết rửa bát lại dọn bàn trong quán, anh có thì giờ đâu mà biết đến những thứ hiện đại đó hả em?!”

Triết lý viên kẹo
Mỗi ngày bạn đều cho một đứa trẻ ăn kẹo. Bạn làm điều ấy rất thường xuyên và vui vẻ. Đứa trẻ ấy cũng có vẻ rất yêu bạn. Mỗi ngày thấy bạn, nó đều cười tươi và chạy đến nhận kẹo. Nhưng rồi một ngày, bạn xoa đầu nó và bảo: "Hết kẹo rồi". Bỗng dưng bạn thấy nó rất khác. Nó gào ầm lên rằng bạn keo kiệt, bạn xấu xa hoặc nó đi khắp nơi để nói xấu bạn...
Triết lý viên kẹo có nghĩa là khi bạn cho ai khác một thứ gì, nhiều khi họ sẽ không nghĩ ấy là món quà, họ nghĩ đó là bổn phận, là trách nhiệm. Và khi bạn không cho thứ mà họ muốn nữa, họ sẽ lập tức trở mặt với bạn.
Với nhiều người, cho dù bạn có cho họ kẹo mỗi ngày thì họ cũng chỉ nhớ mỗi một ngày mà bạn đã không cho.

Khoe 
Ngày xưa, khi có ai hỏi con: “Bố làm nghề gì ?” …. Bố thấy con không vui và không bao giờ chịu trả lời là bố làm nghề thợ hồ. Bố cố gắng làm việc nhiều hơn để nuôi con ăn học và mong sau này con có được một nghề mà mọi người nể trọng trong xã hội. 
Con thành đạt và lấy chồng, mỗi lần khách đến chơi, câu đầu tiên bố thường nghe con khoe là “Nhà em làm luật sư nên lúc nào cũng bận.”
Bố buồn, chỉ ao ước được một lần nghe con khoe về nghề của bố…

Tiền cứu trợ
Lũ. Ba nhắn lên “… Nhà ngập, con đừng về!” Mỗi ngày, con cùng những người bạn trong đội công tác xã hội của trường cầm thùng lạc quyên vào các giảng đường, lớp học nhận tiền cứu trợ đồng bào miền Tây. Truyền hình vẫn tiếp tục đưa tin và hình ảnh lũ lụt ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có quê mình. Con số người và của cải mất mát cứ tăng dần. Con sốt ruột, nôn nóng. Hôm qua, cả nhà bác Ba kéo nhau lên ở tạm nhà chị Hai. Con sang hỏi thăm. Ra về, bác gái gởi cho con một gói mỏng và bảo: “Tiền cứu trợ, ba con gởi lên cho con đó!”

Mùa thi
Ngày tôi thi tú tài, ba đạp xe hơn chục cây số, chờ tôi ngoài trường thi cả buổi, cốt để hỏi:
- Con làm bài tốt không?
Sợ ba nhọc lòng, tôi nói:
- Ba chờ ngoài này, có khi con lại lo, không làm bài được.
Buổi thi cuối, ra cổng không thấy ba, hỏi chú Bảy còi:
- Ba con có đến không?
Chú đưa tay chỉ cây bàng phía xa mươi mét bảo:
- Ổng ở đằng kia, tao biểu đến, ổng không chịu.

Hai ngàn
Học lớp 12, tôi không có thời gian về nhà xin tiền ba như 2 năm trước. Vì thế, tôi viết thư cho ba rồi ba đích thân lên đưa cho tôi. Từ nhà đến chỗ tôi trọ học chừng 15 km. Nhà nghèo không có xe máy, ba phải đi xe đạp. Chiếc xe gầy giống ba…
Cuối năm, làm hồ sơ thi đại học, tôi lại nhắn ba. Lần này, sau khi đưa cho tôi một trăm ngàn, ba hỏi: “Có dư đồng nào không con?”. Tôi đáp: “Còn dư bốn ngàn ba ạ.” Ba nói tiếp: “Cho ba bớt hai ngàn, để lát về, xe có hư như lần trước thì có tiền mà sửa.” Ba về, tôi đứng đó, nước mắt rưng rưng…

