Gặp gỡ bạn Vương Văn Ký, 
tại nhà chị Hòa (M 19, cxPhú Lâm A, P12, Q6, TPHCM): 
Tuyết Hồng, Đinh Hỏi, Đạm Phương, Ngô Huệ, Ngọc Dung, Tô Hằng, Phạm Hòa, Nguyễn Chiền, Trần Quen,Vương v Ký,
Ngân Trều, Văn Ri.  Photo by Xuân Lộc

Tuần qua, tôi có dịp đi thăm một người bạn ở cách chỗ tôi 3 giờ lái xe. Trời mưa, lái xe không tiện, xăng lại đắt, tôi chọn đi xe lửa, cũng mất ngần ấy thời gian. Đi xe lửa lại có được cái thú đọc sách, ngủ, ngắm cảnh và thả hồn “mơ mộng”. Dù không còn phun khói, với tôi, xe lửa lúc nào cũng “gợi cảm”: cảnh tiễn đưa ở sân ga lúc nào cũng làm cho tôi nhớ lại bao lần gặp gỡ, hợp tan, ly biệt trong chính cuộc đời của mình. Cuộc đời chẳng khác nào một chuyến xe lửa không có trạm cuối. Ở sân ga này, mình chào tiễn đưa một người bạn. Ở sân ga kế tiếp, mình lại chào đón một người bạn mới. Cứ thế, càng thêm tuổi đời càng giàu thêm bạn bè, thân hữu.

Có lẽ tôi thực sự biết thế nào là “bạn bè” kể từ lúc biết trốn học đi theo mấy người bạn chăn trâu. Không thể nào quên được những ngày trời mưa, chui vào những cái chòi giữa ruộng, lùi một củ khoai mì, nướng một con cá lóc, ăn một lát cơm vắt với muối hột đâm nhuyễn với ớt xiêm…Có lẽ chẳng có cao lương mỹ vị nào có thể xóa tan được hương vị của những “bữa cơm” mà tôi đã từng chia sẻ với những người bạn chăn trâu ấy. Có lẽ cũng đã hơn 50 năm rồi, tôi chưa một lần gặp lại những người bạn ấy. Nghe đâu họ vẫn còn lầm than dãi dầu mưa nắng với cảnh con trâu đi trước cái cày đi sau.

Ngoài những người bạn chăn trâu, tôi cũng có một nhóm bạn thân cùng xóm. Xóm tôi được mệnh danh là “xóm máy gạo”, vì trước nhà tôi có dựng một nhà máy xay lúa. Trong hồi ký, cố nhạc sĩ Phạm Duy dường như rất tự hào khi viết về gốc gác của mình: “Nhà tôi ở phố Hàng Dầu, số nhà 54, đứng đầu…du côn”. Tôi cũng có chút tự hào mỗi khi nhắc lại những “thành tích” phá làng phá xóm của bọn trẻ “xóm máy gạo” của tôi. Mặc cho cha mẹ, các dì phước và ông cha sở có ngăm đe, lũ trẻ chúng tôi vẫn thích “tùng tam tụ ngũ” để, nếu không ăn trộm trái cây, thì cũng bày đủ trò để chọc tức xóm làng hay người qua lại. Trong số bạn bè ấy, chỉ có tôi được may mắn “xuất ngoại”. Những “người muôn năm cũ” của tôi giờ này kẻ ra người thiên cổ, người già yếu bệnh tật, kẻ con đàn cháu đống…Nhưng nhớ đến họ, tôi vẫn giữ nguyên cái hình ảnh của những thằng nhóc “mất dạy” học ở trường thì ít học ngoài đường thì nhiều.

