Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Bảy bát nước cứu khổ/ Cảnh Tú chuyển




      Bảy bát nước cứu khổ. alt               
    
Tức Tâm Tức Phật -- HoPhap.NetNgày xửa ngày xưa, tại một ngôi làng nọ có một gia đình bá hộ nối tiếng giàu có nhất vùng. Người người nể phục, nhà cao cửa rộng, đồng ruộng thì mênh mông bát ngát, thẳng cánh có bay, gia súc thì từng đàn, lúa chất đầy bồ, trong nhà không thiếu thứ gì, kẻ ăn người ở có tới chừng mấy mươi người. Cao lương mỹ vị ăn mãi không hết.
 
Gia đình bá hộ có hai người con, một trai một gái. Ai cũng khôi ngô tuấn tú, xinh đẹp và nết na. Nhưng rồi tai họa đã giáng suống gia đình họ, khi người con gái vì uất ức với mối tình cùng chàng thi sĩ mà quyên sinh, còn cậu con trai trong một lần đi săn trong rừng sâu, bất cẩn bị sập bẫy mà trở thành kẻ tàn phế.
 
Người mẹ vô cùng đau khổ và tuyệt vọng. Bà sống trong nỗi ám ảnh và oán hờn. Ngày ngày bà ăn chay niệm Phật cầu xin được bình an và không còn phiền muộn. Rồi một ngày kia, bà cho gọi tất cả những người dân mang nợ với gia đình bà đến và phán rằng:
- Từ xưa tới nay, gia đình ta ăn ở có trên có dưới, ai khó khăn ta đều cứu giúp, cho vay bạc và lúa gạo, sau mỗi lần thu hoạch thì gia đình các ngươi đều có trả nhưng vẫn không thể hết. Nay ta cho gọi các ngươi tới để xóa tất cả các món nợ từ trước đến nay. Dù nợ nhiều hay ít. Từ nay trở về sau, giữa gia đình ta và gia đình những nông dân này không còn bất kỳ món nợ nào.
 
                                                    
 
 
Những người nông dân nghèo khổ vui mừng khôn xiết, tay bắt mặt mừng, có những người đã quỳ lạy cảm tạ tấm lòng của bà mà khóc nức nở, nguyện làm thân trâu ngựa để báo đáp ơn này. Nhưng bà một lòng từ chối “Kẻ ăn người ở trong gia đình ta nay đã có đủ vì vậy ta không cần thêm nữa, các ngươi hãy về lo làm ăn và sống cuộc sống như mình mong muốn”.

                                                    
 

Việc làm này của bà, những tưởng rằng như vậy thì trong lòng bà sẽ thấy thanh thản nhưng sao vẫn nặng trĩu một nỗi buồn.
Nhân dịp một lần vào viếng chùa, bà đã xin gặp vị Hòa thượng và bạch rằng hãy cho bà xin một bài thuốc để diệt trừ khổ đau và phiền não. Vị Hòa thượng mỉm cười hiền hậu nhìn người phụ nữ sang trọng, quý phái nhưng có khuôn mặt đượm buồn mà nói, bà hãy tìm đến bảy gia đình chưa bao giờ biết khổ, xin mỗi gia đình một bát nước. Với bảy bát nước đặc biệt này, tôi sẽ nấu thành một loại thuốc giải cứu những sầu muộn trong lòng bà.
  
Ngay sau đó, bà lên đường tới thăm gia đình thứ nhất mà bà quen biết bấy lâu nay, bà nghĩ rằng ắt hẳn gia đình này đang hạnh phúc và bà có thể xin được một bát nước. Quả là éo le, sau khi nghe bà trình bày, chủ nhà nhìn bà với ánh mắt ngấn lệ, rằng bà đã đến không đúng nhà và tìm không đúng người.

                                                  
                                       
 

Lúc này, người chủ nhà bắt đầu kể về câu chuyện gia đình, họ đã sống những ngày đau khổ, bất hạnh ra sao, con cái khiến họ mệt mỏi và buồn phiền như thế nào v.v… Nghe xong, bà lại nói những lời động viên, an ủi, vỗ về yêu thương trước khi bà tới thăm gia đình khác.
 
Cả ngày hôm ấy, bà không xin được một bát nước nào. Nước là thứ đi đâu cũng có thể lấy, dễ tìm nhưng bà không thể xin được. Gia đình nào cũng có nỗi sầu khổ riêng, không ai giống ai và tất cả những điều ấy khiến bà chạnh lòng, như một phản xạ rất tự nhiên, của một người phụ nữ đã trải qua những mất mát những đau thương trong cuộc sống, bà đều nói lời khích lệ tinh thần, hay đơn giản chỉ là lắng nghe họ tâm sự đề thấu hiểu những gì họ đã trải qua bằng tất cả tình yêu thương vốn có.

                                                     
                                      
 

Suốt những tháng ngày sau đó, bà kiên nhẫn đi xin, nhưng cũng không tìm thấy gia đình nào hạnh phúc thật sự như bà vẫn thấy. Nơi nào cũng chất chứa nỗi niềm khổ đau và hờn tủi. Bà luôn bận tâm suy nghĩ làm thế nào để an ủi, giúp mọi người thoát khỏi phiền não, xoa dịu đau thương, và bà đã quên đi đau khổ của chính mình.
Giờ đây hơn bao giờ hết, bà thấy lòng mình thật thanh thản, nhẹ nhàng. Khi ta cho đi cũng là khi ta nhận lại nhiều hơn thế, nỗi buồn sẽ vơi đi khi ta cởi mở lòng mình, đón nhận lời sẻ chia, lời thân thiện từ những người chung quanh.
  