Người già
Hồi còn trẻ, bà lăn lộn khắp các chợ ở vùng đất Nam Định, một tay nuôi năm người con để chồng yên tâm chiến đấu ngoài mặt trận. Bà nổi tiếng cả vùng về sự sắc sảo thông minh và cả một chút tinh nhanh của những người làm nghề buôn bán. Cơ đồ nhà chồng, một tay bà gây dựng. Năm người con vắng cha mà không có ai phải thất học. Năm người là năm tấm bằng Đại học – người con cả còn được đi nước ngoài du học nữa.
Mấy chục năm sau …
Ông mất, các con đón mẹ lên thành phố. Mấy ngày đầu, chưa quen đồ dùng mới, bà làm hỏng hết cả. Hôm nay cũng thế, bà lại làm cháy cái ấm điện mới. Người con cả gắt:
- Mẹ đúng là lẩm cẩm, chẳng làm được việc gì ra hồn!
Bà sững người, ánh mắt vụt rơi vào khoảng không xa vắng…

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

Bài số(09) LỜI CUỐI CHO ANH/ Thơ Hải Vân/ Lời bình Ngân Triều

Bài số(09)

LỜI CUỐI CHO ANH - Hải Vân
Lời bình Ngân Triều


Nắng vàng chiều muộn vương tà áo,Trả ánh trăng lên chuyện chúng mình













Xin trả lại anh một cuộc tình,
Hàng cây Bến Ngự, bóng lung linh.
Nắng vàng chiều muộn vương tà áo,
Trả ánh trăng lên chuyện chúng mình
*
Xin trả lại anh một chuyến bay,
Tình thơ chớm nở ngát hương say.
Trả hình bóng cũ cho ngày ấy.
Trả chuyến xe đưa lạc bến nầy.
*
Xin trả lại anh chuyện xích thằng,
Cho lòng em mãi vướng bâng khuâng.
Trả vùng Tây Lộc, trời Đà Nẳng,
Mấy bận đi về lắm trở trăn.
*
Xin trả lại anh vị nước cam,
Ngọt lịm đầu môi, ấm áp tim,
Trả lời hẹn ước trong tay nắm,
Trả cả sầu lên trong mắt đêm.
*
Xin trả lại anh giấc mộng vàng,
Ai ngờ phút cuối bỗng ly tan.
Trả đêm thao thức, ngày trông ngóng,
Trả vết thương lòng, máu chửa đông.
*
Trả anh năm tháng chờ tuyệt vọng,
Cay đắng đau lòng đã lỡ mang.
Trả cả hao gầy cùng biển lệ
Trả ngọt tình thư mỏi mắt trông.
*
Xin trả cho anh có cùng không,
Nỗi thương, nỗi nhớ, nỗi chờ mong.
Góp gom tất cả thời gian đợi,
Trả hết cho anh mối hận lòng
*
Em về viết tiếp chuyện xuân hồng
Viết lại tình ta thỏa ước mong,
Viết khúc giao hòa tròn mộng đẹp
Ước hẹn ba sinh một chữ Đồng.

I Vài nét về Hải Vân:

*Hải Vân, (cựu giáo viên Sài gòn), quê ngoại ở vùng trồng mía Hiệp Hòa, Đức Hòa (Long An),là một người bạn tâm giao với chị Hạ Vũ (Cựu giáo viên Sài Gòn), hai người bạn có những chặng đời y hệt nhau. Chặng đời của những bước đi dài…rất dài...
Hải Vân là cựu nữ sinh Gia Long, cựu sinh viên Viện Hán Học và Văn Khoa Huế, cgv Sài gòn… có một số thơ và truyện ngắn được phổ biến trên một số web và những bài thơ tình của Hải Vân đã đăng trên cả 3 blogs thân hữu:
nhungnguoibanspsg.blogspot.com
hoainiemtayninh.blogspot.com
blogngantrieu12.blogspot.com
 Đó là những bài thơ: Nỗi nhớ, Gởi lại anh, Đuổi bắt mây, Ba đồng tiền,Còn vương nỗi nhớ, Lời cuối cho anh, Thu nhớ…