Kể từ bậc trung học, có lẽ do bản tính hướng nội, tôi có nhiều “bạn” hơn “bè”. Người Tây Phương thường nói: “Bạn hãy nói cho tôi biết bạn chơi với ai, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là ai”. Hay như người Việt Nam cũng nói: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Ngay từ lúc nhỏ, tôi cũng thường được dạy dỗ “chọn bạn mà chơi”. Bạn bè xấu có thể lôi kéo mình vào con đường xấu. Đó là điều thường xảy ra trong cuộc sống xã hội. Nhưng trong cuộc đời, nhìn lại, tôi thấy dường như tôi ít tuân thủ nguyên tắc ấy và cũng chẳng có “tiêu chuẩn” nào trong chuyện “tìm bạn bốn phương”. Tôi thường tìm đến với bạn mà chẳng do bất cứ một tính toán hơn thiệt, lợi hại nào cả. Dĩ nhiên, càng dễ chia sẻ với nhau thì càng dễ thiết thân với nhau hơn. Nhưng cũng có lắm trường hợp, dù cho tính khí và ý thích hoàn toàn trái ngược nhau, tư tưởng cũng chẳng hợp nhau, vậy mà người ta vẫn có thể không những là bạn với nhau mà còn là bạn thân thiết nữa.

Thời trung học, tôi rất thích đọc tư tưởng của văn hào Pháp Michel de Montaigne (1533-1592). Trong tuyển tập “Khảo luận” (Essais), ông có dành một chương để viết về tình bạn của ông với một văn sĩ khác tên là Étienne de La Boétie. Tôi vẫn nhớ mãi một câu của ông: “Nếu người ta cứ thôi thúc tôi phải nói tại sao tôi thương ông ta, tôi cảm thấy không thể giải thích được. Tôi chỉ biết trả lời: “Vì ông ta là như thế, vì tôi là như thế”. Theo Montaigne, tình bạn giữa ông và nhà văn La Boétie được nối kết bằng một sức mạnh của định mệnh, không thể giải thích được.

Tại sao mình “chơi” với người này, mà không “chơi” với người khác, tại sao mình thân với người này mà không thân với người khác. Chỉ có trời may ra mới biết. Tình bạn cũng mầu nhiệm như tình yêu lứa đôi.

Đọc truyện Đông Chu Liệt Quốc, tôi thấy có một tình bạn rất đặc biệt. Đó là tình bạn giữa ông Quản Trọng và ông Bảo Thúc Nha.

“Quản Di Ngô, tên tự là Trọng, diện mạo khôi ngô, có tài học bác cổ thông kim, lại có tài kinh bang tế thế. Quản Trọng thường cùng với Bảo Thúc Nha buôn chung với nhau, đến lúc chia lãi, Quản Trọng lấy phần nhiều hơn. Bảo Thúc Nha cũng thuận. Người ngoài đều lấy làm bất bình. Bảo Thúc Nha nói:

“Không phải Quản Trọng tham món tiền nhỏ mọn ấy đâu, chỉ vì nhà hắn nghèo, không đủ ăn, nên ta bằng lòng nhường cho hắn đó”.

Quản Trọng đi lính, mỗi khi ra trận, cứ lùi lại sau, đến lúc thu quân về thì lại đi lên trước, ai cũng cười là người nhát. Bảo Thúc Nha nói:

“Quản Trọng có phải là người nhát đâu, vì hắn còn mẹ già, nên phải giữ gìn thân mình để phụng dưỡng mẹ.”

Quản Trọng lại nhiều khi cùng Bảo Thúc Nha mưu tính công việc, thường thường trái ý nhau. Bảo Thúc Nha nói:

“Người ta làm gì cũng phải gặp thời, giả sử Quản Di Ngô gặp thời thì chắc hẳn trăm việc hắn làm không hỏng một việc.”

Quản Trọng nghe lời Bảo Thúc Nha nói, thở dài mà than rằng: “Sinh ra ta là cha mẹ, biết ta thì chỉ có Bảo Thúc Nha mà thôi.”

Từ bấy giờ hai người kết nghĩa sinh tử với nhau.” (Phùng Mộng Long, Đông Chu Liệt Quốc, hồi thứ 15).