Sẽ không có bất kỳ loại thuốc nào có thể “chữa lành” những phiền muộn trong mỗi thân thể con người. Cách mà vị Hòa thượng chỉ cho người phụ nữ bất hạnh kia thật sâu sắc và ý nhị. Sự từng trải, lòng khoan dung, tình yêu thương của một người đàn bà từng làm vợ, làm mẹ của những đứa con, đã giúp bà nhận ra rất nhiều thứ xung quanh cuộc sống này. Điều mà từ trước tới giờ bà chưa một lần được biết và thấu hiểu.
 
Bảy bát nước, bà mãi không bao giờ tìm thấy nhưng con số bảy cho bà nhiều trải nghiệm đáng quý, nó giống như thiên thần hộ mệnh dẫn dắt bà đến với những điều bản thân tưởng chừng như không thể. Nỗi đau mà bà đang chịu đựng rất nhỏ so với những người khác, phải chăng đó là một điều hạnh phúc?
 
                                                    
                                    
 

Đôi khi trong cuộc sống, có những thời điểm mà tất cả mọi thứ chống lại bạn, đến nỗi bạn cảm tưởng rằng mình không thể chịu đựng hơn được nữa, nhưng hãy cố gắng đừng buông xuôi và bỏ cuộc, vì sớm muộn gì rồi mọi thứ cũng sẽ qua đi. Chính nụ cười của bạn mang lại hạnh phúc cho những người xung quanh, và tất nhiên nó cũng mang lại hạnh phúc cho chính bản thân bạn nữa. Điều ngọt ngào nhất bao giờ cũng đến phía sau những nỗi cô đơn dù không thể diễn tả thành lời.
 
 *****

Tiết lộ về hai nhà thơ/ Minh Nguyệt/ Viễn Phương chuyển

Xuân Diệu và Huy Cận: hai nhà thơ đồng tính luyến ái?
Xuân Diệu là một nhà thơ lớn. Nhiều người đã viết về ông và nhiều nhất là về thơ tình của ông. Nhưng trong thơ tình của Xuân Diệu, những đối tượng nào được ông yêu thì hình như chưa có ai bàn đến. Trong khi, đó lại chính là điểm hứa hẹn nhiều chuyện thú vị.
Chúng ta nên biết là suốt đời Xuân Diệu không có vợ, không có con. Ông sống độc thân cho đến lúc mất, vào năm 1985, lúc 69 tuổi. Trong bài 'Khung cửa sổ', Xuân Diệu tả cuộc sống của mình như sau:
Anh có nhà, có cửa
Nhưng không vợ, không con
Sợ cái bếp không lửa
Sợ cái cửa không đèn.
 