II.Chủ đề “Lời cuối cho anh”

Chủ đề  bài thơ là đưa lại, giao lại những gì đã nhận, đã giữ cho người thương, lần cuối bằng tiếng lòng thổn thức, thống thiết…

III.LỜI BÌNH  Ngân Triều
Bài thơ trên được thể hiện bằng lối thơ thất ngôn tứ tuyệt, với 8 khổ thơ, đặc biệt có 7 khổ thơ liên tiếp, láy đi láy lại việc “trả lại anh” không những để nhấn mạnh về cấu tứ mà âm điệu còn ngân vang, đồng vọng, nao lòng.

*Xin trả lại anh một cuộc tình,
Hàng cây Bến Ngự, bóng lung linh.
Nắng vàng chiều muộn vương tà áo,
Trả ánh trăng lên, chuyện chúng mình

Trước hết, nhà thơ xin trả lại  “người thương cũ”…một cuộc tình, cuộc tình đó đã từng ấp ủ, nở hoa tươi thắm và ngát hương trong một không gian lãng mạng, thi vị.  Đó là không gian của riêng hai người đang yêu, bên hàng cây của con đường Bến Ngự,(Huế), khi ấy có gió chiều muộn nhè nhẹ, ve vuốt những bóng lá “lung linh”.  Lung linh là rung rinh, lay động khe khẽ, phản chiếu ánh lấp lánh của dải nắng vàng còn rơi rớt lại và nắng vàng chiếu sáng, vương lên tà áo dài của người con gái…để rồi nắng vàng quay về với bóng đêm. Trong khoảnh khắc, ánh trăng lên dịu dàng soi sáng đôi tình nhân, ngây ngất men tìnhTất cả những hình ảnh đó, như cổ vũ, như thắm đượm, như lắng nghe, như đồng tình và chứng kiến cho tình yêu đầu đời của đôi tình nhân, đồng thời như đã dệt nên một chuyện chúng mình…muôn thuở,  “ngàn năm, chưa dễ đã ai quên”. (Thế Lữ)


*Xin trả lại anh một chuyến bay,
Tình thơ chớm nở,ngát hương say.
Trả hình bóng cũ cho ngày ấy,
Trả chuyến xe đưa lạc bến nầy.

Tiếp theo, tác giả xin trả lại người thương kỷ niệm giây phút đầu tiên gặp nhau “Người đâu gặp gỡ làm chi? /Trăm năm biết có duyên gì hay không? (Kiều 181-182).Phải chăng cơ duyên đó đã để hai tâm hồn gặp nhau trong một chuyến bay và chuyến xe đưa… để có cơ hội tiếp cận, quen nhau, gần gũi để tình thơ chớm nở như ngát hương, say đắm (Một trạng thái ngây ngất, nôn nao, dễ chịu, lan tỏa khi coup de foudre “tiếng sét” vừa nổ ra…  Một cảm xúc xao xuyến , bồi hồi , dâng trào lên khó tả.