Đọc Kinh Thánh của Do thái và Kitô giáo, tôi cũng thấy có một tình bạn tương tự giữa vua David và Jonathan, con của vua Saulê. Saulê là ông vua luôn sống trong nghi kỵ và ghen tức. Lúc nào ông cũng sợ David tiếm ngôi. Nhiều lần vua Saulê tìm cách giết David, nhưng lần nào Jonathan cũng đều mách bảo để David trốn thoát. Về sau, cả vua Saulê và Jonathan đều ngã gục nơi chiến trường. David đã thương khóc vua Saulê như chính cha mình. Riêng với người bạn Jonathan, trong bài điếu văn, David đã nói trong tiếng khóc nức nở: “Jonathan anh hỡi, lòng tôi se lại vì anh. Tôi thương anh biết chừng nào! Tình anh đối với tôi thật diệu kỳ hơn cả tình nhi nữ.” (Samuel, quyển hai, 1, 26).

Về A-Lịch-Sơn Đại Đế (356- 323 BC), người ta cũng thường truyền tụng về tình bạn giữa ông và người bạn thân Hephaestion. Hai người đã là bạn thân thiết với nhau ngay từ lúc thiếu thời. Mối quan hệ giữa hai người thắm thiết và sâu đậm đến độ vị thày chung của hai người là nhà hiền triết Aristoteles đã mô tả như thể “một linh hồn trong hai thân xác”. Trong các cuộc viễn chinh, lúc nào hai người cũng sát cánh bên nhau. Những lúc nhàn rỗi, hai người cùng chia sẻ cho nhau những tâm tình riêng tư nhứt của mỗi người. Chính vì không muốn xa nhau mà hai người đã quyết định lấy hai công chúa của vua Darius để trở thành anh em cột chèo với nhau.

Nhưng trong các câu chuyện dân gian, đẹp nhứt có lẽ vẫn là tình bạn được người Việt Nam chúng ta đề cao trong truyện thơ nôm Lưu Bình – Dương Lễ. Thương bạn, muốn giúp bạn trở thành người tốt đến độ sẵn sàng để cho vợ mình đến giúp đỡ bạn: chẳng có người bạn nào cao thượng như Dương Lễ!

Lúc nhỏ được nghe truyện Lưu Bình- Dương Lễ, bước vào những năm đầu của bậc Trung học lại được đọc cuốn sách “Những tâm hồn cao thượng” của nhà văn Ý Edmondo De Amicis (1846-1908), bản dịch tiếng Việt của Hà Mai Anh, có lẽ học sinh Việt Nam nào trước năm 1975 cũng đều được dạy cho biết về những đức tính nhân bản và nhứt là giá trị của tình bạn trong cuộc sống. Tôi vẫn còn nhớ mãi câu chuyện về “Lòng hào hiệp” ở chương V của cuốn sách. Nhân vật chính trong cuốn sách kể lại tấm lòng hào hiệp của một người bạn trong lớp. Một số bạn nghịch ngợm đã chọc ghẹo một học sinh tàn tật. Em này đã điên tiết lên cho nên vồ ngay lọ mực trước mắt và ném vào những kẻ trêu chọc mình. Chẳng may lọ mực lại trúng giữa ngực ông thày giáo. Ông hỏi ai đã ném lọ mực. Nhưng chẳng có ai dám hé răng. Cuối cùng vì thương bạn, một học sinh tên là Garone đã đứng lên chịu tội. Nhưng thày biết rõ không phải em. Thấy hành động cao thượng của người bạn, em học sinh tàn tật đã chịu lỗi. Cảm thấy có lỗi, những em đã khiêu khích em bị tật liền đứng lên. Thày nhân dịp này giảng giải cho cả lớp về sự tôn trọng cần phải có đối với người tàn tật và tiện thể đề cao em Garone, người mà thày bảo là “có một trái tim cao thượng”. Do gợi ý của em này, thày cũng tha cho 4 em đã có hành động xúc phạm đến em tàn tật.

Câu chuyện đơn sơ, nhưng có lẽ người học sinh Việt Nam nào trước năm 1975 cũng đều cảm kích về những nghĩa cử và nhứt là tình bạn cao đẹp mà người ta có thể có đối với nhau.