Những đêm đi xa về
Tận xa nhìn cửa đóng
Không ánh sáng đón mình
Chẳng có ai trông ngóng.
Cảm giác ngậm ngùi mỗi lần nói đến chuyện tình yêu đã xuất hiện trong thơ Xuân Diệu ngay trước năm 1945, lúc Xuân Diệu còn là một thanh niên. Lúc đó, khi nhìn những người đẹp, ông đã chua chát tự nhủ thầm:
Ta thấy em xinh khẽ lắc đầu
Bởi vì ta có được em đâu.
Cũng có khi ông trách móc:
Lòng ta là một cơn mưa lũ
Đã gặp lòng em là lá khoai.
Mưa biếc tha hồ tuôn giọt ngọc
Lá khoai không ướt đến da ngoài.
Những cảm giác như vậy xuất hiện nhiều lần trong thơ Xuân Diệu. Có thể nói là mặc dù rất đa tình, Xuân Diệu ít khi được thoả mãn. Lý do chính của tình trạng này có thể làm nhiều người kinh ngạc: Xuân Diệu là một người đồng tính luyến ái.
Ở Hà Nội, trong giới quen biết với Xuân Diệu, hình như đã có nhiều người biết chuyện này. Tuy nhiên, ít ai dám công khai nói ra, có lẽ vì sợ cái uy thế của Xuân Diệu và của Huy Cận. Người đầu tiên dám đề cập đến chuyện này một cách công khai chính là Tô Hoài trong cuốn Cát bụi chân ai xuất bản năm 1993 tại Hà Nội. Tô Hoài kể, trước năm 1945, ông được gặp Xuân Diệu vài lần, lần nào cũng diễn ra cái cảnh:
Xuân Diệu và Huy Cận lên Nghĩa Đô, ở chơi cả buổi và ăn cơm. Dịu dàng, âu yếm, Xuân Diệu cầm cổ tay tôi, nắm chặt rồi vuốt lên vuốt xuống. Bốn mắt nhìn nhau đắm đuối. Xuân Diệu gắp thức ăn cho tôi. Cử chỉ thân thiết quá, hơi lạ với tôi, nhưng mà tôi cảm động. Tôi sướng mắt nhìn tập thơ Thơ thơ khổ rộng nhà in Trung Bắc phố Hàng Buồm. Hai chữ Xuân Diệu nét chì sắc gọn, không phải chữ gỗ dẹp đét.
Thỉnh thoảng, Xuân Diệu lại lên nhà tôi. Vẫn nắm tay cả buổi, nhìn tha thiết. Xuân Diệu yêu tôi. (tr. 168-69)
Cũng trong cuốn hồi ký này, Tô Hoài kể là trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, lúc ở căn cứ Việt Bắc, hằng đêm Xuân Diệu hay sang giường các bạn trai của ông để tỏ tình, âu yếm. Các bạn trai của ông rất sợ, vì vậy cứ đêm đến là họ...đi tị nạn sang các nhà khác, không ai dám ở chung với Xuân Diệu:
Mọi công việc cơ quan lặng lẽ, nhưng cứ tối đến thì nháo lên, nháo lên một cách âm thầm. Các chàng trai trẻ vào ngủ lang trong xóm. Thằng Đại trắng trẻo, mũm mĩm thì biến là phải. Nhưng cả thằng Nghiêm Bình cao to hiên ngang thế, tối cũng lẳng lặng vác cái ghi ta đi. Bốn bên lặng lẽ như tờ. (tr. 171)
Mặc dù Tô Hoài đã được Xuân Diệu vuốt tay và nhìn đắm đuối trước năm 1945 như ông đã kể, nhưng hình như ông cũng chưa hiểu hết mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Cho nên đêm đầu tiên ghé lại khu văn nghệ sĩ ở căn cứ địa Việt Bắc, ông đã an nhiên ngủ lại trong căn nhà này chung với Xuân Diệu. Nửa đêm, lúc ông đang ngủ mê, thì:
Bàn tay ma ở đâu sờ vào. Không phải. Tay người, bàn tay người đầy đặn, ấm ấm. Hai bàn tay mềm mại xoa lên mặt lên cổ rồi xuống dần xuống dần [...].
Trời rạng sáng. Xuân Diệu trở về màn mình lúc nào không biết. Tôi he hé mắt nhớ lại những hứng thú khủng khiếp. Những cảm giác nồng nàn kích thích trong bóng tối đã trơ ra khi sáng bạch. Tôi chạy xuống cánh đồng giữa mưa. (tr. 170)
Cuối cùng, khi chuyện vỡ lỡ, tổ chức đem Xuân Diệu ra kiểm thảo. Tô Hoài viết tiếp:
Cuộc kiểm điểm Xuân Diệu kéo dài hai tối. Hồi ấy chưa biết phương pháp chỉnh huấn, nhưng hàng ngày chúng tôi làm việc giờ giấc nghiêm ngặt, mỗi tổ buổi chiều trước giờ tăng gia lại hội ý rút kinh nghiệm, hướng sửa chữa và công việc ngày mai của từng người. Cả cơ quan họp đến khuya. Chỉ có ông Phan Khôi lên buồng vẫn mắc màn sẵn đi ngủ từ chặp tối, bỏ ngoài tai mọi việc.
Xuân Diệu chỉ ngồi khóc, chẳng biết Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Trọng Hứa, Nguyễn Văn Mãi, cả lão Hiến, thằng Nghiêm Bình, thằng Đại và mấy thằng nữa, có ai ngủ với Xuân Diệu không, nhưng cũng không ai nói ra. Tôi cũng câm như hến. Lúc rồ lên, trong đêm tối quyến rũ, mình cũng điên kia mà. Không nói cụ thể việc ấy, nhưng ai cũng to tiếng gay gắt “tư tưởng tư sản, phải chừa đi.” Xuân Diệu nức nở “tình trai của tôi... tình trai” rồi nghẹn lời, nước mắt lại ứa ra.
Ít lâu sau, trong một cuộc họp ban chấp hành, Xuân Diệu bị đưa ra khỏi ban thường vụ. Và cũng thành một cái nếp kéo dài, từ đấy không ai nhắc nhở đến những việc chủ chốt trước kia Xuân Diệu đã phụ trách. Bỗng dưng, Xuân Diệu thành một người hiếm thì giờ chỉ chuyên đi viết. Mà Xuân Diệu cũng tự xa lánh mọi công tác. (tr. 171-2)
Đó là chuyện ngoài đời. Chuyện này tuy có thể thoả mãn óc tò mò của chúng ta, tuy nhiên nó lại không đáng bàn và cũng không nên bàn nhiều. Dù sao nó cũng là chuyện riêng tư và chúng ta có bổn phận phải tôn trọng chuyện riêng tư đó. Điều đáng nói hơn là chúng ta thử tìm những biểu hiện đồng tính luyến ái trong thơ của Xuân Diệu.
Trong đoạn hồi ký trên, Tô Hoài có nhắc đến chi tiết: Xuân Diệu nức nở nói về 'tình trai' của mình. Tình trai là tình giữa hai người con trai với nhau. Chữ 'tình trai' gợi cho chúng ta nhớ, trong tập Thơ thơ, tác phẩm đầu tay xuất bản năm 1938 của Xuân Diệu, có một bài thơ nhan đề là ‘Tình trai’ như sau:
Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine
Hai chàng thi sĩ choáng hơi men
Say thơ xa lạ, mê tình bạn
Khinh rẻ khuôn mòn, bỏ lối quen.
...
Kể chi chuyện trước với ngày sau
Quên ngó môi son với áo màu
Thây kệ thiên đường và địa ngục
Không hề mặc cả, họ yêu nhau.
Bài thơ viết về chuyện hai nhà thơ Rimbaud và Verlaine của Pháp nhưng qua đó ngụ ý của Xuân Diệu là nói đến chuyện của mình. Yêu bạn trai, ông quên cả chuyện “ngó môi son với áo màu”, tức là phụ nữ. Mối tình trai này tha thiết đến độ “Thây kệ thiên đường và địa ngục / Không hề mặc cả, họ yêu nhau.”
Cũng trước năm 45, Xuân Diệu có bài thơ nhan đề là ‘Tặng bạn bây giờ’:
Ta biết ngày mai em có vợ
Đi làm hai bữa, tối về thăm
Cơm xong, chén nước chờ bên cạnh;
Em bế thằng con được mấy năm.
 
Chỉ mấy năm thôi, đủ phận chồng
Chàng trai tơ mởn đã thành ông
Không còn mộng dễ ngày tươi trẻ
Mắt sáng phai rồi, má hóp không.
 
Em ngồi trông vợ thấy nàng tiên
Là một người thôi, mộng hão huyền
Ta bước bên đường kêu gọi mãi
Nhớ người bạn cũ thuở anh niên.
 