*Xin trả lại anh chuyện xích thằng,
Cho lòng em mãi vướng bâng khuâng.
Trả vùng Tây Lộc,trời Đà Nẳng,
Mấy bận đi về lắm trở trăn

Chuyện xích thằng
  赤繩傳là chuyện sợi chỉ đỏ mà “nguyệt hạ lão nhân”        ông già dưới trăng, xe duyên cho các cặp trai gái trên thế gian đẹp duyên giai ngẫu, thành vợ, thành chồng.
Tích Vi Cố đời Đường (618-907), một nho sinh tài hoa lỗi lạc.  Nhân đi dạo trong một đêm trăng sáng, chàng gặp một ông già đang xe những sợi chỉ đỏ, bỏ vào trong một quyển sách thật to.  Thấy lạ, chàng liền lễ phép hỏi cớ sự, mới biết ông lão là một vi thần định trước nhân duyên cho trai gái ở thế gian… Thật sững sờ khi biết mình sẽ có một người vợ, hiện là con gái của lão ăn mày mù dưới chợ. Một bé gái, khoảng 3 tuổi xấu xí, dơ bẩn, rách rưới, đang ngồi khóc vì đói rét ở một góc chợ hôi hám.  Bất nhẫn sinh ác, chàng liền thuê bọn côn đồ thủ tiêu bé gái…những mong thoát khỏi thiên cơ…và có tiền việc đó xong ngay…
Mười lăm năm sau, Vi Cố mới đỗ Thám Hoa, được một người vợ trẻ đẹp như tiên nga, ái nữ của một vị quan to... Một hôm, tan chầu về nhà, vợ đang gội đầu, chàng đến giúp thì thấy trên đầu vợ, ẩn sau mớ tóc đen tuyền, bóng mượt, có một cái sẹo to…Lời thuật lại của vợ làm Vi Cố vỡ lẽ.  Người vợ, cô bé xấu xí ngày xưa, do ông nguyệt lão xe tơ, chàng đã cho thủ tiêu hòng cải lại “duyên thiên”… và người vợ hiện thời, chỉ là một... Mới biết chuyện gì, trời đã định thì không bao giờ thoát khỏi.
Chi tiết “chuyện xích thằng” trong bài thơ nầy, ý nói người ấy muốn tiến đến hôn nhân, “lạc bến nầy”, như đinh ninh báo trước sẽ có một bến đỗ.  (Đời người con gái, lấy chồng, thì tuổi người chồng đó phải là 1/12 con giáp: Tý,Sửu,Dần.Mẹo,Thìn,Tỵ.Ngọ,Mùi,Thân,Dậu,Tuất và Hợi), để tâm hồn cứ dậy lên những cảm xúc nhớ thương xen lẫn nhau (bâng khuâng)Tây Lộc là địa danh thuộc xứ Huế mộng mơ.  Đà Nẳng, có lẽ là nơi “người thương” đồn trú. 
Hành trình từ Tây Lộc đến Đà Nẳng thăm người thương,”mấy bận đi về”, thấy đời người lính thời chiến, sao cơ cực trăm điều, cho nên lòng không yên, khiến cứ mãi băn khoăn, nghĩ đi nghĩ lại, thương cảm biết bao nhiêu (trở trăn).  Những điều đó, giờ như nước chảy qua cầu…

*Xin trả lại anh vị nước cam,
Ngọt lịm đầu môi, ấm áp tim.
Trả lời hẹn ước trong tay nắm.
Trả lại sầu lên trong mắt đêm

Bây giờ, em trả lại anh hương vị tình nồng, hương vị đặc biệt của một thức uống tuy bình thường, nhưng có lẽ ta đang ở bên nhau, hương vị đó sao vô cùng ấn tượng ”ngọt lịm đầu môi” và không phải chỉ có thế, có anh bên cạnh…rất ấm lòng ”ấm áp tim”, rất an tâm.  Anh nắm tay em nói lời hẹn ước.  Biết ra sao ngày sau, đêm đêm nhìn những đóm sáng hỏa châu (mắt đêm) nhưhình ảnh hoa đăng ngày cưới, lòng em cứ rượi buồn (sầu lên) như nỗi lòng một người chinh phụ, "Chinh phụ…mỗi độ sớm chiều/ Bâng khuâng theo tiếng súng nhiều xa xa."(Làng tôi/khuyết danh).