Nhìn lại cuộc đời đã “xanh rêu”, gạn đục khơi trong, sàng lọc tất cả để chỉ giữ lại những gì là cao đẹp nhứt trong cuộc đời, tôi thấy rằng điều đáng trân quý nhứt vẫn là tình bạn. Đúng như người Việt Nam chúng ta vẫn nói “giàu nhờ bạn, sang nhờ vợ”. Chính những người bạn đã làm cho tôi được thêm giàu có hơn trong nhân cách. Chính những người bạn, cách này hay cách khác, đã dạy hay đúng hơn lúc nào cũng mời gọi tôi sống vô vị lợi hơn. Trong tình bạn đích thực, không có tính toán hơn thiệt, không có đắn đo cân nhắc lợi hại, mà chỉ có trao ban và trao ban một cách vô vị lợi mà thôi.

Tôi vẫn hằng tâm niệm về những suy tư về tình bạn mà một người bạn đã sưu tầm và chia sẻ cho tôi:

“Nếu một ngày nào đó, bạn cảm thấy thật buồn và muốn khóc…hãy gọi cho tôi! Tôi không hứa sẽ làm cho bạn cười, nhưng biết đâu tôi sẽ khóc cùng bạn!

Nếu một ngày nào đó, bạn cảm thấy vô cùng đơn độc…hãy gọi cho tôi! Tôi sẽ đến bên bạn, chỉ để im lặng không nói một lời, nhưng tôi muốn bạn biết rằng luôn có tôi bên cạnh.

Nếu một ngày nào đó, bạn phân vân trước những quyết định của mình…hãy gọi cho tôi! Tôi sẽ không quyết định thay bạn, nhưng có thể giúp bạn vững tâm hơn trước sự chọn lựa của mình.

Nếu một ngày nào đó, bạn gặp thất bại trong công việc…hãy gọi cho tôi! Tôi sẽ không đem lại cho bạn một công việc mới, nhưng tôi sẽ giúp bạn tìm thấy một cánh cửa khác của sự thành công.

Nếu một ngày nào đó, bạn vô cùng đau khổ vì phạm phải sai lầm…hãy gọi cho tôi! Tôi không thể sửa chữa sai lầm đó, nhưng tôi có thể giúp bạn nhận ra rằng những sai lầm sẽ giúp bạn trưởng thành và tự tin hơn.

Nếu một ngày nào đó, bạn lo sợ những những điều tốt đẹp sẽ qua đi…hãy gọi cho tôi! Tôi sẽ không níu giữ chúng lại, nhưng tôi giúp bạn hiểu rằng mọi việc đều có những điểm khởi đầu và kết thúc.

Nếu một ngày nào đó, bạn trở nên bế tắc và tuyệt vọng…hãy gọi cho tôi! Tôi không hứa sẽ làm bạn quên đi tất cả, nhưng tôi có thể giúp bạn tìm niềm tin trong cuộc sống.

Nhưng một ngày nào đó, bạn gọi mà không thấy tôi trả lời…hãy đến bên tôi, vì lúc đó tôi đang cần bạn!”

Tôi có rất nhiều người bạn. Bạn tuổi thơ. Bạn học. Bạn đồng nghiệp. Bạn tỵ nạn. Bạn câu cá. Bạn thể dục mỗi buổi sáng…Có những người bạn vong niên. Có những người bạn mới quen. Có những người bạn lâu ngày không gặp và có lẽ sẽ chẳng bao giờ gặp lại. Có những người bạn chỉ còn liên lạc với nhau qua “meo đàn” hay thỉnh thoảng qua điện thoại. Tôi vẫn xem là một mất mát lớn khi vì một lý do nào đó mình không thể liên lạc với bạn bè. Nhưng dù xa hay gần, dù thiết thân hay lạnh nhạt…họ vẫn mãi mãi là bạn của tôi. Họ đã làm cho tôi nên “giàu có” hơn, cho nên tôi chỉ có thể trân trọng và biết ơn tình bạn. Đau buồn nhứt cho tôi có lẽ không phải khi bị bạn “nghỉ chơi”, mà chính là lúc mình trở thành kẻ phản bạn. Đó có lẽ là lúc tôi trở nên nghèo nàn hơn cả.

Chu Thập