Em nghe tê tái dưới hàng mi
Tiếc thuở say nồng, nhớ bạn si
Khép mắt buồn xa, em sẽ bảo:
- Có chàng Xuân Diệu thuở xưa kia...
Từ trước đến nay, đọc bài thơ trên, ít ai chú ý đó là bài thơ tả mối tình của một người đồng tính luyến ái. Người được tác giả gọi bằng em một cách tha thiết lại là một người con trai. Nhà thơ yêu người con trai đó và ghen tức trước viễn tượng là một ngày kia người con trai sẽ lấy vợ “Ta biết ngày mai em có vợ.”
Sau này, có thời gian Xuân Diệu sống hẳn với một thanh niên tên là Hoàng Cát. Ông làm bài ‘Đời anh em đã đi qua’ tả lại quãng đời hạnh phúc này:
Đời anh em đã đi qua
Sáng thơm như một luồng hoa giữa đời
Hiểu làm sao hết, em ơi
Bốn năm kỳ diệu đất trời nhờ em
Ngôi nhà, cánh cổng, trái tim
Khóm cây, con mắt ngày đêm đón mừng.
 
Em đi, anh ngóng trông chừng
Anh về, miệng đã gọi lừng: em ơi !
Bữa ăn thành một hội vui
Có em gắp với, rau thôi cũng tình
Cảnh thường cũng hoá ra xinh
Có em, anh hết nghĩ mình bơ vơ ...
Khi Hoàng Cát đi bộ đội rồi phải rời Hà Nội vào chiến trường miền Nam, Xuân Diệu làm bài thơ đưa tiễn đầy nước mắt nhan đề là ‘Em đi’ với lời đề “Tặng Hoàng Cát” như sau:
Em đi, để tấm lòng son mãi
Như ánh đèn chong, như ngôi sao.
Em đi, một tấm lòng lưu lại
Anh nhớ thương em, lệ muốn trào.
 
Ôi Cát! Hôm vừa tiễn ở ga
Chưa chi ta đã phải chia xa !
Nụ cười em nở, tay em vẫy
Ôi mặt em thương như đoá hoa.
 
Em hỡi! Đường kia vướng những gì
Mà anh mang nặng bước em đi
Em ơi, anh thấy như anh đứng
Ôm mãi chân em chẳng chịu lìa.
 
Nhưng bóng em đi khuất rồi,
Đứa lìa khúc ruột của anh thôi!
Tình ta như mối dây muôn dặm
Buộc mãi đôi chân, dẫu cách vời.
 
Em hẹn sau đây sẽ trở về
Sống cùng anh lại những say mê
Aùo chăn em gửi cho anh giữ
Xin gửi cùng em cả hẹn thề!
 