*Xin trả lại anh giấc mộng vàng,
Ai ngờ phút cuối bỗng ly tan.
Trả đêm thao thức, ngày mong ngóng.
Trả vết thương lòng, máu chửa đông.

Giấc mộng vàng là giấc mộng  “hoàng lương” hay giấc mộng kê vàng.  Tích Lư Sinh đời Đường(618-907), văn hay, chữ tốt, nhiều lần ứng thí nhưng cứ hõng thi. Lần đó, Sinh có nhiều hy vọng nhưng lại tiếp tục số đen!  Đường về quê thê lương, ngại ngùng thất thểu, não nề chân bước, nặng gánh ưu tư…vừa chán nãn, mệt mỏi, vừa thất chí trách phận…đói lạnh…trong mưa.  Duyên may, tới nơi ở của một lão đạo sĩ, liền xin tá túc qua đêm.
Ta đoán ngươi mệt mỏi đường xa, có lẽ cần lót dạ.  Ta đang nấu cháo kê, hãy nằm nghỉ đi!  Có sẵn chiếc gối bằng đá của ta đó.  Một lát nữa, cháo kê chín, ta và nhà ngươi sẽ cùng ăn và đàm đạo”.  Vừa nói, vị đạo sĩ vừa khuấy đều nồi cháo kê.
Vất vả, kiệt lực, khi mới ngả lưng, đầu kê gối đá, Lư Sinh đã chìm sâu vào giấc điệp.  Sinh thấy mình thi đỗ Tiến sĩ, có vợ đẹp, con ngoan.  Năm đứa con thảy đều thành nhân chi mỹ, vinh thân phì gia…cuối đời,  làm quan đến chức Tể Tướng được 10 năm…Lúc 80 tuổi, Sinh bị oan tình phải chịu án chém…Khi người đao phủ đưa đao lên…liền giật mình thức dậy.  Vị đạo sĩ vẫn còn đang ngồi đấy, tay còn đang khuấy đều nồi kê… nồi kê chưa chín!   Sinh thẫn thờ, chợt cảm ngộ ý nghĩa đời người.  Những hoài bảo vinh hoa phú quý ở thế gian thảy đều hư ảo, phù du, vô nghĩa.  Sống đến 80 quả vô cùng hiếm thấy… nhưng quả là vô cùng ngắn ngủi, trong khoảng trăm năm trong cõi đời người, thật như gang tấc, như khoảnh khắc của một công đoạn nhỏ, đang nấu nồi kê…mà nồi kê chưa chín… Vậy sao cứ mê muội chen chúc vào cuộc đời ô trọc, phù du để tự làm khổ lấy mình?   Sao cứ mãi đua chen vào cái vòng danh lợi cong cong, thiên tứ vạn chung?  Sao quên đi những điều cao khiết, lòng vui?  Sao không thuận theo sự biến hóa âm dương mà về với đời thường giản dị?  Những bề bộn lo toan, sao không bỏ phứt đi?...Nghĩ vậy, Sinh chợt thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng, thanh thản, niềm vui phơi phới, không chút bận lòng…
Giấc mộng vàng trong đoạn thơ của Hải Vân có thể hiểu là chuyện tình của đôi bạn, cuối cùng đã kết thúc đột ngột,(bỗng ly tan).  Do đó, những kế hoạch, những dự kiến tương lai cho tổ uyên ương, coi như là mộng ảo, hư không, như là một giấc mộng vàng .”Anh đi đường anh, tôi đường tôi, / Tình nghĩa đôi ta, có thế thôi”(Thế Lữ)…nhưng đối với những người chân thành, chuyệnđó, không phải chỉ đơn giản như hai ngã rẽ vô tâm của hai con đường, hai hướng.  Đó còn là những kỷ niệm không quên của những nỗi lòng luôn nghĩ đến người thương, những”đêm thao thức, ngày mong ngóng” với ”vết thương lòng”, biết thuở nào nguôi (máu chửa đông”Máu chưa đông là máu vẫn còn chảy mãi với thời gian, để người đọc hình dung cuộc tình đó…sâu sắc đến nhường nào!

*Trả anh năm tháng chờ tuyệt vọng,
Cay đắng, đau lòng đã lỡ mang.
Trả cả hao gầy cùng biển lệ,
Trả ngọt tình thư, mỏi mắt trông.

Tứ thơ trong khổ thơ nầy phảng phất  ý thơ trên nhưng mở rộng hơn, nâng cao lên, cụ thể hóa những tình cảm mong ngóng, đợi chờ, khổ đau vời vợi của một tâm hồn đang yêu.  Khổ thơ như sáng lên với những từ chọn lọc chính xác, với những từ trung tâm hàm súc, gợi tả: tuyệt vọng (mất hết những hy vọng/ biển lệ (những dòng lệ sầu héo như đong đầy một biển cả, thậm xưng nhưng rất đúng của người con gái đa sầu, đa cảm/  ngọt tình thư, sắp xếp từ một cách tinh nghĩa , mong đợi trong trạng thái ngày càng tăng dần đến mỏi và mòn đôi mắt, những bức thư tình ấm áp, ngọt ngào của người thương…mà” thư chẳng tới, người cũng không thấy tới…”(phỏng theo CPNK)

*Xin trả cho anh có cùng không
Nỗi thương,nỗi nhớ,nỗi chờ mong.
Góp gom tất cả thời gian đợi,
Trả hết cho anh mối hận lòng


*Một góc nhìn Cầu Trường Tiền (Huế). Ảnh Google.com

Có cùng không là nhóm từ dễ hiểu.  Nhóm từ nầy có cả một dòng thơ bên dưới bổ sung.  Nghĩa là  “có những nỗi niềm thương nhớ, chờ mong”  và “không”  là không có những điều đó, có nghĩa ngược lại.  Tức là toàn bộ thời gian yêu anh, gồm khoảng thời gian thương nhớ chờ mong và cả những thời gian phụ thuộc khác, không thể thương nhớ, chờ mong như khi bận rộn những hoạt động khác…trong đời thường.  Cũng như ở dòng thơ sau, tác giả đã bật mí rõ hơn nhằm nhấn mạnh những tâm tình “có những nỗi niềm thương nhớ, chờ mong”là”Góp gom tất cả thời gian đợi”.  Hận lòng có thể là những nét giận hờn duyên dáng đáng yêu của người con gái khi đã yêu và yêu một cách chân thành.
Qua khổ thơ trên, thoạt đầu, người đọc có cảm giác như chưa rõ nghĩa , nhưng đọc kỹ thì rất tinh tế, sâu lắng và khả ái…
Qua 7 điệp khúc “trả lại anh”  trong 7 khổ thơ chan chứa tình buồn của một tâm hồn đa cảm, người đọc nhận biết ngay đây là một bản tuyệt tình ca, của những cặp tình nhân ” có duyên, không nợ” .  Có thể người con gái trong cuộc tình, chịu rất nhiều thiệt thòi…chịu nhiều đau khổ cho vết thương lòng mãi còn rỉ máu máu chửa đông… nếu thời gian yêu nhau càng kéo dài, hơn thập niên rồi bỗng ly tan…thì thật tội nghiệp cho người phụ nữ…xuân  muộn, khó lòng tìm được bến mơ.  Trong khi đó, những trang nam nhi thì ngược lại.
Nói thì nói vậy, nhưng khi buộc lòng dứt tình nhau, nào mấy ai vô cảm, vô tâm.  Cảm thông với hoàn cảnh của tác giả, bỗng nhiên tôi thấy lòng bâng khuâng,  buồn cho những cuộc tình ”Tóc mai sợi ngắn sợi dài,/  Lấy nhau chẳng đặng…thương hoài ngàn năm”  (Ca dao) mà có thể trong trường hợp đó, có hoàn cảnh của người đọc, của tôi và của chúng ta?