Một tấm lòng em sâu biết bao
Để anh thương mãi, biết làm sao!
Em đi xa cách, em ơi Cát
Em chớ buồn, nghe! Anh nhớ, yêu...
(Đêm 11/7/1965, 23 giờ 30)
Hoàng Cát đi rồi, Xuân Diệu buồn vô cùng. Trong bài ‘Đời anh em đã đi qua’, còn có một đoạn cuối nói đến nỗi buồn trống vắng người yêu của Xuân Diệu:
Từ đây anh lại trong đời
Bữa ăn ngồi với một đôi đũa cầm
Giường kia một bóng anh nằm
Phòng văn một sách đăm đăm sớm chiều.
Xin nhắc lại là Hoàng Cát, người được Xuân Diệu gọi là 'em', em Cát,người em có khuôn mặt như đoá hoa, là một người con trai. Và chúng ta thấy, dù người yêu là con trai thì tình cảm của Xuân Diệu vẫn dạt dào và nồng cháy. Nếu chúng ta đừng để ý đến chuyện đồng tính luyến ái của nhà thơ thì đây là một bài thơ tình rất mực đằm thắm. Nó góp một tiếng nói tương đối đẹp vào kho tàng thơ tình vô cùng giàu có của Xuân Diệu.
Một vấn đề khác cũng rất quan trọng là: ai cũng biết người bạn thân nhất của Xuân Diệu là Huy Cận. Chúng ta không thể không thắc mắc: nếu Xuân Diệu là người đồng tính luyến ái, vậy thì Huy Cận là người như thế nào?
Chúng ta nên biết là Huy Cận có hai đời vợ, mà người vợ trước không ai khác hơn là chính em gái ruột của Xuân Diệu. Tuy nhiên, cái chuyện Huy Cận có vợ, một hay hai đời vợ cũng vậy, không có ảnh hưởng gì đến cái kết luận có thể có: ông cũng là một người đồng tính luyến ái, hoặc ít nhất là lưỡng tính luyến ái (bisexual).
Một điều nữa chúng ta cũng cần biết là suốt đời, lúc nào Xuân Diệu và Huy Cận cũng ở bên nhau, như hình với bóng. Từ giữa thập niên 30, họ đã chơi thân với nhau, khi cả hai còn là học sinh trung học. Lúc nào họ cũng cặp kè bên nhau. Trừ khoảng thời gian Xuân Diệu phải đi làm việc ở Mỹ Thọ, họ sống chung với nhau một nhà. Có thời gian, từ năm 1939 đến 1940, Xuân Diệu và Huy Cận sống tại số 40 phố Hàng Than, Hà Nội. Hai người sống trên gác, phía dưới là vợ chồng nhà thơ Lưu Trọng Lư. Rồi đến thời kháng chiến chống Pháp, họ cũng quanh quẩn với nhau ở chiến khu Việt Bắc. Sau năm 1954, họ sống với nhau trong căn nhà ở số 24 Cột Cờ, sau đó đổi thành đường Điện Biên Phủ ở Hà Nội. Huy Cận và vợ con ở trên gác, Xuân Diệu sống phía dưới. Trong một bài thơ, Huy Cận tả:
Đêm đêm trên gác chong đèn
Cận ngồi cặm cụi viết dòng thơ bay
Dưới nhà bút chẳng ngừng tay
Bên bàn Diệu cũng miệt mài trang thơ
Bạn từ lúc tuổi còn thơ
Hai ta hạt chín chung mùa nắng trong
Ánh đèn trên gác, dưới phòng
Cũng là đôi kén nằm trong kén trời
Sáng ra gõ cửa: “Diệu ơi,
Nghe dùm thơ viết đêm rồi xem sao”.
Diệu còn ngái ngủ: “Đọc mau!
Nghe rồi, xem lại từng câu mới tường”.
Dưới nhà trên gác thông thương
Dòng thơ không dứt giữa luồng tháng năm...
Trong bài thơ, Huy Cận dùng chữ ‘hai ta’, ‘Hai ta hạt chín chung mùa nắng trong’. Người Việt Nam không ai dùng chữ ‘hai ta’ hay ‘đôi ta’ để chỉ hai người bạn cùng phái. Cách xưng hô như vậy rất lạ. Trong bài ‘Nửa thế kỷ tình bạn’ in trong tập Xuân Diệu, con người và tác phẩm xuất bản tại Hà Nội năm 1987, Huy Cận kể tỉ mỉ hơn về mối quan hệ giữa ‘hai ta’ đó như sau:
Tựu trường năm 1936, chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên ở trường tú tài Khải Định, Huế. Anh Diệu học năm thứ ba, tôi vào học năm thứ nhất. Hai đứa đọc thơ cho nhau nghe, và ‘đồng thanh tương ứng’, kết bạn với nhau gần như tức khắc... Tựu trường 1937, anh Diệu ra Hà Nội học trường Luật và viết báo Ngày nay, tôi học năm thứ hai ban tú tài... Anh Diệu và tôi viết thư cho nhau hàng tuần... Năm 1938, tôi ra sống với Diệu ở chân đê Yên Phụ. Ở đó Diệu viết ‘Truyện cái giường’, một số bài thơ, còn tôi thì viết ‘Buồn đêm mưa’, ‘Trông lên’, ‘Đi giữa đường thơm’ và mấy bài khác... Tựu trường năm 1939,... hai chúng tôi cùng sống ở gác 40 phố Hàng Than, Hà Nội... Cuối năm 1940, Diệu đi làm tham tá thương chánh ở Mỹ Tho... Chúng tôi tạm sống xa nhau, buồn đứt ruột, hàng tuần viết thư cho nhau, có tuần hai, ba lá thư... Hè 1942, tôi đậu kỹ sư canh nông và cuối năm bắt đầu đi làm ở Sở nghiên cứu tầm tang. Diệu điện hỏi tôi: ‘Diệu từ chức được chưa?’, tôi điện trả lời: ‘Từ chức ngay! Về ngay Hà Nội!’. Chúng tôi sống trên gác Hàng Bông (số nhà 61), tiếp tục làm thơ.
Xuân Diệu và Huy Cận sống với nhau, gắn bó với nhau đến nỗi nhà xuất bản họ lập ra hồi đó cũng mang tên là Huy-Xuân, tức là ghép hai chữ đầu của tên hai người lại với nhau, như tên của một tình nhân hay một cặp vợ chồng trẻ. Rồi trong bài ‘Mai sau’, Huy Cận lại giới thiệu Xuân Diệu như người bạn thân thiết, hay đúng hơn, như một tình nhân thân thiết của mình:
Người ta bảo bà mẹ chàng hay khóc
Chia gia tài cho con quí: lệ đau
Chàng là con một bà mẹ hay sầu
Nên trọn kiếp mắt chàng thường đẫm lệ
[...]
Chiều nay đây nửa thế kỷ hai mươi
Viết dăm câu tôi gửi lại vài người
Những thế hệ mai sau, làm bè bạn
Hỡi ai đó, có nhớ lòng Huy Cận
Gọi gió trăng mà thỏ thẻ lời trên
Rất thương yêu, xin nhớ gọi giùm tên
Rất an ủi của bạn chàng: Xuân Diệu.
Bài thơ trên đã công khai bày tỏ tình cảm của Huy Cận đối với Xuân Diệu. Ngoài ra, bài ‘Vạn lý tình’ rất nổi tiếng của Huy Cận cũng hé lộ một số chi tiết rất đáng chú ý:
Người ở bên này, ta ở đây
Chờ mong phương nọ, ngóng phương này
Tương tư đôi chốn, tình ngàn dặm
Vạn lý sầu lên núi tiếp mây
Nắng đã xế về bên xứ bạn
Chiều mưa trên bãi, nước sông đầy
Trông vời bốn phía không nguôi nhớ
Dơi động hoàng hôn thấp thoáng bay
Cơn gió hiu hiu buồn tiễn biệt
Xa nhau chỉ biết nhớ vơi ngày
Chiếu chăn không ấm người nằm một
Thương bạn chiều ôm, sầu gối tay.
Chi tiết đáng chú ý nhất chính là chữ ‘bạn’ được lặp lại hai lần trong bài thơ, trong câu ‘Nắng đã xế về bên xứ bạn’ và câu ‘Thương bạn chiều hôm, sầu gối tay’. ‘Bạn’ chứ không phải là người yêu. Chúng ta nhớ lại sự kiện khi Xuân Diệu phải đi làm việc ở Mỹ Tho, Huy Cận sống ở Hà Nội, và lời kể của Huy Cận: "Hai đứa phải sống xa nhau, buồn đứt ruột." Một chi tiết khác quan trọng không kém, đó là câu 'Chiếu chăn không ấm người nằm một'. Lúc này Huy Cận còn là học trò, chưa lập gia đình, chưa có vợ con. Người nằm chung chăn, chung chiếu với ông không phải là vợ ông, mà chính là người bạn trai của ông. Điều này sẽ rõ hơn, thuyết phục hơn, khi chúng ta đọc thêm bài ‘Ngủ chung’ cũng của Huy Cận, in trong tập Lửa Thiêng, xuất bản năm 1940:
Ôi rét đêm nay mấy học trò
Ngủ chung giường hẹp, trốn bơ vơ
Cô hồn vạn thuở buồn đơn chiếc
Có lẽ đêm nay cũng ngủ nhờ.
Lạnh lùng biết mấy tấm thân xương!
Ân ái xưa kia kiếp ngủ giường.
Đâu nữa tay choàng làm gối ấm,
Còn đâu đôi lứa chuyện canh sương
Trốn tránh bơ vơ, chạy ngủ lang,
Hồn ơi! có nhớ giấc trần gian
Nệm là hơi thở, da: chăn ấm,
Xương cọ vào xương bớt nỗi hàn?
Bài thơ tả cảnh ngủ chung của học trò cùng phái tính, giữa những người bạn trai với nhau. Ở Việt Nam, đó là chuyện bình thường. Nhưng chúng ta hãy để ý kỹ: cả ngôn ngữ lẫn cảm xúc trong bài thơ này lại thấp thoáng những dấu hiệu không bình thường, chẳng hạn như chuyện ‘ân ái’: 'Ân ái xưa kia kiếp ngủ giường'; rồi ‘đôi lứa’: 'Còn đâu đôi lứa chuyệän canh sương', Rồi chuyện ‘nệm là hơi thở’, ‘da là chăn ấm’, rồi chuyện ‘xương cọ vào xương’, v.v... Đọc kỹ bài thơ, chúng ta thấy ngay tính chất không bình thường của nó. Có lẽ, cùng với bài ‘Tình trai’ và bài ‘Em đi’ của Xuân Diệu, bài ‘Ngủ chung’ này của Huy Cận là những bài thơ tiêu biểu nhất cho chuyện đồng tính luyến ái trong thơ Việt Nam.

Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Cho tròn chữ hiếu/ Phạm Việt Nga chuyển


 
CHỮ HIẾU HÔM NAY
Chu Tất Tiến
 


 
 Mẹ đã nuôi cả mười đứa con thành công về tài chánh, đứa bác sĩ, đứa kỹ sư, dược sĩ...mà bây giờ...
Trong giờ lễ Chủ Nhật, tại nhà thờ Saint Columban, linh mục T. 
đã làm nhiều người nghe phải nhỏ lệ khi ông kể một câu chuyện về một người Mẹ đã nuôi cả mười đứa con thành công về tài chánh, đứa bác sĩ, đứa kỹ sư, dược sĩ, nhưng rồi cả mười đứa con ấy, không nuôi nổi một bà Mẹ già. Đứa nào cũng có lý do để từ chối không muốn ở với Mẹ.

Linh mục T. cũng kể lại lúc ông còn ở Chicago, có một lần trong thời tiết lạnh giá, đến thăm một bà Mẹ, thấy căn nhà rộng mông mênh, không có ai, vì hai vợ chồng đứa con đi làm cả. Điều ông quan tâm là thấy trong nhà rất lạnh, bà Mẹ phải mặc hai áo nhưng vẫn lạnh cóng. Ông có hỏi bà mẹ tại sao không mở máy sưởi, thì bà Mẹ cho biết là không dám mở vì sợ khi con đi làm về, sẽ càm ràm là “tốn tiền điện quá!” Những đứa con sang trọng kia, có thể chờ đến ngày Lễ Mẹ, thì đưa mẹ ra ăn tô phở, hoặc gọi điện thoại về nhà, nói: “I love you, mom!” Thế là đủ bổn phận của một đứa con thành công ở Mỹ đối với người mẹ yêu dấu của mình.

Những Bà Mẹ ở đây là hiện thân của Mẹ Việt Nam đau khổ, đã hy sinh cả cuộc đời cho con cái, nhưng khi con cái phụ rẫy, bỏ bê, cũng im lặng chấp nhận cho đến hết cuộc đời. Có biết bao nhiêu trường hợp như thế trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại? Biết bao nhiêu bà mẹ âm thầm, lặng lẽ chịu đựng tất cả những đau khổ từ khi lấy chồng, sinh con, rồi ráng nuôi dạy con nên người, sau đó lại chấp nhận những đứa con bất hiếu như một định mệnh mà không hề thốt lời than vãn?

Một bà mẹ đã dành dụm bao năm buôn gánh bán bưng để cho con vượt biên một mình, sau đó, khi qua đến Mỹ, thằng con sợ vợ quá, không dám để mẹ ngủ trong phòng, mà bảo mẹ phải ngủ dưới đất trong phòng khách. Một lần, con chó xù của hai vợ chồng đứng đái ngay vào đầu mẹ. Bà mẹ kêu lên, thì đứa con dâu cười, trong khi chồng đứng yên, chẳng dám nói gì.

Bà mẹ khác, không được ở chung với con trai, phải thuê một phòng của người bạn, vì sức khoẻ yếu, lúc nào cũng lo là chết không có ai chôn. Khi nghe nói về bảo hiểm nhân thọ, bà có năn nỉ thằng con trai đứng tên mua giùm, để bà bớt chút tiền già và đóng hàng tháng để mai sau, con có tiền lo hậu sự cho bà, nhưng đứa con dâu nhất định không chịu, cho rằng “tốn tiền vô ích, chết thì thiêu, liệng tro xuống biển là xong, chôn làm gì cho mất thời giờ đi chăm sóc.” Bà cụ uất quá, phát bệnh và qua đời. Không biết rồi bà có được chôn cất đàng hoàng theo ý muốn, hay lại bị cô con dâu vứt tro ra biển.