*Em về viết tiếp chuyện xuân hồng,
Viết lại tình ta,thỏa ước mong.
Viết khúc giao hòa tròn mộng đẹp,
Ước hẹn ba sinh một chữ Đồng

Thế là đôi ta, đôi ngã!   Em quay lại với cuộc đời đơn điệu của mình (Em về).  Em sẽ tiếp tục viết chuyện mùa xuân tươi thắm chuyện xuân hồng    hay có thể hiểu là cuộc tình tươi thắm của tuổi xuân đã qua/.  Cũng có thể hiểu thêm một chút dụng ý chơi chữ kín đáo của Hải Vân…là một chuyện tình đẹp như mùa xuân của một người tên HỒNG…không biết có đúng không ,  xuân hồng  ; hoặc mùa xuân có “chim hồng bay”.  Hình như có lần Chị Hạ Vũ (bạn tâm giao với Hải Vân)  nói là tên thường gọi của Hải Vân là Hồng ,“Chim hồng bay”, (     ?!) thể hiện hoài bảo,ước mơ của phụ thân…không biết suy đoán như vậy có đúng không?
Và hai dòng thơ tiếp theo, đã làm sáng tỏ điều đó. ”Viết lại tình ta thỏa ước mong/ Viết khúc giao hòa tròn mộng đẹp”… để kiếp nầy không gắn bó…mong rằng sẽ…gặp lại kiếp sau.(ba sinh và chữ đồng)
Ba sinh”=tam sinh là 3 kiếp, kiếp trước, kiếp hiện tại và kiếp sau theo thuyết luân hồi của đạo Phật, thường dùng chung với hương lửa ba sinh hoặc duyên nợ ba sinh = duyên nợ gắn bó vợ chồng = còn có nghĩa duyên tiền định.  Ba sinh đã phỉ mười nguyền, / Duyên đôi lứa,cũng là duyên bạn bầy/ (Kiều 3226-3227).
Chữ Đồng là cùng chung một tấm lòng, lược bớt của từ đồng tâm
(Tưởng người dưới nguyệt chén đồng, / Tin sương luống những rày trông mai chờ./ Kiều 1039-1040).
Tóm lại
“Lời cuối cho anhthơ Hải Vân là một bi khúc tuyệt tình của một mối tình đầu thắm thiết, với nhiều kỷ niệm khó quên, bàng bạc những nỗi niềm thương nhớ, chờ mong vời vợi…để cuối cùng người con gái phải đành lòng, cam phận trong biển lệ chia phôi…lời ước hẹn kiếp sau (nếu có), câu cuối, là một câu rất nhân hậu, bao dung...của một người con gái Saigon.
Về hình thức nghệ thuật, nổi bật nhất là sự chọn lọc từ gợi tả, hàm súc; điệu thơ réo rắt, u buồn, như những cung bậc sầu thương về một con đường tình sử bi lụy…
Thay lời kết, tôi xin mượn ca từ bài hát “Mùa thu chết” của Phạm Duy, phỏng theo ý thơ  L’adieu (Giã biệt) của Apollinaire/ nhà thơ Pháp,tên thật Guillaume de Kostrowitsky, thường gọi là Guillaume (1880-1918), người mở đường cho thơ siêu thực Pháp:



















Hoa Thạch Thảo trắng / Ảnh images Yahoo.com

*L’adieu /Apollinaire
 J’ai cueilli  ce brin de bruyère
L’automne est morte souviens-t’en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps, brin de bruyère
Et souviens-toi que je t’attends.

***


*Ca từ “Mùa thu chết”/Phạm Duy


Ta ngắt đi một chùm hoa thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi.
Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa!
Trên cõi đời nầy…
(Từ nay mãi mãi không thấy nhau…)
Ôi ngát hương thời gian,mùi thạch thảo
Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em.



*****