Không thiếu những bà mẹ khi đến thăm con trai, phải ngồi nhìn vợ chồng ăn uống ríu rít với nhau, vì con dâu không chịu dọn thêm một chén cơm mời mẹ. Một bà mẹ nhớ con nhớ cháu quá, đến thăm con, nhưng sợ con dâu sẽ nhiếc móc thằng chồng, nên vừa vào tới cửa đã vội thanh minh: “Mẹ không ăn cơm đâu! Mẹ vừa ăn phở xong, còn no đầy bụng. Mẹ chỉ đến cho thằng cháu nội món quà thôi!” Không thiếu những bà mẹ vì lỡ đánh đổ một chút nước trên thảm mà bị con nhiếc móc tơi bời. “Trời đất ơi! Cái thảm của người ta cả vài ngàn bạc mà đánh đổ đánh tháo ra thế thì có chết không?”

Có bà mẹ bị bệnh ung thư, biết là sắp chết, mong được con gái đưa về Việt Nam, nhưng con đổ thừa cho chồng không cho phép về, rồi biến mất tăm, sợ trách nhiệm. Mẹ phải nhờ người đưa ra phi trường, nhờ người dưng đi cùng chuyến bay chăm sóc cho đến khi về tới nhà. Từ lúc đó đến lúc mẹ mất, cả con gái lẫn con rể, cháu chắt cũng chẳng hề gọi điện thoại hỏi thăm một lần.

Một bà mẹ già trên 70 tuổi rồi, có thằng con trai thành công lẫy lừng, bốn năm căn nhà cho thuê, nhưng bà mẹ phải lụm cụm đi giữ trẻ, nói đúng ra là đi ở đợ vì phải lau nhà, rửa chén, nấu cơm, để có tiền tiêu vặt và để gộp với tiền già, đưa cả cho… con trai, một thanh niên ham vui, nhẩy nhót tung trời, hai, ba bà vợ. Mỗi khi gặp bà con, chưa cần hỏi, bà đã thanh minh: “Ấy, tôi ngồi không cũng chả biết làm gì, thôi thì đi làm cho nó qua ngày, kẻo ở nhà rộng quá, một mình buồn lắm!”

Trong một cuộc hội thoại, một bà mẹ đã khóc nức nở vì chỉ đứa con gái phụ rẫy, bỏ bà một mình cô đơn. Bà chỉ có một đứa con gái duy nhất, chồng chết trong trại cải tạo. Trong bao nhiêu năm, bà đã gồng gánh nuôi con, rồi cùng vượt biên với con, tưởng mang hạnh phúc cho hai mẹ con, ai ngờ cô con chờ đúng 18 tuổi là lẳng lặng xách vali ra đi. Nước mắt bà đã chảy cho chồng, nay lại chảy hết cho con. Tại những nhà dưỡng lão gần trung tâm Thủ Đô Tị Nạn, có biết bao nhiêu bà mẹ ngày đêm ngóng con đến thăm nhưng vẫn biệt vô âm tín.

Một bà cụ suốt ba năm dài, không bao giờ chịu bước xuống giường, vì biết rằng chẳng bao giờ có đứa con nào đến thăm. Bà đã lẳng lặng nằm suốt ngày trên giường như một sự trừng phạt chính mình vì đã thương yêu con cái quá sức để đến tình trạng bị bỏ bê như hiện tại. Sau ba năm, bà mất vì các vết lở, vì nỗi u uất, mà những người chăm sóc bà vẫn không biết gia cảnh bà như thế nào, vì bà không hề nhắc đến. Có điều chắc chắn là khi bà còn là một thiếu nữ, bà phải là một mẫu người làm cho nhiều người theo đuổi, quyến luyến, tôn sùng.

Chắc chắn bà đã trải qua bao năm tháng thật tươi đẹp, vì cho đến khi mất, khuôn mặt bà, những ngón tay bà, và dáng dấp bà vẫn khoan thai, dịu dàng, pha một chút quý phái. Nhưng tất cả những bí ẩn đó đã được bà mang xuống mồ một cách trầm lặng. Một buổi chiều tháng 5, tại một tiệm phở Việt Nam, một mẹ già đứng tần ngần bên cánh cửa. Khi được mời vào, mẹ cho biết mẹ không đói, nhưng chỉ muốn đứng nhìn những khuôn mặt vui vẻ, để nhớ đến con mình, đứa con đã bỏ bà đi tiểu bang khác, để mẹ ở với đứa cháu là một tên nghiện rượu, đã hăm doạ đánh mẹ hoài. Hắn đã lấy hết tiền trợ cấp của mẹ, lại còn xua đuổi mẹ như cùi hủi. Hôm nay, hắn lái xe chở mẹ đến đầu chợ, đẩy mẹ xuống và bảo mẹ cút đi! Mẹ biết đi đâu bây giờ?

Trong một căn phòng điều trị tại bệnh viện Ung Thư, một bà cụ đã gào lên nức nở khi người bệnh nằm bên được chuyển đi nơi khác. “Bà ơi! Bà bỏ tôi sao? Bà ơi! Đừng đi! Đừng bỏ tôi nằm một mình! Tôi sợ lắm, bà ơi!” Những tiếng kêu, tiếng khóc nấc nghẹn đó lặp đi lặp lại làm người bệnh sắp chuyển đi cũng khóc theo. Người y tá cũng khóc lặng lẽ. Anh con trai của người sắp đi xa, không cầm được giọt lệ, cũng đứng nức nở. Cả căn phòng như ngập nước mắt.
Mầu trắng của những tấm trải giường, mầu trắng của tấm áo cánh của bà cụ như những tấm khăn liệm, tự nhiên sáng lên, buồn bã. Bà cụ nằm lại đó đã không có đứa con nào ở gần đây. Chúng đã mỗi đứa mỗi nơi, như những cánh chim không bao giờ trở lại.

Trên đại lộ Bolsa, thỉnh thoảng người ta thấy một bà mẹ già, đẩy chiếc xe chợ trên chứa đầy đồ linh tinh. Mẹ chỉ có một cái nón lá để che nắng che mưa. Khuôn mặt khắc khổ của mẹ như những đường rãnh bùn lầy nước đọng, đâu đó ở chợ Cầu Ông Lãnh, Thủ Thiêm, gần bến Ninh Kiều, Bắc Mỹ Thuận hay ở gần cầu Tràng Tiền, Chợ Đông Ba? Mẹ đi về đâu, hỡi Mẹ? Những đứa con của mẹ giờ chắc đang vui vầy…

Chu Tất Tiến

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Video Người đẹp và hoa

https://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=pJItAUWfv30#t=0https:

Nhàn đàm văn chương: Mỹ nhân tự cổ như danh tướng/ Bài của Nguyễn Khôi



VỀ CÂU THƠ 

Myõ  nhaân  töï  coå   
nhö  danh  töôùng...

Nguyễn Khôi

*Mỹ nhân tự cổ như danh tướng Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu
(Mỹ nhân ngàn xưa như danh tướng, Chẳng để cho ai thấy bạc đầu )  
  

Giới làm thơ ngày trước ai mà chả thuộc 2 câu thơ cổ :
Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu
  人 自   古  如   
不  許  人  間  見  白  頭  [1]
Tạm dịch :
(Người đẹp ngàn xưa như danh tướng,
Chẳng để cho ai thấy bạc đầu
[2])
 *[1], [2] Ngân Triều chú giải
Còn xuất xứ 2 câu này ở đâu ? ( Đường thi, Tống thi ư ? chủ nhân của 2 câu thơ bất hủ đó là của ai ?...thì để còn " hỏi Thầy" , tra cứu kho tàng chữ nghĩa Trung Hoa đã ? Rồi ậm ừ qua vài trăm năm...có dư...
Thế rồi, có một " con mọt sách " ĐỤC xuyên qua cuốn " Tùy Viên thi thoại " của Viên Mai (đời Thanh) gồm 16 quyển và 10 quyển " bổ di " - tổng cộng là 26 quyển. dịch ra tiếng Việt dày ngót 1000 trang , khổ 16×24...đó là một thứ " tùy bút " nhàn đàm về Thơ, với quan điểm :
Chịu khó tìm Thơ sẽ có Thơ
Tâm linh điểm ấy chính Thầy ta
mà điều kiện cần có của Người làm thơ là 3 chữ " tài, học và thức (kiến thức)- thiếu 1 đều không được !
Tùy Viên tiên sinh kể rằng : Người bạn (của ta) là Quan Thị độc( cỡ Viện trưởng-cố vấn cho vua ) họ Đông có việc phải rời Kinh thành đi Thiên Tân công cán, qua nhà họ Tra, gặp Tiến sĩ Đồng Duệ, vị Tiến sĩ này có nói rằng :
- Thân mẫu Triệu phu nhân, không may sớm là góa phụ, đã ở vậy thờ phụ thân (không tái giá) nuôi dạy con cái nên người, lại hay chữ nghiã, thường làm Thơ...có bài tuyệt cú " cúng ông Táo " như sau :
Tái bái Đông Trù Tư mệnh thần
Liêu tương thanh thủy tiễn hành trần
Niên niên phá ốc đa khôi (hôi) thổ
Tu thứ phu vong tử ấu nhân
Dịch :
Cúi đầu lạy tạ tiễn ông Công
Lễ bạc dâng lên chén nước trong
Nhà nát quanh năm tro bụi bám
Con côi mẹ góa thấu cho lòng.
Nhân đó, vị Tiến sĩ này kể thêm : " Chú của tiểu nhân, có làm bài " Điệu vong cơ " , khóc Người thiếp (vợ lẽ) qua đời, nhiều người họa lại...trong đó có bài của Người thiếp họ Đông , tên là Diễm Tuyết, thì thật là tuyệt diệu. 2 câu kết của bài rằng :
Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu


  人  自  古  如   
不  許  人  間  見  白  頭

2 câu này, có tứ thơ khá gần với câu sau đây của thi sĩ Lạp Điền (đời Tống) :
Bạch phát tòng vô đáo mỹ nhân
(mái đầu tóc bạc từ nay trở đi không bao giờ đến với người đẹp cả...)
Lời bàn thêm : Thật đúng như Bảng nhãn Lê Quý Đôn đã nói :
Văn chương là của công thiên hạ
Ý kiến mỗi người một khác
Phân tích thì được
Chớ không nên chê mắng.

[ Vân Đài Loại Ngữ, Lê Quý Đôn,1726-1784, trang 258, NT chú giải]
Còn André Chénier [1762- 1794, nhà thơ cổ điển Pháp]  thì viết : 
L'art ne fait que des vers,
Le coeur seul est poète. [3]
Nghệ thuật chỉ hình thành những vần thơ 
Riêng tâm tư mới là thi sĩ [4]
  *[3], [4], Ngân Triều chú giải
Ở ta, năm 1934 Thi sĩ Jean Leiba , tên thật Lê Văn Bái [1912-1941] đã tâm đắc :
Người đẹp vẫn thường hay chết yểu
Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai ?
Thế mới biết tài tử giai nhân xưa nay đều có chung một một " nỗi sầu nghìn thu " rồi cùng làm thơ là vậy ?
Góc Thành Nam Hà Nội -25-8-2010
Nguyễn Khôi